Trình bày phương pháp ghép cành

Căn cứ vào cách cắt mặt tiếp xúc giữa cành và gốc ghép, ghép cành có thể được phân thành hình thức ghép nối tiếp, ghép nêm, ghép trẻ ngọn, ghép bên thân.

  • Ghép nối tiếp
  • Ghép nêm
  • Ghép dưới vỏ
  • Ghép bên thân

Để đảm bảo ghép thành công cần chú ý một số kỹ thuật cơ bản:

– Tiến hành ghép vào thời điểm (mùa vụ) thích hợp, khi cành và gốc ghép ở trạng thái sinh lý tốt nhất. Chọn cành ghép đúng, đặc biệt chú ý các chồi ngủ phải ở giai đoạn chuẩn bị sinh trưởng. Gốc ghép có thể đang ở giai đoạn sinh trưởng mạnh.

– Tượng tầng của cành ghép và gốc ghép phải trùng khít nhau. Nếu cành ghép có đường kính nhỏ hơn gốc ghép thì một phía phải trùng khít. Nhanh chóng buộc kín tổ hợp ghép bằng nilon, phủ kín cành ghép và tổ hợp ghép bằng túi nilon, che bớt ánh sáng để tránh mất nước. Như vậy cành ghép được hạn chế thoát hơi nước và được gốc ghép cung cấp nước, dinh dưỡng khoáng để tiếp tục sống và dễ liền sinh với gốc ghép.

– Chăm sóc cẩn thận sau khi ghép, đặc biệt chú ý cắt bỏ chồi bất định sinh ra từ phần gốc ghép.

Ghép nối tiếp

Cách ghép này thường áp dụng cho trường hợp vật liệu giống có đường kính nhỏ (6 – 13 cm), nhất là khi đường kính của cành và gốc ghép bằng nhau. Phần gốc của cành ghép được cắt thành lưỡi kép hoặc lưỡi đơn.

Ghép nêm

Ghép nêm là phương pháp ghép được sử dụng lâu đời và phổ biến nhất, có thể áp dụng cả cho gốc ghép to hay nhỏ, thậm chí cho gốc ghép có đường kính tới 10 cm. Nên tiến hành ghép nêm vào thời điểm trước khi gốc ghép sinh trưởng để tránh vỏ của gốc ghép dễ bị tách ra, gây khó khăn cho sự liền sinh của cành và gốc ghép. Ghép trên gốc ghép to nên dùng cưa cắt gốc cây, gọt nhẵn mặt cưa bằng dao sắc. Dùng dao to, sắc và vồ để chẻ gốc ghép sâu xuống phía dưới khoảng 5 – 6 cm tuỳ theo độ lớn của cành ghép. Trên gốc ghép to có thể ghép 2 – 4 cành ghép theo các hướng đối diện nhau. Phần gốc cành ghép cũng được cắt vát hình nêm có chiều dài tương ứng với phần gốc ghép đã chẻ, phải sử dụng dao thật sắc để vát cành, tạo nên mặt vát thật phẳng, nhẵn. Chú ý không được nhầm với phần ngọn của cành. Dùng nêm tách hai phần gốc ghép đã chẻ, đưa cành ghép vào chỗ tách, rút bỏ nêm tạo thành tổ hợp ghép. Nếu gốc ghép nhỏ phải dùng dây nilon (tốt nhất nên dùng loại dây tự huỷ) cuốn chặt tổ hợp ghép. Bọc toàn bộ cành ghép và tổ hợp ghép trong túi nilon trong để hạn chế thoát hơi nước. Căm sóc cây ghép như phương pháp trên.

Ghép nêm ở ngọn gốc ghép gọi là ghép chẻ ngọn. Phương pháp ghép này thường được áp dụng để ghép Cà phê, Điều; có ưu điểm là tận dụng được sức sinh trưởng mạnh của phần ngọn gốc ghép nên dễ thành công.

Ghép dưới vỏ

Chuẩn bị gốc ghép cho cách ghép dưới vỏ được tiến hành như ghép nêm nhưng sau khi cắt ngang gốc ghép, không chẻ gốc ghép mà dùng dao tách vỏ gốc ghép theo chiều thẳng đứng, độ dài khoảng 2 – 3 cm hoặc cắt, tách một mảnh vỏ gốc ghép, phần gốc cành ghép đước vát một bên hoặc đưa vào dưới vỏ hoặc chỗ vỏ đã cắt rồi buộc chặt hoặc dùng hỗn hợp nhựa ghép để bôi kín tổ hợp ghép.

