Mỗi ngôn ngữ là một nền văn hóa riêng năm 2024

Năm 1999, theo quyết định của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), ngày 21/2 được chọn là Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ nhằm nhận thức rõ rệt về tầm quan trọng của sự phong phú, đa dạng về ngôn ngữ.

Lịch sử của ngày này bắt nguồn từ sự kiện: Vào 21/2/1952 ở Dhaka, thủ phủ của Bangladesh (khi đó là Đông Pakistan), cảnh sát đã xả súng vào đoàn sinh viên đang tuần hành yêu cầu nhà cầm quyền công nhận tiếng Bengal là ngôn ngữ chính thức, làm 4 người thiệt mạng. Sự kiện này dẫn đến một phong trào phản đối dữ dội trên cả nước, kết quả đã buộc nhà cầm quyền phải công nhận tiếng Bengal (ngang với tiếng Urdu).

Ngày 16/5/2007, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã "yêu cầu các nước thành viên và Ban Thư ký thúc đẩy việc bảo tồn và bảo vệ tất cả các ngôn ngữ được nói bởi các dân tộc trên toàn thế giới". Cũng với nghị quyết này, Liên hợp quốc đã tuyên bố năm 2008 là Năm ngôn ngữ quốc tế, nhằm thúc đẩy sự thống nhất trong sự đa dạng và sự hiểu biết quốc tế nhờ đa ngôn ngữ và đa văn hóa.

Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ được kỷ niệm hàng năm kể từ năm 2000 ở khắp nơi trên thế giới, nhằm thúc đẩy sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa cũng như đa ngôn ngữ. Ngôn ngữ là công cụ mạnh mẽ nhất để bảo tồn và phát triển di sản vật thể và phi vật thể của chúng ta. Tất cả mọi thứ được thực hiện để thúc đẩy việc phổ biến tiếng mẹ đẻ không chỉ nhằm khuyến khích sự đa dạng về ngôn ngữ và giáo dục đa ngôn ngữ, mà còn nâng cao nhận thức về các truyền thống ngôn ngữ và văn hóa trên toàn thế giới, truyền cảm hứng cho tinh thần đoàn kết dựa trên sự hiểu biết, khoan dung và đối thoại.

Phù hợp với mục tiêu 4 của Chương trình phát triển bền vững vào năm 2030, chủ đề của Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ năm 2016 được UNESCO lựa chọn là: "Giáo dục có chất lượng, ngôn ngữ giảng dạy và kết quả học tập" nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục có chất lượng và việc học tập các ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng mẹ đẻ, ngay từ những năm giảng dạy đầu tiên. Điều này có tầm quan trọng đặc biệt đối với các dân tộc thiểu số, những người dân bản địa và người dân nông thôn, cũng như các trẻ em gái và phụ nữ. Ngày kỷ niệm năm nay cũng khuyến khích chất lượng giảng dạy và các kết quả học tập bằng cách tập trung vào sự hiểu biết và sáng tạo hơn là ghi nhớ và lặp lại.

Ngôn ngữ và đa dạng văn hóa

Các loại ngôn ngữ chính là những công cụ mạnh mẽ nhất để bảo tồn và phát triển di sản vật thể và phi vật thể của chúng ta. Tất cả những gì được thực hiện để thúc đẩy sự phổ biến các ngôn ngữ mẹ đẻ không chỉ nhằm khuyến khích sự đa dạng về ngôn ngữ và giáo dục đa ngôn ngữ mà còn để nâng cao nhận thức về các truyền thống ngôn ngữ và văn hóa trên khắp thế giới và truyền đi tinh thần đoàn kết dựa trên sự khoan dung, sự hiểu biết và đối thoại.

