Phân tích nhân vật ngô tử văn lớp 10

Tác phẩm Chuyện chức phán sự đền Tản Viên của tác giả Nguyễn Dữ là một bài học quan trọng trong chương trình Ngữ văn 10. Mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây về phân tích nhân vật Ngô Tử Văn.

Mục lục bài viết

1. Nội dung truyện Chuyện chức phán sự đền Tản Viên:

Ngô Tử Văn, một kẻ sĩ nổi tiếng với tính tình chính trực, không chịu được sự lộng hành của hồn một kẻ bại tướng nên đã đốt đền nơi hắn ở và trừ hại cho dân. Tên tướng bại trận đe dọa Tử Văn và kiện chàng ở âm phủ. Nhưng chàng được thổ thần mách về đường đi nước bước cùng tội ác của tên tướng giặc. Khi Tử Văn bị bắt xuống âm phủ nhưng chàng đã không hề run sợ mà mạnh mẽ vạch trần tội ác của tên tướng bại trận. Với những bằng chứng chắc chắn, cuối cùng công lý đã chiến thắng: tên tướng giặc cùng bọn phán sự vô trách nhiệm phải nhận quả báo, quan thổ thần được phục chức, và Tử Văn được sống lại. Sau đó, Tử Văn đã nhận chức phán sự đền Tản Viên với nhiệm vụ chuyên trông coi việc xử án.

Mở bài:

Trên cơ sở những thông tin trên để khái quát về tác giả, tác phẩm

Giới thiệu vấn đề đề bài yêu cầu phân tích: Phân tích nhân vật Ngô Tử Văn: với những nét tính cách tiêu biểu: ngay thẳng, không chịu sự đàn áp của kẻ khác, dũng cảm, liêm chính.

Thân bài:

Ở làng ngôi đền Tử Văn sống trước có một linh hồn của tên giặc bại trận làm yêu quái quấy nhiễu nhân dân.

Trước sự việc bất bình đó, “Tử Văn rất tức giận, một hôm tắm gội sạch sẽ, khấn trời rồi châm lửa đốt đền”.

Sự thẳng thắn, nóng nảy của Tử Văn là một hành động dũng cảm vì dân.

Tử Văn không phải tức giận cho riêng mình mà vì mọi người dân đang bị yêu quái hại -> đây là việc làm rất đáng ca ngợi.

Sau khi đốt ngôi đền, Tử Văn bị giải xuống địa phủ.

Lúc ở chốn âm cung trước Tử Văn có chút tỏ mơ hồ nhưng sau lại càng cho thấy mình là người có khí phách.

Chàng dám tự tin khẳng định: “Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian” và còn mạnh mẽ vạch mặt tên tướng gian tà với khí thế “rất cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào”. Chàng chiến đấu đến cùng vì lẽ phải.

Ngô Tử Văn đã từng bước, từng bước đánh tan sự phản công lẫn chống cự rồi sau đó hoàn toàn đánh gục tên bại tướng.

Sau khi được minh oan và trở về trần thế Tử Văn được Thổ công khuyên nên nhậm chức phán sự ở đền Tản Viên: “người ta sống ở đời, xưa nay ai chẳng phải chết, miễn là chết đi còn được tiếng về sau” Thế là Văn vui vẻ nhận lời, đây là biểu hiện của cự thắng lợi vang dội của chàng trước tên hung thần xảo quyệt.

Con người đại điện cho chính nghĩa là Ngô Tử Văn đã dũng cảm đứng ra thực hiện công lý và khẳng định một chân lí sâu sắc, một niềm tin chính nghĩa luôn luôn, nhất định đánh bại cái gian tà.

Kết bài:

Câu chuyện đề cao Ngô Tử Văn – là một đại diện tiêu biểu cho tầng lớp trí thức giàu tinh thần, tự tôn dân tộc, luôn đứng về chính nghĩa, cương trực, dũng cảm, dám đứng lên đấu tranh chống lại cái hung bạo đem lại chiến thắng của công lí cho người dân. Truyện khẳng định một chân lí trường tồn theo thời gian rằng chính nghĩa sẽ luôn thắng gian tà.

3. Phân tích nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên:

Tác giả Nguyễn Dữ là một cây bút xuất sắc, tài hoa trong nền văn học trung đại của Việt Nam. Tác phẩm duy nhất của ông là Truyền kì mạn lục là đỉnh cao trong sáng tác của thể loại truyền kì rất độc đáo này. Truyền kì mạn lục là tác phẩm vừa giàu giá trị hiện thực vừa thấm đượm giá trị nhân đạo sâu sắc, là tiếng lòng đề cao tinh thần lòng tự tôn của dân tộc và khát vọng cao đẹp của tầng lớp trí thức dũng cảm đa mưu, quyết đấu tranh cho chính nghĩa. Trong đó nhân vật Ngô Tử Văn trong tác phẩm mang tên Chuyện chức phán sự đền Tản Viên là một nhân vật trí thức tiêu biểu như thế. Chàng hiện lên thông qua lời nhận xét và lời nói, hành động của chính mình với phẩm chất, trung thực, khẳng khái, quyết đấu tranh hết mình với gian tà, không sợ quyền chức.

Mở đầu câu chuyện, tác giả giới thiệu về nhân vật qua cách miêu tả trực tiếp. Ngô Tử Văn tên được gọi là Soạn, người sống tại huyện Yên Dũng vùng đất Lạng Giang. Chàng được nhận xét là người vốn có tính nóng nảy, thấy sự việc trái đạo lý thì không thể chịu được. Khắp vùng đất Bắc này khen Tử Văn là người cương trực. Lời giới thiệu trực tiếp vô cùng ngắn gọn, xúc tích nhưng đã giúp người đọc có những hiểu biết ban đầu về nhân vật này.

Sự dũng cảm, cương trực được thể hiện ngay ở việc đốt đền của chàng. Lí do là bởi Tử Văn diệt trừ kẻ đang tác oai tác quái hại dân ở đây. Chàng là con người nóng nảy nhưng lại luôn hành động vì người khác, dám đứng lên trừ yêu diệt quái giúp dân. Trước khi hành động đốt đền, chàng đã có sự chuẩn bị rất kĩ lưỡng: “tắm gội sạch sẽ, khấn trời”. Tử Văn làm việc một cách cẩn trọng, xuất phát từ một ý thức rõ ràng, muốn lấy thái độ chân thành của mình để ông trời thấy mà đồng tình. Trước hành động đốt đền của chàng, mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, chỉ có chàng là vẫn ngất ngưởng tự nhiên, tin vào việc chính nghĩa của mình.

Sự cương trực, chính nghĩa ấy của Ngô Tử Văn được bộc lộ rõ khi đối mặt với hồn ma tên tướng giặc. Tên tướng giặc ấy khi còn sống thì là kẻ đi xâm lược tàn hại dân ta, đến khi chết rồi vẫn ỷ mạnh hiếp yếu, lại còn gian trá đòi đút lót rồi hại dân trong vùng. Hắn làm như mình là kẻ bị hại khi bị đốt đền, dùng tà phép làm Tử Văn bị bệnh. Hồn ma bại tướng luôn buông lời đe dọa, quyết kiện chàng xuống tận Diêm Vương. Trái ngược với sự ngang tàn, quyền phép của hồn ma tướng giặc, Ngô Tử Văn vẫn bình tĩnh, không hề sợ hãi mà rất tự tin, thậm chí chẳng thèm tiếp lời hồn ma tên giặc. Ta thấy được thái độ cũng như khí phách cứng cỏi, một niềm tin mãnh liệt vào sự thật và sự ngay thẳng trong hành động của chàng sĩ Ngô Tử Văn. Mặt khác, bản lĩnh, sự thấu tình đạt lí của chàng còn bộc lộ qua thái độ cảm kích trước lời chỉ dẫn của thổ thần nước Việt, cùng là người bị hại của tên tướng giặc. Vì thấy Tử Văn dũng cảm, làm việc chính đáng với mục đích trừ hại cho dân nên mới được thần linh trợ giúp.

