Thực trạng nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện nay

Việt Nam là một câu chuyện phát triển thành công. Những cải cách kinh tế từ năm 1986 kết hợp với những xu hướng toàn cầu thuận lợi đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng một thế hệ. Từ năm 2002 đến 2020, GDP đầu người tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 USD. Tỉ lệ nghèo (theo chuẩn 1,9 USD/ngày) giảm mạnh từ hơn 32% năm 2011 xuống còn dưới 2%.

Nhờ có nền tảng vững chắc, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện sức chống chịu đáng kể trong những giai đoạn khủng hoảng, mới đây là đại dịch COVID-19.Tăng trưởng GDP giảm xuống 2,58% vào năm 2021 do sự xuất hiện của biến thể Delta nhưng dự kiến ​​sẽ phục hồi lên 5,5% vào năm 2022.

Y tế đạt nhiều tiến bộ lớn khi mức sống ngày càng cải thiện. Tỉ suất tử vong ở trẻ sơ sinh giảm từ 32,6 năm 1993 xuống còn 16,7 năm 2020 (trên 1.000 trẻ sinh). Tuổi thọ trung bình tăng từ 70,5 năm 1990 lên 75,4 năm 2019, cao nhất giữa các quốc gia trong khu vực có mức thu nhập tương đương. Chỉ số bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là 73, cao hơn trung bình khu vực và trung bình thế giới, trong đó 87% dân số có bảo hiểm y tế.

Khả năng người dân tiếp cận hạ tầng cơ sở được cải thiện đáng kể. Tính đến năm 2019, 99% dân số sử dụng điện chiếu sáng, so với tỉ lệ 14% năm 1993. Tỉ lệ tiếp cận nước sạch nông thôn cũng được cải thiện, từ 17% năm 1993 lên 51% năm 2020.

Việt Nam đã đặt ra những tầm nhìn phát triển tham vọng hơn, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Để làm được điều này, nền kinh tế cần tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm khoảng 5% trên đầu người trong 25 năm tới. Việt Nam cũng hướng tới mục tiêu phát triển theo hướng xanh hơn, bao trùm hơn đồng thời đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

Tương lai của Việt Nam đang được định hình bởi một vài xu thế lớn. Dân số đang già đi nhanh chóng, thương mại toàn cầu đang suy giảm, trong khi đó suy thoái môi trường, các vấn đề biến đổi khí hậu và tự động hóa ngày gia tăng. Tiến trình của các xu hướng này càng bị đẩy nhanh bởi đại dịch COVID-19.

Theo cập nhật Báo cáo Chẩn đoán Quốc gia mới nhất của Ngân hàng Thế giới, để vượt qua những thách thức này và đáp ứng các mục tiêu phát triển, Việt Nam cần cải thiện đáng kể hiệu quả thực thi chính sách, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính, môi trường, chuyển đổi kỹ thuật số, giảm nghèo/anh sinh xã hội và cơ sở hạ tầng.

Lần cập nhật gần nhất:14 Tháng 4 Năm 2022

Mục lục bài viết

  • 1. Bối cảnh và khái niệm
  • 2. Thực tiễn quá trình hình thành và hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế
  • 2.1 Những thành tựu
  • 2.2 Những yếu kém và tồn tại
  • 3. Chủ trương, quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường
  • 3.1 Chủ trương, quan điểm của Đảng
  • 3.2 Vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế
  • 4.Những vấn đề cần tiếp tục xem xét và hoàn thiện

1. Bối cảnh và khái niệm

Để cụ thể hóa đường lối chính trị này, Chính phủ và nhân dân Việt nam những năm qua đã có những nỗ lực không ngừng nhằm hình thành một hệ thống thể chế kinh tế mới: thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).

>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi: 1900.6162

Việc Việt nam lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa xuất phát từ thực tế là mô hình kinh tế CNXH cổ điển, đặc trưng bởi hệ thống kinh tế kế hoạch hoá tập trung, sau nhiều thập kỷ tồn tại, đã tỏ ra không còn sức sống và khả năng tự phát triển nội sinh về mặt kinh tế. Trong khi đó, kinh tế thị trường với tư cách là một phương thức sản xuất, đã được chứng minh là có thể được sử dụng nhằm phục vụ cho sự phát triển và thịnh vượng chung của các quốc gia, dân tộc, chứ không phải chỉ là tài sản riêng của chủ nghĩa tư bản (CNTB). Tuy nhiên, thực tế phát triển của các nền kinh tế thị trường (nhất là các nước theo mô hình kinh tế thị trường “thuần chủng”) ngày càng cho thấy rõ chính trong quá trình phát triển của mình, kinh tế thị trường luôn luôn tiềm ẩn những nguy cơ thất bại, bởi nó tỏ ra mâu thuẫn sâu sắc với các giá trị truyền thống, làm tăng tính bất ổn của xã hội và khoét sâu hố ngăn cách giầu – nghèo. Vì vậy, vai trò Nhà nước như một chủ thể xã hội sáng tạo và hùng mạnh để quản lý các quá trình kinh tế vĩ mô, nhằm hạn chế những khuyết tật của thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển, cần phải được khai thác có hiệu quả. Vì vậy, các thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được xây dựng và thực thi chính là nhằm mục đích làm cho “thị trường” và “Nhà nước” trở thành hai yếu tố bổ sung cho nhau, chứ không phải thay thế, loại trừ nhau.

