Khoông kịp nói yêu em review năm 2024

“Không kịp nói yêu em” là một tác phẩm bi thương, vẫn luôn nằm trong top “tiểu thuyết Dân Quốc kinh điển”. Một đoạn tình duyên đã từng rất đẹp, nảy mầm từ mối quan hệ thanh mai trúc mã tưởng chừng như rất vững chắc nhưng lại không giữ được trái tim cô.

Khoông kịp nói yêu em review năm 2024

Review Không kịp nói yêu em (2)

Đã từng nghe danh “mẹ ghẻ” của Phỉ Ngã Tư Tồn từ lâu nay có dịp trải nghiệm thì đúng là nên viết một bài cảm thán.

Trước hết là truyện, mình đọc truyện trước khi xem phim, thực ra cái ấn tượng đầu tiên về truyện này chính là tên và bìa sách. Hồi đầu đọc truyện cứ lảm nhảm không đứt cái tên truyện. sau rồi mê mẩn cái đồng hồ quả quýt trên bìa luôn. Thấy bà con commen ầm ầm là SE này nọ, rồi ngược đi ngược lại nên cũng chả định đọc, cho đến một ngày gần gần đây trong phút giây rảnh rỗi đến phát chán mình lại nghe được bài “Là tự em đa tình” ost của phim “Không kịp nói yêu em”, càng nghe càng ngấm đâm ra lại khoái cái ngược quằn quại của truyện nên quyết định mò đi đọc ebook. Đọc từ đầu đến tầm 15 chương thì không nhịn được mà phải nhả ra 1 câu “Đốc quân gì mà rãnh dữ vậy!”.

Câu chuyện bắt đầu trong cảnh loạn lạc của Trung Quốc vào thời Dân quốc, Bái lâm – Cậu Sáu (lục thiếu) – Mộ Dung Phong thực sự như một thổ hoàng đế cai quản 6 tỉnh Giang Bắc nối nghiệp cha. Doãn Tĩnh Uyên – một cô tiểu thư con nhà thế gia được nuôi dưỡng theo phong thái phương tây vừa dịu dàng lại kiên quyết như đoá hoa lan nở trong cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông. Có lẽ cuộc đời Tĩnh Uyên sẽ an an ổn ổn mà trôi qua nếu không có cuộc gặp định mệnh trên chuyến tàu với một người con trai bí ẩn và một chiếc đồng hồ khắc hai chữ “Bái Lâm”. Tưởng như tình cờ mà lại là duyên phận, khi bạn thanh mai trúc mã bị bắt do buôn lậu hàng quốc cấm, Tĩnh Uyên lặn lội đi tìm Cậu Sáu Mộ Dung mong có thể nhờ vào món nợ ân tình mà xin tha cho Hứa Kiến Chung. Hai người họ, Doãn Tĩnh Uyên và Bái Lâm, vì hai mục đích khác nhau mà cùng diễn một vở kịch lớn, qua mặt tất cả quan binh,mệnh phụ. Nhưng trớ trêu ở chỗ , ái tình là một thứ thật kì lạ, lặng lẽ nảy nở trong lòng người ta, khi Tĩnh Uyên đưa thân thay Bái Lâm đỡ một phát đạn chí mạng thì có lẽ trong trái tim cuồng nhiệt của vị chủ soái trẻ tuổi đã thực sự rung động.

Lại có một nghịch lý người ta thường nói “theo tình tình trốn, trốn tình tình theo” , ngay cái lúc Bái Lâm muốn cướp lấy trái tim người con gái anh yêu nhất thì cô ta vẫn mãi vướng bận luẩn quẩn trong cái mớ bòng bòng giữa nghĩa-tình. Nhưng có lẽ nếu Tĩnh Uyên không ra đi, không rời khỏi Bái Lâm thì cô mãi mãi không nhận ra tình cảm chân thật của bản thân mình, sẽ không có chuyện cô vứt bỏ mũ áo cô dâu để theo một tướng soái ra chiến trường không danh không phận. Chính thời loạn lạc đã mang họ đến bên nhau rồi lại xô họ ra hai bờ tuyệt vọng.

Nhiều người không thích Bái Lâm trong truyện vì cảm thấy anh ta quá cuồng nhiệt, quá lý trí, quá tàn nhẫn, quá si dại.