Tính cách chính nghĩa của nhân vật còn thể hiện trong quá trình bị lôi xuống địa phủ. Tình thế ngày càng nguy hiểm khi Tử Văn bị bọn quỷ sai lôi đi và bị phán xét là kẻ “tội sâu ác nặng, không được liệt vào hàng khoan giảm“nhưng chàng chẳng nhụt chí, một mực đòi phải được phán xét công khai và minh bạch. Đứng trước Diêm vương đầy quyền uy, Tử Văn dũng cảm vạch trần tội ác của tên giặc bằng những lời lẽ cứng cỏi, bằng chứng chắc chắn. Chàng đã bảo vệ chính nghĩa mà bất chấp sự sống của mình, không chịu quỳ gối trước uy quyền, nhất quyết đấu tranh cho lẽ phải đến cùng. Nhưng chỉ dựa vào lời khai một bên nguyên, Diêm Vương đã có lúc tỏ ra hồ đồ. Trong tình cảnh ấy chàng “kêu to”, khẳng định “Ngô Soạn này là kẻ ngay thẳng ở trần gian“, và mạnh mẽ vạch trần tên bại tướng với lời lẽ rất “cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào“. Và cuối cùng cứ từng bước một, Ngô Tử Văn đánh lui sự phản công và kháng cự của kẻ thù. Kết quả, chàng đã giành được công lí, chiến thắng sự gian tà của tên tướng giặc. Chiến thắng ấy mang ý‎ nghĩa rất lớn, trừng trị hồn ma tướng giặc xảo trá, và sáng tỏ nỗi oan, phục hồi chức vị cho thổ thần, giải trừ sự quấy nhiễu cho nhân dân.

Ngô Tử Văn được nhận thành quả xứng đáng, được chia một nửa xôi lợn với vị Thổ thần và đặc biệt được tiến cử giữ chứng phán sự đền Tản Viên.

Qua nhân vật Ngô Tử Văn, Nguyễn Dữ đã ca ngợi vẻ đẹp kẻ sĩ cương trực, dũng cảm đứng lên đấu tranh cái xấu, cái ác. Đồng thời cũng thể hiện đạo lí vô cùng sâu sắc rằng ở hiền gặp lành. Qua tác phẩm người đọc cũng thấy được tài năng xây dựng truyện vô cùng đặc sắc của tác giả Nguyễn Dữ.

4. Cảm nhận về nhân vật Ngô Tử Văn hay nhất:

Chuyện chức phán sự đền Tản Viên là một trong những truyện hay, tiêu biểu nhất trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Nổi bật nhất trong tác phẩm là kẻ sĩ cương trực thẳng thắn Ngô Tử Văn, nhân vật đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc, đồng thời tác giả cũng gửi gắm những tư tưởng, quan điểm về xã hội con người qua nhân vật này.

Nhân vật Ngô Tử Văn là hình tượng kẻ sĩ tiêu biểu của văn học trung đại, cương trực, khẳng khái. Khác với những câu chuyện trong Truyền kì mạn lục giới thiệu về nguồn gốc xuân thân nhân vật, hành trình số phận nhân vật từ đầu đến cuối (Vũ Nương) thì trong tác phẩm này chỉ chọn một thời điểm, một lát cắt có ý nghĩa nổi bật nhất để bộc lộ đầy đủ tính cách nhân vật. Truyện có kết cấu như một màn kịch ngắn, qua màn kịch này toàn bộ tính cách, phẩm chất của nhân vật được phô bày.

Mở đầu tác phẩm, tác giả giới thiệu Tử Văn vốn là người “khẳng khái, nóng nảy, thấy sự gian tà thì không thể chịu được…” và toàn bộ câu chuyện phía sau là để chứng minh cho nhận định ban đầu ấy. Tính cách cương trực, thẳng thắn, ghét gian tà được bộc lộ trực tiếp qua ngôn ngữ, hành động nhân vật.

Trước hết là hành động Tử Văn đốt đền của tên tướng giặc họ Thôi. Vào cuối đời Hồ có tên tướng giặc Bách hộ họ Thôi, tên này tử trận gần miếu thổ thần nên đã cướp đền của Thổ công để trú ngụ. Khi ở đền hắn chẳng những không phù hộ cho nhân dân mà còn tác oai tác quái trong nhân gian. Thấy sự gian tà Tử Văn vô cùng tức giận: “Tử Văn rất tức giận, một hôm tắm gội sạch sẽ, rồi châm lửa đốt đền”. Hành động đó cho thấy sự dũng cảm của Tử Văn, trong khi tất cả mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, sợ hãi thì Tử Văn đã có hành động vô cùng quyết liệt, trừ hại cho nhân dân. Sau khi đốt đền, chàng “vung tay không cần gì cả”, Tử Văn đã quyết đấu, quyết sống mái một phen với kẻ gian tà. Hơn nữa hành động của chàng không phải là hành động bột phát mà đã có sự suy nghĩ và chuẩn bị từ trước: tắm gội, khấn trời rồi mới thực hiện hành động đốt đền của mình.

