Bài tập về tái bảo hiểm thặng dư năm 2024

– Tính tập thể của việc thành lập quỹ dự trữ, có nghĩa là mỗi thành viên tham gia bảo hiểm đều phải đóng góp một khoản tiền nhất định (phí bảo hiểm). Phí này được tính dựa trên quy luật thống kê (bao gồm thống kê tổn thất và mức độ trung bình của các tổn thất, thống kê các đơn vị rủi ro) và nguyên tắc cân đối (có nghĩa là tổng số phí thu phải bằng tổng số tiền chi trả bồi thường).

– Tính riêng rẽ của việc phân phối quỹ dự trữ, có nghĩa là chỉ phân phối quỹ cho những thành viên khi có rủi ro bất ngờ gây thiệt hại thuộc phạm vi bảo hiểm xảy ra. Những rủi ro bất ngờ này về tổng thể phải dự đoán được và hay xảy ra. Trên đây cũng là những yếu tố cơ bản cần phải chú ý khi tiến hành việc lập, quản lý và phân phối quỹ tiền tệ thông qua hình thức bảo hiểm. Do có đặc thù trên nên bảo hiểm có sự đóng góp nhất định vào việc đảm bảo tính liên tục, sự ổn định và hiệu quả của quá trình sản xuất, lưu thông và tiêu dùng xã hội. Dựa theo các rủi ro được bảo hiểm, các ngành kinh tế khác nhau và các quá trình tiến hành bảo hiểm được chia thành nhiều loại và được tổ chức thành một hệ thống độc lập của nền kinh tế quốc dân (ở nhiều nước nó còn được gọi là ngành kinh tế bảo hiểm). Một trong những loại hình đó là tái bảo hiểm.

Đối với các nước có nền kinh tế tập trung như Việt Nam, tái bảo hiểm là một lĩnh vực đặc biệt của hệ thống bảo hiểm nhà nước và đồng thời cũng là một bộ phận của ngành kinh tế đối ngoại mà chủ yếu là các quan hệ tài chính đối ngoại. Về khái niệm, tái bảo hiểm là một hình thức bảo hiểm lại những rủi ro đã được bảo hiểm khác nhau (công ty tái bảo hiểm). Nói cách khác, tái bảo hiểm là bảo hiểm cho người bảo hiểm. Cũng như đối với các loại hình bảo hiểm khác, việc tiến hành nghiệp vụ tái bảo hiểm đòi hỏi phải có các điều kiện sau:

– Số lượng rủi ro phải đủ lớn để quy luật số đông phát huy được tác dụng và qua đó yếu tố ngẫu nhiên được loại trừ;

– Mức độ tổn thất có thể xảy ra từ các rủi ro được bảo hiểm không được phép chênh lệch quá lớn, cũng như không được phép có nhiều tổn thất quá lớn xảy ra trong số hợp đồng bảo hiểm (tình trạng này dẫn đến sự không đồng nhất trong hợp đồng bảo hiểm);

– Khả năng thường xuyên xảy ra tổn thất (Nếu không có điều kiện này thì không phát sinh nhu cầu bảo hiểm);

Nhiệm vụ chủ yếu của tái bảo hiểm là phân chia các rủi ro đã được bảo hiểm của các công ty bảo hiểm gốc cho một tập thể những công ty tái bảo hiểm và thông qua đó sẽ tận dụng được một cách tối ưu các quy luật thống kê. Với nhiệm vụ trên, tái bảo hiểm ổn định kinh doanh cho các công ty bảo hiểm gốc và tạo điều kiện cho các công ty này có thể nhận bảo hiểm cho những rủi ro vượt quá khả năng tài chính của mình.

Ví dụ : Một công ty bảo hiểm A chỉ có khả năng thanh toán tiền bồi thường tối đa là 1 triệu US$, muốn bảo hiểm cho một chiếc tàu chở một khối lượng hàng hóa lớn trị giá 10 triệu US$. Nếu giả sử không có tái bảo hiểm thì công ty bảo hiểm A không thể ký hợp đồng bảo hiểm với chủ tàu đó được, vì khi không may có tổn thất toàn bộ xảy ra công ty bảo hiểm A sẽ bị phá sản. Nhưng do có hình thức tái bảo hiểm nên công ty bảo hiểm A vẫn ký được hợp đồng bảo hiểm với chủ tàu bảo hiểm cho con tàu trị giá 10 triệu US$. Sau khi ký hợp đồng, công ty bảo hiểm A dùng phương pháp tái bảo hiểm phân tán bớt mức trách nhiệm mà mình phải gánh chịu. Trong trường hợp này, công ty bảo hiểm A chỉ giữ lại 10%, còn 90% của 10 triệu US$ công ty bảo hiểm A chuyển cho các công ty tái bảo hiểm khác, ví dụ như 50% cho công ty tái bảo hiểm B và 40% cho công ty tái bảo hiểm C.

Thông qua ví dụ trên chúng ta thấy được vai trò và nhiệm vụ của tái bảo hiểm. Ơ đây cần phải phân biệt sự khác nhau của tái bảo hiểm và đồng bảo hiểm. Mặc dù có điểm giống nhau giữa tái bảo hiểm và đồng bảo hiểm là cùng có nhiều công ty bảo hiểm tham gia cho cùng một đơn vị rủi ro, nhưng giữa chúng có nhiều điểm khác nhau. Đó là:

  1. Ký hợp đồng:

– Trong tái bảo hiểm : công ty bảo hiểm gốc đứng ra ký hợp đồng bảo hiểm với người tham gia và sau đó phân chia trách nhiệm cho các công ty tái bảo hiểm theo sự thỏa thuận giữa họ và các công ty tái bảo hiểm.

