Quan điểm của Đảng về xây dựng Quân đội

Xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, hiện đại là nội dung cốt lõi của Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội. Tư tưởng chiến lược quan trọng này của Người không chỉ là phương hướng xuyên suốt quá trình xây dựng quân đội ta gần 70 năm qua, mà còn là cơ sở lý luận trọng yếu để Đảng ta đề ra định hướng chiến lược cho sự nghiệp xây dựng quân đội trong thời kỳ mới.

Trên cơ sở quán triệt những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới, nhất là quan điểm về xây dựng quân đội chính quy, hiện đại của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh đã sớm xác định phải xây dựng quân đội ta theo hướng cách mạng, chính quy, hiện đại. Đây là một tư tưởng lớn, bao gồm hệ thống những quan điểm cơ bản của Người về xây dựng quân đội. Trải qua quá trình trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và chiến đấu của quân đội ta, tư tưởng này của Người đã từng bước phát triển và ngày càng hoàn thiện. Trước hết, Hồ Chí Minh xác định phải xây dựng một quân đội cách mạng, bởi đây là nhân tố quan trọng hàng đầu, là cơ sở nền tảng xây dựng nên bản chất tốt đẹp và quyết định cho sự trưởng thành, chiến thắng của quân đội ta. Theo Người, quân đội cách mạng là quân đội “coi trọng chính trị”, là quân đội "có lòng ái quốc sắt đá", “tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Tổ quốc và nhân dân". Hơn thế nữa, Người còn nhấn mạnh rằng, quân đội cách mạng là quân đội dám "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" và đặc biệt, quân đội ấy có "cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái chí quật cường tất thắng, cái đạo đức: Trí, Dũng, Liêm, Trung"1.. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ, để xây dựng quân đội cách mạng, Đảng phải lãnh đạo quân đội thật chặt chẽ, phải liên tục tăng cường công tác đảng, công tác chính trị ở mọi cấp, mọi đơn vị trong quân đội. Đặc biệt, Đảng phải thường xuyên chăm lo giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao giác ngộ chính trị, nâng cao bản lĩnh và ý chí chiến đấu, nâng cao lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Người đã khái quát nội dung, yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng là phải xây dựng sao quân đội luôn "Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng"2. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bước vào giai đoạn cách mạng mới, Hồ Chí Minh xác định quân đội ta có bước tiến mới về chất, mà khâu đột phá của bước tiến ấy là tiến lên chính quy. Theo Người, xây dựng quân đội chính quy là đòi hỏi tất yếu khách quan của nhiệm vụ cách mạng, của sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Chính từ những lẽ đó, Người yêu cầu quân đội phải nỗ lực phấn đấu để nhanh chóng tiến lên chính quy. Người chỉ rõ, quân đội phải xây dựng chính quy một cách toàn diện: chính quy trong huấn luyện, trong sẵn sàng chiến đấu, trong sinh hoạt hàng ngày. Người luôn nhắc nhở bộ đội, nề nếp chính quy phải được duy trì thật chặt chẽ, nghiêm minh; chính quy từ bước đi, từ cái chào đến khẩu lệnh, mệnh lệnh; chính quy ở mọi lúc mọi nơi, ở các cấp và tất cả các đơn vị. Nói chuyện với bộ đội tham dự duyệt binh ngày 1-1-1955, Người chỉ thị: “Nhiệm vụ của quân đội hiện nay là phải cố gắng tiến lên chính quy. Đây là nhiệm vụ mới. Không vì hòa bình mà sao nhãng… chúng ta phải cố gắng học tập chính trị và kỹ thuật để tiến lên chính quy”3 . Ngay từ những ngày đó, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, muốn xây dựng được một quân đội chính quy thì Đảng, Nhà nước phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; chỉ huy các cấp phải nghiêm túc tổ chức thực hiện; toàn thể bộ đội phải thường xuyên tự giác chấp hành. Theo Người, xây dựng quân đội chính quy là nhiệm vụ rất quan trọng, Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm và vai trò rất lớn đối với nhiệm vụ này. Người nhấn mạnh: “Đảng và Chính phủ kiên quyết lãnh đạo bộ đội tiến lên chính quy. Với cố gắng của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh … nhất định bộ đội ta đi tốt đến chính quy”.4 Trong quá trình lãnh đạo xây dựng quân đội, bàn đến những nội dung cụ thể về xây dựng “quân đội tinh nhuệ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những luận điểm bước đầu rất quan trọng, Người sớm có quan điểm phát triển lực lượng theo hướng “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Trong nhiều đợt chỉnh huấn bộ đội, Người đã chỉ thị phải ra sức học tập, rèn luyện để đạt tới “tinh binh, tinh cán”. Trong giáo dục bộ đội đặc công, Người nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ phải khổ công tập luyện, nhằm tinh thông kỹ thuật, chiến thuật, để làm nhiệm vụ đặc biệt, đánh những trận chiến đặc biệt và giành thắng lợi đặc biệt. Những quan điểm trên là tiền đề lý luận rất quan trọng để Đảng ta vận dụng, phát triển, xác định thành phương hướng xây dựng “quân đội tinh nhuệ”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới. Cùng với xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, Hồ Chí Minh cũng đã sớm xác định phải xây dựng quân đội hiện đại. Theo Người, xây dựng quân đội hiện đại là đòi hỏi bức thiết của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đồng thời, là tiền đồ lâu dài của quân đội ta. Chính vì thế, Người xác định, xây dựng quân đội hiện đại là con đường tất yếu. Huấn thị tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp Bộ Quốc phòng (tháng 5- 1957), Người nhấn mạnh: “Tình thế ngày một tiến. Trước là thời kỳ khác, nay là thời kỳ khác. Quân đội ta nhất định tiến từng bước lên chính quy và hiện đại”5. Ngay từ những năm đầu miền Bắc mới giải phóng, Người đã chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục Chính trị chọn người đi học các quân chủng, binh chủng kỹ thuật hiện đại như hải quân, không quân, phòng không; chuẩn bị khung cán bộ cho các binh chủng kỹ thuật mới như xe tăng, tên lửa, ra đa, hóa học … Người cũng đặt vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp về nghệ thuật quân sự của chiến tranh hiện đại, về tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng. Dưới sự lãnh đạo của Người, đến năm 1960, các quân chủng, binh chủng kỹ thuật hiện đại của quân đội ta nối tiếp nhau ra đời và lực lượng này đã chiếm tới 49% tổng quân số. Trên cơ sở xây dựng như vậy, quân đội ta đã không ngừng tiến bộ, trưởng thành, có đủ sức mạnh, hoàn toàn chủ động, đánh thắng ròn rã ngay từ trận đầu cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta. Hồ Chí Minh còn chỉ rõ, muốn xây dựng được quân đội theo hướng trên, thì trách nhiệm chủ yếu và trước hết thuộc về đội ngũ cán bộ quân đội. Huấn thị tại buổi Lễ phong quân hàm cho cán bộ cao cấp toàn quân (tháng 12-1958), Người nhấn mạnh: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang, quân đội ta phải là một quân đội nhân dân, một quân đội cách mạng, tiến lên chính quy và hiện đại. Nhiệm vụ của quân đội như vậy, cho nên trách nhiệm của cán bộ rất nặng nề. Đảng và Chính phủ trao trách nhiệm ấy cho toàn thể cán bộ”6. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, hiện đại, từ Đại hội toàn quốc lần thứ VII đến lần thứ X của Đảng, Đảng ta luôn xác định, phải ra sức xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đặc biệt, tại Đại hội toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta xác định, các quân chủng phòng không - không quân, hải quân, binh chủng tác chiến điện tử và thông tin phải tiến thẳng, tiến nhanh lên hiện đại. Việc xây dựng bốn quân chủng, binh chủng hiện đại trên, chẳng những là ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà còn là đòi hỏi bức xúc, khách quan của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Quán triệt, vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, chúng ta phải tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, biện pháp, trong đó trước hết cần tập trung xây dựng theo định hướng chiến lược mà Đảng ta đã xác định như sau: Một là, xây dựng quân đội có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân; có trình độ sẵn sàng chiến đấu và sức chiến đấu ngày càng cao; thường xuyên cảnh giác, kịp thời đập tan mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Hai là, xây dựng quân đội nhân dân có số lượng hợp lý, cân đối đồng bộ giữa các lực lượng, các quân chủng, binh chủng; đảm bảo tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cho thế trận phòng thủ chiến lược của đất nước thật vững chắc. Ba là, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất cách mạng, trình độ chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần phù hợp với tính chất hoạt động của quân đội trong điều kiện đổi mới. Bốn là, đẩy mạnh xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, đảm bảo cho quân đội được trang bị vũ khí, khí tài ngày càng hiện đại. Đồng thời, phải có chiến lược mua sắm hợp lý để quân chủng phòng không - không quân, hải quân, binh chủng tác chiến điện tử và thông tin nhanh chóng tiến lên hiện đại. Năm là, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà Nước đối với quân đội, đảm bảo cho quân đội thực sự là công cụ bạo lực sắc bén để bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ cuộc sống hòa bình và hạnh phúc của nhân dân. --------------------

