Công ty ủy quyền cho chi nhánh xuất hóa đơn năm 2024

(LSVN) - Công ty tôi là công ty dược phẩm và có mở một chi nhánh là nhà thuốc trực thuộc công ty (chi nhánh phụ thuộc) chuyên bán lẻ các sản phẩm là thuốc thành phẩm. Vậy, xin hỏi nhà thuốc trực thuộc Công ty tôi (chi nhánh phụ thuộc) có được phép xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) không và việc kê khai thuế GTGT cho các chi nhánh phụ thuộc thế nào?

Công ty ủy quyền cho chi nhánh xuất hóa đơn năm 2024

Ảnh minh họa.

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành, chi nhánh phụ thuộc được phép xuất hóa đơn. Cụ thể, căn cứ theo điểm d, khoản 3, Điều 13, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định:

"d) Tổ chức kinh doanh kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ xuất điều chuyển hàng hóa cho các cơ sở hạch toán phụ thuộc như các chi nhánh, cửa hàng ở khác địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) để bán hoặc xuất điều chuyển giữa các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc với nhau; xuất hàng hóa cho cơ sở nhận làm đại lý bán đúng giá, hưởng hoa hồng, căn cứ vào phương thức tổ chức kinh doanh và hạch toán kế toán, cơ sở có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn, chứng từ như sau:

- Sử dụng hóa đơn điện tử giá trị gia tăng để làm căn cứ thanh toán và kê khai nộp thuế giá trị gia tăng ở từng đơn vị và từng khâu độc lập với nhau;

- Sử dụng Phiếu xuất kho kiểm vận chuyển nội bộ; sử dụng Phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý theo quy định đối với hàng hóa xuất cho cơ sở làm đại lý.

Cơ sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng, cơ sở nhận làm đại lý bán hàng khi bán hàng phải lập hóa đơn theo quy định giao cho người mua, đồng thời lập Bảng kê hàng hóa bán ra gửi về cơ sở có hàng hóa điều chuyển hoặc cơ sở có hàng hoá gửi bán (gọi chung là cơ sở giao hàng) để cơ sở giao hàng lập hóa đơn giá trị gia tăng cho hàng hóa thực tế tiêu thụ giao cho cơ sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng, cơ sở nhận làm đại lý bán hàng.

Trường hợp cơ sở có số lượng và doanh số hàng hoá bán ra lớn, Bảng kê có thể lập cho 05 ngày hay 10 ngày một lần. Trường hợp hàng hoá bán ra có thuế suất thuế giá trị gia tăng khác nhau phải lập bảng kê riêng cho hàng hoá bán ra theo từng nhóm thuế suất.

Cơ sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng, cơ sở nhận làm đại lý bán hàng thực hiện kê khai nộp thuế giá trị gia tăng đối với số hàng xuất bán cho người mua và được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo hóa đơn giá trị gia tăng của cơ sở giao hàng xuất cho.

Trường hợp các đơn vị phụ thuộc của cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản đã đăng ký, thực hiện kê khai nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, có thu mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản để điều chuyển, xuất bán về trụ sở chính của cơ sở kinh doanh thì khi điều chuyển, xuất bán, đơn vị phụ thuộc sử dụng Phiếu xuất kho kiểm vận chuyển nội bộ, không sử dụng hóa đơn điện tử giá trị gia tăng".

Căn cứ quy định trên chi nhánh hạch toán phụ thuộc có quyền xuất hóa đơn GTGT để làm căn cứ thanh toán và kê khai nộp thuế GTGT ở từng đơn vị và từng khâu độc lập với nhau.

Kê khai thuế GTGT thế nào?

Theo Luật sư, chi nhánh phụ thuộc kê khai và nộp thuế GTGT cụ thể như sau:

Chi nhánh hạch toán phụ thuộc cùng tỉnh với trụ sở chính

Chi nhánh hạch toán phụ thuộc cùng tỉnh hoặc thành phố với trụ sở chính sẽ kê khai và nộp thuế GTGT trực tiếp tại cơ quan thuế của trụ sở chính trừ trường hợp chi nhánh trực tiếp bán hàng hóa.

Theo khoản 4, Điều 13, Thông tư 80/2021/TT-BTC, chi nhánh là đơn vị phụ thuộc trực tiếp bán hàng đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 4, Điều 13, Thông tư 80/2021/TT-BTC thì kê khai thuế, nộp thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh.

Chi nhánh hạch toán phụ thuộc khác tỉnh với trụ sở chính

Tại Khoản 1, Điều 12 của Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định: "Người nộp thuế có kinh doanh, hoạt động trên nhiều địa bàn cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính thực hiện hạch toán kê khai tập trung tại trụ sở chính theo quy định tại khoản 2, Khoản 4, Điều 11, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP người nộp thuế phải thực hiện khai thuế, tính thuế và nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế của trụ sở chính và phân bổ số thuế phải nộp cho cơ quan thuế của từng tỉnh nơi có hoạt động kinh doanh".

Các trường hợp được phân bổ:

- Hoạt động kinh doanh xổ số điện toán;

- Hoạt động chuyển nhượng bất động sản, trừ trường hợp "hoạt động chuyển nhượng bất động sản của dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng" quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 11, Nghị định 126/2020/NĐ-CP;

- Hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật về hệ thống ngành kinh tế và quy định của pháp luật chuyên ngành;

- Đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở trực tiếp sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp), trừ các trường hợp quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 11, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP;

- Nhà máy thủy điện nằm trên nhiều tỉnh.

Như vậy, chi nhánh hạch toán phụ thuộc khác tỉnh với trụ sở chính thì sẽ kê khai và nộp thuế GTGT tại cơ quan thuế của chi nhánh và phân bổ số thuế phải nộp cho từng tỉnh nơi có hoạt động kinh doanh (nếu có phát sinh doanh thu tại chi nhánh).

Chi nhánh khác tính xuất hóa đơn như thế nào?

Như vậy, chi nhánh hạch toán phụ thuộc khác tỉnh với trụ sở chính của người nộp thuế thì người nộp thuế sẽ thực hiện kê khai thuế GTGT tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp và phân bổ số thuế phải nộp cho từng tỉnh nơi có hoạt động kinh doanh theo quy định (nếu có phát sinh doanh thu tại chi nhánh).

Ủy nhiệm xuất hóa đơn là gì?

Ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử là việc tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, tổ chức khác bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giao cho bên thứ ba lập hóa đơn điện tử mà việc lập hóa đơn này thuộc trách nhiệm của chính doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc tổ chức bán hàng, cung ứng dịch vụ đó (bản chất là thay mặt).

Doanh nghiệp tư nhân xuất hóa đơn thế nào?

Như vậy, doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân, khi đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp tư nhân có thể đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, từ đó doanh nghiệp tư nhân có quyền xuất hóa đơn GTGT khi thực hiện các hoạt động mua bán, cung ứng dịch vụ.

Chi nhánh hoạt động theo ủy quyền của doanh nghiệp là gì?

Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.