Làm thế nào để bảo tồn di sản văn hóa

Làm thế nào để bảo tồn di sản văn hóa

(HBĐT) - Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các công trình văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào sự phát triển KT-XH của địa phương. Các di tích không chỉ đáp ứng nhu cầu giáo dục truyền thống cho Nhân dân, mà còn tạo nên điểm đến độc đáo, phục vụ khách du lịch trong, ngoài tỉnh.

Làm thế nào để bảo tồn di sản văn hóa

Di tích đình Khói, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) được đầu tư phục dựng lại từ năm 2019 đã đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của người dân trong vùng.

Dấu ấn di tích lịch sử - văn hóa

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, toàn tỉnh hiện có hơn 200 điểm di tích đã được khảo sát, đưa vào danh mục bảo vệ, trong đó có 41 di tích cấp quốc gia, 60 di tích cấp tỉnh. Các di tích thuộc 4 loại hình: Di tích lịch sử - văn hóa, lịch sử cách mạng, khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Hiện nay, Sở đang thực hiện theo Luật Di sản văn hóa và Quyết định số 24 của UBND tỉnh ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở chỉ đạo Bảo tàng tỉnh phối hợp các huyện, thành phố tiến hành kiểm kê các di tích chưa có danh mục để xem xét, đánh giá, đưa vào danh mục bảo vệ. Đến nay, toàn tỉnh có 556 điểm di tích, ngoài hơn 200 điểm di tích đã được khảo sát và đưa vào danh mục bảo vệ, có 375 điểm di tích đang thực hiện kiểm kê, đánh giá. Tiêu biểu như các di tích lịch sử cách mạng: Khu căn cứ cách mạng Mường Khói (Lạc Sơn), Khu căn cứ cách mạng Thạch Yên (Cao Phong), Khu căn cứ cách mạng Mường Diềm, Khu căn cứ cách mạng Giằng Sèo (Đà Bắc), địa điểm Nhà máy in tiền (Lạc Thủy); di tích khảo cổ: Mái đá làng Vành (Lạc Sơn), hang Khoài (Mai Châu), khu mộ cổ Đống Thếch (Kim Bôi); di tích danh lam thắng cảnh: Quần thể hang động chùa Tiên (Lạc Thủy), quần thể hang động núi Đầu Rồng (Cao Phong)…

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đối với thực hiện chế độ, chính sách, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và hoạt động bảo tồn, bảo tàng trên địa bàn. Hiện nay, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích, danh lam thắng cảnh được các ngành, địa phương triển khai thiết thực, hiệu quả. Hàng năm, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn di sản văn hóa đã tu bổ, tôn tạo đối với một số di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia; nguồn kinh phí từ tỉnh, huyện và nguồn xã hội hóa tiến hành trùng tu, tôn tạo lại một số di tích. Việc trùng tu, tu sửa được thực hiện nghiêm túc, dưới sự quản lý của các cơ quan chuyên môn và theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Cơ bản hệ thống di tích của tỉnh đã được bảo vệ, tu bổ đảm bảo cho sự tồn tại và tính nguyên gốc của di tích. Các di tích được tu bổ, tôn tạo cơ bản khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng của Nhân dân. Nhiều di tích, danh lam thắng cảnh sau khi được tu bổ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách thăm quan trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển KT-XH địa phương. Trong đó phải kể đến một số di tích như: Khu di tích danh lam thắng cảnh chùa Tiên (Lạc Thủy), khu di tích đền Bờ (Đà Bắc), khu di tích danh lam thắng cảnh núi Đầu Rồng (Cao Phong)…

Giáo dục truyền thống qua di tích lịch sử - văn hóa

Trong những ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 vừa qua, tại các điểm di tích lịch sử cách mạng trong tỉnh, cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể và Nhân dân đã tổ chức quét dọn, dâng hương tri ân các bậc tiền bối, anh hùng liệt sỹ… Tại đây, Nhân dân trong vùng, nhất là thế hệ trẻ, đoàn viên thanh niên có dịp được nghe, hiểu hơn và trân trọng lịch sử hào hùng của dân tộc.

Các di tích không chỉ là nơi tổ chức lễ hội, phục vụ du lịch mà còn là những "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho người dân, đặc biệt thế hệ trẻ. Sở VH-TT&DL đã phối hợp Sở GD&ĐT tổ chức triển khai kế hoạch liên ngành "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với học tập và giáo dục lịch sử địa phương thông qua hệ thống di sản văn hóa tỉnh. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu tại di tích cho học sinh về truyền thống lịch sử, cách mạng của địa phương và giá trị các di sản văn hóa, từ đó tham gia vào bảo vệ, phát huy giá trị các di sản. Hệ thống di tích ngoài những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học còn bao hàm cả giá trị về văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Qua đó, không chỉ khơi dậy niềm tự hào mà còn nâng cao ý thức cộng đồng trong gìn giữ, phát huy, quảng bá những giá trị của di tích. Em Nguyễn Hà Vi, học sinh lớp 8, trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hòa Bình) cho biết: Thông qua những bài giảng của cô giáo, được đi thăm Bảo tàng tỉnh, di tích Nhà tù Hòa Bình, khu di tích Bác Hồ về thăm Trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình…, chúng em hiểu hơn về lịch sử văn hóa Hòa Bình, sự kiên cường, anh dũng đấu tranh chống quân xâm lược của quân dân Hòa Bình. Chúng em tự nhủ sẽ cố gắng học tập thật giỏi để sau này có những việc làm đóng góp thiết thực cho quê hương, đất nước.

Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn di tích

Bên cạnh kết quả đạt được, việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế như: Nhận thức của một số cấp, ngành và một bộ phận Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của di sản văn hóa tuy được nâng lên một bước, song vẫn chưa đồng đều. Việc đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích tuy đã có những thành tựu bước đầu nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; công tác xã hội hóa trong việc trùng tu, tôn tạo di tích hiệu quả chưa cao; về phân cấp quản lý di tích còn nhiều bất cập. Đa phần di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo thuộc di tích lịch sử cách mạng, lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa, còn lại các di tích khảo cổ mặc dù đã được công nhận xếp hạng, nhưng vẫn chưa được tu bổ, tôn tạo, nguyên nhân do các di tích thuộc loại hình này thường nằm cách xa khu dân cư, đường đi khó khăn và chỉ phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.

Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa đạt hiệu quả ngày càng cao, các ngành chức năng cần nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các di sản văn hóa, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách khoa học. Từng bước đầu tư có hiệu quả để trùng tu, tôn tạo, quản lý, khai thác, phát huy các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; làm tốt việc sưu tầm, bảo quản tài liệu, hiện vật; xử lý các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường di tích. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa. Tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ di tích, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.

 Đỗ Hà

NHÓM Ý KIẾN

* Kiểm kê, rà soát hệ thống di tích đưa vào danh mục bảo vệ

Bảo tàng tỉnh phối hợp với các địa phương trong tỉnh thực hiện kiểm kê, rà soát các di tích chưa được đưa vào danh mục bảo vệ theo Quyết định số 24 của UBND tỉnh. Theo thống kê từ các huyện, thành phố, có gần 400 điểm di tích đưa vào kiểm kê, đánh giá. Đến nay, đã kiểm kê được gần 200 điểm di tích tại huyện Lạc Sơn và TP Hòa Bình.

Hiện nay, đơn vị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện việc kiểm kê. Kết quả công tác kiểm kê di tích là cơ sở để phân loại, xếp hạng di tích; lập danh mục, xây dựng bộ dữ liệu, tư liệu phục vụ việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Từ đó đề xuất những giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của di tích trong những năm tiếp theo.

Nguyễn Thị Xuyến

Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh

* Xây dựng quê hương ngày càng phát triển

Là địa phương có Khu căn cứ cách mạng Mường Diềm, đây là 1 trong 4 chiến khu cách mạng quan trọng của tỉnh. Chúng tôi luôn xác định không chỉ là địa chỉ đỏ, dấu mốc lịch sử mà còn là niềm tự hào của con người và vùng đất nơi đây, nhưng cũng đặt ra những trọng trách lớn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền, các hội, đoàn thể và Nhân dân trong xã quan tâm, ủng hộ. Định kỳ tổ chức quét dọn, vệ sinh khu di tích để giữ cảnh quan luôn sạch đẹp.

Vào các dịp lễ, Tết, những sự kiện trọng đại của đất nước, cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể và Nhân dân trong xã và các xã lân cận thường đến dâng hương, tri ân các anh hùng liệt sỹ. Đây là dịp mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ được ôn lại truyền thống cách mạng của các thế hệ ông cha đánh giặc ngoại xâm, góp phần giải phóng đất nước. Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ và Nhân dân xã Trung Thành nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

Đinh Ngọc Bẩy

Bí thư Đảng ủy xã Trung Thành (Đà Bắc)

* Kết nối các khu, điểm du lịch với các di tích lịch sử - văn hóa

Là người ưa xê dịch, luôn quan tâm đến các giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương, vào những ngày nghỉ lễ, tôi hay cùng bạn bè thường đến các điểm di tích trong tỉnh để tham quan. Vào dịp đầu năm, tôi thường lựa chọn đến các điểm di tích gắn với danh thắng để dâng hương, vãn cảnh như: Quần thể Núi đầu Rồng (Cao Phong), đền Thác Bờ, quần thể Chùa Tiên (Lạc Thủy)… Hay vào dịp hè hoặc ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi lại lựa chọn đến các danh lam thắng cảnh để được trải nghiệm khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của tự nhiên, văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc, như: Thác Trăng (Tân Lạc), Thác Mu (Lạc Sơn), động Đá Bạc (Lương Sơn), đền Ba Cô Tiên – Động Thăng (TP Hòa Bình), hang Mỏ Luông (Mai Châu)…

Có may mắn được đi nhiều di tích, danh thắng trong tỉnh, tôi thấy công tác quản lý, bảo vệ di tích tại các địa phương cơ bản làm tốt. Tuy nhiên, đối với các di tích hang động đường đi lại khó khăn, nhiều điểm bị hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa được đầu tư, điều này phần nào làm giảm sức hấp dẫn của các di tích, danh thắng. Mong các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm có kế hoạch đầu tu, tu bổ, tôn tạo các dich tích và cải tạo, mở rộng các tuyến đường vào điểm di tích, danh lam thắng cảnh được thuận lợi hơn. Đồng thời, gắn việc phát huy văn hóa truyền thống, lợi thế tài nguyên du lịch và đặc biệt là kết nối các khu, điểm du lịch với các di tích lịch sử - văn hóa để hình thành các tour du lịch đặc trưng cho địa phương. Để người dân có cơ hội được đến thăm quan các di tích, khám phá vẻ đẹp hùng vĩ mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta.

Nguyễn Thu Hương

phường Phương Lâm (TP Hòa Bình)