Lợi tức của trái phiếu luôn tăng khi lãi suất tăng

(KTSG Online) – Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập niên. Điều này áp đặt mối đe dọa cho thị trường chứng khoán Mỹ khi giới đầu tư cân nhắc lại danh mục đầu tư của họ vì lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ hiện nay cao hơn mức chi trả cổ tức của phần lớn các công ty đại chúng lớn nhất đất nước.

Lợi tức của trái phiếu luôn tăng khi lãi suất tăng
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm đang ở mức cao nhất trong hơn một thập niên. Ảnh: WSJ

Kết thúc phiên giao dịch ngày 19-9, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 3,489%, cao nhất kể từ năm 2011. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm, vốn nhạy cảm hơn nhiều với các kỳ vọng lãi suất ngắn hạn, đã tăng lên 3,946%, cao nhất kể từ năm 2007.

Khi lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ở mức đáy như sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và sau đó là sau đại dịch Covid-19, giới đầu tư có lý do thuyết phục để bỏ tiền vào thị trường chứng khoán vốn tương đối rủi ro. Lợi nhuận mà họ nhận được từ cổ phiếu hầu như luôn luôn đánh bại mức lợi suất “bèo bọt” từ trái phiếu chính phủ Mỹ, khiến Phố Wall tuyên bố không có giải pháp đầu tư nào hiệu quả hơn cổ phiếu.

Động lực đó đã đảo lộn trong năm nay. Sau một số đợt tăng lãi suất của Fed, lợi suất trên thị trường trái phiếu đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm. Giờ đây, ít hơn 16% cổ phiếu trong chỉ số S&P 500 (theo dõi cổ phiếu của 500 công ty đại chúng lớn nhất Mỹ) có mức chia cổ tức lớn hơn lợi tức của trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm, theo Công ty tư vấn và môi giới Strategas. Ít hơn 20% cổ phiếu trong chỉ số này có mức chia cổ tức lớn hơn lợi suất của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm.

“Rất nhiều nhà đầu tư đã chọn chấp nhận rủi ro trên thị trường chứng khoán vì không tìm thấy cơ hội lợi nhuận khả quan ở bất kỳ kênh đầu tư nào khác. Bây giờ là lúc mà mọi người đang nghĩ lại: ‘Tôi có thực sự cần phải chấp nhận rủi ro đó không?’”, Katie Nixon, Giám đốc đầu tư Công ty Northern Trust Wealth Management, nói.

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, chứng khoán Mỹ tăng nhẹ với chỉ số S&P 500 tăng 0,7% và chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 0,6%. Nhưng hai chỉ số này vẫn đang giảm lần lượt 15% và 18% trong năm nay.

Liệu thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới có phục hồi hay không một phần phụ thuộc vào những gì sẽ diễn ra vào cuối cuộc họp chính sách của Fed vào ngày 21-9.

Các nhà giao dịch xem việc Fed tăng lãi suất tiếp như là một điều chắc chắn. Hợp đồng tương lai về lãi suất, do CME Group theo dõi, cho thấy thị trường dự báo 100% xác suất Fed sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất 75 điểm cơ bản (0,75 điểm phần trăm).

Điều ít chắc chắn hơn là những gì Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ nói tại cuộc họp báo sau khi cuộc họp chính sách của Fed kết thúc. Thị trường chứng khoán đã lao dốc cuối tháng trước sau khi ông Powell cho biết Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi Fed tin rằng lạm phát đã được kiềm chế, ngay cả khi điều đó làm tổn hại đến nền kinh tế. Các nhà đầu tư hiện đang lo lắng về hai điều: lãi suất sẽ tăng cao đến mức nào sau khi chu kỳ thắt chặt tiền tệ kết thúc và mức lãi suất cao sẽ duy trì trong bao lâu.