– Trong đồng bảo hiểm:

Việc ký hợp đồng do nhiều công ty bảo hiểm tiến hành, mỗi một công ty tham gia đồng bảo hiểm đều phải ký tên vào giấy chứng nhận bảo hiểm.

  1. Trả tiền bồi thường :

– Trong tái bảo hiểm : khi tổn thất xảy ra, trước hết công ty bảo hiểm gốc đứng ra bồi thường cho người được bảo hiểm, sau đó mới đòi lại công ty tái bảo hiểm. Ở đây người được bảo hiểm không có quan hệ trực tiếp với công ty tái bảo hiểm.

– Trong đồng bảo hiểm: khi tổn thất xảy ra các công ty tham gia đồng bảo hiểm có trách nhiệm trả tiền bồi thường trực tiếp cho người bảo hiểm theo tỷ lệ mà mình tham gia.

Tùy theo góc độ quan sát của công ty bảo hiểm gốc hay công ty tái bảo hiểm mà người ta phân chia tái bảo hiểm ra thành 2 phần riêng biệt. Đó là chuyển tái bảo hiểm và nhận tái bảo hiểm:

– Chuyển tái bảo hiểm (tái bảo hiểm đi) : có nghĩa là một công ty bảo hiểm gốc phân tán rủi ro cho các công ty tái bảo hiểm. Trong trường hợp này, công ty bảo hiểm gốc phải chuyển phí cho các công ty tái bảo hiểm và nhận được từ họ yếu tố đảm bảo và ổn định kinh doanh của mình.

– Nhận tái bảo hiểm (tái bảo hiểm nhận) : là một công ty tái bảo hiểm nhận một phần rủi ro đã được bảo hiểm từ một công ty bảo hiểm gốc khác. Trong trường hợp này, công ty tái bảo hiểm được hưởng số phí từ công ty bảo hiểm gốc nhằm mục đích kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm. Theo ví dụ đã nêu ở phần trên thì quá trình phân tán rủi ro của công ty bảo hiểm A cho các công ty tái bảo hiểm B và C được gọi là tái bảo hiểm đi (nếu đứng ở góc độ của công ty bảo hiểm A) nhưng được gọi là tái bảo hiểm nhận (nếu đứng ở góc độ của các công ty tái bảo hiểm B và C) Ngoài ra tái bảo hiểm còn bao gồm cả hình thức tái bảo hiểm tiếp (chuyển nhượng tái bảo hiểm) có nghĩa là một công ty tái bảo hiểm phân chia tiếp phần trách nhiệm mà mình đã nhận từ một công ty bảo hiểm gốc cho các công ty tái bảo hiểm khác.

2. Chức năng của tái bảo hiểm:

Đối với các thể loại khác nhau của tái bảo hiểm chức năng của chúng cũng khác nhau. Chức năng của tái bảo hiểm đi chủ yếu nhằm đảm bảo sự kinh doanh cho công ty bảo hiểm gốc. Sự đảm bảo này phụ thuộc vào các dạng hợp đồng tái bảo hiểm và được thể hiện ở các mức độ khác nhau :

– Có thể giảm một cách tuyệt đối sự chênh lệch của kết quả kinh doanh trong lúc tỷ lệ phí và chi bồi thường vẫn giữ nguyên.

– Có thể loại trừ được những tổn thất lớn

– Cũng có thể loại trừ được những tổn thất lớn và đồng thời cân bằng được chênh lệch do có nhiều tổn thất xảy ra.

Tái bảo hiểm đi là một nghiệp vụ tốn kém, vì trong phí tái bảo hiểm có cả phần chi quản lý và lợi nhuận cho công ty tái bảo hiểm. Nên một điều cần phải chú ý là làm sao sử dụng được một cách tối ưu tái bảo hiểm để vừa ổn định được kinh doanh vừa tiết kiệm được tài chính (ở các nước đồng tiền không chuyển đổi được thì điều này càng quan trọng vì đó là ngoại tệ), có nghĩa là chỉ phân tán bớt rủi ro khi thật sự cần thiết.

Ngược lại, tái bảo hiểm nhận có chức năng hoàn toàn khác với tái bảo hiểm đi. Ở đây công ty bảo hiểm xuất khẩu dịch vụ bảo hiểm nhằm ổn định kinh doanh cho các công ty bảo hiểm khác. Vì vậy chức năng của tái bảo hiểm nhận giống với chức năng của bảo hiểm đối ngoại là kinh doanh dịch vụ bảo hiểm nhằm tăng thu ngoại tệ.

Tổng kết lại ta có thể rút ra kết luận : đối với nhà nước thì tái bảo hiểm có 3 chức năng chủ yếu : – Đảm bảo tính ổn định và sự chắc chắn cho quá trình KD và SX của các đơn vị kinh tế.

