Kinh nghiệm quản lý trật tự đô thị

QNP - Trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh diễn ra nhanh chóng (tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 64%), dân số đô thị tăng nhanh; các công trình xây dựng tăng mạnh cả về số lượng và quy mô, đa dạng về nguồn vốn, làm thay đổi nhanh diện mạo đô thị và các vùng lân cận trong nâng cấp, mở rộng đô thị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sự phát triển đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao trong công tác quản lý đô thị nói chung và quản lý đất đai, trật tự xây dựng nói riêng ở các cấp, các ngành của tỉnh.

Theo báo cáo của ngành chức năng, công tác quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa theo kịp yêu cầu phát triển, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tình trạng xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, vi phạm chỉ giới, quy chuẩn xây dựng... vẫn còn diễn ra nhiều ở các địa phương. Từ năm 2012 đến hết năm 2017, UBND các địa phương đã tiến hành kiểm tra khoảng 17.000 trường hợp, trong đó đã phát hiện số vụ việc vi phạm hành chính trên 4.200 vụ việc, ban hành trên 1.000 quyết định xử phạt hành chính, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 23 tỷ đồng. Riêng trong năm 2017, TP Hạ Long đã xử phạt vi phạm hành chính 201 trường họp công trình xây dựng không phép, xây sai giấy phép, sai quy hoạch với số tiền xử phạt trên 2,3 tỷ đồng.

Kinh nghiệm quản lý trật tự đô thị

Đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong một lần đi kiểm tra công tác quản lý xây dựng.

Trước thực trạng trên, từ tháng 8-2015, định kỳ hàng quý, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì các cuộc họp chuyên đề về tăng cường công tác quản lý đô thị, trong đó có công tác quản lý trật tự xây dựng, đã đưa ra nhiều giải pháp chỉ đạo nhằm tăng cường công tác quản lý đô thị. Trong năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành văn bản đưa ra những quy định, giao trách nhiệm cho UBND các cấp trong quản lý trật tự đô thị, xử lý vi phạm trong quản lý đô thị. Với những giải pháp quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, đến nay công tác quản lý trật tự xây dựng ở các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên theo dự báo, hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn tiếp tục diễn ra nhanh và mạnh ở cả vùng đô thị và nông thôn, đặc biệt tại các vùng nông thôn đang trong lộ trình mở rộng, nâng cấp đô thị…, từ đó đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các địa phương và sở, ngành liên quan cần nâng cao chất lượng quy hoạch, tỷ lệ phủ quy hoạch chi tiết các đô thị, khu du lịch gắn với việc xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng, thông tin đất đai, bản đồ, hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh đồng bộ để quản lý quy hoạch và thu hút đầu tư.

Kinh nghiệm quản lý trật tự đô thị

Tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng nhanh, đòi hỏi công tác quản lý xây dựng, trật tự đô thị phải được tăng cường.

Cùng với đó, các địa phương tập trung chỉ đạo hoàn thành việc xây dựng quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc cảnh quan, làm cơ sở cho việc quản lý; tiếp tục thực hiện thường xuyên rà soát các dự án có sử dụng đất đối với các tổ chức, trên cơ sở đó kiên quyết xử lý, yêu cầu khắc phục gắn với xử phạt, xử lý hành chính hoặc thu hồi, chấm dứt hoạt động đầu tư đối với dự án vi phạm.

Song cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho nhân dân trong việc thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng; tăng cường công tác cấp giấy phép xây dựng, nâng cao chất lượng cấp giấy phép xây dựng; đổi mới phương pháp tuyên truyền công khai các thông tin về quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc cảnh quan đến các địa bàn dân cư để công dân biết rõ, chấp hành.

Một giải pháp đặc biệt quan trọng, đó là các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm, triệt để các hành vi phạm; cương quyết phá dỡ, tổ chức cưỡng chế phá dỡ các công trình xây dựng không phép, sai quy hoạch, sai phép để răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm khác.

Trong nhiều cuộc họp gần đây với các sở, ngành, địa phương, đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh có nhấn mạnh: “Nếu địa phương nào còn để xảy ra tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng mà không kịp thời phát hiện, hoặc khi phát hiện mà không xử lý kiên quyết thì các đồng chí Chủ tịch UBND các địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh; sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, đơn vị gắn với việc nhận xét, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên với việc chấp hành các quy định về quản lý trật tự đô thị, xây dựng nhà ở theo quy hoạch”./.

