Bài giảng hay về môn văn hóa xã hội năm 2024

Lev Seyomovich Vygotsky là nhà tâm lý học xuất chúng người Liên Xô. Ông sinh ngày 5 tháng 11 năm 1896 ở thị trấn Orsha (nay thuộc Belarus). Ông hoàn thành chương trình học ở thành phố Gomel năm 1913 và sau đó theo học tại đại học Moscow. Năm 1917, sau khi nhận được tấm bằng luật và tham gia một khóa học tâm lý và triết học tại Đại học Nhân dân Shanyavsky, ông quay trở về Gomel để dạy văn và tâm lý học. Ông cũng lập các lớp về văn học và khoa học, đồng thời tổ chức các lớp diễn kịch nơi ông thường giảng văn học và khoa học . Cùng thời gian này, ông còn lập một phòng thí nghiệm tâm lý học tại trường sư phạm Gomel. Những hoạt động này đã giúp ông thực hiện nhiều khóa huấn luyện tâm lý mà những bài giảng sau này được tập hợp thành cuốn Tâm lý học giáo dục.

Các lý thuyết của ông đặt nền móng cho Tâm lý học hoạt động, ngành Tâm lý dựa trên triết học Marxist biện chứng – hoạt động. Vygotsky mất vì lao phổi vào ngày 11 tháng 6 năm 1934 ở tuổi 38.

Thuyết Văn hóa Xã hội (Social Culture Theory) là một trong những lý thuyết quan trọng nhất trong cuộc đời nghiên cứu Tâm lý học của ông.

Sau đây là 4 nguyên tắc cơ bản trong khuôn khổ thuyết Văn hóa Xã hội của Vygotsky.

  1. Ngôn ngữ đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển trí tuệ

Xem xét những lời nói cá nhân (private speech) mà trẻ em tự nói với chính mình (các bạn có thể thấy trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo thường hay tự “lẩm bẩm” với chính mình khi đang chơi hay làm một việc gì đấy) để lên kế hoạch hay hướng dẫn hành vi của chúng – đây là hành vi phổ biến nhất ở trẻ mẫu giáo, đối tượng chưa phù hợp để được học những kỹ năng xã hội mà đúng hơn là chúng chỉ mới khám phá những ý tưởng của nó – trẻ thường sử dụng lời nói khi nhiệm vụ trở nên quá khó khăn và chúng không biết làm thế nào để tiến hành. Những lời nói cá nhân giúp đứa trẻ có thể hoàn thành nhiệm vụ. Vygotsky tin rằng những lời nói cá nhân đó thay đổi theo lứa tuổi, với việc nói nhỏ hơn hay thậm chí chỉ còn là những lời thì thầm khi trẻ lớn dần lên và trở thành lời nói nội tâm đối với những người trưởng thành. Người ta cho rằng trẻ thông minh thường mất đi lời nói cá nhân sớm hơn những trẻ khác.

  1. Sự phát triển không thể tách rời với hoàn cảnh xã hội

Lý thuyết này cho rằng, các tương tác xã hội dẫn đến việc từng bước thay đổi liên tục trong suy nghĩ và hành vi của trẻ và việc này có thể khác nhau rất nhiều giữa những nền văn hóa. Sự phát triển phụ thuộc vào sự tương tác với con người và các công cụ mà nền văn hóa đó cung cấp để giúp trẻ hình thành cái nhìn của chúng về thế giới xung quanh. Có 3 cách mà công cụ văn hóa (culture tool) có thể truyền từ người này sang người khác là:

  • Học tập bằng cách bắt chước (imitative learning)
  • Học tập bằng huấn luyện, hướng dẫn (instructed learning)
  • Học tập bằng cách tự điều chỉnh (self – regulated learning)

“Sự hướng dẫn, tham dự của người lớn giúp cho trẻ phát triển nhận thức. Nhưng nhận thức ấy chỉ bền vững khi nó được áp dụng vào trò chơi với bạn đồng lứa hoặc trở thành nét tính cách thông qua giao tiếp và ứng xử trong nhóm bạn bè…trong quá trình chơi và giao tiếp với bạn bè, trẻ em thu nhận kiến thức và rèn luyện kỹ năng ứng xử xã hội [1]

  1. Học tập đem lại sự phát triển

Vygotsky tin rằng bất kỳ phương pháp sư phạm nào tạo ra quá trình học tập cũng đều mang lại sự phát triển nhận thức.