– Đảm bảo tính ổn định của ngân sách ngoại tệ nhà nước

– Tăng thu nhập quốc dân

Thông qua nhiệm vụ và chức năng trên ta thấy bảo hiểm có một ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế của một đất nước. Đảm bảo kinh doanh cho công ty bảo hiểm có nghĩa là đảm bảo được sự kinh doanh và sản xuất của các đơn vị kinh tế, từ đó tạo điều kiện tốt cho họ phát triển kinh doanh. Đảm bảo tính ổn định của ngân sách ngoại tệ nhà nước có nghĩa là đảm bảo được kế hoạch chi tiêu ngoại tệ nhằm phát triển sản xuất một cách đồng bộ. Tăng thêm thu nhập quốc dân tức là mở rộng được kinh doanh và sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân.

II. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA TÁI BẢO HIỂM

Như chúng ta đều biết, ngành bảo hiểm không phải là một khái niệm trùng lặp mà nó mang tính chất giai cấp sâu sắc, vì một mặt bản chất và nhiệm vụ của nó được xác định qua những trật tư xã hội khác nhau và quy luật kinh tế cơ bản của xã hội đó, đồng thời mặt khác hoạt động của nó có tác dụng trở lại đối với sự phát triển của quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất của xã hội đó. Vì vậy, sự phát triển của ngành bảo hiểm nói chung và tái bảo hiểm nói riêng đều gắn chặt với sự phát triển của xã hội và của nền sản xuất hàng hóa.

1. Giai đoạn đầu phát triển của tái bảo hiểm

Vào giai đoạn cuối cùng của thời đại trung cổ, khi ngành bảo hiểm bắt đầu phát triển và mở rộng ở châu Âu thì nhu cầu tái bảo hiểm đã xuất hiện và ngày càng tăng nhanh cùng với sự phát triển của nền kinh tế TBCN. Trước tiên, nghiệp vụ tái bảo hiểm được tiến hành cho loại hình bảo hiểm vận chuyển hàng hải, sau này dần dần được mở rộng sang bảo hiểm cháy, BHNT.

Nước Ý là nước đầu tiên chứng kiến sự ra đời của dịch vụ tái bảo hiểm. Bản giao ước cổ nhất được biết đến với tính chất pháp lý như một hợp đồng tái bảo hiểm đã được ký kết tại thành phố Genés vào năm 1370 giữa một bên là hai thương nhân hoạt động với tư cách là nhà tái bảo hiểm với một bên là đại diện cho một nhà bảo hiểm. Hợp đồng tái bảo hiểm này được ký kết nhằm đảm bảo dịch vụ bảo hiểm cho các hàng hóa gửi đi bằng đường biển từ Genés đến Bruges. Sau này với sự phát triển rộng rãi về những mối quan hệ kinh tế thương mại giữa các thành phố của nước Ý và giữa các nước Bắc Âu, đặc biệt là nước Anh dịch vụ tái bảo hiểm đã phát triển lên một bước. Nhưng sau đó đã xuất hiện nhiều vụ lạm dụng có tính cách con buôn gây ra nhiều phản ứng chống lại bản chất tái bảo hiểm. Trong những vụ này các nhà bảo hiểm đã lợi dụng hình thức tái bảo hiểm để phân tán rủi ro nhưng theo tỷ lệ phí thấp hơn nhiều so với phí bảo hiểm gốc để kiếm lời. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự ra đời đạo luật cấm các hoạt động tái bảo hiểm hàng hải ở nước Anh trong một thời gian dài từ 1746 đến 1864. Đạo luật này đã vô hình chung tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Lloyd’s phát huy ảnh hưởng của mình bằng cách đồng bảo hiểm và sau 1864 đã nghiễm nhiên trở thành thị trường tái bảo hiểm quan trọng nhất thế giới. Trong thời gian này các hình thức tái bảo hiểm khác cũng đã xuất hiện, ví dụ như tái bảo hiểm cháy … Lúc đầu nghiệp vụ tái bảo hiểm được các công ty bảo hiểm tiến hành, điều đó có ý nghĩa là họ vừa tiến hành bảo hiểm gốc vừa đồng thời tiến hành cả tái bảo hiểm. Hình thức tái bảo hiểm duy nhất được sử dụng đó là hình thức tái bảo hiểm tùy ý lựa chọn cho từng rủi ro riêng lẻ.

2. Giai đoạn từ giữa thế kỷ thứ 19 đến giữa thế kỷ 20:

Giữa thế kỷ thứ 19 nền kinh tế của các nước tư bản chủ nghĩa đã có những bước tiến nhảy vọt do áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Quan hệ thương mại giữa các nước được mở rộng và phát triển mạnh. Do đó hình thức hợp đồng tái bảo hiểm trao đổi qua lại giữa các nhà bảo hiểm như trên không còn đáp ứng được nhu cầu. Điều kiện này dẫn đến sự tất yếu khách quan cho việc thành lập các công ty tái bảo hiểm chuyên nghiệp. Năm 1846 tại Kohn (Đức) công ty tái bảo hiểm chuyên nghiệp đầu tiên đã ra đời lấy tên là công ty Tái bảo hiểm Kohn. Tiếp theo đó là một số công ty tái bảo hiểm có tên tuổi trên thị trường thế giới hiện nay cũng đã được thành lập như công ty tái bảo hiểm Thụy Sĩ (Swiss Re) năm 1863, công ty tái bảo hiểm London (London Guarantee Reinsurance co.Ltd) năm 1869, công ty tái bảo hiểm Munich năm 1880.

