Danh mục thuốc thiết yếu lần thứ 7

Cổng thông tin điện tử Bộ Y Tế (MOH) Bản quyền thuộc Bộ Y Tế Số 138A Giảng Võ - Ba Đình - Hà Nội

ĐT: 0246.273.2.273 |Fax:0243.8464.051

Email: Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế hoặc http://moh.gov.vn khi phát hành lại thông tin

ĐT: 0246.273.2.273 |Fax:0243.8464.051

VỀ DANH MỤC THUỐC THIẾT YẾU DO BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ BAN HÀNH

Nội dung

Ngày 30/8/2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư 19/2018/TT-BYT ban hành danh mục thuốc thiết yếu. Theo đó, danh mục bao gồm:

- Danh mục thuốc hóa dược, vắc xin, sinh phẩm thiết yếu (Phụ lục I)

- Danh mục thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu thiết yếu:

+ Thuốc cổ truyền có xuất xứ thuộc danh mục bài thuốc cổ truyền được Bộ Y tế công nhận và được miễn thử lâm sàng;

+ Thuốc dược liệu bao gồm thuốc dược liệu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam và trong thành phần chứa dược liệu có tên trong danh mục vị thuốc cổ truyền thiết yếu ban hành kèm theo Thông tư này;

+ Thuốc theo danh mục thuốc cổ truyền đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này (Phụ lục II);

+ Danh mục vị thuốc cổ truyền (Phụ lục II).

Thông tư 19/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/10/2018, bãi bỏ Thông tư 40/2013/TT-BYT ngày 18/11/2013 và Thông tư 45/2013/TT-BYT ngày 26/12/2013.

                                                           PV.TT THCB.

 File đính kèm

Tải tập tin : 19_2018_tt-byt_393919.pdf

Danh mục thuốc thiết yếu lần thứ 7

Danh mục thuốc thiết yếu lần thứ 7

Thông tư 19/2018/TT-BYT ngày 30 tháng 8 năm 2018 ban hành danh mục thuốc thiết yếu

4.8 (95%) 4 votes

Thông tư này quy định nguyên tắc xây dựng, tiêu chí lựa chọn thuốc thiết yếu bao gồm thuốc hóa dược, vắc xin, sinh phẩm, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu; danh mục thuốc thiết yếu; sử dụng danh mục thuốc thiết yếu và trách nhiệm thực hiện.

Ban hành kèm theo thông tư này danh mục thuốc thiết yếu, bao gồm:

  1. Danh mục thuốc hóa dược, vắc xin, sinh phẩm thiết yếu (Phụ lục I)
  2. Danh mục thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu thiết yếu

Danh mục thuốc thiết yếu sử dụng cho các mục đích:

  1. Xây dựng thống nhất các chính sách của Nhà nước với các hoạt động liên quan nhằm chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
  2. Sử dụng trong các hoạt động đào tạo, giảng dạy, hướng dẫn sử dụng thuốc cho học sinh, sinh viên tại các trường có đào tạo khối ngành sức khỏe.
  3. Xây dựng danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế.
  4. Làm cơ sở để Hội đồng thuốc và điều trị xây dựng danh mục thuốc sử dụng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu điều trị.
  5. Làm cơ sở để xây dựng danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá.
  6. Quy định phạm vi bán lẻ thuốc tại cơ sở bán lẻ là tủ thuốc trạm y tế xã.

THÔNG TƯ NÀY CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH KỂ TỪ NGÀY 15 THÁNG 10 NĂM 2018, bãi bỏ thông tư số 40/2013/TT-BYT và Thông tư 45/2013/TT-BYT

DOWLOAD VĂN BẢN GỐC DƯỚI ĐÂY

19_2018_TT_BYT_2018_VNRAS

Danh mục thuốc thiết yếu lần thứ 7

Nguồn: TÀI LIỆU ĐÀO TẠO LIÊN TỤC NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO CÁN BỘ DƯỢC LÀM VIỆC TẠI TRẠM Y TẾ XÃ HOẠT ĐỘNG THEO NGUYÊN LÝ Y HỌC GIA ĐÌNH- Bộ Y tế -2019

THUỐC THIẾT YẾU

Khái niệm

Thuốc thiết yếu là thuốc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của đa số Nhân dân thuộc Danh mục thuốc thiết yếu do Bộ Y tế ban hành.

Danh mục thuốc thiết yếu là cơ sở để xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại Trạm Y tế đáp ứng nhu cầu điều trị và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Danh mục thuốc thiết yếu 

Hiện nay đang sử dụng "Danh mục thuốc thiết yếu” được ban hành kèm theo Thông tư số 19/2018/TT-BYT, ngày 30 tháng 8 năm 2018 của Bộ Y tế.

Nguyên tắc xây dựng danh mục thuốc thiết yếu:

Căn cứ vào các tiêu chí lựa chọn thuốc, các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, các quy trình chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; kế thừa danh mục thuốc thiết yếu Việt Nam lần thứ VI và tham khảo danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới;

Phù hợp với chính sách, pháp luật về thuốc, thực tế sử dụng và khả năng bảo đảm cung ứng thuốc của Việt Nam;

Quy định về cách ghi tên thuốc trong Danh mục thuốc thiết yếu:

Không ghi tên riêng của thuốc;

Thuốc hóa dược, sinh phẩm: được ghi theo tên chung quốc tế của hoạt chất hoặc hỗn hợp hoạt chất trong công thức thuốc;

Vắc xin được ghi theo loại vắc xin hoặc tên thành phần của vắc xin (ví dụ: vắc xin phòng bệnh viêm gan B);

Vị thuốc cổ truyền được ghi theo tên của dược liệu gồm tên tiếng Việt thường gọi và tên khoa học. Tên tiếng Việt của dược liệu có thể được gọi bằng tên khác nhưng phải có cùng tên khoa học;

Thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền (trừ vị thuốc cổ truyền): được ghi theo tên tiếng Việt của từng thành phần dược liệu hoặc vị thuốc có trong cùng công thức thuốc. Trường hợp tên dược liệu, vị thuốc bằng tiếng Việt có các cách gọi khác nhau thì căn cứ vào tên khoa học của dược liệu.

Tiêu chí lựa chọn thuốc vào danh mục Thuốc thiết yếu:

Thuốc được xem xét lựa chọn vào danh mục thuốc thiết yếu khi đáp ứng các yêu cầu sau:

Tiêu chí chung:

Bảo đảm an toàn, hiệu quả cho người sử dụng;

Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của đa số nhân dân.

Tiêu chí cụ thể:

Thuốc hóa dược, sinh phẩm: ưu tiên lựa chọn các thuốc đơn thành phần, nếu là đa thành phần phải chứng minh được sự kết hợp đó có lợi hơn khi dùng từng thành phần riêng rẽ về tác dụng và độ an toàn;

Vắc xin: ưu tiên lựa chọn vắc xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng; vắc xin mà Việt Nam đã sản xuất được và đã được cấp giấy phép lưu hành; vắc xin dùng cho các dịch lớn; vắc xin dùng để phòng các bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng;

Thuốc cổ truyền (trừ vị thuốc cổ truyền), ưu tiên lựa chọn: thuốc được sản xuất tại Việt Nam; Các chế phẩm thuộc đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh và tương đương đã được nghiệm thu và cấp giấy đăng ký lưu hành; Các chế phẩm có xuất xứ từ danh mục bài thuốc cổ truyền đã được Bộ Y tế công nhận;

Vị thuốc cổ truyền ưu tiên lựa chọn: những vị thuốc chế biến từ dược liệu có trong Dược điển Việt Nam; những vị thuốc được chế biến từ các dược liệu đặc thù của địa phương, các vị thuốc được chế biến từ dược liệu thuộc danh mục dược liệu được nuôi trồng, thu hái trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị và khả năng cung cấp;

Thuốc dược liệu: ưu tiên lựa chọn các thuốc dược liệu trong thành phần chứa các dược liệu hoặc hỗn hợp các dược liệu có tên trong Danh mục vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo danh mục vị thuốc cổ truyền thiết yếu.

Danh mục thuốc thiết yếu

Ban hành kèm theo Thông tư này danh mục thuốc thiết yếu, bao gồm:

Danh mục thuốc hóa dược, vắc xin, sinh phẩm thiết yếu (Phụ lục I)

Danh mục thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu thiết yếu:

Thuốc cổ truyền có xuất xứ thuộc danh mục bài thuốc cổ truyền được Bộ Y tế công nhận và được miễn thử lâm sàng;

Thuốc dược liệu bao gồm thuốc dược liệu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam và trong thành phần chứa dược liệu có tên trong danh mục vị thuốc cổ truyền thiết yếu ban hành kèm theo Thông tư này;

Thuốc theo danh mục thuốc cổ truyền đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này (Phụ lục II);

Danh mục vị thuốc cổ truyền (Phụ lục II).

Sử dụng danh mục thuốc thiết yếu

Danh mục thuốc thiết yếu được sử dụng cho các mục đích sau đây:

Xây dựng thống nhất các chính sách của Nhà nước về: đầu tư, quản lý giá, vốn, thuế, phí các vấn đề liên quan đến sản xuất, kinh doanh, bảo quản, kiểm nghiệm, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc để bảo đảm có đủ thuốc trong danh mục thuốc thiết yếu phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Sử dụng trong các hoạt động đào tạo, giảng dạy, hướng dẫn sử dụng thuốc cho học sinh, sinh viên tại các trường có đào tạo khối ngành sức khỏe.

Xây dựng danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế.

Làm cơ sở để Hội đồng thuốc và điều trị xây dựng danh mục thuốc sử dụng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu điều trị trình người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phê duyệt.

Làm cơ sở để xây dựng Danh mục thuốc đấu thầu, Danh mục thuốc đấu thầu tập trung, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá.

Quy định phạm vi bán lẻ thuốc tại cơ sở bán lẻ là tủ thuốc trạm y tế xã, bao gồm:

Thuốc có ký hiệu (*) trong danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm thiết yếu;

Toàn bộ thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền thiết yếu ban hành kèm theo Thông tư này.

THUỐC BẢO HIỂM Y TẾ

Khái niệm

Thuốc Bảo hiểm y tế là những thuốc nằm trong Danh mục thuốc được thanh toán của quỹ Bảo hiểm y tế do Bộ y tế ban hành

Danh mục thuốc được thanh toán của quỹ Bảo hiểm y tế là cơ sở để quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thuốc sử dụng cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.

Danh mục thuốc tân dược

Hiện nay đang sử dụng “Danh mục thuốc tân dược được thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế” được ban hành kèm theo Thông tư số 30/2018/TT-BYT, ngày 30 tháng 10 năm 2018 của Bộ Y tế.

Cấu trúc danh mục thuốc và phân hạng sử dụng

Danh mục thuốc hóa dược và sinh phẩm tại Phụ lục 01 được sắp xếp vào 27 nhóm lớn theo tác dụng điều trị, được phân thành 8 cột, cụ thể như sau:

Cột 1: Ghi số thứ tự của thuốc có trong Danh mục;

Cột 2: Ghi tên thuốc. Tên thuốc được ghi theo tên hoạt chất theo danh pháp INN (International Non-propertied Name). Trường hợp không có tên theo danh pháp INN thì ghi theo tên hoạt chất được cấp phép lưu hành. Các thuốc được sắp xếp theo 27 nhóm lớn, theo mã ATC (giải phẫu, điều trị, hóa học);

