Bài tập cho người bị teo cơ delta năm 2024

Giữ nhiệm vụ vụ trưởng Vụ Điều trị, trực tiếp phụ trách chương trình phẫu thuật cho bệnh nhân xơ cơ Delta thời điểm 2006-2007, ông Lý Ngọc Kính đánh giá trong số 15.000 bệnh nhân xơ cơ Delta được phát hiện thời điểm 2006, còn khoảng 7-8% điều trị không hiệu quả, tức hơn 1.000 em.

“Phẫu thuật chỉ là biện pháp điều trị ban đầu, ngay sau đó trẻ cần tập phục hồi chức năng trong khoảng hai năm với bài tập đã được hướng dẫn cụ thể cho gia đình” - ông Kính cho biết.

Cần thêm dữ liệu

Tuy nhiên, qua khảo sát ở vài vùng của Hà Nội có số lượng trẻ mắc xơ cơ Delta lớn như xã Vật Lại (huyện Ba Vì), xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) cho thấy thời gian tập phục hồi chức năng của trẻ rất ít. Có trẻ chỉ tập thường xuyên trong một tuần ở bệnh viện, còn sau khi về gia đình thì nhiều trẻ “thỉnh thoảng có tập” với hai loại bài tập thường thấy là kéo dây và đánh bóng.

Ông Lý Ngọc Kính đánh giá “cơ bản 15.000 bệnh nhân xơ cơ Delta phát hiện năm 2006 đã được điều trị, số bệnh nhân rải rác xuất hiện sau thời điểm này cũng đang được các bệnh viện địa phương tiếp tục phẫu thuật”.

Cũng theo ông Lý Ngọc Kính, trước thời điểm tháng 12-2009, địa phương cũng không báo cáo đầy đủ về hiệu quả điều trị, kết quả tập phục hồi chức năng cho 15.000 bệnh nhân xơ cơ Delta đã được phát hiện, nên rất khó đánh giá hiệu quả điều trị. Chính vì vậy, từng có những thông tin nhiễu khi cho rằng “50% bệnh nhân xơ cơ Delta ở Vật Lại, Ba Vì điều trị không kết quả”, kiểm tra thì phát hiện người khảo sát chỉ đến một gia đình có hai bệnh nhân, một người điều trị có kết quả tốt, người kia không.

Nhưng muốn đánh giá hiệu quả của một chương trình khá lớn là phẫu thuật cho hàng ngàn bệnh nhân xơ cơ Delta và tập phục hồi chức năng, thì đến nay vẫn không thể vì không đủ dữ liệu.

Nên thay đổi phác đồ tiêm

Trong nghiên cứu cấp nhà nước về tỉ lệ mắc xơ hóa cơ Delta và mối liên quan với tiêm trực tiếp vào cơ Delta, do TS Nguyễn Thanh Liêm - giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư - chủ trì, cho thấy 683 bệnh nhân được nghiên cứu đều có tiền sử sử dụng thuốc tiêm vào cơ Delta trong thời gian điều trị tại bệnh viện trước đó.

Theo nghiên cứu, trẻ tiêm kháng sinh vào cơ Delta mắc xơ hóa gấp 1,5 lần so với trẻ không tiêm kháng sinh vào cơ Delta, đặc biệt những trẻ được tiêm nhiều lần trong ngày (khoảng sáu lần trở lên) có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn hẳn. Thời điểm tiêm vào cơ Delta cũng liên quan mật thiết với chứng bệnh xơ hóa của trẻ, đặc biệt trong giai đoạn sơ sinh và từ 2 tháng đến 5 tuổi.

Do mối liên quan giữa tiêm kháng sinh vào vùng cơ Delta, TS Nguyễn Thanh Liêm khuyến cáo cán bộ y tế nếu bệnh còn có thể điều trị bằng đường uống, tốt nhất nên cho bệnh nhân uống thuốc thay vì chỉ định tiêm. Với các trường hợp cần thiết phải chỉ định tiêm, nên thay đổi vị trí tiêm, tiêm tĩnh mạch thay vì tiêm bắp. Và ở bất kỳ vị trí nào cũng cần phải đảm bảo kỹ thuật tiêm, tránh tai biến hoặc hậu quả không mong muốn.

_________________

Cắt bỏ dải xơ chưa hẳn là xong?

LTS: Sau khi Tuổi Trẻ (ngày 13-8) đặt lại vấn đề một số trẻ vẫn còn biểu hiện “chim sệ cánh” (bệnh xơ cơ Delta) dù đã phẫu thuật, chúng tôi nhận được phản hồi từ giới chuyên môn. Xin trích đăng bài viết của bác sĩ Tăng Hà Nam Anh (ĐH Y dược TP.HCM) để rộng đường dư luận.

