Thiết kế trò chơi giáo dục dinh dưỡng sức khỏe cho trẻ mầm non

Giáo dục dinh dưỡng sức khỏe cho trẻ mầm non không những góp phần vào việc phát triển trí tuệ và thể lực cho trẻ, mà còn góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục đạo đức, giáo dục thẩm mỹ và giáo dục lao động cho trẻ mầm non.

Giáo dục dinh dưỡng sức khỏe cho trẻ mầm non sẽ giúp trẻ dần trở thành chủ nhân của ngôi nhà sức khỏe của mình, biết tự giác lựa chọn, điều chỉnh hành vi, thói quen ăn uống, vệ sinh phòng bệnh, luyện tập sức khỏe sao cho có lợi nhất cho sức khỏe của bản thân.

Giáo dục dinh dưỡng sức khỏe cho trẻ mầm non là quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch của giáo viên lên tình cảm, lý trí của trẻ mầm non nhằm hình thành cho trẻ nhận thức, thái độ và hành động để giúp cho trẻ biết tự giác chăm lo cho vấn đề ăn uống và sức khỏe của bản thân mình.

Có thể bạn cũng quan tâm :

Phương pháp giáo dục dinh dưỡng và sức khỏe cho trẻ mầm non được vận dụng linh hoạt, khéo léo phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em trong từng độ tuổi. Dưới đây là ví dụ hoạt động giáo dục dinh dưỡng và sức khỏe điển hình được thực hiện trong trường mầm non:

Thiết kế trò chơi giáo dục dinh dưỡng sức khỏe cho trẻ mầm non
Giáo dục dinh dưỡng sức khỏe cho trẻ gắn liền với cuộc sống thực tiễn của trẻ

Hoạt động 1: Quả gì mà ngon thế?

Mục đích: Giúp trẻ nhận biết một số loại quả quen thuộc có vị ngọt.

Chuẩn bị: Giáo viên chuẩn bị bộ tranh dùng cho trẻ nhà trẻ về một số quả chín có vị ngọt.

Tiến hành: Giáo viên dán 2,3 tranh về các loại quả khác nhau lên bảng. Cho trẻ quan sát rồi đố trẻ nhận biết quả trong tranh. Sau đó, cô trò chuyện với trẻ về lợi ích của nó. Ví dụ như:

– Ai chỉ cho cô biết, quả chuối ở đâu?

– Đúng rồi, bạn An chỉ đúng quả chuối.

– Quả chuối để làm gì? (Để ăn, mùi vị rất thơm ngon, ngọt,…).

Nếu trẻ không biết thì cô gợi ý. Trong các giờ hoạt động khác, giáo viên có thể cho trẻ nhận biết các loại rau quả bằng vật thật và cho trẻ nếm. Tương tự, lần lượt cho trẻ nhận biết quần áo, đồ dùng ăn uống và tác dụng của chúng đối với sức khỏe.

Hoạt động 2: Bữa ăn của bé

Mục đích: Giúp trẻ nhận ra món ăn và nói được vài từ về món ăn, trẻ vui vẻ ăn ngon.

Tiến hành: Trước khi ăn, cô trò chuyện về món trẻ sắp ăn.

– Đây là cháo. Cháo nấu với gì? (Cháo nấu với thịt và rau).

– Cho trẻ tập phát âm theo cô một số từ thịt và rau.

– Bây giờ các con đã đói chưa? Mình cùng ngồi xuống và ăn nhé!

Nào các con ăn ngon để chóng lớn nhé!

Thiết kế trò chơi giáo dục dinh dưỡng sức khỏe cho trẻ mầm non
Tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm thực tiễn với các loại thực phẩm

Hoạt động: Chọn thực phẩm

Mục đích: Giúp trẻ nhận biết, xếp loại thực phẩm

Chuẩn bị: Bộ đồ chơi thực phẩm (bằng nhựa); tranh vẽ tháp dinh dưỡng bằng bìa cứng.

Tiến hành: Giáo viên mở tranh vẽ tháp dinh dưỡng trên sàn hoặc trên bàn. Giới thiệu cho trẻ từng tên loại thực phẩm trong các ô trên tháp dinh dưỡng và trong bộ đồ chơi. Sau đó, cô hướng dẫn trẻ cách chọn thực phẩm trong bộ đồ chơi và đặt chúng vào ô tương ứng với rau, củ hoặc thịt, cá. Cô khen trẻ khi trẻ làm đúng.

– Rau bắp cải ở đâu nhỉ? Ồ, bạn Kim đã chọn đúng rồi!

– Cái bắp cải này rất tươi ngon. Bây giờ con đặt nó vào ô nào?

Sau khi trẻ chơi xong, cô cho trẻ quan sát các ô thực phẩm trên tháp dinh dưỡng rồi nói qua với trẻ về lợi ích của từng ô dinh dưỡng (ô này cung cấp năng lượng, chất đạm, chất béo, vitamin, chất khoáng để nuôi cơ thể khỏe mạnh). Nhắc nhở các bé cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để chóng lớn, khỏe mạnh, da hồng hào,…

Khi trẻ đã làm quen với các loại thực phẩm, trong các giờ hoạt động tiếp theo, giáo viên có thể giới thiệu sâu thêm lợi ích từng loại thực phẩm (chú ý dựa trên vốn kinh nghiệm của trẻ để để tránh lặp lại những điều trẻ đã biết).

Thiết kế trò chơi giáo dục dinh dưỡng sức khỏe cho trẻ mầm non
Giúp trẻ hiểu được lợi ích của các món ăn

Hoạt động 1: Trò chuyện về bữa ăn

(Chủ đề: Trường mầm non, Gia đình, bản thân)

Mục đích: Trẻ nhận biết được các món ăn, các thực phẩm nấu các món ăn đó. Các dạng chế biến thức ăn. Làm cho bữa ăn vui vẻ, giúp trẻ ăn hết suất. Qua đó phát triển vốn từ cho trẻ.

Chuẩn bị: Một số tranh ảnh, lô tô liên quan đến bữa ăn.

Tiến hành: Trong lớp, giờ ăn hằng ngày, trong hoạt động học có chủ đích.

Giáo viên có thể trò chuyện với trẻ trong khi trẻ đang chờ một cô khác chia suất ăn. Giáo viên đặt câu hỏi ngắn giúp trẻ nhanh chóng trả lời, ví dụ hỏi về:

– Món ăn, màu sắc, nhiệt độ của thức ăn.

– Phân biệt thức ăn của bữa chính và bữa phụ.

– Thức ăn ở trường và thức ăn ở nhà có gì giống nhau, khác nhau.

– Thức ăn đó được nấu từ thực phẩm nào. Kể tên các thức ăn mà trẻ thích.

– Tại sao phải ăn hết suất, ăn đầy đủ các loại thức ăn.

– Sau đó cô chúc trẻ ăn ngon miệng, trẻ mời cô và các bạn ăn cơm.

Lưu ý: Hằng ngày, tùy theo lượng thời gian và các món ăn, giáo viên có thể đưa một vài câu hỏi, nhiều khái niệm vào cùng một lúc.

Hoạt động 2: Tôi và bạn thu dọn bếp

(Chủ đề: Trường mầm non, Gia đình)

Mục đích: Tập cho trẻ thói quen gọn gàng, ngăn nắp, tự làm một số việc đơn giản trong ăn uống.

Tiến hành: Trong khu vực vui chơi nấu ăn hoặc chơi ở góc gia đình.

Giáo viên trò chuyện với trẻ về vị trí, chức năng của gian bếp trong gia đình, một số trang thiết bị cần thiết. Sau đó cho trẻ chơi ở góc chơi gia đình. Khi chơi xong, cô hướng dẫn trẻ biết thu dọn đồ chơi bằng cách nói với trẻ những việc trẻ làm. Đặt câu hỏi giúp trẻ suy nghĩ thông qua việc làm:

– Cái xoong kia cần úp lên giá, Lan ạ!

