Bài thu hoạch về văn hóa ứng xử

Tin mới

  • English
  • Truyền hình
  • Đăng nhập

Tất cả chuyên mục

Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú - TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước

Bài thu hoạch về văn hóa ứng xử

Văn hóa 10:41, 06/10/2022 GMT+7

Bài học về văn hóa ứng xử

BPO - Trong kho tàng văn học dân gian cũng như trong đời sống người dân Việt Nam, tục ngữ có vị trí đặc biệt quan trọng. Tục ngữ được hình thành từ cuộc sống thực tiễn, là những câu nói ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu, hình ảnh, thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về tự nhiên, lao động, sản xuất, xã hội... Tục ngữ gắn liền với đời sống của mỗi con người bởi nó chính là lời ăn tiếng nói thường ngày nhưng đã được đúc kết thành triết lý dân gian. Và câu tục ngữ: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” là một minh chứng sinh động.

Với câu tục ngữ nêu trên, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản là mỗi khi nói năng, giao tiếp với nhau thì nên thận trọng trong sử dụng ngôn ngữ. Tức là mỗi lời nói trước khi thốt ra chúng ta phải suy nghĩ kỹ, tránh lỡ lời làm xúc phạm hay làm xấu mối quan hệ với mọi người xung quanh. Vì thế, các bậc cổ nhân khuyên “trước khi nói phải uốn lưỡi 7 lần”. Việc uốn lưỡi 7 lần là cách nói ẩn ý ngụ ngôn mà cổ nhân muốn nhắc người đương thời cũng như hậu thế phải hết sức cẩn trọng trong việc giữ gìn lời nói khi giao tiếp để vừa lòng nhau bởi “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”.

Với câu tục ngữ “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, người xưa đã đưa ra một chân lý hiển nhiên trong đời sống thường nhật mà không ai có thể phủ nhận, đó là: lời nói không cần dùng tiền để mua, không cần bất cứ vật gì để trao đổi. Người ta muốn thì nói gì cũng được, nói bao nhiêu cũng xong. Từ đó, cổ nhân đã đưa ra một triết lý sống sâu sắc và cũng là một lời khuyên giản dị, chân thành nhưng vô cùng thấm thía: hãy lựa chọn lời nói cho phù hợp để không khiến người nghe phải mất lòng. Vậy tại sao phải như thế? Bởi, lời nói là phương tiện chính để chúng ta giao tiếp với người khác, truyền tải suy nghĩ, nội tâm của người nói đến với người nghe.

Không chỉ có vậy, câu tục ngữ nêu trên còn mang ý nghĩa phê phán những người ăn nói vô duyên, khiếm nhã làm cho người khác khó xử, không vui khi trò chuyện. Đó là biểu hiện của sự thiếu hụt kỹ năng giao tiếp, vốn tri thức nghèo nàn và khả năng diễn đạt ngôn ngữ không rõ ràng, kém chuẩn xác. Không chỉ có ngày xưa mà thời nay, giao tiếp ngày càng trở nên quan trọng hơn. Vì lời nói trong giao tiếp không chỉ truyền đạt thông tin, ý chí mà còn truyền đạt cảm xúc, tình cảm của người nói đến người nghe. Trong nhiều trường hợp, giao tiếp đóng vai trò như “chìa khóa” mở cửa cho sự thành công. Do vậy, nếu chúng ta không thường xuyên trau dồi kiến thức và rèn luyện kỹ năng giao tiếp thì cơ hội thành công sẽ ít hơn.

Bài thu hoạch về văn hóa ứng xử

Hình ảnh từ camera của quán ăn ở Đà Nẵng ghi lại hành động người đàn ông ném tiền tung tóe - Ảnh: tuoitre.vn

Tuy ai cũng biết, cũng hiểu rõ ý nghĩa của câu tục ngữ này nhưng từ xưa tới nay không phải ai cũng thực hiện được điều khuyên răn của các bậc tiền nhân. Và trường hợp trong clip vừa xuất hiện trên mạng xã hội Facebook ghi lại hình ảnh một người đàn ông ném tiền tung tóe trong một quán bún tại Đà Nẵng là một ví dụ. Ngay sau đó, clip này đã khiến dư luận bất bình. Báo Tuổi trẻ online ngày 2-10-2022, đăng bài viết với tựa đề: “Người đàn ông ném tiền tung tóe trong quán ăn ở Đà Nẵng”. Trong đó có đoạn viết: Theo nội dung trên tài khoản H.Tr., quán bún của anh Tr. nằm trên đường Chương Dương, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng có thối cho khách 16 tuổi số tiền khoảng 25.000 đồng. Vì không có tiền chẵn nên nhân viên mới thối tiền lẻ. Sau đó, ông bố quay lại quán ném tiền tung tóe trước mặt anh Tr và nói: Tụi bây đưa rác cho con tao à? Chưa hết, ông bố của cậu bé còn nhấn mạnh: Nhà tao ở đây, xem chúng mày kinh doanh được bao lâu. Được biết, người đàn ông có hành động ném tiền và những lời lẽ thô bạo, hăm dọa kia là ông Đ.C.P, hiện đang giữ chức vụ Phó trưởng phòng tại Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng.

Để đảm bảo công tác xác minh, làm rõ các hành vi vi phạm và chuẩn mực đạo đức của ông Đ.C.P, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tạm đình chỉ công tác đối với ông Đ.C.P; đồng thời, khẩn trương tổ chức xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước, công khai kết quả giải quyết. Như vậy, việc bị tạm đình chỉ công tác là hệ lụy đầu tiên mà ông Đ.C.P phải gánh chịu vì hành vi của mình. Bởi lẽ, trong bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có quy định rõ về ứng xử nơi công cộng, như sau: Gương mẫu chấp hành và vận động người dân thực hiện các nội quy, quy tắc nơi công cộng; không vi phạm các chuẩn mực về thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc; thể hiện văn minh, lịch sự trong giao tiếp, ứng xử, trang phục.

Tuy nhiên, qua những hình ảnh từ clip cho thấy, ngoài hành vi ném tiền nhằm lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, ông Đ.C.P còn có hành động và lời nói hăm dọa người khác. Căn cứ theo điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, ông Đ.C.P có thể bị xử phạt từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. Trong trường hợp ông Đ.C.P bị cơ quan chức năng kết luận là có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Lời nói là công cụ giao tiếp, nhưng nội hàm của nó lại thể hiện rất rõ đạo đức, trình độ của mỗi con người. Nói cách khác, lời nói là một trong những tiêu chí đặc biệt để đánh giá năng lực nghiệp vụ, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, tình cảm xã hội của người nói. Vì thế, trong xã hội mà người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong thực hiện nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, thì hành vi ứng xử như nêu trên của ông Đ.C.P là không thể chấp nhận. Để không còn những “con sâu làm rầu nồi canh”, trước hết các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xử lý nghiêm những hành vi vi phạm để không ảnh hưởng đến văn hóa, đạo đức và gây bức xúc trong xã hội.