Việc tự học tập, tự dưỡng, rèn luyện để nâng cao trình độ năng lực công tác

Xã hội càng phát triển, giáo dục đào tạo cũng phát triển theo, đòi hỏi ngày càng cao hơn phẩm chất năng lực của đội ngũ giáo viên. Tự học, tự bồi dưỡng là phương thức tốt nhất giúp người giáo viên tiến bộ, trưởng thành, có đủ phẩm chất và năng lực chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành nhiệm vụ giáo dục đào tạo được giao.

Đối với đội ngũ giáo viên trong trường Tiểu học thì công tác tự học, tự bồi dưỡng lại gặp những khó khăn, phức tạp riêng vì dạy 2 buổi trên ngày cho nên việc bố trí, sắp xếp quỹ thời gian cho giáo viên tự học, tự bồi dưỡng không nhiều. Bản thân đội ngũ giáo viên dạy văn hóa phải dạy nhiều môn học nên khả năng hiểu biết chuyên sâu về kiến thức còn hạn chế. Vậy con đường nào giúp giáo viên tự học, tự bồi dưỡng có hiệu quả? Đây là vấn đề trăn trở của người quản lý nhà trường Tiểu học chúng tôi hiện nay.

Trong bài viết này dưới góc độ của người Hiệu trưởng, để quá trình tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên đạt chất lượng, hiệu quả, Ban giám hiệu chúng tôi thường xuyên trao đổi, động viên, quán triệt  tư tưởng cũng như định hướng, chỉ ra các biện pháp để giáo viên thực hiện:

1. Bản thân mỗi giáo viên trước hết phải nhận thức được vị trí, vai trò, trách nhiệm về tự học, tự bồi dưỡng. Chỉ khi nhận thức đúng thì bản thân mới chuyển hóa được nhu cầu, đòi hỏi của xã hội thành động cơ mục đích của cá nhân, từ đó mới chủ động, tích cực, tự giác phấn đấu tự học, tự bồi dưỡng.

2. Ngay từ đầu năm học, giáo viên cần xây dựng cho mình kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng khoa học.Trong kế hoạch này cần xác định rõ mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp, thời gian tự học, tự bồi dưỡng. Khi xây dựng kế hoạch giáo viên phải thể hiện rõ những nét phẩm chất, nhân cách, đạo đức nghề nghiệp cần hoàn thiện. Những kiến thức, kĩ năng sư phạm, phương pháp dạy học, …cần bổ sung. Để xây dựng một kế hoạch khoa học, giáo viên cần dựa trên kế hoạch của trường. Ngoài ra cần tham khảo thêm Thông tư 32/2011/TT/BGDĐT ban hành ngày 08/8/2011 về Bồi dưỡng thường xuyên giáo viên Tiểu học.

Từ đó giáo viên lựa chọn, thống kê các phần công việc cần làm, những yêu cầu cụ thể cần đạt được, mốc thời gian và mức độ hoàn thành phù hợp với điều kiện và năng lực bản thân. Sau khi lập được kế hoạch, mỗi người phải có quyết tâm, có ý thức trách nhiệm, có tinh thần chủ động, kiên trì vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành mục tiêu đặt ra.

3. Cần sắp xếp thời gian tự học, tự bồi dưỡng cho phù hợp với đặc trưng công việc của mình. Thời gian tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên rất hạn chế do vậy mỗi giáo viên cần sắp xếp thời gian tự học qua sinh hoạt chuyên môn ở tổ, nhóm, qua dự giờ thăm lớp, qua tham dự các buổi chuyên đề, tập huấn, hội thảo do trường, Phòng giáo dục tổ chức…vào hè hoặc trong năm học. Ngoài ra giáo viên cần tham gia tự học, tự bồi dưỡng vào ngày nghỉ, giờ nghỉ.

4. Cần xác định được nội dung tự học, tự bồi dưỡng phù hợp. Tự học, tự bồi dưỡng ở đây không chỉ bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ mà còn bồi dưỡng về đạo đức, tác phong, kĩ năng sư phạm. Trong quá trình bồi dưỡng về đạo đức, tác phong, kĩ năng sư phạm người giáo viên cần học tập ở mọi nơi, mọi lúc trong cuộc sống cũng như trong công việc.

Học tập, bồi dưỡng thông qua các mối quan hệ với đồng nghiệp, với phụ huynh, với học sinh, với xã hội. Từ đó hoàn thiện nhân cách người giáo viên. Khi bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cần biết lựa chọn tài liệu, nghiên cứu thu thập thông tin một cách có chọn lọc phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Có thể tìm tài liệu bồi dưỡng qua sách báo, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng internet, qua sinh hoạt chuyên môn… Giáo viên cần bổ sung kịp thời những kiến thức về tin học, ngoại ngữ, đổi mới về phương pháp, trang bị cho mình những kiến thức về văn hóa, xã hội, những hiểu biết pháp luật.

5. Để quá trình tự học, tự bồi dưỡng có hiệu quả phải biết lựa chọn các hình thức bồi dưỡng phù hợp với khả năng, sở trường của mình. Hình thức tự học, tự bồi dưỡng thông qua hoạt động cá nhân giảng dạy, nghiên cứu tài liệu, nghiên cứu các công văn, chỉ thị, thông tư…Hình thức tự học, tự bồi dưỡng qua hoạt động tập thể như tham gia các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, qua các hoạt động chính trị, xã hội, qua đào tạo nâng chuẩn.