Vì cuồng nhiệt mà yêu đầy đam mê, khi yêu Bái Lâm nỏng bỏng như một ngọn lửa rực rỡ vừa xinh đẹp cuồng dã lại vừa chói loá khiến đối phương ngây dại mà không tiếc gì để chạm tay vào dù biết chắc bàn tay sẽ rớm máu.

Vì lý trí mà Bái Lâm có thể vứt bỏ tình yêu cháy bỏng của mình để chấp nhận một cuộc liên hôn chính trị thuần tuý đem lại nhiều lợi ích , quyền lực.

Vì tàn nhẫn mà hành hạ những người bên cạnh mình để đạt cho được cái mục đích “bình định thiên hạ”, không thể trách Trình Cẩn Chi khi yêu anh đến mù quáng; không thể trách Doãn Tĩnh Uyên khi đã lấy một người đàn ông khác- người đã đưa tay ra, cho cô cuộc sống an ổn một đời; không thể trách số phận nan trái hay vận mệnh khó lường. Người đáng trách, theo mình là Bái Lâm, anh không yêu Cẩn Chi nhưng vẫn lấy cô vì “chiếc bánh ngọt quyền lợi” để rồi thắp cho cô cái ước vọng mong manh về một gia đình hạnh phúc, anh đã quá vô tình khi cướp đi của Cẩn Chi một tương lai. Ngược lại Bái Lâm yêu Tĩnh Uyên – một tình yêu cuồng nhiệt như lửa, nhưng ánh lửa ấy quá bất ổn,lúc bùng cháy , lúc chờn vờn rồi chợt tắt, chính nó đã khiến anh giấu cô chuyện kết hôn rồi đưa cô sang nước ngoài đợi vài ba năm sau li dị Cẩn Chi sẽ đón về, anh đã quá bạc nhược vì không thể trọn vẹn yêu cô mà không vụ lợi.

Cuối cùng, vì si dại mà chính tay Bái Lâm đã dựng nên bi kịch trùng phùng của hai người sau bao nhiêu năm gặp lại, chỉ vì một câu “em yêu Tín Chi” mà cả Tín Chi lẫn cô bé Đô Đô đều phải chết vì cái tình yêu chết tiệt của anh. Nhưng Tĩnh Uyên trước sau gì cũng là ngừoi con gái của anh, hơn ai hết cô biết cách hành hạ anh đến cuối đời, câu nói đứt quãng lúc lâm chung của cô sẽ khiến anh day dứt cả cuộc đời này. Với mình đây là một cái giá thoả đáng phải trả cho một thời tuổi trẻ nông nổi của cả Tĩnh Uyên lẫn Bái Lâm.

Cả đời Tĩnh Uyên vì yêu mà hi sinh tất cả, phải tội bất hiếu -bất trung – bất nghĩa , lại còn nhẫn tân giết đi đứa bé trong bụng của Bái Lâm. Cô căn bản là một người tỉnh táo và không kém phần tàn nhẫn. Tình yêu của cô cũng không đủ mạnh mẽ để cùng vượt quá sóng gió, cuối cùng cô vẫn chọn cho mình một con đường bằng phẳng hơn, dễ đi hơn. Nên kết cục đến với cô cũng là để trả cho những sai lầm, những tội nghiệt trước kia, âu cũng là nhân quả.

Bái Lâm nửa đầu được miêu tả như một nhân tài quân sự kiệt suất, nhưng cuối cùng lại lấy Cẩn Chi để củng cố quyền lực. Anh ta quá dã tâm nhưng lại không đủ thực lực , quá tham lam nhưng lại không quyết tâm, quá đa tình lại quá bạc tình. Bái Lâm có thể vì giang sơn mà cưới một người con gái khác, nhưng anh không sống những ngày tháng đau khổ. Mà bạc bẽo thay, anh có với Cẩn Chi đến bốn đứa con, anh ta đã thực sự quên đi Tĩnh Uyên của ngày xưa, anh ta đã triệt để quên đi tất cả sau bao nhiêu năm, nói cách khác từ đầu đến cuối Bái Lâm không hề lựa chọn mà chỉ đơn giản là bảo toàn lợi ích cho bản thân mình mà thôi. Bái Lâm ích kỉ, nhẫn tâm một đời, nay quân lâm thiên hạ, không thể chết, không thể từ bỏ, chỉ là từ từ dùng những ngày tháng còn lại để trả lại những gì mình đã gây ra.

