Thời hạn tạm giữ tối đa là bao lâu

Quy định về thời hạn tạm giam, thời hạn tạm giữ mới nhất. Được phép tạm gian, tạm giữ trong thời gian bao lâu để điều tra vụ án hình sự.

Hiện nay tình hình tội phạm ngày càng gia tăng và đang diễn biến cũng ngày càng phức tạp, trong đó mức độ nguy hiểm cho xã hội đang ngày càng gia tăng đặc biệt là các loại tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Trong quá trình điều tra vụ án, để đảm bảo tạo điều kiện cho việc phục vụ công tác điều tra; đảm bảo bị can, bị cáo hoặc người phạm tội không bỏ trốn, không trốn tránh nghĩa vụ hoặc thực hiện các hành vi khác nhằm cản trở công tác điều tra, giải quyết vụ án luật quy định nếu đủ điều kiện sẽ áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam hoặc tạm giữ.

Để đảm bảo được quyền lợi của bản thân hay trong trường hợp bảo vệ quyền lợi của người thân khi bị tạm giam, tạm giữ mọi người cần nắm rõ những quy định mới nhất của pháp luật về vấn đề này. Hy vọng qua bài viết này đội ngũ chuyên gia, luật sư của Luật Dương Gia sẽ giúp mọi người củng cố thêm những kiến thức mới nhất và chính xác nhất về vấn đề này

Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua tổng đài: 1900.6568

1. Khái niệm tạm giam, tạm giữ

Tạm giam, tạm giữ là hai phương pháp ngăn chặn trong quá trình tiến hành tố tụng bao gồm tố tụng hình sự và tố tụng hành chính. Trong đó:

– Tạm giam là một biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với bị can, bị cáo được ghi nhận trong pháp luật tố tụng hình sự, cụ thể là tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Tạm giam được áp dụng đối với tất cả các tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 và có thể áp dụng đối với tất cả các mức độ nguy hiểm cho xã hội nếu có đủ điều kiện theo luật định.

– Tạm giữ là một biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự hoặc là một biện pháp ngăn chặn, bảo đảm trong xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Tuy nhiên trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề tạm giữ trong tố tụng hình sự. 

Như vậy ta thấy tạm giam và tạm giữ là hai khái niệm và hai biện pháp vừa có điểm giống nhau vừa có điểm khác nhau chứ không phải là hai khái niệm đồng nhất. Trên thực tế tạm giữ và tạm giam hay bị mọi người nhìn nhận nhầm là giống nhau, đều là cùng một biện pháp và áp dụng trong cả tố tụng hình sự và xử lý vi phạm hành chính chính dẫn đến quyền lợi của mọi người trong một số trường hợp thường không được đảm bảo. 

2. Điều kiện tạm giam, tạm giữ

Một là, điều kiện để áp dụng biện pháp tạm giam:

– Đối với những bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng có thể bị xem xét áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp người có thẩm quyền, cơ quan có thẩm quyền xét thấy là cần thiết;

– Đối với những bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định khung hình phạt từ hai năm tù trở lên, nếu có một trong các căn cứ sau thì sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giam:

+ Khi xác định bị can, bị cáo sẽ tiếp tục phạm tội hoặc đã có bằng chứng, chứng cứ về việc họ tiếp tục phạm tội;

+ Bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc có dấu hiệu bỏ trốn, trường hợp bỏ trốn có quyết định truy nã mà bị bắt;

+ Bị can, bị cáo không có nơi cư trú ổn định, rõ ràng hoặc cơ quan chức năng không xác định được lý lịch bị can;

+ Khi có căn cứ xác định bị can, bị cáo có các hành vi xúi giục, mua chuộc người khác, cưỡng ép người khác cung cấp các thông tin sai sự thật,  khai báo gian dối; bị can, bị cáo có hành vi đe dọa, trả thù, khống chế những người bị hại, người làm chứng, người tố giác tội phạm và những người thân thích của họ; tiến hành tiêu hủy, làm giả các chứng cứ, tài liệu vụ án; tiến hành tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án trước khi bị cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền phát hiện;

+ Bị can, bị cáo đã từng bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác nhưng còn tiếp tục hành vi phạm tội.