Việc thành lập các công ty tái bảo hiểm chuyên nghiệp là một sự kiện có tính chất quan trọng trong việc phát triển của ngành bảo hiểm. Qua đó các công ty bảo hiểm gốc đã có sẵn trong tay nguồn đảm bảo đắc lực cho hoạt động kinh doanh của họ và nhờ đó các công ty bảo hiểm gốc không còn phải e ngại hoặc lo sợ khi phải cung cấp thông tin và số liệu cho việc chào các hợp đồng tái bảo hiểm. Từ đó khả năng cạnh tranh của các công ty bảo hiểm gốc được tăng lên. Như vậy sự chuyên môn hóa dịch vụ tái bảo hiểm đã có thể đáp ứng được những yêu cầu của công ty bảo hiểm gốc một cách thỏa đáng. Khả năng phục vụ của các công ty tái bảo hiểm cũng được cải tiến thêm bằng việc mở rộng tái bảo hiểm ra các loại hình bảo hiểm khác và lan rộng ra các thị trường bảo hiểm nước ngoài thúc đẩy ngành bảo hiểm ngày càng phát triển. Trong thời kỳ này kỹ thuật của tái bảo hiểm cũng được cải tiến. Nhiều hình thức và phương pháp tái bảo hiểm đã được xây dựng.

Trong giai đoạn này, hai cuộc chiến tranh thế giới cùng với các cuộc khủng hoảng kinh tế và lạm phát tiền tệ đã làm tổn hại lớn đến sự phát triển của ngành bảo hiểm nói chung và ngành tái bảo hiểm nói riêng. Bị tổn hại nhiều nhất phải kể đến các công ty tái bảo hiểm Đức. Trong hai cuộc chiến tranh thế giới này, các giới tư bản độc quyền đã lấy vốn và quỹ tiền tệ bảo hiểm (trong đó có dự trữ phí của bảo hiểm nhân thọ) của các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm để chi phí cho chiến tranh. Trong khi đó các công ty tái bảo hiểm của những nước không bị chiến tranh đe dọa đã vươn lên, nắm lấy thị trường tái bảo hiểm quốc tế, ví dụ như công ty tái bảo hiểm Thụy Sĩ đã phát triển lên thành một công ty tái bảo hiểm đồ sộ. Ngoài ra, trong thời gian này có rất nhiều công ty tái bảo hiểm đã ra đời nhất là ở Mỹ, Thụy Sĩ.

3. Giai đoạn sau chiến tranh thế giới lần thứ hai:

Thế chiến II đã kết thúc năm 1945 với sự thắng lợi của Hồng quân Liên Xô và phe đồng minh đánh bại chủ nghĩa phát xít đến tận gốc rễ. Nó đã mở ra một giai đoạn mới của lịch sử loài người cũng như nền kinh tế và ngành bảo hiểm. Hệ thống XHCN ra đời, phong trào giải phóng dân tộc của nhiều nước thuộc địa đã giành được thắng lợi. Chủ nghĩa đế quốc lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế mới, cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nước đầu sỏ ngày càng gay gắt, tất cả các sự kiện trên đều ảnh hưởng đến sự phát triển của tái bảo hiểm. Giai đoạn này được đặc trưng qua các biến động lớn sau :

– Sự phục hồi nhanh chóng của các công ty tái bảo hiểm của CHLB Đức: Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, các công ty tái bảo hiểm Đức đã bị cắt đứt quan hệ với quốc tế và năm 1947 lại bị cấm không cho hoạt động ở nước ngoài. Nhưng ngay sau khi lệnh cấm này được bãi bỏ năm 1950 thì các công ty tái bảo hiểm ở CHLB Đức đã nhanh chóng khôi phục lại địa vị truyền thống của mình và thiết lập các quan hệ quốc tế rộng rãi. Nhiều công ty tái bảo hiểm mới được thành lập. Hoạt động bảo hiểm và tái bảo hiểm được phát triển với tốc độ nhanh. Đến những năm 70 tổng doanh thu phí của thị trường CHLB Đức đã chiếm vị trí thứ ba trên thế giới, sau Nhật và Mỹ.

– Sự thành lập các công ty bảo hiểm nhà nước ở các nước XHCN : sự kiện này ảnh hưởng lớn đến chiều hướng phát triển của tái bảo hiểm quốc tế. Các nước XHCN đã tiến hành biện pháp độc quyền về tái bảo hiểm và hạn chế quan hệ với thị trường tái bảo hiểm tư bản chủ nghĩa. Đồng thời ở các nước XHCN không tiến hành tái bảo hiểm cho các loại hình bảo hiểm đối nội. – Trong những nước chậm phát triển hoặc mới giành được độc lập những tổ chức độc quyền tái bảo hiểm, cục bộ hay toàn phần đã được thành lập nhằm bảo vệ lợi ích riêng của họ (Achentina, Braxin, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập). Sự kiện này có tác dộng làm thu hẹp khả năng hoạt động của các công ty tái bảo hiểm quốc tế ở những nước đó.

– Nhiều công ty tái bảo hiểm mới được thành lập và càng ngày có nhiều công ty bảo hiểm tiến hành đồng thời dịch vụ tái bảo hiểm. Do đó cuộc cạnh tranh giữa họ ngày càng gay gắt và dưới nhiều hình thức khác nhau.

