Đến hiện tại, trường đại học bách khoa, đhqg tp.hcm có 2 ngành đạt chuẩn abet là?

Đạt được chuẩn kiểm định này là mục tiêu hướng đến của nhiều cơ sở GD. Tuy nhiên, với hàng vạn chương trình đào tạo (CTĐT) của các trường CĐ, ĐH trên cả nước, mới có 8 CTĐT ở 4 trường đạt chuẩn kiểm định ABET. 

Khát vọng chinh phục ABET

Tháng 9/2014, cơ sở GDĐH tại Việt Nam “khai trương” đạt chuẩn ABET đầu tiên là Trường ĐH Bách khoa (HCMUT) - ĐH Quốc gia TPHCM, với 2 CTĐT đạt chuẩn: Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính thuộc Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính của trường. Hai chương trình của HCMUT đạt mức 6 năm (mức cao nhất). Trong năm 2020, nhà trường hoàn tất việc đánh giá và công nhận lại 2 CTĐT này.

Sau HCMUT, tháng 11/2018, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TPHCM) là cơ sở GD thứ 2, đồng thời là trường CĐ đầu tiên và duy nhất của cả nước có 2 CTĐT gồm: Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử và Công nghệ kỹ thuật cơ khí đạt chuẩn ABET. 

Gần đây nhất (năm 2019), Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) và Trường ĐH Quốc tế (IU) thuộc ĐH Quốc gia TPHCM cùng có 2 CTĐT đạt chuẩn kiểm định của ABET. Trong đó, 2 CTĐT của Trường ĐH Quốc tế là Kỹ thuật y sinh và Kỹ thuật điện tử – viễn thông; 2 CTĐT của Trường ĐH Duy Tân gồm Kỹ thuật mạng và Hệ thống thông tin quản lý.

Hiện, một số cơ sở GDĐH cũng trong quá trình chuyển động, hoàn tất các công đoạn kiểm định của ABET. TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) cho hay: Dự kiến tháng 5, nhà trường tiến hành đánh giá giai đoạn cuối 4 CTĐT theo chuẩn ABET gồm: Công nghệ thông tin, Cơ khí, Công nghệ thực phẩm, Hệ thống thông tin. 

PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai) khẳng định, đạt chứng nhận kiểm định chất lượng CTĐT chuyên ngành kỹ thuật theo chuẩn của ABET là một trong những mục tiêu đánh giá chất lượng các CTĐT của LHU. 

“Từ năm 2018, trường xác định mục tiêu đưa 2 CTĐT: Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử (Khoa Cơ điện – Điện tử) và Công nghệ thông tin (Khoa CNTT) đạt chuẩn kiểm định ABET. Từ đó đến nay, trường đề ra nhiều kế hoạch để hai khoa tiếp cận bộ tiêu chuẩn, từng bước rà soát, điều chỉnh chương trình giảng dạy; xây dựng hệ thống hỗ trợ SV, đội ngũ giảng viên, đội ngũ nhân viên hỗ trợ, công tác quản lý… hướng đến đáp ứng tốt các yêu cầu mà bộ tiêu chuẩn đề ra. Quyết tâm của nhà trường, năm 2022 có 2 CTĐT đạt kiểm định ABET” - Phó Hiệu trưởng LHU chia sẻ.

Đến hiện tại, trường đại học bách khoa, đhqg tp.hcm có 2 ngành đạt chuẩn abet là?
SV ngành Kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế (CTĐT đạt chuẩn ABET) trong giờ học thực hành. Ảnh: TG

Lợi ích và thách thức

Có CTĐT đạt chuẩn ABET là khát vọng và mục tiêu nhiều trường hướng tới. Nhưng trong hơn 500 trường ĐH, CĐ cả nước với hàng nghìn CTĐT mới có 8 CTĐT ở 4 trường đạt chuẩn kiểm định ABET cho thấy con số đang ở mức khiêm tốn. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục, để đạt được chuẩn ABET không đơn giản. Đơn vị phải chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về CTĐT, quan hệ doanh nghiệp, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng (một cách liên tục).

