Bài văn kể về kỉ niệm đáng nhớ năm 2024

Phần I (5.0 điểm).

Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu:

“ Ngày thứ năm trên đảo Cô Tô là một ngày trong trẻo và sáng sủa. Từ khi có Vịnh Bắc Bộ và từ khi Cô Tô mang lấy dấu hiệu của sự sống con người, thì sau mỗi lần dông bão, bao giờ bầu trời Cô Tô cũng trong sáng như vậy. Cây trên núi đảo lại thêm xanh mượt, nước biển lại lam biếc đặm đà hơn hết cả mọi khi và cát lại vàng giòn hơn nữa. Và nếu cá có vắng tăm biệt tích trong những ngày động bão, thì nay lưới càng thêm nặng mẻ cá giã đôi”.

(Trích “Cô Tô” – Nguyễn Tuân)

Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên?

Câu 2: (0,5 điểm). Nêu nội dung của đoạn trích?

Câu 3: (1.0 điểm). Xác định một biện pháp tu từ trong câu sau và nêu tác dụng: “Cây trên núi đảo lại thêm xanh mượt, nước biển lại lam biếc đặm đà hơn hết cả mọi khi và cát lại vàng giòn hơn nữa.”

Câu 4: (3.0 điểm) Từ đoạn trích cùng hiểu biết của mình, em thấy biển đảo nước ta có đặc điểm gì? Mỗi chúng ta có trách nhiệm như thế nào trong việc bảo vệ biển đảo? Hãy viết đoạn văn khoảng 5 câu.

Phần II (5 điểm).

Học sinh chọn một trong hai đề sau. (Viết đoạn văn khoảng 1 trang giấy)

Đề 1. Nêu cảm nghĩ sau khi học xong bài thơ “Về thăm mẹ” của Đinh Nam Khương.

Đề 2. Cảm nghĩ về bài ca dao:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

- Hết -

ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC KÌ I – VĂN 6 (ĐỀ CHÍNH THỨC)

Phần I (5 điểm).

Câu 1. PTBĐ chính: miêu tả (0,5đ)

Câu 2. Nêu nội dung đoạn trích: Vẻ đẹp thiên nhiên nơi Cô Tô sinh động, tràn đầy sức sống sau cơn bão (0,5đ)

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được dùng trong đoạn trích (1đ)

- Hs ghi được một trong các biện pháp tu từ sau: (0,5đ)

+ So sánh: …. nước biển lại lam biếc đặm đà hơn hết cả mọi khi, (hoặc cát lại vàng giòn hơn nữa).

+ Ẩn dụ: nước biển lại lam biếc, đặm đà (hoặc cát lại vàng giòn)

+ Liệt kê: cây trên núi đảo …, nước biển lại lam biếc …, cát lại vàng giòn …

- Tác dụng: (0,5đ)

+ Tăng sức gợi hình, gợi cảm, làm cho câu văn thêm sinh động.

+ Thể hiện vẻ đẹp đầy sức sống của cảnh đảo sau trận bão và cho thấy tình yêu thiên nhiên của tác giả.

Câu 4. Từ nội dung của văn bản đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5 câu) trình bày về đặc điểm của biển đảo và trách nhiệm bảo vệ biển đảo của mỗi chúng ta. (3.0đ)

Hs có thể trình bày các ý sau:

- Đặc điểm của biển đảo:

+ Biển đảo là một phần lãnh thổ thiêng liêng của đất nước. Biển và đảo có vai trò quan trọng đối với đất nước: mang lại giá trị kinh tế (du lịch, khai thác tài nguyên thủy hải sản, khoáng sản), giao thông, an ninh quốc phòng.

+ Bao thế hệ cha ông đã dầy công giữ gìn, xây dựng, bám biển, làm giàu cho đất nước.

- Trách nhiệm của mỗi chúng ta trong việc bảo vệ biển đảo là:

+ Tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ biển đảo.

+ Có ý thức giữ gìn môi trường biển đảo

+ Góp phần quảng bá, xây dựng thương hiệu biển VN trong thời kì hội nhập.

Phần II (5 điểm). Tập làm văn: Học sinh chọn một trong hai đề.

Yêu cầu:

* Hình thức:

- Đoạn văn bắt đầu bằng chữ cái viết hoa đầu dòng, lùi vào 1 ô và kết thúc bằng dấu kết thúc câu, ngắt xuống dòng.

