Tiền công tính theo thời gian và tiền công tính theo sản phẩm có quan hệ với nhau thế nào?

Mục lục bài viết

  • 1. Các hình thức trả lương cho người lao động theo Bộ luật lao động năm 2019.
  • 2. Khái niệm lương theo sản phẩm.
  • 2.1 Khái niệm tiền lương
  • 2.2 Khái niệm tiền lương theo sản phẩm
  • 3. Quy định của pháp luật về cách tính lương theo sản phẩm.
  • 4. Phân loại lương theo sản phẩm.

Lương theo sản phẩm là tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào đơn giá khoán sản phẩm và số lượng, chất lượng sản phẩm thực tế họ đã làm ra.

Trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, việc áp dụng lương sản phẩm do các cơ quan quản lÍ nhà nước quyết định. Hiện nay, người sử dụng lao động được quyết định vấn đề áp dụng lương sản phẩm trong đơn vị mình. Khi áp dụng hình thức trả lương theo sản phẩm, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết trước và phải duy trì áp dụng trong thời gian nhất định. Để ổn định đời sống cho người lao động, pháp luật quy định ít nhất mỗi tháng người sử dụng lao động phải nghiệm thu sản phẩm và trả lương một lần.

1. Các hình thức trả lương cho người lao động theo Bộ luật lao động năm 2019.

Ngày 14/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Theo đó, căn cứ vào tính chất công việc và điều kiện sản xuất, kinh doanh NSDLĐ và NLĐ thỏa thuận trong HĐLĐ hình thức trả lương theo thời gian, theo sản phẩm và trả lương khoán như sau:

- Tiền lương theo thời gian được trả cho người lao động hưởng lương theo thời gian, căn cứ vào thời gian làm việc theo tháng, tuần, ngày, giờ theo thỏa thuận trong hợp động, cụ thể:

+ Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc;

+ Tiền lương tuần được trả cho một tuần làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng thì tiền lương tuần được xác định bằng tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần;

+ Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc; trong đó:

Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng thì tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tuần thì tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tuần chia cho số ngày làm việc trong tuần theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

+ Tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc; trong đó:

Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng hoặc theo tuần hoặc theo ngày thì tiền lương giờ được xác định bằng tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Lao động năm 2019.

- Tiền lương theo sản phẩm được trả cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.

- Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.

2. Khái niệm lương theo sản phẩm.

2.1 Khái niệm tiền lương

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 90 Bộ luật lao động năm 2019 định nghĩa về tiền lương như sau:

"Điều 90. Tiền lương

1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác".

Ta có thể hiểu: "Hay có thể hiểu, “tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động căn cứ vào năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và điều kiện lao động, được xác định theo sự thỏa thuận hợp pháp giữa hai bên trong hợp đồng lao động hoặc theo quy định của pháp luật”.

2.2 Khái niệm tiền lương theo sản phẩm

Lương theo sản phẩm là hình thức trả lương mà người sử dụng lao động thực hiện cho người lao động căn cứ vào số lượng, chất lượng sản phẩm mà người sử dụng lao động yêu cầu người lao động làm ra và đơn giá sản phẩm được giao. Yêu cầu bắt buộc để thực hiện trả lương theo sản phẩm là người sử dụng lao động phải xây dựng định mức khoán sản phẩm cho người lao động trong một đơn vị thời gian nhất định và xác định đơn giá tiền lương trên một đơn vị sản phẩm.

Tiền lương của người lao động sẽ phụ thuộc trực tiếp vào số lượng sản phẩm hợp lệ mà họ đã sản xuất ra và được người sử dụng lao động chấp nhận và đơn giá tiền lương mà người sử dụng lao động áp dụng vào sản phẩm đó. Nếu người lao động làm nhiều sản phẩm, đơn giá càng cao thì tiền lương của họ càng cao.

Tiền lương theo sản phẩm cũng được trả theo định kỳ thời gian, có thể theo ngày, tháng hoặc năm, tuy nhiên thông thường là theo tháng làm việc của người lao động.

3. Quy định của pháp luật về cách tính lương theo sản phẩm.

- Cách tính tiền lương theo sản phẩm trực tiếp cá nhân được áp dụng theo công thức sau:

Lương sản phẩm = số lượng sản phẩm hoàn thành * đơn giá sản phẩm

Trong đó: Đơn giá sản phẩm được tính giá tiền tính trên một đơn vị sản phẩm.

- Đối với tiền lương theo sản phẩm tập thể:

Lương theo sản phẩm = Số lượng sản phẩm hoàn thành chung của tập thể * đơn giá.

- Đối với tiền lương theo sản phẩm gián tiếp:

Tiền lương theo sản phẩm gián tiếp = đơn giá sản phẩm phục vụ * số sản phẩm mà công nhân chính đạt được.

