Ý nghĩa phương pháp luận hình thái kinh tế xã hội

Hình thái kinh tế xã hội là nội dung bắt nguồn từ học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của do Mác – Ăngghen phát hiện ra vào những năm 40 của thế kỷ 19, được V.I.Lênin kế thừa và phát triển, vận dụng lý luận này vào Cách mạng Tháng 10 Nga.  Hình thái kinh tế xã hội là sự vận động và phát triển của xã hội như một quá trình lịch sử – tự nhiên, để cho ra đời các loại hình thái này đến hình thái khác với những tiến bộ hơn hẳn các hình thái trước đó. Tìm hiểu về hình thái kinh tế xã hội là tìm hiểu về sự vận hành của xã hội trong những giai đoạn phát triển nhất định cũng như tiến trình vận động lịch sử nói chung của xã hội loài người.

Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568              

1. Hình thái kinh tế xã hội là gì?

Xã hội là tổng thể của nhiều lĩnh vực với những mối quan hệ xã hội hết sức phức tạp. Vận dụng phương pháp luận duy vật biện chứng vào phân tích đời sống xã hội, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác Lê – nin đã đưa ra khái niệm hình thái kinh tế – xã hội.

Theo Mác Lê – nin, hình thái kinh tế xã hội là một phạm trù cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử dung để chỉ xã hội ở từng giai đoạn lịch sử nhất định, với một kiểu quan hệ sản xuất đặc trưng cho xã hội đó phù hợp với một trình độ nhất định của lực lượng sản xuất và với một kiến trúc thượng tầng tương ứng được xây dựng trên những quan hệ sản xuất ấy. Như vậy, kết cấu của hình thái kinh tế – xã hội theo khái niệm trên bao gồm: lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng.

Trình độ của lực lượng sản xuất thể hiện trình độ chinh phục tự nhiên và năng lực thực tiễn của con người. Lực lượng sản xuất làm ra tư liệu sản xuất cho xã hội, từ lực lượng sản xuất này sẽ nảy sinh quan hệ sản xuất là quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất. Trong các quy luật khách quan chi phối sự vận động phát triển của các  hình thái kinh tế- xã hội thì quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất có vai trò quyết định nhất. Từ lực lượng sản xuất sẽ hình thành nên một tổng thể đó là kiến trúc thượng tầng bao gồm toàn bộ những quan điểm tư tưởng xã hội, những thiết chế tương ứng và những quan hệ nội tại của thượng tầng hình thành trên một cơ sở hạ tầng nhất định và đều có đặc điểm riêng, có quy luật phát triển riêng nhưng không tồn tại tác rời nhau mà liên hệ tác động qua lại lẫn nhau và nảy sinh trên cơ sở hạ tầng, phản ánh cơ sở hạ tầng.

Với khái niệm khoa học về xã hội theo cấu trúc “hình thái” như vậy đã đem lại phương pháp luận khoa học trong việc nghiên cứu cấu trúc cơ bản của xã hội, cho phép phân tích đời sống hết sực phức tạp của xã hội để chỉ ra các mối quan hệ biện chứng giữa các lĩnh vực cơ bản của nó, chỉ ra quy luật vận động và phát triển của nó như một quá trình lịch sử – tự nhiên. Tổng thể hình thái kinh tế xã hội bao gồm nhiều mặt, mỗi mặt lại có những thế mạnh riêng lẻ và phải dựa vào những thế mạnh đó để nghiên cứu, tìm tòi và phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Hình thái kinh tế xã hội trong Tiếng anh là “Socioeconomic form“.

2. Năm hình thái kinh tế xã hội:

Xã hội loài người đã biết đến năm hình thái kinh tế – xã hội tương ứng với năm phương thức sản xuất: hình thái kinh tế – xã hội cộng đồng nguyên thủy, hình thái kinh tế – xã hội chiếm hữu nô lệ, hình thái kinh tế – xã hội phong kiến, hình thái kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa. Hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa.

– Hình thái kinh tế – xã hội cộng đồng nguyên thủy là hình thái kinh tế xã hội đầu tiên và sơ khai nhất trong lịch sử loài người. Một số đặc trưng nổi bật của hình thái này là: Tư liệu lao động thô sơ, chủ yếu sử dụng đồ đá, thân cây làm công cụ lao động; Cơ sở kinh tế là sự sở hữu chung về tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động; Là xã hội chưa có giai cấp, Nhà nước và pháp luật; Quan hệ sản xuất là quan hệ bình đẳng, cùng làm cùng hưởng thụ.