– Trong thời gian này, hình thức tái bảo hiểm không theo tỷ lệ là hình thức tối ưu nhất đáp ứng được nhu cầu đảm bảo của các công ty bảo hiểm gốc và ngày càng được phổ biến rộng rãi. Điều này làm cho các nhà tái bảo hiểm, có khó khăn hơn trong việc tính phí phù hợp với phần rủi ro mà họ phải gánh chịu. Thêm vào đó là khả năng xảy ra tổn thất ngày càng tăng. Vì vậy, đặc điểm của giai đoạn này là chiều hướng ngày càng giảm của kết quả kinh doanh nghiệp vụ tái bảo hiểm thuần túy, nhưng đồng thời chiều hướng ngày càng tăng của kết quả kinh doanh đầu tư quỹ tiền tệ bảo hiểm thông qua lãi suất cao.

CHƯƠNG II

HÌNH THỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP TÁI BẢO HIỂM

PHẦN A

CÁC HÌNH THỨC TÁI BẢO HIỂM

  1. KHÁI QUÁT CHUNG

Sự ra đời và quá trình lịch sử phát triển của tái bảo hiểm cho thấy vào thời gian ban đầu không có sự phân biệt rõ ràng nào về các hình thức tái bảo hiểm, bởi vì trong nhiều thế kỷ chỉ có một hình thức tái bảo hiểm duy nhất được biết và được ứng dụng rộng rãi trên thị trường bảo hiểm thế giới. Đó là “tái bảo hiểm lựa chọn cho từng rủi ro riêng biệt”. Đầu thế kỷ 19, để đáp ứng nhu cầu của ngành bảo hiểm đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, ngành tái bảo hiểm bắt đầu phát triển nhanh chóng và lúc đó, các hình thức tái bảo hiểm mới được tạo lập.

Dĩ nhiên trong hoạt động hàng ngày, hình thức tái bảo hiểm tùy ý lựa chọn (tái bảo hiểm nhiệm ý) vẫn tồn tại, mặc dù hình thức này sau một thời gian tạm bị lu mờ, nay lại xuất hiện thậm chí còn trở nên quan trọng hơn trước đây rất nhiều. Bên cạnh hình thức này, thị trường bảo hiểm và tái bảo hiểm thế giới còn hình thành những hình thức tái bảo hiểm bắt buộc (tái bảo hiểm tự động) và các hình thức này được phân thành hai phương thức chủ yếu là:

1.Tái bảo hiểm theo số tiền bảo hiểm (tái bảo hiểm tỷ lệ) bao gồm:

– Dạng tái bảo hiểm phân ngạch (số thành) : Quota Share

– Dạng tái bảo hiểm mức thặng dư (mức dôi) : Surplus

2. Tái bảo hiểm theo mức bồi thường bảo hiểm tái bảo hiểm không tỷ lệ) bao gồm: – Dạng tái bảo hiểm thặng dư tổn thất (tái bảo hiểm vượt mức bồi thường) : Excess of Loss;

– Dạng tái bảo hiểm vượt mức thặng dư tổn thất ấn định năm (tái bảo hiểm vượt mức tỷ lệ bồi thường).

Thực ra ở đây chỉ cần giới hạn sự phân biệt giữa tái bảo hiểm theo tỷ lệ và tái bảo hiểm không theo tỷ lệ là đủ. Bởi vì trong lý thuyết cũng như thực hành, các hình thức tái bảo hiểm tùy ý lựa chọn và tái bảo hiểm bắt buộc, cũng như sau này có thêm hình thức tái bảo hiểm kết hợp giữa hai hình thức này gọi là tái bảo hiểm nhiệm ý – bắt buộc (tái bảo hiểm mở ngỏ) FACOBLI cũng đều có thể thực hiện dưới một trong hai phương thức nói trên.

II. VAI TRÒ KINH TẾ CỦA CÁC HÌNH THỨC TÁI BẢO HIỂM

1. Tái bảo hiểm tùy ý lựa chọn (Facultative Reins.)

Đây là hình thức tái bảo hiểm cơ bản và cổ điển nhất. Danh từ “Tùy ý lựa chọn” (Facultative) có liên quan đến ý niệm là trong loại tái bảo hiểm này, công ty nhượng (ceding company) có toàn quyền lựa chọn rủi ro cần phải tái bảo hiểm và ngược lại, nhà tái bảo hiểm (Reinsurer) có quyền nhận hay từ chối rủi ro đó. Mỗi dịch vụ bảo hiểm đem nhượng theo cơ sở tùy ý lựa chọn là một hợp đồng tái bảo hiểm tách biệt bao gồm toàn bộ hay một phần rủi ro mà công ty nhượng muốn nhượng cho thị trường tái bảo hiểm.

Vào thời điểm khi kết thúc một thỏa thuận thương mại nào đó thì các bên tham gia vào thỏa thuận đó thường quan tâm đến việc quy định thật chính xác các chi tiết cần thiết của thỏa thuận lần tới, các mục đích, nghĩa vụ của các bên đối với nhau và đặt ra các điều kiện cần thiết để ràng buộc những nghĩa vụ và quyền lợi ấy và như vậy, chỉ có hình thức tái bảo hiểm tùy ý lựa chọn là phù hợp nhất, vì nó có thể cho phép nhà tái bảo hiểm có được một ý niệm đúng về những rủi ro mà mình phải gánh chịu trước khi tham gia hợp đồng.

1.1 Thủ tục để tiến hành thực hiện một hợp đồng tái bảo hiểm tùy ý lựa chọn như sau:

– Trước hết công ty nhượng thông báo cho tái bảo hiểm một dịch vụ nào đó mà họ cần phải tái bảo hiểm dưới hình thức một phiếu đề nghị (slip), trong đó có ghi các đặc điểm chính của rủi ro được tái bảo hiểm như : tên và địa chỉ của người được bảo hiểm, tính chất của rủi ro được bảo hiểm, ngày bắt đầu và chấm dứt của thời gian bảo hiểm, số tiền được bảo hiểm, phí bảo hiểm, phần giữ lại của công ty nhượng, tỷ lệ thủ tục phí tái bảo hiểm…

– Sau khi nhận được phiếu đề nghị này, nhà tái bảo hiểm có toàn quyền tự do để lựa chọn toàn bộ hay một phần tỷ lệ nào đó hay bằng một số tiền cố định trên cơ sở rủi ro được đề nghị. Nhà tái bảo hiểm xác nhận phần tham gia của mình thông thường bằng cách ghi trực tiếp vào bản thứ hai, của phiếu đề nghị và gửi trả lại cho công ty nhượng. Tuy nhiên để đảm bảo tính thời gian, việc xác nhận có thể thực hiện bằng điện tín hay qua điện thoại, nhưng sau đó vẫn phải xác nhận bằng văn bản để đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng. Dĩ nhiên, nhà tái bảo hiểm có quyền khước từ tham gia vào hợp đồng nếu họ không muốn. Theo tập quán thì việc nhà tái bảo hiểm im lặng không trả lời không thể được xem như là một sự chấp nhận.

– Trước khi chính thức có ý kiến nhận hay khước từ, nhà tái bảo hiểm có thể yêu cầu biết thêm những chi tiết khác để đánh giá rủi ro mà mình sẽ nhận. Ví dụ có thể xin bản sao hợp đồng bảo hiểm gốc, hoặc những chi tiết về việc định giá phí bảo hiểm… Cuối cùng, chỉ khi nào nhận được thông báo chấp nhận của nhà tái bảo hiểm thì dịch vụ theo hình thức tùy ý lựa chọn mới coi như hoàn thành , trừ khi có sự thỏa thuận nào khác giữa hai bên. Dịch vụ tái bảo hiểm này cũng sẽ tự động chấm dứt hiệu lực nếu như đến ngày mãn hạn của hợp đồng bảo hiểm gốc mà không có sự tái lập hợp đồng; tuy nhiên dù hợp đồng bảo hiểm gốc có tái lập, thì cũng không có nghĩa là nhà tái bảo hiểm buộc phải tiếp tục nhận hợp đồng tái bảo hiểm cho đến thời hạn kế tiếp, mà họ có quyền tự do lựa chọn tiếp tục nhận hay từ chối không tham gia tiếp nữa, trừ khi có sự giao kết nào khác. Hơn nữa, hợp đồng tái bảo hiểm theo hình thức này không có sự ràng buộc là nhà tái bảo hiểm phải chấp nhận những thay đổi, sửa đổi về nội dung, điều kiện hay giá phí mà đã thỏa thuận ban đầu giữa họ và công ty nhượng. Mọi thay đổi như vậy đều phải được thông báo trước và phải có sự thỏa thuận của nhà tái bảo hiểm.

– Với những điều kiện trên, hình thức tái bảo hiểm tùy ý lựa chọn có nhiều mặt giống như nghiệp vụ bảo hiểm trực tiếp, đòi hỏi công ty nhượng phải cung cấp các thông tin nhanh, đầy đủ và chính xác, đồng thời các nhà tái bảo hiểm phải có nhiều kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn cao và có khả năng xét đoán rủi ro chuẩn xác, kịp thời.

1.2. Ưu nhược điểm của hình thức tái bảo hiểm tùy ý lựa chọn:

  1. Ưu điểm:

– Giúp công ty nhượng, nhất là các công ty bảo hiểm của các quốc gia đang phát triển và non trẻ, có kinh nghiệm ít có thể hoàn thành việc nhận bảo hiểm cho những đơn vị rủi ro ở địa phương mà có giá trị bảo hiểm lớn, vượt quá khả năng tài chính thông thường của mình bằng việc sử dụng chuyên môn và khả năng của thị trường tái bảo hiểm quốc tế.

– Giúp công ty nhượng có điều kiện lựa chọn để duy trì kim ngạch bảo hiểm của mình được cân đối, tức là giúp cho công ty nhượng có thể loại bỏ được những rủi ro đặc biệt lớn hoặc nguy hiểm mà một khi tổn thất thuộc đơn vị rủi ro này xảy ra có thể làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của mình trong năm kế hoạch ở một nghiệp vụ bảo hiểm riêng biệt nào đó. Đối với các nước đang phát triển, hình thức tái bảo hiểm này càng tỏ ra thích hợp khi mà ở đó có các công trình lớn cần được bảo hiểm như: đê đập, tổ hợp công nghiệp, công trình liên doanh… mà có giá trị lớn hơn rất nhiều so với các loại rủi ro khác ở nước đó. Đặc biệt đối với lĩnh vực bảo hiểm cho các rủi ro công nghiệp, số tiền bảo hiểm được gia tăng không ngừng, sự tập trung giá trị tài sản được bảo hiểm ngày càng tăng và kéo dài, thời gian đảm bảo ngày càng thịnh hành bằng việc ghép các loại bảo hiểm với nhau như bảo hiểm hỏa hoạn, bảo hiểm thiệt hại về lợi nhuận, khai thác… do đó buộc phải áp dụng hình thức tái bảo hiểm tùy ý lựa chọn. – Giúp cho công ty nhượng có quyền chủ động trong việc chấp nhận bảo hiểm phục vụ nhu cầu của người được bảo hiểm về những loại rủi ro mà có thể không được chấp nhận trong các hợp đồng tái bảo hiểm bắt buộc truyền thống của mình như rủi ro về động đất, ngập lụt, đình công, bạo loạn, chiến tranh…

