Các tín hữu hiệp thông với nhau thế nào

Trong Kitô giáo, hiệp thông hay thông công là mối quan hệ giữa tín hữu với Thiên Chúa và giữa những người trong Hội Thánh (hoặc giáo hội) với nhau. Hiệp thông có tiếng gốc Hi Lạp là κοινωνία koinonia xuất hiện trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô; còn tiếng Latinh communio, nghĩa là "cộng đoàn" hay là "tham gia vào cộng đoàn". Thuật ngữ này cũng được chỉ việc Rước Lễ, tức là hành vi tiếp nhận bánh và rượu mà đã trở thành Thánh Thể và Máu Thánh của Chúa Kitô (Thánh Thể) như một hình thức tham gia cộng đồng với sự hiểu biết và với sự đồng thuận.

Ý nghĩa[sửa | sửa mã nguồn]

Trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô mà Sứ đồ Phaolô và Sosthenes gởi cho các Kitô hữu tại thành Côrintô (Corinth), Hy Lạp, có viết:

“ Chúng ta cảm tạ về ly phước lành tức dự phần với huyết của Chúa Cứu Thế. Bánh chúng ta cùng bẻ chung với nhau là cùng dự phần trong thân thể Ngài. Vì chỉ có một ổ bánh thôi. Chúng ta dù nhiều người nhưng chỉ là một thân vì tất cả chúng ta đều cùng dự phần trong ổ bánh ấy. ”

  • Ý nghĩa thuộc linh: hiệp thông là sự giao tiếp giữa Kitô hữu với Thiên Chúa, được thể hiện qua các hình thức như cầu nguyện, xưng tội và thờ phượng. Nhưng mối quan hệ này là ở bên trong tâm linh của mỗi cá nhân với Thiên Chúa. Nếu ai phạm những tội trọng mà không chịu ăn năn, xưng tội để được tha thứ mà vẫn tiếp tục sa vào tội lỗi thì mối quan hệ của người đó với Chúa sẽ bị chia cắt.
  • Ý nghĩa thuộc thể: Hiệp thông là mối quan hệ giữa các Kitô hữu với nhau được thể hiện qua tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc, cầu nguyện và chia sẻ lời Chúa với nhau như điều mà Chúa Giêsu dạy: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Phúc âm Gioan 15:12).

Đối với Giáo hội Công giáo Rôma, hiệp thông còn mang ý nghĩa là mối quan hệ về tổ chức trong Giáo hội. Một người bị mất đi sự hiệp thông khi bị một án phạt vạ tuyệt thông, khi ấy, người này bị khai trừ khỏi giáo hội và không được nhận lãnh bất kỳ ơn ích nào từ hoạt động thờ phượng của giáo hội.

"Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng" (Cv 2,42).

1. Mở Đầu

  1. Phút thánh hóa

- Làm dấu: Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen

Giáo Lý Viên nói gợi ý vắn tắt lời nguyện (tùy nghi thay đổi): Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến với chúng con trong giờ giáo lý này. Xin đến soi lòng mở trí, giúp chúng con mau hiểu và dễ đón nhận giáo lý của Chúa Giêsu truyền dạy cho chúng con.(thinh lặng trong giây lát)

- Bài hát: ĐÂU CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG

ĐK : Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi, là đấy có ân sủng Người. Đâu có tình bác ái, thì Chúa chúc lành không ngơi. Đâu ý hợp tâm đầu, ở đấy chứa chan niềm vui.

