Cách nhổ răng khôn

Nhổ Răng Khôn Là Gì?

Nhổ răng khôn là một quá trình phẫu thuật được thực hiện bởi nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật răng miệng để nhổ một hoặc nhiều răng khôn của bạn. Răng khôn là bốn răng vĩnh viễn mọc sau cùng ở độ tuổi trưởng thành, nằm ở góc trong cùng của hàm trên và hàm dưới. Răng khôn còn gọi là răng hàm thứ ba, là răng mọc cuối cùng ở độ tuổi vị thành niên hoặc ở độ tuổi 20 và có thể cần phải được nhổ bỏ dựa trên khuyến cáo của nha sĩ.

Tổng Quan Về Răng Khôn

Răng khôn, thường được gọi là răng hàm thứ ba, thường mọc trước tuổi 25 và chúng được gọi là răng khôn vì chúng mọc ở độ tuổi trưởng thành. Đối với một số người, răng khôn không hề gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của họ, bởi chúng "đến và đi nhẹ nhàng như một cơn gió", không hề gây đau đớn; nhưng đối với những người khác, mọc răng khôn có thể trở thành một vấn đề nếu răng không mọc chồng chéo trong miệng của bạn, mọc sai vị trí hoặc mọc ngầm.Theo Hiệp Hội Nha Khoa Hoa Kỳ, khi răng khôn mọc, nha sĩ của bạn thường sẽ kiểm tra những yếu tố sau đây:

  • Răng khôn mọc không đúng vị trí có thể khiến thức ăn bị mắc ở răng. Tình trạng này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây sâu răng phát triển.
  • Răng khôn không mọc đúng vị trí có thể gây khó khăn cho việc sử dụng chỉ nha khoa để vệ sinh răng khôn và các răng hàm bên cạnh.
  • Răng khôn chỉ mọc một phần có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào nướu và gây ra tình trạng viêm nhiễm. Tình trạng này cũng có thể dẫn đến đau hàm, sưng và cứng hàm.
  • Nếu răng khôn không có đủ không gian để mọc, sẽ xảy ra hiện tượng mọc chồng chéo hoặc sẽ gây tổn thương cho những răng bên cạnh.
  • Răng khôn mọc ngầm có thể dẫn đến sự hình thành của u nang ở trên hoặc gần răng mọc ngầm. Tình trạng này có thể dẫn đến nguy cơ làm hỏng chân răng của các răng bên cạnh hoặc phá hủy xương hỗ trợ răng của bạn.

Làm Thế Nào Để Biết Tôi Cần Nhổ Răng Khôn?

Hãy khám răng định kỳ hai lần một năm để nha sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe răng miệng của bạn. Nếu nha sĩ phát hiện vấn đề đáng lo ngại nào về răng khôn của bạn, họ sẽ kiểm tra chuyên sâu hơn và tiến hành chụp X-quang, cũng như thảo luận với bạn về phương pháp điều trị những vấn đề đó. Răng khôn thường được nhổ thông qua phẫu thuật nhổ răng khôn khi có các dấu hiệu như sau:

  • Những chiếc răng khỏe mạnh bên cạnh răng khôn có thể bị tổn thương
  • Nguy cơ răng mọc ngầm
  • Nguy cơ viêm nhiễm răng
  • Hình thành u nang hoặc khối u

Nhổ bỏ răng khôn mọc ngầm giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề về răng miệng trong tương lai, và những bệnh nhân lựa chọn nhổ răng khôn hiếm khi gặp các biến chứng nghiêm trọng. Mặc dù khó có thể dự đoán các vấn đề gặp phải trong tương lai, nhưng lý do để thực hiện nhổ răng khôn thay vì giữ chúng lại trong miệng là để giúp chúng tacó một hàm răng chắc khỏe hơntrong tương lai:

  • Răng khôn không có các triệu chứng trên vẫn có thể chứa các nguy cơ gây bệnh.
  • Nếu không có đủ không gian cho răng khôn mọc, thường rất khó để tiếp cận cũng như làm sạch răng khôn đúng cách.
  • Các biến chứng nghiêm trọng của răng khôn ít xảy ra ở người trẻ tuổi.
  • Người lớn tuổi có thể gặp khó khăn với việc phẫu thuật và biến chứng hậu phẫu thuật.

Rủi Ro Của Việc Nhổ Răng Khôn Là Gì?