Đột nhiên đọc đến cuối mình lại nghĩ đến một câu trích nổi tiếng: “số phận đã cố làm đau ngươi, giẫy dụa cũng vô ích”

– LOTUSREINE

Nếu mình viết bài này cách đây ít ngày, tức là lúc mới vừa đọc xong Không kịp nói yêu em, có lẽ mình sẽ thể hiện cảm xúc gay gắt hơn nhiều. Bẵng đi vài hôm làm cho cảm xúc của mình về truyện nhạt bớt, nhưng kèm theo đó cũng là góc nhìn câu chuyện này đổi khác đi xíu xiu.

Bài viết có tính chất spoil (Mà thật ra bài nào mình chả spoil =”=).

Chuyện tình yêu của Mộ Dung Phong với Doãn Tĩnh Uyển được đặt ở bối cảnh thời Dân Quốc. Đó là một tình yêu kiểu mẫu giữa anh hùng với mỹ nhân trong thời chiến loạn, mà hệ quả tất yếu là anh hùng phải lựa chọn một trong hai thứ: hoặc giang sơn, hoặc mỹ nhân.

Doãn Tĩnh Uyển là con gái độc nhất của gia đình tài phiệt họ Doãn, vì thế mà từ nhỏ đã được học hành ở nước ngoài, tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây phóng khoáng và tiên tiến. Gốc gác này tạo cho cô một đầu óc thông minh, một tính cách cương liệt, gan dạ mà rất bản lĩnh. Bởi thế, dù Mộ Dung Phong không phải là tình đầu của Tĩnh Uyển, nhưng tình yêu của anh ta lại mang một sức cám dỗ đầy mê hoặc. Câu nói “Anh sẽ đem cả thiên hạ đặt trước mặt em” quả có một lực hút cực mạnh, làm Tĩnh Uyển day dứt và do dự rất nhiều, đến cuối cùng không cưỡng lại được tình cảm mà quyết định đặt cược cho một cơ hội làm cuộc sống của mình ở tương lai không chìm trong viễn cảnh tẻ nhạt.

Riêng về Mộ Dung Phong.

Khác với câu hỏi khắc khoải lúc đọc xong Đông Cung: “Lý Thừa Ngân đã quên hay còn nhớ?”, mình không hề có chút lợn cợn nào về việc bé Đô Đô liệu có phải con của Mộ Dung Phong hay không. Mà may quá, theo mấy cái hóng được bên nhà Schan thì chị Phỉ đã confirm bé là con Tín Chi (hahahaha).

Tình yêu của anh ta với Tĩnh Uyển, nhiều hơn nồng nhiệt và thật lòng, chính là một tư tưởng chiếm hữu đầy độc đoán.

Đứng trên khía cạnh khách quan, Mộ Dung Phong sinh ra là đứa con trai duy nhất trong nhà, nên sớm đã định sẽ là người kế tục Mộ Dung Thần lãnh đạo Thừa quân. Được nuôi dạy trong một gia đình quân phiệt như thế, lẽ tất yếu là tính cách anh ta cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ban đầu tính cách “quân phiệt” này không được thể hiện rõ ràng. Hoặc, mình xin cá là có nhiều độc giả thích cái tính “bá đạo” của anh ấy lắm. Nếu như câu chuyện không được định sẵn một cái kết bi kịch, hoặc nếu cách xây dựng của nó giống phim, Mộ Dung Phong sẽ không bị mình không ưa.

Xét cho cùng, như những gì mình mới hóng hớt bên nhà Schan về mấy mẩu chuyện xoay quanh tiểu thuyết này, thì Doãn Tĩnh Uyển đã sớm move on để tìm về với cảm giác bình yên bên cạnh Tín Chi. Lòng tự trọng của cô không chấp nhận nổi một tình yêu đã bị chính đối phương hạ nhục, vậy nên cô đau khổ, nhưng rồi thời gian đủ sức mài mòn vết thương, nên cô từ bỏ, chấp nhận quay về với bến đỗ bình yên. Dù có thể mãi về sau, Doãn Tĩnh Uyển vẫn còn yêu Mộ Dung Phong, nhưng thực tế là bánh xe quá khứ chỉ duy nhất bị mắc kẹt lại tại chỗ của Mộ Dung Phong mà thôi.