– Còn dao, thớt con có biết cất ở đâu không?

– Có còn cái rổ nào để cất bát ăn cơm không?

– Nào bây giờ bạn Hiếu và bạn Hùng cùng khiêng cái rổ bát này cất đi nhé!

Đối với trẻ lớn hơn, cô nhắc nhở và hướng dẫn trẻ cất đồ chơi vào nơi quy định, nên chia từng nhóm trẻ và phân công công việc cho từng nhóm, thi đua xem nhóm nào xếp đồ chơi đúng chỗ, nhanh và gọn gàng. Động viên khen ngợi nhóm làm tốt.

Thiết kế trò chơi giáo dục dinh dưỡng sức khỏe cho trẻ mầm non
Giáo dục dinh dưỡng cho trẻ mầm non thông qua chủ đề, chủ điểm

Hoạt động 1: Trò chuyện về thức ăn

(Chủ đề: Bản thân, Gia đình)

Mục đích: Trẻ nói những gì mình thích, hiểu nghĩa của từ giống và khác nhau.

Tiến hành: Trong và ngoài lớp.

Giáo viên trò chuyện với trẻ về những thức ăn mà trẻ thích, tên của những thức ăn đó; trẻ thích ăn món gì trong bữa ăn sáng, trưa, tối hằng ngày; món ăn nấu ở trường khác hay giống món ăn nấu ở nhà.

Giáo viên có thể hỏi xem có trẻ nào đã ăn ở nhà hàng, khách sạn chưa; món ăn nào trẻ thích, món ăn ở nhà hàng khách sạn khác món ăn ở nhà như thế nào; cách ăn ở nhà hàng, khách sạn như thế nào.

Giáo viên có thể trò chuyện với trẻ về những việc trẻ giúp mẹ nấu ăn, về những thực phẩm dùng để nấu món ăn; cách bày bàn ăn, dọn dẹp sau bữa ăn.

Hoạt động 2: Chải răng

(Chủ đề: Bản thân)

Mục đích: Trẻ có thể chải răng đúng cách.

Chuẩn bị: Mỗi trẻ một bàn chải có đánh dấu tên, thuốc đánh răng của trẻ em, cốc và nước sạch, mô hình các bước chải răng (nếu có).

Tiến hành: Trong giờ giáo viên trò chuyện với trẻ về lợi ích của việc đánh răng, khi nào cần đánh răng, cách đánh răng. Sau đó hướng dẫn trẻ lấy thuốc vào bàn chải rồi chải răng một cách cẩn thận. Giáo viên quan sát trẻ và chỉ dẫn, đảm bảo trẻ đánh răng đúng cách.

– Bây giờ con thấy răng mình thế nào?

– Con có thấy răng hàm của mình cũng trắng sạch như răng cửa không?

Giáo viên kết hợp giới thiệu bộ răng sữa trên mô hình.

Thiết kế trò chơi giáo dục dinh dưỡng sức khỏe cho trẻ mầm non
Cô giáo động viên trẻ ăn hết suất, hiểu được giá trị của đồ ăn

Hoạt động 1: Bé làm món ăn

(Chủ đề: Gia đình)

Mục đích: Trẻ có thể làm theo trình tự đơn giản khi chuẩn bị món ăn; trẻ học cách trình bày món ăn trông đẹp mắt và ngon miệng.

Chuẩn bị: Thực đơn, sơ đồ, thực phẩm tươi hoặc bằng nhựa.

Tiến hành: Trong lớp.

Giáo viên chuẩn bị thực đơn với các tranh kèm theo, vẽ sơ đồ các bước làm món ăn.

Ví dụ: Vẽ tranh các bước làm món “xiên quả chín”

(1) Chuẩn bị các que xiên bằng tăm gỗ sạch.

