Con trong độ tuổi nào thì được hỗ trợ năm 2024

Trong những năm qua, Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế và xã hội phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói riêng đã dần dần hoàn thiện. Nhà nước và xã hội đã quan tâm nhiều hơn tới công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Công tác chăm sóc sức khỏe và giáo dục trẻ em ngày càng được cải thiện và có nhiều chuyển hướng tiếp cận dựa trên nhu cầu và đáp ứng các quyền cơ bản của các em. Tuy nhiên bên cạnh những nỗ lực đáng kể trong việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý thực hiện các quyền trẻ em tương đối tương thích với chuẩn mực quốc tế thì xét từ nhiều góc độ, hệ thống pháp luật của nước ta chưa hoàn toàn phù hợp với các quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, trong đó có vấn đề quy định về độ tuổi trẻ em.

Trong pháp luật quốc tế, độ tuổi trẻ em được sử dụng tương đối thống nhất và áp dụng độ tuổi của trẻ em là dưới 18. Tuy nhiên, trong các Công ước quốc tế như Tuyên bố của Hội quốc liên về quyền trẻ em (năm 1924), Tuyên bố của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (năm 1959), Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (năm 1968), Công ước 138 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về tuổi tối thiểu làm việc (năm 1976), Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (năm 1989)… đã khẳng định việc áp dụng độ tuổi trẻ em của mỗi quốc gia có thể khác nhau, tuỳ thuộc vào nội luật của mỗi nước quy định độ tuổi thành niên sớm hơn. Song, các tổ chức của Liên hợp quốc và quốc tế như UNICEF, UNFPA, ILO, UNESSCO… đều xác định trẻ em là người dưới 18 tuổi. Khái niệm “trẻ em” được quốc tế sử dụng thống nhất và đề cập trong nhiều văn bản.

Con trong độ tuổi nào thì được hỗ trợ năm 2024

Nước ta quy định trẻ em là những người từ mới sinh đến dưới 15 tuổi

Riêng ở Việt Nam, pháp luật quy định về độ tuổi của trẻ em chính thức được đề cập trong một văn bản pháp quy sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 14 tháng 11 năm 1979, trong đó quy định “Trẻ em nói trong Pháp lệnh này gồm các em từ mới sinh đến 15 tuổi” (Điều 1). Đến năm 1991, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được ban hành đã nâng độ tuổi trẻ em lên đến dưới 16 tuổi (Điều 1) “Trẻ em quy định trong Luật này là công dân Việt Nam dưới mười sáu tuổi”. Độ tuổi này tiếp tục được khẳng định tại Điều 1 của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ban hành năm 2004. Như vậy trong pháp luật chuyên ngành, Việt Nam thừa nhận độ tuổi trẻ em được pháp luật bảo vệ và chăm sóc là những công dân dưới 16 tuổi. Mặc dù quy định độ tuổi thấp hơn so với Công ước quốc tế, nhưng quy định của Việt Nam vẫn được coi là phù hợp bởi quy định mở của Công ước.

Bên cạnh văn bản luật chuyên ngành, trong hệ thống pháp luật Việt Nam còn có nhiều ngành luật khác cũng đề cập tới vấn đề trẻ em như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Thanh niên, Luật Quốc tịch, Luật Giáo dục, Luật Phổ cập giáo dục tiểu học… Tuy nhiên trong mỗi ngành luật đều tiếp cận khái niệm trẻ em ở một khía cạnh khác nhau. Đặc biệt, một số văn bản luật đã có các chế định cụ thể quy định quyền tự định đoạt của trẻ em từ đủ chín tuổi trở lên đối với các vấn đề liên quan trực tiếp tới mình như: có tài sản riêng; nhận nuôi con nuôi; thay đổi họ, tên của con nuôi (Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000). Trẻ em từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý (Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000). Trẻ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lấy ý kiến bằng văn bản khi thay đổi quốc tịch (Luật Quốc tịch năm 1998)…

Trong thực tế có nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau khi xem xét, giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và bổn phận của trẻ em. Người ta thường sử dụng cụm từ “trẻ em”, “trẻ con” hay “trẻ thơ” để chỉ những người ở một độ tuổi nhất định trong giai đoạn đầu của con người. Ở góc độ khoa học, trẻ em được định nghĩa tuỳ theo góc độ tiếp cận của từng khoa học cụ thể, như trong triết học, trẻ em được xem xét trong mối quan hệ biện chứng với sự phát triển xã hội nên ở mọi thời đại, tương lai của quốc gia, dân tộc đều tuỳ thuộc vào việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đối với chuyên ngành xã hội học, trẻ em được xác định là người có vị thế, vai trò xã hội khác với người lớn, vì vậy, cần được xã hội quan tâm, tạo điều kiện sinh trưởng, nuôi dưỡng, bảo vệ, chăm sóc phát triển thành người lớn. Trong tâm lý học, khái niệm trẻ em được dùng để chỉ giai đoạn đầu của sự phát triển tâm lý - nhân cách con người. Dưới khía cạnh pháp lý, khái niệm trẻ em thường được tiếp cận theo độ tuổi. Điều này có nghĩa là một cá nhân có thể được coi là người lớn hay trẻ em phụ thuộc vào năm sinh của người đó tại thời điểm xác định.

Mặc dù còn có nhiều cách gọi tên hay vận dụng khác nhau nhưng chúng ta có thể thống nhất khái niệm trẻ em như sau: “Trẻ em là một thuật ngữ nhằm chỉ một nhóm xã hội thuộc về một độ tuổi nhất định trong giai đoạn đầu của sự phát triển con người”. Từ cách tiếp cận này, chúng ta có thể hiểu khái niệm về độ tuổi của trẻ em là khoảng thời gian đã tồn tại từ khi ra đời cho đến năm 16 (theo pháp luật Việt Nam) hoặc năm 18 tuổi (theo pháp luật quốc tế).

Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều khái niệm khác nhau, cũng như vận dụng độ tuổi khác nhau dẫn đến khó khăn trong công tác áp dụng pháp luật và việc thụ hưởng quyền lợi của trẻ em. Đến thời điểm này, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – thương binh và Xã hội) vẫn đang tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia pháp luật, nhà nghiên cứu về tâm - sinh lý lứa tuổi và đặc biệt là lấy ý kiến của trẻ em và người dân về việc nâng độ tuổi của trẻ em lên dưới 18 tuổi. Việc quy định nâng độ tuổi của trẻ em vừa phù hợp với luật pháp quốc tế, vừa tránh được việc phải sử dụng nhiều khái niệm trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, đồng thời việc quy định độ tuổi này cũng đã phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, cơ sở đề nghị nâng tuổi trẻ em từ 16 tuổi lên đến dưới 18 tuổi là vì người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chưa phát triển triển đầy đủ về sức khoẻ và nhận thức, chưa đủ các điều kiện cần thiết để trở thành người lớn, người thành niên; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đang trong giai đoạn chuyển đổi mạnh về thể lực và tâm lý nên đòi hỏi cần có sự quan tâm đặc biệt, cần có sự bảo vệ, chăm sóc của gia đình và xã hội nhiều hơn để tạo đà cho các em phát triển đầy đủ, trở thành người có ích cho xã hội, tránh rơi vào các tệ nạn hoặc vi phạm pháp luật; Tạo ra sự thống nhất quản lý xã hội bằng pháp luật đối với mọi người dân, không tạo ra “khoảng trống” trong việc bảo vệ, chăm sóc quyền con người theo một chu kỳ vòng đời người. Việc quy định độ tuổi trẻ em dưới 18 tuổi là phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Do vậy, nâng quy định độ tuổi trẻ em dưới 18 tuổi sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho trẻ em được bảo vệ, chăm sóc đầy đủ, toàn diện, trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc xem điều kiện kinh tế - xã hội trong nước có đáp ứng được không vì nếu Luật đã quy định, diện đối tượng được hưởng chính sách liên quan tới trẻ em sẽ được mở rộng, đòi hỏi sự đầu tư và đáp ứng nguồn lực về ngân sách, con người nên vẫn phải cân nhắc. Một minh chứng cụ thể là các chính sách liên quan đến trẻ em chủ yếu dành cho đối tượng dưới 16 tuổi hưởng lợi. Nhưng trong hệ thống chính sách của chúng ta, lứa tuổi từ 16-18 tuổi chưa có những quy định cụ thể, rõ ràng, nếu Luật Bảo vệ, chăm sóc trẻ em được sửa đổi, bổ sung tăng độ tuổi trẻ em thì sẽ có chính sách tốt hơn cho đối tượng này. Đây là giai đoạn bước ngoặt rất quan trọng trong đời sống mỗi cá nhân. Các em sẽ trở thành công dân trưởng thành, tham gia đầy đủ hơn vào đời sống xã hội.