Trẻ bị vàng da bao lâu thì hết

Vàng da ở trẻ sơ sinh khiến cho da và lòng trắng trong mắt của bé có màu vàng. Vàng da sơ sinh rất phổ biến và thường xảy da khi bé có nồng độ bilirubin cao do gan bé vẫn đang phát triển. Ở trẻ lớn hơn và người lớn, gan sẽ kiểm soát bilirubin nên sẽ ít bị vàng da hơn.

Một trong những thắc mắc của nhiều ông bố bà mẹ là vàng da ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết? Những thông tin dưới đây sẽ giúp các mẹ giải đáp vấn đề trên:

1. Vì sao trẻ sơ sinh bị vàng da?

Trẻ bị vàng da bao lâu thì hết

Do gan trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện nên bé dễ bị vàng da. (Ảnh minh họa)

Trẻ sơ sinh có gan còn chưa phát triển hoàn thiện vì vậy dễ dẫn đến nồng độ bilirubin cao và vàng da.

Các bé có nguy cơ cao bị vàng da là:

- Bé sinh non hoặc bé sinh ra trước khi đủ 37 tuần thai kì.

- Bé không bú đủ sữa mẹ hoặc sữa công thức.

- Bé có loại máu không phù hợp với nhóm máu của mẹ. Khi đó cơ thể bé sẽ phát triển các kháng thể phá hủy hồng cầu dẫn đến mức bilirubin tăng cao.

Các nguyên nhân khác dẫn đến vàng da ở trẻ sơ sinh bao gồm:

- Bé bị chảy máu nội tạng.

- Bé bị nhiễm trùng.

- Bé bị thiếu enzyme.

- Hồng cầu của bé có vấn đề bất thường.

2. Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị vàng da

Dấu hiệu đầu tiên trẻ sơ sinh bị vàng da là da và lòng trắng mắt của bé có màu vàng. Màu vàng có thể xuất hiện trong hai đến bốn ngày sau khi sinh. Nó có thể bắt đầu ở mặt trước rồi lan xuống khắp cơ thể. Mức bilirubin thường cao nhất từ 3 đến 7 ngày sau khi sinh.

Nếu mẹ ấn ngón tay nhẹ nhàng vào da bé và thấy nó có màu vàng thì đó có thể là dấu hiệu của chứng vàng da.

3. Vàng da ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết?

Vàng da ở trẻ sơ sinh có thể ở mức độ nhẹ là vàng da sinh lý. Tuy nhiên, nó cũng có thể phát triển thành mức độ nặng là vàng da bệnh lý. Khi nồng độ bilirubin ở mức cao có thể tăng nguy cơ khiến bé bị điếc, bại não hoặc các dạng tổn thương não khác. Đó là lí do Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo tất cả trẻ sơ sinh phải được kiểm tra khi bé có các dấu hiệu bị vàng da.

Trẻ bị vàng da bao lâu thì hết

Thông thường vàng da sinh lý sẽ biến mất sau 2 - 3 tuần. (Ảnh minh họa)

Đối với vàng da sinh lý thì bé sẽ bị vàng da trong khoảng 24 giờ sau sinh. Thông thường vàng da sinh lý sẽ tự biến mất trong vòng từ 2 đến 3 tuần tuổi. Bé chỉ bị vàng da ở mức độ nhẹ.

Vàng da sinh lý không gây ra các triệu chứng bất thường khác như bỏ bú, mệt mỏi, thiếu máu. Nồng độ bilirubin trong máu bé không quá 12 mg% ở trẻ sinh đủ tháng và không quá 14 mg% ở trẻ sinh non.Tốc độ tăng bilirubin trong máu bé không quá 5 mg% trong 24 tiếng.

Vàng da bệnh lý xảy ra khi vàng da xuất hiện sớm. Bé bị vàng da không khỏi sau 3 tuần. Mức độ vàng da nặng khiến bé bị vàng da ở mắt và toàn thân. Đồng thời bé có các dấu hiệu mệt mỏi, bỏ bú, co giật. Khi này mẹ cần phải đưa bé đến khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Theo Lê Ánh (Dịch từ Healthline) (Khám phá)

Vàng da là do sự tăng nồng độ chất billirubin trong máu (billirubin gián tiếp hoặc billirubin trực tiếp) dẫn đến da hoặc mắt có màu vàng. Ở hầu hết trẻ sơ sinh, vàng da là hiện tượng sinh lý do tăng phá hủy hồng cầu phôi thai, giảm chức năng của các men chuyển hóa do gan sản xuất và tăng chu trình ruột gan. Tuy nhiên trong một số trường hợp, khi bilirubin gián tiếp trong máu tăng quá cao dẫn đến vàng da nhân có thể gây tử vong và biến chứng thần kinh suốt đời.


1. Cách phát hiện vàng da ở trẻ sơ sinh?

Cần quan sát da trẻ hàng ngày, đặc biệt trong vòng hai tuần đầu sau sinh. Quan sát ở nơi có ánh sáng tự nhiên vì nếu nhìn dưới ánh sáng đèn thì tình trạng vàng da có thể nặng hơn hoặc nếu thiếu ánh sáng thì không thể phát hiện được vàng da. Mẹ hoặc người chăm sóc trẻ dùng tay ấn nhẹ lên da từ 2-5 giây, ở ngực, bụng, đùi, cẳng chân, bàn chân của trẻ, khi thả tay ra vùng da đó có màu vàng thì khả năng trẻ có vàng da. Vị trí vàng da thường sẽ xuất hiện từ mặt, đến trên rốn, đến đùi, đến cẳng chân (tay), đến bàn chân. Mức độ vàng da có thể từ nhẹ, vừa đến rõ đậm.

2. Vàng da sinh lý xảy ra ở thời điểm nào?

Thường xuất hiện sau ngày thứ 3.

Hết vàng da trong vòng 1 tuần đối với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng.

Mức độ vàng da nhẹ, chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn.

Trẻ bú tốt, khỏe mạnh.

Vàng da đơn thuần, không kết hợp các triệu chứng bất thường khác như thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, li bì,…

Xét nghiệm Bilirubin trong máu : trẻ đủ tháng < 12 mg/dl, trẻ non tháng < 15 mg/dl.

3. Khi nào cần nghĩ đến vàng da bệnh lý?

Vàng da xuất hiện trong 3 ngày đầu, đặc biệt trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.

Vàng da kéo dài trên 14 ngày đối với trẻ đủ tháng và trên 21 ngày đối với trẻ sinh non.

Vàng da lan nhanh đến đùi hoặc cẳng chân, bàn chân trong những ngày đầu sau sinh.

Da màu vàng mạnh hơn (vàng xạm, không tươi hoặc vàng chanh), hoặc nếu kết mạc mắt xuất hiện màu vàng.

Vàng da kèm theo bỏ bú, bú kém hoặc nôn trớ.

Trẻ ngủ khó đánh thức, bứt rứt hoặc kích thích, gồng cứng hoặc co giật (bệnh rất nặng).

Xét nghiệm nồng độ Bilirubin trong máu tăng cao hơn mức độ sinh lý Bilirubin gián tiếp > 12 mg/dl (trẻ đủ tháng) và > 15 mg/dl (trẻ non tháng).

4. Hậu quả nếu vàng da sơ sinh không được phát hiện và chữa trị kịp thời

     Vàng da là một triệu chứng thường gặp ở trẻ sơ sinh do nhiều nguyên nhân gây nên. Hầu hết các trường hợp trẻ vàng da sinh lý có hàm lượng bilirubin trong máu thấp nên không nguy hại và không cần điều trị. Cần chú ý theo dõi xử trí kịp thời các trường hợp vàng da nặng để tránh nguy cơ tổn thương não ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần, vận động của trẻ.

5. Một số biến chứng nặng

Bệnh não cấp do tăng bilirubin:

+ Giai đoạn sớm: trẻ vàng da nhiều, ngủ gà, giảm trương lực cơ, bú kém.

+ Giai đoạn trung gian: trẻ lừ đừ, dễ bị kích thích và tăng trương lực cơ, có thể sốt, khóc the thé hay lơ mơ và giảm trương lực cơ, tăng trương lực cơ biểu hiện bằng ưỡn cổ và thân. Thay máu trong giai đoạn này trong một số trường hợp có thể cải thiện được các biểu hiện thần kinh.

+ Giai đoạn nặng : hệ thần kinh bị tổn thương và không hồi phục được, biểu hiện bằng tư thế ưỡn cổ - ưỡn người, khóc the thé, không bú được, có cơn ngưng thở, hôn mê, một số trường hợp co giật và tử vong.

Bệnh não mạn do tăng bilirunin (vàng da nhân): trẻ có biểu hiện của bại não thể múa vờn, rối loạn thính lực, loạn sản răng, mắt nhìn trần, hiếm gặp thiểu năng trí tuệ và các tàn tật khác.

6. Các phương pháp điều trị vàng da

- Chiếu đèn:

Chiếu đèn là phương thức điều trị được sử dụng rộng rãi, an toàn và hiệu quả  nhất để làm giảm nồng độ Bilirubin gián tiếp trong máu và phòng ngừa bệnh não cấp do tăng Bilirubin ở trẻ sơ sinh trong giai đoạn đầu sau sinh. Mục đích của chiếu đèn là để chuyển bilirubin tự do thành bilirubin tan trong nước và thải ra ngoài qua đường niệu và đường mật xuống phân.

-  Thay máu:

Được chỉ định khi vàng da nặng đến lòng bàn tay, bàn chân (< 1 tuần) + bắt đầu có biểu hiện thần kinh, hoặc mức Bilirubin máu tăng cao > 20 mg% + bắt đầu có biểu hiện thần kinh ( li bì, bú kém).

7. Theo dõi chăm sóc tại nhà

- Bú mẹ tích cực

- Không nằm buồng tối liên tục, quan sát màu da trẻ dưới ánh sáng mặt trời mỗi ngày.

- Tắm nắng buổi sáng: Ánh sáng mặt trời chỉ có thể giúp trẻ bị vàng da nhẹ mau hết hơn nhưng không thể điều trị kịp các trường hợp vàng da sơ sinh nặng. Đối với các trẻ mới vàng da nhẹ thì có thể tắm nắng ấm mỗi sáng, nhưng nếu trẻ đã vàng da nhiều thì cần phải nhanh chóng đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.

- Theo dõi tiến triển màu của da và phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh nặng để thời đưa trẻ đến cơ sở y tế.

BS. Lê Trương Tuyết Minh

Khoa Nhi - Bệnh viện TWQĐ 108

Vàng da ở trẻ sơ sinh là gì? Nguyên nhân gây bệnh; biểu hiện; chẩn đoán và chữa trị bệnh vàng da như thế nào? Cha mẹ cần làm gì để giúp bé?.....

Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa Sơ sinh – Bệnh viện Từ Dũ sẽ giúp các ông bố, bà mẹ nhận biết được các số dấu hiệu của vàng da ở trẻ sơ sinh để kịp thời đưa bé đi khám điều trị sớm, đảm bảo an toàn cho bé con thân yêu của mình trong buổi giao lưu trực tuyến ngày thứ tư 17/10/2017. Quý phụ huynh chuẩn bị làm cha, mẹ hoặc đang chăm sóc bé yêu vừa mới chào đời quan tâm đến những diễn biến sức khỏe của bé, mời tham gia buổi giao lưu với những câu hỏi về bệnh lý vàng da ở trẻ sơ sinh.

Các câu hỏi đã trả lời

Trẻ bị vàng da bao lâu thì hết

Bác sĩ cho em hỏi bé sinh 2/9 ở bv Từ Dũ về nhà khoảng một tuần bé bị vàng da ở mặt và mắt ,em tắm nắng cho bé mỗi sáng ,nay da bé đã hồng hào ,nhưng mắt bé thấy chưa trắng lắm có màu ngà ngà ,bé em vẫn bú mẹ bình thường,có đêm dạo này hay khóc ,xin bác sĩ giải đáp giúp em.Xin cảm ơn bác sĩ .

Kim Mai - 34 tuổi

Trả lời:

Chào bạn,

Nếu phân bé có màu sắc bình thường, bé bú tốt, lên cân tốt thì không cần làm gì thêm.

Thân mến.

BS. Nguyễn Thị Từ Anh - Sơ sinh

Chào bác sĩ, Bé em bị vàng da và bs chỉ định chiếu đèn 2 ngày lúc 10 ngày tuổi. Hiện giờ bé được 2 tháng tuổi. Em cho bé bú mẹ hoàn toàn. Vậy mẹ có phải kiêng các thức ăn gây vàng da cho bé không ạ? Em đang muốn uống viên tinh nghệ để mau lành vết sinh mổ. Em cám ơn bác sĩ.

Phương Thảo - 33 tuổi

Trả lời:

Chào bạn,

Thức ăn của mẹ ít có khả năng làm bé bị vàng da.

Thân mến.

BS. Nguyễn Thị Từ Anh - Sơ sinh

Bác sĩ cho em hỏi, bé nhà em mới sinh được 1 ngày bị vàng da, và bác sĩ có chuẩn đoán là bé chỉ bị vàng da sinh lý và cho điều trị bằng phương pháp chiếu đèn, nhưng em có thắc mắc là tại sao khi chiếu đèn lại phải che bộ phận sinh dục, liệu khi chiếu đèn mà không may bé bị hở bộ phận sinh dục thì có bị ảnh hưởng gì không ạ? đèn chiếu vào bộ phận sinh dục có bị làm sao không ạ? sau này có bị ảnh hưởng đến quá trình sinh sản không ạ? Rất mong sớm nhận được câu trả lời của bác sĩ Em cản ơn ạ

Chimi - 27 tuổi

Trả lời:

Chào bạn,

Khi thí nghiệm trên chuột con thì thấy có hiện tượng teo tinh hoàn nếu chiếu đèn mà không che, tuy nhiên chức năng sinh sản vẫn bình thường. Vì vậy, người ta che bộ phận sinh dục em bé lại khi chiếu đèn. Tôi chưa đọc được báo cáo nào cho biết có hiện tượng vô sinh khi sơ sinh chiếu đèn không che bộ phận sinh dục. Ngoài ra, phải tiếp xúc với ánh đèn cường độ cao trong một thời gian nhất định thì mới có thể bị ảnh hưởng, còn nếu vô tình bị tiếp xúc ánh sáng trong một khoảng thời gian ngắn thì không ảnh hưởng gì. 