PK: Nguyện xin Thiên Chúa, đoàn kết muôn người một ý. Xin hãy duy trì trí lòng hòa hợp mến yêu. Diệt tan căm thù, chia rẽ oán hờn ghét ghen, gìn giữ đức ái, yêu Chúa mến thương anh em. (trở lại ĐK)

  1. Giới thiệu chủ đề - nội dung bài giáo lý – những vấn đề cần tìm hiểu, giải quyết

- Ôn bài cũ - Giới thiệu chủ đề bài mới:

Các em thân mến, Hội thánh là một tổ chức, nhưng không phải tổ chức theo kiểu trần thế như: phân cấp (cấp trên cấp dưới), tập quyền (quyền lực tập trung vào một người, một ban, một tổ chức), hoặc tản quyền (quyền hạn được phân chia). Nhưng Hội thánh là một câu chuyện yêu thương – Hội thánh là một thân thể. Vậy các em thử nhắc lại xem: Thân mình Hội thánh gồm có đầu là ai? Những chi thể gồm có những ai? Lý do nào làm cho những chi thể này liên kết được với nhau? (các em giơ tay trả lời)

Giáo lý viên nhắc lại vắn gọn nội dung bài giáo lý tuần trước: Hội thánh là một thân thể, có đầu là Chúa Giêsu linh mục đời đời, những chi thể khác là: Đức Giáo Hoàng (đại diện Chúa Giêsu ở trần gian), các giám mục (những người tham dự trọn vẹn vào chức linh mục của Chúa), các linh mục (những người được tham dự tích cực vào chức linh mục của Chúa nhờ việc đặt tay truyền chức thánh của các giám mục), phó tế (những cộng sự viên tích cực của giám mục và linh mục trong chức thánh của mình), những người giáo dân (tham dự vào chức linh mục của Chúa qua Bí tích Rửa Tội) trở nên thánh thiện nhờ sống ơn gọi riêng của mình). Tất cả những chi thể trong thân mình Hội thánh liên kết với nhau là nhờ vào việc tham dự vào chức linh mục duy nhất của Chúa Giêsu.

Hội thánh mà các em đã tìm hiểu là Hội thánh gồm những con người còn sống (được gọi là Hội thánh lữ hành, Hội thánh ở trần gian), ngoài ra Hội thánh còn có các linh hồn đang thanh luyện nơi luyện tội, cũng như các linh hồn được hưởng hạnh phúc với Chúa trên nước trời (gọi là các thánh).

Hôm nay qua bài giáo lý này, các em sẽ được tìm hiểu về những mối dây liên lạc giữa những người tín hữu sống ở trần gian với các linh hồn đang thanh luyện, cũng như với các thánh trên trời. Mối dây liên lạc này được gọi là MẦU NHIỆM CÁC THÁNH THÔNG CÔNG. Để có thể hiểu được phần nào mầu nhiệm này, các em thinh lặng, lắng động tâm hồn cùng nhau lắng nghe Lời Chúa nói với mỗi người chúng ta.

- Lắng nghe Lời Chúa:Lời Chúa trong sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 2,42-47)

(GLV đọc cho các em nghe, hoặc một em đại diện đọc, hoặc cả lớp cùng đọc chung)

Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.

Đó là Lời Chúa / Tạ ơn Chúa.

Đoạn Lời Chúa trong sách Công Vụ Tông Đồ (sách Công Vụ Tông Đồ - là sách ghi chép lại những việc làm của các tông đồ, khi các ngài rao giảng đạo của Chúa Giêsu), mà các em vừa mới nghe có hai từ ngữ chắc có lẽ làm cho các em cảm thấy khó hiểu đó là: HIỆP THÔNG. Hiệp thông có nghĩa là mọi người hướng về nhau, suy nghĩ những điều giống nhau, hành động và làm những việc làm giống nhau, đồng tâm nhất trí với nhau... HIỆP THÔNG nghĩa là luôn ở trong nhau qua suy nghĩ và việc làm. Vậy các em thử nói xem: Các tín hữu trong đoạn Lời Chúa họ ở trong nhau qua những suy nghĩ nào? Việc làm nào? (các em giơ tay trả lời, trao đổi).

Trả lời và giải thích cho các em : Các tín hữu hiệp thông với nhau (ở trong nhau) qua học hỏi giáo lý mà các tông đồ giảng dạy, qua tham dự thánh lễ và cầu nguyện, qua từ thiện bác ái chia sẻ, qua việc đồng tâm nhất trí với nhau (gọi là tâm đầu ý hợp), hiệp thông trong đời sống khó nghèo, hiệp thông trong việc chúc tụng tạ ơn Chúa… nhờ sự hiệp thông này mà họ được cứu độ.

