Goth những kẻ hắc ám review

Otsuichi là bút danh của nhà văn Hirotaka Adachi, sinh năm 1978. Anh là nhà văn Nhật Bản, thường được biết đến với vai trò là đạo diễn phim và tác giả của những truyện ngắn kinh dị. Anh là thành viên của Hội nhà văn trinh thám Nhật Bản và Câu lạc bộ nhà văn Honkaku Mystery. Anh ra mắt lần đầu với tác phẩm “Mùa hè, pháo hoa và xác chết của tôi” khi còn đang là học sinh phổ thông. Thành công lớn trong sự nghiệp viết văn của anh có thể kể đến Goth – tác phẩm đã được chuyển thể thành truyện tranh và phim hoạt hình, và Zoo – tuyển tập truyện ngắn kinh dị cũng được chuyển thể thành phim hoạt hình. Năm 2003, Goth được nhận giải thưởng Honkaku Mystery.

          Với Goth, nếu bạn là fan của thể loại trinh thám – kinh dị, vậy thì cuốn sách này là một lựa chọn hoàn hảo, nếu bạn chưa từng tiếp xúc với thể loại này, hãy để Goth dẫn đường cho bạn.

          Goth là tuyển tập các câu chuyện nhỏ xoay quanh hai nhân vật chính là hai học sinh cấp 3. Hai con người có vỏ bọc xã hội hoàn toàn trái ngược nhau: Morino, một cô gái lạnh lùng, khó gần, lúc nào cũng mặc đồ đen tuyền, mái tóc dài luôn buông xõa che lấp khuôn mặt trắng đến xanh xao; một cậu con trai bình thường như bao người khác – vui vẻ, hòa đồng và được mọi người yêu mến. Không ai có thể tưởng tượng được giữa hai con người như hai mảng đen trắng này lại là hai cực nam châm đối dấu nhau. Họ hút lấy nhau bởi một loại ám ảnh: cái chết.

          Mối quan hệ giữa họ, tôi không chắc có thể gọi là tình bạn được không. Vì bản thân họ cũng hơn một lần khẳng định, họ chỉ trò chuyện với nhau khi không có ai ở bên cạnh người còn lại, nghĩa là khi ở bên nhau, thế giới của họ chỉ tồn tại hai nhân thể. Chủ đề của những câu chuyện hàng ngày của họ là cái chết, những vụ án mạng. Bằng một cách nào đó, họ luôn vô tình, hoặc hữu ý, vướng vào những sự kiện bí ẩn đến rùng rợn: một cuốn sổ ghi chép quá trình giết người, chiếc tủ lạnh chứa đầy bàn tay, lũ chó bị bắt cóc, vụ treo cổ kì quái, đứa trẻ bị chôn sống, cuốn băng thu âm giọng nói của người chết… Tuy nhiên, khác với các thể loại trinh thám thông thường, hai nhân vật của chúng ta không hề tham gia vào việc truy tìm hung thủ để đòi lại công lý hay phá án, trái lại, họ trực tiếp bước chân vào bóng tối và quan sát. Họ nhìn những tội ác ấy diễn ra trước mắt mình một cách bình thản, như cách một nhà khoa học quan sát thí nghiệm của mình.

          “Morino chỉ mặc đồ đen. Toàn thân nàng từ mái tóc suôn dài cho đến mũi giày đều tuyền một màu đen. Ngược lại da nàng trắng hơn bất kỳ ai tôi từng gặp, đôi bàn tay tựa như làm bằng sứ. Dưới mắt trái của nàng có một nốt ruồi nhỏ giống như kiểu vẽ mặt của chú hề, tạo cho nàng một thần ma mị.

          Biến đổi cảm xúc trên khuôn mặt của nàng ít hơn hẳn so với người bình thường, nhưng không phải là không có. Ví dụ như khi nàng hào hứng đọc quyển sách về kẻ sát nhân đã giết năm mươi hai phụ nữ và trẻ em ở Nga. Khác hẳn vẻ mặt xanh xao trông như muốn chết của nàng khi ở giữa đám bạn cùng lớp ồn ào, mắt nàng sáng rực.

          Chỉ khi nói chuyện với Morino tôi mới không cần đeo bộ mặt giả tạo. Nếu làm vậy với người khác hẳn người ta sẽ băn khoăn tại sao gương mặt tôi lại không bộc lộ cảm xúc, không hề nở một nụ cười. Nhưng khi tôi nói chuyện với nàng, chuyện đó không quan trọng.”