– Hình thái kinh tế – xã hội chiếm hữu nô lệ: Khi chế độ thị tộc tồn tại trong công xã nguyên thủy tan rã và hình thành nên xã hội có Nhà nước, và cuộc cách mạng xã hội đầu tiên trong lịch sử loài người đã hình thành nên hình thái KTXH chiếm hữu nô lệ. Đặc trưng của hình thái này là đã thay thế chế độ công hữu (sở hữu chung) về từ liệu sản xuất sang chế độ tư hữu chủ nô, thay thế xã hội không có giai cấp thành xã hội có giai cấp đối kháng (chủ nô – nô lệ), thay thế chế độ tự quản thị tộc bằng trật tự có nhà nước của giai cấp chủ nô. Giai cấp chủ nô dùng bộ máy cai trị của mình bóc lột tàn nhẫn sức lao động của nô lệ, nô lệ trong xã hội này được coi như một công cụ lao động biết nói. Hình thái này cũng tạo ra kiểu nhà nước đầu tiên: Nhà nước chủ nô.

– Hình thái kinh tế – xã hội phong kiến: Giai cấp thống trị mới trong hình thái này là giai cấp quý tộc – địa chủ, giai cấp bị trị là nông nô. Phương pháp bóc lột sức lao động trong xã hội chiếm hữu nô lệ được thay thế bằng hình thức bóc lột địa tô – người nông dân được giao đất đai và canh tác trên thửa ruộng của mình, đến kỳ hạn nộp tô thuế cho địa chủ. So với hình thái chiếm hữu nô lệ, hình thức lao động trong thời kỳ phong kiến đã tiến bộ hơn nhiều, tuy phải nộp tô thuế nhưng nông dân vẫn có thể được giữ lại phải của cải dư thừa của mình. Đồng thời nhiều tầng lớp, giai cấp mới đã xuất hiện trong xã hội.

– Hình thái kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa:

Xuất hiện đầu tiên ở châu Âu, phôi thai và phát triển trong lòng xã hội phong kiến châu Âu và chính thức xác lập như một hình thái KTXH đầu tiên ở Anh và Hà Lan vào thế kỷ 17. Adam Smith (1723-1790) là người có đóng góp to lớn nhất xây dựng một hệ thống lý luận tương đối hoàn chỉnh về chủ nghĩa tư bản tự do hay tự do kinh tế. Những nét đặc trưng cơ bản của hình thái KTXH tư bản chủ nghĩa: Quyền sở hữu tư nhân và quyền tự do kinh doanh được pháp luật bảo vệ và coi như quyền thiêng liêng của con người; Cá nhân dùng sở hữu tư nhân để kinh doanh trong điều kiện thị trường tự do: mọi sự phân chia của cải đều thông qua quá trình mua bán của các thành phần tham gia vào quá trình kinh tế; Gắn với nền sản xuất công nghiệp có năng suất lao động cao; Bản chất sự “bóc lột” nằm ở giá trị thặng dư mà sức lao động tạo ra khi các nhà tư bản thuê lao động và sử dụng sức lao động.

– Hình thái kinh tế xã hội công sản chủ nghĩa.

Dựa trên sự phân tích trực tiếp những mâu thuẫn cơ bản của Chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn đầu, đặc biệt là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, dựa vào triển vọng của phong trài công nhân, Mác và Ăng – ghen đã đưa ra dự đoán về sự phát triển của xã hội loài người trong tương lai, đó là sự tất yếu của việc tiến tới hình thái kinh tế – xã hội Cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là Chủ nghĩa xã hội. Mác và Ăng – ghen cũng  đã từng lưu ý về xây dựng Chủ nghĩa cộng sản “Chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi Chủ nghĩa cộng ản là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ mọi trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là kết quả của những tiền đề hiện đang tồn tại”.

