So sánh sởi và thủy đậu năm 2024

Thủy đậu và sởi đều là những bệnh truyền nhiễm thường gặp và có một số biểu hiện tương đồng. Việc phân biệt được 2 bệnh cảnh này sẽ giúp phát hiện và điều trị bệnh một cách phù hợp. Cùng tìm hiểu về vấn đề trên qua bài viết của Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh nhé!

Những thống kê về thủy đậu và sởi

Thủy đậu và sởi đều là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra.

Thủy đậu xảy ra ở tất cả các quốc gia và gây ra khoảng 7.000 ca tử vong hàng năm. Ở các nước ôn đới, đây là bệnh phổ biến ở trẻ em, hầu hết các trường hợp xảy ra vào mùa đông và mùa xuân. Tính riêng tại Hoa Kỳ, thủy đậu chiếm hơn 9.000 ca nhập viện hàng năm. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là ở nhóm tuổi từ 4 đến 10 tuổi.1

Trong khi đó, sởi từng là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể bùng phát thành dịch khoảng 2 – 3 năm/lần và gây ra 2,6 triệu ca tử vong trước khi vắc-xin sởi ra đời. Năm 2018, hơn 140.000 ca tử vong vì bệnh sởi, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi.2

Bệnh sởi và thủy đậu đều dễ bùng phát vào mùa thu đông và có những triệu chứng giống nhau ở giai đoạn khởi bệnh như sốt, phát ban. Vì vậy rất nhiều người nhầm lẫn giữa sởi và thủy đậu.

Phân biệt thủy đậu và sởi như thế nào?

1. Về nguyên nhân

Sởi2

Bệnh sởi do một loại virus sởi gây ra. Virus sởi thuộc họ Paramyxovirus và nó thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp và qua không khí. Virus lây nhiễm qua đường hô hấp, sau đó lây lan khắp cơ thể. Sởi là một bệnh ở người và không được tìm thấy ở động vật.

So sánh sởi và thủy đậu năm 2024
Virus sởi thuộc họ Paramyxovirus và nó thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp và qua không khí

Thủy đậu3

Thủy đậu gây ra bởi virus Varicella-zoster (VZV). Đây là một loại virus DNA thuộc nhóm Herpesvirus. Sau khi nhiễm lần đầu, VZV ở lại trong cơ thể (trong các hạch thần kinh cảm giác) dưới dạng nhiễm trùng tiềm ẩn. Nhiễm VZV lần đầu tiên gây ra bệnh thủy đậu. Kích hoạt lại nhiễm trùng tiềm ẩn gây ra bệnh zona (giời leo).

2. Về triệu chứng

Sởi2

Dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi thường là sốt cao. Thường xuất hiện khoảng 10 – 12 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Sốt có thể kéo dài từ 4 đến 7 ngày. Sổ mũi, ho, mắt đỏ và chảy nước mắt, và những đốm trắng nhỏ bên trong má (dấu Kopplik) có thể phát triển trong giai đoạn đầu. Sau vài ngày, phát ban bùng phát, thường ở mặt và cổ trên. Trong khoảng 3 ngày, phát ban lan rộng, cuối cùng đến tay và chân. Phát ban kéo dài từ 5 đến 6 ngày rồi mờ dần.

Thủy đậu4

Triệu chứng điển hình của bệnh thủy đậu là phát ban dưới dạng mụn nước. Mụn nước này ngứa và sau đó sẽ đóng vảy. Phát ban đầu tiên có thể xuất hiện trên ngực, lưng và mặt, sau đó lan ra toàn bộ cơ thể. Bao gồm cả bên trong niêm mạc miệng, mí mắt hoặc vùng sinh dục. Thường mất khoảng một tuần để tất cả các mụn nước đóng vảy.

Các triệu chứng điển hình khác có thể bắt đầu xuất hiện từ một đến hai ngày trước khi phát ban bao gồm: sốt, mệt mỏi, ăn không ngon.

So sánh sởi và thủy đậu năm 2024
Triệu chứng điển hình ở thủy đậu là phát ban dạng mụn nước

3. Về biến chứng

Sởi5

Các biến chứng thường gặp của bệnh sởi là:

  • Nhiễm trùng tai: xảy ra ở khoảng 1/10 trẻ bị sởi.
  • Tiêu chảy: được báo cáo ở ít hơn.