Thân mến

BS. Nguyễn Thị Từ Anh - Sơ sinh

Bé em được 1 tháng tuổi,sinh thường lúc 38 tuần 4 ngày được 3,3 kg,ăn ngủ và bú bình thường.Nhưng bé bị vàng da ở mặt,lòng bàn tay bàn chân vẫn đỏ.Khi xét nghiệm máu thì thì chỉ so bilirubin gián tiếp cao lên đến 235.04.Bác sĩ không cho thuốc gì chỉ bảo vè cho tắm nắng.Nhưng em vẫn lo nên hỏi là có cần thiết cho bé đi chiếu đèn không ạ.Nếu có thì thực hiện ở đâu và khoảng bao lâu ạ. Em cám ơn ạ.Bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ ạ.Bé lên được 1,3 kg sau 1 tháng

Thanh Thuý - 28 tuổi

Trả lời:

Chào bạn,

Mức Bilirubin gián tiếp của con bạn không cần phải điều trị. Tắm nắng không làm hết vàng da.

Thân mến

BS. Nguyễn Thị Từ Anh - Sơ sinh

Cho em hỏi là em sinh ở viện về tới hôm nay là cháu nhà em được 7 tuần tuổi mà vãn chưa hết vàng da và vàng mắt thưa bác sĩ em có càn đưa cháu đi thăm khám không đó là bênh lí hay sinh lí ạ.

Hạnh duyên - 30 tuổi

Trả lời:

Chào bạn,

Bạn nên cho bé đi khám bệnh.

Thân mến

BS. Nguyễn Thị Từ Anh - Sơ sinh

Xin chào các bác sĩ, em có một số thắc mắc như bên dưới hy vọng nhận được tư vấn của bác sĩ, e chân thành cảm ơn! 1. Em sanh mổ 37w1d bé trai 2.7kg, sau sinh 4 ngày bé bị vàng da sinh lý bác sĩ cho uống vitamin D mỗi ngày 1 giọt, đến giờ đã 3 tuần sao em thấy bé vẫn còn vàng da, có cách nào cải thiện để bé hết hẳn không ạ? Vàng da sinh lý bao lâu thì hết ạ? 2. Từ lúc 10 ngày tuổi, tự nhiên bé hay rặn đỏ mặt tía tai, đặc biệt là lúc đi ị, nhưng bé vãn ị đều ngày 6 7 lần chứ k phải táo báo và phân tốt, hoặc lúc bé đói, ngủ giật mình cũng bị đỏ mặt cả lên. Bác sĩ cho em hỏi tình trạng này là sao ạ và cải thiện như thế nào ạ? 3. Vài ngày trở lại đây bé hay thè lưỡi, nhai miệng và nuốt như có thức ăn trong miệng, như vậy có bị làm sao không bác sĩ? 4. Do bé k chịu ti mẹ nên e toàn vắt sữa ra bình cho bé bú, lúc đầu trộm vía bé bú ngoan 1 lèo có thể đến 70 80ml sữa mẹ, nhưng mấy ngày gần đây e vẫn lấy 80ml sữa bé chỉ bú đến 30 40 ml thôi thì lại ư e đỏ cả mặt, nhưng khi đút núm vú vào thì bé lại nút rất nhanh như đang đói, chỉ nút 2 3 cái lại lè ra và ư e, cứ như vậy lập đi lập lại hoài. Nên bé k bao giờ bú no được, bác sĩ cho em hỏi bé bị làm sao và khác phục thế nào ạ? Em cảm ơn.

Nguyễn Thị Nghĩa - 31 tuổi

Trả lời:

Chào bạn,

Vàng da sinh lý hết sau 10 ngày đối với trẻ sinh đủ tháng và 14 ngày đối với trẻ sinh thiếu tháng. Bé bú sữa mẹ có thể bị vàng da do sữa mẹ, tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng sẽ bị kéo dài hơn. Hiện tượng đỏ mặt khi rặn đi cầu và khi giật mình không cần điều trị. Khi bé khoảng 3- 4 tháng tuổi sẽ bắt đầu hoạt động lưỡi nhiều hơn, cử động miệng nhiều hơn. Bé có thể ham vui, ham nói chuyện nên không tập trung khi bú. Bạn nên chọn nơi yên tĩnh để cho bé bú và thử đổi cỡ (size) núm vú to hơn để sữa xuống nhanh hơn vì sữa xuống chậm cũng sẽ làm bé chán.

