Chủ nghĩa thực dân mới kết thúc khi nào

Năm 1954, chiến thắng chấn động của Việt Nam trước thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ đánh dấu chấm hết cho chủ nghĩa thực dân cũ núp dưới bóng “khai hóa văn minh” để cướp bóc tài nguyên...

Washington “chỉ đạo” Paris

Ngày 12-3-1947, Tổng thống Mỹ Harry Truman đề ra một chính sách, sau trở thành học thuyết mang tên ông ta. Học thuyết xoay quanh việc nước Mỹ với lợi thế không bị tàn phá sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sẽ dùng viện trợ kinh tế và quân sự để đưa các quốc gia khác vào vòng kiềm tỏa của mình, chi phối chính quyền thuộc địa lẫn các nước đế quốc “già” đã kiệt quệ vì chiến tranh.

Bất chấp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư với mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa Mỹ và đất nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ, Washington vẫn lựa chọn giúp đỡ thực dân Pháp do lo ngại một chính phủ lãnh đạo bởi những người cộng sản. Bằng tiền của và vũ khí viện trợ, nước Pháp buộc phải nghe theo sự chỉ đạo của Mỹ về chiến lược đàn áp phong trào giải phóng dân tộc tại Đông Dương.

Đến thời điểm nỗ lực đô hộ của Pháp cáo chung sau thất bại tại Điện Biên Phủ, Mỹ đã viện trợ 1.800 xe tăng thiết giáp, 30.887 xe vận tải, 438 tàu chiến bao gồm 2 tàu sân bay cùng 500 máy bay các loại. Tướng Henri Navarre, chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp đã viết: “Địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ”.

“Vành đai ngăn chặn” gồm các chư hầu

Ngay sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Chúng ta phải có tinh thần cảnh giác rất cao đối với âm mưu của đế quốc Mỹ định cản trở hai bên đi đến hiệp định đình chiến, mưu mô lập khối liên minh quân sự có tính chất xâm lược, chia châu Á thành những tập đoàn đối lập để dễ xâm lược và khống chế Đông Dương cùng Đông Nam Á".

Ngày 8-9-1954, chỉ hơn một tháng sau hiệp định, tổ chức Hiệp ước Phòng thủ chung Đông Nam Á (SEATO) được thành lập, đặt Đông Dương vào “khu vực bảo hộ”. Các nước thành viên có thể “bảo vệ cho nhau” chống lại “sự bành trướng và thù địch”, nhưng trên thực tế liên minh này muốn phong tỏa Đông Dương, chia cắt Việt Nam.

Tại thời điểm ấy, thực dân Anh đang nỗ lực đàn áp phong trào cộng sản của những người gốc Hoa tại Liên bang Malaya (Malaysia và Singapore ngày nay). Sau này, quân đội Mỹ khi xâm lược đã học hỏi hầu hết các phương pháp thực dân Anh sử dụng trong cuộc xung đột này.

Mỹ chuyển từ hối thúc sang ép buộc Pháp rút lui ảnh hưởng của mình khỏi Đông Dương, đồng thời bắt tay thực hiện những bước đầu tiên trong việc hình thành ách cai trị của chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Pháp phải ủng hộ phế truất vua Bảo Đại, trao trả độc lập, kể cả việc miền Nam Việt Nam rút lui khỏi Liên hiệp Pháp. Mặc dù mang màu sắc phi thực dân hóa, nhưng các công việc nội bộ của chính phủ bù nhìn do người Việt lãnh đạo hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của Mỹ.

Biết chắc chắn rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ thắng áp đảo nếu cuộc tổng tuyển cử theo thỏa thuận trong Hiệp định Geneva diễn ra, giới chức Mỹ đã lên kế hoạch ủng hộ chính quyền Sài Gòn không tuân theo hiệp định, sau đó viện trợ quân sự trực tiếp và ưu tiên các tập đoàn Mỹ nhảy vào chi phối kinh tế miền Nam Việt Nam. Tháng 8-1955, 10 tháng sau ngày các cánh quân cách mạng tiến vào Thủ đô, Ngô Đình Diệm công khai bác bỏ tổng tuyển cử.

Ngày đánh dấu sự chuyển giao hình thức đô hộ

Sau khi Pháp rút khỏi Thủ đô Hà Nội ngày 10-10-1954, chủ nghĩa thực dân kiểu cũ biến mất khỏi một nửa lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, khi người dân phía Bắc vĩ tuyến 17 giành lại những đồn điền, ruộng nương ngay trên quê hương của mình đã bị chiếm đoạt để phục vụ cho việc bóc lột tài nguyên, làm giàu của giới tư bản Pháp, nước Mỹ đã nhanh chóng nhảy vào thế chân, đặt ách cai trị lên phần còn lại của đất nước.