(HNM) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 5435/UBND-ĐT về việc đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 1-6-2017 của UBND thành phố khắc phục các hạn chế, yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Việc đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra những kinh nghiệm và các mặt còn tồn tại là cơ sở quan trọng để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý trật tự xây dựng trong thời gian tới.

Kinh nghiệm quản lý trật tự đô thị

Lực lượng chức năng cưỡng chế một công trình xây dựng sai phép trên địa bàn xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì).

Ông Bùi Thanh Nhã, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàng Mai:
Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra

Thời gian qua, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận Hoàng Mai có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị Công an quận, Phòng Quản lý đô thị, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận nên có chuyển biến tích cực và không phát sinh điểm nóng. Song theo tôi, tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng vẫn hết sức cần thiết.

Thực tế tại địa bàn cho thấy, lãnh đạo quận Hoàng Mai đã yêu cầu, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, UBND các phường không ngừng nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra hoạt động xây dựng để phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm. Phòng Quản lý đô thị đã chủ trì tổ công tác của quận thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Định kỳ hằng tháng, Phòng Quản lý đô thị tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND quận chỉ đạo, xử lý các trường hợp vi phạm. 

Coi trọng công tác phòng ngừa, phát hiện, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận phối hợp với chính quyền sở tại đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm soát 100% công trình xây dựng để ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm mới trong trật tự xây dựng.

Bà Nguyễn Thị Nhung, Chủ tịch UBND phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân: 
Bảo đảm trật tự xây dựng là tiêu chí đánh giá, phân loại thi đua

Xác định địa bàn là nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh nên phường Nhân Chính thành lập các tổ phân công theo dõi sát hoạt động xây dựng ở từng khu dân cư. Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận cũng có tổ kiểm tra, giám sát trên địa bàn phường. Các công trình đang xây dựng tại địa bàn dân cư đều được báo cáo cụ thể tại cuộc họp giao ban của phường vào sáng thứ hai hằng tuần. Tại các hội nghị giao ban của UBND quận với các phường, lãnh đạo quận đều yêu cầu các phường, phòng, ban, đơn vị liên quan báo cáo kết quả xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng. Đồng thời, lấy kết quả bảo đảm trật tự xây dựng là một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại thi đua hằng tháng đối với lãnh đạo quản lý, chủ tịch UBND phường, trưởng các đơn vị chuyên môn nên hạn chế tối đa vi phạm trật tự xây dựng.

Đặc biệt, vừa qua, sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Hà Nội về siết chặt kỷ cương trật tự xây dựng còn thể hiện qua việc lãnh đạo cấp xã, phường, thị trấn được bồi dưỡng nghiệp vụ trật tự xây dựng.

Ông Nguyễn Huy Khiêm, Phó Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng: 
Công khai số điện thoại lãnh đạo phường để tiếp nhận thông tin

Nhiều năm qua, trên địa bàn phường Bạch Đằng không xảy ra vi phạm lớn về trật tự xây dựng; không phát sinh các vụ việc sai phạm về đất đai. Kết quả này có được nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp trong quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở. Cùng với việc tuyên truyền, vận động, giúp người dân nâng cao kiến thức pháp luật về xây dựng, phường còn cử cán bộ tăng cường bám sát địa bàn, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm phát sinh; xử lý điểm các trường hợp người dân cố tình không chấp hành quy định pháp luật…

Bên cạnh đó, phường công khai số điện thoại của chủ tịch UBND phường và phó chủ tịch UBND phường phụ trách lĩnh vực để người dân kịp thời thông báo khi phát hiện hành vi sai phạm trong trật tự xây dựng, quản lý đất đai… Đồng thời, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, thường xuyên kiểm tra, nắm bắt và phát hiện các trường hợp xây dựng không phép, quá phép, đề xuất chính quyền phường xử lý theo quy định.

Ông Vương Đăng Cầu, thôn Quảng Tái, xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa: 
Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu

Trước thực trạng quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng còn nhiều bất cập, qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua tôi thấy, việc quy rõ trách nhiệm của từng cấp, từng khâu và với những người có trách nhiệm đã giúp xác định chính xác “mắt xích” yếu kém để sớm khắc phục triệt để. Nhiều vụ việc đã chỉ ra “đúng người, đúng việc”, rõ sai phạm và được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Thực tế cho thấy, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực trật tự xây dựng đã khá đầy đủ, nhưng mấu chốt là do khâu tổ chức thực hiện bị buông lỏng ở một số địa phương, dẫn đến những vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng. Do vậy, việc quan trọng hiện nay là phải tiếp tục tăng cường trách nhiệm của các cấp, ngành chức năng, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở.