40 bài tập hình huống hình sự từ đơn giản đến phức tạp có lời giải chi tiết

Dưới đây là 18 bài tập hình huống hình sự thường gặp nhất trong các đề thi học phần của các trường Đại học Luật và đáp án tham khảo (Phần 2).

40 bài tập hình huống hình sự từ đơn giản đến phức tạp có lời giải chi tiết

Xem thêm: Tổng Hợp 18 Bài Tập Tình Huống Luật Hình Sự [Có Đáp Án] – P1.

Vì muốn có tiền tiêu xài, A nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc xe đạp của B, A đến gặp B ( là người quen) ngỏ ý mượn xe để đèo người thân ra bến xe ô tô. B tin tưởng và giao xe đạp cho A ( chiếc xe đạp trị giá 700.000 đồng). A đạp xe ra chợ để bán nhưng không được liền đem về nhà. Đợi mãi không thấy A trả xe, 2 ngày sau, B đến nhà A để đòi xe. Đến ngõ nhà A, B thấy A dắt xe đạp của mình từ trong nhà đi ra, B chạy đến đưa tay ngăn lại và nói: “ trả tao xe đây, mượn gì mà mãi không trả”. A không Lời giải mà lên xe định đạp xe đi, B liền giữ lại và tiếp tục đòi trả xe, A liền rút con dao găm giấu trong người ra, gí sát vào mặt B quát: “Tao vừa giết người trên phố về đây. Biết điều buông ngay xe ra, không tao đâm chết”.  B sợ, rời tay khỏi ghi đông xe đạp. A nhảy lên xe phóng đi. Sau đó B tố cáo với cơ quan công an về hành vi của A. Một thời gian sau, A bị bắt.”

Về vụ án này có các quan điểm sau:

  1. A phạm tội cướp tài sản.
  2. A phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tình tiết tăng nặng định khung hình phạt “hành hung để tẩu thoát”.
  3. A phạm tội cướp tài sản thuộc trường hợp chuyển hóa từ lừa đảo thành cướp.

Anh  (chị ) hãy cho biết:

  1. Các quan điểm trên có quan điểm nào đúng không? Tại sao?
  2. Nếu các quan điểm trên đều sai thì quan điểm của nhóm anh ( chị ) cho rằng A phạm tội gì? Hãy phân tích rõ?

Lời giải

Đó là: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (điều 139) và tội cướp tài sản (điều 133)

Để làm rõ quan điểm này trước tiên phải hiểu rõ dấu hiệu pháp lý của 2 tội này:

1. Tội cướp tài sản ( điều 133)

Điều 133 BLHS 1999 chỉ rõ tội cướp tài sản là hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đọat tài sản”.

Ngay trong điều luật đã quy định rõ hành vi khách quan của tội này bao gồm 3 hành vi, đó là: hành vi dùng vũ lực (dùng sức mạnh đè bẹp sự phản kháng của nạn nhân như bóp cổ, xô ngã…), đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc (gí sát dao vào cổ dọa giết…đặc biệt phải chứng minh được sự đe dọa này khiến cho nạn nhân tin rằng nếu không tin vào sự đe dọa của người phạm tội thì sự đe dọa đó sẽ trở thành hiện thực) hoặc có hành vi khác làm cho người tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được (cho nạn nhân uống thuốc ngủ hay là đánh thuốc mê nạn nhân hoặc các hành vi khác.) nhằm chiếm đoạt tài sản. Những hành vi này đều có khả năng đè bẹp hoặc làm tê liệt sự kháng cự của nạn nhân nên đó là những hành vi không thể thiếu trong cấu thành tội cướp tài sản. Chỉ cần người phạm tội có 1 trong 3 hành vi kể trên thì tội cướp tài sản đã hoàn thành chứ không cần quan tâm tới người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay không.

Tội cướp tài sản xâm hại cùng một lúc 2 quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Đó là quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân. Chủ thể của tội phạm là người từ 14 tuổi trở lên (vì tội này là tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng) và có năng lực TNHS.