Tuyên chiến với kẻ thù có sức mạnh lại vô cùng hiểm ác, nhưng Tử Văn không hề sợ hãi. Trước những lời buộc tội của hồn ma bằng đạo lý nho gia, hay hăm dọa: “biết điều thì dựng trả ngôi đền như cũ. Nếu không thì, vô cớ hủy đền Lư Sơn, Cố Thiệu sẽ khó lòng tránh khỏi tai vạ”, Tử Văn vẫn tin vào sức mạnh chính nghĩa, công lý “ngồi ngất ngưởng tự nhiên”. Ngô Tử Văn vô cùng dũng cảm, tự tin. Thái độ ung dung, thản nhiên, coi thường lời buộc tội và đe dọa, đó không phải hành động của kẻ bất cần, không sợ sống chết mà là hành động tự tin của người nắm được chính nghĩa. Câu hỏi trước vị thổ thần “Liệu hắn có thực là tay hung hãn, có thể gieo vạ cho tôi không?” cho thấy Tử Văn muốn biết rõ thế ta địch để có những đối phó hợp lí.

Trước những lời dọa dẫm Tử Văn vẫn nhất quyết không nghe lời hắn xây lại đền, đêm hôm ấy Tử Văn bệnh càng thêm nặng và có hai tên quỷ sứ đến bắt đi xuống âm ty. Đến đây cuộc chiến đấu càng trở nên gay go, quyết liệt hơn. Diêm Vương chỉ nghe từ một phía. Trước tình thế bị áp đảo, Tử Văn càng tỏ ra bình tĩnh và bản lĩnh hơn, chàng tâu trình đầu đuôi sự việc, lời lẽ vô cùng cứng cỏi, không hề có chút nhún nhường. Sở dĩ Tử Văn có được sự bản lĩnh ấy cũng là bởi một phần nhận được sự trợ giúp từ vị thổ thần đất Việt: “Rễ ác mọc lan, khó lòng lay động. Tôi đã định thưa kiện, nhưng mà có nhiều nỗi trăn trở: Những đền miếu gần quanh, vì tham của đút, đều bênh vực cho nó cả”. Dù chỉ là yếu tố phù trợ, nhưng nhờ có nó mà Tử Văn có thêm tự tin. Nhưng cũng cần khẳng định rằng sự bản lĩnh của Ngô Tử Văn vẫn chủ yếu là ở bản tính vốn dũng cảm của chàng và xuất phát từ khát vọng cao cả muốn được thực thi công lý, đem lại bình yên cho nhân dân.

Phần thắng đã thuộc về Tử Văn, thuộc về người cương trực, nghĩa khí, kẻ có tội – tên Bách hộ họ Thôi đã bị trừng trị thích đáng. Ngô Tử Văn được đền bù xứng đáng, Diêm Vương sai lính đưa về cõi dưỡng thể, xét Tử Văn đã có công trừ hại giúp dân nên được chia một nửa xôi lợn do dân cúng tế với vị Thổ thần. Hơn nữa Tử Văn còn được Thổ thần tiến cử giữ chứng phán sự đền Tản Viên. Qua kết thúc có hậu này, tác giả Nguyễn Dữ muốn đề cao triết lí ở hiền gặp lành của nhân dân ta.

Xây dựng nhân vật Ngô Tử Văn tác giả chủ yếu phác họa tính cách nhân vật qua hệ thống ngôn ngữ và hành động, không chú trọng miêu tả tâm lí nhân vật. Đặt nhân vật vào lát cắt, tình huống có vấn đề để từ đó làm nổi bật những phẩm chất tốt đẹp của nhân vật. Ngoài ra, cũng cần kể đến những yếu tố li kì giúp hoàn thiện vẻ đẹp phẩm chất nhân vật và giúp truyện phát triển hợp lý.

Qua nhân vật Ngô Tử Văn nói riêng và tác phẩm Chuyện chức phán sự đền Tản Viên nói chung, Nguyễn Dữ đã đề cao vẻ đẹp kẻ sĩ cương trực, sẵn sàng đứng lên tiêu diệt cái xấu, cái ác. Đồng thời cũng thể hiện triết lí ở hiền gặp lành của dân tộc ta. Tác phẩm còn thể hiện tài năng nghệ thuật xây dựng truyện đặc sắc của Nguyễn Dữ.