Có bao nhiêu nguyên tắc hành nghề công chứng

Công chứng viên đóng vai trò trung tâm, nòng cốt của hoạt động công chứng. Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Công chứng 2014 và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng. Công chứng viên cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Để trở thành công chứng viên, đòi hỏi cá nhân cần có một quá trình học tập tích cực, tích lũy kinh nghiệm và đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Trong hoạt động nghề nghiệp của mình, với tư cách là một công chứng viên đang hành nghề, công chứng viên cần phải am hiểu sâu sắc, tường tận để vận dụng, áp dụng đúng đắn các quy định pháp luật và đạo đức hành nghề trong quá trình hành nghề công chứng và các văn bản quy phạm có liên quan; ngoài việc thực hiện nghiêm túc và đầy đủ những quy định của pháp luật, công chứng viên phải tuân theo và tôn trọng Quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Có thể khẳng định rằng, khi làm bất cứ ngành nghề nào cũng cần phải có đạo đức nghề nghiệp. Ở mỗi nghề nghiệp cụ thể đều cần đến trình độ chuyên môn vững vàng, kinh nghiệm và kỹ năng thuần thục; đồng thời, không thể thiếu được trách nhiệm, tình cảm, đạo đức của người hành nghề gửi gắm trong sản phẩm do mình làm ra. Nghề công chứng cũng vậy, mỗi văn bản công chứng ngoài việc chứa đựng nội dung làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, nó còn là sản phẩm chứa đựng kết quả của quá trình tư duy và gắn theo trách nhiệm của công chứng viên trước việc đảm bảo lợi ích hợp pháp của các bên và trước pháp luật. Trong hành nghề công chứng, công chứng viên phải tuân thủ các nguyên tắc mà Luật Công chứng đã quy định, trong đó có nguyên tắc “Tuân theo quy tắc đạo đức hành nghề công chứng”.

Công chứng là một nghề cao quý, bởi hoạt động công chứng bảo đảm tính an toàn pháp lý, ngăn ngừa tranh chấp, giảm thiểu rủi ro cho các hợp đồng, giao dịch, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức - Đó là một nghề mang tính công quyền. Trong đó, công chứng viên là người được Nhà nước giao quyền, thay mặt Nhà nước chứng nhận tính xác thực và tính hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc tổ chức, cá nhân tự nguyện yêu cầu công chứng. Thông qua hoạt động nghề công chứng, công chứng viên là người góp phần bảo vệ pháp luật, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng khi tham gia giao kết các hợp đồng, giao dịch tại tổ chức hành nghề công chứng. Do vậy, việc tuân thủ hiến pháp, pháp luật; khách quan, trung thực; chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng; tuân theo đạo đức hành nghề công chứng là nguyên tắc không thể thiếu đối với hoạt động hành nghề công chứng của công chứng viên.

Tuy nhiên, hiện nay không ít tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức khi hành nghề công chứng. Vậy thực trạng về hệ thống quy tắc đạo đức hành nghề công chứng hiện nay như thế nào? Những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện quy tắc đạo đức hành nghề công chứng? Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại này từ đâu? Giải pháp nào để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện quy tắc đạo đức hành nghề công chứng trước yêu cầu hội nhập và phát triển?

2. Thực trạng thực hiện quy tắc đạo đức hành nghề công chứng hiện nay

Ngày 30/10/2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 11/2012/TT-BTP, và Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng được ban hành đính kèm Thông tư này. Theo đó, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng quy định các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử của công chứng viên trong hành nghề công chứng, là cơ sở để công chứng viên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong hành nghề và trong đời sống xã hội nhằm nâng cao bản lĩnh, trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, nâng cao uy tín của công chứng viên, góp phần tôn vinh nghề công chứng trong xã hội.