- Tóm lại nội dung chính của bài giáo lý: Như vậy nhờ sự hiệp thông mà bản thân được Chúa cứu độ, và cũng nhờ hiệp thông mà người khác được cứu độ. Hiệp thông giữa người còn sống với nhau. Hiệp thông giữa người sống với các đẳng linh hồn. Hiệp thông giữa người sống với các thánh.

-Những vấn đề cần giải quyết và tìm hiểu: Sự hiệp thông diễn ra giữa tín hữu còn sống với tín hữu đã qua đời và với các thánh trên trời. Vậy cơ sở (lý do) cho mối dây hiệp thông này là gì? Các tín hữu đang thanh luyện họ trông chờ điều gì ở người còn sống? Người còn sống trông mong điều gì nơi các thánh? Những vấn đề này, các em sẽ được hướng dẫn và tìm hiểu ở phần TRÌNH BÀY NỘI DUNG GIÁO LÝ.

2. TRÌNH BÀY NỘI DUNG GIÁO LÝ

  1. Đặt vấn đề thảo luận làm sáng tỏ: Sự hiệp thông diễn ra giữa tín hữu còn sống với tín hữu đã qua đời và với các thánh trên trời. Vậy cơ sở (lý do) cho mối dây hiệp thông này là gì?

Để có thể khám phá những lý do tạo ra mối dây hiệp thông giữa các tín hữu còn sống với các tín hữu đã qua đời và với các thánh trên trời. Các em thử lắng nghe câu chuyện rất quen thuộc của người Việt Nam; câu chuyện có tên: CON RỒNG CHÁU TIÊN.

Nội dung chính của câu chuyện này như sau: Có một chàng trai tên là Sùng Lâm – là con trai của vua Lộc Tục (vua Lộc Tục lấy tước hiệu là Kinh Dương Vương). Sau khi hoàng tử Sùng Lâm lên ngôi trị vì đất nước thế cho vua cha, Sùng Lâm lấy tước hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long quân vốn là gốc rồng nên thường xuyên sống và đi lại ở dưới nước như ở trên bờ. Một hôm Lạc Long Quân lên vùng núi cao giúp cho người dân ở vùng núi cao dẹp giặc và dạy cho họ cách làm nông nghiệp. Khi ở vùng núi, Lạc Long Quân gặp một cô gái đẹp tuyệt trần có tên là Âu Cơ – Âu Cơ vốn gốc tiên nữ nên chỉ sống quen sống ở trên cạn (nhất là trên những ngọn núi cao). Hai người yêu thương và chung sống với nhau, Âu Cơ sinh ra một cái bọc, trong bọc có một trăm trứng, trăm trứng nở ra trăm người con. Họ sống hạnh phúc với nhau, nhưng vì Lạc Long Quân vốn quen sống ở đồng bằng, sống ở vùng trũng, vùng nước nên mới chia tay Âu Cơ và mang năm mươi người con đi về vùng đồng bằng (vùng nước). Còn Âu Cơ lại quen sống ở vùng núi (vùng khô, vùng cao) nên cũng mang năm mươi người con lên vùng núi sinh sống. Từ đó người dân Việt Nam mới truyền miệng nhau câu chuyện: nguồn gốc của dân tộc Việt Nam là con rồng cháu tiên và người Kinh sống ở đồng bằng cũng như những người dân tộc sống ở miền núi là anh em với nhau.