Thân mến.

BS. Nguyễn Thị Từ Anh - Sơ sinh

Kính chào Bác Sĩ! Em sinh bé ở bệnh viện Từ Dũ . Khi xuất viện thì bé vẫn bình thường. Đến khi bé được 3 tuần, em thấy da và mắt bé bị vàng, bé vẫn bú mẹ hoàn toàn và tắm nắng mỗi sáng 30 phút. Vì nhà em ở xa nên chỉ đưa bé lên bệnh viện địa phương khám. Bác sĩ cho bé làm xét nghiệm máu và kết quả như sau: - Đo hoạt độ ALT (GPT) [Máu]: 36.4 U/L - Đo hoạt độ AST (GOT) [Máu]: 58.8 U/L - Định lượng Bilirubin trực tiếp [Máu]: 17.8 µmol/L - Định lượng Bilirubin toàn phần [Máu]: 510 µmol/L Bác sĩ cho bé về và dặn tắm nắng mỗi ngày cho bé. Vậy cho em hỏi theo kết quả như trên thì bé bị ở mức độ nặng hay nhẹ ạ? Em có cần đưa bé đến Từ Dũ hay Nhi Đồng để khám không ạ? Mong sớm nhận được phản hồi từ Bác sĩ. Em xin chân thành cảm ơn.

Trần Ngọc Hiệp - 30 tuổi

Trả lời:

Chào bạn,

Nếu Bilirubin toàn phần là 510 µmol/L là cao bất thường, bạn nên đưa bé đến khám tại bệnh viện Nhi đồng.

Thân mến.

BS. Nguyễn Thị Từ Anh - Sơ sinh

Chào bác sĩ ạ. Cháu sinh con đầu lòng nay được 1 tháng 18 ngày. Lúc sinh bé có bướu huyết thanh và 4 ngày xuất viện bác sĩ bảo da vàng sinh lí về phơi nắng. Nhưng lúc cháu sinh trời không có nắng và về nhà được 3 ngày da bé vàng nhanh. Lên viện xét nghiệm bilirubin TP là 335,8 và bilirubin TT là 10,4. Bs chỉ định chiếu đèn 5 ngày sau đó cho về. Hiện cháu rất lo lắng về việc không biết con cháu có bị di chứng gì không và như vậy có phải vàng da nhân không ( vì bs trên viện chỉ viết là vàng da sơ sinh). Cháu nhận thấy bé nhà cháu mắt hay nhìn trân trân về một phía, tay hai khua lung tung như bị giật dây và khi ngủ rất hay giật mình dù là tiếng động rất bé, khi bé ngủ hoặc thức vỗ nhẹ vào lưng hay chân thì tay hoặc cả người bé rất hay giật theo. Bé cũng hay khóc thét lên không rõ nguyên nhân. Lúc sinh bé bị ngạt chỉ khóc một tiếng sau đó không khóc nên bs phải cấp cứu. Cháu nhờ bác sĩ tư vấn giúp. Cháu rất cảm ơn ạ

Nguyễn Phương Thảo - 23 tuổi

Trả lời:

Chào bạn,

Các dấu hiệu bạn mô tả có thể gặp ở trẻ bình thường. Tuy nhiên, do con bạn có nhiều yếu tố có nguy cơ ảnh hưởng đến thần kinh như ngạt, vàng da nặng nên cần phải theo dõi phát triển tâm lý và vận động đến 2 tuổi. Bạn có thể so sánh sự phát triển của bé với các mốc phát triển bình thường (có trong sổ sức khoẻ trẻ em) hoặc đưa bé đến theo dõi định kỳ tại chuyên khoa thần kinh.

Thân mến.

BS. Nguyễn Thị Từ Anh - Sơ sinh

Bé em được 1 tháng tuổi, nhưng em vẫn thấy bé bị vàng da. Trên người vàng lốm đốm, còn ở mắt và cằm vàng nhiều. Mặc dù bé sáng nào cũng tắm nắng. Bé em có sao không bác sĩ? Có thể bổ sung thuốc D3 ngoài cho bé không? Bác sĩ tư vấn giúp em với.

Tran mai - 25 tuổi

Trả lời:

Chào bạn,

Bạn nên đưa bé đi khám chuyên khoa tiêu hoá. Phơi nắng không làm hết vàng da. Bạn có thể bổ sung vitamin D để phòng ngừa còi xương.