Mặc dù hầu hết các ca nhổ răng khôn không dẫn đến các biến chứng lâu dài, nhưng một số vấn đề có thể xảy ra sau quá trình phẫu thuật như là:

Ổ răng bị khô là tình trạng cục máu đông hậu phẫu thuật bị bật ra khỏi vết thương phẫu thuật (trong ổ răng) và khiến xương nằm bên dưới bị lộ ra ngoài. Ổ răng bị khô có thể gây đau đớn và làm chậm quá trình hồi phục sau phẫu thuật.

  • Các hạt thức ăn bị mắc kẹt hoặc vi khuẩn gây nhiễm trùng trong ổ răng.
  • Các vấn đề về xoang do viêm nhiễm.
  • Xương hàm dưới yếu đi.
  • Tổn thương thần kinh ở môi dưới, lưỡi hoặc cằm.

Nếu bạn lo lắng về những rủi ro trong quá trình nhổ răng khôn, hãy chia sẻ với nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật răng miệng của bạn về những lo ngại đó. Các bác sĩ có thể giải thích quy trình nhổ răng khôn và cung cấp thông tin chi tiết về quy trình nhổ răng để xem liệu việc phẫu thuật có phù hợp với bạn hay không.

Tôi Nên Chuẩn Bị Những Gì Cho Phẫu Thuật Nhổ Răng Khôn?

Nếu bạn đã nghĩ đến việc nhổ răng khôn, thì có lẽ bạn đã tự hỏi về việc nên chuẩn bị cho quá trình phẫu thuật này như thế nào. Bạn cần chia sẻ với nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật răng miệng của bạn về việc nhổ răng khôn, tìm hiểu xem bạn có phù hợp với việc nhổ răng khôn hay không và chia sẻ về những rủi ro hoặc bất kỳ lo lắng nào của bạn. Nha sĩ của bạn có thể thực hiện quy trình phẫu thuật nhổ răng tại phòng khám, tuy nhiên nếu răng của bạn bị mọc ngầm quá sâu hoặc nếu việc nhổ răng dự kiến sẽ có nhiều khó khăn hơn bình thường, nha sĩ của bạn có thể đề nghị bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ phẫu thuật răng miệng. Khi bạn gặp chuyên gia nha khoa, bạn nên hỏi một số câu hỏi dưới đây:

  • Cần phải nhổ bao nhiêu răng khôn?
  • Khi phẫu thuật, loại gây mê nào sẽ được sử dụng?
  • Quá trình phẫu thuật răng khôn phức tạp hoặc chuyên sâu như thế nào?
  • Thời gian ước tính của quá trình phẫu thuật là bao lâu?
  • Trong quá trình phẫu thuật, các răng xung quanh có bị tổn thương hay không?
  • Dây thần kinh có khả năng bị tổn thương hay không?
  • Bạn có cần phải điều trị nha khoa hậu phẫu không?
  • Thời gian trung bình để hồi phục và quay trở lại hoạt động thường ngày sau phẫu thuật là bao lâu?

Mặc dù nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật răng miệng của bạn có thể không có câu trả lời đầy đủ cho tất cả những câu hỏi này, nhưng họ cũng sẽ chuẩn bị phần nào để trả lời cho những câu hỏi này. Nhổ răng khôn là một quy trình phẫu thuật khá tiêu chuẩn, vì vậy ngay cả khi các bác sĩ không có câu trả lời chính xác, thì họ vẫn có thể đưa ra những hướng dẫn cơ bản.

Chuẩn Bị Cho Ca Phẫu Thuật

Bệnh nhân nhổ răng khôn thường hiếm khi phải ở lại qua đêm; đối với hầu hết các ca phẫu thuật, bệnh nhân được ở ngoại trú, có nghĩa là bạn có thể về nhà cùng ngày hôm đó. Nhân viên phòng khám răng mà bạn thực hiện ca phẫu thuật sẽ thông báo cho bạn về những gì bạn nên làm trước và sau khi phẫu thuật và có thể trả lời bất kỳ câu hỏi nào khác về quy trình phẫu thuật.

