Tại sao phải cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản là chủ trương mà ngành nông nghiệp và các địa phương đang tiếp tục thực hiện. Mục tiêu nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế nông nghiệp, tăng thu nhập cho người sản xuất và góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Quá trình thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua đã có tác động rất lớn, làm thay đổi phương thức sản xuất theo quy mô tập trung, ứng dụng nhiều hơn hàm lượng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành theo hướng nâng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi - thủy sản, dịch vụ. Lĩnh vực nông nghiệp đã thu hút được nhiều thành phần kinh tế đầu tư, từng bước khắc phục hạn chế và khó khăn trong sản xuất, tạo đà tăng trưởng.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ở tỉnh ta đạt bình quân 1,15%/năm; tỷ trọng ngành chăn nuôi - thủy sản chiếm 56,5% trong cơ cấu nông nghiệp; giá trị sản xuất bình quân đạt 121,6 triệu đồng/ha/năm 2020, tăng 31,2% so với năm 2015. Cơ giới hóa  được sử dụng trong sản xuất và chế biến nông sản tăng lên đáng kể, nhất là trong sản xuất lúa và chế biến rau, củ, quả. 

Tại sao phải cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Sở NN&PTNT thăm mô hình nuôi gà của Công ty cổ phần Go Fresh Việt Nam ở xã Liêm Phong (Thanh Liêm).

Thực hiện cơ cấu lại sản xuất đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn được những sản phẩm phù hợp nhằm khai thác tốt lợi thế về đất đai, thị trường. Riêng với cây lúa, diện tích gieo cấy các giống lúa hàng hóa, chất lượng trên địa bàn tỉnh tăng 26% so với năm 2015, đạt trên 26.000 ha/năm. Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được thực hiện, tạo thuận lợi cho nông dân mở rộng sản xuất cây ăn quả, thâm canh nuôi trồng thủy sản. Cơ chế, chính sách của tỉnh đã thúc đẩy thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, một số doanh nghiệp đầu tư ổn định vào sản xuất rau, củ, quả, hoa lan, lúa; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt bình quân 2 tỷ đồng/năm 2020. Các xã, thị trấn trong tỉnh đã tập trung được 2.092,2 ha sản xuất lúa, rau, củ, quả, cây dược liệu, hoa, cây ăn quả; giá trị sản xuất mô hình liên kết tăng từ 15-20% so với ngoài mô hình. 

Lĩnh vực chăn nuôi đang được phát triển theo hướng tập trung tại các trang trại và gia trại. Các chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò sữa và gia cầm ngày càng chặt chẽ, góp phần quan trọng vào việc giải quyết nhu cầu về nguồn cung cấp con giống, tiêu thụ sản phẩm và tạo thuận lợi quản lý về chất lượng sản phẩm, quản lý dịch bệnh, giảm áp lực về ô nhiễm môi trường. Riêng về chăn nuôi gia cầm, toàn tỉnh có 419 cơ sở chăn nuôi quy mô trên 2.000 con/trại, với tổng đàn 1,7 triệu con. Theo  thống kê đến cuối năm 2020, tổng đàn gia cầm ở tỉnh ta đạt 9,12 triệu con, giá trị sản xuất chăn nuôi gia cầm chiếm 35% trong tổng giá trị của ngành chăn nuôi.  Có thể thấy, nhờ cơ cấu lại đối tượng con vật nuôi, đàn gia cầm được phát triển nhanh về quy mô, tăng cường liên kết trong sản xuất và nâng cao giá trị kinh tế. 

Chủ trương cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp đã đi vào thực tiễn. Ở Thị xã Duy Tiên đã xây dựng và triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn thị xã có 8 mô hình tập trung ruộng đất, sản xuất rau hữu cơ, lúa hàng hóa và nuôi trồng thủy sản. Giảm áp lực thiếu lao động nông nghiệp, thị xã Duy Tiên khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, như: sử dụng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu cho cây trồng, máy cấy vào trồng lúa, ứng dụng công nghệ sông trong ao vào nuôi cá... Duy Tiên đã phát huy được hiệu quả vùng quy hoạch chăn nuôi bò sữa tập trung. Đến nay, trên địa bàn thị xã có 111 hộ nuôi bò sữa, với tổng đàn trên 3.220 con, các công ty liên kết thu mua sữa bò tươi với giá từ 11.000-14.000 đồng/lít. Theo ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên, chủ trương cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp đã tạo động lực để nông nghiệp phát triển theo hướng phát huy lợi thế, nâng cao năng suất, giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản, nâng cao hiệu quả sản xuất. 

