Đinh bộ lĩnh là con trai của ai

VHSG- Vụ việc cha con Đinh Tiên Hoàng bị ám sát, thực chất là một cuộc đảo chính tinh vi của bà Hoàng hậu Dương Vân Nga và Thập Đạo Tướng quân Lê Hoàn. Đôi tình nhân bất chính này đã câu kết với nhau, làm chuyện cướp ngôi một cách khéo léo. Chính sử không kết luận điều này, chỉ nói xa xôi. Dân gian trong dã sử thì nói rõ hơn…

Đinh bộ lĩnh là con trai của ai
Tượng thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư – Ninh Bình

Đinh Tiên Hoàng (vua đầu tiên của nhà Đinh). Ông Trần Trọng Kim, người biên soạn cuốn Việt sử lược bằng chữ Quốc ngữ cho rằng Đinh Tiên Hoàng tên thật là Đinh Hoàn. Tuy nhiên, cũng chưa có nguồn khả tín. Phần nhiều các thư tịch trước đây đều ghi nhận Đinh Tiên Hoàng tên húy là Đinh Bộ Lĩnh, sinh năm 923, quê ở Hoa Lư, châu Đại Hoàng, nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ngài là con trai của Thứ sử châu Hoan Đinh Công Trứ (tướng của Dương Đình Nghệ). Mẹ Ngài họ Đàm. Tuổi trẻ thông minh, linh hoạt, bản lĩnh, không muốn chịu khuất ai.

Ngài cùng con trai Đinh Liễn đầu quân cho Sứ quân Trần Lãm ở vùng Kỳ Bố (Kỳ Bá) hải khẩu, nay là thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Vì tài năng nổi trội, Đinh được Trần Lãm phong làm Bộ Lĩnh (Đinh Bộ Lĩnh). Trần Lãm trước khi mất, đã giao cả binh quyền cho Đinh Bộ Lĩnh. Bộ Lĩnh đem quân về Hoa Lư, cùng những người bạn cũ là Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú… xây dựng lực lượng chống nhau với hậu duệ của Ngô Vương Quyền là Ngô Xương Văn, hồi đó đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh – Hà Nội ngày nay).

Sau khi Ngô Vương Quyền mất, chính quyền trung ương của họ Ngô suy yếu. Anh hùng hào kiệt khắp nơi nổi lên cát cứ, sử gọi là loạn 12 sứ quân. Đinh Bộ Lĩnh giỏi cầm quân, lại được bạn bè, các tướng lĩnh tài năng như Đinh Liễn (con trai), Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lê Hoàn, Phạm Hạp, Phạm Cự Lạng… giúp sức, nhân dân trong vùng ủng hộ, đã đem quân đánh dẹp hết các Sứ quân khác, thống nhất thiên hạ, lên ngôi vua xưng là Vạn Thắng Minh hoàng đế, đóng đô ở Hoa Lư, đặt Quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Ngài cho đúc tiền đồng mang tên Thái Bình lưu hành trong nước. Đinh Bộ Lĩnh được tôn vinh là Vạn Thắng vương, ở ngôi được 12 năm (968-979). Ngài bị tên Thái giám Đỗ Thích ám sát cùng Thái tử Đinh Liễn năm Kỷ Mão (979).

Tóm tắt vụ án như sau:

1. ĐỖ THÍCH GIẾT VUA

Đỗ Thích là viên quan Thái giám trong triều. Sử chép, một hôm Đỗ Thích nằm mơ thấy một ngôi tướng tinh rơi vào miệng mình. Hắn nghĩ rằng có lẽ trời cho hắn làm vua. Mà muốn làm vua, thì phải giết vua Đinh thì mới có thể ngồi lên ngai vàng. Một hôm, cha con Đinh Tiên Hoàng uống rượu say ở vườn Thượng uyển, Đỗ Thích cầm dao giết vua, giết cả Thái tử Đinh Liễn. Xong việc, hắn trèo lên ẩn nấp ở trên rường nhà (có sách nói là hắn ẩn trên cái máng nước trên mái nhà trong cung). Quân lính phát hiện sự việc, cấp tốc báo cáo. Định Quốc Công Nguyễn Bặc đem quân cấm vệ lùng sục, bắt được Đỗ Thích, “băm nát hắn như bùn”. Sự kiện động trời này diễn ra vào năm 979…

Vua chết, Thái tử Đinh Liễn chết, bà Đại Thắng Minh hoàng hậu (Dương Vân Nga) đưa con trai là Đinh Toàn lên ngôi hoàng đế. Bà cũng cử Thập đạo tướng quân Lê Hoàn làm quan phụ chính. Sau đó, bà Dương Vân Nga chính thức lấy luôn Lê Hoàn làm chồng, lấy áo cẩm bào của con trai Đinh Toàn trao cho Lê Hoàn, chấm dứt triều đại nhà Đinh đang trên đà xây dựng và phát triển. Lê Hoàn lên làm vua, mở đầu triều Tiền Lê.

2. BÀ THÁI HẬU DƯƠNG VÂN NGA LÀ AI?

Một số tài liệu viết rằng bà Dương Vân Nga là hoàng hậu của hai đời vua, Đinh Tiên Hoàng và Lê Hoàn. Nhưng một số nhà nghiên cứu gần đây, đứng đầu là Tiến sĩ Đinh Công Vĩ thì cho rằng bà Dương Vân Nga, đã từng là vợ vua Ngô Xương Văn, sau mới là vợ vua Đinh Tiên Hoàng. Đến khi làm vợ vua Lê Hoàn, thì bà đã là 3 đời chồng, đều là vua cả. Vấn đề này, vẫn chưa được thống nhất.

Thực ra, Bà Dương Vân Nga chỉ là một cái tên theo dã sử mà thôi. Có thể bà là Dương Ngọc Vân gì đó, là con của Dương Tam Kha, hay của ông Dương Hiền ở Ninh Bình, cũng chưa được khẳng định. Tương truyền, cô gái họ Dương là tuyệt sắc giai nhân, có nước da và gương mặt rất khả ái. Quả là “Nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc” (Ngoái nhìn lần thứ nhất thì làm đổ thành trì, ngoảnh nhìn lần nữa thì đổ nước của người ta)… Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều, cũng đã “chôm” ý câu thơ này để viết: “Lạ cho cái sóng khuynh thành / Làm cho đổ quán xiêu đình như chơi”!…

Chính sử phê phán bà Dương Vân Nga rằng bà này “Đức hạnh kém”. Còn trong dân gian thì lưu truyền những câu chuyện ái tình linh tinh của bà hoàng hậu này. Có cả thơ ca hò vè chế diễu quan hệ lăng nhăng của bà. Ngay khi đã làm vợ vua Đinh Tiên Hoàng, bà Dương Vân Nga vẫn “thoải mái” tư thông với Thập Đạo Tướng quân Lê Hoàn. Và từ mối tình “ngoài luồng” này, mới là yếu tố quyết định nảy sinh những vấn đề mưu toan chính trị phức tạp lúc đương thời.

3. THỰC CHẤT VỤ ÁN GIẾT VUA CỦA ĐỖ THÍCH.

Đỗ Thích, chẳng qua chỉ là một tên hoạn quan nhỏ mọn. Hắn giết vua nhằm mục đích gì? Để chiếm lấy ngôi hoàng đế chăng? Đó chỉ là câu chuyện hoang đường. Thực ra, Đỗ Thích chỉ là một con tốt trong ván cờ chiến lược, tranh giành ngôi báu mà thôi. Người ta dễ dàng nhận ra những người chủ mưu ám sát vua Đinh và con trai lớn của ngài là Đinh Liễn, chẳng phải là bà Dương Vân Nga đồng mưu với người tình là Thập Đạo Tướng quân Lê Hoàn, thì còn là ai nữa? Chuyện trao áo cẩm bào (ngôi vị của Đinh Toàn), chẳng qua cũng chỉ là câu chuyện tô vẽ lên cho nó đẹp đẽ, nhằm che giấu sự thật đen tối mà thôi.

Ngày nay thì chúng ta đã “thơ hóa” sự việc, kể cả trên tất cả các loại hình nghệ thuật, ca ngợi bà Thái hậu Dương Vân Nga trao áo hoàng bào cho Lê Hoàn, là vì đại sự quốc gia, là đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi dòng họ. Mục đích thì rất tốt, nhưng nó lại không đúng với sự thật lịch sử…

Đinh bộ lĩnh là con trai của ai
Nhà văn, nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

Bà Dương Vân Nga đã có kế hoạch rất tinh vi nhằm lật đổ nhà Đinh. Được vua Đinh sủng ái, tay ấp má kề, không thể không có chuyện thỏ thẻ trong phòng the. Có thể suy đoán không sai rằng, bà hoàng hậu này muốn diệt trừ nhà Đinh, thì phải bắt đầu từ Thái tử Đinh Liễn.

Đinh Liễn đã lớn tuổi, lại là người từng trải, có nhiều công lao trong việc giúp cha mình đánh bại 12 sứ quân, lập nên nhà nước phong kiến quân chủ độc lập. Năm Nhâm Thìn (972), Nam Việt vương Đinh Liễn được cử đi sứ sang nhà Tống. Năm ấy, nhà Tống phong cho Đinh Tiên Hoàng là Giao Châu quận vương. Đinh Liễn được nhà Tống phong làm Kiểm Hiệu thái sư, rồi thì cả chức Tĩnh Hải quân Tiết Độ sứ. Năm 975, nhà Tống lại sai sứ giả sang gia phong cho Đinh Liễn làm Giao Chỉ quận vương. Việc bang giao với nhà Tống, Đinh Tiên Hoàng giao phó cả cho Đinh Liễn. Việc Đinh Liễn kế vị ngai vàng, đương nhiên là “hợp hiến” và hoàn toàn chắc chắn. Nếu như Thái tử Đinh Liễn kế vị ngai vàng, thì câu chuyện sẽ không có gì để nói. Nhà Đinh sẽ còn tiếp tục phát triển và hưng thịnh. Đằng này thì không!

Thế nên, Đinh Liễn sẽ là mục tiêu đầu tiên làm rối loạn mọi việc. Không biết bà Hoàng hậu Dương Vân Nga thỏ thẻ với Đinh Tiên Hoàng thế nào, khiến Đinh Tiên Hoàng bỗng nhiên đổi ý, phong cho Hạng Lang còn nhỏ làm Thái Tử. Đinh Liễn mất cơ hội làm vua. Căm giận quá, Nam Việt vương Đinh Liễn liền giết chết Hạng Lang, vào năm Kỷ Mão (979).

Đỗ Thích giết cha con Đinh Tiên Hoàng cũng năm này (979). Bà Dương Vân Nga đưa Đinh Toàn (974-1001) mới 6 tuổi lên làm vua. Tạm yên rồi, tám tháng sau thì bà Vân Nga cùng Lê Hoàn hạ Đinh Toàn xuống ngôi vương (Vệ vương) để Lê Hoàn thay thế.  Đinh Toàn cũng bị “hy sinh” trong một cuộc đi dẹp loạn, hưởng dương 27 tuổi. Thế là triều nhà Đinh chấm dứt, để lại nhiều nghi vấn trong dân gian. Các quan trụ cột của triều Đinh, như Đinh Điền, Phạm Hạp, Nguyễn Bặc tức giận đem quân chống lại. Tuy nhiên, họ đều thất bại và bị giết cả. Một chi họ Phạm dòng dõi Phạm Hạp chạy ra vùng Sơn Nam Hạ, đổi sang họ Trần. Nhà thơ, Tiến sĩ Trần Đăng Thao quê huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam ngày nay, gốc họ Phạm là như thế đấy!

Dân gian hiểu rõ điều này, nên các nghệ nhân thời ấy, dẫu không dám nói thẳng ra sự thật, nhưng họ cũng gửi gắm cái ý chê bai vào các tác phẩm nghệ thuật. Ví như cái Long sàng bằng đá ở Hoàng cung cố đô Hoa Lư, nghệ nhân chạm khắc cả chim chuột bên thành chiếc giường của nhà vua để ngầm chế diễu. Hoặc ví như, khi làm bức tượng của bà Dương Vân Nga, ngồi bên cạnh Đinh Tiên Hoàng, nghệ nhân đã tô gương mặt bà Hoàng hậu này bằng màu son đỏ, ngầm thể hiện rằng bà Hoàng hậu này đã làm nhiều việc xấu, phải đỏ mặt xấu hổ đến muôn đời…

Dân thấp cổ bé họng, nhưng trí tuệ của họ thì chớ nên xem thường vậy!

Tóm lại, vụ việc cha con Đinh Tiên Hoàng bị ám sát, thực chất là một cuộc đảo chính tinh vi của bà Hoàng hậu Dương Vân Nga và Thập Đạo Tướng quân Lê Hoàn. Đôi tình nhân bất chính này đã câu kết với nhau, làm chuyện cướp ngôi một cách khéo léo. Chính sử không kết luận điều này, chỉ nói xa xôi. Dân gian trong dã sử thì nói rõ hơn.

Vậy tại sao Lê Hoàn vẫn được tôn vinh như ngày nay? Sự thật là nhân nội tình nước Đại Cồ Việt rối loạn như vậy, nhà Tống mới đem quân sang xâm lược. Họ bị vua Lê Hoàn cùng các tướng lĩnh bày trận trên sông Bạch Đằng, đóng cọc gỗ như ở thời Ngô Quyền năm 938 đánh bại. Công đầu chính là đại tướng Phạm Cự Lạng (Lượng). Công lao chống xâm lược của Lê Hoàn bao trùm lên tất cả, cho nên câu chuyện đảo chính kia bị thời gian mờ ảo che khuất. Hàng nghìn năm đã trôi qua, người đời sau chỉ biết Lê Hoàn là anh hùng dân tộc chống xâm lăng. Hình ảnh bà Hoàng hậu Dương Vân Nga được thơ hóa, thành một con người khác, một người phụ nữ được hiểu như một nhân cách lớn, sừng sững trong lòng dân, như một biểu tượng đẹp đẽ.

Năm tháng đã qua rồi, chúng tôi không hề muốn “bới bèo ra bọ”, nhưng đời sau cũng nên suy ngẫm về các nhân vật lịch sử, nhìn nhận, đánh giá  nó cho công minh mà rút ra những bài học cần thiết. Thế thôi!

VŨ BÌNH LỤC