(1), (5) Hồ Chí Minh với các lực lượng vũ trang nhân dân, NXB Quân đội nhân dân, H.1975, tr. 55,306. (2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.1996, tập 11, tr. 350. (3),(4) Sách đã dẫn, tập 7, tr. 425, 425. (6) Sách đã dẫn, tập 9, tr. 274.

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng

7/22/2021 8:36:01 AM

Xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc để năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại là chủ trương lớn, được tính toán hết sức cẩn trọng, có tính khả thi cao ở thời điểm công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo hơn 35 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đồng thời, phù hợp với sự phát triển của thế giới, khu vực, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kết quả, kinh nghiệm của quá trình ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đây là chủ trương thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy, nhận thức mới của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Vì vậy, cần nhận thức một cách đầy đủ, khách quan, toàn diện nội dung cơ bản, cốt lõi về chủ trương này để tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ toàn quân nhằm quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả; tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

Một là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước. Vì vậy, vấn đề quan trọng trước tiên cần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân sự mà không có chính trị thì như cây không có gốc, vô dụng lại có hại.”1; đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội, xây dựng hệ thống tổ chức đảng trong Quân đội trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực lãnh đạo toàn quân hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; gắn xây dựng cấp ủy với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ; tăng cường đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Xây dựng Quân đội tinh, gọn mạnh sẽ tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Trong khi quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội, cần làm rõ việc xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh là một yêu cầu khách quan, cấp thiết, bảo đảm cho Quân đội ta ngày càng mạnh lên, tính cơ động cao, cơ cấu tổ chức hợp lý, vũ khí, trang bị hiện đại, sẵn sàng chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cùng với thống nhất nâng cao nhận thức, khắc phục khó khăn, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có chủ trương, giải pháp cụ thể, triển khai thực hiện từng bước theo lộ trình, chặt chẽ, đồng bộ, kiên quyết, kiên trì, sát thực tiễn. Đồng thời, làm tốt công tác tư tưởng, gắn công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ và chế độ, chính sách, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình tổ chức thực hiện.

Quan điểm của Đảng về xây dựng Quân đội
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Quân chính 6 tháng đầu năm 2021

Hai là, đột phá về tổ chức và trang bị. Để thực hiện hiệu quả vấn đề này, trước hết phải quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng về điều chỉnh tổ chức Quân đội, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới: “Tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh tổ chức Quân đội để có cơ cấu cân đối giữa các quân chủng, binh chủng, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, lực lượng thường trực và dự bị động viên”; Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ Quân đội: “Đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh; đến năm 2030 một số quân chủng, binh chủng, lực lượng hiện đại, phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại...”. Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới; Đề án chiến lược bảo đảm vũ khí, trang bị cho Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, toàn quân đẩy mạnh việc rà soát, đánh giá cụ thể quân số, tổ chức, trang bị của từng cơ quan, đơn vị, làm cơ sở điều chỉnh, kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong điều kiện mới. Quá trình rà soát, điều chỉnh cần bảo đảm khách quan, toàn diện, trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ của từng loại hình cơ quan, đơn vị và lực lượng. Cùng với tinh giản cần tiếp tục đầu tư xây dựng các lực lượng được xác định tiến thẳng lên hiện đại; nghiên cứu điều chỉnh, điều chuyển, thành lập một số đơn vị dự bị chiến lược; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, có tổ chức hợp lý, chất lượng ngày càng cao; sắp xếp lại các nhà máy sản xuất, cơ sở sửa chữa quốc phòng theo nhóm sản phẩm, công nghệ; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các binh đoàn, đoàn kinh tế - quốc phòng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Đối với khối cơ quan cấp chiến dịch, chiến lược, tập trung rà soát, điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng giảm đầu mối trung gian; bổ sung chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ để tăng cường quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đóng quân trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo. Đối với khối đơn vị chiến đấu, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị để điều chỉnh tổ chức, theo hướng tăng cường sức mạnh tác chiến, khả năng cơ động cao, sẵn sàng xử lý các tình huống; coi trọng xây dựng lực lượng đặc thù, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến trong tình hình mới. Sắp xếp lại các nhà máy sản xuất, cơ sở sửa chữa quốc phòng và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế các nhà trường Quân đội, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Qua đó, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về tổ chức, trang bị của Quân đội hiện đại: tinh, gọn, mạnh, có cơ cấu hợp lý, số lượng phù hợp, chất lượng ngày càng cao.

Ba là, xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại. Đây là vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh. Đại hội XIII của Đảng xác định: Phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện vấn đề này, trước hết tập trung xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng có quy mô, tổ chức, cơ chế quản lý phù hợp, bảo đảm tập trung, thống nhất về quản lý Nhà nước, phát huy vai trò, trách nhiệm tự chủ của các cơ sở công nghiệp quốc phòng. Kiện toàn tổ chức ngành kỹ thuật theo hướng “tinh, gọn, mạnh, thống nhất”, phù hợp với tính năng công nghệ của vũ khí, trang bị kỹ thuật với nhiệm vụ của từng cấp, bảo đảm công tác quản lý, chỉ huy, chỉ đạo thông suốt, không chồng chéo. Đổi mới phương thức bảo đảm kỹ thuật đối với vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, công nghệ cao theo hướng tập trung, thống nhất; đổi mới tư duy sản xuất vật tư kỹ thuật theo hướng mở rộng liên doanh, liên kết, xã hội hóa, v.v.

Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng dài hạn, trung hạn, phù hợp với điều kiện mới. Từng bước hội nhập công nghiệp quốc phòng vào công nghiệp quốc gia, thúc đẩy công nghiệp quốc gia phát triển. Ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp cơ bản, có tính lưỡng dụng cao. Đầu tư xây dựng có trọng điểm một số cơ sở công nghiệp quốc phòng có công nghệ tiên tiến, hiện đại, làm nòng cốt xây dựng các tổng công ty tiến tới hình thành các tập đoàn, tổ hợp công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng, công nghệ cao, có nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất và bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự; tập trung vào các hệ thống: tên lửa, tự động hóa chỉ huy, tác chiến không gian mạng; phòng, chống chiến tranh hạt nhân, hướng tới tác chiến vũ trụ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bốn là, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là một trong các đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho Quân đội tinh, gọn, mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong điều kiện mới. Số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao phải được phát triển mạnh tương ứng với các bước theo lộ trình hiện đại hóa về vũ khí, trang bị kỹ thuật, yêu cầu hiện đại hóa các quân chủng, binh chủng, lực lượng. Tuy nhiên, phát triển về số lượng cần phù hợp với cơ cấu hoạt động, tổ chức, biên chế của Quân đội; đồng thời, phản ánh mức độ sử dụng lao động quân sự và tương ứng với trình độ vũ khí, khoa học công nghệ quân sự. Việc chuẩn bị nguồn nhân lực phải quan tâm đến cả nguồn kế cận và nguồn kế tiếp, nhất là nguồn cán bộ cao cấp, cán bộ khoa học, chuyên gia đầu ngành. Phát triển nhanh về số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, song phải bảo đảm tính vững chắc và có nguồn dự trữ phù hợp. Tập trung phát triển đội ngũ cán bộ khoa học quân sự, chuyên gia đầu ngành, lực lượng giảng viên trong hệ thống nhà trường; cán bộ nghiên cứu ở các viện, trung tâm khoa học của Quân đội. Phát triển đội ngũ cán bộ chỉ huy tham mưu, quân sự, chính trị các cấp có chất lượng cao; xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần, kỹ thuật, kinh tế đủ sức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chú trọng gia tăng lực lượng chuyên gia, đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật cao ở các đơn vị kỹ thuật, bảo đảm đủ nguồn nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu biên chế xây dựng Quân đội, trước hết ưu tiên cho những đơn vị trọng điểm.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập sát yêu cầu, nhiệm vụ, địa hình, địa bàn, môi trường tác chiến, thời gian thực. Trong giáo dục và đào tạo, bảo đảm hệ thống, đồng bộ và liên thông giữa các cấp học, bậc học. Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện cả nội dung, chương trình và tổ chức, phương pháp dạy - học, nhằm nâng cao chất lượng lâu dài ngay từ đầu ra ở các học viện, nhà trường, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Thiếu tướng, PGS, TS. VŨ CƯƠNG QUYẾT, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng
________________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr.130.