Đạo đức, hiểu theo nghĩa chung nhất, là một hình thái của ý thức, bao gồm những nguyên tắc, chuẩn mực và thang bậc giá trị được xã hội thừa nhận. Đạo đức có tác dụng chi phối, điều chỉnh hành vi của mỗi người, phù hợp với lợi ích của xã hội. Đạo đức của mỗi cá nhân chịu sự tác động của dư luận xã hội, sự kiểm tra của những người khác trong xã hội, cũng như sự tự kiểm tra bởi chính mình. Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng bao gồm các quy tắc chung và quy tắc cụ thể. Theo đó, quy tắc chung quy định công chứng viên phải bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; tuân thủ nguyên tắc hành nghề công chứng; tôn trọng, bảo vệ uy tín, thanh danh nghề nghiệp; rèn luyện, tu dưỡng bản thân. Quy tắc cụ thể quy định mối quan hệ, chuẩn mực ứng xử; trách nhiệm, nghĩa vụ của công chứng viên đối với nghề nghiệp; bảo mật thông tin; bảo quản hồ sơ công chứng; đối xử bình đẳng giữa những người yêu cầu công chứng; thu phí, thù lao công chứng đúng quy định; những việc công chứng viên không được làm; quy định mối quan hệ giữa công chứng viên với đồng nghiệp, với tổ chức hành nghề công chứng, với tổ chức xã hội nghề nghiệp công chứng, với tổ chức, cá nhân khác.

Trước đây, Luật Công chứng năm 2006 chưa có quy định về quy tắc đạo đức hành nghề công chứng nhưng đến năm 2012 Bộ Tư pháp với chức tham mưu, giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hoạt động công chứng đã kịp thời ban hành Thông tư số 11/2012/TT-BTP quy định một cách có hệ thống, tương đối toàn diện về tất cả các vấn đề liên quan nhằm luật hóa đạo đức hành nghề công chứng. Các quy định trong Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng đều rất cụ thể, rõ ràng phù hợp với chuẩn mực chung về đạo đức nghề nghiệp, phù hợp với truyền thống đạo đức dân tộc, đạo đức xã hội, góp phần không nhỏ vào việc chấn chỉnh hoạt động công chứng trong thời gian qua.

Các quy định của quy tắc đạo đức hành nghề công chứng tuy đã được ban hành theo trình tự, thủ tục các văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng trong thực hiện các quy định của quy tắc đạo đức hành nghề công chứng vẫn còn phải nhiều vấn đề cần xem xét, nhìn nhận, đánh giá.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được sau khi quy tắc đạo đức hành nghề công chứng có hiệu lực, góp phần xây dựng đội ngũ công chứng viên có trình độ chuyên môn cao, đạo đức nghề tốt, thì vẫn còn những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.

Thứ nhất, tình trạng công chứng viên vi phạm pháp luật đến mức phải xử phạt vi phạm hành chính, bị xử lý hình sự vẫn còn xảy ra. Theo Tài liệu Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Công chứng năm 2014 do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 14/01/2022 cho thấy trong giai đoạn từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/12/2019 có tới 320 công chứng viên và 279 tổ chức hành nghề công chứng bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 3,36 tỷ đồng và cũng trong giai đoạn này, có tới 2.606 văn bản công chứng bị khởi kiện ra Tòa án nhân dân với tổng số tiền tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường theo bản án, quyết định của Tòa án trên 12 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong thời gian qua cũng diễn ra tình trạng một số công chứng viên bị xử lý hình sự. Ví dụ: Ngày 04/8/2021, Công an tỉnh Bình Thuận đã thực hiện lệnh bắt tạm giam P.V.T (63 tuổi, ngụ phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết), Trưởng Văn phòng công chứng T.Đ có trụ sở ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, để điều tra về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ngày 5/4/2023, thông tin từ Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam bốn tháng đối với ông B.V.A (SN 1954), công chứng viên Văn phòng công chứng B.A (đóng tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Thứ hai, một tổ chức hành nghề công chứng không tuân theo đúng định hướng và quy hoạch. Việc tập trung quá nhiều tổ chức hành nghề công chứng tại một số địa bàn tại các tỉnh, thành phố lớn đã dẫn đến việc phát sinh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh nhằm thu hút, lôi kéo khách hàng. Từ đó, nghề công chứng ít nhiều đã bị ảnh hưởng, làm giảm sút chất lượng, nhất là chất lượng “pháp lý” của loại hình dịch vụ công này. Thực tế đã xảy ra, có một số tổ chức hành nghề công chứng mở địa điểm, văn phòng tiếp nhận hồ sơ công chứng ngoài trụ sở không đúng quy định làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng hoạt động công chứng. Để thu hút khách hàng, có tổ chức hành nghề công chứng đã bất chấp quy định của pháp luật, lén lút mở điểm công chứng ngoài trụ sở, công chứng “dạo”... Ví dụ: Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh (ngày 26/10/2018) đã phản ảnh một tổ chức hành nghề công chứng tại thành phố Hồ Chí Minh mở chi nhánh “sai luật” để thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ công chứng.

