Korea có nghĩa là gì

Cô gái Canada yêu Việt Nam sau 150 ngày vòng quanh thế giới

Sau 5 tháng lênh đênh trên biển và đến thăm nhiều quốc gia, nữ sinh người Canada đã có những trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên, cô lỡ "phải lòng" Việt Nam chỉ sau vài ngày tiếp xúc.

Khám phá thiên đường du lịch nổi tiếng qua phim ảnh ở Hàn Quốc

Đảo Nami, làng Minsok hay vườn Morning Calm là 3 trong số những địa điểm du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc từng xuất hiện trong các bộ phim truyền hình đình đám của xứ sở kim chi.





Mục lục

  • 1 Quốc hiệu
    • 1.1 Tại bán đảo Triều Tiên
    • 1.2 Trên toàn cầu
    • 1.3 Tại Việt Nam
  • 2 Lịch sử
    • 2.1 Thời kỳ cổ đại
    • 2.2 Thời kỳ cận đại
    • 2.3 Thời kỳ hiện đại
      • 2.3.1 Thành lập Dân Quốc
      • 2.3.2 Thời kỳ độc tài quân sự
      • 2.3.3 Chính phủ dân sự
    • 2.4 Khôi phục và phát triển kinh tế
      • 2.4.1 Chính sách độc tài khắc khổ
      • 2.4.2 Tham chiến tại Nam Việt Nam
      • 2.4.3 Hỗ trợ từ Nhật Bản và Hoa Kỳ
      • 2.4.4 Cải cách văn hóa - xã hội
      • 2.4.5 Thành quả
      • 2.4.6 Sự hình thành Chaebol
  • 3 Địa lý
    • 3.1 Khái quát
    • 3.2 Địa hình
    • 3.3 Khí hậu
    • 3.4 Môi trường
  • 4 Hành chính
  • 5 Chính trị
  • 6 Quân sự
  • 7 Ngoại giao
    • 7.1 Khái quát
    • 7.2 CHDCND Triều Tiên
    • 7.3 Nhật Bản
      • 7.3.1 Chiến tranh thương mại
      • 7.3.2 Chính sách kiểm duyệt
    • 7.4 Trung Quốc
    • 7.5 Việt Nam
    • 7.6 Liên minh châu Âu và G7
    • 7.7 Nga
    • 7.8 Hoa Kỳ
  • 8 Xã hội
    • 8.1 Dân cư, nhân khẩu và sắc tộc
    • 8.2 Tình trạng già hóa dân số
    • 8.3 Vấn nạn "hôn nhân mua bán"
    • 8.4 Quá trình di dân
    • 8.5 Áp lực cuộc sống và nạn tự sát
    • 8.6 Tôn giáo
    • 8.7 Thành tựu
  • 9 Giáo dục
  • 10 Y tế và chăm sóc sức khỏe
  • 11 Kinh tế
  • 12 Du lịch
  • 13 Truyền thông
  • 14 Giao thông
  • 15 Khoa học và công nghệ
    • 15.1 Thời kỳ cổ đại
    • 15.2 Thời kỳ hiện đại
  • 16 Văn hóa
    • 16.1 Khái quát
    • 16.2 Ngôn ngữ
    • 16.3 Nghệ thuật
    • 16.4 Kiến trúc
    • 16.5 Văn học
    • 16.6 Ẩm thực
    • 16.7 Âm nhạc và giải trí
    • 16.8 Điện ảnh
  • 17 Thể thao
  • 18 Những ngày lễ lớn
  • 19 Xem thêm
  • 20 Ghi chú
  • 21 Tham khảo
  • 22 Đọc thêm
  • 23 Liên kết ngoài

Quốc hiệu

Tại bán đảo Triều Tiên

Những tên gọi "Đại Hàn" (Daehan, Taehan), "Triều Tiên" (Joseon, Chosŏn), "Hàn Quốc" (Han'guk), "Nam Hàn" (Namhan), "Nam Triều Tiên" (Namjoseon) hay "Bắc Hàn" (Buk'han), "Bắc Triều Tiên" (Bukjoseon) tuy khác nhau, phức tạp và đa dạng trong tiếng Việt nhưng khi sử dụng quốc tế hoặc dịch sang các ngôn ngữ phương Tây thì đều được dịch giống nhau, ví dụ; tiếng Anh dịch thành "Korea", tiếng Pháp dịch là "Corée", tiếng Nga dịch là "Корея" (chuyển tự Latinh: Koreya), tiếng Tây Ban Nha dịch là "Corea",... Cách dùng này bắt nguồn từ quốc hiệu "Cao Ly" (고려/高麗/Goryeo/Koryŏ) của nhà nước từng tồn tại trên bán đảo từ năm 918 đến 1392. Trong thời kỳ này, tên gọi "Cao Ly – Korea" đã thông qua những thương nhân người Ả-Rập mà lan rộng, truyền bá đến châu Âu.

Từ năm 1392, bán đảo nằm dưới sự cai trị của nhà Triều Tiên (Joseon/Chosŏn/조선/朝鮮/대조선국/大朝鮮國). Kể từ đó, cái tên "Triều Tiên" được dùng làm quốc hiệu để chỉ chung cho toàn bộ dân tộc sinh sống trên bán đảo. Giai đoạn 1897-1910, phong trào Đông Học nổ ra kết hợp với Cải cách Quang Vũ của vua Cao Tông, bán đảo chuyển sang dùng danh xưng "Đế quốc Đại Hàn" (Daehan Jeguk/대한제국/大韓帝國). Giai đoạn 1910-1945, sau khi ký kết các hiệp ước bất bình đẳng, bán đảo chịu sự chi phối và là một phần trong lãnh thổ Đế quốc Nhật Bản. Sau khi hai miền đất nước bị chia cắt vào năm 1945, vùng lãnh thổ phía Bắc chọn lại quốc hiệu cũ, gọi chính thể của mình là "Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên" (Chosŏn Minjujuŭi Inmin Konghwaguk/조선민주주의인민공화국/朝鮮民主主義人民共和國), vùng lãnh thổ phía Nam chọn quốc hiệu "Đại Hàn Dân Quốc" (Daehan Min'guk/대한민국/大韓民國), gọi tắt là "Hàn Quốc" (Han'guk/한국/韓國) - tiếp tục kế thừa "Đại Hàn Đế Quốc". Trong đó, chữ "Dân Quốc" (Min'guk/민국/民國) trong "Đại Hàn Dân Quốc" được lấy theo quốc hiệu của Trung Hoa Dân Quốc (Zhōnghuá Mínguó/中華民國), khi dịch sang các ngôn ngữ phương Tây thì cũng được dịch tương đương như "Cộng hoà Quốc" (Konghwaguk/공화국/共和國, nước Cộng hoà). Trong tiếng Anh, "Dân Quốc" và "Cộng hoà Quốc" đều được dịch là "Republic", tiếng Pháp dịch là "République", tiếng Tây Ban Nha là "República" còn tiếng Nga là "Республика" (chuyển tự Latinh: Respublika).

Trên toàn cầu

Phía Hàn Quốc luôn yêu cầu đơn vị truyền thông cùng các cơ quan quốc tế khi đề cập tới "Hàn Quốc" hay "Đại Hàn Dân Quốc" thì hạn chế dùng "South Korea" (Nam Cao Ly) mà phải sử dụng quốc hiệu "Republic of Korea" hoặc "Korea Republic" (Cộng hòa Cao Ly), nếu gọi ngắn thì chỉ dùng "Korea" (Cao Ly). Tuy nhiên, "South Korea" lại khá phổ biến trong tiếng Anh thường nhật vì được sử dụng để phân biệt với "North Korea" (Bắc Cao Ly/Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên). Bên cạnh đó, các bản đồ chính thức ở cả Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc đều không vẽ giới tuyến phi quân sự mà gộp chung lãnh thổ vào làm một, nhằm thể hiện rằng hai miền về bản chất vẫn là một dân tộc và lãnh thổ Đại Hàn/Triều Tiên/Cao Ly là của chung.