Theo PGS.TS Thoại Nam - nguyên Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính (HCMUT), bộ tiêu chuẩn ABET bao gồm 9 tiêu chuẩn: SV; Mục tiêu đào tạo; Khả năng SV; Liên tục cải thiện; Chương trình đào tạo; Ban giảng huấn; Cơ sở vật chất; Hỗ trợ của trường đại học và Tiêu chuẩn riêng của từng chương trình. Trong đó, tiêu chuẩn “Sinh viên” được xem xét đầu tiên, điều này thể hiện quan điểm của ABET xem người học là trung tâm. Tiêu chuẩn này đòi hỏi đơn vị giảng dạy phải theo dõi sự phát triển của SV nhằm giúp họ đạt được các kết quả mong muốn; xem xét các yêu cầu về việc nhận SV vào học, hỗ trợ người học qua hệ thống cố vấn, cách vận hành chương trình…

Đồng thời, điểm nổi bật của ABET là tiêu chuẩn “Khả năng sinh viên” (trước đây là “Chuẩn đầu ra”) với các yêu cầu cụ thể (gồm ít nhất 11 yêu cầu) thể hiện kiến thức, kỹ năng và thái độ của người học đạt được khi tốt nghiệp. Tiêu chuẩn này thể hiện quan điểm đánh giá của tổ chức ABET là đánh giá sự thành công của một chương trình dựa trên kết quả đạt được của người học chứ không tập trung vào những gì giảng viên thực hiện trên lớp.

Tương tự, tại IU để có 2 CTĐT đạt chuẩn ABET, từ năm 2008, nhà trường lên chiến lược và kế hoạch kiểm định chất lượng quốc tế cho các ngành kỹ thuật, công nghệ và chuẩn AACSB cho ngành kinh doanh. Trong đó, nhà trường phải chuẩn bị nhiều khâu từ nhân sự, CTĐT và tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia - giáo sư ĐH Mỹ... 

Bên cạnh những khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn của ABET, kinh phí cũng là một trở ngại khiến các trường ĐH, CĐ chưa mặn mà với bộ tiêu chuẩn kiểm định này. Theo TS Trần Tiến Khoa - Hiệu trưởng IU, tổng kinh phí trung bình cho 1 CTĐT kiểm định theo tiêu chuẩn của ABET khoảng 2 tỷ đồng, trong khi đó so với bộ tiêu chuẩn AUN-QA chỉ tốn 500 triệu đồng/CTĐT. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là chi phí đầu tư cho phòng thí nghiệm, trang thiết bị và hoạt động đào tạo trong những năm trước đó nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo đạt chuẩn kiểm định.

Khó khăn là vậy, nhưng về phía người học, nhà trường, doanh nghiệp sẽ thu được nhiều lợi ích với CTĐT đạt chuẩn ABET.

“SV theo học một chương trình đạt chuẩn kiểm định của ABET sẽ được thụ hưởng CTĐT có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của tổ chức kiểm định nghề nghiệp; có cơ hội việc làm cao sau khi tốt nghiệp và có thể nhận được nhiều ưu đãi khi làm việc cho các công ty, doanh nghiệp của Mỹ. Với cơ sở GDĐH, việc CTĐT đạt chuẩn kiểm định ABET là cơ hội để khẳng định chất lượng đào tạo của chương trình đó và nhà trường… Đồng thời, góp phần tạo động lực để trường tiếp tục triển khai hoạt động tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn kiểm định quốc tế cho các chương còn lại” - PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ. 

Những chương trình tiên phong đạt chuẩn ABET  

Ngày 11-9-2014, ĐH Quốc gia TPHCM đã công bố kết quả kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đạt chuẩn ABET - Mỹ. Theo đó, 2 ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính của Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính Trường ĐH Bách khoa TPHCM đạt chuẩn ABET giai đoạn tháng 9-2014 đến tháng 9-2020. 2 chương trình Trường ĐH Bách khoa đạt mức 6 năm, là mức cao nhất (mức 1 là 2 năm, sau đó mời đoàn đánh giá lại; mức 2: 2 năm gửi báo cáo tự đánh giá sang thẩm định lại để công nhận; mức 3: 6 năm).

GS-TS Vũ Đình Thành, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết: “Để đạt được kết quả ấy, từ năm 2008, Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính của trường đã triển khai thực hiện chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn ABET trong khuôn khổ dự án Tăng cường năng lực nghiên cứu và đào tạo, để cải thiện chất lượng 2 chương trình trên. Kết thúc dự án, chuyên gia ABET sang tư vấn cải thiện chất lượng. Tháng 11-2013, các chuyên gia ABET đã kiểm định 2 chương trình trên tại trường. Hội đồng kiểm định ABET gồm 4 ủy ban và 2 chương trình của trường được kiểm định bởi Ủy ban kiểm định các chương trình máy tính (CAS) và Ủy ban kiểm định các chương trình kỹ thuật (EAC)”.

Đến tháng 11-2018, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng là trường thứ 2 và là trường CĐ duy nhất của cả nước có 2 ngành Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử và Công nghệ kỹ thuật cơ khí đạt chuẩn ABET. Theo TS Lê Đình Kha, Hiệu trưởng nhà trường, kết quả này có tác động quan trọng tới sinh viên - người hưởng lợi trực tiếp từ các chương trình đào tạo đạt chuẩn. Sinh viên học 2 ngành này sẽ được đào tạo toàn diện về kiến thức, kỹ năng, thái độ, nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, được tham gia nhiều hoạt động học thuật. Với bằng tốt nghiệp được công nhận toàn cầu, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội việc làm, không chỉ ở doanh nghiệp trong nước mà còn có thể làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Mới đây, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) và Trường ĐH Duy Tân cùng có 2 chương trình đạt chuẩn kiểm định của ABET. Cụ thể, Trường ĐH Quốc tế có 2 ngành là Kỹ thuật y sinh và Điện tử viễn thông; Trường ĐH Duy Tân có 2 ngành Kỹ thuật mạng và Hệ thống thông tin quản lý.

Như vậy, tính đến nay, trong số gần 500 trường ĐH và CĐ với hàng ngàn ngành đào tạo nhưng chỉ có 8 ngành đào tạo ở 4 trường đạt chuẩn kiểm định ABET. Đây là con số quá khiêm tốn so với số lượng khối ngành công nghệ, kỹ thuật hiện nay ở các trường.   

Đạt chuẩn ABET có lợi gì?

Nhớ lại những ngày đầu theo đuổi chuẩn ABET, PGS-TS Hồ Thanh Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, chia sẻ: “Để đạt được chuẩn ABET không hề đơn giản và phải chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về chương trình đào tạo, quan hệ doanh nghiệp, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng (một cách liên tục). Từ rất sớm (năm 2008), trường đã lên chiến lược và kế hoạch kiểm định chất lượng quốc tế. Chuẩn ABET cho các ngành kỹ thuật, công nghệ và chuẩn AACSB cho ngành kinh doanh được nhắm đến trong kế hoạch lâu dài. Nhà trường đã chuẩn bị chu đáo từ nhân sự, chương trình đào tạo và tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia là các giáo sư ĐH Mỹ, trong đó GS-TS Lê Trọng Thụy (ĐH San Jose, bang California) đã hỗ trợ hướng dẫn nhiệt tình cho các chương trình. Nhà trường đã bàn bạc và thống nhất đề cử 3 chương trình tham gia: Kỹ thuật y sinh, Điện tử - Viễn thông và Kỹ thuật hệ thống công nghiệp. Từ nhân sự là giảng viên các chương trình đến bộ máy quản lý nhà trường đều xem đây là mục tiêu quan trọng cần nhắm đến trong việc khẳng định chất lượng đào tạo của trường, nên mọi việc đều tiến hành khẩn trương và được sự ủng hộ tuyệt đối từ lãnh đạo nhà trường, mà cao nhất là hiệu trưởng”. 

Theo GS-TS Vũ Đình Thành, kết quả kiểm định đạt được không phải là điểm đến cuối cùng của quá trình đảm bảo chất lượng mà nó là điểm khởi đầu cho một quy trình khép kín, liên tục cải tiến nhằm đảm bảo chất lượng và cam kết thực hiện những mục tiêu đã đề ra của trường. Mục tiêu của trường sau khi được công nhận kiểm định, không phải là sự hài lòng, tự mãn với kết quả đã đạt được mà phải là một chiến lược tổng thể, lâu dài về sự cam kết chất lượng của trường đối với người học, với xã hội. Phải  liên tục rà soát và cải tiến chất lượng hoạt động của hệ thống trong quy trình đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ chế tự chủ tài chính và tự chủ hoạt động của trường, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, thông qua nhiều chương trình hợp tác về đào tạo, nghiên cứu. 