– Tạo điều kiện cho công ty nhượng có thể nhờ vào hình thức tái bảo hiểm tùy ý lựa chọn trước khi tận dụng khả năng các hợp đồng tái bảo hiểm bắt buộc của họ, tức là có điều kiện để cải thiện sự thăng bằng của các hình thức tái bảo hiểm bắt buộc, cải thiện vận may rủi trong việc đạt được những lợi ích tối đa theo các điều kiện quy định trong các hợp đồng tái bảo hiểm đó của họ. Ví dụ điều kiện về chia lãi, thủ tục phí tái bảo hiểm tính theo thang lũy tiến, thủ tục phí tái bảo hiểm theo lãi…

  1. Nhược điểm:

– Công ty nhượng phải thông báo đầy đủ chi tiết của nghiệp vụ bảo hiểm gốc nghĩa là khi áp dụng hình thức này nhiều lần thì nhà tái bảo hiểm thường xuyên cần phải tiếp xúc và biết được ý đồ bên trong của các hợp đồng bảo hiểm gốc và kim ngạch bảo hiểm của công ty nhượng dẫn đến có thể bị tiết lộ những thông tin có lợi cho sự cạnh tranh trong thị trường bảo hiểm gốc.

– Không đảm bảo thời gian tính trong việc phân tán rủi ro tái bảo hiểm, tức là công ty nhượng không có sự đảm bảo chắc chắn của thị trường tái bảo hiểm khi họ nhận bảo hiểm một rủi ro nào đó, công ty nhượng sẽ mất cơ hội tranh thủ bảo hiểm nếu như ở thị trường đó có công ty bảo hiểm khác có khả năng phục vụ tốt hơn, hoặc không có khả năng để nhận bảo hiểm cho rủi ro có giá trị lớn, hay ít nhất cũng làm cho công ty nhượng mất uy tín vì sự chậm trễ trả lời người được bảo hiểm.

– Chi phí hành chính, thủ tục giấy tờ tốn kém làm giảm thu nhập kinh doanh, ít lãi. – Thường xuyên phải đàm phán tái lập hợp đồng tái bảo hiểm trước khi ký kết bảo hiểm gốc với khách hàng mà trong nhiều trường hợp đáng lẽ không cần thiết phải thay đổi hay hủy bỏ hợp đồng đã ký đó.

– Trong trường hợp khi khả năng tiếp nhận rủi ro của thị trường tái bảo hiểm quốc tế đã gần đạt tới mức tối đa (dày đặc), hoặc khi phí bảo hiểm gốc quá thấp so với phí trung bình của thị trường thì hình thức tái bảo hiểm tùy ý lựa chọn chỉ có thể thực hiện được với một mức phí cao hơn so với mức phí gốc hoặc buộc phải giảm bớt mức thủ tục phí tái bảo hiểm. Trong trường hợp này, mức sai biệt đó sẽ do công ty nhượng tự gánh chịu, hoặc nếu không muốn vậy, công ty nhượng buộc phải giảm bớt phần trách nhiệm mà mình cam kết trong bảo hiểm gốc.

2. Tái bảo hiểm bắt buộc (Obligatory):

Hình thức tái bảo hiểm bắt buộc là sự thỏa thuận giữa công ty nhượng và nhà tái bảo hiểm mà trong đó công ty nhượng tự bắt buộc phải nhượng cho nhà tái bảo hiểm tất cả các đơn vị rủi ro bảo hiểm gốc mà hai bên đã quy định trước trong hợp đồng cho tới một hạn mức trách nhiệm ngang với số tiền hạn mức tối đa đã được thỏa thuận từ trước. Ngược lại, nhà tái bảo hiểm cũng tự bắt buộc phải chấp nhận toàn bộ các đơn vị rủi ro đó. Với hình thức này, công ty nhượng có toàn quyền tự do chấp nhận và định giá phí bảo hiểm cho những đơn vị rủi ro mà người được bảo hiểm yêu cầu bảo hiểm và không cần phải tham khảo ý kiến trước của nhà tái bảo hiểm.