Ngôn ngữ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển bởi nó bảo đảm sự đa dạng về văn hóa và giúp các nền văn hóa có thể giao thoa, trao đổi với nhau. Ngôn ngữ cũng giúp tăng cường hợp tác, xây dựng xã hội tri thức toàn diện, bảo tồn các di sản văn hóa và tạo điều kiện tiếp cận với một nền giáo dục có chất lượng cho mọi người. Mỗi tiếng nói đều là nguồn ngữ nghĩa độc đáo để hiểu, viết và mô tả thực tế thế giới. Tiếng mẹ đẻ cùng với sự đa dạng của ngôn ngữ có ý nghĩa quan trọng để xác định bản sắc của các cá nhân như là nguồn sáng tạo và phương tiện để biểu hiện văn hóa, bảo đảm sự phát triển lành mạnh của xã hội.

Một nền văn hóa hòa bình chỉ có thể được xây dựng trong một không gian, nơi tất cả mọi người có quyền sử dụng tiếng mẹ đẻ của họ một cách tự do và đầy đủ trong tất cả các hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống.

Tuy nhiên, theo UNESCO, trong số khoảng 7.000 ngôn ngữ được nói trên thế giới, hơn 50% ngôn ngữ có khả năng bị tuyệt chủng trong vòng một vài thế hệ tới, 96% được nói bởi chỉ có 4% dân số thế giới. Chỉ có vài trăm ngôn ngữ đang thực sự có giá trị trong hệ thống giáo dục và trong các lĩnh vực công cộng và chưa đầy 100 ngôn ngữ được sử dụng trong thế giới kỹ thuật số.

Trong thông điệp gửi đi nhân Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ năm nay (21/2/2016), bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc tổ chức UNESCO khẳng định chủ đề của ngày kỷ niệm năm nay được lựa chọn: “Giáo dục có chất lượng, ngôn ngữ giảng dạy và kết quả học tập” nhấn mạnh tầm quan trọng của các ngôn ngữ mẹ đẻ trong quá trình phát triển một nền giáo dục có chất lượng và đa dạng ngôn ngữ nhằm thực hiện Chương trình phát triển bền vững vào năm 2030.

Theo bà Irina Bokova, với Mục tiêu phát triển bền vững thứ 4, Chương trình phát triển bền vững vào năm 2030 tập trung vào một nền giáo dục có chất lượng và việc học tập trong suốt cuộc đời của tất cả mọi người, để mỗi phụ nữ và nam giới đều có thể có được những kỹ năng, hiểu biết và các giá trị cho phép họ được tham gia đầy đủ vào xã hội. Khía cạnh này, đặc biệt có vai trò quan trọng đối với các phụ nữ và trẻ em gái, cũng như đối với những người dân bản địa, dân tộc thiểu số và người dân nông thôn, là một phần trong Khuôn khổ hành động Giáo dục năm 2030 của UNESCO. Được thiết kế như một lộ trình cho việc thực hiện Chương trình phát triển bền vững vào năm 2030, khuôn khổ hành động này khuyến khích sự tôn trọng đầy đủ việc sử dụng tiếng mẹ đẻ trong quá trình giảng dạy và học tập, cũng như thúc đẩy và bảo tồn đa dạng ngôn ngữ.

Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh: Đa ngôn ngữ là điều cần thiết để thúc đẩy các mục tiêu, cũng là điều cần thiết cho sự thành công của toàn bộ Chương trình Phát triển bền vững vào năm 2030, đặc biệt liên quan đến sự tăng trưởng, việc làm và sức khỏe, cũng như việc thiết lập các mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững và biến đổi khí hậu. “Là một phần của một phương pháp tiếp cận đa ngôn ngữ, tiếng mẹ đẻ là những thành phần thiết yếu của một nền giáo dục có chất lượng, và chính là nền tảng cho việc trao quyền cho các cá nhân và xã hội. Chúng ta phải nhận ra và nuôi dưỡng sức mạnh này, để không để lại bất cứ ai ở ngoài lề xã hội và xây dựng một tương lai công bằng và bền vững hơn cho tất cả mọi người” – bà Irina Bokova nêu rõ.