Người phạm tội cướp tài sản thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp. Nghĩa là người phạm tội biết rõ hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Trong cấu thành tội cướp tài sản, mục đích là dấu hiệu bắt buộc. Mục đích của tội này có thể là nhằm chiếm đoạt được tài sản hoặc nhằm giữ lại tài sản. Nếu người phạm tội “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hay các hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được” mà không nhằm 1 trong 2 mục đích nêu trên thì không thuộc trường hợp quy định tại điều 133-BLHS

2. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (điều 139)

Điều 139-BLHS 1999 quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi “bằng thủ đoạn gian dối chiếm đọat tài sản của người khác có giá trị từ 500.000 đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 500.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị…”

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ cấu thành tội này khi thỏa mãn 1 trong các dấu hiệu sau:

– Tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 500.000 đồng trở lên

– Nếu dưới 500.000 đồng thì:

+ Phải gây hậu quả nghiêm trọng

+ Hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt mà còn vi phạm

+ Hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm

Dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội này là hành vi chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Ý định chiếm đoạt tài sản có trước khi người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội. Thủ đoạn gian dối trong trường hợp này được hiểu là người phạm tội đưa ra những thông tin giả mong muốn người chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tin đó là sự thật mà giao tài sản cho mình. Thủ đoạn gian dối là cơ sở để người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt. Nếu người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối mà không nhằm chiếm đoạt tài sản thì không phạm tội này.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoàn thành khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản.

Có 2 trường hợp được gọi là “chiếm đoạt được”. Thứ nhất,  nếu tài sản bị chiếm đoạt đang trong sự chiếm hữu của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản thì chỉ “chiếm đoạt được” khi tài sản đã nằm trong tay người phạm tội nghĩa là người phạm tội đang trực tiếp chiếm hữu, quản lý tài sản. Thứ hai, nếu tài sản đang trong sự chiếm hữu của người phạm tội thì chỉ “chiếm đoạt được” khi người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối (thông báo sai, giao nhầm, giao thiếu tài sản…) để giữ lại tài sản mình đang chiếm giữ và người chủ sở hữu đã tin vào hành vi gian dối đó nên đã nhận nhầm tài sản hoặc không nhận tài sản.

Quay trở lại tình huống việc định tội A là lừa đảo chiếm đọat tài sản theo quy định tại điều 139-BLHS là có cơ sở.

Thứ nhất, về hành vi khách quan, A đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản là chiếc xe đạp của B trị giá 700.000 đồng. Hành vi của A đã thỏa mãn hành vi cấu thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn gian dối mà A sử dụng ở đây là A giả vờ mượn xe của B đề chở người quen ra bến ôtô. Nhưng kì thực không phải vậy, A chỉ lợi dụng lòng tốt của B để chiếm đoạt tài sản của B mà thôi: “vì muốn có tiền tiêu xài, A nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc xe đạp của B”. Còn B là người quen của A nên đã tin A, không một chút nghi ngờ B đã tự nguyện giao tài sản của mình là chiếc xe đạp cho A trị giá 700.000đ. Như vậy mục đích hành động của A là nhằm để B tin và giao tài sản đã trở thành hiện thực. Căn cứ vào khoản 1 Điều 139, hành vi của A đã thỏa mãn cấu thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thực tế đã hoàn thành khi B giao tài sản cho A.

Về mặt chủ quan, A thực hiện tội phạm với lỗi cố ý, nghĩa là A biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, đặc biệt nhất là A mong muốn thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản. Mục đích của A là chiếm đoạt được tài sản của B và mục đích này có trước khi A thực hiện tội phạm. Động cơ thúc đẩy ở đây là “vì muốn có tiền tiêu xài”. Tuy nhiên, nó không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành này. Bài tập tình huống này không quy định độ tuổi hay năng lực trách nhiệm hình sự nhưng chúng ta có thể mặc nhiên thừa nhận khi A thực hiện tội phạm A đã đạt dộ tuổi luật định và đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Hành vi phạm tội của A đã xâm phạm đến quan hệ sở hữu của B đối với chiếc xe đạp – một quan hệ sở hữu được luật hình sự bảo vệ.