Theo Louis Navellier, Giám đốc đầu tư Công ty Navellier & Associates, nhận định: “Tuyên bố của Fed (sau cuộc họp chính sách) sẽ quyết định mọi thứ. Chúng ta cần một ánh sáng cuối đường hầm”.

Navellier ước tính ông đã phân bổ 60% danh mục đầu tư của mình vào lĩnh vực năng lượng trong năm nay. Đó là một sự lựa chọn đã được đền đáp khi áp lực lạm phát dai dẳng giúp cổ phiếu năng lượng trở thành cổ phiếu ngành có hiệu suất tốt nhất trong chỉ số S&P 500 trong năm nay.

“Tất cả những gì tôi quan tâm là tìm ra cổ phiếu có khả năng chiến thắng thị trường. Nhưng khả năng đó đang ngày càng thu hẹp”, Navellier nói.

Lợi tức của trái phiếu luôn tăng khi lãi suất tăng
Mức lợi suất cao của trái phiếu chính phủ Mỹ đang gia tăng áp lực cho các nhà giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ. Ảnh: Getty

Cho đến nay, dữ liệu không đứng về phía các nhà đầu tư. Các nhà quản lý tiền tệ đã nhìn thấy một tia hy vọng vào tháng trước khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Bộ Lao động Mỹ cho thấy lạm phát giảm nhẹ so với mức cao nhất trong tháng 7. Nhưng báo cáo gần đây nhất của bộ này, được công bố vào tuần trước, không cho thấy xu hướng đó tiếp tục. CPI cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, trong tháng 8, tăng 0,6% trong với tháng trước, gấp đôi tốc độ tăng của tháng 7.

Brad Conger, Phó giám đốc đầu tư Công ty Hirtle Callaghan & Co., nói: “Đối với các nhà đầu tư cổ phiếu, đó là một bối cảnh thực sự thách thức”.

Trong khi đó, việc Fed tăng lãi suất cũng có nguy cơ gia tăng áp lực lên nền kinh tế Mỹ vốn đã chậm tăng trưởng lại. Tuần trước, lãi suất cho vay thế chấp mua nhà ở Mỹ lần đầu tiên tăng lên mức 6% kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Chi phí đi vay tăng khiến doanh số bán nhà hiện có ở Mỹ trải qua sáu tháng giảm liên tiếp.

Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ vào các lĩnh vực khác, gồm quần áo, thực phẩm và các mặt hàng có giá trị lớn như ô tô, vẫn ở mức cao. Lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ cũng đã được chứng minh là tốt hơn mức dự báo, ngay cả khi họ bị ảnh hưởng bởi chi phí cao hơn cho mọi thứ từ vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu cho đến tiền lương. Trong khi đó, thị trường lao động Mỹ tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang tự hỏi xu hướng tích cực đó sẽ kéo dài trong bao lâu, đặc biệt là vì Fed chưa có tín hiệu nào cho thấy sẽ sớm dừng tăng lãi suất.

Các nhà giao dịch trái phiếu hiện dự báo mức lãi suất cao nhất ở cuối chu kỳ tăng lãi suất lần này của Fed là khoảng 4,41% vào tháng 4-2023, theo FactSet.

Một số nhà kinh tế tin rằng Fed sẽ đưa lãi suất cuối kỳ lên cao hơn nữa. Các nhà kinh tế của Ngân hàng Nomura dự báo mức lãi suất cuối chu kỳ sẽ đạt 4,5- 4,75%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó của họ. Ngân hàng Deutsche Bank nhận định lãi suất cuối kỳ sẽ cao tới 5%.

Theo Katie Nixon, Giám đốc đầu tư Công ty Northern Trust Wealth Management, hiện tại, rất nhiều tin xấu dường như đã được định giá bởi thị trường chứng khoán.

Nhưng Nixo cho rằng ngay cả khi như vậy, rất khó để nhìn thấy một con đường dễ dàng hơn cho các thị trường do sự kết hợp của chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng trưởng chậm lại ở cả Mỹ và toàn cầu cũng như lạm phát đang ở mức cao hơn xu hướng bình thường.