Tại Việt Nam

Trong quá khứ, quốc hiệu của Đại Hàn Dân Quốc ở Việt Nam thường được gọi bằng các tên gọi như: Đại Hàn, Nam Hàn (theo cách gọi tắt từ phía chính quốc và Trung Hoa Dân Quốc), Nam Triều Tiên (theo cách gọi của phía Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên) hay Cộng hòa Triều Tiên (theo cách gọi của phía Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trước năm 1992). Trong thời kỳ chia cắt (1954-1976), báo chí và truyền thông của Việt Nam Cộng hòa (trước đó là Quốc gia Việt Nam) gọi chính thể này là "Đại Hàn". Sau năm 1975, nhà nước Việt Nam thống nhất sử dụng tên gọi "Nam Triều Tiên" giống như cách gọi "Bắc Triều Tiên".

Ngày 23 tháng 3 năm 1994, bằng công hàm số KEV-398 gửi Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đại sứ quán nước này đề nghị phía Việt Nam gọi chính thể của mình là "Đại Hàn Dân Quốc", gọi tắt là "Hàn Quốc" (từ "Hàn" ở đây không phải "Lạnh" mà là ký âm tự của từ "Han" trong tiếng Hàn Quốc cổ, có nghĩa là "Lớn"), không sử dụng các tên gọi cũ như "Cộng hoà Triều Tiên" hoặc "Nam Triều Tiên" nữa vì "Triều Tiên" gợi nhắc đến danh xưng của miền Bắc (Bắc Triều Tiên). Đáp lại, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra công văn số 733/ĐBA-NG ngày 21 tháng 4 năm 1994 gửi tất cả các cơ quan bộ, ngành, tổng cục thông tin, truyền thông cùng ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam yêu cầu: "Từ nay gọi chính thể Nam Triều Tiên là "Đại Hàn Dân Quốc", gọi tắt là "Hàn Quốc", không dùng các tên gọi cũ như Cộng hoà Triều Tiên, Nam Triều Tiên hay Nam Hàn nữa".[50] Danh xưng "Nam Triều Tiên" hiện nay chỉ còn được truyền thông của phía Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sử dụng do nước này không công nhận tuyên bố chủ quyền của Hàn Quốc.

Trong đời sống thường nhật, tên gọi Hàn Quốc trong khẩu ngữ của người Việt - đặc biệt là thế hệ trẻ; thường được gọi tắt là "Hàn", tương tự như cách gọi Trung (Trung Quốc), Nhật (Nhật Bản), Sing (Singapore), Đài (Đài Loan) hay Thái (Thái Lan),...

Lịch sử

Thời kỳ cổ đại

Các di chỉ khảo cổ học đầu tiên thuộc về thời kỳ Jeulmun

Những nghiên cứu, bằng chứng khoa học và chứng cứ khai quật khảo cổ học cho thấy rằng bán đảo Triều Tiên đã có xuất hiện con người sinh sống ngay từ thời đại đồ đá cũ.[51] Di chỉ khảo cổ học cùng các địa điểm định cư sớm nhất của con người tại đây trong thời kỳ Jeulmun và thời kỳ Mumun được phát hiện ở phía nam bán đảo.

Lịch sử Triều Tiên cổ đại bắt đầu với sự thành lập của nhà nước Cổ Triều Tiên bởi Đàn Quân vào khoảng năm 2333 TCN; sau đó là giai đoạn tiền Tam Quốc với hàng loạt bộ lạc, tiểu quốc nhỏ phân tranh. Chế độ quân chủ của các quốc gia trên bán đảo có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc khi quyền cai trị thuộc về các triều đại phong kiến chuyên chế kế tập, Phật giáo Trung Hoa cùng Đạo giáo của Lão Tử có tầm ảnh hưởng lớn và Nho giáo của Khổng Tử được lấy làm nền tảng tư tưởng gốc rễ cho toàn xã hội. Trong thời kỳ Tam Quốc, dưới triều đại Quảng Khai Thổ Thái Vương của Cao Câu Ly, lãnh thổ của ông được mở rộng sau một loạt chiến dịch quân sự nhằm chinh phục các tiểu quốc thành công, hình thành nên một trong những Đế quốc rộng lớn nhất Đông Bắc Á đương thời.[52][53] Sau Tam Quốc, Nam-Bắc Quốc và hậu Tam Quốc, bán đảo Triều Tiên tiếp tục trải qua triều đại Cao Ly và nhà Triều Tiên với vị thế là một đất nước độc lập cho đến cuối thời kỳ của Đế quốc Đại Hàn.

Thời kỳ cận đại

Ất Mùi sự biến trên tuần báo Pháp Le Journal illustré

Nhật Bản tấn công đảo Ganghwa

Phong trào 1 tháng 3 ở Seoul - cuộc cách mạng tư sản đầu tiên

Bước sang thời kỳ cận đại, Hoàng tộc Triều Tiên dưới quyền chi phối và lãnh đạo chuyên chính của Hưng Tuyên Đại Viện Quân đã thực thi chính sách "Bế quan tỏa cảng", tự cô lập đất nước cũng như thẳng tay đàn áp Thiên Chúa giáo.[54] Trong khi đó tại quốc gia láng giềng Nhật Bản, sau thất bại của Mạc phủ Tokugawa trong chiến tranh Mậu Thìn dẫn đến sự kết thúc của chế độ Shōgun, thành công của công cuộc Minh Trị Duy tân, chấm dứt chủ nghĩa Tỏa Quốc cùng chiến thắng trong các cuộc chiến tranh Thanh–Nhật, chiến tranh Nga–Nhật và chiến tranh thế giới thứ nhất đã trở thành một thế lực mới, dần thay thế phương Bắc mở rộng ảnh hưởng lên Triều Tiên.

Về chính trị, vào ngày 8 tháng 10 năm 1895, giới cầm quyền Nhật giật dây vụ ám sát Hoàng hậu Minh Thành - nhân vật có tư tưởng cải cách duy tân cùng nhiều chính sách ngoại giao tiến bộ hiếm hoi trong Hoàng thất Triều Tiên, người được xem là rào cản duy nhất đối với tham vọng sáp nhập bán đảo của đế quốc Nhật Bản. Về quân sự, Hải quân Nhật Bản sử dụng "Ngoại giao pháo hạm" - mở đầu bằng sự kiện chiến hạm Unyō tấn công đảo Ganghwa (20/9/1875), gây áp lực buộc nhà Triều Tiên phải mở cửa các hải cảng đồng thời nhanh tay kiểm soát vùng lãnh thổ này trước các đế quốc phương Tây - khởi đầu bằng Điều ước bất bình đẳng Nhật–Triều (26/2/1876). Cuối cùng, sau sự kiện Thủ tướng Nhật Bản Itō Hirobumi bị nhà cách mạng An Jung-geun ám sát tại nhà ga Cáp Nhĩ Tân (26/10/1909).[55] Đế quốc Nhật Bản sử dụng vũ lực để sáp nhập bán đảo, quân phiệt Nhật cùng với các lực lượng tay sai, nội gián bản địa do chính phủ Yi Wan-yong đứng đầu ép vua Thuần Tông ký kết Nhật–Triều Tịnh Hợp điều ước 1910 (Điều ước Sáp nhập hay "Hiệp ước quốc sỉ" - theo cách gọi của các thế hệ người Hàn Quốc sau này), trực tiếp kiểm soát bán đảo trong vòng 35 năm (1910-1945), giai đoạn này được gọi là Triều Tiên thuộc Nhật.

Thời kỳ hiện đại

Thành lập Dân Quốc

Nhật Bản bàn giao chính quyền cho quân đội Hoa Kỳ tại Seoul (9/9/1945)

Lễ thành lập nhà nước Đại Hàn Dân Quốc (15/8/1948)

Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến tranh Triều Tiên (2010)

Thời kỳ Đế quốc Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên chấm dứt sau khi đế quốc này bại trận trong chiến tranh Thái Bình Dương vào giai đoạn cuối của chiến tranh thế giới thứ hai và đầu hàng, bán đảo được quân đội Đồng Minh giải phóng và theo thoả thuận của Hội nghị Yalta, Triều Tiên bị chia cắt thành hai vùng tập kết quân sự bởi Liên Xô cùng Hoa Kỳ, Liên bang Xô viết chiếm đóng miền Bắc cho đến vĩ tuyến 38 trong khi Hoa Kỳ chiếm đóng từ vĩ tuyến 38 về phía Nam, hai siêu cường sau đó đã không thể đạt được đồng thuận về việc áp dụng Đồng uỷ trị ở Triều Tiên.