6. Trong quá trình tự học, tự bồi dưỡng bản thân phải biết tự kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng của mình. Hoạt động này giúp mình nhìn nhận lại những việc đã làm và chưa làm được trong quá trình tự học, tự bồi dưỡng, từ đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch nhằm đạt mục tiêu bồi dưỡng.

Tự học, tự bồi dưỡng được hình thành trong quá trình luyện tập kiên trì có hệ thống, trên cơ sở ý thức trách nhiệm, tính tự giác cao. Hình thành thái độ động cơ phấn đấu đúng đắn để hoàn thiện phẩm chất nhân cách, nâng cao năng lực, phương pháp, tác phong công tác và uy tín nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

                Người viết: Nguyễn Thị Phương


Học tập nâng cao trình độ là nhiệm vụ của Cán bộ, Đảng viên

Từ xưa đến nay, học tập được xem là nhu cầu tồn tại và phát triển của xã hội.  Một xã hội vận động và phát triển là “một xã hội học tập”. Học là quá trình thu nhận kiến thức để nhận thức và hiểu biết về thế giới xung quanh ta. Học là nhu cầu, là quyền lợi của mỗi cá nhân; học cũng có thể được xem là phương tiện, là hành trang chắp cánh cho con người thực hiện và làm chủ mơ ước của mình; học không giới hạn ở tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị …  khi nói đến “học” thì phải nói là không cùng. V.I.Lênin đã nói: “Học, học nữa, học mãi”. Như vậy, vấn đề bây giờ chỉ còn là học cái gì và học như thế nào?Chúng ta đang bước sang thế kỷ XXI. Đây là thời cơ nhưng đồng thời cũng là thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Theo dự báo của các nhà khoa học, thế kỷ XXI sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh trí tuệ toàn cầu. Người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh ấy sẽ là người làm chủ được tri thức, làm chủ được khoa học công nghệ. Đứng trước thời cơ và thách thức trong giai đoạn cách mạng hiện nay, trong Văn kiện đại hội VIII  Đảng ta đã xác định việc củng cố xây dựng đảng ngang tầm đòi hỏi của thời đại là nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất và năng lực cán bộ, đảng viên; Cụ thể như sau: “Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, phải có kế hoạch thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn. Học tập là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi cán bộ, đảng viên và phải được qui định thành chế độ. Lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin mới, những hiểu biết mới, cũng là biểu hiện của sự thoái hóa”. Vậy chuyện học đối với từng cán bộ, đảng viên không chỉ là nhu cầu và quyền lợi mà còn là nhiệm vụ bắt buộc. Học để trang bị cho mình điều kiện cần và đủ để thích ứng và chuyển nhanh từ con người truyền thống thành con người hiện đại, thể hiện 5 đức tính cơ bản của con người Việt Nam được xác định trong nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII). Đó là:- Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý thực vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.- Có ý thực tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung- Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước cộng đồng; có ý thức và cải thiện môi trường sinh thái.- Lao động chăm chỉ và lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội.- Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.Việc thường xuyên học tập và bồi dưỡng để nâng cao trình độ lý luận chính trị là vấn đề hết sức cần thiết, nhằm nâng cao trình độ trí tuệ trong Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nắm vững và vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cụ thể; quán triệt quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng. Đây là tiền đề cơ bản cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững vàng về chính trị, thông về tư tưởng, có phẩm chất, đạo đức tốt, góp phần nâng cao năng lực của Đảng đủ sức “đề kháng” với âm mưu diễn biến hóa bình của các thế lực thù địch chống phá cách mạng; nâng cao hơn nữa lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới của Đảng.Bên cạnh việc nâng cao trình độ lý luận chính trị. Cán bộ, đảng viên còn phải luôn phấn đấu học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, nhất là trong các ngành khoa học kỹ thuật, khoa học quản lý và thực hành. Thường xuyên tiếp cận và cập nhật kiến thức và thông tin mới về lãnh đạo kinh tế, lãnh đạo nhà nước, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Để nhận thức một cách nghiêm túc, việc học tập đối với mỗi cán bộ, đảng viên không còn đơn thuần là học để “biết”, mà mục đích của học tập là học để “làm việc”; và coi việc học tập nâng cao trình độ là một quá trình xuyên suốt. Học bằng mọi cách, bằng mọi hình thức; trong đó việc tự học, tự nghiên cứu là cơ bản. Thực tế đã cho thấy, hiện nay đại đa số cán bộ, đảng viên đều nhận thức được việc học tập là quyền lợi và nhiệm vụ chính trị của mình; hiểu theo cách khác học là tồn tại, lười học tập là đồng nghĩa với tụt hậu, thoái hóa. Nhưng lại có một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên còn thờ ơ, an phận, tự mãn không quan tâm đến học tập nâng cao trình độ, thiếu cập nhật, thiếu hiểu biết. Từ đó dẫn đến lệch lạc về tư tưởng, tâm trạng bi quan, dao động, mất lòng tin, mất phương hướng, làm chậm tiến trình đổi mới tư duy trong mọi lĩnh vực hoạt động của đảng và nhà nước.

Kiến thức vững chắc bao giờ cũng là cơ sở của sự thành công. Để có kiến thức thì yêu cầu trước nhất đối với mọi cán bộ, đảng viên là phải ra sức học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn. Góp phần xây dựng và củng cố đội ngũ cán bộ, đảng viên vững về chính trị, chuyên về nghiệp vụ, đủ sức thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.