Đồng hồ blue planet giá bao nhiêu năm 2024

Anh em hay chơi đồ công nghệ của Xiaomi chắc cũng từng nghe đến cái tên CIGA Design rồi. Các trang web bán đồng hồ CIGA Design ở Việt Nam thường dính kèm cái tên Xiaomi ở phía trước. Nhưng cơ bản thương hiệu đồng hồ Trung Quốc chẳng có gì liên quan tới Xiaomi ngoại trừ việc được tập đoàn của tỷ phú Lei Jun đầu tư.

Tháng 11/2021, giải thưởng thường niên Grand Prix d'Horlogerie de Genève được tổ chức. Giải thưởng này là nơi những hãng đồng hồ danh giá nhất hành tinh tranh tài ở nhiều hạng mục, từ đồng hồ xuất sắc nhất, cho đến những cỗ máy thời gian cho từng giới tính, giải biểu tượng, giải cho đồng hồ tourbillon, chronograph… Nếu giải “Cây kim vàng” dành cho chiếc Bvlgari Octo Finissimo, giải đồng hồ nam xuất sắc nhất dành cho Grand Seiko White Birch SLGH005, thì ở hạng mục đồng hồ rẻ hơn 3.500 Franc Thụy Sỹ (3.700 USD), lần đầu tiên một cái tên Trung Quốc được xướng lên: CIGA Design Blue Planet.

Trước đó, chỉ là những cái tên từ Thụy Sỹ và Nhật Bản cạnh tranh với nhau.

Thiết kế thắng giải “Challenge Watch Prize” này là một cỗ máy thời gian vỏ hợp kim titanium, đường kính 46mm nhưng lug chìm, dây silicon gắn xuống đáy case. Chính giữa mặt số là tấm nhôm khắc nổi trái đất, với hai vành giờ và phút hiển thị thời gian bên ngoài. Lên web, CIGA Design Blue Planet báo giá 899 USD cho bản case thép, và 1.099 USD cho bản case hợp kim titanium.

Trước khi nói đến chiếc đồng hồ đoạt giải, sẽ là công bằng khi nói đến CIGA Design và nhà thiết kế 55 tuổi Zhang Jianmin. Thực tế, Zhang không phải một nghệ nhân đồng hồ. Thập niên 80, ông theo học thiết kế mỹ thuật công nghiệp ở đại học khoa học công nghệ Thiểm Tây. Thập niên 90, ông làm nhà thiết kế công nghiệp ở Thâm Quyến, bắt đầu tạo ra những giao diện hệ thống chỉ dẫn giống như anh em thấy ở sân bay, và thậm chí là nhiều dự án xây dựng. Hệ thống chỉ đường sử dụng tại Olympic Bắc Kinh 2008 và triển lãm Shanghai Expo năm 2010 chính là thành quả lao động của ông.

Trước khi thành lập CIGA Design năm 2012, Zhang đã có gần 30 năm trong ngành thiết kế, với kinh nghiệm và đam mê với những cỗ máy thời gian trên cổ tay con người gần như là số 0 tròn trĩnh. Cơ duyên đến với đồng hồ bắt đầu, khi Zhang muốn tạo ra một sản phẩm nơi thiết kế kết nối trực tiếp với tính cá nhân của người đeo. Sau vài năm thể nghiệm, CIGA Design ra đời, viết tắt của China International Great Art.

Nhà thiết kế Trung Quốc nói: “Thiết kế đóng vai trò rất lớn trong ngành đồng hồ. Tôi lấy cảm hứng từ chủ nghĩa thiết kế Bauhaus, nên đã bắt đầu nghĩ đến việc chiếc đồng hồ có ý nghĩa ra sao đối với người dùng, với chủ nhân của cái đồng hồ ấy.”

Năm 2014, CIGA Design lần đầu có booth trưng bày ở Baselworld, hội chợ đồng hồ lâu đời bên Thụy Sỹ. Và trong 10 năm tồn tại tính đến nay, thương hiệu Trung Quốc đã giành được 9 giải thưởng Red Dot Design Awards, 3 giải German Design Awards, 2 giải iF Design Awards. Nhưng tính đến trước tháng 11/2021, CIGA chưa từng giành được một giải thưởng nào của làng đồng hồ, mà chỉ có giải về thiết kế.

Và ở Grand Prix d'Horlogerie de Genève, cái tên Trung Quốc đã vượt qua nhiều thương hiệu Thụy Sỹ như Doxa, Oris, Massena LAB hay anOrdain để giành giải Challenge Watch Prize. Để làm được điều này, chỉ có kinh nghiệm thiết kế của CIGA là không đủ.