2. Thực tiễn quá trình hình thành và hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế

2.1 Những thành tựu

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng, đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được thể chế hóa thành pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho nền kinh tế vận hành có hiệu quả. Trong gần 30 năm đổi mới, đã hai lần sửa đổi và ban hành Hiến pháp, sửa đổi và ban hành trên 150 bộ luật và luật, trên 70 pháp lệnh. Gần đây nhất, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đầu tư công cùng nhiều luật quan trọng khác để từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Những văn bản quy phạm pháp luật này về cơ bản đã tạo hành lang pháp lý hình thành và thúc đẩy việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là khẳng định nguyên tắc nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, đa thành phần, nhiều hình thức phân phối; khẳng định nguyên tắc phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và vận hành thông suốt các loại thị trường; khẳng định nguyên tắc Nhà nước quản lý nền kinh tế theo các nguyên tắc của cơ chế thị trường; khẳng định nguyên tắc bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường; khẳng định nguyên tắc mở cửa, hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.

2.2 Những yếu kém và tồn tại

Mặc dù đã có những cố gắng và nỗ lực như đã nói ở trên, nhưng nhìn chung hệ thống pháp luật kinh tế của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều yếu kém, bất cập và vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Điều này thể hiện rõ nhất qua các thực tiễn như:

- Hệ thống pháp luật còn thiếu toàn diện, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý đất nước bằng pháp luật. Nhiều nội dung quan trọng liên quan tới vấn đề đổi mới kinh tế – xã hội chậm được thể chế hoá như: vấn đề quản lý nhà nước đối với tài sản thuộc sở hữu nhà nước; về đăng ký kinh doanh bất động sản; cạnh tranh trung thực; kiểm soát độc quyền,..

-Một số văn bản pháp luật quan trọng đã ban hành song hiệu lực thực thi chưa cao.

-Tính cụ thể, minh bạch, rõ ràng của nhiều luật còn thấp: Những sai phạm về hình thức văn bản vẫn xảy ra. Việc công bố, đăng tải, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật chưa được các cơ quan nhà nước chấp hành kịp thời và nghiêm chỉnh;

-Quy trình xây dựng pháp luật còn thiếu tính dân chủ, tính đại chúng: còn nhiều cứng nhắc và nhiều bất cập, cách phân công và thực hiện quy trình soạn thảo dễ dẫn đến tình trạng bảo vệ lợi ích cục bộ của ngành, địa phương; chưa thật sự vì lợi ích chung và vì sự thuận lợi của người dân; v.v.

3. Chủ trương, quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường

3.1 Chủ trương, quan điểm của Đảng

Chủ trương, quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong nền kinh tế đã có những thay đổi qua các kỳ Đại hội của Đảng cùng với quá trình đổi mới tư duy, nhận thức của Đảng, sự phát triển của nền kinh tế, của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế. Đại hội VI của Đảng, đặc biệt Nghị quyết Trung ương 3 khóa VI đã chỉ rõ, xí nghiệp quốc doanh đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Quan điểm này tiếp tục được khẳng định tại Đại hội VII của Đảng, xí nghiệp quốc doanh đồng nhất với kinh tế quốc doanh. Đến Đại hội VIII của Đảng, thuật ngữ “kinh tế nhà nước” chính thức được sử dụng thay thế cho kinh tế quốc doanh và được hiểu rộng hơn, không chỉ đơn thuần là doanh nghiệp nhà nước mà còn là những nguồn lực vật chất khác do Nhà nước nắm giữ. Theo đó, vai trò của doanh nghiệp nhà nước đã có sự điều chỉnh. Đại hội IX của Đảng xác định, doanh nghiệp nhà nước giữ những vị trí then chốt trong nền kinh tế; đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội và chấp hành pháp luật.Đại hội X có sự điều chỉnh nhất định về vị trí của doanh nghiệp nhà nước, đó là xóa bỏ độc quyền và đặc quyền sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước và tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực kết cấu hạ tầng, sản xuất tư liệu sản xuất và dịch vụ quan trọng của nền kinh tế, vào một số lĩnh vực công ích. Đại hội XII tiếp tục khẳng định vị trí của doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng - an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã nêu rõ hơn vai trò của doanh nghiệp nhà nước là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; thực hiện vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, bảo đảm các doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.Đến Đại hội XIII, tiếp tục nhấn mạnh kinh tế nhà nước là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các “khuyết tật” của cơ chế thị trường. Các nguồn lực kinh tế của Nhà nước được sử dụng phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đất nước và cơ bản được phân bổ theo cơ chế thị trường.