Sau khi nghe câu chuyện này, các em thử suy nghĩ và trả lời xem: Những người dân tộc: Nùng, Chăm, Bana, Thái… họ sống ở những vùng núi cao (vùng trung du miền núi phía bắc), nghĩa là họ sống ở một không gian (rừng núi so với đồng bằng sông nước) và thời gian (múi giờ) là khác với những người Kinh sống ở đồng bằng. Sống cách xa nhau và khác nhau về nhiều mặt (giáo dục, văn hóa, sở thích, thói quen…). Vậy tại sao lại gọi là anh em với nhau được? Tại sao Việt Nam có nhiều dân tộc sống ở nhiều nơi khác nhau nhưng lại yêu thương đoàn kết với nhau? (các em suy nghĩ và thảo luận trả lời)

Đúc kết phần thảo luận của các em : Sở dĩ người Kinh và các anh em dân tộc gọi là anh em với nhau (cho dù sống khác nhau về không gian và thời gian cũng như văn hóa, giáo dục, y tế…) nhưng được gọi là anh em với nhau, yêu thương đoàn kết, giúp đỡ chia sẻ với nhau là vì: tất cả đều có chung nguồn gốc cha mẹ là con rồng cháu tiên, tất cả đều sinh ra từ một bọc trứng là kết quả của tình yêu Lạc Long Quân và nàng Âu Cơ.

Đúc kết trên phần nào giúp các em hiểu được lý do (cơ sở) mầu nhiệm các thánh thông công trong Hội thánh. Các tín hữu còn sống, các tín hữu thanh luyện nơi luyện tội, các thánh trên trời. tất cả đều sống trong những tình trạng khác nhau, không gian và thời gian cũng khác nhau (hữu hình và vô hình), nhưng tất cả đều liên lạc được với nhau là bởi vì: tất cả đều được sinh ra (tái sinh) bởi một bí tích duy nhất là Bí tích Rửa Tội. Tất cả đều là con cái của một Cha trên trời. Tất cả đều có chung một đức tin (tin vào Chúa) một đức cậy (cậy trông vào Chúa) một đức mến (yêu mến Chúa).

Vì thế cho dù sống trong những tình trạng khác nhau (con người tội lỗi, linh hồn đền tội, thánh nhân), hoàn cảnh khác nhau (lữ hành, thanh luyện, chiến thắng). Nhưng tất cả đều hiệp thông, hướng về nhau, và cùng hướng về Chúa. Đó chính là cơ sở cho mầu nhiệm hiệp thông trong Hội thánh.

  1. Đặt vấn đề thảo luận làm sáng tỏ: Các tín hữu đang thanh luyện họ trông chờ điều gì ở người còn sống?

Để hiểu được vấn đề này, các em cần nhớ lại kiến thức giáo lý về việc Thiên Chúa sáng tạo con người: “Con người là loài có linh hồn và thể xác, vừa có tinh thần vừa có vật chất trong một người duy nhất, cho nên cao cả hơn mọi loài trên trái đất. Linh hồn thì thiêng liêng và bất tử, được Thiên Chúa tạo dựng cách trực tiếp”. (Bài 10: Thiên Chúa Tạo Dựng Con Người – Câu 56)

Con người có linh hồn và thân xác. Khi chết linh hồn lìa khỏi thân xác. Sau khi lìa khỏi thân xác và chịu sự phán xét linh hồn sẽ ở trong ba tình trạng sau đây: Thiên Đàng, Luyện Ngục, Hỏa Ngục (phần này các em sẽ được tìm hiểu kỹ trong BÀI 29: ĐỜI SỐNG VĨNH CỬU). Các tín hữu đang thanh luyện, nghĩa là họ đang ở trong tình trạng mà linh hồn phải đền bù những thiếu sót, hoặc những hậu quả xấu mà họ gây ra cho người khác khi còn sống ở trần thế.

Chính vì những tín hữu đang thanh luyện trong tình trạng không còn thân xác, và linh hồn họ bị giam cầm bởi những khổ hình đền tội. Cho nên họ không thể tự cứu mình bằng những việc lành phúc đức để đền bù những tội lỗi mà họ đã gây ra. Vì thế mà thời gian đền bù ở luyện tội có được rút ngắn hay không hoàn toàn lệ thuộc vào những việc lành phúc đức của những người còn sống ở trần gian đền thay cho họ. Đây chính là sự trông chờ của các linh hồn nơi thanh luyện. HỌ ƯỚC AO NGƯỜI CÒN SỐNG LÀM VIỆC LÀNH PHÚC ĐỨC ĐỀN BÙ TỘI LỖI THAY CHO HỌ, CŨNG NHƯ ĐỪNG ĐI VÀO CON ĐƯỜNG LỖI TỘI GIỐNG NHƯ HỌ.