Giai đoạn “bản lề” này diễn ra với việc Mỹ lợi dụng thỏa thuận về tập kết, tái định cư, tích cực tuyên truyền, hỗ trợ tiền, máy bay, tàu biển, dụ dỗ hơn 1 triệu đồng bào di cư vào miền Nam. Số lượng lớn những người thuộc các dân tộc thiểu số, không việc làm, xa quê hương được tổ chức thành các đơn vị quân đội của chính quyền Sài Gòn.

Giới chủ Pháp trước khi rút khỏi miền Bắc cũng theo Mỹ tìm cách phá hủy hoặc di dời cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị vào miền Nam, vấp phải sự đấu tranh gay gắt của công nhân cách mạng.

Có phải VN đã rơi vào bẫy của một chủ nghĩa thực dân mới? Với nhiều nhà nghiên cứu, đã thấy rõ như thế.

Nhưng chủ nghĩa thực dân là gì?

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia giải thích, trích như sau:

“Chủ nghĩa thực dân là chính sách tạo dựng và duy trì hình thức thuộc địa của một người dân ở lãnh thổ này lên một lãnh thổ khác. Mẫu quốc là nước tuyên bố chủ quyền đối với những thuộc địa này. Cấu trúc xã hội, chính quyền và kinh tế của lãnh thổ bị quốc gia thực dân áp đặt thay đổi.

Chủ nghĩa thực dân thường dùng để nhắc đến một giai đoạn lịch sử từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 20 khi những người châu Âu tiến hành xây dựng các thuộc địa của mình tại các lục địa khác. Những lý do để thực hiện chính sách thực dân trong thời kỳ này bao gồm:

- Thu lợi về kinh tế.

- Mở rộng uy quyền của mẫu quốc.

- Trốn thoát sự ngược đãi tại mẫu quốc.

- Cải đạo cho người dân bản xứ sang tín ngưỡng của những người thực dân.”(hết trích)

Và Chủ nghĩa thực dân mới là gì?

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia giải thích:

“Chủ nghĩa thực dân mới là thuật ngữ chỉ việc sử dụng chủ nghĩa tư bản, toàn cầu hóa và các công cụ văn hóa để kiểm soát một quốc gia (thường là cựu thuộc địa của các cường quốc châu Âu ở châu Phi hoặc châu Á) thay vì kiểm soát trực tiếp quân sự hoặc chính trị. Việc kiểm soát có thể thông qua kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ; bằng cách thúc đẩy nền văn hóa riêng của một nhóm người, ngôn ngữ hoặc các phương tiện truyền thông ở thuộc địa, làm lan tràn các giá trị văn hóa kiểu phương Tây vốn xa lạ (thậm chí độc hại) vào các nước này. Các Tập đoàn tư bản đa quốc gia thông qua những tác động này sẽ tạo sức ép mở cửa thị trường và thực thi các chính sách có lợi cho họ ở những quốc gia này. Như vậy, mục tiêu cuối cùng của Chủ nghĩa thực dân mới cũng tương tự như chủ nghĩa tư bản, chính là lợi nhuận...

...Thuật ngữ Chủ nghĩa thực dân mới cũng có thể dùng để chỉ sự cai trị trực tiếp của một quốc gia lên một nước khác, vốn vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc cũng như sự can thiệp của các doanh nghiệp tư bản hiện đại vào các nước thuộc địa cũ. Những người chỉ trích Chủ nghĩa thực dân mới cho rằng các tập đoàn đa quốc gia vẫn tiếp tục khai thác các nguồn lực của các quốc gia cựu thuộc địa với giá rẻ mạt, và kiểm soát nền kinh tế của các nước này, tương tự như chủ nghĩa thực dân cổ điển vẫn tiến hành từ thế kỷ 16 đến 20. Trong phạm vi rộng hơn, thuật ngữ chỉ đơn giản là sự chi phối của các cường quốc vào công việc của các nước nhỏ, điều này đặc biệt đúng với Mỹ Latinh hiên nay. Theo nghĩa này, Chủ nghĩa thực dân mới ngụ ý một hình thức của "chủ nghĩa đế quốc kinh tế" hiện đại: các cường quốc có quyền hạn tối thượng với thuộc địa như của chủ nghĩa đế quốc...