Bà nói: “Vậy điều gì sẽ là chất xúc tác để thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng giá trở lại? Trong ngắn hạn, mọi thứ vẫn mờ mịt”.

Theo WSJ

Lợi suất trái phiếu tăng sẽ làm suy yếu sức mua cổ phiếu

Trong vòng chưa đầy 2 tuần, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ghi nhận mức tăng cao, đặc biệt là các loại trái phiếu dài hạn. Lãi suất của các trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 30 năm tăng lần lượt 20 điểm và 22 điểm.

Chênh lệch lợi suất giữa các trái phiếu dài hạn và các trái phiếu kỳ hạn 2 năm, những trái phiếu mà lâu nay các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thường có ảnh hưởng mạnh mẽ, được nới rộng đáng kể.

Cụ thể, mức chênh lệch tăng từ 80 điểm lên 98 điểm cho trái phiếu 10 năm và từ 152 điểm lên 174 điểm cho trái phiếu 30 năm.

Trước đó, Fed liên tục ban hành các chính sách nhằm kìm hãm lãi suất tại một ngưỡng ổn định, với những mục tiêu được cho là hạn chế tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 gây ra với nền kinh tế.

Nếu lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng, giới phân tích cho rằng, đây sẽ là thách thức lớn và là nhân tố tác động mạnh tới dòng chảy của các nguồn vốn vào cổ phiếu, làm giảm sức hấp dẫn của loại tài sản này.

Thông thường, lãi suất ngân hàng cũng như lãi suất/lợi suất trái phiếu tăng sẽ làm suy yếu sức mua trên thị trường chứng khoán, tác động đến các mô hình tính toán liên quan đến chiết khấu dòng tiền trong tương lai. Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu tăng sẽ tác động đáng kể đến một số lĩnh vực như đầu tư nhà đất.

Vì sao lợi suất trái phiếu tăng?

Các động thái gần đây của chính quyền Mỹ, đặc biệt là của Fed cho thấy, nước này chưa có ý định kết thúc gói cứu trợ kinh tế đang được triển khai.

Tuy nhiên, gói cứu trợ hiện tại cũng như những gói kích thích kinh tế trước đó chưa thể hiện rõ ràng tới tăng trưởng kinh tế.

Thậm chí, triển vọng tăng trưởng trở lại của nền kinh tế ngày càng mờ mịt khi số ca lây nhiễm và số ca tử vong do Covid-19 tăng mạnh. Các báo cáo công bố gần đây cho thấy, có thêm 140.000 người Mỹ thất nghiệp chỉ tính riêng trong tháng 12/2020. Tình trạng này khó có thể khiến Fed rút đi các gói cứu trợ, trong đó có chính sách lãi suất thấp.

Nếu kinh tế có xu hướng xấu, nhiều khả năng Fed sẽ mở rộng bảng cân đối, bơm thêm tiền ra thị trường và không có điều gì có thể làm xói mòn niềm tin của giới đầu tư về việc sẽ luôn có một lượng người mua trái phiếu chính phủ ổn định.

Một yếu tố khác là chiến thắng vừa qua của Đảng Dân chủ tại hai ghế thượng nghị sĩ ở bang Georgia, điều kiện cần thiết để giành lại quyền kiểm soát Thượng viện từ Đảng Cộng hòa, qua đó hiện thực hóa đề xuất về các gói kích thích quy mô lớn.

Điều này làm tăng nguy cơ thâm hụt ngân sách chính phủ và nợ vay. Trước đó, Đảng Dân chủ đề xuất tăng mạnh quy mô các gói kích thích kinh tế, nhưng Đảng Cộng hòa phản đối vì quá đắt đỏ.