Khi một chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định ABET, là chất lượng đào tạo của chương trình đã được thừa nhận trong phạm vi toàn cầu. Điều này gắn với xã hội rất có ý nghĩa, nhất là khi nền kinh tế của đất nước đang cần thu hút đầu tư của nước ngoài, việc kiểm định theo tiêu chuẩn của các hiệp hội ngành nghề tại Mỹ sẽ góp phần thu hút đầu tư thông qua việc khẳng định chất lượng đào tạo cho nguồn nhân lực. Theo học chương trình đạt chuẩn ABET, người học sẽ được thụ hưởng một chương trình đào tạo có chất lượng đáp ứng các yêu cầu nghề nghiệp. Các chương trình đạt chuẩn ABET phải thường xuyên nhận phản hồi từ các đối tượng liên quan như doanh nghiệp, cựu sinh viên... để luôn luôn cải thiện chất lượng của người học. Bên cạnh đó, người học sẽ có cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp cao hơn. Nhiều công ty nêu rõ ưu tiên tuyển dụng người làm tốt nghiệp từ các chương trình đã được kiểm định bởi ABET, cũng như người học sẽ nhận được những ưu đãi khi làm việc cho các công ty của Mỹ, hoặc khi thi các chứng chỉ nghề nghiệp của các tổ chức Mỹ. 

Cũng vì những lợi ích 3 bên “nhà trường - doanh nghiệp - người học” nên hiện nhiều trường như ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng... cũng đặt mục tiêu sẽ có một số ngành đạt chuẩn ABET trong thời gian tới.

ABET là gì?

ABET (Accreditation Board for Engineering and Technology) là một tổ chức kiểm định chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ được thành lập từ năm 1932 bởi các hiệp hội ngành nghề của Mỹ. Đây là một tổ chức kiểm định có uy tín trong cộng đồng quốc tế, được công nhận bởi Ủy ban Kiểm định ĐH (CHEA), gồm Ủy ban Kiểm định kỹ thuật (EAC), Ủy ban Kiểm định công nghệ (TAC), Ủy ban Kiểm định điện toán (CAC) và Ủy ban Kiểm định khoa học ứng dụng (ASAC). Các chương trình được ABET kiểm định là các chương trình về kỹ thuật, công nghệ, điện toán, khoa học ứng dụng, tương ứng với các ủy ban trên. Một chương trình có thể phải được kiểm định bởi 2 ủy ban khác nhau, nếu tên chương trình có chứa các từ hàm ý thuộc 2 lĩnh vực khác nhau. 

Các tiêu chí kiểm định của ABET gồm những tiêu chí chung và riêng cho mỗi chương trình. Cụ thể có 9 tiêu chí: (1) Sinh viên, (2) Mục tiêu giáo dục của chương trình, (3) Chuẩn đầu ra, (4) Cải tiến liên tục, (5) Chương trình, (6), Giảng viên, (7) Cơ sở vật chất, (8)  Sự hỗ trợ, (9) Các tiêu chí của từng chương trình. 

Quá trình kiểm định của ABET cho một chương trình gồm các bước cơ bản sau: Các chuyên viên tư vấn về ABET xem xét tài liệu tự đánh giá của cơ sở đào tạo có chương trình được kiểm định; Các chuyên viên ABET tiến hành chuyến thăm kiểm tra thử tại cơ sở đào tạo, rà soát tất cả tài liệu, các môn học, phòng thí nghiệm, gặp gỡ những người quản lý, giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên, doanh nghiệp… Một nhóm chuyên viên ABET đến cơ sở đào tạo kiểm định chính thức chương trình; chứng nhận kiểm định của ABET sau khi được cấp sẽ được duy trì ở các năm tiếp theo dưới sự theo dõi của ABET, nếu cơ sở đào tạo muốn. 

Các chuyên gia đánh giá gồm các chuyên gia về đánh giá chương trình, những tình nguyện viên từ các trường ĐH, các cơ quan chính phủ, các ngành công nghiệp, hoặc những người hoạt động tư nhân.

Được biết, ABET đã chứng nhận khoảng 3.700 chương trình tại 750 trường ĐH và CĐ. Tại khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam còn có một số chương trình của các trường tại Philippines, Indonesia..

THANH HÙNG

ABET chuẩn kiểm định ABET trường đại học