Biến chứng nặng hơn có thể gặp ở trẻ em và người lớn bệnh sởi là: viêm phổi và viêm não. Biến chứng lâu dài khác như: viêm não toàn thể xơ cứng bán cấp (SSPE) là một bệnh rất hiếm gặp nhưng gây tử vong ở hệ thần kinh trung ương do nhiễm vi rút sởi mắc phải trước đó trong đời.

Thủy đậu6

Các biến chứng do thủy đậu có thể xảy ra gồm:

  • Nhiễm trùng da và mô mềm do vi khuẩn ở trẻ em, bao gồm nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A.
  • Viêm phổi.
  • Viêm não.
  • Các vấn đề về chảy máu (biến chứng xuất huyết).
  • Nhiễm trùng huyết.

Thủy đậu cũng có thể gây tử vong. Các trường hợp tử vong hiện nay rất hiếm do chương trình vắc-xin đã được phổ biến. Tuy nhiên, một số trường hợp tử vong do thủy đậu tiếp tục xảy ra ở trẻ em và người lớn khỏe mạnh, chưa được tiêm phòng.

4. Về cách điều trị

Sởi2

Hiện chưa phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh sởi. Các biến chứng nghiêm trọng do bệnh sởi có thể giảm bớt thông qua chăm sóc hỗ trợ đảm bảo dinh dưỡng tốt, uống đủ nước và điều trị mất nước bằng dung dịch bù nước đường uống theo khuyến cáo của WHO. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh nếu có nhiễm trùng mắt, tai hoặc viêm phổi.

Trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh sởi đều được khuyến cáo được bổ sung hai liều vitamin A, cách nhau 24 giờ. Bổ sung vitamin A cũng đã được chứng minh là làm giảm số ca tử vong do sởi.

Thủy đậu1

Điều trị thủy đậu chủ yếu là điều trị giảm nhẹ các triệu chứng. Có thể sử dụng kem calamine tại chỗ để giảm triệu chứng ngứa. Để hạ sốt do thủy đậu có thể dùng acetaminophen. Tránh dùng aspirin vì có thể gây ra hội chứng Reye.

Ở trẻ em, có thể sử dụng acyclovir làm giảm triệu chứng trong một ngày. Nhưng thuốc không tác dụng đến tỷ lệ biến chứng và không được khuyến cáo cho những người có chức năng miễn dịch bình thường.

Ở người lớn, tình trạng nhiễm trùng có thể nặng hơn và nên được điều trị bằng thuốc kháng virus (acyclovir hoặc valacyclovir). Thuốc này thường dùng điều trị bằng đường uống, nhưng với người bệnh suy giảm miễn dịch thì đường tiêm tĩnh mạch sẽ được dùng phổ biến hơn.

5. Về cách phòng ngừa

Cả sởi và thủy đậu đều là những bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vắc-xin.

Để ngừa sởi, vắc-xin kết hợp sởi – quai bị – rubella MMR là loại vắc-xin thường được sử dụng. MMR được đánh giá an toàn và hiệu quả. Hai mũi vắc-xin MMR có hiệu quả phòng bệnh sởi khoảng 97%, một liều có hiệu quả khoảng 93%.7

Đối với thủy đậu, CDC khuyến nghị tiêm hai liều vắc xin thủy đậu cho trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn chưa từng mắc bệnh thủy đậu và chưa từng tiêm phòng. Trẻ em thường được khuyến cáo tiêm liều đầu tiên từ 12 đến 15 tháng tuổi và liều thứ hai từ 4 đến 6 tuổi.8 Vắc xin thủy đậu an toàn và phòng bệnh hiệu quả. Hầu hết những người chủng ngừa sẽ không bị thủy đậu. Nếu một người đã được tiêm phòng mắc bệnh thủy đậu, các triệu chứng thường nhẹ hơn với ít hoặc không có mụn nước và chỉ sốt nhẹ hoặc không sốt.9

So sánh sởi và thủy đậu năm 2024
Cả thủy đậu và sởi đều có thể được phòng ngừa bằng việc tiêm vắc-xin

Ngoài ra, để phòng tránh lây nhiễm sởi và thủy đậu, bạn đọc cũng có thể thực hiện các cách sau:

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
  • Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, nơi đông người.
  • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh thủy đậu và sởi.

Trên đây là bài viết về thủy đậu và sởi. Hai bệnh có những triệu chứng giống nhau trong giai đoạn đầu. Vì vậy, nếu có triệu chứng, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị thích hợp.