Thân mến

BS. Nguyễn Thị Từ Anh - Sơ sinh

Con em bị thiếu men G6pd, vàng da từ ngày thứ 2 sau sinh đến nay là ngày thứ 18 nhưng vẫn chưa đỡ vàng. E đưa con đi khám bác sĩ nói về phơi nắng chứ không chiếu đèn được nữa. Chỉ số - Bilirubin toàn phần: 276,9 - Bilirubin trực tiếp: 20,8 - Bilirubin gián tiếp: 256,1 - định lượng men G6PD: 138.5 Bác sĩ cho e hỏi con em có phải đi khám lại không ah? Hoạt độ men g6pd như trên thì con em thiếu nhiều hay ít ah? Em xin chân thành cảm ơn.

Đỗ thị minh thuỷ - 24 tuổi

Trả lời:

Chào bạn,

Bạn không cho biết đơn vị của định lượng men G6PD nên khó trả lời. Bạn nên cho bé khám chuyên khoa sơ sinh để xác định thêm ngoài nguyên nhân thiếu men G6PD thì bé còn có nguyên nhân nào khác (viêm gan, nhiễm trùng tiểu...) làm bé bị vàng da kéo dài không. Ngoài ra, nếu bé bú sữa mẹ hoàn toàn hoặc chủ yếu thì có thể vàng da do sữa mẹ. Bạn có thể hâm nóng sữa mẹ đến sủi tăm, để nguội và cho bé bú. Nếu chỉ do sữa mẹ thì sau 2 ngày sẽ giảm vàng da đáng kể.

Thân mến

BS. Nguyễn Thị Từ Anh - Sơ sinh

Thưa bác sĩ. Con em sinh 3kg, 39 tuần. Cháu hiện tại dc 11 ngày. Cháu bị vàng da. Tôi nghe nói chiếu đèn hồng ngoại sẽ giúp điều trị vàng da. Hiện tôi đang sử dụng đèn rotlichtlampe ir 150 của đức. Xin bác sĩ tư vấn. Với cả tôi tôi nghe dùng vitamin d cũng giúp đào thải độc tố của bệnh vàng da. Hiện tôi đang mua D- Fluoểttn 500 I.E của Đức.

Lam - 32 tuổi

Trả lời:

Chào bạn,

Đèn ánh sáng xanh mới có tác dụng điều trị vàng da. Tuy nhiên, để điều trị hiệu quả thì phải đáp ứng được các yêu cầu về bước sóng, cường độ ánh sáng, khoảng cách...Vì vậy, không tự ý điều trị vàng da ở nhà mà phải do bác sĩ chỉ định và điều trị với các thiết bị y tế đạt tiêu chuẩn. Vitamin D không giúp đào thải bilirubin và không có tác dụng điều trị vàng da.

Thân mến

BS. Nguyễn Thị Từ Anh - Sơ sinh

Cháu nhà tôi sinh mổ 37 tuần. sau sinh cháu bú ít, hay trớ. 2 ngày sau cháu được xét nghiệm máu, chuẩn đoán vàng da bệnh lý. (Cháu nhóm máu AB, mẹ nhóm máu B, bố nhóm A). Cháu được chiếu đèn 5 ngày thì ra viện. Về nhà phơi nắng đến 1 tháng thì hết vàng da. Hiện tại chân cháu hay bị giật nhẹ, rung rung (cả 2 chân đều bị), có lúc mau, lúc lâu, vào bất kì thời điểm nào trong ngày. Tay cháu khi chơi, nói chuyện hay nắm chặt lại. Xin bác sĩ cho biết đó có phải là những biểu hiện, ảnh hưởng của vàng da không, tôi cần đưa cháu đi khám ở đâu. Rất mong bác sĩ giúp tôi ạ. Tôi xin cảm ơn nhiều!

Hạnh Đan - 33 tuổi

Trả lời:

Chào bạn,

Bạn thử nắm giữ chân bé khi run chân xem có ngưng run không. Nếu ngưng run thì bé bị run chi lành tính, sẽ tự khỏi khi lớn hơn. Nếu vẫn tiếp tục giật hay run khi nắm giữ là bất thường, cần khám chuyên khoa thần kinh.

Thân mến.

BS. Nguyễn Thị Từ Anh - Sơ sinh

Chào bác sĩ, Bé nhà em lúc mới sinh bị vàng da phải điều trị soi đèn 3 ngày cho xuất viện. Nay bé được 24 ngày tuổi, mỗi ngày đều cho tắm nắng 30 phút và bú mẹ đầy đủ 8-9 lần nhưng vẫn còn vàng da, chưa hết hẳn. Như vậy có sao không ạ?

Nguyễn Thị Thùy Trang - 22 tuổi

Trả lời:

Chào bạn,

Nếu chỉ vàng nhẹ ở mặt và bé vẫn lên cân bình thường, phân không nhạt màu thì có thể bé chỉ bị vàng da do sữa mẹ, bạn tiếp tục cho bú mẹ đến 1 tháng tuổi thì đi khám tổng quát và kiểm tra lại. 

