Bài toán thực tế tính số bác sĩ luật sư năm 2024

Một luật sư đã nói với chúng tôi như vậy. Nhiều vụ khiếu nại bác sĩ dù đã được hội đồng khoa học kỹ thuật của bệnh viện, Sở Y tế, thậm chí cả Bộ Y tế vào cuộc thanh tra, kết luận nhưng người bệnh vẫn không tin tưởng. Còn bệnh viện luôn mệt mỏi, bác sĩ chùn tay, bất an khi cầm dao mổ.

Cần “luật sư - bác sĩ”

Luật sư Trương Thị Hòa khẳng định chính vì chưa có một tổ chức chuyên môn độc lập đứng ra phán quyết nên khiếu kiện giữa gia đình bệnh nhân và bác sĩ, bệnh viện cứ xảy ra liên tục. Qua nhiều vụ kiện liên quan đến ngành y, bà thấy cũng có khi bệnh viện và bác sĩ bị oan ức.

“Nhiều bác sĩ điêu đứng, khổ sở lắm. Có bác sĩ ra tòa mặt hốc hác, người gầy sọp. Có người bị suy sụp tinh thần dữ dội, khóc nấc tại tòa” - luật sư kể lại.

Theo luật sư Hòa, bác sĩ hành nghề với mong muốn cứu người, ai cũng có cái tâm, khi không cứu được bệnh nhân, làm cho họ bị tai biến, bác sĩ luôn thấy đau đớn, nặng nề. Nếu họ có lỗi thì còn đau hơn và luôn bị ám ảnh bởi cái chết của bệnh nhân.

Gặp trường hợp bác sĩ đã hết lòng, làm hết sức mà còn bị người nhà thưa kiện sẽ còn đau lòng, mất tinh thần hơn nữa. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị cho các bệnh nhân khác do tác động dây chuyền của việc khiếu nại.

Vì thế một tổ chức chuyên môn độc lập đứng ra giải quyết các vụ khiếu kiện không chỉ bảo vệ quyền lợi cho thầy thuốc mà còn cho cả bệnh nhân.

“Chỉ có một tổ chức chuyên môn độc lập, trình độ chuyên môn cao mới có khả năng phản biện và công tâm đứng ra giải quyết các vụ khiếu nại.

Phải có những tổ chức như vậy mới giúp thầy thuốc an tâm hành nghề, giúp gia đình bệnh nhân thật sự tin tưởng người thân của họ chết vì bệnh chứ không phải vì bác sĩ tắc trách.

Điều này giúp trả lại cho họ sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn”.

Luật sư Trương Thị Hòa

Với những trường hợp không thể hòa giải, nhiều luật sư cho biết để thụ lý vụ việc, các luật sư bị vướng và rất lúng túng do ngành y là lĩnh vực chuyên môn sâu.

Luật sư cũng không có quyền tiếp cận, sao chép hồ sơ bệnh án mà chỉ dựa vào chứng cứ, thông tin người nhà cung cấp nên nhiều lúc không thể bảo vệ được quyền lợi bệnh nhân. Chưa kể vụ việc gì liên quan đến khiếu nại của bệnh nhân đều do bệnh viện, Sở Y tế, Bộ Y tế xem xét, quyết định nên các cơ quan này kết luận thế nào có khi luật sư cũng không nắm bắt, hiểu hết.

Theo các luật sư, phải có những “luật sư - bác sĩ” mới có thể hiểu được các vấn đề chuyên môn sâu, bảo vệ được quyền lợi chính đáng của bệnh nhân. Hiện nay người nhà cứ đi khiếu nại còn bệnh viện luôn nói: “Đã làm hết sức rồi, tại bệnh trở nặng vậy!”.

Luật sư Trịnh Thanh - văn phòng Luật sư người nghèo - cũng nói: “Thật sự chúng tôi thấy nhiều lúc giống như đi vào trong rừng vì mình không có chuyên môn và không được quyền photo bệnh án để mang đi hỏi các chuyên gia khác”.

Theo luật sư Trịnh Thanh, để kiện một bác sĩ và bệnh viện không dễ chút nào vì nhiều trường hợp không có kết quả giám định pháp y. Hoặc người nhà không biết ngay thời điểm có phát sinh vấn đề gì phải nhờ luật sư tư vấn ngay, thậm chí phải làm cả pháp y.