Những lý luận của Mác, Ăng – ghen và đặc biết là Lê – nin đã giúp Đảng và nhân dân ta có những bước đi thành công mặc dù cũng còn tồn tại không ít hạn chế trong nhận thức vận dụng quy luật này. Một trong những tồn tại lớn nhất đó là việc chúng ta chưa nhận thức quy luật nay một cách đúng đắn mà chủ quan, duy ý chí thời kì những năm trước 1986. Trước năm 1986, ở Việt Nam có hai hình thức sở hữu: sở hữu tập thể và sở hữu nhà nước trong khi đó quan hệ quản lý là hành chính – quan liêu kiểu bao cấp, quan hệ phân phối là binh quân dẫn tới quan hệ sản xuất lỗi thời không phù hợp, kìm hãm sự phát triển của sản xuất. Tóm lại, đó là những sai lầm thuộc về chủ quan, duy ý chí. Thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải nhận thức lại Chủ nghĩa xã hội, tiến hành đổi mới một cách toàn diện, sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn của Chủ nghĩa xã hội.

Mỗi một hình thái kinh tế – xã hội đều tồn tại trong một gia đoạn lịch sử nhất định, phản ánh một chế độ lịch sử nhất định. Con đường phát triển của mỗi dân tộc không chỉ bị chi phối bởi các quy luật chung mà còn bị tác động bởi các điều kiện về tự nhiên, về chính trị, về truyền thống văn hóa…Vì vật, lịch sử phát triển của nhân loại hết sức phong phú, đa dạng. Có những dân tộc lần lượt trải qua các hình thái kinh tế – xã hội từ thấp đến cao nhưng cũng có những dân tộc bỏ qua một hoặc một số nào đó. Tuy nhiên, việc bỏ qua đó cũng diễn ra theo một quá trình lịch sử – tự nhiên chứ không phải theo ý muốn chủ quan.

Câu hỏi: Phân tích ý nghĩa và giá trị của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của Các Mác

Trả lời:

1. Học thuyết hình thái kinh tế – xã hội đã chứng minh: Động lực phát triển của của lịch sử chính là hoạt động thực tiễn của con người dưới tác động của các quy luật khách quan, chứ không phải là một lực lượng thần bí nào.

– Học thuyết hình thái kinh tế – xã hội là biểu hiện tập trung của quan niệm duy vật về lịch sử. Quan niệm ấy chỉ ra rằng: “Trước hết con người cần phải ăn, uống, ở và mặc, nghĩa là phải lao động, trước khi có thể đấu tranh giành quyền thống trị, trước khi có thể hoạt động chính trị, tôn giáo, triết học…”.

Gần đây, chúng ta thường hay nghe bàn về tháp nhu cầu Maslow. Nội dung Tháp nhu cầu này cũng đã phần nào thể hiện rõ hơn quan niệm nêu trên.

– Động lực phát triển của lịch sử không phải là một đấng siêu nhiên nào vừa bí hiểm, vừa xa cách với con người. Động lực đó nằm ngay trong hoạt động thực tiễn vật chất của con người.

Với những luận cứ thuyết phục, học thuyết hình thái kinh tế – xã hội đã chứng minh một cách khoa học rằng: Sự phát triển của xã hội bắt nguồn sâu xa từ hoạt động sản xuất vật chất của con người, trong đó lực lượng sản xuất, trước hết là công cụ lao động, phát triển không ngừng đến một giai đoạn nhất định mà quan hệ sản xuất hiện tồn không còn phù hợp với lực lượng sản xuất ấy, cản trở sự phát triển tiến bộ của xã hội. Khi đó sẽ diễn ra cách mạng xã hội để thay thế quan hệ sản xuất cũ bằng một kiểu quan hệ sản xuất mới phù hợp, kéo theo sự ra đời của cơ sở hạ tầng mới và kiến trúc thượng tầng mới tương ứng. Đó là quá trình lịch sử – tự nhiên.

Học thuyết hình thái kinh tế – xã hội cho thấy sự phát triển đi lên của lịch sử từ thời công xã nguyên thủy đến nay không phải là một quá trình ngẫu nhiên mà là quá trình chịu sự chi phối của các quy luật xã hội, cơ bản nhất là quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, tiếp đến là quy luật cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng.

2. Giá trị, ý nghĩa của học thuyết còn thể hiện ở vai trò là cơ sở phương pháp luận của các khoa học xã hội, là hòn đá tảng cho mọi nghiên của mọi nghiên cứu về xã hội, và do đó là một trong những nền tảng lý luận của chủ nghĩa xã hội.

– Học thuyết Mác về hình thái kinh tế – xã hội đã khắc phục được quan điểm duy tâm, trừu tượng, vô căn cứ về xã hội. Nó bác bỏ cách miêu tả xã hội một cách chung chung, phi lịch sử.

