Mua bán nợ xấu của ngân hàng thương mại

Thống kê báo cáo tài chính quý III/2021 của gần 30 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng bình quân ở mức trung bình 1,76% (đến cuối tháng 9/2021).

Trong đó, 67% số ngân hàng được thống kê có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng trong 9 tháng vừa qua.

Xét về giá trị tuyệt đối, tổng nợ xấu của các ngân hàng được thống kê tại thời điểm cuối tháng 9 đã tăng tới 26% so với đầu năm, vượt 110.000 tỷ đồng.

Mua bán nợ xấu của ngân hàng thương mại

Tổng hợp báo cáo tài chính của các ngân hàng (Ảnh: LT)

Báo động nợ xấu, ngân hàng "bối rối" trong quá trình mua bán nợ

Là nhà băng có quy mô nợ xấu lớn nhất hệ thống tính đến cuối tháng 9/2021, ông Trần Phương - Phó Tổng giám đốc BIDV thừa nhận, nợ xấu 9 tháng đầu năm 2021 của các tổ chức tín dụng đã có sự gia tăng mạnh.

Điều đáng nói, đại dịch Covid-19 không chỉ làm tăng nợ xấu nhanh, mà còn làm chậm tiến độ xử lý và giảm hiệu quả thu hồi nợ.

Trong 8 tháng đầu năm nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý thu hồi được 90,1 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tức là chỉ đạt 63% so với bình quân giai đoạn 2016-2020.

Các ngân hàng tăng buộc phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, tuy nhiên quá trình xử lý nợ xấu ngoài việc không thuận lợi do vướng những rào cản từ dịch bệnh, còn gặp phải khó khăn trong áp dụng cơ chế, chính sách trong hoạt động xử lý nợ như: Khó khăn trong việc nhận gán nợ tài sản bảo đảm (TSBĐ) là bất động sản; Xử lý TSBĐ là chứng khoán trong giao dịch cầm cố với ngân hàng; Xử lý TSBĐ là phương tiện vận tải; Trong thi hành án; Thẩm định giá khoản nợ; Hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự.

Đồng thời, ngân hàng cũng gặp phải những vướng mắc trong triển khai áp dụng Nghị quyết 42 như: Quyền thu giữ TSBĐ; Áp dụng thủ tục rút gọn; Áp dụng quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ; Thủ tục thay đổi đăng ký giao dịch bảo đảm khi mua bán khoản nợ xấu có TSBĐ là QSDĐ, tài sản gắn liền với đất; Xử lý TSBĐ là dự án bất động sản.

Mua bán nợ xấu của ngân hàng thương mại

Đại dịch Covid-19 không chỉ làm tăng nợ xấu nhanh, mà còn làm chậm tiến độ xử lý và giảm hiệu quả thu hồi nợ. (Ảnh: BID)

Vietcombank – nhà băng có quy mô nợ xấu tăng mạnh 108% trong 9 tháng đầu năm nay, cũng không phải ngoại lệ khi bị ảnh hưởng trong việc xử lý nợ xấu và thu hồi nợ trong dịch bệnh.

Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân cản trở quá trình xử lý, thu hồi nợ của Vietcombank như: Văn bản quy định pháp luật chưa hoàn thiện, nhiều văn bản chưa rõ ràng, chưa hỗ trợ công tác xử lý, thu hồi nợ; Thị trường hoạt động mua, bán nợ vận hành chưa hiệu quả; Khách hàng, chủ tài sản chây ỳ, bất hợp tác, không có ý thức phối,...

Đặc biệt trong quá trình mua bán nợ, theo ông Vũ Minh Phương - Phó trưởng phòng Công nợ Vietcombank, việc các ngân hàng không được phép công khai thông tin khoản nợ, quy định bảo mật thông tin khách hàng đang bị chồng chéo nhiều khi khiến ngân hàng "bối rối" khi thực hiện mua bán nợ.

"Quá trình bán nợ có đối tác đề nghị cung cấp thông tin khách hàng nhưng với quy định hiện nay, Vietcombank bối rối không biết làm cách nào, xử lý ra sao", ông Phương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 có quy định việc bán nợ theo giá thị trường có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc bán nợ dưới giá trị sổ sách gặp phải những đánh giá không mấy tích cực từ phía các cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Điều này khiến các tổ chức tín dụng chưa thực sự quyết liệt trong việc áp dụng biện pháp bán nợ để thực hiện xử lý nợ, đặc biệt là đối với các khoản bán nợ dưới giá trị nợ gốc.

Ngoài ra, chưa có quy định cụ thể cách thức xác định giá bán nợ - là một trong những vướng mắc lớn nhất trong hoạt động bán nợ mà Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 09/2015/TT-NHNN về mua bán nợ được NHNN đưa ra vẫn chưa được giải quyết.

Trình 2 phương án hoàn thiện pháp luật về xử lý nợ xấu

Từ những khó khăn còn hiện hữu trong quá trình xử lý và thu hồi nợ xấu, chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến do Hiệp hội Ngân hàng vừa tổ chức, đại diện các ngân hàng đều bày tỏ mong muốn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đầu mối trình Chính phủ và Quốc hội để sớm Luật hóa Nghị quyết 42 (hết hiệu lực vào 15/8/2022).

Đồng thời, NHNN hoàn thiện Quy định về hoạt động mua bán nợ để tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động mua bán nợ và tham gia sàn giao dịch mua bán nợ

"Việc luật hóa Nghị quyết số 42 là rất cần thiết để hoàn thiện hành lang pháp lý, giúp các tổ chức tín dụng, với sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành có liên quan, xử lý nợ xấu hiệu quả, thực chất, bền vững; các nhà đầu tư (trong và ngoài nước) an tâm mua, bán các khoản nợ xấu/TSBĐ; nâng cao ý thức trả nợ của các khách hàng; cải thiện "cách nhìn" của xã hội, người dân đối với hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng", ông Vũ Minh Phương nói.

Mua bán nợ xấu của ngân hàng thương mại

NHNN đã đề xuất việc hoàn thiện pháp luật về xử lý nợ xấu theo 02 Phương án.

Liên quan đến vấn đề này, NHNN đã có Tờ trình số 86/TTr-NHNN ngày 15/10/2021 báo cáo Chính phủ. Tại Tờ trình số 86/TTr-NHNN, NHNN đã đề xuất việc hoàn thiện pháp luật về xử lý nợ xấu theo 02 Phương án.

Thứ nhất, NHNN đề xuất Chính phủ đề xuất Quốc hội xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các TCTD theo hướng: Tiếp tục kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42 còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị quyết 42 mà thực tiễn triển khai trong thời gian qua gặp khó khăn, vướng mắc.

Để đảm bảo tránh khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thi hành vào ngày 15/8/2022, Luật xử lý nợ xấu cần được ban hành theo trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trình Quốc hội ban hành Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 năm 2022.

Trường hợp Quốc hội không đồng ý việc xây dựng Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, để tránh khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, đồng thời tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả của các cơ chế về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42, NHNN đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục có hiệu lực của Nghị quyết 42 với thời hạn 03 năm.

Trong thời gian đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của TCTD để đảm bảo tính ổn định của quy định pháp luật. Việc báo cáo, trình Quốc hội cho phép tiếp tục có hiệu lực của Nghị quyết 42 được thực hiện tại Kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 năm 2022.

Mua bán nợ xấu của ngân hàng thương mại

Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Theo các chuyên gia, việc ngân hàng rao bán các khoản nợ khó đòi là cần thiết nhằm đảm bảo đồng vốn hoạt động thay vì phải mất công theo dõi, quản lý và tổ chức nhân lực cho việc đòi nợ với hiệu quả không cao.

Hơn nữa, có những tổ chức có điều kiện, khả năng, chuyên môn để đi thu những khoản nợ đó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các ngân hàng phải đưa ra tỉ lệ thu hợp lý khi bán các khoản nợ không có tài sản đảm bảo chứ không thể thu đúng thu đủ nợ gốc và lãi.

Bán nợ không có tài sản đảm bảo

Thời gian gần đây, VietinBank liên tục thông báo bán các khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ. Chẳng hạn, ngày 17-5 ngân hàng này rao bán khoản nợ của 9 khách hàng với giá trị ghi sổ hơn 75,5 triệu đồng gồm gốc, lãi và lãi phạt. Trong đó, khoản nợ có giá trị cao nhất hơn 16 triệu đồng, thấp nhất chỉ hơn 1 triệu đồng.

Ngân hàng này cũng lưu ý là giá khởi điểm không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản và các chi phí khác khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu. Ngân hàng có thể bán từng khoản nợ, một số khoản nợ hoặc tất cả các khoản nợ.

Cũng có một số khoản nợ được rao đi rao lại nhiều lần và ngân hàng đã giảm giá khoản nợ. Khoản nợ của 9 khách hàng nêu trên từng được rao bán với giá khởi điểm hơn 83 triệu đồng, trước khi giảm về mức 75,5 triệu đồng.

Một khoản nợ nữa của nhóm 15 khách hàng cũng đã được VietinBank rao lần thứ hai với giá giảm 15 triệu đồng so với trước đó vài ngày, còn gần 151 triệu đồng. Do đây là các khoản vay tiêu dùng nên đều không có tài sản đảm bảo, giá trị món nợ cũng nhỏ. Khoản vay lớn nhất 40 triệu đồng (gồm cả gốc và lãi), trong khi khoản nhỏ nhất hơn 4 triệu đồng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện VietinBank cho hay đây là bước thử nghiệm để kích hoạt thị trường mua bán nợ cho vay tiêu dùng. Theo vị này, nhiều người chỉ quen với những khoản nợ lớn và có tài sản thế chấp, trong khi các khoản nợ vay tiêu dùng chưa được ngân hàng nào chào bán công khai. Trong thực tế, nhiều đơn vị có nhu cầu mua khoản nợ này, đó là những tổ chức có giấy phép kinh doanh thu hồi nợ.

"Thật ra, đây không phải là những khoản nợ khó bán. Ngân hàng vẫn có thể chào bán theo hình thức thỏa thuận, nhưng chúng tôi muốn chào bán công khai để ai có nhu cầu vẫn có thể mua được, đồng thời để xóa đi tâm lý cứ khoản nợ lớn, có tài sản đảm bảo thì ngân hàng mới thanh lý. Có nhiều biện pháp để thu hồi nợ xấu. Căn cứ vào nguồn lực, tính chất của các khoản nợ, ngân hàng sẽ lựa chọn biện pháp thu nợ phù hợp" - vị này nói.

Phải đưa ra tỉ lệ thu hồi nợ hợp lý

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Hùng - tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho rằng việc các ngân hàng công khai bán nợ cho thấy tín hiệu thị trường mua bán nợ của Việt Nam bắt đầu hình thành. Đây là tín hiệu tốt bởi các tổ chức tín dụng phải tính toán bán đi các khoản nợ, trong đó có cả nợ cho vay tiêu dùng, nhằm đảm bảo đồng vốn hoạt động chứ không thể để vốn chết.

Tuy nhiên, một tổng giám đốc ngân hàng cho rằng trên thực tế việc bán các khoản nợ không có tài sản đảm bảo khó có thể thu đủ nợ gốc và lãi, mà khoản thu về bao giờ cũng thấp hơn khoản cho vay ban đầu. Nhiều tổ chức quốc tế có những quy định về việc bán các khoản nợ nhóm 5 với giá rất thấp, có khi chỉ bằng 5% giá trị khoản cho vay. Khi đó, người mua nợ về chỉ cần thu được 7-8% giá trị khoản cho vay là đã có lãi.

"Việc rao bán các khoản nợ không có tài sản đảm bảo sẽ trở thành thông lệ trong tương lai vì có nhiều khoản nợ nhỏ ngân hàng cũng muốn mua đứt bán đoạn thay vì phải mất công theo dõi, quản lý và cũng có những tổ chức có điều kiện, khả năng, chuyên môn để đi thu những khoản nợ đó. Đây cũng sẽ là thị trường mới, cần thiết và thực tế nó đã vận hành tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có một số nước trong khu vực Đông Nam Á", vị tổng giám đốc này nói.

Giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM cho biết ngân hàng này từng tính đến phương án bán nợ xấu các khoản vay tiêu dùng nhưng sau đó chọn giải pháp thu nợ khách hàng thay vì bán nợ. Bán nợ sẽ nhanh hơn nhưng ngân hàng phải chấp nhận giá thấp, chỉ bằng 10-20%, cao nhất chỉ khoảng 30% giá trị khoản nợ đó.