– Đối với bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng có hình phạt dưới hai năm tù giam sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam nếu tiếp tục  thực hiện hành vi phạm tội của mình hoặc bỏ trốn khỏi nơi cư trú và bị cơ quan chức năng bắt theo quyết định truy nã.

– Đối với bị can, bị cáo là người bị bệnh nặng nguy hiểm đến tính mạng, là phụ nữ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người già yếu mà có nơi cư trú rõ ràng, xác định được lý lịch bị can thì sẽ áp dụng biện pháp tạm giam chỉ khi:

+ Phạm các tội về xâm phạm an ninh quốc gia và khi có căn cứ xác định buộc phải tiến hành biện pháp tạm giam nếu không sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia;

+ Bị can, bị cáo tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội;

+ Bị can, bị cáo có hành vi bỏ trốn và khi bỏ trốn thì bị bắt theo quyết định truy nã; Trường hợp này khi có dấu hiệu bỏ trốn cũng chưa đủ căn cứ để áp dụng biện pháp tạm giam.

+ Bị can, bị cáo có các hành vi sau đây:

Tiêu hủy các tài liệu, giấy tờ, chứng cứ của vụ án; làm giả mạo chứng cứ hoặc tẩu tán tài sản có liên quan đến vụ án; có hành vi mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác để người đó khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật với cơ quan chức năng; đe dọa, khống chế hoặc trả thù những người làm chứng, người tố giác, người bị hại của vụ án hoặc người thân thích của những người này.

Hai là, điều kiện áp dụng biện pháp tạm giữ:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự chỉ ncó thể được áp dụng trong các trường hợp sau: người bị  bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp; người bị bắt quả tang khi đang phạm tội; người bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội ra đầu thú, tự thú. Như vậy trong quá trình tố tụng hình sự, việc tạm giữ sẽ được diễn ra trước khi tạm giam và có thể sẽ được áp dụng đối với tất cả các mức độ nghiêm trọng, ít nghiệm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng và có thể áp dụng đối với bất cứ đối tượng nào. 

3. Thẩm quyền và thủ tục tạm giam, tạm giữ

Một là, thẩm quyền và thủ tục tạm giam: 

– Thẩm quyền tạm giam:

Những người có thẩm quyền ra lệnh, quyết định tạm giam được quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 bao gồm: Thủ trưởng, các Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Chánh án, các Phó Chánh án Tòa án nhân dân các cấp và Chánh án, các Phó Chánh án các Tòa án quân sự; Viện trưởng, các Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp và Viện trưởng, các Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp hoặc Hội đồng xét xử của vụ án. Riêng đối với các lệnh tạm giam của Thủ trưởng, các Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì phải được sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân và quân sự cùng cấp. 

– Thủ tục tạm giam: 

+ Người có thẩm quyền ra lệnh, quyết định tạm giam căn cứ vào các quy định, nếu có đủ điều kiện thì ra lệnh tạm giam hoặc quyết định tạm giam. 

+ Nếu trong trường hợp cần có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát cùng cấp thì gửi lệnh hoặc quyết định tạm giam cho Viện kiểm sát để phê chuẩn. Nếu trong trường hợp không cần sự phê chuẩn thì chuyển người có thẩm quyền để thi hành. 

Sau khi nhận được lệnh hoặc quyết định tạm giam của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định (phê chuẩn hoặc không phê chuẩn) trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được, sau đó gửi hồ sơ lại cho Cơ quan điều tra. 

– Cơ quan điều tra thông báo cho bị can, bị cáo; gia đình, người thân của người bị tạm giam; chính quyền địa phương xã, phường, thị trấn nơi người bị tạm giam cư trú hoặc nơi họ học tập, lao động và làm việc. 