Các yếu tố về khách thể, chủ thể, mặt khách quan, mặt chủ quan đều thoả mãn cấu thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 139 BLHS, nên việc định tội cho A là có cơ sở.

Vừa phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì 2 ngày sau A lại phạm tội “cướp tài sản” theo quy định tại Điều 133.

Việc định tội cho A dựa trên một số căn cứ pháp lý sau đây:

– Hành vi của A đã thỏa mãn hành vi khách quan của tội cướp tài sản. Đó là hành vi “đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc”. Ở đây A “rút dao găm giấu trong người gí sát vào mặt và quát tao vừa giết người trên phố về đây…”. Hành vi “lấy dao gí sát vào mặt” ta có thể hiểu là hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc vì nếu B không buông tay ra khỏi chiếc xe đạp để A đi thì việc dùng dao đâm chết B có nhiều nguy cơ xảy ra liền ngay sau đó.

– Hành vi “đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc” của A không nhằm chiếm đoạt tài sản (vì chiếc xe đạp đã nằm trong sự chiếm hữu của A) mà nhằm giữ lại chiếc xe đạp đã chiếm đoạt được. Mặc dù điều luật không quy định mục đích của hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc…” nhằm giữ lại tài sản nhưng thực tiễn xét xử thừa nhận rằng mục đích giữ lại tài sản cũng được coi là mục đích của tội cướp tài sản. Như vây, chỉ cần người phạm tội “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc…” nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc giữ lại tài sản cũng thuộc Điều 133. A có hành vi “đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc” để giữ lại tài sản do đó hành vi của A đã thoả mãn dấu hiệu khách quan của tội cướp tài sản.

Hành vi phạm tội cùng một lúc xâm hại đến hai quan hệ: quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu của B. A thực hiện với lỗi cố ý, A thỏa mãn dấu hiệu chủ thể của tội cướp tài sản. Như vậy việc định tội cướp tài sản cho A là có cơ sở pháp lý.

=> Kết luận: A phạm 2 tội là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 – BLHS và tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 – BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Các quan điểm khác xung quanh vụ án:

Xung quanh tình huống trên còn nhiều quan điểm gây tranh cãi:

Quan điểm thứ nhất cho rằng A chỉ phạm tội cướp tài sản (điều 133). Quan điểm này cho rằng chỉ hành vi thực hiện sau mới cấu thành tội phạm, đó là tội cướp tài sản; còn hành vi thực hiện trước không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (điều 139) vì A mượn xe B đi tiêu thụ nhưng không tiêu thụ được nên không có cơ sở để chứng minh A có ý định chiếm đoạt tài sản. Quan điểm này không hợp lý, bởi lẽ theo tình tiết của bài tập tình tiết của bài tập thì ý định phạm tội của A đã quá rõ ràng “vì muốn có tiền tiêu xài, A nảy sinh ý định chiếm đoạt xe đạp của B” còn việc A có tiêu thụ được hay không không quan trọng. Việc A không tiêu thụ được đó là do nguyên nhân khách quan chứ không phải là mong muốn chủ quan của A. Nếu chỉ căn cứ vào thực tế xảy ra mà không căn cứ vào mong muốn chủ quan của người phạm tội và từ đó không định tội cho hành vi phạm tội của họ là đã “bỏ lọt tội phạm”. Ở đây A mong muốn chiếm đoạt được tài sản của B, mong muốn tiêu thụ được tài sản đó. Điều đó đã chứng tỏ ý định phạm tội của A đã rõ ràng nên việc không định tội cho hành vi của A  là đã bỏ lọt tội phạm, vi phạm nguyên tắc pháp chế.

Quan điểm thứ hai thì cho rằng: A phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tình tiết tăng nặng định khung hình phạt “hành hung để tẩu thoát”. Việc đánh giá như thế này cũng không chính xác. Thứ nhất, trong các điều khoản quy định tại điều 139 thì không có tình tiết nào có tên là “hành hung để tẩu thoát”, nên việc định tội cho A là phạm tội chiếm đoạt tài sản với tình tiết tăng nặng định khung là “ hành hung để tẩu thoát” không có căn cứ pháp lý.