Tựu trung lại, có thể thấy doanh nghiệp nhà nước có vị trí, vai trò đặc biệt trong đường lối, chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Doanh nghiệp nhà nước làm lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, nền tảng, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nền kinh tế thị trường, ổn định chính trị, xã hội của đất nước; giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô, làm lực lượng chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế.

3.2 Vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế

Vị trí, vai trò doanh nghiệp nhà nước trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam được thể hiện trên các phương diện sau đây:

Thứ nhất, về tình hình số lượng, vốn và lao động. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê đến ngày 31-12-2018, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là trên 714 nghìn doanh nghiệp, số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh là trên 626 nghìn doanh nghiệp.Trong đó, doanh nghiệp nhà nước chiếm 0,38% về số lượng doanh nghiệp, 7,6% lao động, 28,6% tổng nguồn vốn và riêng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chiếm 0,18% về số lượng doanh nghiệp, 4,3% lao động, 12,9% tổng nguồn vốn.

Thứ hai, về kết quả sản xuất, kinh doanh. Tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp nhà nước về doanh thu và lợi nhuận ngày càng giảm mạnh. Tỷ trọng doanh thu thuần của doanh nghiệp nhà nước năm 2015 đạt 18,2%, năm 2018 là 14,5%. Tỷ trọng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp nhà nước năm 2015 đạt 28,4%, năm 2018 là 21,2%.

Thứ ba, về hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Theo Sách trắng doanh nghiệp năm 2020 của Tổng cục Thống kê, khu vực doanh nghiệp nhà nước có 2.269 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh (bao gồm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối), trong đó có 1.773 doanh nghiệp kinh doanh có lãi (chiếm 78,5%), 51 doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn (chiếm 2,2%) và 436 doanh nghiệp kinh doanh lỗ (chiếm 19,3%). Khu vực doanh nghiệp nhà nước thu hút 1,13 triệu lao động (chiếm 7,6% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp). Mặc dù chỉ chiếm 0,37% về số lượng doanh nghiệp nhưng khu vực doanh nghiệp nhà nước thu hút vốn cho sản xuất, kinh doanh đạt 9,65 triệu tỷ đồng (chiếm 24,8% tổng vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp) do khu vực này chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô lớn.

Có thể thấy, doanh nghiệp nhà nước có vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, chính trị của đất nước. Đó là những kết quả không thể phủ nhận của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp nhà nước đã thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong việc góp phần bảo đảm an ninh lương thực, ổn định kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những những kết quả trên thì doanh nghiệp nhà nước còn một số hạn chế như:

Thứ nhất,kinh tế nhà nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, trực tiếp nắm các nguồn lực quan trọng và giữ vị trí chi phối trong nhiều ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Tuy nhiên, kết quả thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước chưa rõ, thậm chí nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng rất khó để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo khi tỷ trọng kinh tế nhà nước trong tăng trưởng kinh tế giảm, hiệu quả đầu tư của kinh tế nhà nước ngày càng thấp, kinh tế nhà nước chưa làm tròn nhiệm vụ hỗ trợ các thành phần kinh tế khác cùng phát triển.

Thứ hai, doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng. Việc tham gia bảo đảm cân đối, ổn định kinh tế vĩ mô chưa rõ. Doanh nghiệp nhà nước còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng, quyết định đến việc hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp Việt Nam; trước hết là các ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa, như cơ khí chính xác, sản xuất chế tạo linh kiện, máy móc và thiết bị hoàn chỉnh cho các ngành sản xuất; công nghệ nguồn... Vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong hỗ trợ và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chưa nổi bật. Bên cạnh một số doanh nghiệp nhà nước đã tạo điều kiện để các thành phần kinh tế khác, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào các quá trình hay chu trình sản xuất; hầu hết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động trong ngành, lĩnh vực then chốt, mũi nhọn đều vận hành theo phương thức khép kín, thực hiện gần như toàn bộ các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh để tạo thành chuỗi sản xuất khép kín nội bộ, chưa tạo nhiều điều kiện để doanh nghiệp khác tham gia.

