Xây dựng môi trường tinh thần cho trẻ mầm non

Xây dựng môi trường tinh thần cho trẻ mầm non

Giờ ăn của các cháu học sinh Trường Mầm non Đông Quang.

Bảo đảm an toàn cho trẻ trong trường mầm non (MN) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà bất cứ trường MN nào cũng phải thực hiện. Đây không chỉ là bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho trẻ mà còn là trách nhiệm, thể hiện mức độ uy tín của nhà trường đối với học sinh, các bậc cha mẹ cũng như cộng đồng xã hội.

Xác định được điều này, trong những năm qua, ngành giáo dục huyện Đông Sơn đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng môi trường giáo dục an toàn và lành mạnh cho trẻ.

“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đó là khẩu hiệu và cũng là mục tiêu mà Trường MN Đông Quang hướng tới để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Cô giáo Lê Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Ngay từ đầu mỗi năm học, nhà trường đã quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích đến toàn thể cán bộ, giáo viên và nhân viên. Kiểm tra, rà soát, sửa chữa kịp thời cơ sở vật chất bị hư hỏng, loại bỏ các yếu tố gây mất an toàn cho trẻ. Trong các hoạt động giáo dục, ban giám hiệu luôn nhắc nhở đội ngũ giáo viên phải ân cần, gần gũi, yêu thương trẻ, chăm sóc trẻ tận tình chu đáo, thân thiện để trẻ tự tin, yêu trường, yêu lớp; tuyệt đối không dùng bất kỳ một hình thức phạt nào ảnh hưởng đến thể chất và tâm lý trẻ. Bên cạnh đó, nhà trường luôn quán triệt đến toàn thể cán bộ, giáo viên trong mọi hoàn cảnh phải bảo đảm an toàn cho trẻ, nói không với bạo lực học đường. Nhờ đó, nhiều năm học qua, 100% trẻ học tập tại trường được bảo đảm an toàn tuyệt đối cả về thể chất và tinh thần.

Đối với Trường MN Đông Thịnh, để xây dựng môi trường giáo dục an toàn cho trẻ nhà trường đã tham mưu cho chính quyền địa phương, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến phụ huynh học sinh, các tổ chức, cá nhân huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất xây dựng môi trường giáo dục theo mô hình “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm”. Hiện, cơ sở vật chất phòng lớp học, phòng chức năng của nhà trường đã được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, khuôn viên trường học xanh - sạch - đẹp, có các khu vui chơi vận động, vườn cổ tích, phòng y tế, nhà vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn; môi trường trong lớp học được sắp xếp gần gũi, quen thuộc, thiết kế an toàn, trang trí đẹp mắt... Cô giáo Mai Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, cảnh quan khuôn viên xanh, sạch, đẹp, nhà trường đặc biệt chú trọng đến công tác bán trú. Đây cũng là hoạt động nhận được sự quan tâm của các bậc phụ huynh.

Theo Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Đông Sơn Lê Thị Huệ, 100% trường MN trên địa bàn huyện đã và đang thực hiện nghiêm túc việc xây dựng môi trường an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong nhà trường. Qua kiểm tra đánh giá, 15/15 trường được cấp chứng nhận trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích. Những năm qua, các trường đều được đầu tư mua sắm, tu sửa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học bảo đảm an toàn, phù hợp từ môi trường bên trong, bên ngoài lớp học như, trong lớp học được sắp xếp, bố trí không gian hợp lý với các “góc học tập”, “góc sáng tạo”, “góc thư viện” để trẻ trải nghiệm, khám phá, vui chơi và phát triển. Môi trường bên ngoài được đầu tư thiết kế thân thiện để trẻ “học mà chơi, chơi mà học”, với tiêu chí bảo đảm tính an toàn, thẩm mỹ, sáng tạo, góp phần giáo dục, hình thành nhân cách toàn diện cho trẻ. Bên cạnh đó, các bếp ăn bán trú được bố trí theo nguyên tắc một chiều, bảo đảm chế độ kiểm tra thực phẩm 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định. Ngoài ra, hằng năm, ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế chỉ đạo, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh và kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn trong các nhà trường. Để xây dựng môi trường giáo dục thực sự an toàn, nội dung chăm sóc nuôi dưỡng, kỹ năng xử lý các tình huống sơ cấp cứu, phòng tránh tai nạn thương tích... cũng được ngành đưa vào chương trình bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên. Kết quả này đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trong các nhà trường. Hằng năm, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 99,9%; trẻ nhà trẻ đạt trên 32%. Qua theo dõi, số trẻ đạt cân nặng bình thường đạt trên 95,5%, số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chỉ chiếm 3-4,5%.

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” - thông điệp này nhắc nhở công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em cần được thực hiện mọi lúc, mọi nơi để tất cả trẻ em đều có một tuổi thơ tươi vui, một tương lai tốt đẹp nhất. Đặc biệt là việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, không có tai nạn thương tích trong các nhà trường. Đến thời điểm này, kết quả xây dựng môi trường giáo dục an toàn trong các trường MN trên địa bàn huyện Đông Sơn đang là giải pháp hữu hiệu xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, giúp trẻ háo hức khi đến trường, chủ động tích cực tham gia vào các bài học theo chương trình giáo dục MN mới. Việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, cùng với sự chăm sóc và giáo dục tận tình của các thầy, cô giáo đang là tiền đề để trẻ phát triển toàn diện, đủ hành trang sẵn sàng bước vào bậc học tiếp theo.

PS

Xác định việc đảm bảo môi trường an toàn, thân thiện là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, những năm qua các cấp quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục mầm non trong tỉnh đã luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện việc đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất cũng như tinh thần cho các em.