Với Tĩnh Uyển, Mộ Dung Phong đã từng yêu cuồng nhiệt, từng có biết bao kỷ niệm đẹp, sau này lại mãi nhớ về cô như một vết dao đâm “hễ cứ động vào lại loét ra”, nhưng tình yêu này không toàn vẹn. Anh ta cứ muốn giữ rịt lấy Tĩnh Uyển cho mình, như một món đồ must-have, đến mức sau này, đỉnh điểm của mối tình tuyệt vọng đến mức biến thành cực đoan là giết chết Tín Chi và bé Đô Đô. (Đây là không nhắc đến chi tiết Mộ Dung Phong và Trình Cẩn Chi bất hòa nhưng vẫn có tới… 4 người con =”=. Mình cũng không biết nói sao với cái chi tiết này.)

Ở những chương cuối cùng đậm chất bi kịch của truyện, mình lại không thấy nặng nề mà đã vô cùng hả hê khi Tĩnh Uyển nhắm mắt mà miệng vẫn còn lấp lửng câu nói “Con bé là… con bé là… là của…” rồi tắt thở. Và càng hả hê hơn khi Cẩn Chi vạch trần sự thật là Tĩnh Uyển đã chọn cách nói đó như cách trả thù dã man nhất đối với quãng đời còn lại của Mộ Dung Phong.

Rốt cuộc Tĩnh Uyển đã đánh cược tuổi trẻ cho cảm giác phiêu lưu bay bổng có phần nông nổi, để đổi lại một cái giá quá đắt. Tự nhiên lại liên tưởng tới phút hành động mang tính chất thay đổi cuộc đời của Nhược Hy khi đối diện với quyết định tứ hôn cho Thập Tứ của Khang Hy, hay Trâu Vũ khi không kìm được lòng mà đến bên Lâm Khải Chính.

May mắn là cuối cùng, cô ấy xem như đã có cuộc đoàn tụ mang tính HE với cha con Trình Tín Chi.

Tóm lại thì, có ai thấy Hứa Kiến Chương thật thảm như mình không?

– Jade’s

“Ngay cả dũng khí đi nhìn cô một cái anh cũng không có, anh yếu đuối như thế, chỉ có bản thân mới biết, bản thân anh yếu đuối đến nhường nào. Anh quan tâm đứa bé đó như vậy, còn cô vĩnh viễn không biết được, thật ra anh còn quan tâm cô hơn. Vì là con của cô, anh mới quan tâm đến phát điên như thế. Nhưng bây giờ mất hết rồi, đời này kiếp này, anh không thể giữ lại cô nữa. Cô dùng cách thức tàn nhẫn mà tuyệt tình như thế, cắt đứt mọi thứ với anh. Từ giờ về sau, anh không thể ước mong hạnh phúc nữa.”

“…Anh tự hỏi đời này, chưa từng để ý đến ai. Em muốn điều gì, anh chỉ hận là không thể mang đến trước mặt em được, Anh đối với em như thế nào, anh cứ nghĩ em hiểu rõ. Phát súng đó suýt chút nữa lấy đi mạng sống của em, cũng suýt nữa lấy đi mạng sống của anh. Lúc đó, anh đã hạ quyết tâm, chỉ cần em còn sống thì em phải là của anh…

Em không yêu anh? Em vẫn chỉ nói với anh một câu vậy sao??? Anh nghe tin em kết hôn, anh như phát điên đến đây tìm em. Anh đánh cược mạng sống của mình không màng, anh đánh được nơi tiền tuyến chiến sự nước sôi lửa bỏng cũng không màng, đánh cược một nữa giang sơn cũng không màng. Em chỉ nói với anh một câu như vậy…”

Có thể bạn muốn đọc thêm:

Nếu bạn yêu thích cuốn sách, cảm thấy nội dung lôi cuốn, phù hợp với nhu cầu đọc của bản thân thì hãy mua SÁCH BẢN QUYỀN để ủng hộ tác giả và nhà xuất bản, để lại cho bạn đọc những nhận xét chân thật nhất về cách hành văn, chất lượng sách.