- Dung lượng: 10 - 12 câu.

- Cấu trúc 3 phần: MĐ - TĐ - KĐ.

- Không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, diễn đạt, liên kết.

* Nội dung:

- MĐ: Giới thiệu tác giả, tên bài thơ, cảm nghĩ, ấn tượng chung về bài thơ.

- TĐ:

+ Chỉ ra nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

+ Phân tích được những hình ảnh thơ đặc sắc.

- KĐ: Khái quát cảm nghĩ của bản thân về giá trị, ý nghĩa của bài thơ.

Đề 1:

1. Mở đoạn: Giới thiệu tác giả Đinh Nam Khương, bài thơ “Về thăm mẹ”, cảm nghĩ chung.

2. Thân đoạn:

* Hoàn cảnh người con về thăm mẹ: con đi xa lâu ngày, về thăm mẹ vào buổi chiều đông, mẹ không có nhà. Người con cứ “thơ thẩn vào ra”, bồi hồi ngắm nhìn mọi vật quen thuộc quanh ngôi nhà của mẹ, mong ngóng mẹ về.

* Hình ảnh người mẹ

- Hình ảnh người mẹ gắn liền với bếp lửa: “Bếp chưa lên khói, mẹ không có nhà” thể hiện sự tần tảo của người phụ nữ Việt Nam.

- Tình yêu thương của mẹ gắn với những sự vật bình thường: chum tương đã đậy, áo tơi lủn củn, nón mê ngồi dầm mưa, đàn gà, cái nơm hỏng vành, trái na cuối vụ.

\=> Những sự vật gần gũi, quen thuộc với nhân vật trong bài thơ, thể hiện sự vất vả, lam lũ và hy sinh của người mẹ dành cho đứa con. Mẹ luôn dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Có trái na cuối vụ, mẹ cũng không nỡ hái, mẹ để dành phần con.

* Tình yêu thương của con dành cho mẹ: “Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn/Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày”.

- Càng ngắm nhìn những đồ vật thân thuộc quanh ngôi nhà mẹ, người con càng thấy “thương mẹ nhiều hơn”. Từ láy “nghẹn ngào” và “rưng rưng” cho thấy tâm trạng xúc động đến không nói lên lời, nước mắt cứ muốn trào ra của người con khi thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, sự hi sinh thầm lặng của mẹ.

- Từ những chuyện giản đơn thường ngày, người con không chỉ hiểu, thương mà còn thấy biết ơn mẹ rất nhiều.

\=> Tình cảm yêu thương sâu sắc, sự thấu hiểu của người con dành cho mẹ.

3. Kết đoạn: Khái quát cảm nghĩ của bản thân về giá trị, ý nghĩa của bài thơ.

Đề 2:

1. Mở đoạn: Nêu vấn đề: Tình cảm gia đình là chủ đề quan trọng trong ca dao. Nói về công ơn của cha mẹ thì không thể không kể đến bài ca dao sau:

“Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

2. Thân đoạn:

- Hai câu đầu: “Công cha như núi Thái Sơn …. chảy ra”

+ Thái Sơn là một trong năm ngọn núi cao nhất ở TQ. Ví công cha như núi Thái Sơn là ví công lao cao cả không thể đo đếm được của cha.

+ Nước trong nguồn không bao giờ cạn, dù nhỏ giọt nhưng không bao giờ ngừng. Ví nghĩa mẹ như nước trong nguồn là ví tình mẹ bao la, không giới hạn.

-> Tác dụng của hình ảnh so sánh: lấy cái vĩ đại, vô cùng vô tận của thiên nhiên để nói về công cha nghĩa mẹ, bài ca dao muốn khẳng định: công ơn của cha mẹ là vô cùng to lớn, không thể nào kể hết được.

- Hai câu cuối: “Một lòng thờ mẹ kính cha - Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”

+ Vậy trách nhiệm của người con là phải phải "thờ Mẹ, kính Cha". Mỗi chúng ta không phải chỉ cần thờ Mẹ, kính Cha khi cha mẹ đã mất. Mà chúng ta phải báo hiếu ngay khi cha mẹ còn sống.

+ Con phải luôn vâng lời cha mẹ, sống đúng đạo nghĩa, làm tốt bổn phận người con tròn chữ hiếu, luôn khiến cho cha mẹ vui lòng.