Hai là, thẩm quyền và thủ tục tạm giữ:

– Thẩm quyền tạm giữ: 

Người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ bao gồm:

+ Chỉ huy trưởng tàu bay, tàu biển khi đã rời khỏi địa phận sân bay hoặc bến cảng;

+ Thủ trưởng, các Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;

+ Đồn trưởng các Đồn biên phòng; Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng; Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố tực thuộc Trung ương; Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng của Bộ đội biên phòng; Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm của Bộ đội biên phòng; Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển; Cục trưởng của Cục Nghiệp vụ và pháp luật thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng; Thủ trưởng của các đơn vị độc lập cấp trung đoàn và cấp tương đương.

– Thủ tục tạm giữ:

+ Người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ nêu trên ra quyết định tạm giữ và gửi kèm theo các tài liệu làm căn cứ cho việc tạm giữ đến Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn mười hai giờ kể từ thời điểm ra quyết định tạm giữ.

Viện kiểm sát phê chuẩn quyết định tạm giữ hoặc ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ của người có thẩm quyền. Nếu quyết định tạm giữ được phê chuẩn thì giao quyết định tạm giữ cho người bị tạm giữ và người có nhiệm vụ thi hành quyết định. Người có nhiệm vụ thi hành quyết định tiến hành thông báo, giải thích các quyền và nghĩa vụ trong quá trình tạm giữ cho người bị tạm giữ. Nếu Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ thì cơ quan đang tạm giữ tiến hành trả tự do ngay cho người đang bị tạm giữ.

4. Thời hạn tạm giam, tạm giữ

– Thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra: 

Căn cứ Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra được quy định như sau:

+ Đối với tội ít nghiêm trọng: không quá hai tháng và được gia hạn thêm một lần với thời gian không quá một tháng, tổng thời gian không quá ba tháng;

+ Đối với tội phạm nghiêm trọng: không quá ba tháng và được gia hạn tạm giam một lần nhưng không quá hai tháng, tổng thời gian không quá năm tháng;

+ Đối với tội phạm rất nghiêm trọng: không quá bốn tháng và được gia hạn thêm một lần với thời hạn không quá ba tháng, tổng thời gian không quá bảy tháng;

+ Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: không quá bốn tháng, tuy nhiên có thể được gia hạn thêm hai lần tương ứng với mỗi lần thời hạn không quá bốn tháng, tổng thời gian không quá mười hai tháng. 

Tuy nhiên đối với một số tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội nhất định thì thời hạn tạm giam có thể được gia hạn thêm. Cụ thể như sau:

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần với thời hạn không quá 04 tháng đối với tội tội xâm phạm an ninh quốc gia. Nếu hết thời hạn 04 tháng này mà chưa thể kết thúc được việc điều tra và không có căn cứ xác định phải thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được quyền gia hạn thêm một lần đối với tội phạm nghiêm trọng là không quá một tháng; đối với tội phạm rất nghiêm trọng là không quá hai tháng, đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là không quá 04 tháng; Trong trường hợp đặc biệt thời hạn tạm giam được tính đến khi kết thúc điều tra. 

+ Nếu phạm phải tội đặc biệt nghiêm trọng khác không phải là tội xâm phạm an ninh quốc gia thì nếu đủ điều kiện có thể gia hạn thêm một lần nữa với thời hạn không quá bốn tháng, riêng đối với các trường hợp đặc biệt không thể hủy bỏ biện pháp tạm giam vì không có căn cứ cho việc hủy bỏ thì việc tạm giam được kéo dài cho đến khi hết giai đoạn điều tra.

– Thời hạn tạm giữ:

Tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự sẽ được áp dụng dựa trên quy định tại Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

Không quá thời gian ba ngày kể từ thời điểm Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ đối với người ra tự thú, đầu thú; từ thời điểm Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp nhận người bị giữ, người bị bắt tại trụ sở của mình từ người khác, cơ quan khác hoặc áp giải người bị giữ, bị bắt về trụ sở của mình.

