Bài thơ chiến khu xanh của huỳnh văn nghệ năm 2024

TTCT - Hơn 200 năm trước, học giả nhà thơ Ngô Thì Nhậm đã nhận xét nước ta là một nước thơ. Người VN từ ngàn xưa tới hôm nay luôn gửi vào thơ những tình cảm sâu kín, những khát vọng đẹp đẽ, quan niệm và lý tưởng sống cao thượng của mình.

Hoàn cảnh bình thường đã vậy, những lúc vận nước như ngàn cân treo sợi tóc, càng nhiều người tìm đến với thơ, muốn những vần thơ nhiều khi mộc mạc chân chất của chính mình sẽ giúp bản thân mình và rộng ra, giúp đồng đội, đồng bào xác định chỗ đứng, trách nhiệm công dân, động lực tình cảm cần có và mục tiêu tiến tới. Trong thế kỷ 20 đầy biến động vừa qua, dân tộc ta đã có rất nhiều thi sĩ “không chuyên” dễ thương và đáng trọng như thế. Huỳnh Văn Nghệ chính là một trong những người đặc sắc nói trên.

Sáng 3-3, nhân ngày giỗ lần thứ 30 của “Thi tướng rừng xanh” Huỳnh Văn Nghệ, hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Đài truyền hình TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Huỳnh Văn Nghệ - cuộc đời và sự nghiệp” tại nhà lưu niệm mang tên ông ở xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, Bình Dương. Nguyên tư lệnh Quân khu 7, thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp, nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ vừa được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật (tháng 12-2006).

Nghĩ đến ông, tôi nhớ ngay đến bài thơ Nhớ Bắc viết trong những ngày đầu 1946, khi ông cùng nhân dân Nam bộ nắm chắc cây tầm vông vạt nhọn hiên ngang cản bước tiến của quân xâm lược Pháp.

Ai đi về Bắc ta đi với Thăm lại non sông giống Lạc Hồng (*) Từ độ mang gươm đi mở cõiTrời Nam thương nhớ đất Thăng Long Ai đi về Bắc xin thăm hỏiHồn cũ anh hùng đất Cổ LoaHoàn Kiếm hồ xưa linh qui hỡiBao giờ mang trả kiếm dân ta.

Nhớ Bắc có những câu hay xuất thần nhưng không phải là tác phẩm đầu tay của Huỳnh Văn Nghệ. Trước đó 11 năm (1935), khi mới giác ngộ cách mạng ông đã đến với thơ ca. Từ đó cho đến lúc qua đời, trong suốt 43 năm, dù bị hút vào hai cuộc kháng chiến với tư cách một người cầm súng, có lúc lãnh nhận trọng trách chỉ huy, nhưng ít khi ông lạnh nhạt với Nàng Thơ.

Căn cứ vào những gì chắc chắn chưa đầy đủ đã được công bố, ta thấy có hai thời đoạn ông viết sung sức nhất: những năm đầu tham gia cách mạng (1935-1940) và giai đoạn chín năm chống Pháp ở chiến khu D với cương vị chỉ huy trưởng Giải phóng quân Biên Hòa, khu trưởng Khu 7 rồi tư lệnh Quân khu 7. Ông vừa đánh giặc vừa làm thơ, văn võ song toàn, được người dân Biên Hòa và bộ đội chiến khu D tôn vinh với một tên gọi trân trọng mà dễ thương: “Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ” dù ông chưa được phong đến cấp tướng.

Đọc những bài thơ đầu tay như Bà bán cau (1935), Mộ bia (1936), Trăng lên (1937), Đám ma nghèo (1938), Trốn học (1939)... có thể có hai liên tưởng thú vị: cây bút trẻ này chắc đã rất say thơ mới, tâm đắc với nhiều tác phẩm của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Vũ Đình Liên. Vì vậy ông tỏ ra khá nhuyễn với loại thơ năm chữ, tám chữ cũng như với hệ thống ngôn ngữ, hình ảnh gợi cảm nhưng khá cầu kỳ, khuôn sáo.

Chẳng hạn trong bài Tết quê người (lúc đó nhà thơ bị Pháp truy lùng, phải cùng đồng đội tạm lánh sang Thái Lan và hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước), ông dùng những từ “khách chinh phu”, “chinh phụ”, “tha hương lữ thứ”... Về cảm xúc, thi tứ, tự nhiên tôi nghĩ đến Tố Hữu với những thi phẩm đầu tay như Hai đứa trẻ, Mồ côi... Huỳnh Văn Nghệ cũng vậy, ông mở lòng ra, cảm thông chia sẻ với những số phận nghèo khổ, bất hạnh. Nhưng cũng như Tố Hữu đã ý thức sâu sắc thân phận mất nước, phải chịu cảnh cá chậu chim lồng qua các bài Hãy đứng dậy, Hồn chiến sĩ...; Huỳnh Văn Nghệ đã day dứt bộc lộ:

Ta trỗi lên khúc “hận ngàn thu”Nghe đàn ta hai mươi lăm triệu đồng bào Bỗng nhớ rằng mình cùng chung mối hậnNhư bầy chim cùng chung số phận Trong một lồng rất cứng, cánh còn non...

(Trăng lên, 1937)

Tôi có ấn tượng hết sức đậm với mảng thơ ông viết trong những năm chống Pháp. Bài Nhớ Bắc nói trên mở đầu cho chùm thơ này. Trong những năm ấy, trên chiến trường “miền Đông gian lao mà anh dũng”, nguồn thi hứng của ông dạt dào, đề tài thơ rộng mở. Có thể nói cảm hứng anh hùng đã quán xuyến toàn bộ các bài viết của Huỳnh Văn Nghệ, dù trong văn xuôi như các truyện ký Trận mãng xà, Sấu đỏ mũi, Tiếng hát trên sông Đồng Nai, Chùa Ông Mõ, Mất đồn Mỹ Lộc... hay hơn 20 bài thơ, sáng tác rải rác trong chín năm, trong đó một số bài được viết với bút pháp già dặn, chắc tay.

Huỳnh Văn Nghệ đặc biệt xúc động khi viết về những người đồng đội thân thương, chí cốt - những người mà nhà thơ chỉ cảm nhận đến tột cùng vẻ đẹp tâm hồn, khí phách hiên ngang khi họ lâm vào tình thế hiểm nghèo, đối mặt với quân thù hoặc với cái chết. Làm sao quên được hình ảnh lẫm liệt của chú bé giao liên khi sa vào tay giặc:

Lắc đầu em cố nói “không”Giặc hăm cắt cổ, thả sông, em cười

(Em bé liên lạc, 1953)

Tiếng hát giữa rừng (1946) là một bài thơ đem lại những xúc động thẩm mỹ khá sâu. Huỳnh Văn Nghệ trên đường công tác chợt giật mình khi nghe tiếng Quốc ca vang lên từ một quân y viện dã chiến. Nhà thơ băn khoăn:

Phải chăng giờ chào cờ buổi sáng Hay hội nghị cơ quan?Sao chỉ một người cất giọngHát đi rồi hát lại nhiều lần

Hỏi ra mới biết do hoàn cảnh thiếu thốn ngặt nghèo, bác sĩ quân y phải nuốt nước mắt cưa chân một thương binh bằng... cưa thợ mộc và chẳng có thuốc tê, thuốc mê gì phụ trợ. Vậy mà Cưa cứ cưa, xương cứ đứt/ Máu cứ rơi từng vết đỏ bông/ Hai bàn tay siết chặt đôi hông/ Dồn hết sức vào trong tiếng hát/ Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc.../Đã hát đi hát lại bao lần/ Vẫn chưa đứt xương chân/ Vẫn chưa ngừng máu đỏ.

Trong lĩnh vực thơ ca, dù không định “lập thân” nơi đây nhưng trong lâu đài thơ VN hiện đại, Huỳnh Văn Nghệ vẫn có một chỗ đứng vinh dự. Nghiệm ra có một điều mang tính nguyên tắc: Chỉ những nhà ái quốc chân chính, những nhà cách mạng chân chính mới có được những phẩm chất tốt đẹp như Huỳnh Văn Nghệ đã thể hiện trong những vần thơ chân thành, tâm huyết của mình. Ông được kính trọng vì hội đủ những phẩm chất ấy.

(*) Huỳnh Văn Nghệ nói là “thăm lại”, nhưng thật ra chàng trai vùng quê Tân Uyên nghèo tỉnh Bình Dương, cho đến lúc ấy đâu đã một lần ra Bắc, đến với cố đô Thăng Long! Có hề gì điều ấy, bởi vì cũng như hàng triệu người thuộc thế hệ cha ông phiêu bạt vào Nam, Huỳnh Văn Nghệ có bao giờ quên nguồn cội của dân tộc.