...Khác với Chủ nghĩa thực dân cổ điển, Chủ nghĩa thực dân kiểu mới không tiến hành chiến tranh xâm lược, hoặc chỉ tiến hành gián tiếp thông qua chính phủ bù nhìn bản xứ mà nó dựng lên. Trên danh nghĩa, thực dân kiểu mới không trực tiếp dùn từ "thuộc địa" như thực dân cổ điển, và cũng không chính thức sát nhập nước thuộc địa vào lãnh thổ chính quốc. Thay vào đó, chính phủ bù nhìn sẽ giúp chính quốc kiểm soát, khống chế lãnh thổ và khai thác tài nguyên, trên danh nghĩa "hợp tác với đồng minh thân cận"...”(hết trích)

Như thế, Việt Nam đã rơi vào Chủ nghĩa thực dân mới như thế nào?

Bài viết tựa đề “Chiến Lược Thực Dân Kiểu Mới của Trung Quốc ở Việt Nam” của nhà nghiên cứu Minh Nam trên mạng viet-studies.info/ ghi nhận, trích như sau:

“...Chiến lược của Trung Quốc thường bao gồm các bước như sau.

Đầu tiên, Trung Quốc sẽ tuyên bố là không can thiệp vào công việc nội bộ của đối phương, nhưng đồng thời, thông qua các dự án kinh tế và các hỗ trợ tài chính, giúp phe thân Trung Quốc nắm quyền. Trung Quốc sẽ cô lập những cấp lãnh đạo thân Trung Quốc với nhân dân nhằm làm suy yếu tính chính danh của các cấp lãnh đạo này. Các cấp lãnh đạo này muốn giữ quyền do đó phải dựa vào nhóm thân Trung Quốc và do đó các cấp lãnh đạo sẽ bị gián tiếp điều khiển bởi Trung Quốc.

Bước tiếp theo, Trung Quốc giới thiệu mô hình kinh tế của mình như một mô hình mẫu để theo đuổi: mô hình kinh tế độc tài lãnh đạo. Trung Quốc giới thiệu mô hình này với mục đích khuyến khích các quốc gia độc tài tiếp tục duy trì thể chế độc tài, với mục tiêu để phát triển kinh tế. Nhưng bằng cách giúp duy trì một chế độ độc tài thân Trung Quốc như vậy, Trung Quốc dễ dàng tác động và thực thi các chính sách thực dân kiểu mới hơn. Các cấp lãnh đạo độc tài thân Trung Quốc do đó sẽ đóng vai trò như các thái thú của Trung Quốc.

Sau khi nắm được các cấp lãnh đạo, Trung Quốc sẽ cung cấp các khoản tín dụng “hỗ trợ” cho các nước này và các công ty Trung Quốc bắt đầu đổ vào thị trường. Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập và nước này nhanh chóng trở thành một thị trường tiêu thụ của Trung Quốc. Các doanh nghiệp của Trung Quốc, cùng với công nhân, theo vào các dự án của Trung Quốc, làm việc và khi xong hợp đồng sẽ tìm cách ở lại. Một mặt khác, các doanh nghiệp Trung Quốc được sự đỡ đầu của chính phủ Trung Quốc sẽ mua các mỏ quặng và tài nguyên với giá rẻ mạt do thông đồng với giới cầm quyền. Chính quyền độc tài địa phương hưởng lợi từ quan hệ Trung Quốc, khi Trung Quốc tuyên bố không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, ngược lại Trung Quốc hưởng lợi từ tài nguyên, các nước này là thị trường tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc, và hơn nữa, các chính quyền độc tài này là vây cánh ủng hộ Trung Quốc trên các mặt trận ngoại giao quốc tế.

Các nước độc tài này nghiễm nhiên trở thành một chư hầu của Trung Quốc dưới con mắt của thế giới và bị Trung Quốc khống chế về kinh tế, ngoại giao và chính trị.

Nhìn lại các chiến lược trên, hẳn các bạn sẽ giật mình rằng Việt Nam đã bị Trung Quốc đô hộ với mô hình thực dân kiểu mới từ rất lâu rồi. Mang giàn khoan vào biển chỉ là một trong những bước cuối cùng.”(hết trích)

Như thế, diễn tiến là tất yếu. Bây giờ, nếu không dựa vào sức toàn dân, hẳn là khó gỡ vòng Bắc thuộc vậy.