Thân mến

BS. Nguyễn Thị Từ Anh - Sơ sinh

Em làm điều dưỡng nhưng cho em hỏi tí, em sinh bé thứ 2,em cho bú bình vì chưa có sữa mẹ, đến ngày thứ 3 thì em có sữa cho bé bú nhưng em sữa không nhiều và bị tắc sữa nên bé bị vàng da. Hàng ngày em có cho bé tắm nắng sớm đến ngày thứ 9 da bé vàng hơn, bé ngủ li bì không bú em cho bé nhập viện chiếu đèn lúc đó t-bilirubin của bé hơn 280 ml, chiếu đèn được 3 ngày bé về nhà nhưng em thấy da và kết mạc mắt bé vẫn còn vàng nhẹ. Nay bé được 1,5 tháng rồi mà vẫn còn tình trạng này, em xét nghiệm lại t-bilirubin bé được 200,5 ml. Xin hỏi bác sỹ bé như vậy có ảnh hưởng gì đến thần kinh không ạ? Và làm sao cho bé đỡ vàng da ạ? Từ lúc bé ở bệnh viện về tới nay bé bú mẹ, ngủ bình thường, ngày đi phân vàng sệt 4-5 lần/ ngày, nước tiểu vàng nhạt. Rất cảm ơn và mong chờ hồi âm ạ.

Lê thị hoài thy - 30 tuổi

Trả lời:

Chào bạn,

Bé có thể bị vàng da do sữa mẹ. Bạn có thể hâm nóng sữa mẹ đến khi sủi tăm, để nguội và cho bé bú. Nếu vàng da chỉ do sữa mẹ thì sau 2 ngày uống sữa mẹ hâm nóng bé sẽ hết vàng da. Sau đó, bạn có thể cho bé bú sữa mẹ bình thường. Vàng da mức độ như bạn mô tả có thể không có di chứng. Tuy nhiên, bạn vẫn phải theo dõi sự phát triển vận động và tâm lý của bé theo các mốc chuẩn để có thể can thiệp kịp thời nếu có bất thường. 

Thân mến.

BS. Nguyễn Thị Từ Anh - Sơ sinh

Chào Bs, con tôi được 20 ngày, mấy ngày nay bé hay ọc sữa mặc dù sau khi bú tôi bế bé 10 đến 15 phút, bé rặn nhiều và vặn mình(bé bú mẹ, 1 đến 2 ngày mới bú sữa công thức 1 lần do mẹ thiếu sữa. Bé ngủ sâu khoảng 12 h, còn lại là ngủ ngắn 30 đến 45 phút nhưng phải bế bé lên, đặt bé xuống là bé lại rặn và khóc, bé thường ngủ ngắn vào ban ngày và đầu hôm, lúc như vậy tôi phải cho bé bú mặc dù không đủ sữa vì chưa đến 1h là bú, như vậy bé mới không khóc. Tuần nay, tôi thấy bé bị vàng da vùng mặt, tay chân ngực không thấy vì da bé vẫn hồng hào, đã tắm nắng từ lúc xuất viện nhưng bé không hết vàng. Tôi rất lo lắng, xin Bác sĩ tư vấn sức khỏe con tôi có gì không? 30 ngày thì kiểm tra sức khỏe bé lại tại BV nhưng tôi không yên tâm về vàng da của bé nên xin Bs tư vấn giup tôi.

thuy linh - 34 tuổi

Trả lời:

Chào bạn,

Nếu bé bú sữa mẹ bị vàng da nhẹ và phân không bị nhạt màu, bé vẫn bú tốt và lên cân tốt thì không đáng lo. Bé có thể bị trào ngược dạ dày thực quản. Bạn nên vác đứng bé lên vai sau khi bú khoảng 30 phút, khi đặt xuống thì cho bé nằm nghiêng ôm gối hoặc làm kén bằng khăn lông cho bé nằm bên trong. Nên cho bé nằm trên mặt phẳng nghiêng 30 - 45 độ để vai và đầu cao hơn mông.

Thân mến. 

BS. Nguyễn Thị Từ Anh - Sơ sinh

Kính gửi Bác sĩ, Con em được 20 ngày tuổi mắt bé bị vàng tròng trắng, ngủ dậy mắt hay bị đổ ghèn. Bác sĩ cho em hỏi bé bệnh gì và phải điều trị sao ạ? Mỗi ngày Bé có phơi nắng ạ. Bác sĩ cho em hỏi thêm hai bên tinh hoàn của bé không đều nhau, bên phải to hơn bên trái, như vậy có phải là bệnh lý không ạ? Rất mong nhận được phản hồi của Bác sĩ. Xin cảm ơn!