Cột 3: Ghi đường dùng, dạng dùng của thuốc; không ghi hàm lượng, không ghi cụ thể dạng bào chế trừ một số dạng bào chế có sự khác biệt rõ ràng về hiệu lực, tác dụng điều trị. Đường dùng thuốc trong Danh mục tại Phụ lục 01 được thống nhất như sau:

Đường uống bao gồm các thuốc uống, ngậm, nhai, đặt dưới lưỡi;

Đường tiêm bao gồm các thuốc tiêm bắp, tiêm dưới da, tiêm trong da, tiêm tĩnh mạch, tiêm truyền, tiêm vào ổ khớp, tiêm nội nhãn cầu, tiêm trong dịch kính của mắt, tiêm vào các khoang của cơ thể;

Đường dùng ngoài bao gồm các thuốc bôi, xoa ngoài, dán ngoài da, xịt ngoài da, thuốc rửa;

Đường đặt bao gồm các thuốc đặt âm đạo, đặt hậu môn, thụt hậu môn/trực tràng;

Đường hô hấp bao gồm các thuốc phun mù, dạng hít (dung dịch, hỗn dịch, bột dùng để hít), khí dung;

Đường nhỏ mắt bao gồm các thuốc nhỏ mắt, tra mắt; đường nhỏ tai bao gồm các thuốc nhỏ tai; đường nhỏ mũi bao gồm thuốc nhỏ mũi, xịt mũi;

Đường dùng, dạng dùng khác được ghi cụ thể trong Danh mục đối với một số thuốc có dạng dùng đặc biệt, khác với các dạng dùng nêu trên;

Cột 4, 5, 6, 7: Ghi hạng bệnh viện được sử dụng. Thuốc, hoạt chất trong Danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm trong Danh mục tại Phụ lục 01 được sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hạng bệnh viện, cụ thể như sau:

Bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I sử dụng các thuốc quy định tại cột 4;

Bệnh viện hạng II sử dụng các thuốc quy định tại cột 5;

Bệnh viện hạng III và hạng IV, bao gồm cả phòng khám đa khoa thuộc bệnh viện đa khoa hoặc trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố sử dụng các thuốc quy định tại cột 6;

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là trạm y tế xã, phường, thị trấn, y tế cơ quan và tương đương sử dụng các thuốc quy định tại cột 7;

Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước có ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế nhưng chưa được phân hạng bệnh viện: Căn cứ năng lực chuyên môn, trang thiết bị y tế và danh mục dịch vụ kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh để thống nhất, quyết định việc sử dụng thuốc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này theo hạng bệnh viện phù hợp;

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước thuộc hệ thống Quân đội, Công an có ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế nhưng chưa được phân hạng bệnh viện: Căn cứ năng lực chuyên môn, trang thiết bị y tế và danh mục dịch vụ kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý trực tiếp của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh để thống nhất, quyết định việc sử dụng thuốc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này theo hạng bệnh viện phù hợp;

Đối với bệnh viện tư nhân có ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế nhưng chưa thực hiện việc phân tuyến chuyên môn kỹ thuật để xếp hạng tương đương: Căn cứ năng lực chuyên môn, trang thiết bị y tế và danh mục dịch vụ kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh để thống nhất, quyết định việc sử dụng thuốc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật phù hợp để xếp hạng tương đương;

Đối với phòng khám tư nhân có ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế nhưng chưa thực hiện phân tuyến chuyên môn kỹ thuật: Căn cứ năng lực chuyên môn, trang thiết bị y tế và danh mục dịch vụ kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh để thống nhất, quyết định việc sử dụng thuốc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này nhưng không quá phạm vi danh mục thuốc của bệnh viện hạng III;

Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện được các dịch vụ kỹ thuật của tuyến cao hơn theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật thì được sử dụng các thuốc theo danh mục thuốc quy định đối với tuyến cao hơn, phù hợp với dịch vụ kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổng hợp, gửi danh mục thuốc cho cơ quan bảo hiểm xã hội để làm cơ sở thanh toán;

Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa tỉnh sử dụng các thuốc không đi kèm với dịch vụ kỹ thuật, căn cứ vào năng lực chuyên môn, trang thiết bị y tế, nhu cầu điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế, Sở Y tế chủ trì, phối hợp Bảo hiểm xã hội tỉnh xác định danh mục thuốc vượt hạng được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó, nhưng không cao hơn hạng của bệnh viện đa khoa tỉnh;

Cột 8: Ghi điều kiện, tỷ lệ thanh toán và ghi chú cụ thể của một số thuốc.

Danh mục thuốc phóng xạ và chất đánh dấu trong Danh mục tại Phụ lục 02 bao gồm 5 cột:

Cột 1: Ghi số thứ tự của thuốc trong danh mục;

Cột 2: Ghi tên thuốc. Tên thuốc được ghi theo tên chung quốc tế theo danh pháp INN (International Non-propertied Name). Trường hợp không có tên theo danh pháp INN thì ghi theo tên hoạt chất được cấp phép lưu hành;

Cột 3: Ghi đường dùng của thuốc;

Cột 4: Ghi dạng dùng của thuốc;

Cột 5: Ghi đơn vị sử dụng của thuốc.

Thuốc phóng xạ và chất đánh dấu trong Danh mục tại Phụ lục 02 không theo phân hạng bệnh viện và chỉ được sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện việc chẩn đoán, điều trị bằng phóng xạ.

Nguyên tắc chung về thanh toán chi phí thuốc đối với người bệnh tham gia bảo hiểm y tế

Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thuốc theo số lượng thực tế sử dụng cho người bệnh và giá mua vào của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về đấu thầu mua thuốc, phù hợp với phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định của Luật bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong trường hợp chỉ định thuốc phù hợp với chỉ định trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo hồ sơ đăng ký thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép hoặc hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế. Trường hợp không có chỉ định trong trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo hồ sơ đăng ký thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép, không có trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế nhưng cần thiết trong điều trị, Bộ Y tế sẽ lập Hội đồng để xem xét cụ thể từng trường hợp.

Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với các thuốc, lô thuốc đã có quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi theo văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế.

Quỹ bảo hiểm y tế không thanh toán đối với các trường hợp:

Chi phí các thuốc đã được kết cấu vào giá của dịch vụ kỹ thuật, khám bệnh, ngày giường điều trị hoặc giá thu trọn gói theo ca bệnh theo quy định hiện hành;

Phần chi phí của các thuốc đã được ngân sách nhà nước hoặc các nguồn khác chi trả;

Thuốc được sử dụng trong thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.

Danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền

Hiện nay đang sử dụng “Danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế” được ban hành kèm theo Thông tư số 05/2015/TT-BYT, ngày 17 tháng 03 năm 2015 của Bộ Y tế, bao gồm:

Danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu;

Danh mục vị thuốc y học cổ truyền.

Cấu trúc Danh mục thuốc, vị thuốc

Danh mục thuốc được sắp xếp thành 11 nhóm theo y lý y học cổ truyền và có 5 cột như sau:

Cột (1) ghi số thứ tự của thuốc trong Danh mục;

Cột (2) ghi số thứ tự của thuốc trong mỗi nhóm;

Cột (3) ghi đầy đủ tên thành phần của thuốc theo tên dược liệu; các thành phần có dấu gạch chéo “/” là thành phần có thể thay thế lẫn nhau; thành phần đặt trong dấu ngoặc đơn “()” là thành phần có thể gia, giảm;

Cột (4) ghi đường dùng

Cột (5) ghi chú một số thông tin cần lưu ý trong giới hạn chỉ định và giới hạn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được sử dụng thuốc.