– Học thuyết hình thái kinh tế – xã hội cung cấp những tiêu chuẩn thực sự duy vật, khoa học cho việc phân kỳ lịch sử, giúp con người hiểu biết được lô-gíc khách quan của quá trình tiến hóa xã hội.

Học thuyết vạch ra sự thống nhất của lịch sử trong cái muôn vẻ của các sự kiện ở các nước khác nhau trong các thời kỳ khác nhau.

Chính vì thế, nó đem lại cho khoa học xã hội sợi dây dẫn đường để phát hiện ra những mối liên hệ nhân quả, để giải thích chứ không mô tả các sự kiện lịch sử. Nó là cơ sở khoa học để tiếp cận đúng đắn khi giải quyết những vấn đề cơ bản của các ngành khoa học xã hội rất đa dạng.

Bất kỳ hiện tượng xã hội nào, từ hiện tượng kinh tế đến hiện tượng tinh thần, đều chỉ có thể được hiểu đúng khi gắn với một hình thái kinh tế – xã hội nhất định.

– Ngày nay, thực tiễn lịch sử và kiến thức về lịch sử của nhân loại đã có nhiều bổ sung và phát triển mới so với khi học thuyết về hình thái kinh tế – xã hội ra đời. Tuy vậy, những cơ sở khoa học mà quan niệm duy vật lịch sử đã đem đến cho khoa học xã hội thì vẫn giữ nguyên giá trị.

Gần đây, trước những thành tựu kỳ diệu của khoa học và công nghệ, một số nhà xã hội học phương Tây đã giải thích sự tiến hóa xã hội chỉ như là sự chống chọi nhau, sự thay thế nhau giữa các nền văn minh nông nghiệp, công nghiệp, hậu công nghiệp. Cách tiếp cận này đã phạm sai lầm căn bản là chỉ coi trình độ phát triển của khoa học – công nghệ, của lực lượng sản xuất là yếu tố quyết định duy nhất và trực tiếp đối với mọi sự thay đổi của đời sống xã hội, của con người, bỏ qua vai trò của các quan hệ sản xuất, giai cấp, dân tộc, chế độ chính trị…

Lý thuyết đó cố ý bỏ quan vấn đề bản chất, đó là vấn đề chế độ xã hội, tức là vấn đề hình thái kinh tế – xã hội. “Cách tiếp cận nền văn minh” này nhằm “chứng minh” sự tồn tại vĩnh viễn của chế độ tư bản.

3. Đối với Việt Nam, giá trị của học thuyết hình hình thái kinh tế – xã hội thể hiện rõ ở thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước.

Trên cơ sở nghiên cứu, quán triệt học thuyết của Mác về hình thái kinh tế – xã hội, Đảng ta đã xây dựng đường lối xây dựng, phát triển đất nước cho mỗi giai đoạn lịch sử, để từ một đất nước bị thực dân đô hộ, có xuất phát điểm thấp, nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đang ngày càng phát triển, hội nhập toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội với khu vực và thế giới.

– Học thuyết hình thái kinh tế – xã hội là cơ sở lý luận để Đảng, Nhà nước ta vận dụng vào thực tiễn, đề ra các chủ trương, chính sách phát triển lực lượng sản xuất ngày càng tiên tiến theo hướng hiện đại, và xây dựng hệ thống pháp luật quy định hệ thống các mối quan hệ sản xuất phù hợp với từng bước phát triển của lực lượng sản xuất.

Cũng trên cơ sở lý luận của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội và căn cứ vào thực tiễn Việt Nam, Đảng, Nhà nước Việt Nam chủ trương xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo các quy luật của nền kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. (Xin xem thêm phần liên hệ ở bài viết liên quan).

– Căn cứ vào tình hình cụ thể của đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã chủ trương con đường phát triển của Việt Nam là quá độ trực tiếp lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa.

Chủ trương đó là kết quả quán triệt nguyên lý: Sự phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội là một quá trình lịch sử – tự nhiên mang tính tuần tự nhưng cũng bao hàm cả sự “rút ngắn” trong những điều kiện lịch sử nhất định.

– Học thuyết hình thái kinh tế – xã hội cũng cung cấp luận cứ để Đảng, Nhà nước Việt Nam kịp thời phát hiện những sai lầm chủ quan, duy ý chí trong mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, kịp thời thực hiện công cuộc Đổi Mới từ năm 1986 đến nay và gặt hái được thành công nhiều mặt về kinh tế – xã hội, chính trị – an ninh, văn hóa, đối ngoại…