Nguyễn Nhật Thảo - 25 tuổi

Trả lời:

Chào bạn,

Bé của bạn có thể bị nghẹt tuyến nước mắt. Bạn có thể day đuôi mắt vùng sát gốc mũi mỗi ngày ít nhất 6 lần, mỗi lần khoảng 10 cái, nhỏ Natri Clorid 0,9% sau khi day mắt. Nếu không hiệu quả thì phải khám chuyên khoa mắt. Tinh hoàn không đồng đều hai bên là hiện tượng bình thường nhưng cũng có thể do thoát vị bẹn hoặc tràn dịch tinh mạc.

Thân mến.

BS. Nguyễn Thị Từ Anh - Sơ sinh

Con sinh non 36tuần 5 ngày được 2.75kg, tới nay được 7 tuần 3 nngày mà da mặt cháu vẫn bị vàng nhẹ. Toàn thân thì không bị. Đi khám tại trung tâm ytế thì biliirin gián tiếp cao gấp 5 lần bình thường, trực tiếp thì bình thường, cháu bú mẹ hoàn toàn và nay được 5.4kg. Bệnh viện bảo về nhà phơi nắng, như vậy có đúng không,có cần phải điều trị j thêm không ạ.

Trần Thị Tuyết Nhung - 27 tuổi

Trả lời:

Chào bạn,

Bé của bạn lên cân tốt, không tăng bilirubin trực tiếp nên nhiều khả năng là vàng da do sữa mẹ. Bạn vẫn cho bé bú mẹ bình thường và không cần phơi nắng để điều trị vàng da.

Thân mến.

BS. Nguyễn Thị Từ Anh - Sơ sinh

Xin thân chào bác sĩ! con em sinh thường 3750g, từ lúc sinh ra tới ngày xuất viện, hiện nay được 1 tháng, em để ý mắt bé hơi vàng nhạt, nước tiểu có màu vàng, nhưng bé bú sữa mẹ và sữa hộp bình thường, ngủ đủ giấc , không quấy khóc. em lo lắng Xin bác sĩ cho ý kiến, bé có bị bệnh vàng da hay bị bệnh về gan không! có cần đi khám không ah! Xin chân thành cảm ơn bác sĩ! chúc bác sĩ nhiều sức khỏe ạ

thanh phước - 36 tuổi

Trả lời:

Chào bạn,

Nếu bé lên cân không đạt chuẩn, phân vàng nhạt hoặc bạc màu, mẹ không bị viêm gan siêu vi B hoặc C thì cần đi khám chuyên khoa tiêu hoá.

Thân mến  

BS. Nguyễn Thị Từ Anh - Sơ sinh

Chao bs be e sinh duoc 19ngay hoi sinh ơ tư du 5ngay duoc xuat vien ve .be bi vang da phai nhap vien benh vien hoc môn chieu den 3ngay roi ve nha ket hop phoi năng nay thi be het roi .nhung sau be văng mjh qua ko biet phai vang da m be như vay ko bs ..

Tran thi kim loan - 29t tuổi

Trả lời:

Chào bạn,

Bé chưa biết lật thường có cử động vặn vẹo mình và không liên quan vàng da. Tuy nhiên, nếu bé vặn mình quá mức có thể là có bất thường về trương lực cơ, tức là gồng chi, ưỡn người chứ không phải cử động thông thường. Khi đó, mẹ cần đưa bé đi khám chuyên khoa thần kinh.

Thân mến

BS. Nguyễn Thị Từ Anh - Sơ sinh

CON EM ĐƯA BỊ VÀNG DA ĐƯA ĐI KHÁM BÁC SĨ CHO THUỐC ĐIỀU TRỊ VÀ DẶN KHÔNG ĐƯỢC ĐƯA BÉ SƯỞI NẮNG NHƯ VẬY ĐÚNG KHÔNG, VÌ EM ĐƯỢC BIẾT THẤY PHẢI ĐƯA BÉ SƯỞI NẮNG BUỔI SÁNG.

trongvinh - 32 tuổi

Trả lời:

Chào bạn,

Vàng da sơ sinh có 2 loại: vàng da tăng bilirubin gián tiếp và vàng da tăng bilirubin trực tiếp. Nếu vàng da tăng bilirubin gián tiếp mức độ bệnh lý thì phải điều trị bằng chiếu đèn hoặc thay máu, thuốc hỗ trợ là dịch truyền hoặc thuốc truyền tĩnh mạch. Nếu vàng da tăng bilirubin trực tiếp là có liên quan đến bất thường gan hoặc mật, có thể dùng thuốc hoặc phải phẫu thuật. Phơi nắng không có hiệu quả trong điều trị vàng da mà chỉ có tác dụng phòng ngừa còi xương.

Thân mến.

BS. Nguyễn Thị Từ Anh - Sơ sinh

Xem thêm