Xây dựng môi trường tinh thần cho trẻ mầm non
Học sinh Trường Mầm non Nam Thái (Nam Trực) trong giờ hoạt động góc.

Để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện cho trẻ, Trường Mầm non Nam Toàn (Nam Trực) đã tham mưu với chính quyền địa phương huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất xây dựng môi trường giáo dục xanh - sạch - đẹp - an toàn và thân thiện. Hiện, cơ sở vật chất của nhà trường đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp với hệ thống phòng học, phòng chức năng, phòng y tế, nhà vệ sinh, nhà bếp đảm bảo tiêu chuẩn, môi trường trong và ngoài lớp học được sắp xếp gần gũi, quen thuộc, thiết kế an toàn, trang trí đẹp mắt. Nhà trường mua sắm đồng bộ trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ hoạt động giáo dục và chăm sóc trẻ. Để trẻ “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, ngay từ đầu mỗi năm học, ban giám hiệu nhà trường đã quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích đến toàn thể cán bộ, giáo viên và nhân viên. Đồng thời, nhắc nhở đội ngũ giáo viên phải ân cần, gần gũi, yêu thương trẻ, chăm sóc trẻ tận tình chu đáo, thân thiện để trẻ tự tin, yêu trường, yêu lớp; tuyệt đối nói không với bạo lực học đường, không dùng bất kỳ một hình thức phạt nào ảnh hưởng đến thể chất và tâm lý trẻ. Nhờ đó, nhiều năm học qua, 100% trẻ học tập tại trường được bảo đảm an toàn tuyệt đối cả về thể chất và tinh thần.

Để xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo (GĐ và ĐT) đều chỉ đạo các phòng GD và ĐT thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Các nhà trường đã thường xuyên kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, kịp thời phát hiện, chỉ đạo khắc phục những yếu tố gây nguy cơ mất an toàn cho trẻ khi tham gia các hoạt động tại trường, lớp. Ở các nhà trường, việc tăng cường quản lý chất lượng bữa ăn bán trú, xây dựng chế độ ăn cân đối, đa dạng, hợp lý, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo quy định được thực hiện tốt. Bên cạnh đó, các nhà trường luôn chú ý xây dựng thực đơn và tính khẩu phần ăn cho trẻ theo quy định, đảm bảo cơ cấu dinh dưỡng phù hợp với nhóm tuổi và điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Ngành GD và ĐT định kỳ phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về đảm bảo an toàn cho trẻ. Công tác thanh tra, kiểm tra được phòng GD và ĐT các huyện, thành phố phối hợp với các ban, ngành tiến hành thường xuyên nhằm nhắc nhở, đôn đốc và hướng dẫn các trường, cơ sở giáo dục mầm non thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ. Đến nay, hầu hết các nhà trường, cơ sở giáo duc mầm non đã chú trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện. Trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi được đầu tư đồng bộ, phù hợp độ tuổi, thường xuyên được kiểm tra, bảo dưỡng đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia các hoạt động tại trường, lớp mầm non. Không gian lớp học được sắp xếp, bố trí hợp lý với các “góc học tập”, “góc sáng tạo”, “góc thư viện” để trẻ trải nghiệm, khám phá, vui chơi và phát triển. Môi trường bên ngoài được đầu tư thiết kế thân thiện, bảo đảm an toàn, thẩm mỹ, sáng tạo để trẻ “học mà chơi, chơi mà học”, góp phần giáo dục, hình thành nhân cách toàn diện. Bếp ăn bán trú được bố trí theo nguyên tắc một chiều, bảo đảm chế độ kiểm tra thực phẩm 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định. Vì vậy, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh chưa để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm trong các trường mầm non. Ngoài ra, các nhà trường cũng đã làm tốt công tác phối hợp với ngành y tế trong chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh trong trường học. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn khuôn viên, trường lớp, đồ dùng, đồ chơi; thực hiện nghiêm những khuyến cáo trong phòng, chống dịch của ngành chức năng và chính quyền địa phương. Ngoài mua sắm đầy đủ khẩu trang y tế, máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn..., các trường học chủ động lắp đặt các bồn rửa tay và xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, bảo đảm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các nhà trường đã chú trọng đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, phát huy tính tích cực của trẻ, không gây áp lực đối với trẻ. Công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ về công tác đảm bảo an toàn được các cấp quản lý giáo dục thường xuyên quan tâm. Nội dung chăm sóc nuôi dưỡng, kỹ năng xử lý các tình huống sơ cấp cứu, phòng tránh tai nạn thương tích, phòng chống dịch COVID-19 và một số bệnh thường gặp đối với trẻ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... được đưa vào chương trình bồi dưỡng thường xuyên, tập huấn chuyên đề của ngành GD và ĐT các cấp. Đặc biệt, ngành đã thường xuyên chú ý bồi dưỡng về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, khơi dậy ý thức trách nhiệm, tình thương yêu đối với trẻ của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non, xây dựng nền nếp, kỷ cương, thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, xâm phạm đến thân thể, sức khoẻ và tinh thần của trẻ. Đồng thời phối hợp tốt giữa nhà trường với Ban đại diện cha mẹ học sinh và gia đình trong việc theo dõi, chăm sóc giáo dục trẻ, nhất là những trẻ có nhu cầu đặc biệt, tăng cường các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bắt cóc trẻ em, các hành vi bạo lực, xâm hại đối với trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn cho trẻ mầm non đã góp phần để tỉ lệ trẻ đến trường hàng năm ở các độ tuổi đều tăng, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,78%, tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non 99,7%, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt 99,9%. Trẻ đến trường, lớp mầm non được đảm bảo an toàn tuyệt đối, được chăm sóc và giáo dục để các em phát triển toàn diện./.

Bài và ảnh: Hồng Minh