Ghép bên thân

Ghép bên thân có thể áp dụng cho gốc ghép có đường kính lớn hơn hoặc bằng cành ghép. Có hai cách ghép bên thân thường được áp dụng. Cách thứ nhất (Hình dưới): dùng dao sắc cắt chéo qua lớp vỏ vào một phần gỗ của gốc ghép, lát cắt dài 2,5 cm, tạo với trục thân một góc khoảng 30°. Cành ghép được vát hình nêm tương ứng với vết cắt của gốc ghép và được đưa vào vết cắt đã mở. Dùng dây nilon buộc chặt chỗ ghép. Cách thứ hai: cắt vát mở một bên gốc ghép, mảnh cắt gồm một phần gỗ. Cắt vát một bên cành ghép tương ứng với lát cắt ở gốc ghép, áp mặt vát của cành ghép vào lát cắt của gốc ghép, buộc chặt tổ hợp ghép bằng dây nilon. Khi thấy cành ghép đã liền sinh với gốc ghép cần cắt bỏ thân chính của gốc ghép tại vị trí trên tổ hợp ghép khoảng 1 cm, vết cắt phải sắc gọn và được xử lý thuốc chống nấm.

Lát cắt ngang tổ hợp ghép bên thân

Ghép bên thân có ưu điểm lớn là ngọn chính của gốc ghép vẫn tồn tại nên cành ghép được nuôi dưỡng tốt, hơn nữa nếu tổ hợp ghép không thành công có thể sử dụng gốc ghép để ghép bổ sung.

Đây là một hướng dẫn từng bước để giúp bạn ghép cành bưởi thành công bằng kỹ thuật ghép nêm. Trình bày dưới đây là cách ghép cành một giống bưởi quý hiếm vào một cây bưởi đã có sẵn để tạo nên một cây bưởi đa giống. Ghép nêm cũng là một phương cách ghép mai rất hiệu nghiệm.

Đây là hướng dẫn từng bước giúp bạn ghép cành bưởi thành công bằng kỹ thuật ghép nêm.

Ghép nêm là một phương cách rất thích hợp để ghép tất cả các loại cây có múi bao gồm cam chanh quýt bưởi quất hạnh. Kỹ thuật này cũng là một phương cách ghép mai và nhiều loại cây khác rất hiệu quả . Mặc dầu hướng dẫn này chỉ cách ghép nêm để thêm một giống mới vào một cây có múi đa giống nhưng cũng xin nhớ rằng phương cách này hoàn toàn thích hợp để tạo ra những cây có múi mới.


Ghép cành – Cách ghép cành bưởi bằng kỹ thuật ghép nêm – YouTube Video

Bên cạnh bài hướng dẫn từng bước tôi cũng có một video YouTube ̣(xin xem bên dưới) chỉ cách ghép nêm vào một cây bưởi.

Chỉ xử dụng hom cam quýt từ nguồn cung cấp chồi không bệnh

Cây có múi có khả năng lan truyền những bệnh hiểm nghèo làm chết cây. Thường thì không có một dấu hiệu nào rõ ràng cho thấy một cây đã bị nhuốm một bệnh tử vong. Điều này khiến cho nguồn cung cấp chồi giống cam quít rất quan trọng.

Tại California nơi tôi đang sinh sống có một căn bệnh ngoại lai giết chết cây cam quýt và cả côn trùng truyền nhiễm bệnh này cũng đã xuất hiện.   Tình hình này hết sức nghiêm trọng cho đến nỗi tại Cali hiện nay ai dùng hom cây cắt ra trong vườn để ghép cành cam quýt là phạm pháp. Để cứu nhóm cây cam quít khỏi những căn bệnh hiểm nghèo, dân ghép cây tại tiểu bang này không còn trao đổi chồi giống với bạn bè. Thay vào đó họ đặt chồi giống với giá tượng trưng từ Chương trình nhân giống vô sinh cây cam quýt (CCPP) , là một chương trình đã ra đời để cung cấp chồi giống cam quýt không bệnh.

Chương trình CCPP sẽ gửi chồi giống đến bất cứ nơi nào trên thế giới miễn là luật địa phương cho phép. Nhiều vùng trồng cam quýt không cho phép vì họ đã có một chương trình tương tự của chính họ. Tôi đã tạo ra một trang mạng liệt kê những chương trình khác tại đây : Các chương trình cung cấp chồi giống cam quýt.

Video YouTube bên dưới chỉ dẫn cặn kẽ quá trình thiết lập một tài khoản và đặt chồi giống với chương trình CCPP.

Tiệt trùng dụng cụ ghép

Tiệt trùng dụng cụ ghép

Để nâng cao tối đa mức độ thành công của mối ghép cũng như để ngăn ngừa lan truyền bệnh từ cây này sang cây khác, một điều tối quan trọng là phải tiệt trùng dụng cụ ghép giữa mỗi lần ghép. Để biết thêm cách tiệt trùng dụng cụ ghép xin xem liên kết ngay đây: Tiệt trùng dụng cụ ghép

Lựa chọn một kỹ thuật ghép dựa trên kích thước của hom cây

Khi ghép giống mới vào một cây cam quýt tôi thích ghép hom hơn là ghép chồi. Tôi nhận xét thấy rằng chồi ghép phát triển hết sức chậm chạp hoặc không phát triển gì cả. Trong khi đó hom ghép có khuynh hướng sống và phát triển nhanh hơn. Những hom cây tôi nhận được từ CCPP trong trường hợp này có đường kính nhỏ hơn một ít so với cành mục tiêu. Do tôi quyết định sử dụng phương cách ghép nêm nên tôi lựa chọn hom cây nào có đường kính gần bằng cành mục tiêu nhất. Nếu như những hom cây này nhỏ hơn nhiều so với cành mục tiêu thì tôi sẽ chọn phương cách ghép dưới vỏ.

Nếu đường kính của hom cây bằng hoặc nhỏ hơn một ít so với đường kính của cành mục tiêu thì ghép nêm là một phương cách tốt.

Cắt cành mục tiêu

Bước đầu tiên là cắt cành mục tiêu để chuẩn bị mối ghép. Tôi thích sử dụng một cái cưa để cắt hơn bởi vì vết cắt sẽ trơn láng hơn và sẽ gây thiệt hại ít nhất cho cành mục tiêu.

Cưa cành mục tiêu.

Chẻ cành mục tiêu

Bước kế tiếp là phải chẻ cành mục tiêu để nhét hom cây vào. Tôi bắt đầu vết cắt bằng cách cắt ngay giữa cành và nhấc dao lên xuống nhẹ nhàng cho đến khi đạt được một chiều sâu như ý. Vết cắt này dài khoảng 4cm

Chẻ cành mục tiêu.

Xem xét hom cây

Bước kế tiếp, bạn phải xem xét hom cây để quyết định góc cạnh nào tốt nhất để vát. Trong trường hợp này tôi sẽ lựa chọn một hom cây có góc cạnh và đường kính thích hợp nhất với cành mục tiêu. Tôi sẽ chọn ra một cạnh bằng phẳng nhất của một hom cây để vát. Tôi sẽ vát nó thành hình chữ V để dễ dàng ghép vào cành mục tiêu.

Xem xét hom cây để quyết định cạnh nào tốt nhất để vát.

Vát hom cây

Đây là hom cây đã được vát nhọn. Tôi chỉ tập trung vào một mặt của hom cây. Mặt bên kia không cần phải tiếp xúc với cành mục tiêu. Để cho việc lắp ghép được dễ dàng bạn có thể vát mặt bên kia hom mỏng hơn mặt hom mà bạn muốn tiếp xúc với cành mục tiêu.

Vát hom cây thành hình chữ V.

Bí mật của sự thành công: Điều chỉnh các phần tượng tầng như thế nào

Phần tượng tầng thể hiện bằng mũi tên.

Mục đích của bạn khi ghép cây là giúp cho phần tượng tầng của hom cây được tiếp xúc với phần tượng tầng của cành mục tiêu. Phần tượng tầng là một lớp mô rất mỏng nằm giữa vỏ cây và gỗ. Khoảng cách của phần thượng tầng đến phần vỏ bên ngoài có khuynh hướng tùy thuộc vào đường kính của gỗ phía bên trong.

Nhiều hướng dẫn ghép cây mà tôi đã nhìn thấy cho ấn tượng rằng người ghép cây phải kết hợp chính xác tất cả các phần thượng tầng dọc theo chiều dài của mối ghép. Như vậy sẽ khá khó khăn vì các phần thượng tầng đã rất mỏng lại còn bị che phủ bởi vỏ cây.

Điều chỉnh vỏ cây bên ngoài thẳng hàng

Hình ảnh dưới đây là một ví dụ cho thấy vỏ của hom cây và vỏ của cành mục tiêu được sắp xếp cho nằm bằng nhau.

Một mối ghép nêm được minh họa khi vỏ của hom cây và vỏ của cành mục tiêu được sắp xếp để nằm bằng nhau.

Các phần tượng tầng không chạm nhau

Minh họa bên dưới cho thấy mối ghép bên trên sau khi vỏ cây được bóc rời để lộ ra các phần tượng tầng. Mặc dù các vỏ cây phía ngoài nằm bằng nhau nhưng không có một tiếp xúc nào giữa hai phần tượng tầng của hom cây và cành mục tiêu; Như thế này, mối ghép này sẽ thất bại.

Minh họa của một mối ghép nêm khi các vỏ cây bên ngoài nằm bằng nhau nhưng các phần tượng tầng bên trong không có tiếp xúc.

Điều chỉnh các phần tượng tầng từ hai góc độ

Minh họa bên dưới cho thấy một phần của hom cây đã được điều chỉnh lệch xuống một ít để cả hai phần tượng tầng được tiếp xúc.

Minh họa của một mối ghép nêm cho thấy hom cây khi nhìn xéo.

Các phần tượng tầng được tiếp xúc

Minh họa dưới đây cho thấy minh họa bên trên sau khi vỏ cây đã được bóc rời để lộ ra các phần tượng tầng. Các phần tượng tầng tiếp xúc nhau tại hai điểm. Nên nhớ là các phần tượng tầng không cần phải tiếp xúc hết dọc theo chiều dài của hom cây.   Hai điểm tiếp xúc này đủ giúp cho mối ghép thành công. Trong khi mối ghép lành lại, mô sẹo sẽ phát triển và nối lại các phần tượng tầng không dính.

Minh họa của một mối ghép nêm cho thấy các phần tượng tầng tiếp xúc nhau tại hai điểm.

Lắp hom cây vào cành mục tiêu

Đây là hom cây được lắp vào cành mục tiêu với một góc độ đảm bảo cho các phần tượng tầng được tiếp xúc. Góc độ này nằm ngược lại với minh họa bên trên. Phần đầu của hom cây trong minh họa trên lệch ra ngoài một ít nhưng minh họa bên dưới cho thấy phần đầu của hom cây lệch vô trong một ít. Lệch trong hay lệch ngoài đều được cả miễn là phải có điểm tiếp xúc.

Lắp ghép hom cây.

Quấn mối ghép với băng parafilm

Tôi quấn mối ghép với băng parafilm lần thứ nhất để niêm kín mối ghép và giữ nó không được nhúc nhích. Để cho mối ghép được chặt chẽ hơn bạn kéo căn băng parafilm ra một ít trong lúc quấn, và như thế nó sẽ dính chặt lại. Tôi dùng băng parafilm loại ½ inch để quấn mối ghép. Bạn có thể đặt băng parafilm này tại liên kết ngay đây: Dụng cụ ghép.

Quấn mối ghép bằng băng parafilm.

Dùng dây thun để quấn

Để bảo đảm cả hai phòng tượng tầng tiếp xúc chặt chẽ và cũng để mối ghép được vững chắc trong thời gian hồi phục tôi dùng dây thun quấn chặt.

Quấn mối ghép với một cọng thun.

Tỉa hom cây chỉ chừa lại ba đến bốn chồi thôi

Tôi tỉa hom cây và chỉ chừa lại ba đến bốn chồi. Trong ví dụ này tôi chỉ chừa lại ba chồi cây.

Tỉa hom chỉ chừa lại ba chồi cây.

Quấn thêm một lớp băng parafilm thứ hai

Bước tới là quấn hom cây với một lớp băng parafilm thứ hai. Tôi quấn từ dưới đi lên và quấn chồng lên nhau để các lớp băng dính chặt vào nhau. Quấn chồng lên nhau như thế này giúp cho hom cây được tươi không bị héo và cũng để tránh nước mưa. Tại những vùng có nhiều mưa bạn phải giữ cho hom không bị ướt thì nó mới sống. Tôi quấn toàn thể hom cây luôn cả đầu bị cắt và chỉ chừa ra những chồi non. Có nhiều người quấn cả chồi nhưng khi tôi thử nghiệm như thế thì tôi thấy rằng chồi non của nhiều giống cam quýt phải rán sức lắm mới chọc thủng được lớp băng.

Quấn thêm một lớp băng parafilm thứ hai lên mối ghép.

Giữ mối ghép khỏi ánh sáng mặt trời

Lúc mà tôi thực hiện mối ghép này thì thời tiết rất lý tưởng, nhiệt độ khoảng trên 21C đến 29C giúp các mối ghép lành nhanh chóng. Để mối ghép khỏi bị ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào và trở nên nóng lên, tôi dùng giấy nhôm mỏng nhẹ nhàng bao nó lại .

Bao mối ghép bằng giấy nhôm mỏng để bảo vệ khỏi ánh sáng mặt trời.

Gỡ bỏ giấy nhôm sau ba tuần

Cam quýt thường lành lại sau ba tuần cho nên sau ba tuần tôi gỡ bỏ giấy nhôm ra. Hom cây nhìn vẫn còn tươi xanh tức là một điềm tốt vì thường thì nếu mối ghép thất bại, sau ba tuần các hom cây sẽ đổi thành màu nâu.

Gỡ bỏ giấy nhôm ra sau ba tuần.

Mối ghép nêm phát triển

Sau khi gỡ giấy nhôm ra thì bước kế tiếp là bạn phải kiên nhẫn chờ cho chồi ghép phát triển. Có đôi khi chồi ghép phát triển chỉ trong vài tuần nhưng tôi đã thấy cũng có đôi khi nhiều chồi lại phát triển sau vài tháng.   Do vậy, kiên nhẫn là chính. Hình ảnh bên dưới cho thấy chồi ghép phát triển sau bốn tháng.

Chồi ghép phát triển sau bốn tháng trên cây bưởi đa giống.

Mối ghép nêm lành trở lại

Hình ảnh bên dưới cho thấy mối ghép phát triển sau nhiều tháng. Cọng dây thun và băng quấn đã mục và không còn cần thiết nữa nên tôi gỡ bỏ. Mối ghép đã lành tốt đẹp phía trước cũng như phía sau.

Hình trên, bên trái: Mối ghép với cọng thun và băng quấn đã mục. Hình trên, giữa: Mối ghép được gỡ sạch không còn cọng thun và băng quấn. Hình trên, bên phải: Mối ghép nhìn phía sau. Hình bên dưới: Mối ghép nhìn ngang.

Một cây bưởi với bốn giống khác nhau

Hình bên dưới cho thấy cây bưởi được ghép với nhánh bưởi Sarawak bắt đầu từ phía dưới ngay giữa hình lên tới phía trên bên trái của hình. Bạn cũng có thể thấy được hai giống bưởi khác được ghép vào cây.

Một cây bưởi đa giống với bốn giống khác nhau. Cành bưởi Sarawak bắt đầu từ phía dưới, ngay giữa hình lên tới phía trên bên trái hình. Một giống bưởi thứ hai được ghép bằng kỹ thuật ghép mắt nhỏ có gỗ, hình phóng đại. Một giống bưởi thứ ba được ghép bằng kỹ thuật ghép nêm nằm ngay phía dưới góc bên phải hình.

Cứu giúp cây bằng cách chia sẻ

Những vùng nào mà bệnh vàng lá gân xanh đã lan truyền, tuổi thọ của cây có múi rất ngắn ngủi. Trên thế giới nếu có vùng nào chưa nhiễm bệnh này có khả năng bị nhiễm rất cao. Bệnh này vô thuốc chữa nhưng sự hiểu biết và giáo dục có thể làm chậm lại sự lan truyền của căn bệnh. Xin bạn hãy giúp một tay bằng cách chia sẻ bài viết này và sự quan trọng của ghép cành bằng chồi không bệnh. Xin cám ơn bạn!

Nguồn lực cho cư dân California

Xim xem CaliforniaCitrusThreat.org/vietnamese để biết thêm tin tức làm cách nào ngăn chận những bệnh tử vong cho nhóm cây có múi.

Luật pháp của tiểu bang California về vấn đề nhân giống cây có múi

Tại California, thu thập bất kỳ vật liệu nào để nhân giống cây có múi kể cả chồi cây và hạt giống từ các nguồn không đăng ký là bất hợp pháp. Bất kỳ cây có múi nào được trồng hoặc ghép ở California bắt buộc phải từ một trong hai nguồn cây hợp pháp dưới đây:

Qũy tài trợ

Bài viết này được tài trợ bởi Hội đồng nghiên cứu nhóm cây có múi thuộc tiểu bang California.

Video liên quan

Chủ đề