Đấy là lúc một cái tên khác đầy quen thuộc đối với anh em xuất hiện: Sea-Gull, nhà sản xuất máy cơ đồng hồ đến từ thành phố Thiên Tân. Nhờ Sea-Gull, Blue Planet mới có bộ máy lên cót tự động với khả năng hiển thị thời gian theo cách độc đáo. Tỷ lệ bánh răng được thay đổi. Mặt nhôm khắc địa hình trái đất đi kèm với biểu tượng la bàn xoay để chỉ cả giờ và phút. Vành số chỉ giờ ngoài cùng không di chuyển, còn vành chỉ phút sẽ xoay theo trái đất. Thời gian tương ứng là đường thẳng hàng giữa biểu tượng la bàn, vạch phút và vạch giờ. Ví dụ hình dưới, thời gian là 7 giờ 25 phút:

Ông Zhang chia sẻ: “Khi bắt đầu thiết kế, tôi nhìn lại lịch sử 200 năm ngành đồng hồ đeo tay và nghĩ xem có gì con người chưa phát minh ra. Điều tôi phát hiện ra là, tuyệt đại đa số những chiếc đồng hồ khác đều có 2 hoặc 3 kim. Theo truyền thống, kim giờ xoay 30 độ tương ứng 1 tiếng, thì kim phút xoay 360 độ. Nhưng Blue Planet thì khác, mặt trái đất xoay 30 độ thì vành kim phút di chuyển 390 độ.”

Diễn giải bằng từ ngữ đương nhiên khó hiểu hơn nhiều so với việc tận tay tận mắt trải nghiệm chiếc đồng hồ này ngoài đời thật. Và với mức giá từ 899 USD, nó là món đồ chơi dễ tiếp cận hơn nhiều so với những cỗ máy thời gian với mức độ phức tạp và vẻ đẹp mỹ thuật tương đương từ bàn tay các nghệ nhân Thụy Sỹ. Hai vành số giờ và phút với những cọc số nổi đã đủ ấn tượng, nhưng trung tâm của chiếc đồng hồ luôn là bản đồ trái đất khắc chính xác về mặt địa hình, cùng ký hiệu la bàn nằm giữa Madagascar và châu Nam Cực.

Rất dễ đưa ra những dòng nhận xét có phần tiêu cực vì Blue Planet là “hàng Tàu”. Mà nếu xác nhận một cách công bằng, những chiếc CIGA Design khác giá rẻ nên dùng một thời gian, khả năng cót rất tệ, chỉ chưa đầy 1 ngày là hết năng lượng, đôi khi chỉ được mỗi cái đẹp. Nhưng phải thừa nhận, Blue Planet khác, rất khác. Chất lượng chế tác chiếc đồng hồ này hoàn toàn so sánh được với những mẫu đồng hồ ngang tầm giá từ Thụy Sỹ hay Đức.

Cùng lúc, kinh nghiệm của một chuyên gia mỹ thuật công nghiệp cũng được phát huy. Nhìn Blue Planet không khác gì một viên đá cuội nhỏ nhắn trên cổ tay. Không có góc nhọn, không có những bề mặt xiên tạo ra cảm giác khó chịu cho tay khi đeo. Còn mặt kính sapphire cong lại tôn được vẻ đẹp của mặt nhôm khắc họa hành tinh xanh, ngôi nhà của chúng ta. Nhà thiết kế họ Zhang rõ ràng đã làm được điều ông mong muốn: Tạo ra một thứ mới mà không phức tạp, rối rắm hoặc đắt đỏ. Chỉ cần nhìn vào biểu tượng la bàn rồi nhìn sang hai vành số gần đó là đọc được giờ.

Trong trường hợp của Blue Planet, cái đẹp hoàn toàn không khỏa lấp hoặc ảnh hưởng đến tính thực dụng của sản phẩm, đúng như mục đích thiết kế.

Và như đã nói, so với những chiếc đồng hồ khác đóng mác CIGA Design, Blue Planet là sản phẩm với ngoại hình, thiết kế và hoàn thiện khác biệt gần như 180 độ. Và điều đáng khen ngợi là, dù giành được giải thưởng danh giá, Zhang cùng các cộng sự vẫn giữ nguyên quan điểm tạo ra những sản phẩm dễ tiếp cận, ai cũng có thể sở hữu, với mức giá chưa đầy 4 chữ số tiền USD.

Chủ đề