- Đối với lương theo sản phẩm có thưởng:

Lương theo sản phẩm có thưởng = lương sản phẩm + [(% tiền thưởng so với sản phẩm cho 1% hoàn thành vượt mức sản lượng * phần trăm hoàn thành vượt mức sản lượng)/100 * lương sản phẩm]

- Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường để làm thêm số lượng, khối lượng sản phẩm ngoài số lượng, khối lượng sản phẩm theo định mức lao động theo thỏa thuận với người sử dụng lao động và được tính theo công thức sau:

Tiền lương làm thêm giờ = Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số sản phẩm làm thêm

Trong đó:

Mức ít nhất bằng 150% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày thường; mức ít nhất bằng 200% so với đơn giá tiền

lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần; mức ít nhất bằng 300% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương

Như vậy, lương theo sản phẩm trong trường hợp làm thêm giờ = lương theo sản phẩm chính + tiền lương làm thêm giờ.

- Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm, tiền lương làm việc vào ban đêm được tính như sau:

Tiền lương làm việc vào ban đêm = Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường + Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 30% x Số giờ làm việc vào ban đêm

- Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm, tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm được tính như sau:

Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm = Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% + Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 30% + 20% x Đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương x Số sản phẩm làm thêm vào ban đêm

Trong đó, đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương được xác định như sau:

+ Đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường, được tính ít nhất bằng 100% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường đối với trường hợp người lao động không làm thêm giờ vào ban ngày của ngày đó (trước khi làm thêm giờ vào ban đêm); ít nhất bằng 150% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường đối với trường hợp người lao động có làm thêm giờ vào ban ngày của ngày đó (trước khi làm thêm giờ vào ban đêm);

+ Đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của ngày nghỉ hằng tuần, được tính ít nhất bằng 200% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường;

+ Đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, được tính ít nhất 300% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường.

Như vậy, lương theo sản phẩm trong trường hợp làm thêm giờ vào ban đêm = Lương theo sản phẩm + lương làm thêm giờ vào ban đêm.

Theo Điều 97 Bộ luật lao động 2019 quy định về kỳ hạn trả lương đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo đó: “Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.”

4. Phân loại lương theo sản phẩm.

Lương theo sản phẩm có tác dụng gắn người lao động với kết quả công việc, vì vậy người lao động có thể ý thức được trách nhiệm cũng như quyền lợi của mình từ việc hoàn thành định mức hay tăng năng suất lao động để đem lại lợi ích cho bản thân, cho người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, lương theo sản phẩm được đánh giá là chính xác và công bằng và dễ dàng thực hiện hơn so với lương theo thời gian. Tuy nhiên việc tính lương theo sản phẩm sẽ gặp một vấn đề là người lao động sẽ tập trung vào việc chạy đua số lượng sản phẩm hơn là việc tập trung thời gian để phát huy tài năng, tích lũy kiến thức và đầu tư cho chất lượng sản phẩm,…

Có thể chia lương theo sản phẩm thành:

- Lương theo sản phẩn trực tiếp cá nhân: là hình thức trả lương theo sản phẩm được xác định căn cứ vào số lượng sản phẩm thực tế đã hoàn thành và đơn giá tiền lương cho một sản phẩm được người sử dụng lao động quy định. Ưu điểm của hình thức này là khuyến khích tăng năng suất lao động, dễ dàng tính tiền lương, người lao động chủ động tính tiền lương của mình; nhược điểm là sự cạnh tranh cao, chạy theo lợi ích cá nhân mà hạn chế lợi ích tập thể.

- Lương theo sản phẩm tập thể: là hình thức trả lương được áp dụng cho những công việc do nhiều người cùng thực hiện hoặc những loại công việc không xác định được kết quả cho mỗi cá nhân. Điều kiện áp dụng hình thức này trước hết phải xác định được số tiền lương mà cả nhóm được nhận hoặc đơn giá cho từng sản phẩm mà cả nhóm thực hiện. Ưu điểm của lương theo sản phẩm tập thể là tính thống nhất trong tính lương, ý thức trách nhiệm, tính đoàn kết; nhược điểm là sự ỷ lại trong quan hệ giữa các cá nhân trong tập thể, đôi khi có sự bất công bằng giữa người làm nhiều và người làm việc ít.

- Lương theo sản phẩm gián tiếp: Là hình thức trả lương dành cho những người lao động phụ, số tiền họ nhận được phụ thuộc vào kết quả sản xuất của người sử dụng lao động chính. Lương theo sản phẩm gián tiếp có một hạn chế là người lao động không có tính sáng tạo, không chủ động trong công việc do sự phụ thuộc vào người lao động chính.

- Lương theo sản phẩm có thưởng: Là hình thức trả lương theo số lượng sản phẩm đã hoàn thành cộng với số tiền thưởng do vượt mức chỉ tiêu, năng suất cao và chất lượng sản phẩm tốt hoặc tiền phạt khi chất lượng sản phẩm không tốt.Ưu điểm của hình thức này tạo động lực cho người lao động nâng cao năng suất, kích thích sự sáng tạo, năng lực bản thân, khiến cho sản phẩm có chất lượng, cũng như có trách nhiệm hơn với công việc. Hạn chế của lương theo sản phẩm có thưởng là sự cạnh tranh cao, khiến cho người lao động sẵn sàng vì lợi ích cá nhân để “dẫm đạp” lên lợi ích của cá nhân khác.

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến tiền lương, Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến.