Quy trình hướng dẫn học sinh sử dụng bản đồ

Việc dạy học nhằm đạt được những giá trị: “ Dạy cho người khác muốn học, biết học, kiên trì học và học có kết quả.

Như vậy, việc dạy học không chỉ là cung cấp kiến thức mà phải hướng dẫn học sinh hoạt động, làm việc với các bản đồ, thu thập xử lí thông tin SGK, tham quan khảo sát địa phương tạo hứng thú học tập, rèn luyện kĩ năng thực hành, liên hệ kiến thức trong sách vở với thực tế. Sử dụng các bản đồ trong dạy - học là đặc trưng của môn địa lí và nó rất quan trọng với 2 chức năng: Vừa là nguồn khai thác kiến thức, vừa là phương tiện để minh họa cho kiến thức. Vì thế, sử dụng bản đồ là việc làm cần thiết và thường xuyên ở mỗi cấp học, lớp học và trong mỗi tiết dạy – học môn địa lí.

Tuy nhiên, trong thực tế học sinh lại gần như không coi trọng việc khai thác kiến thức từ bản đồ mà thay vào đó là học thuộc lòng lý thuyết địa lí nên kiến thức mà học sinh có chỉ mang tính chất tạm thời (chỉ một thời gian ngắn) rồi quên, học sinh không có khả năng vận dụng vào thực tế và thường chỉ trình bày kiến thức ở dạng thông hiểu, hiếm khi trả lời được câu hỏi vận dụng (như dạng câu hỏi giải thích vì sao?) hoặc chỉ vận dụng được ở mức độ thấp không vận dụng được ở mức độ cao.

Khác với môn học khác, môn địa lí được đặc trưng gắn liền với bản đồ.khi học bất kì một địa phương, một châu lục hay một đối tượng địa lí thì giáo viên và học sinh không thể trực tiếp đến tận nơi đó để quan sát được chính vì vậy học địa lí không thể thiếu bản đồ. Ngay cả trong thi cử hầu hết các môn không được sử dụng bất kì tài liệu nào trừ môn địa lí được sử dụng átlat địa lí (tức bản đồ). nhưng thực tế rất ít học sinh có kỹ năng biết cách sử dụng bản đồ để khai thác kiến thức hoặc chỉ dừng lại ở việc biết đọc bản đồ nhưng không biết cách phân tích sâu tìm ra mối quan hệ giữa các đối tượng địa lí.

Từ những lí do trên tôi quyết định chọn đề tài: Hướng dẫn học sinh khai thác kiến thức từ một số loại bản đồ địa lí tự nhiên Việt Nam - lớp 8 nhằm khắc phục tình trạng ghi nhớ kiến thức một cách máy móc (học vẹt)

Bản đồ là một phương tiện trực quan, một nguồn tri thức địa lí quan trọng. Qua bản đồ, học sinh có thể nhìn một cách bao quát những khu vực lãnh thổ rộng lớn, những vùng lãnh thổ xa xôi trên bề mặt trái đất mà họ chưa bao giờ có điều kiện đi đến tận nơi để quan sát.

- Về mặt kiến thức, bản đồ có khả năng phản ánh sự phân bố và mối quan hệ của các đối tượng địa lí trên bề mặt trái đất một cách cụ thể mà không một phương tiện nào khác có thể làm được. Những kí hiệu, màu sắc, cách biểu hiện trên bản đồ là những nội dung địa lí đã được mã hóa, trở thành một thứ ngôn ngữ đặc biệt - ngôn ngữ bản đồ.

- Về phương pháp, bản đồ được coi là phương tiện trực quan giúp cho học sinh khai thác, củng cố tri thức và phát triển tư duy trong quá trình học địa lí.

Để khai thác được những tri thức trên bản đồ, trước hết học sinh phải hiểu bản đồ, đọc được bản đồ, nghĩa là phải nắm được những kiến thức lí thuyết về bản đồ, trên cơ sở đó có được những kĩ năng làm việc với bản đồ.

2. Hiểu bản đồ

Học sinh hiểu bản đồ (về mặt kĩ năng) theo quy trình sau:

- Xác định mục đích của việc làm.

- Xác định những kiến thức có liên quan cần dựa vào để tiến hành công việc (nhắc lại kiến thức đã học và nêu lý do tại sao phải dựa bào các kiến thức đó).

- Cách tiến hành công việc (khi tiến hành cần chú ý những điểm gì để khỏi có sai lầm).

- Quy tắc về trình tự tiến hành công việc.

- Kiểm tra kết quả thực hiện.

3. Đọc và vận dụng bản đồ

Để đọc được bản đồ, học sinh phải nắm được các công việc sau:

- Nhận biết được các kí hiệu và có biểu tượng rõ ràng về các sự vật và hiện tượng địa lí thể hiện qua các kí hiệu đó trên bản đồ.

- Biết cách làm sáng tỏ tính chất của đối tượng và hiện tượng riêng biệt được miêu tả và biểu hiện trên bản đồ hay nói cách khác là hiểu rõ bản chất của mỗi sự vật và hiện tượng địa lí được biểu hiện trên bản đồ (hiểu rõ được đặc trưng số lượng, chất lượng, động lực phát triển của sự vật và các hiện tượng địa lí),...

- Có những biểu tượng không gian cần thiết về sự phân bố và sắp xếp tương hỗ giữa các sự vật và hiện tượng địa lí.

- Biết so sánh, phân tích các đối tượng địa lí biểu hiện trên bản đồ nhằm mục đích có được một biểu tượng tổng quát về các đối tượng hoặc hiện tượng có trong các lãnh thổ nói chung để tìm ra các mối quan hệ giữa chúng, tìm ra những đặc điểm và tính chất địa lí của lãnh thổ mà bản đồ không biểu hiện trực tiếp (những kiến thức ẩn tàng trên bản đồ).

4. Các mức độ đọc bản đồ

a. Mức 1

- Mức sơ đẳng nhất chỉ mới thể hiện được ở chỗ đọc được vị trí các đối tượng địa lí, có được biểu tượng về các đối tượng đó thông qua hệ thống các ước hiệu ghi trong bản chú giải.

- Tuy đơn giản nhưng muốn thể hiện được kĩ năng học sinh cũng phải nắm được quy trình sau:

+ Nắm được mục đích của việc làm (ví dụ: Tìm sông Hồng trên bản đồ).

+ Đọc bản chú giải để biết được các kí hiệu quy ước chỉ các đối tượng cần tìm trên bản đồ.

+ Tái hiện các biểu tượng địa lí dựa vào các kí hiệu.

+ Căn cứ vào các kí hiệu, tìm vị trí dựa vào các kí hiệu.

b. Mức 2

Mức thứ hai cao hơn, đòi hỏi học sinh phải biết dựa vào những hiểu biết về bản đồ, kết hợp với kiến thức địa lí để tìm ra được những đặc điểm tương đối rõ ràng của những đối tượng địa lí biểu hiện trên bản đồ. Thí dụ: Nói tới dãy Hoàng Liên Sơn, ngoài việc xác định được vị trí của nó, HS còn phải xác định được chiều dài, độ cao, hướng núi,...

Để thực hiện việc đọc bản đồ ở giai đoạn này, quy trình cần tiến hành như sau:

- Nắm được mục đích của việc làm (ví dụ: Nhận xét hướng chảy, đặc điểm, tính chất của sông Hồng trên bản đồ,...).

- Đọc bản chú giải trên bản đồ để biết kí hiệu quy ước (kí hiệu sông).

- Tái hiện đối tượng địa lí dựa vào kí hiệu (tái hiện biểu tượng về dòng chảy của sông dựa vào kí hiệu đường uốn khúc màu lam).

- Tìm tên và vị trí đối tượng trên bản đồ.

- Quan sát đối tượng trên bản đồ, nhận xét đặc điểm, tính chất của nó (VD: Sông Hồng chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam hoặc chảy từ biên giới phía Tây Bắc qua vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ rồi chảy ra biển Đông, sông Hồng có lượng nước và phù sa lớn,...).

Như vậy là quy trình ở giai đoạn hai khác quy trình ở giai đoạn một là có thêm một bước nhận xét tính chất và đặc điểm của đối tượng sau khi đã tìm thấy nó trên bản đồ.

c. Mức 3

Mức thứ ba đòi hỏi khi đọc bản đồ, HS còn phải biết kết hợp những kiến thức bản đồ với kiến thức địa lí sâu hơn để so sánh, phân tích tìm ra được các mối liên hệ giữa các đối tượng trên bản đồ rồi vận dụng tư duy, so sánh, đối chiếu để rút ra kết luận, từ đó có kiến thức địa lí mới. Ví dụ: Mối quan hệ giữa dãy Hoàng Liên Sơn với hướng chung của địa hình Bắc Bộ với hướng chảy của sông Hồng và đặc điểm của Tây Bắc,...

Quy trình đọc bản đồ ở giai đoạn ba này cũng giống với quy trình ở giai đoạn 2 với 5 bước nêu trên song cần thêm 2 bước nữa, đó là:

- Tổng hợp các đối tượng địa lí trong khu vực để tái tạo biểu tượng chung về khu vực.

- Dựa vào các kiến thức địa lí đã có trước đây, phân tích các mối quan hệ giữa các đối tượng biểu hiện trên bản đồ rồi rút ra kết luận mới. Những kết luận này hoàn toàn chỉ có trong tư duy HS mà không có trên bản đồ.

Như trên đã trình bày, việc phân tích kĩ năng đọc bản đồ qua mức độ chỉ có tính chất làm rõ vấn đề. Thực ra trong quá trình học tập địa lí, việc hình thành kĩ năng này liên tiếp được tiến triển từ thấp đến cao, không phân tách riêng biệt.