(2) Chuẩn bị các lát cắt chuối chín, dâu tây, múi cam, mỗi thứ để riêng một đĩa.

(3) Xiên các miếng chuối.

(4) Xiên các miếng dâu tây.

(5) Xiên các miếng cam.

Chỉ cho trẻ cách xiên các miếng hoa quả. Mỗi xiên khoảng 4-5 lát. Sau đó đặt vào đĩa, cho trẻ ăn vào bữa phụ.

Chú ý: Xiên các miếng quả có thể cho trẻ ăn tươi, hoặc cho qua lò vi sóng vài phút.

Sau khi ăn xong, cho trẻ nhìn vào hình vẽ và nói lại cách làm xiên quả chín, nhận xét về mùi vị, màu sắc, gọi tên, ích lợi của việc ăn các loại quả đối với sức khỏe.

Hoạt động 2: Tham quan chợ rau

(Chủ đề: Thế giới thực vật)

Mục đích: Cho trẻ nhận biết các loại rau, quả thường thấy, đặc trưng của nó; làm cho trẻ hiểu rau xanh là do bác nông dân vất vả, chăm chỉ trồng và chăm bón mới có được.

Chuẩn bị:

– Thực vật: cà chua, cà tím, khoai tây, cà rốt, đậu quả.

– Một số đồ chơi rau, quả bằng nhựa.

Tiến hành: Trong hoặc ngoài lớp.

– Giáo viên nêu câu hỏi: Hiện nay là mùa gì? Mùa này có những loại ru, củ, quả nào? Nêu yêu cầu khi tham quan với trẻ.

– Tham quan:

+ Dẫn trẻ đến chỗ để rau, yêu cầu trẻ quan sát tỉ mỉ, sau đó nói tên, hình dạng, kích thước, màu sắc của các loại rau.

+ Cho trẻ quan sát quá trình khách mua rau, tìm hiểu giá cả từng loại rau, biết nên chọn mua rau như thế nào.

+ Trở về trường tiến hành trò chuyện về lợi ích của rau đối với sức khỏe. Khuyến khích trẻ kể lại buổi đi thăm chợ rau.

– Chơi trò chơi “Chợ rau”: chia trẻ ra làm 3 đến 4 tổ, mỗi tổ cử một trẻ bán hàng, các trẻ khác làm khách hàng mua rau. Yêu cầu khách phải nói tên, hình dáng, màu sắc, mùi vị thì mới mua được rau. Sau đó thay vai chơi.

Việc giáo dục dinh dưỡng và sức khỏe cho trẻ mầm non cần được lồng ghép, đan xen, hòa quyện với các lĩnh vực khác trong cuộc sống, nội dung giáo dục dinh dưỡng cho trẻ không phải đưa đến cho trẻ thông qua những giờ học riêng biệt mà lồng ghép tích hợp vào những hoạt động khác của trẻ như: hoạt động vui chơi, hoạt động học tập, hoạt động lao động và các hoạt động khác.

Trên cơ sở đó, giáo viên hình thành ngay từ đầu cho trẻ nhận thức, thái độ và hành động đúng đắn về vấn đề dinh dưỡng và sức khỏe. Từ đó, từng bước rèn cho trẻ những kỹ năng và thói quen tốt trong ăn uống, đồng thời hình thành ở trẻ thái độ tự giác, tích cực đối với vấn đề ăn uống và sức khỏe của bản thân mình.

Nội dung, phương pháp giáo dục dinh dưỡng và sức khỏe cho trẻ mầm non được cập nhật tại Blog Nuôi dạy trẻ. Giáo viên mầm non, Sinh viên chuyên ngành Giáo dục mầm non, những người làm việc trong lĩnh vực mầm non, các bậc phụ huynh có con em trong độ tuổi mầm non nên truy cập website: https://nuoidaytre.com.vn

Nguồn tham khảo: Giáo trình “Vệ sinh dinh dưỡng”

của Lê Thị Mai Hoa (chủ biên) và Trần Văn Dần.