Tháng 11 năm 1947, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đề ra giải pháp nhằm tiến hành tổng tuyển cử tại Triều Tiên dưới sự hỗ trợ của Ủy ban Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, các chính phủ lâm thời tại hai miền đã khước từ việc này, Liên Hợp Quốc sau đó tiếp tục đưa ra một giải pháp khác kêu gọi bầu cử ngay tại địa phương nhưng những hoạt động bầu cử độc lập riêng rẽ đầu tiên đã được tiến hành ngay từ ngày 10 tháng 5 năm 1948 tại các tỉnh phía nam vĩ tuyến 38, điều này dẫn tới việc thành lập nhà nước Đại Hàn Dân Quốc do Lý Thừa Vãn đứng đầu, sau đó đáp lại, miền Bắc cũng tiến hành tổ chức bầu cử, chính phủ và nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ra đời; do Kim Nhật Thành lãnh đạo, mỗi bên đều tuyên bố mình là chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn bộ bán đảo. Trong khi Bắc Triều Tiên chịu sự ảnh hưởng của ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa và được sự hậu thuẫn từ phía Liên Xô, Trung Quốc và Khối các quốc gia xã hội chủ nghĩa thì ngược lại, Nam Triều Tiên được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, điều này khiến cho những mâu thuẫn chính trị - xã hội giữa hai miền vốn đã trong tình trạng căng thẳng, nay càng trở nên nghiêm trọng và gay gắt. Các xung đột dẫn đến kết cục là Chiến tranh Triều Tiên khi quân đội Bắc Triều Tiên vượt vĩ tuyến 38, cáo buộc miền Nam vi phạm trước và tổng tấn công, Hoa Kỳ cùng Liên Hợp Quốc tham chiến hỗ trợ Đại Hàn Dân Quốc còn hậu thuẫn Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là Liên Xô, Trung Quốc và Khối Xã hội chủ nghĩa. Cuộc chiến kéo dài tới ngày 27 tháng 7 năm 1953 và chỉ tạm dừng khi các bên ký kết Thoả thuận đình chiến tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm thuộc Khu phi quân sự Triều Tiên, vĩ tuyến 38 chia cắt bán đảo Triều Tiên vĩnh viễn từ đó. Chiến tranh Triều Tiên khiến cho hơn 3 triệu người thiệt mạng và hàng chục triệu người khác bị ảnh hưởng, rất nhiều người dân, binh lính, quân nhân bị thương tật, một số khác thì bị mất nhà cửa hoặc chia lìa vĩnh viễn những người thân trong gia đình, cuộc chiến này còn tiêu tốn của các bên số tiền lên tới hơn 30 tỷ đô la Mỹ vào thời điểm những năm 1950-53, tương đương khoảng 325 tỷ theo thời giá ước đoán hiện nay.[56]

Sau chiến tranh, Bắc Triều Tiên tuyên bố tiếp tục theo đuổi "sự nghiệp thống nhất đất nước" trên cơ sở lập luận "một Triều Tiên", không công nhận chính phủ Hàn Quốc và chọn con đường thống nhất bằng "Cách mạng Xã hội chủ nghĩa". Ngược lại, phía Hàn Quốc cũng coi chính phủ của mình là chính thể có chủ quyền hợp pháp duy nhất trên toàn bộ bán đảo Triều Tiên đồng thời không công nhận Bắc Triều Tiên. Những quan điểm cứng nhắc, không nhân nhượng lẫn nhau khiến cho quá trình hòa giải giữa hai bên không thể thực hiện được cho đến thập niên 1960. Đầu thập niên 1970, quan hệ hai miền dần cải thiện, hai bên chính thức công nhận chính phủ của nhau. Năm 1991, hai nhà nước được mời gia nhập Liên Hợp Quốc cùng một lúc. Hàn Quốc là quốc gia đầu tư kinh tế và hoạt động chủ yếu, tích cực nhất trong chiến dịch viện trợ lương thực giúp Bắc Triều Tiên vượt qua nạn đói thập niên 1990 thông qua Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc.

Thời kỳ độc tài quân sự

Park Chung-hee (giữa) trong cuộc đảo chính 16 tháng 5

Park Chung-hee xây dựng hình ảnh thông qua sự sùng bái cá nhân

Quá trình dân chủ hoá của Hàn Quốc bị thấm đẫm bởi máu, xung đột và bạo lực. Lý Thừa Vãn sau khi nắm quyền lực đã cho thực thi một chính sách cai trị độc tài, đàn áp quyết liệt, thẳng tay đối với những người cánh tả, thậm chí còn sát hại không ít nhân vật bất đồng chính kiến. Bên cạnh đó, bộ máy quản lý đất nước do ông xây dựng bị nạn tham nhũng đục khoét, tàn phá nặng nề, kinh tế trì trệ, phát triển chậm chạp. Năm 1960, Lý Thừa Vãn đối mặt làn sóng bất bình cực lớn của người dân. Cuối cùng, ông phải rời bỏ nhiệm sở, lên máy bay chạy sang Honolulu (Hoa Kỳ) và sống tị nạn tại đây cho tới cuối đời. Hiện nay, dư luận cùng giới chuyên gia ở Hàn Quốc vẫn đánh giá về Lý Thừa Vãn rất tiêu cực.[57]

Chính phủ dân sự ngắn ngủi kế nhiệm của Phó Tổng thống Chang Myon bị lật đổ sau cuộc đảo chính của tướng Park Chung-hee vào ngày 16 tháng 5 năm 1961. Năm 1963, Park Chung-hee kiểm soát chính phủ và chính thức lên nắm quyền tổng thống, trở thành nhà lãnh đạo thứ ba cũng như độc tài thứ hai của Hàn Quốc.

Thông qua hoạt động của Hiệp hội kêu gọi tái thiết quốc gia, Park Chung-hee đã giải tán quốc hội cùng các đảng phái chính trị đối lập đang hoạt động, đồng thời thẳng tay đàn áp những phong trào chống đối. Park Chung-hee ban hành loạt sắc lệnh cấm công nhân tổ chức mít tinh, biểu tình, diễu hành. Ông còn cài cắm lực lượng mật thám, nhân viên thân tín của chính phủ vào bên trong nội bộ các tổ chức công đoàn công nhân để giám sát và rồi dần dần kìm hãm phong trào đấu tranh của họ. Bên cạnh đó, về chính sách đối ngoại, quân đội Hàn Quốc được Park Chung-hee gửi sang chiến đấu cùng với Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam và cũng là lực lượng chính tiến hành các vụ đàn áp, bắt bớ, thủ tiêu, do thám trong nước theo mệnh lệnh của Park.[57]

Trong suốt thập niên 1960, chính phủ của Park Chung-hee có xu hướng đàn áp thô bạo ngày càng gia tăng. Năm 1971, Park Chung-hee đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia "dựa trên thực tế nguy hiểm của tình hình quốc tế". Tới tháng 10 năm 1972, ông lại khởi xướng một cuộc đảo chính để tự giải thể quốc hội, đình chỉ hiến pháp, dọn đường để bản thân lên nắm quyền lực thông qua bản Hiến pháp Duy Tân vào tháng 11 và sau đó là một cuộc trưng cầu dân ý bị đánh giá, chỉ trích là gian lận nặng nề, theo đó, hiến pháp mới chính thức chấm dứt bầu cử dân chủ trực tiếp đồng thời suy tôn Park Chung-hee làm "Tổng thống trọn đời". Park bị chỉ trích là một nhà độc tài quân sự tàn nhẫn, thế nhưng đổi lại, nền kinh tế Hàn Quốc đã được cải thiện rất đáng kể dưới nhiệm kỳ của Park. Chính phủ của ông đã phát triển một hệ thống đường cao tốc trên toàn quốc, hệ thống tàu điện ngầm Seoul và đặt nền tảng to lớn, vững chắc cho sự chuyển biến thần kỳ, mạnh mẽ của đất nước Hàn Quốc trong những thập niên sau đó.

Ngày 16 tháng 10 năm 1979, tại trường Đại học Busan, một nhóm sinh viên đã xuống đường kêu gọi chấm dứt chế độ độc tài. Làn sóng biểu tình nhanh chóng lan rộng, buổi tối hôm đó đã có tới hơn 50.000 người tụ tập ở phía trước của hội trường thành phố Pusan. Trong hai ngày tiếp theo, một số văn phòng công cộng đã bị tấn công và khoảng 400 người biểu tình bị bắt giữ. Vào ngày 18 tháng 10, chính phủ Park Chung-hee tuyên bố thiết quân luật tại Pusan. Thế nhưng các cuộc biểu tình đã lan tới thành phố Masan, đặc biệt là ở trường Đại học Tổng hợp Kyungnam. Bạo lực leo thang với các cuộc tấn công vào các đồn cảnh sát và trụ sở các cơ quan của đảng cầm quyền trong thành phố. Khủng hoảng xã hội khiến nội bộ giới cầm quyền bị rạn nứt. Ngày 26 tháng 10 năm 1979, Park Chung-hee bị bắn chết bởi Kim Jae-gyu, đương kim Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc và nhóm của mình. Ngay sau đó, Kim Jae-gyu cùng đồng phạm bị tử hình bằng hình thức treo cổ, nhưng cho đến tận ngày nay, một Uỷ ban đặc biệt của chính phủ vẫn đang phải phải tiếp tục thảo luận về việc có nên coi Kim Jae-gyu là người góp công cho quá trình dân chủ hoá của Hàn Quốc hay không.

Thời đại Park Chung-hee kết thúc trong bạo lực và bất ổn xã hội. Một chính phủ tạm thời được thành lập, đất nước bị đặt trong tình trạng thiết quân luật. Bản thân Park Chung-hee chết do bị ám sát bởi một quan chức thân tín phản bội. Sự nghiệp chính trị của ông cũng bị hoen ố vì độc tài và ngày nay, nhiều người Hàn Quốc căm ghét Park Chung-hee dù ông có công rất lớn trong việc xây dựng và tái thiết lại đất nước sau chiến tranh. Khi Roh Moo-hyun lên làm Tổng thống vào năm 2003, chính phủ vẫn phải tiếp tục ban hành các đạo luật mới và thành lập các uỷ ban điều tra về tình trạng bạo lực dưới thời Park Chung-hee. Tuy vậy, trong một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu và phân tích thông tin Gallup vào năm 2015 tại Hàn Quốc, Park Chung-hee đã được bình chọn là "Tổng thống vĩ đại nhất" trong lịch sử nước này (với tỷ lệ bình chọn là 44%).[58]

Hội trường Tưởng niệm ở Nghĩa trang Dân chủ 18 tháng 5, nơi chôn cất thi thể các nạn nhân của vụ thảm sát Gwangju

Phòng tưởng niệm Park Jong-cheol ở Namyeong, Seoul

Năm 1980, tướng Chun Doo-hwan được một hội đồng quân sự bầu lên làm tổng thống. Ngày 18 tháng 5 năm 1980, tại thành phố Gwangju - thủ phủ của tỉnh Jeolla Nam đã xảy ra Phong trào dân chủ Gwangju - khi người dân địa phương tổ chức đánh cướp kho vũ khí của các trạm cảnh sát để chống lại lực lượng cảnh sát của chính phủ Chun Doo-hwan sau khi lực lượng này đàn áp tàn bạo một cuộc biểu tình ôn hòa đòi cải cách nền dân chủ cũng như đòi quyền tự do bầu cử của sinh viên địa phương.[59][60] Quân đội với vũ khí sát thương hạng nặng đã được điều động đến. 4 giờ sáng ngày 27 tháng 5 năm 1980, quân đội từ 5 hướng tiến vào trung tâm thành phố và đánh bại hoàn toàn lực lượng dân quân chỉ trong vòng 90 phút. Trong sự kiện này, quân đội Hàn Quốc được cho là đã nổ súng bắn chết khoảng từ 1.000 tới 2.000 thường dân.[61][62]

Phong trào Dân chủ Tháng Sáu

Sau khi đàn áp hoàn toàn cuộc nổi dậy của người dân trong cuộc thảm sát Gwangju, Chun Doo-hwan trở thành nhà lãnh đạo thứ năm cũng như độc tài thứ ba trong lịch sử chính trị Hàn Quốc. Cũng giống như người tiền nhiệm Park Chung-hee, Chun bắt đầu tiến hành kiểm soát đất nước một cách chặt chẽ hơn, ông ta loại bỏ hoàn toàn các chính trị gia đối lập khỏi chính trường và tiến hành thanh lọc xã hội theo quy mô lớn. Đồng thời, chính phủ Chun Doo-hwan thiết lập một cơ sở đào tạo quân sự đặc biệt mang tên gọi "Trại giáo dục Samcheong", để tiến hành chương trình "giáo dục thanh lọc".[63] Khoảng hơn 40 nghìn người bị bắt đưa đến các cơ sở của trại này. Số liệu thống kê về sau cho thấy có 54 người đã bị giết trong quá trình giam giữ và 397 người khác chết sau đó.[63] Năm 1986, Chun Doo-hwan tiếp tục ra lệnh bắt giữ và tra tấn nhiều nhà hoạt động có tư tưởng trái với khuynh hướng của giới cầm quyền, đồng thời nghiêm cấm triệt để các tổ chức công đoàn hoạt động, rất nhiều tổ chức chính trị theo đuổi dân chủ tự do bị đàn áp khốc liệt như Liên minh Dân chủ Thống nhất hay Phong trào Nhân dân.

Tháng 1 năm 1987, một vụ tra tấn dã man của cảnh sát đã dẫn tới cái chết của Park Jong-cheol, sinh viên trường Đại học Quốc gia Seoul. Sau đó, người dân Hàn Quốc tiếp tục nổi dậy sau cái chết của sinh viên Park. Họ tổ chức hàng loạt cuộc bạo động lớn để phản đối chính sách bắt bớ, thủ tiêu, tra tấn tàn bạo của chế độ Chun Doo-hwan đồng thời yêu cầu sửa đổi Hiến pháp. Đây chính là sự khởi đầu cho Cuộc Nổi dậy Dân chủ Tháng Sáu - hàng triệu người tham gia vào cuộc "Tuần hành Hòa bình Vĩ đại của Nhân dân" được tổ chức tại 34 thành phố và 4 tỉnh, họ hô to các khẩu hiệu "Bãi bỏ hiến pháp xấu xa", "Xóa bỏ chế độ độc tài". Dưới áp lực ấy, chính quyền Chun Doo-hwan đã buộc phải tiến hành sửa đổi Hiến pháp, ban hành bản Hiến pháp mới vào ngày 29 tháng 10 năm 1987. Tuy nhiên, mặc cho tội ác của mình, Chun vẫn nắm giữ vị trí cao nhất trong bộ máy quyền lực ở Hàn Quốc cho tới năm 1988 và phải mãi đến tận năm 1996 mới bị chính phủ mới kết tội nổi loạn, phản quốc, tham nhũng, hối lộ, ra lệnh thảm sát dân thường và tuyên án tử hình nhưng sau đó được giảm xuống còn chung thân do Tòa án Tối cao cân nhắc vai trò của Chun khi đưa nền kinh tế Hàn Quốc trở thành "con Hổ châu Á", bảo vệ đất nước khỏi khủng hoảng chính trị đồng thời chuyển giao quyền lực hòa bình cho người kế nhiệm.[64] Cuối cùng, Chun nhanh chóng được tổng thống Kim Young-sam ân xá với lý do "thúc đẩy đoàn kết dân tộc" vào ngày 22 tháng 12 năm 1997.[64]

Chính phủ dân sự

Tổng thống Kim Dae-jung - người thúc đẩy dân chủ, nhân quyền ở Hàn Quốc cùng các chính sách hòa giải với Bắc Triều Tiên, ông đôi khi được gọi là Nelson Mandela của châu Á

Park Geun-hye - nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc cũng như dân cử đầu tiên ở Đông Á

Các cuộc nổi dậy trong thập niên 1980 đã để lại dấu ấn to lớn cho sự ra đời của chính phủ dân sự vào năm 1992 với đường lối cầm quyền cùng chính sách đối ngoại mềm mỏng hơn rất nhiều. Trước đó, vào năm 1987, Hiến pháp Hàn Quốc đã được sửa đổi, người dân lại được quyền trực tiếp bầu ra Tổng thống. Sự kiện này đánh dấu quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ của đất nước. Thủ đô Seoul được chọn làm nơi tổ chức Thế vận hội Olympic năm 1988, một kỳ Thế vận hội vô cùng thành công và đã thúc đẩy đáng kể vị thế quốc tế của Hàn Quốc.[65] Hàn Quốc chính thức được mời trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc vào năm 1991.

Tuy đạt được nhiều tiến bộ trong quá trình dân chủ hóa, chính trường Hàn Quốc vẫn chưa bao giờ hết khốc liệt hay có dấu hiệu hạ nhiệt, các đời tổng thống tiếp theo là tướng Roh Tae-woo (1987), Kim Young-sam (1992) và Kim Dae-jung (1998) đều để lại nhiều dấu ấn với cả tích cực lẫn tiêu cực. Trong đó, vị tổng thống thứ sáu - Roh Tae-woo bị kết án tù vì các tội danh liên quan đến hối lộ, tham nhũng. Tuy vậy, sang đến năm 2000, tổng thống Kim Dae-jung gây tiếng vang lớn khi được trao giải Nobel Hoà Bình vì những nỗ lực trong việc bình thường hoá quan hệ với CHDCND Triều Tiên.[66] Vào tháng 6 năm 2000, hội nghị thượng đỉnh liên Triều đã diễn ra tại Bình Nhưỡng, thủ đô của CHDCND Triều Tiên, hội nghị là thành quả tích cực sau nhiều năm Hàn Quốc thực thi chính sách Ánh Dương với CHDCND Triều Tiên do tổng thống Kim Dae-jung đề xướng. Năm 2003, học trò của ông, Roh Moo-hyun kế nhiệm. Thế nhưng sau đó, đến lượt Roh cũng phải đối mặt với lời buộc tội tham nhũng, ông tự sát vào ngày 23 tháng 5 năm 2009 trong khi các cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn, do vậy, nhiều người nghi ngờ rằng vụ tự sát này là do sức ép đến từ các thế lực khác.

Sau đó là ông Lee Myung-bak làm tổng thống trong giai đoạn 2008-2013. Năm 2018, Lee bị bắt giam với cáo buộc ít nhất 12 tội danh, trong đó có việc nhận hối lộ 11 tỷ Won của Cơ quan Tình báo Quốc gia cùng các doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó còn là những cáo buộc về trốn thuế và chiếm đoạt 35 tỷ Won từ một công ty mà Lee bí mật sở hữu. Vào tháng 3 năm 2019, Lee được cho phép tại ngoại vì những lo ngại liên quan đến vấn đề sức khỏe, tuy nhiên, vào ngày 19 tháng 2 năm 2020, tòa án quận trung tâm Seoul đã chính thức ra bản án tuyên phạt ông Lee Myung-bak 17 năm tù giam cùng 13 tỷ Won tiền đền bù.[67]

Tiếp đến là Park Geun-hye (con gái của cựu tổng thống Park Chung-hee), bà là nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc hiện đại, đồng thời cũng là nữ tổng thống dân cử đầu tiên ở Đông Á.[68] Tuy nhiên, tới đầu năm 2017, đến lượt Park Geun-hye cũng bị quốc hội nước này phế truất và bắt giam với các cáo buộc tiết lộ bí mật quốc gia, nhận hối lộ, để người không có bất kỳ chức vụ, thẩm quyền gì là bà Choi Soon-sil (bạn thân) can thiệp bất hợp pháp vào các tài liệu mật cũng như công việc nội bộ của chính phủ, lạm quyền và tham nhũng.[69][70]

Như vậy, tính cho đến năm 2018, trong số 11 đời tổng thống Hàn Quốc (không tính các quyền tổng thống chỉ tạm thời đảm nhiệm chức vụ trong mấy tháng do khủng hoảng chính trị), đã có 1 người bị ám sát, 1 người tự sát do bị điều tra, 1 người bị đảo chính và phải chạy ra nước ngoài tị nạn, 4 người khác bị bắt giam do các tội danh liên quan đến tham nhũng, nhận hối lộ.[71] Những vụ bê bối liên quan đến giới chính trị gia hay lãnh đạo các doanh nghiệp kinh tế lớn luôn là một vấn nạn gây ám ảnh, nhức nhối tại quốc gia này[72] bên cạnh sự gia tăng của các loại tội phạm tình dục.[73]

Tái thống nhất với CHDCND Triều Tiên là một chủ đề chính trị đang được bàn luận sôi nổi, rộng rãi ở Hàn Quốc hiện nay, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một hiệp định hoà bình nào được ký kết. Luật an ninh quốc gia Hàn Quốc hiện vẫn không cho phép người dân được tiếp nhận bất cứ thông tin nào từ phía CHDCND Triều Tiên, những ai tỏ thái độ ủng hộ hoặc có các hành động diễn thuyết, tuyên truyền, phát biểu ca ngợi CHDCND Triều Tiên sẽ bị trục xuất khỏi nước này nếu là người nước ngoài[74] hoặc kết án 7 năm tù giam nếu là công dân Hàn Quốc, tự ý tổ chức các chuyến đi du lịch, đến thăm Bắc Triều Tiên mà không có sự cho phép của chính phủ có thể bị phạt tối đa lên tới 10 năm tù giam[75][76][77]. Tổng thống Roh Moo-hyun đã từng nghĩ tới việc dỡ bỏ luật này, nhưng hiện tại điều đó vẫn chưa được thực thi. Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in cũng hy vọng hai miền sẽ tái thống nhất trong hòa bình - sớm nhất là vào năm 2045.[78]

Khôi phục và phát triển kinh tế

Chính sách độc tài khắc khổ

Tăng trưởng GNI bình quân đầu người giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên trong giai đoạn từ 1950-2016

Sau chiến tranh Triều Tiên, vào giai đoạn trước khi tướng Park Chung-hee lên nắm quyền vào năm 1961, kinh tế Hàn Quốc khá nghèo nàn với thu nhập bình quân đầu người ít hơn 100 USD mỗi năm. Hàn Quốc thời điểm đó bị xếp hạng là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới. Ở giai đoạn này, kinh tế Hàn Quốc cơ bản phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, chủ yếu là từ Mỹ. Khi đó, viện trợ từ chính phủ Mỹ chiếm phần lớn trong tổng ngân sách chính phủ cũng như tổng sản lượng quốc gia (GNP) của Hàn Quốc. Dù cho một số khu vực của đất nước đã trải qua quá trình công nghiệp hóa từ thời kỳ chiếm đóng của Nhật Bản nhưng nhìn chung vào đầu thập niên 60, Hàn Quốc vẫn là một nước thuần nông nghiệp lạc hậu, kém phát triển hơn so với CHDCND Triều Tiên - vốn không những rất giàu có về tài nguyên thiên nhiên[79] mà còn được Liên Xô, Trung Quốc cùng khối các quốc gia xã hội chủ nghĩa viện trợ, giúp đỡ.

Để xóa bỏ đói nghèo và tái tạo động lực phát triển kinh tế, Park Chung-hee đã thành lập Hội đồng Tối cao phụ trách Tái thiết Quốc gia, mang "kỷ luật quân đội" và chính sách cải cách kinh tế - xã hội kiểu "độc tài" áp dụng trên toàn quốc. Một trong những mục tiêu, tham vọng chính của tướng Park là chấm dứt tình trạng lạc hậu, nghèo đói ở Hàn Quốc và biến đất nước này từ một nền kinh tế thuộc 'Thế giới thứ tư' trở thành một cường quốc kinh tế hàng đầu của thế giới, ông phát biểu cũng như đặt câu hỏi với các tướng lĩnh cấp dưới; rằng:[80][81]

Ngay sau khi thực hiện thành công cuộc đảo chính để lên nắm chính quyền vào tháng 7 năm 1961, tướng Park Chung-hee tuyên bố bắt đầu tiến trình "dọn rác" để thanh lọc xã hội.[82] Ông trực tiếp chỉ đạo các lực lượng cảnh sát, quân đội thực hiện hàng ngàn vụ đàn áp, bắt bớ và tiếp tục tái khẳng định quyết tâm của mình khi diễn thuyết trước hơn 20.000 sinh viên của Đại học Seoul bằng loạt câu nói nổi tiếng:

Một trong những việc đầu tiên ông làm là đem tử hình 24 quan chức và doanh nhân vì tội tham nhũng. Toàn xã hội "thắt lưng buộc bụng", trong các công ty, mọi người đều phải làm việc hết sức mình, ai làm không chăm sẽ bị phê bình, mắng nhiếc trước mặt mọi người, thậm chí, trong văn hóa, nội quy của các trường học công ty, doanh nghiệp Hàn Quốc thời bấy giờ có quy định "nếu như học sinh, nhân viên mắc lỗi, làm sai hoặc lười biếng thì giáo viên, cấp trên của họ có quyền tát bạt tai để làm gương mà người đó không được phép tỏ thái độ hay phản đối". Một số ngành do quân đội trực tiếp xây dựng và quản lý, khi người lính làm việc không chăm, cấp trên có quyền trừng phạt bằng đòn roi. Những du học sinh trước khi ra nước ngoài học tập phải cam kết không ở lại nước ngoài mà phải về nước phục vụ dù muốn hay không, những ai đã học xong mà không quay về nước thì gia đình họ sẽ phải chịu những hình phạt nặng nề.

Tổng thống Park Chung-hee đóng vai trò quan trọng nhất trong việc phát triển nhanh chóng nền kinh tế Hàn Quốc thông qua chính sách công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu

Xưởng đóng tàu của Hyundai ở Ulsan năm 1976

Park chuyển chiến lược kinh tế của đất nước từ công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu sang công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu. Ông thành lập một Ủy ban Kế hoạch Kinh tế để điều hành nền kinh tế đất nước. Lấy những "Kế hoạch kinh tế 5 năm" vốn đã từng rất thành công của Liên Xô trước đây làm kiểu mẫu, Park đề ra "Kế hoạch 5 năm" lần đầu tiên vào năm 1962, nhiệm vụ chủ chốt của kế hoạch này là tập trung phát triển các ngành công nghiệp nhẹ nhằm mục đích xuất khẩu. Ông tuyên bố thành phố Ulsan sẽ là một "khu vực phát triển công nghiệp đặc biệt" của đất nước. Ngay sau đó, Hyundai - một trong những tài phiệt lớn đầu tiên của Hàn Quốc đã nhanh chân tận dụng vị thế đặc biệt của Ulsan để biến thành phố này thành nơi đặt các nhà máy chính của mình.

Hầu hết các nhà sử học đều coi 'Kế hoạch 5 năm đầu tiên' là điểm cất cánh của nền kinh tế Hàn Quốc. Từ năm 1962 đến năm 1966, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Hàn Quốc đạt tới 7,6%. Sản lượng công nghiệp xuất khẩu tăng trên 30% mỗi năm, sản lượng sản xuất tăng trên 15% mỗi năm. Các chính sách phát triển kinh tế của Park được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc và mong muốn giành quyền tự chủ cho đất nước do đó; ông chủ trương tự lực, không để cho nền kinh tế Hàn Quốc bị phụ thuộc và chi phối bởi nước ngoài. Ban đầu, ông ra sức hạn chế đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Hàn Quốc. Tuy nhiên, theo lời khuyên từ giới chuyên môn, ông bắt đầu dần nới lỏng những hạn chế này, mặc dù vậy, các công ty nước ngoài khi đó muốn đầu tư vào thị trường Hàn Quốc thì bắt buộc phải tiến hành chuyển giao công nghệ ở một mức độ nhất định cho các doanh nghiệp trong nước. Năm 1966, 'Đạo luật kích thích vốn đầu tư nước ngoài' được chính phủ Park thông qua đã cung cấp thêm những ưu đãi về thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài và hợp lý hóa quy trình đầu tư vào Hàn Quốc. Kế hoạch năm năm lần thứ hai (1967-1971) tiếp tục nhấn mạnh hơn vào việc thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, khuyến khích chuyển giao công nghệ và cải thiện cơ sở hạ tầng trong nước.[83] Từ năm 1973, kinh tế Hàn Quốc đặt trọng tâm chủ yếu vào 7 ngành là thép, hóa chất, luyện kim, chế tạo máy, đóng tàu, ô tô và điện tử. Giai đoạn phát triển công nghiệp cao độ này tập trung tại các thành phố nhỏ nằm ở phía đông nam đất nước.[84]

Kế hoạch phát triển kinh tế của Park Chung-hee là dựa vào xuất khẩu nhờ giá thành thấp. Chi phí sản xuất được cố tình hạ thấp đến mức tối thiểu bằng cách toàn dân phải cam chịu gian khổ, tiêu dùng hết sức tiết kiệm. Để người lao động có thể sống với mức lương rất thấp, chính quyền đã áp dụng biện pháp bảo hộ, giữ giá những sản phẩm nông nghiệp cũng luôn ở mức rất thấp. Cuối thập niên 70, nền công nghiệp Hàn Quốc đã sản xuất được máy thu hình màu nhưng chỉ để xuất khẩu còn trong nước vẫn dùng TV trắng đen. Các sản phẩm xa xỉ như mỹ phẩm, quần áo thời trang cho đến xe hơi cao cấp,... đều bị hạn chế nhập khẩu ở mức tối đa để nguồn vốn quý giá không bị chảy ra nước ngoài.

Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Hàn Quốc cũng phải trả giá bằng sự hy sinh rất lớn của tầng lớp lao động. Quyền của người lao động bị hạn chế tối đa vì từ năm 1962, chính sách toàn quốc thắt lưng buộc bụng được áp dụng triệt để, không có ngoại lệ, từ Tổng thống, quan chức đến dân chúng. Người dân, người lao động Hàn Quốc thời kỳ đó phải làm việc nặng nhọc triền miên và cật lực nhưng đời sống rất kham khổ. Hàng tuần mỗi người dân đều phải nhịn ăn một bữa, không hút thuốc lá ngoại nhập, không uống cà phê, không mặc quần áo thời trang đắt tiền. Thời gian lao động kéo dài từ 12-14 thậm chí 16 tiếng mỗi ngày với điều kiện lao động kém cùng tiền lương rất thấp. Những phản kháng do tự phát hay có tổ chức của công nhân, nông dân hoặc dân nghèo thành thị đòi hỏi cải thiện điều kiện sống đều bị chính quyền Park Chung-hee thẳng tay đàn áp không thương tiếc. Michael Schuman, một nhà báo nổi tiếng chuyên về lĩnh vực kinh tế học của thời báo Time (Mỹ) nhận định:[85]

Tham chiến tại Nam Việt Nam

Lục quân Hàn Quốc đang chiến đấu cùng Hoa Kỳ (1966), tranh vẽ bởi H. Charles McBarron