Danh mục vị thuốc bao gồm 349 vị thuốc từ cây, con, khoáng vật làm thuốc được sắp xếp thành 30 nhóm theo y lý y học cổ truyền và có 6 cột như sau:

Cột (1) ghi số thứ tự của vị thuốc trong Danh mục;

Cột (2) ghi số thứ tự của vị thuốc trong mỗi nhóm;

Cột (3) ghi tên vị thuốc;

Cột (4) ghi nguồn gốc của vị thuốc: ký hiệu “B” chỉ các vị thuốc được nuôi trồng khai thác từ nước ngoài; ký hiệu “N” chỉ các vị thuốc được nuôi, trồng hoặc khai thác trong nước;

Cột (5) ghi tên khoa học của vị thuốc;

Cột 6 ghi tên khoa học của cây, con hoặc khoáng vật làm thuốc.

Hướng dẫn sử dụng Danh mục thuốc, Danh mục vị thuốc

Đối với Danh mục thuốc:

Các thuốc có trong danh mục được sử dụng tại trạm y tế phải tuân thủ theo quy định về kê đơn thuốc và phù hợp với khả năng chuyên môn của trạm y tế;

Các thuốc được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán khi có thành phần, đường dùng được ghi trong Danh mục, bao gồm cả các thuốc có các thành phần có thể thay thế lẫn nhau và thuốc có thành phần có thể gia, giảm;

Thuốc được ghi cụ thể thành phần theo tên dược liệu. Các thuốc này được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán khi có thành phần là dược liệu được ghi trong Danh mục thuốc, kể cả dạng chiết xuất, bào chế khác nhau của dược liệu;

Thuốc xếp nhóm này dùng điều trị bệnh thuộc nhóm khác được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán nếu thuốc có chỉ định như đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được Bộ Y tế phê duyệt.

Đối với Danh mục vị thuốc:

Các vị thuốc có trong danh mục được sử dụng tại trạm y tế phải tuân thủ theo quy định về kê đơn thuốc, phù hợp với khả năng chuyên môn và thẩm quyền kê đơn thuốc của bác sĩ y học cổ truyền, y sĩ y học cổ truyền hoặc lương y làm việc tại trạm y tế.

Các vị thuốc có ghi chữ “B” tại cột số (4) trong danh mục được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với vị thuốc có nguồn gốc nuôi, trồng, khai thác từ nước ngoài hoặc trong nước;

Các vị thuốc Linh chi có nguồn gốc từ nước ngoài, Nhân sâm và Tam thất khi kê độc vị hoặc các thang thuốc chỉ có phối hợp của 2 vị thuốc hoặc 3 vị thuốc này phải được hội chẩn trước khi chỉ định sử dụng. Hình thức hội chẩn theo quy chế hội chẩn do Bộ Y tế ban hành.

TÌNH HUỐNG/VẤN ĐỀ TỰ HỌC: 

Anh chị hãy giải thích cách sử dụng danh mục thuốc thiết yếu và danh mục thuốc bảo hiểm y tế hiện nay?

Lập danh mục các thuốc thiết yếu được bán lẻ tại tủ thuốc của Trạm y tế xã, danh mục thuốc được BHYT chi trả dùng tại TYT xã?

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2016), Luật Dược, số 105/2016/QH13, ngày 08/6/2016

Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2008), Luật Bảo hiểm y tế, số 25/2008/QH12, ngày 14/11/2008

Chính phủ (2018), Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, số 146/2018/NĐ-CP, ngày 17/10/2018

Bộ Y tế (2015), Thông tư ban hành danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, số 05/2015/TT-BYT, ngày 17/03/2015.

Bộ Y tế (2018), Thông tư ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, số 30/2018/TT-BYT, ngày 30/10/2018.

Bộ Y tế (2018), Thông tư ban hành danh mục thuốc thiết yếu, số 19/2018/TT-BYT, ngày 30/08/2018.