Nếu để sự việc trôi qua cả tuần, mấy tháng, thậm chí một năm sau mới khiếu nại thì vụ việc có thể diễn tiến theo hướng khác, khi đó xác định ai đúng, ai sai rất khó. Đặc biệt, càng để lâu có khi bệnh chính càng dễ bị lẩn khuất trong những bệnh khác và sẽ khó xác định đâu là sự thật. Đây cũng là nguyên nhân khiến những vụ kiện liên quan đến y tế vừa phức tạp, vừa không thể giải quyết dứt điểm.

Theo luật sư Trịnh Thanh, nếu luật sư được quyền tiếp cận hồ sơ bệnh án để tham khảo ý kiến chuyên gia có chuyên môn sẽ tốt hơn cho cả hai phía. Bởi nếu thấy bệnh viện, bác sĩ không có lỗi, chính luật sư sẽ giúp tránh được các vụ kiện cáo, giải tỏa ngay những thắc mắc của bệnh nhân và người nhà.

Luật sư Trịnh Thanh còn cho biết lâu nay những vụ việc liên quan đến khiếu kiện bệnh viện chủ yếu là yêu cầu bồi thường hoặc kiện dân sự. Trong khi thực tế nếu thầy thuốc có hành vi vi phạm những quy định về khám chữa bệnh và xác định được lỗi, có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự chứ không chỉ là kiện dân sự.

Phải có y sĩ đoàn

Nhiều bác sĩ khi được hỏi đều cho rằng hội đồng khoa học kỹ thuật của bệnh viện, sở y tế, Bộ Y tế không phải là cơ quan chuyên môn độc lập phân xử việc khiếu kiện của bệnh nhân. Người nhà bệnh nhân thường không tin tưởng kết luận giải quyết khiếu nại của các cơ quan này.

Ông Thái Thành Nam - giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn - nói rằng ở nước ngoài các thầy thuốc có hiệp hội riêng bảo vệ và họ phải đóng tiền bảo hiểm nghề nghiệp, nhưng ở VN không có. Hiện nay khi thầy thuốc bị kiện oan ức, không ai đứng ra bảo vệ họ.

Bác sĩ Nguyễn Đình Phú - phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 - nói các bác sĩ đều tha thiết mong có tổ chức y sĩ đoàn giống như các nước trên thế giới. Y sĩ đoàn sẽ là tổ chức chuyên môn, độc lập đứng ra phân xử, phán quyết các vụ khiếu nại liên quan đến chuyên môn chứ không phải là tòa án.

Ngoài ra, ở các bệnh viện cũng phải có luật sư chuyên về y khoa. Ở nước ngoài, khi có tai biến xảy ra luật sư sẽ làm việc và chịu trách nhiệm giải thích cho bệnh nhân về những khiếu nại của họ. Người bệnh muốn khiếu nại, thắc mắc đều phải thông qua luật sư để bác sĩ dành thời gian, tâm huyết phẫu thuật, điều trị những bệnh nhân khác.

Nếu có luật sư ở bệnh viện, bác sĩ chỉ cần trao đổi với họ tất cả thông tin liên quan đến ca bệnh, kể cả có hay không có biến chứng; biến chứng, tử vong do nguyên nhân gì... để luật sư nắm và làm nhiệm vụ giải thích với bệnh nhân. Những luật sư này phải là những người nắm rất sâu và am hiểu các kiến thức y khoa mới làm được những thủ tục cần thiết với bệnh nhân và người nhà.

Còn hiện nay bác sĩ vừa làm vừa sợ bệnh nhân kiện, tâm huyết không còn vì luôn lo lắng, không biết khi nào đến lượt mình bị kiện.

Bác sĩ Đình Phú nói rằng nếu chưa thành lập được y sĩ đoàn mà mỗi bệnh viện có được một hai luật sư chuyên sâu về việc tư vấn, giải thích, giải quyết những vấn đề liên quan đến bệnh nhân thì các bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ ngoại khoa, sẽ rất yên tâm.

Ngoài ra, dù có tai biến hay không thì bác sĩ khi hành nghề khám chữa bệnh rất cần đóng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo mức lương của từng người, giống như đóng bảo hiểm y tế. Trường hợp nếu bác sĩ có sai sót, gây biến chứng, tử vong cho bệnh nhân, đơn vị bảo hiểm sẽ đứng ra bồi thường cho bệnh nhân theo quy định.

__________

Dù cả hai phía bệnh nhân và bác sĩ đều có những nỗi niềm, nhưng đã đến lúc việc xử lý những tai biến trong y học phải dựa trên cơ sở của pháp luật.