Tóm tất bộ máy nhà nước Việt Nam

Mục lục bài viết

  • 1. Bộ máy nhà nước CHXHCN Việt Nam
  • 2. Khái niệm về bộ máy nhà nước
  • 3. Đặc điểm của bộ máy máy nhà nước
  • 4. Cách phân loại các cơ quan trong bộ máy nhà nước

1. Bộ máy nhà nước CHXHCN Việt Nam

Bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo chiều ngang, bao gồm 4 hệ thống:

1) Các cơ quan quyền lực nhà nước, bao gồm Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đây là các cơ quan đại diện của nhân dân, do nhân dân trực tiếp bầu ra theo nguyên tắc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín;

2) Các cơ quan hành chính nhà nước, còn gọi là các cơ quan quản lí nhà nước bao gồm Chính phủ, các bộ, các cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp và các cơ quan quản lí chuyên môn của Uỷ ban nhân dân như sở, phòng, ban và tương đương;

) Các cơ quan xét xử bao gồm Toà án nhân dân tối cao, các tòa án nhân dân địa phương và các toà án quân sự;

4) Các cơ quan kiểm sát bao gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các viện kiểm sát nhân dân địa phương và các viện kiểm sát quân sự. Ngoài bốn hệ thống nói trên còn có một thiết chế đặc biệt là Chủ tịch nước - nguyên thủ quốc gia, người thay mặt nhà nước về mặt đối nội cũng như đối ngoại, có chức năng chủ yếu nghiêng về hành pháp nhưng không nằm trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.

Cũng như bộ máy nhà nước của các nước trên thế giới, bộ máy nhà nước ta, theo chiều dọc, có thể phân chia thành các cơ quan nhà nước trung ương và các cơ quan nhà nước địa phương. Các cơ quan nhà nước trung ương gồm Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Các cơ quan nhà nước địa phương gồm Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp: tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương), huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh), xã (phường, thị trấn).

Bộ máy nhà nước Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc cơ bản: tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tập trung dân chủ; đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản; bảo đảm sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc; pháp chế xã hội chủ nghĩa; quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tất cả các nguyên tắc nói trên đều nhằm vào một mục tiêu duy nhất là làm cho bộ máy nhà nước thực sự là một bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, là công cụ chủ yếu để nhân dân xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

2. Khái niệm về bộ máy nhà nước

Nhà nước ra đời nhằm tổ chức đời sống xã hội, quản lí và phục vụ xã hội. Thực tế cho thấy, chức năng của nhà nước ngày càng phức tạp, phạm vi hoạt động của nhà nước ngày càng mở rộng, số lượng thành viên của nhà nước ngày càng đông đảo..., đòi hỏi nhà nước phải được tổ chức thành các cơ quan nhà nước với cách thức tổ chức hoạt động, nhiệm vụ quyền hạn, phạm vi hoạt động khác nhau... Toàn bộ các cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương hợp thành bộ máy nhà nước.

Trong sách báo pháp lí Việt Nam hiện nay, có khá nhiều định nghĩa bộ máy nhà nước. Dưới góc độ pháp lí có thể hiểu, bộ máy nhà nước là hệ thống các cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương, được tố chức và hoạt động theo quy định của pháp luật để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước.

3. Đặc điểm của bộ máy máy nhà nước

Định nghĩa trên cho thấy, bộ máy nhà nước có các đặc điểm cơ bản sau:

Một là, bộ máy nhà nước là hệ thống cơ quan nhà nước Cơ quan nhà nước là bộ phận cơ bản cẩu thành nhà nước, bao gồm sổ lượng người nhất định, được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật, nhãn danh nhà nước thực hiện quyển lực nhà nước.

Cơ quan nhà nước có một số đặc điểm sau:

- Cơ quan nhà nước là bộ phận cơ bản cấu thành nhà nước, nghĩa là cơ quan nhà nước chỉ là những bộ phận then chốt, thiết yếu của nhà nước. Các bộ phận khác cấu thành nhà nước nhưng chỉ giữ vai trò thứ yếu không được quan niệm là cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước có biên chế xác định, mỗi cơ quan nhà nước gồm một số lượng người nhất định, có thể có cơ quan chỉ bao gồm một người (chẳng hạn, nguyên thủ quốc gia ở nhiều nước), có thể có cơ quan nhà nước bao gồm một nhóm người (quốc hội, chính phủ...).

- Cơ quan nhà nước được thành lập theo các cách thức hay trình tự khác nhau, có thể là cha truyền con nối hoặc bầu cử hoặc bổ nhiệm...

- Tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước do pháp luật quy định. Thông thường, pháp luật có quy định cụ thể về vị trí, tính chất, vai trò, con đường hình thành, cơ cấu tổ chức, nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động... của mỗi cơ quan trong bộ máy nhà nước.

- Mỗi cơ quan nhà nước có những chức năng, nhiệm vụ quyền hạn riêng do pháp luật quy định. Chẳng hạn, chức năng của nghị viện (quốc hội) là lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước...; chức năng của toà án là xét xử các vụ án.

- Mỗi cơ quan nhà nước được trao cho những quyền năng nhất định để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Toàn bộ những nhiệm vụ và quyền hạn mà một cơ quan nhà nước được thực hiện và phải thực hiện tạo nên thẩm quyền của cơ quan nhà nước đó. Cơ quan nhà nước nhân danh và sử dụng quyền lực nhà nước để thực hiện thẩm quyền của mình, nó có quyền ban hành những quyết định nhất định (Những quyết định này có thể là những quyết định cá biệt, cũng có thể là quyết định chứa đụng quy tắc xử sự chung, có thể thể hiện dưới hình thức văn bản hoặc bằng lời nói.); yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan phải tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh những quyết định do nó hoặc các chủ thể khác có thẩm quyền ban hành; kiểm tra, giám sát việc thực hiện những quyết định đó, khi cần thiết, nó có thể sử dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước để đảm bảo thực hiện những quyết định đó.

4. Cách phân loại các cơ quan trong bộ máy nhà nước

Các cơ quan trong bộ máy nhà nước có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau dựa vào các tiêu chí khác nhau. Sau đây là một số cách phân loại cơ quan trong bộ máy nhà nước.

- Căn cứ vào thẩm quyền theo phạm vi lãnh thổ, các cơ quan nhà nước được chia thành cơ quan trung ương và cơ quan địa phương. Cơ quan trung ương là cơ quan có thẩm quyền hoạt động trên toàn lãnh thổ, cơ quan địa phương là cơ quan có thẩm quyền hoạt động chỉ trong phạm vi địa phương.

- Căn cứ vào chức năng, các cơ quan nhà nước được chia thành cơ quan lập pháp (có chức năng xây dựng pháp luật); cơ quan hành pháp (có chức năng tổ chức thực hiện pháp luật); cơ quan tư pháp (có chức năng bảo vệ pháp luật).

- Căn cứ vào thời gian hoạt động, các cơ quan nhà nước được chia thành cơ quan thường xuyên và cơ quan lâm thời. Cơ quan thường xuyên là cơ quan được thành lập để thực hiện những công việc thường xuyên của nhà nước, tồn tại thường xuyên trong bộ máy nhà nước. Cơ quan lâm thời là cơ quan được thành lập để thực hiện những công việc có tính chất nhất thời của nhà nước, sau khi thực hiện xong công việc đó nó sẽ tự giải tán, ví dụ, ủy ban sửa đổi Hiến pháp, các cơ quan bầu cử ở nước ta...

- Căn cứ vào con đường hình thành, tính chất, chức năng, các cơ quan nhà nước được chia thành cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan quản lí nhà nước, cơ quan xét xử, cơ quan kiểm sát. Cơ quan quyền lực nhà nước là cơ quan do nhân dân bầu ra, đại diện nhân dân để thực thi quyền lực nhà nước; cơ quan quản lí nhà nước là cơ quan được hình thành từ cơ quan quyền lực nhà nước, thực hiện chức năng quản lí, điều hành công việc hàng ngày của đất nước trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại; cơ quan xét xử có chức năng xét xử các vụ án; cơ quan kiểm sát có chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, thay mặt nhà nước thực hiện quyền công tố. Hiện nay ở Việt Nam, cơ quan này chì có chức năng kiểm tra, giám sát các hoạt động tư pháp và thực hành quyền công tố.

Mỗi cách tiếp cận trên đều có ý nghĩa khoa học nhất định làm cơ sở để xem xét và giải quyết những vấn đề về bộ máy nhà nước. Ngoài các cách phân loại trên, còn có nhiều cách khác để phân loại các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, việc phân loại các cơ quan trong bộ máy nhà nước nhiều khi chỉ có ý nghĩa tương đối, nhiều trường hợp nó chỉ có ý nghĩa trong một phạm vi nhất định.

Nhìn chung, trong bộ máy nhà nước đều bao gồm khá nhiều cơ quan nhà nước. Mỗi cơ quan nhà nước là một yếu tố, một đơn vị cấu thành bộ máy nhà nước, vì thế, nếu xem xét nhà nước như một cơ thể sống thì mỗi cơ quan nhà nước chính là những bộ phận cơ bản cấu thành nên cơ thể sống đó. Mỗi bộ phận trên cơ thể sống đều có chức năng, nhiệm vụ riêng song lại có liên hệ mật thiết với các bộ phận khác để bảo đảm sự tồn tại và phát triển của cơ thể đó. Giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước luôn có sự liên kết chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau tạo nên một thể thống nhất, trong đó mỗi cơ quan nhà nước được xem như là một mắt xích của hệ thống đó.

Tóm lại, về cơ cấu bộ máy nhà nước thường bao gồm:

- Nguyên thủ quốc gia (vua, tổng thống, chủ tịch nước...);

- Cơ quan lập pháp (vua, nghị viện, quốc hội...);

- Cơ quan hành pháp (vua, chính phủ, hội đồng bộ trưởng...);

- Cơ quan tư pháp (vua, tòa án...);

- Chính quyền địa phương: tùy theo đặc điểm cụ thể, có thể tổ chức 2, 3 thậm chí 4 cấp chính quyền địa phương. Ở mỗi cấp chính quyền địa phương có thể có một hoặc nhiều cơ quan, chẳng hạn cơ quan quyết nghị, cơ quan chấp hành...;

- Quân đội, cảnh sát.

Hai là, bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc nhất định

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước là những nguyên lí, những tư tưởng chỉ đạo có tính then chốt, xuất phát điểm, làm cơ sở cho toàn bộ quá trình tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Bộ máy nhà nước thường bao gồm nhiều cơ quan có vị trí, vai trò và phạm vi hoạt động... khác nhau, do vậy, nó khó có thể phát huy được sức mạnh và hiệu quả hoạt động nếu không được tổ chức một cách chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ. Do vậy, để thiết lập trật tự trong bộ máy nhà nước nhằm tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất trong hoạt động giữa các cơ quan nhà nước, tăng cường sức mạnh của cả bộ máy nhà nước, đòi hỏi quá trình tổ chức và hoạt động của bộ máy này phải dựa trên cơ sở của những nguyên tắc chung nhất định.

Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ở các nước khác nhau thường có sự khác nhau vì chúng được xác định trên cơ sở bản chất, chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, trình độ phát triển của kinh tế xã hội, của nền dân chủ... Chẳng hạn, bộ máy nhà nước phong kiến Việt Nam, Trưng Quốc... chủ yếu được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc “tôn quân quyền”, bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay được tổ chức và hoạt động trên cơ sở hệ thống các nguyên tắc được xác lập trong Hiến pháp và luật.

Ba là, bộ máy nhà nước được thiết lập để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước

Chức năng, nhiệm vụ của nhà nước được thực hiện thông qua bộ máy nhà nước, khi nhà nước cần phải thực hiện chức năng, nhiệm vụ nào đó, nhà nước thành lập ra các cơ quan tương ứng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ ấy. Chính vì vậy, quy mô, cơ cấu của bộ máy nhà nước cũng như cách thức tổ chức và hoạt động của từng cơ quan nhà nước... trước tiên chịu sự chi phối của chức năng nhà nước. Chẳng hạn, nếu chức năng chủ yếu của nhà nước là trấn áp thì trong bộ máy nhà nước các cơ quan cưỡng chế, trấn áp cũng là chủ yếu và được coi trọng nhất; ngược lại, nếu chức năng chủ yếu của nhà nước là tổ chức và quản lí kinh tế, xã hội thì trong bộ máy nhà nước cũng chủ yếu bao gồm các cơ quan quản lí các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước còn chịu sự chi phối của các yếu tố khác như năng lực, phẩm chất của đội ngũ nhân viên nhà nước, cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề của công tác thiết kế bộ máy nhà nước, trình độ phát triển của xã hội, truyền thống dân tộc, mức độ thâm nhập của các học thuyết chính trị pháp lí, sự ảnh hưởng của các nhà nước khác... Cùng với sự phát triển của xã hội, của nền dân chủ cũng như của văn minh nhân loại thì bộ máy nhà nước cũng ngày càng phát triển đa dạng, phong phú hơn, quy mô của bộ máy nhà nước ngày càng mở rộng hơn, cách thức tổ chức và phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước ngày càng dân chủ hơn. Chẳng hạn, cơ quan thực hiện chức năng lập pháp ở các nhà nước đương đại chủ yếu hình thành bằng con đường bầu cử phổ thông, trực tiếp và hoạt động theo che độ tập thể...

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)