Gìn giữ và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt

Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất, đa dân tộc và vì vậy cũng là quốc gia có nhiều ngôn ngữ. Trong suốt quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước, việc bảo tồn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt cũng như các ngôn ngữ dân tộc khác luôn được xem là nhiệm vụ của mỗi người dân Việt Nam. Tiếng Việt như là một ngôn ngữ luôn gắn liền với sự phát triển của xã hội Việt Nam, chịu tác động to lớn và mạnh mẽ của các tiến trình phát triển của Việt Nam.

Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định ngôn ngữ tiếng Việt rất phong phú và luôn luôn phát triển. Cho tới thời điểm hiện tại, thế giới nói chung và người dân Việt Nam chúng ta nói riêng đều không thể phủ nhận vai trò quan trọng của tiếng Việt cũng như sự phát triển mạnh mẽ của ngôn ngữ mẹ đẻ. Trong quá trình phát triển, rất nhiều từ mới, cụm từ mới, thuật ngữ mới thuần Việt đã được ra đời và phục vụ tốt hơn công việc giao tiếp, diễn đạt ý tưởng và phát triển kinh tế, xã hội, khoa học. Tiếng Việt không chỉ thu hút bằng âm sắc trầm bổng và trữ tình mà còn ở chiều sâu của ngữ nghĩa.

Thời gian trở lại đây, song hành với quá trình toàn cầu hóa nói chung là “toàn cầu hóa văn hóa” và “toàn cầu hóa ngôn ngữ”. Đó là một thực tế không thể tránh khỏi. Quá trình giao thoa về ngôn ngữ diễn ra mạnh mẽ khiến tiếng Việt cùng lúc phải “cạnh tranh” với nhiều ngoại ngữ khác. Bên cạnh đó, dưới tác động của quá trình đô thị hoá, của nền kinh tế thị trường, sự di chuyển liên tục của dòng người giữa ba miền Bắc-Trung-Nam, giữa các vùng trong một miền, giữa nông thôn và thành thị..., thành phần dân cư, dân tộc cũng đã và đang bị xáo trộn, đan xen. Theo đó, tiếng Việt cũng có những thay đổi đáng kể, đó là sự phân bố về vị thế, chức năng giữa tiếng Việt chung với các tiếng Việt phương ngữ, sự phân bố lại về ngôn ngữ tộc người...

Không thể phủ nhận, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa khiến tiếng Việt có nhiều cơ hội tiếp thu được nhiều yếu tố mới và tiến bộ làm cho tiếng Việt trở nên giàu có. Nhưng mặt khác tiếng Việt cũng phải đối đầu trước nguy cơ hòa tan theo xu hướng áp đảo của chính sách “thế giới phẳng” về ngôn ngữ và văn hóa do một số nước lớn chủ xướng. Trong suốt những năm vừa qua, dù được đề cập dưới nhiều khía cạnh nội dung phong phú nhưng mục tiêu thống nhất là “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” vẫn luôn là một chủ đề liên tục được bàn thảo, khi ồn ào lúc lại lắng xuống, nhưng chưa bao giờ giảm sức "nóng".

Tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ của đại đa số người Việt Nam, là công cụ giao tiếp quan trọng bậc nhất trong một cộng đồng dân cư rộng lớn. Tiếng Việt có lịch sử hình thành và phát triển rất đáng tự hào, trong đó đáng kể nhất là khả năng tiếp nhận vốn từ vựng từ bên ngoài, tự điều chỉnh chúng một cách chủ động, biến thành cái riêng, cái đặc biệt của người Việt, thực sự đã, đang và sẽ mãi là tài sản quốc gia quý giá. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải kế thừa những giá trị ngôn ngữ truyền thống và hội nhập như thế nào để đừng đánh mất bản sắc của tiếng mẹ đẻ./.