Thứ ba, tại một số địa phương trong cả nước đã xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động công chứng thông qua việc công chứng ngoài trụ sở không có lý do theo quy định như: giành giật khách hàng, đặt hàng và chia tỷ lệ mức thu phí hợp đồng, giao dịch giữa cán bộ của tổ chức tín dụng với tổ chức hành nghề công chứng; tổ chức hành nghề công chứng cho nhân viên đến ngồi trực tiếp tại các ngân hàng để giúp khách hàng hoàn thiện các thủ tục của hợp đồng, giao dịch rồi mang về cho công chứng viên ký.

Thứ tư, thực tế hiện nay số lượng công chứng viên trong toàn quốc tăng nhanh nhưng chất lượng đội ngũ công chứng viên và người được giao làm nhiệm vụ công chứng ở một số nơi chưa đồng đều, năng lực hoạt động có mặt còn hạn chế, tính chuyên nghiệp chưa cao, thiếu sự ổn định, bền vững; còn có công chứng viên vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề, không tuân thủ đúng thủ tục, quy trình nghiệp vụ công chứng theo quy định gây ảnh hưởng đến uy tín hoạt động hành nghề công chứng trong xã hội. Việc phát triển đội ngũ công chứng còn thiếu tính quy hoạch. Việc hợp danh của các công chứng viên còn mang tính hình thức, chủ yếu là “thuê hợp danh”. Tình trạng xin rút hợp danh, gia nhập Văn phòng công chứng của công chứng viên còn dễ dãi, chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát, thực tế đã phát sinh một số tranh chấp giữa các thành viên hợp danh.

Bên cạnh đó, tỷ lệ viên chức lãnh sự, ngoại giao được giao thực hiện việc công chứng có trình độ cử nhân luật, được đào tạo, bồi dưỡng nghề công chứng còn thấp. Ngoài ra, chất lượng hoạt động hành nghề công chứng chưa cao, còn có những sai sót, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; hoạt động công chứng chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng đến uy tín của nghề công chứng trong xã hội.

Thứ năm, việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng còn chưa nhất quán, có phần lúng túng, nhất là sau khi bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng, không đồng đều, chưa gắn với địa bàn dân cư, hầu hết tập trung tại những địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển. Sau khi bỏ quy hoạch xuất hiện xu hướng các văn phòng công chứng chuyển về đô thị hoặc trung tâm của huyện, thị dẫn đến tình trạng một số địa phương tại một số địa bàn cấp huyện không có Văn phòng công chứng nào hoạt động. Các Văn phòng công chứng dù hoạt động theo loại hình công ty hợp danh nhưng trên thực tế có không ít Văn phòng công chứng chỉ có 01 công chứng viên hành nghề thực tế, công chứng viên hợp danh còn lại thực chất là “đi thuê”; tổ chức của một số Văn phòng công chứng còn thiếu tính ổn định, bền vững.

Thứ sáu, vẫn còn xảy ra tình trạng công chứng viên hướng dẫn việc tập sự hành nghề công chứng không đúng quy định, hợp thức hóa hồ sơ hoàn thành tập sự hành nghề công chứng. Việc tập sự hành nghề công chứng chưa thật sự hiệu quả ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công chứng viên. Việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chứng viên đã được bổ nhiệm chưa được thực hiện thường xuyên, dẫn đến chất lượng của một bộ phận công chứng viên đang hành nghề chưa theo kịp yêu cầu công việc. Một bộ phận công chứng viên còn yếu về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ; một số công chứng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp dẫn đến những sai sót trong hoạt động công chứng. Phần lớn các công chứng viên yếu kém này là các công chứng viên được miễn đào tạo, miễn tập sự hành nghề công chứng.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên cho thấy việc thực hiện quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, việc tuân thủ quy tắc đạo đức hành nghề công chứng của công chứng viên chưa được nghiêm túc.