Trước ngày phẫu thuật, hãy nhờ người thân hoặc bạn bè đưa bạn đến phòng khám và đưa bạn về nhà sau khi phẫu thuật. Bạn nên biết cần phải đến phòng khám sớm như thế nào và biết cần phải hạn chế những thực phẩm nào vào đêm hôm trước (tức là, bạn sẽ cần phải nhịn ăn hay không? Nếu cần, thì bạn cần nhịn ăn khi nào và trong bao lâu?). Nếu bạn đang sử dụng bất kỳ loại thuốc kê đơn hoặc thuốc không kê đơn nào, hãy kiểm tra xem liệu có thể sử dụng các loại thuốc này trước khi phẫu thuật hay không.

Có được câu trả lời cho tất cả những câu hỏi này sẽ đảm bảo bạn có một ca phẫu thuật và phục hồi sau phẫu thuật suôn sẻ.

Kinh Nghiệm Phẫu Thuật -Trước Khi Phẫu Thuật

Có ba loạigây mê, và tùy thuộc vào bản chất quy trình phẫu thuật của bạn và mức độ thoải mái của bạn, mà bạn sẽ được gây mê bằng một trong ba cách sau:

Gây Tê Cục Bộ

Gây tê cục bộ được thực hiện bằng cách tiêm tại vị trí nhổ răng. Trước khi tiêm để gây tê, nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật của bạn sẽ sử dụng một chất gây tê. Bạn vẫn sẽ tỉnh táo khi thực hiện biện pháp gây tê này, và mặc dù bạn sẽ cảm thấy có một chút áp lực và chuyển động trong miệng, nhưng bạn sẽ không thấy một chút đau đớn nào.

Gây Mê An Thần

Đối với những người không sợ kim tiêm, gây mê an thần được tiêm qua đường truyền tĩnh mạch (IV) trực tiếp vào một trong các tĩnh mạch ở cánh tay của bạn. Loại thuốc an thần này khiến bạn mất ý thức trong suốt quá trình phẫu thuật, có nghĩa là bạn sẽ chìm trong giấc ngủ trong khi các bác sĩ phẫu thuật làm việc và bạn sẽ không cảm thấy đau đớn trong suốt quá trình phẫu thuật. Bác sĩ phẫu thuật của bạn cũng sẽ làm tê nướu của bạn bằng một hợp chất gây tê hoặc gây mê cục bộ.

Gây Mê Toàn Thân

Nếu bạn không thích dùng kim tiêm, thì biện pháp gây mê toàn thân có thể sẽ phù hợp với bạn vì bác sĩ sẽ cho bạn hít thuốc mê thay vì phải tiêm qua tĩnh mạch. Giống như gây mê an thần, bạn sẽ chìm vào giấc ngủ trong suốt quá trình phẫu thuật và lượng hấp thụ thuốc, nhịp thở, nhiệt độ cơ thể, nhịp tim và huyết áp của bạn đều được theo dõi bởi đội ngũ phẫu thuật.

Kinh Nghiệm Phẫu Thuật Trong Quá Trình Phẫu Thuật

Nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật răng miệng của bạn sẽ rạch một đường trong nướu, tạo ra các vạt để làm lộ phần răng và vùng xương bên dưới. Bất kỳ xương nào chặn việc tiếp cận vào răng sẽ được loại bỏ trước khi nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật miệng chia răng ra thành các phần, điều này giúp cho việc nhổ răng trở nên dễ dàng hơn.

Nha sĩ sẽ nhổ răng và dọn sạch mọi mảnh vụn còn sót lại xung quanh mép nướu hoặc xung quanh xương. Sau đó, vết thương sẽ được khâu lại. Tiếp đó, nha sĩ sẽ đặt miếng gạc lên vị trí nhổ răng để cầm máu và giúp đông máu.

Kinh Nghiệm Phẫu Thuật Hậu Phẫu

Sau khi phẫu thuật xong, bạn sẽ được đưa đến phòng hồi sức để thuốc mê hết tác dụng, trừ khi bạn chọn gây tê cục bộ, điều đó có nghĩa là bạn có thể sẽ phục hồi ngay ở trên ghế phẫu thuật.

Nên:

  • Làm theo chỉ dẫn của bác sĩ về hồi sức. Bởi vì bạn đang có một vết thương trong miệng, nên điều quan trọng là bạn phải tuân theo các khuyến nghị của nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật để giúp miệng của bạn lành nhanh hơn và không có biến chứng hậu phẫu.
  • Sau phẫu thuật, hãy dành thời gian để nghỉ ngơi. Bạn có thể quay lại lịch trình bình thường vào ngày hôm sau, nhưng hãy duy trì hoạt động tốn nhiều sức lực ở mức tối thiểu khoảng một tuần trong khi vết thương do phẫu thuật của bạn đang dần lành lại.
  • Ăn thức ăn mềm trong một hoặc hai ngày sau phẫu thuật. Nước sốt táo và sữa chua sẽ giúp bạn có đủ chất dinh dưỡng và bạn có thể dễ dàng nuốt chúng từ miệng mà không làm ảnh hưởng đến các vị trí nhổ răng.
  • Dùng thuốc không kê toa có chứa acetaminophen nếu bạn bị đau sau khi phẫu thuật. Nếu cơn đau vẫn tiếp tục, hãy liên hệ với nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật của bạn và họ có thể kê cho bạn một liều thuốc mạnh hơn. Sử dụng túi chườm đá lên má cũng có thể giúp giảm đau nhẹ.
  • Súc miệng bằng nước muối ấm (khoảng 250ml nước với 1/2 muỗng cà phê muối ăn) sau mỗi bữa ăn và cứ sau vài giờ trong vòng một tuần. Bạn có thể bắt đầu chải răng lại sau một hoặc hai ngày đầu tiên, nhưng hãy cẩn thận khi tiếp cận gần chỗ được phẫu thuật.

Không nên:

  • Uống đồ uống có đường, cafein, có ga hoặc có cồn trong vài ngày đầu sau phẫu thuật. Thay vào đó, hãy uống nhiều nước và không nên dùng ống hút vì hành động hút có thể vô tình đánh bật cục máu đông khỏi vết thương, từ đó làm chậm quá trình hồi phục.
  • Ăn thức ăn quá dai hoặc quá cay, hoặc thức ăn dễ bị mắc kẹt giữa các răng.
  • Nhổ nước bọt dưới bất kỳ hình thức cũng có thể đánh bật cục máu đông. Nếu bạn nghĩ rằng gạc trên vị trí nhổ răng cần phải được thay thường xuyên, hãy tham khảo ý kiến nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật của bạn. Sưng và bầm tím hậu phẫu là hiện tượng bình thường, nhưng tình trạng này sẽ được cải thiện trong vòng một vài ngày bằng cách sử dụng một túi nước đá.
  • Chải răng, khạc nhổ hoặc sử dụng nước súc miệng trong ngày đầu tiên hoặc ngày tiếp theo.
  • Không hút thuốc hoặc nhai các sản phẩm thuốc lá. Tiêu thụ bất kỳ sản phẩm nào từ thuốc lá sau khi phẫu thuật răng miệng có thể làm chậm quá trình hồi phục vết thương và có thể làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng hoặc nhiễm trùng.

Nếu bạn có các mũi khâu thì đừng lo bởi chúng có khả năng tự phục hồi, và sẽ biến mất trong một vài tuần. Nếu vết khâu của bạn cần phải được tháo chỉ, bạn rất có thể phải xếp lịch hẹn với nha sĩ để tiến hành tháo chỉ.

Khi Nào Nên Gọi Nha Sĩ Hoặc Bác Sĩ Phẫu Thuật Của Bạn

Nếu bạn gặp phải những dấu hiệu hoặc triệu chứng này sau khi phẫu thuật, hãy liên hệ với nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật của bạn ngay lập tức vì chúng có thể là dấu hiệu của chứng khô ổ răng, viêm nhiễm, tổn thương dây thần kinh hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác:

  • Sau vài ngày sưng tấy không thuyên giảm
  • Sốt nhẹ
  • Thuốc giảm đau được kê toa nhưng không có hiệu quả giảm đau
  • Nước súc miệng không rửa trôi được mảng bám hoặc dư vị còn sót lại
  • Các ổ răng có mủ tụ lại bên trong hoặc rỉ ra từ vết thương
  • Mất cảm giác hoặc tê kéo dài

Kết Quả

Bạn có thể không cần phải tái khám sau khi nhổ răng khôn trừ khi có biến chứng xảy ra, nhưng bạn cũng có thể gặp các vấn đề dai dẳng khác (như đau nhức, sưng, tê, chảy máu), chúng có thể là dấu hiệu của viêm nhiễm hoặc tổn thương dây thần kinh, hoặc bạn cần phải tháo chỉ (vì chúng không phải là chỉ khâu tự tiêu).

Nếu bạn gặp các biến chứng trên, hãy liên hệ với nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật của bạn ngay lập tức để thảo luận về các phương án điều trị thích hợp.