Trong phần này ta sẽ thảo luận về khái niệm nổi tiếng nhất của Vygotsky: vùng Phát triển gần. (ZPD – Zone of Proximal Development).

Đây là khái niệm nói lên sự khác biệt khi trẻ/người học tự mình tìm hiểu kiến thức với trẻ/người học có được sự hướng dẫn của người có kỹ năng cao hơn trong việc này.

Theo Vygotsky, trình độ của trẻ/người học thường chia thành hai loại:

  • Trình độ phát triển hiện tại, biểu hiện trẻ em/người học có thể giải quyết vấn đề trong khả năng hiện tại của mình.
  • Trình độ phát triển tiềm năng, biểu hiện ở việc trẻ/người học phải thông qua sự giúp đỡ của người có kiến thức và kinh nghiệm cao hơn để hoàn thành nhiệm vụ.

Vùng nằm giữa hai khoảng này gọi là vùng phát triển gần.

Vùng phát triển gần là một mục tiêu di động nên khi người học đạt được các kỹ năng và khả năng mới thì vùng này sẽ di chuyển dần về phía trước. ZPD dẫn dắt người học đến vùng phát triển tiềm năng, thuyết này nhấn mạnh vai trò của người hướng dẫn (giáo viên, cha mẹ…) với người học và nhiệm vụ tìm cách truyền đạt lại kiến thức và kinh nghiệm cho người học.

“Vygotsky cũng đưa ra một khái niệm quan trọng: “giàn giáo” (Scaffolding), được hiểu như một cấu trúc giá đỡ cho sự phát triển của trẻ, mà tương tác xã hội chính là nguồn cung cấp “giàn giáo” cho trẻ hay người học sự hiểu biết.[2]

  1. Trẻ em tự xây dựng nên kiến thức của chúng

Vygotsky tin rằng trẻ em tự xây dựng kiến thức của mình và không thụ động sao chép những gì được trình bày cho chúng. Chúng tò mò và muốn khám phá thế giới xung quanh, tự mày mò, tìm hiểu những vấn đề mà chúng quan tâm.

“Trong giai đoạn đầu tiên, tiền ngôn ngữ, trẻ em tự khảo sát môi trường một cách độc đáo, tự tạo ra cấu trúc kiến thức. Phương thức này dần dần được thay thế bởi học hỏi có hướng dẫn để tiết kiệm thời gian khi tiếp thu những kiến thức đã được tích lũy qua các thế hệ. Nhưng tính tích cực của con người và phương thức độc lập khảo sát môi trường, tự tạo nên kiến thức không hề mất đi mà chúng được nâng lên ở mức cao hơn và áp dụng trong lĩnh vực tìm kiếm tri thức mới cho nhân loại. Bằng chứng là những kiến thức khoa học mà chúng ta có được đều được các nhà nghiên cứu và phát hiện ra nhờ vào phương thức này.”[3]

ĐÁNH GIÁ THUYẾT VĂN HÓA XÃ HỘI

Thuyết văn hóa xã hội cung cấp lăng kính mới cho việc xem xét sự phát triển nhận thức bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của các quá trình xã hội đặc biệt mà Piaget và các nhà tâm lý học khác đã bỏ qua. Và cung cấp một lý thuyết quan trọng trong việc ứng dụng vùng phát triển gần trong dạy trẻ em hay học các ngôn ngữ mới. v.v…

Sau L.X.Vygotsky, nhiều nhà tâm lý học Liên Xô (trước đây) đã đặc biệt chú ý đến mối quan hệ giữa dạy học và sự phát triển tâm lý. Các nhà khoa học đã chỉ rõ vai trò chủ đạo của dạy học và giáo dục đối với sự phát triển tâm lý. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh vai trò chủ động, tích cực của bản thân trẻ. Ở một mức độ nhất định, con người có khả năng tự giáo dục dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của nhà giáo dục và những người xung quanh. Để giữ được vai trò chủ đạo, giáo dục và dạy học phải kích thích, dẫn dắt sự phát triển chứ không chờ đợi sự phát triển. Giáo dục phải đi trước một bước, đón trước sự phát triển, tạo điều kiện cho trẻ tích cực, chủ động giải quyết mọi mâu thuẫn, thúc đẩy sự phát triển của trẻ tới mức cao hơn và điều này mâu thuẫn với ý kiến tự phát triển của trẻ của Vygotsky!

Chủ đề