          Hình thức là một cuốn tiểu thuyết trinh thám – kinh dị với những chi tiết miêu tả rùng rợn, Goth còn ẩn chứa nỗi buồn và những chiêm nghiệm về cuộc sống, về bản chất con người và sự giác ngộ. Các nhân vật trong Goth che giấu bản chất tâm lý méo mó, vô cảm bằng vỏ bọc hòa nhập đến hoàn hảo. Một xã hội kì dị đầy chết chóc được Otsuichi vẽ nên, một xã hội mà “chỉ có hai loại ngoười: người giết và người bị giết”.

Goth – Những kẻ hắc ám

          Một vụ án bắt đầu với việc Morino – cô gái nhân vật chính của chúng ta – nhặt được cuốn sổ ghi chép về quá trình giết người của một tên sát nhân bệnh hoạn với sở thích phanh thây nạn nhân. Cảnh sát đã theo đuổi vụ án này suốt một thời gian dài nhưng hung thủ không hề lộ diện. Người bạn của cô, người cũng vô cùng hứng thú với những vụ án mạng, đã bắt tay vào nghiên cứu vụ án này. Họ đã cùng nhau đi theo lộ trình mà tên hung thủ vẽ ra trong cuốn sổ. Khác với các tuyến nhân vật được xây dựng ở thể loại truyện trinh thám với mô tip truy đuổi thủ phạm, Morino và người bạn của cô dấn thân vào bóng tối để quan sát những tội ác đó xảy ra. Thậm chí đối với thủ phạm, họ còn có chút kính nể đối với hắn.

          “Tôi biết chuyện này là khó chấp nhận. Tên hung thủ đáng phải chịu trừng phạt. Không thể ngưỡng mộ hắn như một nhà cách mạng hay một nghệ sĩ được.

          Nhưng đồng thời tôi cũng biết một số kẻ khác thường luôn sùng bái những tên sát nhân nổi tiếng. Tôi biết mình không được trở nên giống họ.

          Tuy nhiên chúng tôi đã bị mê hoặc bởi điềm gở của những điều mà chủ nhân cuốn sổ thực hiện. Trong một giây phút của cuộc sống thường nhật, tên hung thủ đã vượt qua ranh giới, đạp lên nhân cách và tôn nghiêm của con người, hủy diệt cơ thể người khác.

          Chúng tôi bị cuốn vào không dứt ra được, như đang trong một cơn ác mộng…”

          Có lẽ ngay cả hung thủ cũng có suy nghĩ như vậy nên dù cất công đặt bẫy để cho hai “thám tử” rơi vào, hắn cũng vẫn tự tay mở đường thoát cho họ. Phải chăng đó là nhịp đồng điệu giữa những người suy nghĩ về việc giết người và kẻ thực hiện việc giết người.

Wirstcut – Vụ án cắt cổ tay

          Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng đây là vụ án gây ám ảnh nhất. Không có người chết, không có những chi tiết giật gân gay cấn, nhưng nó gây cho người đọc cảm giác rờn rợn như đang có người vuốt dọc sống lưng. Thủ phạm với sở thích méo mó: cắt cổ tay. Hắn không quan tâm đến tính mạng con người, thứ duy nhất hắn muốn khi gây tổn thương cho người khác là bàn tay của họ. Hắn lấy đi bàn tay của nạn nhân và tích trữ chúng trong tủ lạnh nhà mình. Kì lạ hơn cả là những bàn tay ấy với hắn không chỉ đơn giản là “vật lấy cắp” được, chúng còn là những “người bạn” để hắn tâm sự mỗi khi hắn cô đơn.

          “Vài giọt nước mắt trong suốt rơi xuống bàn máy tính. Những giọt nước mắt lăn từ má xuống cằm y rồi rơi xuống. Shinohara nhận ra mình đang khóc.

          Từ trước đến giờ trong đời mình, y chưa từng nói chuyện thân mật với người khác nhiều như khi chạm vào những bàn tay bị cắt ra đó. Nếu có người đứng bên cạnh chứng kiến hẳn sẽ không hiểu nổi y đang làm gì, nhưng vuốt ve những phần mấp mô đàn hồi trên những bàn tay lạnh lẽo không biết nói chính là cách Shinohara trò chuyện với thế gian này…”

Dog – Khuyển

          Đây là vụ án có bước ngoặt bất ngờ nhất toàn thiên truyện. Điều gây bất ngờ ở đây chính là ngôi kể của nhân vật. Otsuichi đã rất tài tình trong việc chuyển đôi ngôi kể, tiết lộ bí mật ở những câu chữ cuối của truyện, khiến người đọc hoàn toàn không thể ngờ đến.

          Đằng sau những con chó bị bắt cóc là một câu chuyện của đứa trẻ bị đe dọa, bị hành hạ đến mức nó phải tự mình tìm cho mình con đường thoát ra khỏi nỗi đau ấy bằng bất cứ giá nào. Và cũng chính trong thiên truyện này, *** - nhân vật nam sinh trong câu chuyện của chúng ta, lần đầu tiên đã phá vỡ nguyên tắc của mình, cậu đã trực tiếp tham gia vào câu chuyện chứ không chỉ đóng vai khán giả như cậu vẫn luôn làm. Nhưng phải chăng hành động đó là một lối thoát mà Otsuichi hé mở cho nhân vật, khẳng định cậu không hề vô cảm với những nỗi đau.

Twins – kí ức

          Vụ án này có liên quan trực tiếp đến nhân vật nữ chính của chúng ta – Morino. Morino, với bề ngoài lạnh lùng đến vô cảm, dửng dưng bỗng trở thành nạn nhân của một kí ức đau thương, nhưng là đau thương một cách lạ lùng. Cô không thể hiện nỗi đau đó bằng nước mắt hay cử chỉ, nỗi đau chỉ đơn giản là nằm ở đó, trong trái tim cô, ám ảnh cô mỗi ngày. Có lẽ những đêm mất ngủ của Morino không chỉ đơn giản là không tìm được sợi dây phù hợp để đem lại cho cô cảm giác như bị thắt cổ, như cô đã nói, mà là do nỗi đau và sự dằn vặt trong lòng cô quá lớn. Việc tìm được một sợi dây “phù hợp” có lẽ chỉ là một cái cớ. Cảm giác khi sợi dây chạm vào da cổ, siết chặt một lực nhẹ khiến cho cô cảm nhận được nỗi đau mà người chị em của cô đã từng phải chịu.

          “Tôi nhẹ nhàng quấn sợi dây đỏ quanh cổ nàng. Sợi dây cũ đã sờn đôi chỗ. Khi có lực ấn vào, nàng hơi nhổm vai lên. Tôi đã đứng im lìm trong trạng thái dó một lúc.

          ‘Đúng rồi, đúng cảm giác này.’

          Nàng nói như thở dài. Tôi hiểu rằng sự căng thẳng đã được giải phóng, những nỗi niềm trong lòng nàng đang thoát ra ngoài, mềm mại và lặng lẽ.”

          Hai chị em gái sinh đôi, giày đen và giày trắng, vô cảm và nhạy cảm, ghen tị và yêu thương, những dấu chân, những con chó và kí ức. Tất cả những chi tiết đó xoay vòng, bện xoắn thành một sợi dây vô hình, trói người đọc lại với cuốn sách, dù cho những câu văn có ám ảnh, đẫm máu đến thế nào cũng không đủ sức để đặt xuống.

Grave – đất

          Lại một lần nữa, Otsuichi khắc họa một hung thủ với sở thích kì lạ, bệnh hoạn: chôn người sống. Khác với những câu chuyện trước, nhân vật này không hề có tổn thương trong quá khứ, không hề bị xâm hại, hắn chỉ đơn giản là có ham muốn chôn sống người khác. Hắn thích tưởng tượng đến việc có những chiếc quan tài chứa người, người sống, trog khu vườn của mình. Hắn sợ chính bản thân mình và suy nghĩ đó nhưng hắn không thể dừng bản thân lại. Lần đầu tiên chôn sống một cậu bé bằng chính đôi bàn tay của mình, dưới đất của khu vườn do chính tay hắn tạo dựng, hắn lo sợ, dằn vặt, nhưng đồng thời là thỏa mãn. Cảm giác thỏa mãn khi thực hiện được tội ác đã thôi thúc hắn thực hiện tội ác tiếp theo. Và trước cả khi hắn nhận thức được mình đang làm gì, hắn đã đóng xong chiếc quan tài thứ hai cho nạn nhân thứ hai của mình…”Rốt cuộc tại sao hắn lại làm chuyện đó? Gã hoàn toàn không biết. Một phần trong tim gã mong muốn trở thành công dân lương thiện đối xử tốt với mọi người. Thế nhưng một phần khác lại mang tâm hồn của con quái vật đáng sợ, cảm thấy sung sướng khi được chôn người khác xuống lòng đất. Chúng đối lập nhau như hai loại tính cách khác hẳn nhưng không tách rời mà liên kết với nhau bằng một ranh giới mong manh. Tuyệt đối không phải một con người khác.”

          Điều khác biệt khiến cho truyện ngắn này trở thành truyện đặc sắc nhất trong Goth có lẽ là do Otsuichi đã đề cập đến việc nhận thức của hung thủ. Như đã nói, hắn là thủ phạm duy nhất có cảm giác tội lỗi, dằn vặt sau khi thực hiện tội ác. Chỉ có điều, sự sám hối đó chưa đủ để hắn có thể ngừng lại hành vi của mình. Chỉ đến khi hắn chứng kiến tận mắt những gì mình đã gây ra cho gia đình của nạn nhân, khi hắn nhận thức được hắn là người bảo vệ công lý chứ không phải người mượn danh công lý để thực hiện tội ác của mình, hắn mới thực sự dừng lại và trả giá.