Hiện tại, Chính phủ Mỹ đang nợ rất nhiều, nợ quốc gia tăng nhanh trong năm 2020 vì triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn suy thoái kinh tế. Với nhiều khoản nợ sắp đến hạn, Chính phủ có thể phải đảo nợ, tái cấp vốn cho khoản nợ và lãi suất cần ở mức thấp để thực hiện điều đó.

Mặc dù vậy, Fed không chỉ cam kết duy trì hoạt động thu mua tài sản quy mô lớn mà còn mở rộng việc chuyển dịch và gia tăng giao dịch mua sang thời hạn dài hơn, những động thái này khó có thể làm thay đổi giá trị lãi suất ngay lập tức.

Động lực đáng kể nhất khiến lợi suất trái phiếu chính phủ tăng có lẽ là dự đoán về lạm phát cao hơn và sự do dự của những người mua trái phiếu. Dự đoán về lạm phát cao hơn được đưa ra dựa trên những động thái phá vỡ lạm phát và những động thái trên những thị trường nhạy cảm với lạm phát.

Trong khi đó, tâm lý do dự xuất hiện bởi các quan điểm trên thị trường chứng khoán rằng, trái phiếu chính phủ - với việc bị Fed kìm nén và đối mặt với triển vọng bất cân xứng - không còn là lựa chọn lý tưởng để hạn chế rủi ro đầu tư.

Lãi suất trái phiếu thực tế vẫn âm

Nếu lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng có thể khiến cho cả nhà đầu tư cổ phiếu và nhà hoạch định kinh tế lo ngại.

Fed đang hy vọng lạm phát cao hơn, cơ quan này sẽ không muốn lạm phát tăng được hiện thực hóa thông qua “lạm phát đình trệ” - nghĩa là lạm phát cao trong khi tăng trưởng kinh tế đáng thất vọng.

Bởi vì, Fed sẽ có rất ít giải pháp, nếu không muốn nói là không có giải pháp nào, để có thể dẫn nền kinh tế thoát khỏi trạng thái đó.

Điều này, kết hợp với tác động lên thu nhập của các doanh nghiệp trong nền kinh tế trì trệ, sẽ làm trầm trọng thêm khoảng cách giữa các định giá tài sản với những yếu tố và quy luật cơ bản.

Trong thời điểm hiện nay, quan điểm phổ biến nhất, chi phối thị trường, là cổ phiếu và các tài sản rủi ro tiếp tục tăng do lượng thanh khoản dồi dào đến từ các ngân hàng và lượng tiền dồi dào đầu tư vào các quỹ tư nhân.

Dẫu cho lợi suất trái phiếu chính phủ có tăng, điều quan trọng nhất là lãi suất thực tế vẫn mang giá trị âm. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm hiện đạt 1,13%/năm, tuy nhiên, lãi suất thật vẫn ở mức âm 0,93%.

Lãi suất thực âm sẽ không gây ra trở ngại lớn tới khả năng tăng của giá cổ phiếu trong thời gian tới, bởi cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp hấp dẫn hơn nhiều so với trái phiếu chính phủ đang vật lộn để bù đắp sự ăn mòn của lạm phát.

Trước đó, dòng tiền ào ạt chảy vào cổ phiếu kể từ tháng 3 đến nay là nguyên nhân chính khiến lãi suất trái phiếu chính phủ thực tế tuột dốc.

Vậy khi nào thì lãi suất trái phiếu sẽ thực sự gây ra vấn đề lớn cho thị trường chứng khoán? Theo James Meyer, Giám đốc đầu tư tại Tower Bridge Advisors, khi mà lãi suất thực tế gia tăng đến mức trái phiếu có thể sinh ra lợi nhuận dương và có thể được điều chỉnh theo lạm phát.

Tuy nhiên, sự gia tăng này sẽ khó có thể xảy ra trước những chính sách cứng rắn tới từ Fed trong thời gian tới, ít nhất là cho đến khi nền kinh tế có thể vực dậy sau đại dịch.