3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện quy tắc đạo đức hành nghề công chứng

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng quy tắc đạo đức hành nghề công chứng được thực hiện không nghiêm, không được kỳ vọng như mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong đó có một số nguyên nhân cơ bản sau:

Một là yếu tố con người. Như chúng ta đã biết, trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội nói chung và lĩnh vực công chứng nói riêng thì con người luôn là yếu tố quyết định. Sinh thời, Bác Hồ luôn nhắc nhở cán bộ là cái “gốc” của mọi việc, lĩnh vực công chứng cũng vậy, cá nhân con người công chứng viên rất quan trọng, là cái “gốc” của mọi hoạt động công chứng. Công chứng viên phải đủ tiêu chuẩn về trình độ, năng lực và đạo đức nghề nghiệp. Để xảy ra những hạn chế, tồn tại nêu trên trước hết là nguyên nhân do chính bản thân công chứng viên chưa nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của nghề công chứng, từ đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp dẫn đến vi phạm, chưa tuân thủ đúng trình tự, thủ tục công chứng, cạnh tranh không lành mạnh. Hoặc khi được bổ nhiệm công chứng viên rồi thì có tư tưởng tự mãn, cho rằng đã đủ năng lực để hành nghề công chứng, không trau dồi kiến thức pháp luật và các kiến thức khác liên quan đến hoạt động công chứng, thậm chí có tình trạng công chứng viên không hành nghề thường xuyên, mỗi năm chỉ công chứng một vài hồ sơ để đối phó với yêu cầu của Luật Công chứng là phải hành nghề liên tục trong năm nếu không sẽ bị miễn nhiệm.

Hai là quy định của Luật Công chứng 2014 về quy tắc đạo đức hành nghề công chứng (Điều 39 Luật Công chứng 2014) chưa được thực hiện nghiêm. Theo quy định này thì Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam phải ban hành quy tắc đạo đức hành nghề công chứng. Tuy nhiên cho đến thời điểm này (8/2023), Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam vẫn chưa ban hành quy tắc đạo đức hành nghề công chứng mà hiện chúng ta vẫn áp dụng quy tắc đạo đức hành nghề công chứng theo Thông tư số 11/2012/TT-BTP. Luật Công chứng 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 vì vậy Thông tư số 11/2012/TT-BTP của Bộ Tư pháp không còn phù hợp nữa. Chính vì vậy, dễ gây tâm lý thiếu tôn trọng quy định của Thông tư này. Các chế tài xử lý công chứng viên khi vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề công chứng thì chưa có quy định cụ thể nên thiếu tính răn đe, phòng ngừa việc vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.

Ba là thể chế về tổ chức, hoạt động công chứng mặc dù đã từng bước hoàn thiện, song vẫn còn nhiều bất cập. Luật Công chứng còn nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế về hành nghề công chứng. Quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên trong Luật công chứng vẫn còn chung chung hoặc chưa dự liệu được hết một số vấn đề bất cập (việc chuyển đổi Văn phòng công chứng một công chứng viên sang loại hình Văn phòng công chứng từ hai công chứng viên trở lên hoặc ngược lại; khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng; chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về bảo hiểm trách nhiệm nghề công chứng; giá trị pháp lý của văn bản công chứng; thành lập tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên; chưa quy định các chính sách ưu đãi phù hợp để phát triển các Văn phòng công chứng tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; quy định về quản lý nhà nước còn một số điểm sơ hở, chưa làm rõ được cơ chế trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong quản lý hoạt động công chứng; chưa có cơ chế phù hợp để hoạt động công chứng phát huy được vai trò tự quản và nghiêm chỉnh thực hiện Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng. Quyền lợi của công chứng viên chưa bảo đảm khi gặp những rủi ro nghề nghiệp).