Mặt khác, công ty nhượng cũng đơn phương thanh toán các vụ tổn thất có liên quan đến những rủi ro được bảo hiểm đó với mục đích bảo vệ quyền lợi chung giữa công ty nhượng và nhà tái bảo hiểm; tức là: trong mọi quyết định của mình, công ty nhượng đều phải quan tâm đến quyền lợi của nhà tái bảo hiểm lẫn quyền lợi của chính mình. Trong hình thức tái bảo hiểm bắt buộc, nhà tái bảo hiểm sẽ hoàn toàn chia sẻ những vận may rủi với công ty nhượng và sẽ chấp nhận thanh toán cho tổn thất thuộc phạm vi hợp đồng tái bảo hiểm đã thỏa thuận mà công ty nhượng thay mặt cho họ giải quyết. Tuy nhiên, nhà tái bảo hiểm sẽ không bị ràng buộc bởi những hành động hoặc sơ xuất của công ty nhượng mà đi ngược lại với quyền lợi của họ. Như vậy, hình thức tái bảo hiểm bắt buộc là thỏa ước ràng buộc các bên với nhau một cách chặt chẽ hơn là những dịch vụ bảo hiểm nhượng theo hình thức tái bảo hiểm tùy ý lựa chọn.

Với hình thức này, nhà tái bảo hiểm có điều kiện thu được số phí lớn nhất, phù hợp với nguyên tắc “Quy luật số đông” (law of large numbers) giúp cho nhà tái bảo hiểm thực hiện được tốt vai trò kinh tế quốc dân của họ về đẩy mạnh những tiến bộ kỹ thuật của ngành bảo hiểm bằng việc chấp nhận những rủi ro mới và các dạng bảo hiểm mới.

3. Tái bảo hiểm lựa chọn – bắt buộc (Fac – Obli.)

Tái bảo hiểm lựa chọn bắt buộc (bảo hiểm để ngỏ – open cover) là một hình thức tái bảo hiểm mà công ty nhượng thường cố gắng thu xếp mỗi khi những rủi ro cần tái bảo hiểm trong một ngành kinh tế lên tới một mức độ nào đó.

Trong hình thức tái bảo hiểm này, công ty nhượng không bắt buộc phải nhượng tất cả những dịch vụ mà mình nhận bảo hiểm, nhưng ngược lại nhà tái bảo hiểm buộc phải chấp nhận các dịch vụ mà công ty nhượng đưa vào thỏa thuận này với điều kiện là những dịch vụ đó phải phù hợp với nội dung và điều khoản đã quy ước của hợp đồng tái bảo hiểm thỏa thuận. Như vậy, so với hình thức tái bảo hiểm tùy ý lựa chọn, nhà tái bảo hiểm bất lợi hơn vì không có quyền được từ chối không nhận những rủi ro mà một khi họ không muốn.

Để bù đắp thiệt thòi nói trên, trong hình thức tái bảo hiểm này, nhà tái bảo hiểm có điều kiện thu nhập nguồn phí tái bảo hiểm lớn hơn và có phần thăng bằng hơn so với hình thức tái bảo hiểm tùy ý lựa chọn. Tuy nhiên, trong hình thức này, tỷ lệ thủ tục phí bảo hiểm thường cao hơn so với hình thức tái bảo hiểm tùy ý lựa chọn. Trong hình thức tái bảo hiểm lựa chọn bắt buộc vẫn có điều kiện đặt ra là nội dung của hình thức tái bảo hiểm này không có nghĩa chỉ có những rủi ro có khả năng dễ xảy ra tổn thất nhất thì đưa vào hợp đồng. Công ty nhượng không được lợi dụng hình thức tái bảo hiểm này để lựa chọn rủi ro nhằm mục đích đẩy phần bất lợi cho nhà tái bảo hiểm. Để phòng ngừa trường hợp khả năng này có thể xảy ra, nhà tái bảo hiểm phải nắm vững ý đồ của công ty nhượng, xem xét kỹ các rủi ro mà công ty nhượng đem tái bảo hiểm và thường xuyên phải canh chừng diễn biến của thỏa ước mà mình đã ký kết.

Sử dụng hình thức tái bảo hiểm này, công ty nhượng có điều kiện để đem chào tái bảo hiểm từng phần trách nhiệm thặng dư của khả năng tự giữ lại của mình cho một nhà tái bảo hiểm duy nhất hay cho một số ít các nhà tái bảo hiểm mà họ lựa chọn, thay cho việc phải đem phân chia tất cả các phần thặng dư của khả năng tự giữ lại của mình cho các nhà tái bảo hiểm nếu như đem tái bảo hiểm theo hình thức bắt buộc. Tuy nhiên, cách tái bảo hiểm như thế thường chỉ có thể thực hiện được bằng cách chào cho các nhà tái bảo hiểm có tiềm lực lớn vì họ là những nhà tái bảo hiểm có khả năng nhận các rủi ro có giá trị bảo hiểm cao và như vậy sẽ không đòi hỏi phải phân tán cho quá nhiều nhà tái bảo hiểm, đỡ tốn kém chi phí.

Trường hợp công ty nhượng có nhiều đơn vị rủi ro cần phải đem tái bảo hiểm thì chi phí hành chính cho việc áp dụng hình thức tái bảo hiểm này sẽ rất tốn kém vì những rủi ro cần tái bảo hiểm đó thường đòi hỏi các điều kiện tái bảo hiểm khác nhau, công tác tính toán phí và sổ sách kế toán sẽ phức tạp và khó khăn hơn.

PHẦN B

PHƯƠNG PHÁP TÁI BẢO HIỂM

Mọi thỏa ước tái bảo hiểm theo tỷ lệ thông thường được gọi là hiệp ước (Treaty) và thỏa ước tái bảo hiểm không theo tỷ lệ thường được gọi là Hợp đồng vượt mức tổn thất (Excess of Loss contract). Các thỏa ước tái bảo hiểm này bao gồm nhiều dạng khác nhau.