Tuy nhiên, do tỉ lệ nợ xấu nhóm khách hàng cá nhân vay tín chấp hiện khá thấp nên ngân hàng để tự thu có thể lâu hơn cách "mua đứt bán đoạn" nhưng có thể thu trọn số nợ gốc và lãi. "Quan trọng là vấn đề thời gian, nhưng dù lâu hay mau, các ngân hàng đã phải trích lập dự phòng cho những khoản nợ này. Chỉ có điều là nếu bán nợ sẽ theo kiểu mua đứt bán đoạn, ngân hàng sẽ không phải mất nhân sự, thời gian quản lý... nhưng do tỉ lệ không lớn nên ngân hàng không làm", vị này cho biết.

Tăng quản lý rủi ro cho vay tiêu dùng

Mua bán nợ xấu của ngân hàng thương mại

VietinBank đang rao bán nhiều khoản nợ vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ông Nguyễn Tuấn Anh, vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho biết đến cuối tháng 3-2021 dư nợ cho vay phục vụ đời sống đạt 1,867 triệu tỉ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm ngoái. Dư nợ cho vay phục vụ đời sống không bao gồm cho vay liên quan đến nhà ở là 760.302 tỉ đồng, tăng 1,35% so với cuối năm 2020.

Ngân hàng Nhà nước đã xếp cho vay tiêu dùng vào nhóm lĩnh vực cần tăng cường quản lý rủi ro. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn hệ thống đã xử lý được 716,7 nghìn tỉ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý chiếm tỉ lệ lớn với 566,3 nghìn tỉ đồng, nợ xấu bán cho VAMC là 139,9 nghìn tỉ đồng. Chỉ có 1,47%, với 10,5 nghìn tỉ đồng nợ xấu được bán cho các tổ chức và cá nhân khác.

Nhưng sôi động nhất vẫn là rao bán công khai các khoản nợ có tài sản đảm bảo. Chẳng hạn, MB vừa thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Đầu tư trung tâm thương mại Vina tại ngân hàng này. Tổng dư nợ tạm tính đến ngày 11-5 là 957,99 tỉ đồng.

Trong đó, nợ gốc là 378,4 tỉ đồng và nợ lãi tạm tính là hơn 579,49 tỉ đồng. Ngoài ra, MB cũng chào bán toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH MTV Dệt 19-5 Hà Nội với nợ gốc là 97,8 tỉ đồng, nợ lãi 225 tỉ đồng. Cũng trong tuần này, BIDV công bố bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH xây dựng kinh doanh nhà Bách Giang phát sinh từ năm 2007, với trị giá nợ gốc hơn 97 tỉ đồng và dư nợ lãi trên 139 tỉ đồng.

Khó thu đủ nợ gốc và lãi

Nhiều chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng khi dư nợ cho vay tiêu dùng chiếm tỉ trọng lớn trong tổng dư nợ cho vay thì ngân hàng mới đáng rao bán khoản nợ vay tiêu dùng. Thực tế, hầu hết khoản vay tiêu dùng rất nhỏ, chỉ vài triệu đến vài chục triệu đồng/khách vay. Ngân hàng đã đòi mà không thu hồi được nợ, có thể xem là mất trắng. Do đó, việc bán khoản nợ vay tiêu dùng bằng với giá trị sổ sách là chuyện khó có thể thực hiện được.

Theo luật sư Trương Thanh Đức - giám đốc Công ty Luật ANVI, hầu hết các ngân hàng đều có công ty mua bán và thu hồi nợ. Do đó, việc bán các khoản nợ là hoạt động bình thường của ngân hàng để thu hồi nợ. Tuy nhiên, theo ông Đức, việc giá bán khoản nợ vay tiêu dùng bằng trị giá sổ sách (gồm nợ gốc, nợ lãi và lãi phạt) là nhiệm vụ bất khả thi.

"Vì khoản nợ cho vay tiêu dùng thường không có tài sản đảm bảo. Ngân hàng đã dùng nhiều biện pháp mà không đòi được nên buộc phải bán. Nhưng giá bán đưa ra gồm cả gốc, cả lãi và lãi phạt là điều không tưởng. Trong khi đó, trên thực tế, những khoản nợ có tài sản đảm bảo nếu bán được thì may lắm cũng chỉ bằng 50% tiền nợ gốc" - luật sư Đức nói.

Mua bán nợ xấu của ngân hàng thương mại
Nợ xấu sẽ được mua bán trên sàn giao dịch

ÁNH HỒNG - LÊ THANH