Để hiểu được việc thanh luyện hay đền bù tội lỗi của các tín hữu đã qua đời, các em có thể liên tưởng đến một hình ảnh như sau: Các em lấy búa đóng cây đinh vào khúc gỗ, sau đó các em nhổ cây đinh ra khỏi khúc gỗ. Cây đinh đã được nhổ ra khỏi khúc gỗ, nhưng vết đinh vẫn còn trên khúc gỗ (đúng không?). Bây giờ các em phải làm sao để cho vết đinh trên khúc gỗ biến mất? (các em thử suy nghĩ, trao đổi và trả lời)

Đúc kết phần thảo luận của các em : Để mất được vết đinh trên khúc gỗ, các em phải bào, chà, dùng bột gỗ, keo… lấp vào vết đinh, rồi sau đó đánh bóng, bàu, chà, sơn… phải mất thời gian và nhiều công sức, nhiều công đoạn thì mới có thể che mất đi vết đinh trên khúc gỗ.

Việc đền tội của các linh hồn nơi luyện tội cũng gần giống như vậy. Tội lỗi họ mắc phải khi còn sống giống như những cây đinh đóng vào tâm hồn họ, nhưng nhờ bí tích giải tội, những cây đinh đã được nhổ ra, nhưng vết đinh vẫn còn. Vì thế họ cần thời gian để xóa đi những vết đinh. Để có thể xóa mờ hết những vết thương tội lỗi này, đòi hỏi phải đền bù. Đền bù bằng những hình khổ để thanh tẩy, hoặc đền bù bằng việc lành phúc đức theo lẽ công bằng.

Những việc lành phúc đức các linh hồn không thể làm được nữa, vì thế cần đến người còn sống làm thay cho họ qua những việc làm đạo đức như: Hiệp dâng thánh lễ cầu cho các linh hồn, xin lễ cầu hồn, đàng thánh giá, giờ đạo đức thiêng liêng, lãnh ơn toàn xá nhường lại cho các linh hồn, chia sẻ, từ thiện bác ái… Tất cả những việc làm này các linh hồn đang thanh luyện đang trông chờ ở người còn sống. Thời gian thanh luyện có rút ngắn lại, để các linh hồn về hưởng Nhan Thánh Chúa hay không, là do ở những người còn sống giúp họ. Đây là điểm nổi bật của mầu nhiệm các thánh thông công (thông chia công đức, thông chia nhân đức, thông chia khổ hình…)

  1. Đặt vấn đề thảo luận làm sáng tỏ: Người còn sống trông mong điều gì nơi các thánh?

Các tín hữu còn đang sống ở trần gian họ trông mong điều gì nơi các thánh? Để có thể hiểu được vấn đề này, các em thử nghe một câu chuyện vui có tên: MẸ CỦA THẦY CHỨ AI?

Nội dung câu chuyện như sau: Một hôm trên Nước Thiên Đàng Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô. Này anh Phêrô, dạo này anh canh giữ cổng thiên đàng có nghiêm túc, chặt chẽ không? Bộ con làm việc chểnh mảng, không tốt sao Thầy lại hỏi vậy? (thánh Phêrô hỏi Chúa?). Chúa Giêsu trả lời: Bởi vì dạo này ta thấy: Nhà cửa, các phòng ở đây đều kín người ở hết. Mỗi năm ta cho xây phòng mới, nhà mới để đón các linh hồn nơi thanh luyện về. Đàng này chưa được nửa năm mà nhà cửa, phòng ở đều đã kín hết rồi. Ta sợ ngươi quên đóng cổng thiên đàng, cho nên các linh hồn chưa thanh luyện xong vẫn vào được. Thánh Phêrô trả lời: Con làm việc nghiêm túc chứ! Nhưng nếu Thầy muốn biết lý do tại sao, tối nay Thầy lên sân thượng nhìn xuống thì Thầy sẽ hiểu. Tối hôm ấy, Chúa Giêsu lên sân thượng cùng với Phêrô nhìn xuống trần gian, thì thấy những tín hữu ở trần gian đang quỳ gối trước ảnh Đức Mẹ lần hạt Mân Côi, cầu nguyện cho các linh hồn. Còn ở cổng thiên đàng, có một người phụ nữ thò một sâu chuỗi thật to ra bên ngoài, thế là các linh hồn nắm vào sâu chuỗi rồi bà ta lần lần kéo các linh hồn vào nước thiêng đàng bằng sâu chuỗi thò ra bên ngoài. Chúa Giêsu trên sân thượng nhìn thấy mới hỏi Phêrô: Bà đó là ai vậy? Thánh Phêrô trả lời: Mẹ của Thầy chứ ai!