          Grave cũng là một lời nhắc nhở của Otsuichi: ai cũng có thể trở thành một kẻ hắc ám.

Voice – giọng nói

          Câu chuyện bắt đầu với cái chết của Kitazawa Hiroko và em gái của cô đã nhận được một cuốn băng ghi âm từ cậu học sinh lạ mặt. Cuốn băng ghi âm giọng nói của người chị, trước khi chết.

          Cô em gái, ban đầu là tò mò muốn nghe thêm những gì người chị muốn nhắn đến mình, sau đó, dần dần, cô hụt chân bước vào bóng tối. Việc biết được tại sao mối quan hệ giữa hai chị em lại rạn nứt đối với cô lúc này còn quan trọng hơn cả viẹc vạch trần bộ mặt của thủ phạm đã gây ra tội ác với người chị thân yêu. Tất cả những điều đó đã vô tình kéo cô đến một bờ vực mới, mong manh giữa sự sống và cái chết. Cuộc sống của cô và gia đình sau cái chết của người chị đã hoàn toàn thay đổi, bố mẹ cô, bản thân cô sống như những chiếc bóng vô hồn. Chính vì vậy, cô lại càng khao khát được chạm gần đến chị mình hơn. Nhưng trớ trêu thay, càng đến gần với sự thật, cô lại càng rời xa với sự sống.

          “Chết rốt cuộc là gì. Cậu ta đã nói cái chết là điều duy nhất cậu ta cảm nhận được trên đời này. Giống như ma cà rồng hút máu, cậu ta thưởng thức hương vị của cái chết.

          Tôi ngồi bất động trên ghế một lúc lâu. Không gian yên tĩnh vô cùng. Tôi tưởng tượng ra cảnh chị mình bị cậu ta sát hạt, rồi gương mặt của chị tôi bị thay thế bằng gương mặt của chính tôi. Tuy nhiên tôi không cảm thấy chấn động như mình nghĩ.

          Trước đây tôi cũng từng thấy được ranh giới rõ ràng giữa sự sống và cái chết. Mình đang sống. Điều đó thật rõ ràng.

          Nhưng bây giờ rang giới đó thật mong manh. Tôi đang đứng trên vùng màu xám pha giữa đen và trắng, cũng giống như bố mẹ tôi khi đến gần xác chị, và không thể thoát khỏi đó nữa…”

          Kết thúc câu chuyện cũng là lúc tên của nam nhân vật chính được bật mí, và cũng là lúc Morino nhận ra là họ không hề giống nhau như cô vẫn tưởng. “Nàng trở lại với dáng vẻ quen thuộc,không cần mượn bàn tay của tôi nữa. Chúng tôi đi về hai hướng ngược nhau mà chẳng nói một lời từ biệt.”

          Các câu chuyện được kể với ngôi kể linh hoạt, điểm nhìn từ đó cũng rộng hơn: có lúc “tôi” là hung thủ, có lúc lại là nạn nhân, cũng có khi lại là một nhân vật hoàn toàn bất ngờ. Điều này đã thể hiện khả năng kể chuyện bậc thầy của Otsuichi, đồng thời cũng khiến người đọc hiểu rõ hơn về các yếu tố tâm lý của từng tuyến nhân vật. Dù Goth đã được chuyển thể thành truyện tranh và phim hoạt hình và được đánh giá là rất thành công nhưng với quan điểm cá nhân, tôi vẫn thấy tiểu thuyết gốc là xuất sắc hơn cả.

          Có những người sinh ra là để ở trong bóng tối. Có người chìm hẳn vào, có người chỉ chìm phân nửa, nửa kia dành để hòa nhập vào cái thế giới còn lại. Otsuichi đẩy hai nhân vật của mình đến bờ vực ngăn cách giữa bóng tối và ánh sáng. Để cho họ tìm ra tội ác như một cách thỏa mãn trí tò mò, để họ tưởng chừng như đang bước chân vào bóng tối rồi lại bất ngờ kéo họ ra phơi bày sự thật dưới ánh sáng. Qua đó, ta thấy một thế giới với những mảng tâm lý vặn vẹo, méo mó, những bí mật ghê rợn đến kinh hoàng, nhưng đằng sau ảo ảnh hỗn độn đó là những tâm hồn tổn thương đến cùng cực, những nỗi sợ hãi không nói thành lời và những lạc lõng khi phải cố gắng hòa nhập với thế giới mình không thuộc về.

Tác giả: Phương Lan – Bookademy

----------------------------------

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link:https://www.facebook.com/bookademy.vn