Những năm 2006-2008, khi cả nước rộ lên vấn đề “chim sệ cánh” của trẻ em khu vực phía Bắc (nơi có số lượng bệnh nhân nhiều nhất), nhiều cuộc hội thảo, hội nghị của các hội nhi khoa và hội chấn thương chỉnh hình đã tập trung thảo luận để tìm nguyên nhân và biện pháp điều trị. Đã có những công trình cấp nhà nước để nghiên cứu bệnh lý này.

“Nguyên nhân gây bệnh xơ hóa cơ Delta là tiêm kháng sinh peniciline nhiều lần ở độ tuổi từ 1 đến 5” - đó là kết luận của đề tài nghiên cứu do Bệnh viện Nhi T.Ư thực hiện.

Việc điều trị dường như trở nên đơn giản dưới con mắt của các phẫu thuật viên là cắt bỏ dải xơ của cơ delta thì sẽ giải quyết được vấn đề. Thế nhưng, đến nay vẫn còn rất nhiều trẻ, thậm chí những người thành niên, vẫn còn di chứng hạn chế vận động của vòng vai và của khớp vai do xơ hóa cơ delta.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một nguyên nhân khác, đó chính là di chứng tình trạng chèn ép khoang của một phần cơ delta do chích quá nhanh các loại thuốc vào cơ delta làm hình thành các dải xơ (do nhóm nghiên cứu của tác giả TS.BS Lương Đình Lâm - nguyên trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy và cộng sự đưa ra, được trình bày trong hội nghị Hội Chấn thương chỉnh hình TP.HCM năm 2010).

Có thể hình dung: trong một thùng kín có chứa các ống nước mềm, nếu chúng ta bơm nước vào trong thùng, áp lực của nước sẽ ép dẹp các ống nước mềm trong thùng. Tương tự như vậy đối với cơ delta, bên trong khối cơ lớn có từng bó cơ được bao bọc bởi bao cơ, khi tiêm thuốc (kháng sinh hay các loại thuốc khác) sẽ làm tăng áp lực bên trong các bao cơ này làm ép dẹp các mao mạch trong bao cơ gây ra tình trạng thiếu máu nuôi. Lâu dần các bó cơ sẽ bị xơ hóa hình thành nên các dải xơ.

Điều này phù hợp với những nhận xét của chúng tôi khi mổ cho những bệnh nhân lớn, không phải chỉ có một dải xơ to mà có thể có nhiều dải xơ nhỏ nằm rải rác trong cơ delta, do đó nếu chỉ cắt một dải xơ vẫn không giải quyết được vấn đề vận động vòng vai cho bệnh nhân.

Nhóm tác giả còn nhận thấy: việc phẫu thuật cắt bỏ dải xơ bằng cách mổ mở, dù cắt ở nguyên ủy hay bám tận đều gây xơ hóa thêm cho cơ. Bằng chứng là tại Bệnh viện Thanh Hóa sau ba năm khám lại vẫn có 19/72 cánh tay còn phải mổ lại theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, và 22/72 ca có nguy cơ phải mổ lại vì hầu hết các em đều dưới 10 tuổi.

Mặc dù dải xơ được gián đoạn cách xa nơi nguyên ủy hoặc bám tận, nhưng do mổ mở, ổ mổ sẽ bị xơ hóa. Ổ xơ hóa này sẽ nối với dải xơ cũ. Đối với trẻ còn lớn thì sau 1-2 năm vẫn chưa thấy tái phát, nhưng từ ba năm trở đi cánh tay tiếp tục dài ra, trong khi bó xơ lại không phát triển. Điều này sẽ dẫn đến việc tiếp tục co kéo bả vai như trước.

Từ đó, nhóm tác giả đã đưa ra kết luận: xơ hóa cơ Delta tại VN là do tiêm thuốc quá nhanh vào cơ gây chèn ép khoang và hậu quả là gây ra hội chứng Volkmann bả vai - cánh tay (tức là di chứng sau hội chứng chèn ép khoang cấp không được điều trị), phẫu thuật mổ mở ở trẻ còn quá nhỏ có thể gây tái phát với tỉ lệ khá cao.

Và kiến nghị: không tiêm thuốc vào cơ delta của trẻ em, và dù tiêm vào đâu cũng không được bơm thuốc quá nhanh. Việc cắt dải xơ chỉ nên can thiệp tối thiểu và khi trẻ trên 15 tuổi để tránh bệnh tái phát cao.