Các em có thể nói lên ý nghĩa của câu chuyện này là gì? Tại sao Đức Mẹ lại cứu các linh hồn? (các em suy nghĩ trao đổi và trả lời)

Đúc kết phần thảo luận của các em : Câu chuyện muốn nói rằng: Lời cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi của những người còn sống đã làm siêu lòng Đức Mẹ, cho nên Đức Mẹ đã động lòng xót thương mà giải cứu cho các linh hồn trong nơi luyện tội. Các em thân mến, những người còn sống họ luôn ước ao những lời nguyện cầu của họ luôn được các thánh lắng nghe và dâng lên cho Chúa để Ngài chấp nhận lời nguyện cầu.

Tại sao các thánh chuyển cầu ước nguyện của con người lên cho Thiên Chúa, thì Chúa lại rất dễ nhậm lời?

Chúa nhậm lời là bởi vì: Các thánh là những người đang ở gần Thiên Chúa, gần gũi với Thiên Chúa, được Chúa thưởng công hạnh phúc. Cho nên các ngài có xin Chúa điều gì thì Chúa cũng dễ nhậm lời hơn chúng ta trực tiếp dâng lên cho Chúa, vì các thánh ở gần bên Chúa. Hơn thế nữa, gương sống tốt đẹp của các thánh khi còn ở trần gian, là lời mời gọi những người còn sống noi gương bắt chước các ngài. Vì thế mà Chúa nhậm lời chuyển cầu của các thánh, cũng là nhằm để tôn vinh cho người còn sống ở trần gian nhận ra đời sống và hương thơm đạo đức của các ngài.

  1. Cầu nguyện giữa giờ: tùy nghi thay đổi, linh động:...

Lời nguyện : Chúa ơi! Con học biết được Hội thánh không chỉ có người còn sống, nhưng còn có các linh hồn đang thanh luyện và các thánh trên trời. Con cũng biết rằng để có thể liên kết, liên lạc giữa các thánh với người còn sống, giữa người còn sống với những người đã qua đời không gì khác hơn là những lời cầu nguyện, và gương sống cũng như những việc lành đạo đức của người còn sống có sức đền bù cho các linh hồn nơi thanh luyện. Xin Chúa mau cho các linh hồn về hưởng Nhan Thánh Chúa nhờ sự hy sinh nhỏ nhoi của con qua việc lắng nghe, học tập từ bài giáo lý hôm nay. Amen

3. MỘT ĐIỂM THỰC HÀNH

  1. Sinh hoạt giáo lý

- Trò chơi: CON NGƯỜI – CÁC THÁNH – LINH HỒN

Cách chơi : Người điều khiển nói: Con Người: Các em đặt hai tay lên bụng. Người điều khiển nói: Các Thánh: Các em đặt hai tay lên đầu. Người điều khiển nói: Linh Hồn: Các em đặt hai tay lên ngực.

Luật chơi : Người điều khiển nói và thay đổi vị trí đặt tay, ai làm không đúng giữa lời nói và vị trí đặt tay thì phạt.