Nếu xét thấy cần thiết việc tạm giữ có thể được gia hạn thêm lần một hoặc hai lần, mỗi lần không quá ba ngày. Thời gian tạm giữ theo quy định này sẽ được trừ vào thời hạn tạm giam trong đó một ngày tạm giữ tính bằng một ngày tạm giam

5. Thời hạn tạm giam để điều tra vụ án hình sự

Tóm tắt câu hỏi:

Xin hỏi thời gian tạm giam nghi phạm để điều tra vụ án hình sự của công an huyện là bao lâu? Tôi có nguời thân bị tạm giữ 12 tháng mà vẫn chưa được trả tự do mà bản án vẫn chưa xét xử được. Việc tạm giữ người như vậy đúng không về Tội cướp tài sản?

Luật sư tư vấn:

Căn cứ Điều 120 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định thời hạn tạm giam để điều tra như sau:

“1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Việc gia hạn tạm giam được quy định nh­ư sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.”

Theo thông tin bạn cung cấp, người thân của bạn bị tạm giam về tội cướp tài sản tuy nhiên bạn chưa nói cụ thể tình tiết về vụ việc của người thân bạn nên chưa xác định được người thân của bạn thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hay tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Căn cứ khoản 3 Điều 8 “Bộ luật hình sự 2015” có quy định: 

“3. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”

Đối chiếu Điều 133 “Bộ luật hình sự 2015” về tội cướp tài sản như sau:

“1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến  mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật  từ 61% trở lên hoặc làm chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.”

Như vậy, nếu người thân của bạn bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 133 “Bộ luật hình sự 2015”, đây là tội phạm rất nghiêm trọng thì thời hạn tạm giam sẽ là 4 tháng, trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp thì thời gian tạm giam không quá 9 tháng. Còn nếu người thân của bạn bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 133 “Bộ luật hình sự 2015”, đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì thời hạn tạm giam sẽ là 4 tháng, trường hợp cụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì thời gian tạm giam không quá 16 tháng.

6. Quy định về thời hạn tạm giam đối với hành vi cố ý gây thương tích

Tóm tắt câu hỏi:

Lời đầu tiên em xin chào và chúc sức khỏe đên các luật sư. Sau đây em có thắc mắc muốn hỏi luật sư mong luật sư giúp đỡ. Em trai em vì uống rượu nên đã đánh người và sau đó không có tin tức gì của người bị hại là đã bị trọng thương như thế nào. 15 ngày sau cơ quan chức năng đến bắt em tôi và khám xét nhà. Sau đó mang em tôi đi và ra lệnh tạm giam 3 tháng. Đến nay đã quá 3 tháng nhưng e tôi chưa được thả và gia đình tôi cũng không nhận được lệnh tạm giam tiếp. Mong luật sư trả lời giúp?

Luật sư tư vấn:

Tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất trong hệ thống các biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo quy định tại Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 đưa ra khái niệm về biện pháp tạm giam:

“Tạm giam là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hay bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ để cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội” .

Thực tế việc tạm giam làm hạn chế đi một số quyền công dân của người bị tạm giam, nhưng không phải là bị Luật pháp tước bỏ hết các quyền công dân của người bị tạm giam mà người bị tạm giam vẫn còn bị tước bỏ một số quyền theo luật định của người bị tạm giam chỉ dẫn ra trong một thời gian nhất định do các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành theo luật định. Cụ thể tại Điều 120, Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định về thời hạn tạm giam trong quá trình điều tra:

“1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng”.

Phụ thuộc vào việc em trai đang thuộc đối tượng của loại tội phạm nào thì thời gian tạm giam sẽ tương đương với loại tội đó. Điều này phải căn cứ vào tội phạm mà em trai bạn thực hiện. Qua những dữ liệu bạn gửi chúng tôi sẽ xác nhận đó là tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo quy định tại Điều 104, “Bộ luật hình sự 2015”.:

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân”.

Cần căn cứ vào thương tích của nạn nhân sau khi giám định để xác nhận hành vi của em trai bạn là loại tội nào để từ đó cơ quan điều tra mới xác định thời gian điều tra trong trường hợp của em bạn.