Park Chung-hee đã gửi hơn 325.000 quân nhân sang tham chiến cùng với quân đội Mỹ, Việt Nam Cộng hòa và Khối đồng minh chống cộng (Úc, New Zealand, Thái Lan, Philippines,...) trong chiến tranh Việt Nam - vừa để nhằm mục đích "nâng cao vị thế quốc gia",[86][87] hỗ trợ đồng minh Hoa Kỳ trong việc hoàn thành kế hoạch tham vọng chống lại sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn cầu theo Học thuyết Domino cũng như đổi lấy những khoản viện trợ từ phía chính phủ nước này.[88][89] Đây là lực lượng quân sự nước ngoài có quy mô lớn thứ hai trong cuộc chiến chỉ sau Hoa Kỳ,[90][91] số lượng binh sĩ Hàn Quốc tham chiến đạt mức cao nhất trong năm 1968 với khoảng trên 50.000 người.[92] Ước tính sau 9 năm chiến đấu ở Nam Việt Nam (1964-1973): có khoảng từ 4.407 - 5.099 lính tử trận, 10.962 - 17.060 người khác bị thương và 4 mất tích trong suốt cuộc chiến.[93][94][95] Đội quân này gây ra một danh sách dài những tội ác chiến tranh, những vụ thảm sát thường dân, xóa sổ nhiều làng mạc Nam Việt Nam bị nghi ngờ là du kích, hỗ trợ cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam khi tham chiến đồng thời bỏ lại hàng ngàn đứa con lai khi rời đi. Sau này, phía Hàn Quốc thống kê rằng quân đội của họ đã làm tổng cộng khoảng 41.000 người Việt Nam bị coi là Việt Cộng thiệt mạng.[94]

Đổi lại, chính phủ Hoa Kỳ tài trợ mọi khoản chiến phí và trả tiền lương cho binh lính Hàn Quốc. Tổng cộng Mỹ đã viện trợ hoặc cho Hàn Quốc vay ưu đãi khoảng 10 tỷ USD (tương đương 70 tỷ USD theo thời giá năm 2017) từ năm 1946-1978. Trong đó nhiều nhất là giai đoạn 1965-1972: trong 7 năm này, Hàn Quốc nhận được 5 tỷ USD (tương đương 35 tỷ USD theo thời giá 2017) - nhiều gấp 3 lần giai đoạn trước. Trong 2 năm đầu (1965-1966), thu nhập từ cuộc chiến chiếm khoảng 40% ngoại hối của Hàn Quốc. Một số học giả tính toán rằng khoản thu này chiếm từ 7-8% GDP Hàn Quốc trong những năm 1966-1969.[96] Số tiền được chính phủ Mỹ chuyển thẳng cho chính phủ Hàn Quốc dưới hình thức "bán công khai" như trợ cấp phát triển quốc phòng, hợp đồng dân sự, chuyển giao công nghệ và ưu đãi thị trường bởi các đời Tổng thống Johnson và Nixon.[97] Cùng với quân đội sang Nam Việt Nam, các công ty công nghiệp lớn của Hàn Quốc; như Hyundai, đã tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm khi tham gia vào việc hoàn thành các dự án xây dựng, hậu cần, giao thông vận tải lớn tại đây, giúp tập đoàn này giành được những hợp đồng giá trị hơn ở Trung Đông cùng nhiều nơi khác trên khắp thế giới sau này.[94]

Nhờ viện trợ và tiền lương của Mỹ trả cho binh lính Hàn Quốc, kinh tế nước này phát triển nhanh chóng.[94] Trong vòng 10 năm từ 1964-1974, GNP bình quân tăng hơn 5 lần (từ 103 lên 541 USD).[94] Nhưng đổi lại, rất nhiều máu cũng đã đổ khi Hàn Quốc tham chiến ở Nam Việt Nam và nhiều ý kiến cho rằng những tổn thất sinh mạng đó góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế sau này.[94] Trong bài phát biểu nhân "Ngày tưởng niệm" (6/6/2017), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tái khẳng định:[98]

Hỗ trợ từ Nhật Bản và Hoa Kỳ

Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế thần kỳ của Hàn Quốc. Tổng thống Park Chung-hee quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Nhật Bản vào năm 1965 - một động thái gặp phải sự phản đối gay gắt của nhiều người dân Hàn Quốc. Lao động giá rẻ ở trong nước kết hợp với vốn và công nghệ của Nhật Bản đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình công nghiệp hóa của Hàn Quốc. Sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Nhật Bản trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Hàn Quốc chỉ sau Hoa Kỳ. Trong vòng 10 năm sau đó, thương mại giữa hai nước đã được mở rộng hơn 10 lần, từ năm 1962 đến 1979, khoảng 60% công nghệ từ nước ngoài của Hàn Quốc là do Nhật Bản cung cấp.[99]

Thị trường Hoa Kỳ cùng với các khoản đầu tư và chuyển giao công nghệ của Nhật Bản đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự chuyển biến thần kỳ của nền kinh tế Hàn Quốc. Kinh tế Nhật Bản cũng là một mô hình rất tốt để Hàn Quốc noi theo trong công cuộc định hình, phát triển nền kinh tế quốc gia. Trong thời kỳ thuộc địa và kể cả sau khi giành được độc lập, người Hàn Quốc đã học hỏi được rất nhiều điều từ người Nhật về những gì mà một quốc gia không thuộc phương Tây có thể làm để công nghiệp hóa cũng như hiện đại hóa thành công. Một nhà kinh tế học người Hàn Quốc từng mô tả chính sách của cộng đồng doanh nghiệp nước này vào thời kỳ đó là: "Làm hệt như những gì người Nhật đã từng làm, nhưng cố gắng tìm cách làm sao để đạt được điều đó một cách nhanh hơn, hiệu quả và ít tốn kém hơn".[100]

Cải cách văn hóa - xã hội

Park Chung-hee cho rằng, Hàn Quốc trước tiên cần phải phát triển kinh tế vững mạnh rồi sau đó mới có thể có được dân chủ:

Bằng lý lẽ này, Park Chung-hee sử dụng hệ thống cảnh sát mật để theo dõi và dẹp tan mọi hành vi chống lại ông. Tất cả mọi cá nhân có phát ngôn hoặc hành động chống lại chính phủ, mọi cuộc biểu tình đòi tăng lương đều bị đáp lại bằng sự trừng phạt, bắt bớ, trấn áp thẳng tay. Park Chung-hee sử dụng luật an ninh chống cộng để bỏ tù và tra tấn bất cứ ai bất đồng chính kiến. Các cuộc biểu tình, hệ thống báo chí và phát ngôn nói chung đều bị kiểm duyệt hà khắc. Các sĩ quan cảnh sát mang thước và chặn thanh niên trên phố để đo tóc và váy của họ. Chính quyền sẽ can thiệp rất thô bạo nếu thanh niên để tóc dài, phụ nữ mặc váy ngắn. Gián điệp, chỉ điểm có mặt khắp mọi nơi, giám sát đến cả trường học. Những người bất đồng chính kiến khó thoát khỏi bị bắt và kết cục là cuộc sống mòn mỏi ở trong tù. Ở Hàn Quốc thời điểm này, nếu một người bị quy là người cộng sản, người đó sẽ mất hết mọi quyền tồn tại trong xã hội. Quy kết và phê phán nhằm vào một chính sách nào đó của chính phủ, chính khách đối lập là mang tư tưởng "Cộng sản chủ nghĩa" là phương cách được chính quyền Park ưa thích và tận dụng rất hiệu quả. Khi một nhà hoạt động xã hội bị bắt, người đó sẽ bị tra tấn dã man để phải thú nhận mình là người cộng sản[101]. Cho đến nay, không một chính trị gia Hàn Quốc nào có thể tạo được sự uy quyền bao trùm tuyệt đối lên đất nước cũng như khiến cả một thế hệ người dân Hàn Quốc sợ hãi như Park Chung-hee.

Chế độ độc tài quân sự của Park Chung-hee mang tính chất chuyên chế độc đoán, phản dân chủ mạnh mẽ, nhưng cũng không thể phủ nhận những mặt tích cực của chế độ chính trị này đối với việc định hướng diện mạo nền kinh tế và xã hội Hàn Quốc ngày nay. Bên cạnh các biện pháp chính trị, Park Chung-hee sử dụng các yếu tố văn hóa Nho giáo để thúc đẩy phát triển đất nước. Vào đầu những năm 1970, Park Chung-hee dự định dẹp bỏ tất cả những gì gọi là truyền thống để nhanh chóng đạt được hiện đại hóa. Phong trào xây dựng nông thôn mới (Saemaul Undong) đã đập phá nhiều di sản văn hóa, những truyền thống đều bị coi là "cổ hủ", "lạc hậu" và "lỗi thời" - cần phải nhanh chóng gạt bỏ để tiến lên hiện đại hóa:[102]

Nhưng về tư tưởng, Park Chung-hee nhận thấy rằng ông không thể đưa ra một học thuyết chính trị mới nào đủ hoàn thiện để có thể hoán đổi, thay thế được vị trí của Nho giáo trong xã hội Hàn Quốc mà nhận ra rằng, không thể không duy trì những yếu tố tích cực của tôn giáo này, trong đó, Trung (trung thành) và Hiếu (hiếu thảo) là hai giá trị tồn tại xuyên suốt qua nhiều thế kỷ ở Hàn Quốc. Cũng trong thời gian này, xã hội Hàn Quốc xảy ra nhiều cuộc tranh luận nóng bỏng giữa các học giả về tính hữu dụng của những yếu tố tích cực trong Nho giáo truyền thống. Cuối cùng, kết quả là Park Chung-hee đã đi đến quyết định: "Giá trị quan của Nho giáo về Trung và Hiếu là những nền tảng không thể tách rời của xã hội", chính sách giáo dục đề cao đạo Khổng được ông ra chỉ thị tiếp tục giảng dạy trong nhà trường cũng như truyền bá sâu rộng trong đời sống nhân dân.[103]

Thành quả

Tăng trưởng GDP (PPP) của Hàn Quốc từ năm 1911-2008

Olympic Seoul 1988

Hội nghị thượng đỉnh G20 Seoul 2010

Sự tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này đã cải thiện đáng kể mức sống cho người dân Hàn Quốc. Cuối năm 1965, khoảng 58,7% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng tỷ lệ này đã giảm xuống còn 50,4% vào năm 1970 và 38,4% vào năm 1978. Công nghiệp hóa dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng dân số ở các đô thị của Hàn Quốc, tăng từ 28,3% năm 1960 lên 54,9% vào năm 1979. Năm 1960, khoảng một phần ba trẻ em từ 12 đến 14 tuổi theo học tại các trường trung học; tỷ lệ đó tăng lên 53,3% vào năm 1970 và 74,0% vào năm 1975. Năm 1960, chỉ có khoảng 19,9% dân số từ 15 đến 17 tuổi được đi học; tỷ lệ đó tăng lên 29,3% vào năm 1970 và 40,5% vào năm 1975.[104] Năm 1970, quá trình xây dựng tuyến đường cao tốc Gyeongbu đã được hoàn thành, liên kết thủ đô Seoul với các khu vực phía đông nam cũng như các thành phố cảng lớn ở phía nam đất nước.[105] Vào năm 1969, cả nước chỉ có 200.000 máy truyền hình thì đến năm 1979 đã có khoảng 6 triệu máy.[106] Nếu như cũng trong năm 1969, chỉ có 6% hộ gia đình ở Hàn Quốc sở hữu một chiếc TV thì đến năm 1979, tỷ lệ này đã là 4/5.[106]

Nhờ những biện pháp cứng rắn về chính trị, khắc khổ về kinh tế cũng như tận dụng yếu tố văn hóa, từ thập niên 1960 trở đi, kinh tế Hàn Quốc phát triển nhanh chóng.[107] Tuy nhiên, vào ngày 26 tháng 10 năm 1979, tổng thống Park Chung-hee bất ngờ bị ám sát, sự tăng trưởng đều đặn của đất nước cũng đột ngột dừng lại, kéo theo đó là một thời kỳ hỗn loạn liên tiếp về chính trị cộng với sự tăng vọt của giá dầu mỏ cùng vụ mùa thu hoạch lúa gạo thất bát và tỷ lệ lạm phát lên tới 44% năm 1979 đã khiến cho nền kinh tế Hàn Quốc phải chịu mức suy thoái chạm mức 6% trong năm 1980. Nhưng sau đó, nền kinh tế đã nhanh chóng được phục hồi và quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Thập niên 1980 tiếp tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng GDP cao, đạt đỉnh điểm vào những năm 1986-1988 ở mức 12% mỗi năm khiến cho Hàn Quốc trở thành nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới tại thời điểm đó[108], Hàn Quốc về sau được xếp vào nhóm những nước công nghiệp mới. Trong những năm kế tiếp, tuy có chậm lại nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn tiếp tục gia tăng đều đặn cho đến năm 1997 với tốc độ trung bình là 10% mỗi năm.[108] Thời kỳ cải cách thành công và bùng nổ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Hàn Quốc được gọi là "Kỳ tích trên dòng sông Hán".

Sự hình thành Chaebol

Trụ sở chính của Samsung - Chaebol lớn mạnh nhất Hàn Quốc

Tổng thống Park Geun-hye cùng với các chủ tịch Samsung Lee Kun-hee và Hyundai Chung Mong-koo

Trong bối cảnh chính trị như vậy, nền kinh tế Hàn Quốc cũng phát triển theo mô hình "Độc tài". Các Chaebol - tức Tài phiệt, là thuật ngữ dùng để chỉ các đại tập đoàn gia đình lớn. Thông thường, tài phiệt là các tập đoàn đa quốc gia với thành viên bao gồm rất nhiều các doanh nghiệp quốc tế nhưng đều nằm dưới sự điều khiển của một ông chủ duy nhất nắm quyền điều hành trên tất cả các cơ sở này.[109][110] Hiện nay, ở Hàn Quốc có đến hàng chục nhóm tài phiệt như vậy, hầu hết nằm dưới sự điều khiển tuyệt đối của một vài gia tộc. Đến năm 2008, khoảng 80% GDP của Hàn Quốc có nguồn gốc từ các tài phiệt, chỉ riêng Samsung đã chiếm tới 1/5 giá trị xuất khẩu của nước này. Các lãnh đạo tài phiệt đóng một vai trò quan trọng trong việc chi phối nền chính trị Hàn Quốc. Ví dụ, vào năm 1988; chủ tịch tập đoàn Hyundai khi ấy là ông Chung Mong-joon đã trúng cử vào quốc hội, một số lãnh đạo tài phiệt khác cũng trúng cử đại biểu quốc hội thông qua cơ chế đại biểu tỷ lệ.

Các tài phiệt chỉ nắm giữ một tỷ lệ nhỏ cổ phần nhưng lại có rất nhiều quyền lực cùng khả năng kiểm soát các công ty con. Ví dụ: Samsung chỉ sở hữu khoảng 0,5% tài sản của các chi nhánh thuộc quyền, nhưng trên thực tế thì họ có quyền chi phối tất cả các công ty con. Điều này cho thấy rằng mức độ tuân thủ luật pháp ở giới tài phiệt Hàn Quốc là rất thấp.[110] Các tài phiệt duy trì quyền lực của mình thông qua sở hữu chéo,[111] lũng đoạn nền kinh tế, trở nên quá lớn để có thể bị khống chế hay sụp đổ. Một số công ty như Hyundai, SK thậm chí còn có dính líu đến những vụ bê bối liên quan tới các tổng thống Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun.[112]

Từ năm 1998 đến 2007, Hàn Quốc đã có những tiến bộ trong quá trình dân chủ hoá, song đôi khi vẫn trượt theo hướng độc tài, nhiều tổ chức phi chính phủ giả hiệu hoạt động theo mệnh lệnh của chính quyền, nhiều tổ chức cánh hữu hiện "vẫn tìm cách bảo vệ những quyền ưu tiên mà họ có được từ thời kỳ độc tài". Ở Hàn Quốc, quá trình dân chủ hoá diễn ra trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng nhưng không thúc đẩy phát triển dân chủ mà vẫn mang nặng tính bóc lột khiến cho người dân Hàn Quốc hiện nay phải gánh chịu rất nhiều áp lực trong cuộc sống.[113] Người Hàn Quốc làm việc trung bình khoảng 2.052 giờ/năm, cao hơn nhiều so với mức trung bình 1.707 giờ/năm của các nước trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).[114]

Mục lục

Hỏi Đáp Là gì Ngôn ngữ Nghĩa là gì