Bốn là hoạt động của tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức ở một số tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên, tính tự quản chưa cao. Điều này thể hiện thông qua việc có những trường hợp công chứng viên xin vào Hội Công chứng viên và ra khỏi Hội Công chứng viên chỉ trong thời gian ngắn (một vài tháng thậm chí vài tuần, vài ngày) với mục đích chỉ bổ sung thành viên hợp danh cho văn phòng công chứng thiếu thành viên hợp danh chứ không phải mục đích để hành nghề công chứng. Việc xử lý kỷ luật hội viên khi hội viên là công chứng viên có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức cũng chưa được quy định cụ thể trong Điều lệ Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam. Hoạt động của các Hội công chứng viên chưa thực sự hiệu quả trong việc quản lý hội viên, bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm cho hội viên, nhất là việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên. Vì vậy, hội viên chưa tâm huyết, chưa coi Hội thật sự là tổ chức nghề nghiệp của mình, dẫn đến tình trạng vào Hội chỉ là đối phó, để hợp thức hóa việc đăng ký hành nghề, chưa xem Hội là diễn đàn nghề nghiệp của mình.

Ngoài ra, chức năng cơ bản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên là bảo vệ quyền lợi của công chứng viên và giám sát công chứng viên trong việc chấp hành pháp luật và đạo đức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có văn bản quy định cụ thể cơ chế để tổ chức xã hội - nghề nghiệp bảo vệ đầy đủ, kịp thời quyền lợi hợp pháp của công chứng viên khi hành nghề, nhất là việc bản án, quyết định của Tòa án nhân dân tuyên hợp đồng công chứng vô hiệu dẫn đến trách nhiệm bồi thường của công chứng viên nhưng không xác định được lỗi, động cơ vi phạm; đồng thời cũng chưa có hướng dẫn về hình thức, cách thức, phương pháp giám sát của tổ chức xã hội - nghề nghiệp đối với công chứng viên trong việc chấp hành pháp luật và quy tắc đạo đức khi hành nghề hoặc khi phát hiện công chứng viên vi phạm qua công tác giám sát thì thẩm quyền xử lý vi phạm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp vẫn chưa có chế tài cụ thể…

Năm là nguồn lực và các điều kiện bảo đảm thực hiện công tác quản lý nhà nước về công chứng còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước đối về công chứng ở một số địa phương còn lỏng lẻo; sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có lúc chưa chặt chẽ; việc hướng dẫn địa phương trong việc thi hành pháp luật công chứng, trong đó có việc tuân thủ và thực hiện quy tắc đạo đức hành nghề có lúc chưa kịp thời, đôi khi còn chồng chéo giữa các Bộ, ngành liên quan dẫn đến lúng túng cho địa phương khi thực hiện; công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi, giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Quy tắc đạo đức ứng xử hành nghề công chứng còn có điểm chưa đáp ứng được yêu cầu, việc xử lý vi phạm có nơi, có lúc chưa kịp thời, chưa nghiêm.

Đây chính là những nguyên nhân cơ bản của những tồn tại trong việc thực hiện quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế này, tác giả đưa ra một số giải pháp sau:

Một là, để thực hiện tốt Quy tắc Đạo đức hành nghề công chứng, đòi hỏi mỗi công chứng viên phải thường xuyên không ngừng trau dồi, tu dưỡng đạo đức, rèn luyện để giữ gìn uy tín, thanh danh nghề nghiệp, xứng đáng với sự ủy thác của Nhà nước, sự tôn trọng và tin cậy của nhân dân, khách hàng. Đạo đức hành nghề công chứng là sự chuẩn mực về phẩm chất, chuẩn mực về xử sự trong khi hành nghề. Sự chuẩn mực đó được thể hiện trong quan hệ với đồng nghiệp, với người yêu cầu công chứng nói riêng và với nhân dân nói chung, với Nhà nước và xã hội, hướng đến chuẩn mực của công chứng quốc tế.

Hai là, pháp luật cần có quy định rõ ràng, cụ thể hơn để điều chỉnh tổ chức và hoạt động của Văn phòng Công chứng. Cụ thể, để giải quyết tình trạng hiện nay người không phải là công chứng viên, doanh nghiệp bỏ vốn thuê, góp vốn, hợp tác, mượn, nhờ công chứng viên thành lập tổ chức hành nghề công chứng để hướng đến mục tiêu kinh tế, lợi nhuận, thương mại hóa ý nghĩa cao quý của nghề công chứng. Theo đó, cần bổ sung quy định các hành vi bị nghiêm cấm sau: (i) Nghiêm cấm người không phải công chứng viên, doanh nghiệp đầu tư tiền, cơ sở vật chất, thuê, góp vốn, hợp tác chia lợi nhuận, mượn công chứng viên thành lập, nhận chuyển nhượng tổ chức hành nghề công chứng; (ii) Nghiêm cấm công chứng viên cho thuê, cho mượn quyết định bổ nhiệm công chứng viên, cùng góp vốn, nhận góp vốn, liên kết, hợp tác với cá nhân không phải là công chứng viên, doanh nghiệp thành lập, nhận chuyển nhượng tổ chức hành nghề công chứng.

Ba là, trước đòi hỏi ứng dụng công nghệ 4.0 và xu thế công chứng số của thế giới chúng ta cũng cần nghiên cứu kỹ, xây dựng lộ trình vững chắc việc chuyển đổi số hoạt động công chứng. Thiết nghĩ, việc đưa quy định về công chứng số vào Luật Công chứng (sửa đổi) là cần thiết, theo đó cần bảo đảm ba nội dung: (i) Xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối, liên thông; (ii) Công chứng trực tuyến; (iii) Lưu trữ văn bản công chứng điện tử. Về cơ bản, Luật Công chứng (sửa đổi) cần phải tạo được cơ sở pháp lý, đồng bộ hệ thống quy định pháp luật; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để lưu trữ lượng thông tin công chứng lớn và kết nối các tổ chức hành nghề công chứng và các cơ quan, đơn vị có liên quan; xác định trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan… Sau khi đã đạt được những điều kiện cơ bản này, việc đặt vấn đề chuyển đổi số toàn diện (như công chứng trực tuyến) sẽ phù hợp và khả thi hơn trong tương lai.

Bên cạnh đó, để bảo đảm việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về công chứng giảm thiểu các khó khăn về thời gian, nguồn lực cũng như việc chuyển đổi dữ liệu, cần xem xét, đề xuất bổ sung quy định việc Chính phủ (hoặc giao Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, các bộ, ngành liên quan) quy định chuẩn kết nối và xây dựng công cụ kết nối để các địa phương kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu đã có của mình vào cơ sở dữ liệu chung quốc gia.

Về thực hiện hoạt động công chứng trên môi trường điện tử: Văn bản công chứng là một thành phần của rất nhiều thủ tục hành chính. Ngoài ra, để thực hiện công chứng trên môi trường điện tử thì trong thành phần hồ sơ yêu cầu công chứng cũng có rất nhiều loại giấy tờ do các cơ quan khác cấp. Việc quy định về công chứng trên môi trường điện tử nếu không kết nối, liên thông được với các cơ sở dữ liệu khác (như dữ liệu đất đai, hộ tịch...) và không công nhận giá trị thông tin giữa các cơ sở dữ liệu thì không phát huy hiệu quả, thậm chí còn gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng. Do đó, nên bổ sung quy định về nguyên tắc việc công chứng viên có thể sử dụng thông tin trong các cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, hộ tịch... được chia sẻ để thay thế cho giấy tờ bản giấy khi tiếp nhận yêu cầu công chứng, đồng thời quy định các cơ quan tiếp nhận văn bản công chứng như thuế, đăng ký đất đai, công an, đăng ký giao dịch bảo đảm... tiếp nhận văn bản công chứng điện tử thay văn bản công chứng giấy…

Bốn là, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề công chứng, bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng cần phải hết sức được quan tâm, chú trọng đúng mức về thời lượng, chất lượng, khối lượng kiến thức về lý thuyết cũng như thực hành, nhất là kiến thức về “Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng”. Hoạt động này hiệu quả, sẽ giúp cho bản thân người công chứng viên thấy được giá trị cốt lõi của đạo đức hành nghề công chứng, sẽ giúp cho công chứng viên hành nghề và phát triển nghề nghiệp một cách bền vững theo phương châm: “Không vi phạm đạo đức hành nghề công chứng thì không vi phạm quy định pháp luật về công chứng”.