Sau khi rà soát lại quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp chung của tỉnh, quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Lý Nhân quy hoạch lại vùng trồng lúa, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng chăn nuôi bò sữa, bò thịt. Các xã, thị trấn trên địa bàn đăng ký thực hiện mô hình tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất với cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến nông sản. Huyện Lý Nhân huy động các nguồn lực thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp, mục đích nhằm phát huy nguồn lực đầu tư của tỉnh và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Mặc dù giai đoạn 2015-2020, sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn lớn, nhưng ngành nông nghiệp của Lý Nhân vẫn giữ được đà tăng trưởng, đạt giá trị sản xuất bình quân 5,4%/năm, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của tỉnh trong cùng giai đoạn. 

Những kết quả đạt được trong phát triển sản xuất nông nghiệp thời gian qua là cơ sở cho ngành nông nghiệp định hướng, xác định rõ mục tiêu và giải pháp để đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất trong những năm tới. Theo ông Lê Hoàng Thuyên, Giám đốc Sở NN&PTNT, cơ cấu lại ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục được thực hiện theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản; đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tập trung ưu tiên hỗ trợ sản xuất đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất.

Yêu cầu đặt ra là cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch, tiềm năng, lợi thế của tỉnh và địa phương; phát huy vai trò của các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp, HTX nhằm thúc đẩy xây dựng liên kết chuỗi và tổ chức sản xuất hiệu quả hơn. Để thực hiện hiệu quả chủ trương này, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Trong đó, có giải pháp về đẩy mạnh quản lý quy hoạch và sử dụng  hiệu quả đất đai, xác định các sản phẩm chủ lực, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, có sức cạnh tranh và phù hợp với nhu cầu thị trường để tập trung ưu tiên hỗ trợ sản xuất; phát triển vùng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tập trung; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn... 

Chủ nhật, 29/11/2020 - 19:25 PM

Bộ NN-PTNT vừa tổ chức hội thảo “Tham vấn ý kiến dự thảo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025”.

Theo Bộ NN-PTNN, giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu tổng quát của việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp là tiếp tục định hướng trên 3 trụ cột về kinh tế, xã hội, môi trường với mục tiêu cụ thể là phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng.

Tại sao phải cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Nông nghiệp Việt Nam đã hoàn thành tốt sứ mệnh an ninh lương thực, trở thành nước xuất khẩu lớn về nông sản trong giai đoạn qua. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đối với mục tiêu kinh tế, đến năm 2020 tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành nông nghiệp đạt từ 3,5%/năm, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%, tỷ trọng lao động nông nghiệp có chứng chỉ đào tạo đạt khoảng 22%.

Về mục tiêu xã hội, giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng ngành được duy trì, thu nhập và đời sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Thu nhập của cư dân nông thôn đã tăng từ 32 triệu đồng/người năm 2016 lên 39,3 triệu đồng/người năm 2019 và ước đạt 43 triệu đồng/người năm 2020, gấp 1,92 lần so với năm 2015, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 15.000 HTX và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn.

Với mục tiêu môi trường, giai đoạn 2016 - 2020, năng lực phòng chống thiên tai ngày càng được nâng cao, các hoạt động được tổ chức toàn diện hơn, từng bước chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Việc quản lý sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu vô cơ ngày càng chặt chẽ, tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2019 đạt 41,85%, năm 2020 ước đạt 42%...

Phát triển theo chiều sâu, vừa đảm bảo an ninh lương thực

Tại hội thảo, đông đảo các cơ quan, đại diện các bộ ngành, chuyên gia, các tổ chức quốc tế, hiệp hội và các doanh nghiệp… đã tham gia góp ý nhiều quan điểm, định hướng, chính sách cho Bộ NN-PTNT để triển khai xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Tại sao phải cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, hiến kế cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới. Ảnh: Trung Quân.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn tới nên gắn liền với xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 vẫn cần hướng trọng tâm tới đảm bảo an ninh lương thực, tạo ra những sản phẩm giàu dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Bổng nhấn mạnh, trong việc cơ cấu lại nông nghiệp theo các vùng sinh thái, cần cụ thể lợi thế so sánh của từng vùng, chỉ rõ sản phẩm nào là lợi thế cạnh tranh của vùng đấy, cũng như chỉ rõ những khó khăn đặc thù mà vùng sinh thái đó gặp phải. Từ đó, mới có thể đưa ra những định hướng, giải pháp cụ thể cho sự phát triển bền vững của vùng đó.

Bên cạnh đó, việc đưa ra các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần chú trọng vào 4 “nút thắt” cơ bản là: Cơ chế chính sách tích tụ đất đai; đổi mới lại phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ, cá thể sang phương thức sản xuất quy mô lớn hơn; cải thiện kết cấu hạ tầng và nâng cao năng lực phát triển khoa học công nghệ.

Tại hội thảo, đại diện Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới đang đối mặt với nhiều thách thức như: Năng lực cạnh tranh ngày càng thấp so với các lĩnh vực kinh tế khác; năng lực cạnh tranh toàn cầu yếu do chất lượng thấp, hệ lụy từ định hướng lấy sản lượng làm trung tâm trong giai đoạn đã qua; tốc độ và năng lực chuyển đổi số thấp so với các ngành khác; quy mô nông hộ siêu nhỏ còn lớn...

Trong bối cảnh đó, sứ mệnh của ngành nông nghiệp Việt Nam tới đây vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực của trên 100 triệu dân, đảm bảo đủ cả về lượng, cân đối về dinh dưỡng và an toàn vệ sinh. Đảm bảo sinh kế cho hơn 9 triệu hộ nông dân (khoảng 26 triệu lao động nông thôn); cung cấp nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp thực phẩm; bảo vệ môi trường, môi sinh và đa dạng sinh học...

Tầm nhìn của ngành nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới, bên cạnh đảm bảo về an ninh lương thực - thực phẩm, còn phải trở thành nhà cung cấp lương thực, thực phẩm bền vững và có trách nhiệm, có năng lực cạnh tranh và nâng cao giá trị thương hiệu...

Tại sao phải cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Việt Nam cần hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp lương thực, thực phẩm bền vững và có trách nhiệm, có năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu. Ảnh: TL

Nhiều đại biểu là lãnh đạo của các ban ngành, đại diện các bộ, hiệp hồi, doanh nghiệp... cũng hiến kế nhiều giải pháp, định hướng cần phải tập trung trong giai đoạn 2021-2025 cho ngành nông nghiệp, trong đó tập trung nhất là cần cải thiện chất lượng nông sản, sản xuất theo chiều sâu, gia tăng giá trị theo chuỗi; tăng cường liên kết sản xuất chặt chẽ hơn nữa giữa nông dân - HTX - doanh nghiệp; cải thiện khả năng tiếp cận chính sách, giúp nông dân, HTX, doanh nghiệp tiếp cận chính sách dễ dàng hơn; tập trung đổi mới về chính sách đất đai; chính sách về bảo hiểm nông nghiệp; đẩy mạnh khoa học công nghệ làm nền tảng và động lực, nhất là tiếp cận công nghệ cao, công nghệ thông minh trong ứng dụng sản xuất...

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong bối cảnh toàn thế giới đang trong trạng thái “biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ” nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng đang đứng trước những thách thức rất lớn. Vì vậy, người làm nông nghiệp phải chủ động thích ứng với mọi sự thay đổi.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng trong nội tại ngành nông nghiệp của Việt Nam hiện nay, đang tồn tại nhiều mâu thuẫn cần phải giải quyết như: Mâu thuẫn giữa sự phát triển với những thách thức, đe dọa đến từ biến đổi khí hậu cực đoan. Mâu thuẫn giữa mong muốn lợi nhuận trong thời gian ngắn của doanh nghiệp, của người nông dân với tư duy xây dựng chiến lược phát triển dài hạn trong cơ cấu lại nghành nông nghiệp.

Mẫu thuẫn giữa chủ trương tích hợp tổng thể và tư tưởng cục bộ đang diễn ra trong đời sống xã hội, cục bộ giữa các doanh nghiệp, giữa người nông dân, thậm chí là cục bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Mâu thuẫn giữa chủ trương, mục tiêu phát triển của từng địa phương khác nhau với việc tạo chuỗi liên kết vùng…

Ngoài ra, văn hóa hợp tác của các thành phần cùng tham gia xây dựng chuỗi liên kết như người nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan quản lý… chưa khăng khít, còn rời rạc, thậm chí dẫm chân lên nhau.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn thời gian tới, tiếp tục nhận được các đóng góp, hiến kế của đông đảo các cơ quan, tổ chức quản lí nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân… trên cả nước nhằm tiếp tục hoàn thiện cho Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Bộ NN-PTNT sẽ nghiêm túc chủ trì, tổng hợp, nghiên cứu để xây dựng Kế hoạch cơ cấu ngành giai đoạn 2021-2025 để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.