- Bài hát giáo lý:TRÊN ĐƯỜNG VỀ NHÀ CHA(Tập cho các em cùng hát chung với nhau. Tùy nghi thay đổi bài hát cho phù hợp)

ĐK : Trên đường về nhà Cha, từng lớp người đi tới, có muôn dân thế giới cùng hát một bài ca. Trên đường về nhà Cha, người đông đoài nam bắc, mang hoa thơm cỏ lạ của rừng sâu đảo xa.

PK 1 : Đất nước ta là đồng xanh lúa vàng, là sông sâu là đất màu nuôi sống. Đồng bào ta là một bài ca mới trong đất trời chan hòa ánh sáng hồi sinh (trở lại ĐK)

PK 2 : Cất bước đi lạc đà mang báu vật, của Sa-ba và sa mạc hoang cháy. Đường Việt Nam mục đồng ngồi mình trâu, nương lúa vàng nuôi người xây đắp bình an (trở lại ĐK)

- Bài hát sinh hoạt:MỘT HAI BA ĐƯỜNG XA(Tập cho các em cùng hát chung với nhau. Tùy nghi thay đổi bài hát cho phù hợp)

Một hai ba con đường ôi xa quá. Mỏi chân rồi mà đường vẫn còn xa. Nhưng hôm nay nghe niềm vui thật lạ. Chúa đang cùng con bước một hai ba (lập lại 3 lần)

  1. Bài học ghi nhớ
  1. Ngoài các tín hữu ở trần gian, Hội thánh còn gồm những ai?

Ngoài các tín hữu ở trần gian, Hội thánh còn có các tín hữu đã qua đời đang được thanh luyện hay đang hưởng vinh quang Thiên Chúa. [195]

  1. Các tín hữu hiệp thông với nhau thế nào?

Các tín hữu ở trần gian, các linh hồn nơi luyện ngục và các thánh trên thiên đàng cùng hiệp thông trong Đức Kitô và chia sẻ mọi ơn lành cho nhau. Đây là mầu nhiệm các thánh thông công. [194]

  1. Tại sao các tín hữu trong Hội thánh hiệp thông với nhau?

Vì tất cả các tín hữu cùng làm thành một gia đình duy nhất trong Đức Kitô là Hội thánh, để ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi. [195]

  1. Các tín hữu ở trần gian hiệp thông với nhau thế nào?

Họ hiệp thông trong đức tin, đức ái, kinh nguyện, các bí tích và các đoàn sủng; đồng thời họ chia sẻ của cải vật chất với nhau trong tinh thần liên đới và tương trợ. [194]

  1. Các tín hữu và các linh hồn trong luyện ngục hiệp thông với nhau thế nào?

Các tín hữu dâng việc lành phúc đức cầu cho các linh hồn, còn các linh hồn chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta. [195]

  1. Các tín hữu và các thánh trên trời hiệp thông với nhau thế nào?

Các tín hữu noi gương đời sống thánh thiện của các ngài và xin các ngài chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta. [195]

4. CẦU NGUYỆN KẾT

  1. Cảm nghiệm mới : Lạy Chúa, sau khi học bài giáo lý này, con nhận biết Hội thánh Chúa không phải chỉ những người còn sống, nhưng còn có các thánh trên trời và các linh hồn đang thanh luyện. Con biết được mối dây hiệp thông giữa người còn sống với các thánh và với các linh hồn. Con nhận ra rằng: Tất cả những việc làm của con khi còn sống trên trần gian (việc tốt hay xấu) con đều phải trả lẽ khi ra trước tòa Chúa. Con làm điều tốt khi còn sống thì con nhận được điều tốt khi con qua đời. Con làm điều xấu thì con phải đền trả sau khi chết.
  1. Quyết tâm sống: Nay con quyết tâm: tham dự thánh lễ thường xuyên trong tuần để hy sinh cầu nguyện cho các linh hồn. Và hơn nữa con siêng năng học tập gương sống tốt của các thánh, nhất là gương vâng lời chịu lụy của Mẹ Maria. Xin Chúa thương ban ơn giúp sức nâng đỡ quyết tâm của con.