Năm là, Cơ quan quản lý nhà nước, Sở Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại các địa phương và Hội Công chứng viên tại các tỉnh, thành phố cần phối hợp tăng cường quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn tỉnh. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức tín dụng để kịp thời ngăn chặn, xử lý tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động công chứng.

Cùng với đó, Hội Công chứng viên các tỉnh, thành phố cần phát huy vai trò tự quản, tăng cường công tác giám sát hội viên trong việc tuân thủ quy định của pháp luật, Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng. Trường hợp phát hiện công chứng viên sai phạm, kịp thời đề xuất với Sở Tư pháp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định; tránh e ngại, né tránh, thờ ơ hoặc bao che hành vi vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.

Sáu là, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam phải khẩn trương ban hành quy tắc đạo đức hành nghề công chứng mới trên cơ sở tổng kết thực tiễn việc vi phạm pháp luật của tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên trong giai đoạn 2015-2023 (giai đoạn bắt đầu có hiệu lực của Luật Công chứng 2014 đến nay), trên cơ sở góp ý, đóng góp ý kiến rộng rãi của Nhân dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, Hội công chứng viên, các công chứng viên nhằm hướng đến xây dựng hoàn thiện, hiệu quả các quy định của Bộ quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, những chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử của công chứng viên hướng đến chuẩn mực hội nhập, phát triển.

Đồng thời, cần phải nâng cao vai trò tự quản của Hội công chứng viên. Hội công chứng viên phải hoạt động một cách hiệu quả trong quản lý, bồi dưỡng nghiệp vụ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên. Bên cạnh đó, tăng cường vai trò hoạt động của Ban Kiểm tra – giám sát (ở Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam) và Hội đồng Khen thường – kỷ luật (ở Hội công chứng viên) để các tổ chức này làm tốt công tác tham mưu Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Hội Công chứng viên giám sát hội viên việc thực hiện quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.

Tóm lại, trước yêu cầu cấp bách theo xu thế phát triển và hội nhập, để hoạt động công chứng phát triển đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu xã hội, thì vấn đề đạo đức hành nghề công chứng phải được quan tâm và thực thi một cách triệt để trên cơ sở hoàn thiện kịp thời quy định của quy tắc đạo đức và tổ chức thực hiện một cách hiệu quả, nghiêm túc.

*Công chứng viên, Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh Bình Phước, Trưởng Phòng Công chứng số 01, tỉnh Bình Phước.

**Thạc sĩ, Trưởng Bộ môn Đào tạo Công chứng viên và các chức danh khác thuộc Cơ sở TP.HCM, Học Viện Tư Pháp.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

2. Luật Công chứng năm 2014.

3. Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 của Bộ Tư pháp ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.

4. Đặng Văn Dinh, Võ Xuân Cường, Nâng cao chất lượng hoạt động công chứng thời kỳ hội nhập, từ https://tapchitoaan.vn/nang-cao-chat-luong-hoat-dong-cong-chung-thoi-ky-hoi-nhap

5. Phạm Thị Thúy Hồng, Tập sự hành nghề công chứng – Thực trạng và giải pháp hoàn thiện pháp luật, Tạp chí nghề luật tr21, số 6/2022.

6. Xem https://danchuphapluat.vn/thuc-trang-va-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-quan-ly-nha-nuoc-ve-cong-chung-tu-thuc-tien-tai-thanh-pho-ho-chi-minh

7. Xem https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/201309/xa-hoi-hoa-hoat-dong-cong-chung-nhung-ket-qua-dat-duoc-va-mot-so-vuong-mac-ton-tai-292439/


Khoản 2 điều 2 Luật Công chứng năm 2014

Khoản 2 điều 2 Luật Công chứng năm 2014

Xem Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Xem https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/chi-dao-dieu-hanh.aspx?ItemID=3389

Xem Công văn số 676/TTr-KT ngày 05/7/2021 của Thanh tra Bộ Tài chính; và văn bản số: 3354/BTP-BTTP ngày 28/9/2021 của Bộ Tư pháp về việc phối hợp xử lý phản ánh về hoạt động công chứng