7. Quy định về thời hạn tạm giam đối với tội làm giả con dấu giấy tờ

Tóm tắt câu hỏi:

Chào Luật sư, hiện tôi là giáo viên sinh sống tại thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Bố tôi bị công an thị xã Long Khánh bắt tạm giam ngày 22/1/2015 và bị viện kiểm sát nhân dân thị xã Long Khánh truy tố về tội làm giả giấy tờ, con dấu của các cơ quan tổ chức nhà nước và rơi vào khoản 2 điều 267 bộ luật hình sự. Sau một thời gian điều tra và gia hạn nhiều lần của 3 cơ quan là công an, viện kiểm sát và tòa án nhân dân thị xã Long Khánh. Ngày 05/8/2016 tòa án đem ra xét xử, tuy nhiên hồ sơ tiếp tục bị trả lại. Ngày 05/1/2017 tòa án đem ra xét xử lần tiếp theo nhưng do một nguyên nhân là có một bị cáo bị ốm nên hoãn phiên tòa. Tôi có vài câu hỏi kính mong các luật sư tư vấn. Thời hạn tạm giam từ ngày 22/1/2015 đến 05/1/2017 của các cơ quan đối với bố tôi với điều khoản truy tố như trên thì đã đúng hay chưa? Nếu quá thời gian nhưng các cơ quan tố tụng vẫn tạm giam bố tôi thì tôi có quyền khiếu nại không? Nếu được khiếu nại thì tôi có thể khiếu nại ở đâu? Cảm ơn các luật sư và rất mong sự hồi âm?

Luật sư tư vấn:

– Căn cứ Điều 267 “Bộ luật hình sự năm 2015” quy định về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức như sau:

“Điều 267. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c)  Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi  triệu đồng.”

– Căn cứ Khoản 3 Điều 8  “Bộ luật hình sự năm 2015” quy định về khái niệm tội phạm như sau:

“3. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”

Trong trường hợp câu hỏi của bạn, bố bạn bị khởi tố với khung hình phạt tại Khoản 2 Điều 267 “Bộ luật hình sự năm 2015” về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức thì mức phạt tù cao nhất là năm năm. Căn cứ vào Khoản 3 Điều 8 “Bộ luật hình sự năm 2015” thì đối với tội phạm có mức phạt tù năm năm thì thuộc loại tội phạm nghiêm trọng.

– Căn cứ Khoản 1 Khoản 2 Điều 120  Bộ luật tố tụng hình sự 2003  quy định về thời hạn tạm giam để điều tra như sau:

“Điều 120. Thời hạn tạm giam để điều tra

1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Việc gia hạn tạm giam được quy định nh­ư sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.”

Đối với tội phạm nghiêm trọng, thời hạn tạm giam là không quá ba tháng, trong trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp thì có thể gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng. Như vậy, thời hạn tối đa tạm giam để điều tra đối với tội phạm nghiêm trọng là không quá sáu tháng.

Như vậy, bố bạn bị tạm giam từ 22/1/2015 đến 5/1/2016 mới đưa ra xét xử sơ thẩm là đã quá thời hạn tối đa tạm giam để điều tra đối với tội phạm nghiêm trọng. Trong trường hợp bố bạn bị tạm giam quá lâu như vậy thì bạn có quyền khiếu nại về hành vi tạm giam quá thời hạn của cơ quan điều tra.

 Luật sư tư vấn về thời hạn tạm giam qua tổng đài: 1900.6568

– Căn cứ Điều 325  Bộ luật tố tụng hình sự 2003  quy định về người có quyền khiếu nại như sau:

“Điều 325. Người có quyền khiếu nại

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi íích hợp pháp của mình.

Việc kháng cáo đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, khiếu nại đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì không giải quyết theo quy định tại Chương này mà được giải quyết theo quy định tại các chương XXII, XXIV, XX và XXI của Bộ luật này.”

Trong trường hợp này, bạn có quyền làm đơn khiếu nại đến cơ quan điều tra về việc tạm giam quá thời hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 nêu trên.

Video liên quan

Chủ đề