Tranh cãi bánh mì không phải lương thực

Câu tuyên bố đầy tự tin và dõng dạc của một tên cán bộ phường Vĩnh Hòa, tỉnh Nha Trang “bánh mì không phải là thực phẩm” đã đi vào lịch sử Việt Nam dưới chế độ cai trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đây chỉ là một trong nhiều hình ảnh trái tai gai mắt hầu như đang diễn ra hàng ngày ở trong nước, nhất là vào thời điểm tình hình chống dịch diễn ra một cách bất cập ở khắp mọi nơi. 

Nạn nhân trong vụ “bánh mì không phải là thực phẩm” tên thật là Trần Văn Em, 25 tuổi, anh đang làm thợ hàn nhôm cho một nhà thầu phụ tại Dự án Vega City Nha Trang. Mức lương của Trần Văn Em chỉ vào khoảng 200.000 đồng mỗi ngày cộng với 70.000 đồng chi phí xăng. Theo lời anh, lương hàng tháng là 6 triệu đồng, anh phải dành một phần trả tiền nhà trọ, một phần gửi về cho ba mẹ ở quê. Trần Văn Em cho biết, ở quê anh còn 2 em nhỏ (10 tuổi và 6 tuổi). Ba phải đi chăn bò thuê còn mẹ buôn bán ở chợ nên hoàn cảnh gia đình khó khăn. 

Vào ngày 18 tháng 7, trong lúc ra ngoài đi mua bánh mì, anh gặp phải nhóm kiểm tra của tên Phó Chủ tịch phường Vĩnh Hòa chặn lại, gọi việc mua bánh mì là không cần thiết, sau một thời gian tranh cãi, phó chủ tịch phường là Trần Lê Hữu Thọ đã bắt em về phường, ngoài ra còn hỏi kỹ tên nhà thầu, chủ đầu tư của dự án, đe dọa cho em nghỉ việc. Không những vậy, tên Phó chủ tịch này còn đe dọa sẽ gửi thông tin, hình ảnh cho nhóm thầu dự án vì phạm chỉ thị 16 về giãn cách xã hội. Sau khi nhận được đe dọa này, chủ thầu dự án đã tuyên bố cho Trần Văn Em nghỉ việc. 

Chỉ vì một ổ bánh mì, trong vòng nửa ngày, từ việc xe bị giam, bụng đói vì ăn không còn nổi, cho đến mất việc làm. Tất cả tai ách rớt xuống đầu Trần Văn Em chỉ vì sự ngu dốt của tên cán bộ phường Vĩnh Hòa. Sự ngu dốt này mang theo tai ương cho người dân và là một thí dụ điển hình cho cả một đất nước Việt Nam khi người lãnh đạo có cách hành xử vô giáo dục như tên phó chủ tịch Phường. 

Sau khi bị dư luận lên mạng chỉ trích nặng nề hành vi của tên Phó Chủ tịch phường Vĩnh Hòa hiếp đáp người dân, thì phía tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu phải mở cuộc điều tra và giải quyết cho anh Trần Văn Em. Thứ nhất là phường Vĩnh Hòa phải đăng thư xin lỗi anh Trần Văn Em, thứ nhì là tìm công việc trở lại cho anh đi làm bình thường. Đến sáng nay thì anh Trần Văn Em cho biết, công ty đã gọi anh đi làm trở lại.

Theo điều tra, không phải riêng trường hợp của anh Trần Văn Em mà tên Phó chủ tịch phường Vĩnh Hòa cũng từng phạt người khác khi họ đi mua bánh mì. Ngay cả một lò bánh mì ở Vĩnh Hòa cũng từng bị tên này cho đóng cửa vì cho rằng, bánh mì không phải là thực phẩm thiết yếu, thậm chí tạm giữ giấy phép kinh doanh lò bánh mì này. 

Vào lúc một công nhân nghèo lại bị phạt và đuổi việc chỉ vì đi mua bánh mì, tin tức từ Hà Nội ghi nhận có 4 tên cán bộ thuộc ngành thanh tra giao thông đã nhận hối lộ hơn 300 triệu đồng để bảo vệ xe cho những tài xế xe tải gọi là “xe vua” ở Hà Nội. Theo điều tra, nhóm cán bộ thanh tra giao thông này đã nhận tiền để không phạt đối với những xe nào có gắn chữ “an toàn là bạn, tai nạn là thù” nhưng thực chất là vượt qua các chốt chặn kiểm soát để giao hàng dễ dàng. Trong thời gian qua, số tiền mà nhóm này thu được từ việc hối lộ đã lên đến 6,2 tỉ đồng, tương đương gần 300 ngàn mỹ kim. 

Vụ bánh mì không phải lương thực đã được giải quyết hôm nay nhưng để lại không biết bao nhiêu lời dèm pha trong dư luận trong và ngoài nước, tuy nhiên lời chỉ trích trong nước đã không xuất hiện trên youtube vì sợ bị gán vào tội tuyên truyền đánh phá nhà nước. 

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài Little Sài Gòn TV

Người công nhân vụ "bánh mì không phải lương thực thiết yếu" bị giữ xe vì ra đường không lý do

(NLĐO)- Anh Trần Văn Em - người công nhân trong vụ "bánh mì không phải lương thực thiết yếu" ở TP Nha Trang vừa bị chính quyền lập biên bản, giữ phương tiện vì ra đường không có lý do chính đáng.

  • Cho thôi việc phó chủ tịch phường nói "bánh mì không phải lương thực thiết yếu"

  • Phó chủ tịch phường Trần Lê Hữu Thọ xin lỗi nam công nhân đi mua bánh mì

  • Chủ tịch TP Nha Trang gửi thư xin lỗi anh công nhân trong vụ "bánh mì không phải lương thực thiết yếu"

  • Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ đạo xử lý vụ Phó chủ tịch phường bảo "bánh mì không phải lương thực thiết yếu"

Ngày 2-9, bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang (Khánh Hòa), xác nhận vừa lập biên bản tạm giữ phương tiện đối với anh Trần Văn Em vì ra đường không có lý do chính đáng trong dịch Covid-19.

Thông tin từ phường Vĩnh Hòa cho biết vào trưa 1-9, chốt kiểm soát dịch của phường Vĩnh Hòa phát hiện anh Trần Văn Em đi từ hướng công trường Dự án Vega City đến đường Điện Biên Phủ nên ra tín hiệu kiểm tra giấy tờ.

Trong quá trình kiểm tra, anh Trần Văn Em không xuất trình được giấy đi đường, giấy xét nghiệm liên quan… Tổ công tác đã giải thích các lỗi vi phạm hành chính trong thời gian TP Nha Trang đang phong tỏa để phòng dịch, mọi người dân, tổ chức cá nhân ra đường phải có lý do chính đáng, kèm theo đó là các giấy tờ hợp lệ. Tổ công tác của phường Vĩnh Hòa đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ phương tiện vi phạm.

[Video] Anh Trần Văn Em đến trụ sở công an phường

Theo bà Hà, quá trình làm việc, anh Trần Văn Em có lời lẽ không phù hợp với tổ công tác, thậm chí còn lấy đá ném vào trụ sở ủy ban phường nhưng khi thấy cán bộ đưa điện thoại quay clip thì không ném nữa. "Công trường đang thực hiện "3 tại chỗ" không hiểu sao anh Em vẫn ra được và đi ngoài đường mà không có giấy tờ gì. Không phải vì vụ việc đợt trước mà bỏ qua, cái gì đúng là đúng, sai thì phải xử lý" - bà Hà cho biết.

UBND phường Vĩnh Hòa có giấy hẹn vào ngày 3-9 tới đây, anh Trần Văn Em phải lên phường để nhận quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi ra đường không có lý do chính đáng.

Trong clip nói trên, phía anh Em cho rằng mình xin lấy xe để về lấy giấy tờ nhưng bên tổ công tác không đồng ý nên xảy ra lời qua tiếng lại. Phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ với anh Em nhưng không liên lạc được.

Trước đó, Báo Người Lao Động đã thông tin anh Trần Văn Em, là người công nhân trong clip mà ông Trần Lê Hữu Thọ - lúc đó là Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa, xử phạt vì ra đường mua bánh mì vào cuối tháng 7 vừa qua vì cho rằng "bánh mì không phải là lương thực thiết yếu".

Sau đó, ông Trần Lê Hữu Thọ đã đến công trường trực tiếp xin lỗi anh Trần Văn Em rồi làm đơn xin nghỉ việc để giải quyết việc gia đình và được TP Nha Trang chấp thuận.

Kỳ Nam

Video liên quan

Chủ đề