Thứ ba, hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Đóng góp vào thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm dần, từ 15,67% (năm 2015) xuống còn khoảng 10,64% (năm 2019) (không bao gồm thu cổ tức, lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước, tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp). Chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn thấp. Doanh nghiệp nhà nước có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thấp hơn tốc độ tăng trưởng nguồn vốn kinh doanh. So với doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI thì doanh nghiệp nhà nước có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thấp hơn. Nói cách khác, doanh nghiệp nhà nước phải sử dụng nhiều vốn hơn để tạo ra được 1 giá trị sản phẩm đầu ra, là một yếu tố làm giảm hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.

4.Những vấn đề cần tiếp tục xem xét và hoàn thiện

Nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta được hình thành và phát triển trên cơ sở phát huy vai trò làm chủ xã hội của nhân dân, bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo.

Nhà nước ngày càng tăng dần vai trò chủ thể quản lý và thu hẹp dần vai trò chủ thể về kinh tế. Theo đó, Nhà nước thực hiện quản lý nền kinh tế, định hướng, điều tiết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất, bảo đảm cho thị trường phát triển, tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường, tương thích với thông lệ quốc tế; kiến tạo được môi trường vĩ mô; xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở và bảo đảm an sinh xã hội; ban hành cơ chế chính sách về phân bổ nguồn lực, phân phối và phân phối lại theo hướng bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội; bảo vệ môi trường. Đồng thời, Nhà nước bảo đảm được vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, hoàn thiện các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong việc chấp hành các chế độ chính sách, sử dụng các chương trình đầu tư tín dụng để tạo điều kiện và hướng dẫn sự phát triển của các ngành, các địa phương và các thành phần kinh tế.

Các chủ trương, chính sách kinh tế và tổ chức thực hiện chính sách của Nhà nước cần thiết kế để phù hợp với cơ chế thị trường, mang lại lợi ích và công bằng xã hội, ổn định và tăng trưởng kinh tế hợp lý, ngăn ngừa tình trạng độc quyền, lạm dụng và nhân danh kinh tế thị trường để can thiệp làm méo mó thị trường, lệch lạc các nguồn lực và tổn hại lợi ích cộng đồng, hạn chế các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh. Giải quyết quan hệ giữa Nhà nước và thị trường trong xây dựng nền kinh tế thị trườngđịnh hướng xã hội chủ nghĩa là một sự nghiệp chưa có tiền lệ trong lịch sử và là một quá trình mở, đòi hỏi sự sáng tạo và bản lĩnh cách mạng của Đảng, trên cơ sở nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam.

Thực tế cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, về cơ bản, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với những thành tựu KT-XH ngày càng to lớn. Thể chế kinh tế thị trường, đặc biệt là hệ thống luật pháp và bộ máy quản lý ngày càng được xây dựng, hoàn thiện theo hướng tiến bộ, phù hợp. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng và hiệu quả. Dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng. Chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Mục tiêu của nhiệm vụ này không phải là tạo ra một nền kinh tế thị trường khác, mà là sử dụng các ưu thế của kinh tế thị trường hiện có như một “công cụ” để phát triển kinh tế đất nước, trong khi định hướng xã hội chủ nghĩa được trao vai trò là “kim chỉ nam” để hướng các chủ thể kinh tế thị trường vận động theo huớng đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội tối đa. Các thử nghiệm về đổi mới thể chế ban đầu đã cho thấy rất rõ rằng thể chế kinh tế thị trường không phải là phạm trù bất biến, mà là thường xuyên biến đổi: việc Nhà nước, thị trường, doanh nghiệp ở Việt Nam cần đảm nhiệm vai trò nào trong quá trình vận hành nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào trình độ phát triển của chính nền kinh tế đó ở từng thời điểm. Nếu kinh tế thị trường càng phát triển, năng lực tự điều chỉnh càng cao thì càng ít cần sự can thiệp của Nhà nước. Ngược lại, nếu nền kinh tế này đang còn tiểm ẩn nhiều rủi ro, nhiều sự bất định, trong khi thị trường với các doanh nghiệp cấu thành lại chưa đủ sức tự xử lý các rủi ro này một cách hiệu quả, thì Nhà nước Việt Nam vẫn sẽ cần phải duy trì vai trò lớn hơn, lâu dài hơn.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG - TS. ĐINH VĂN ÂN - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW, Tạp chí doanh ngiệp, Tạp chí cộng sản,..

Nguồn http://ciem.org.vn

(MLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)