Giả sử, điều luật có quy định “hành hung để tẩu thoát” là một tình tiết định khung thì trong trường hợp này A cũng không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tình tiết định khung “hành hung để tẩu thoát”. Bởi lẽ: Theo hướng dẫn tại tiểu mục 6.1 Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT TANDTC- VKSNDTC- BCA- BTP thì “hành hung để tẩu thoát” là “trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đọat được tài sản nhưng chưa bị phát hiện và bị bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, xô, ngã…nhằm tẩu thoát”. Dù thực tế trong trường hợp người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản thì chỉ coi là “hành hung để tẩu thoát” khi ngay sau việc chiếm đoạt họ bị phát hiện và họ đã chống lại nhằm tẩu thoát. Hay nói cách khác ở đây tội phạm tuy đã hoàn thành nhưng hành vi đó chưa kết thúc về mặt thực tế. Trong bài tập tình huống A đã chiếm đoạt được xe đạp của B, 2 ngày sau B mới phát hiện ra và A đã đe dọa dùng ngay vũ lực. Ở đây hành vi phạm tội của A đã kết thúc về mặt pháp lý (tội phạm đã hoàn thành) và mặt thực tế (tội phạm kết thúc) nên không thể có việc “hành hung để tẩu thoát” được. Với lại mục đích của A ở đây là dùng vũ lực không chỉ nhằm mục đích tẩu thoát mà còn giữ bằng được tài sản đã chiếm đoạt. Thể hiện ở việc khi B chạy đến đòi xe, A còn thời gian rút dao ra và gí sát vào mặt B đe dọa…sau đó lên xe đạp đi. Điều đó càng làm rõ thêm quan điểm cho rằng A phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tình tiết định khung hình phạt “hành hung để tẩu thoát” là không có cơ sở.

Quan điểm khác cho rằng A phạm tội cướp tài sản thuộc trường hợp chuyển hóa từ lừa đảo thành cướp. Việc định tội này cũng chưa chính xác. Đầu tiên chúng ta phải hiểu thế nào là trường hợp chuyển hóa từ tội có tính chất chiếm đoạt sang cướp?

Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/1989 Hội đồng thẩm phán ngày 19/04/1989 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về việc chuyển hóa từ một số hình thức chiếm đoạt thành cướp tài sản quy định: “Thực tiễn xét xử cho thấy các Tòa án đã định tội không thống nhất đối với các trường hợp kẻ phạm các tội chiếm đoạt như cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, trộm cắp…đã dùng vũ lực để chiếm đoạt bằng được tài sản hoặc để tẩu thoát. Nhiều Tòa án coi trường hợp trên là cướp tài sản. Ngược lại, nhiều Tòa án lại cho rằng việc dùng vũ lực chỉ là tình tiết tăng nặng của việc chiếm đoạt chứ không kết tội kẻ phạm tội về tội cướp tài sản…Nay cần thống nhất:

a) Nếu là trường hợp do chưa chiếm đoạt được tài sản mà kẻ phạm tội dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hòng để chiếm đoạt bằng được tài sản thì cần định tội cướp tài sản.

b) Nếu là trường hợp kẻ phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản nhưng chủ tài sản hoặc người khác đã lấy lại được tài sản đó hoặc đang giành giật tài sản trong tay kẻ phạm tội mà kẻ phạm tội dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc thì cần định tội cướp.

c) Nếu việc dùng vũ lực (hoặc đe dọa dùng vũ lực) là nhằm để tẩu thoát (kể cả tẩu thoát cùng tài sản đã chiếm đoạt được), thì không kết án kẻ phạm tội về tội cướp tài sản…

Theo tình thần của Nghị quyết 01/1989 của HĐTP nêu trên trong trường hợp kẻ phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản (trong tội phạm trước) thì chỉ định tội cướp khi chủ tài sản hoặc người khác lấy lại được tài sản đó hoặc đang giành giật mà kẻ phạm tội dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc…Để chủ sở hữu hoặc người khác “lấy lại được” hay “đang giành giật” thì đòi hỏi hành vi “lấy lại được hoặc đang giành giật” phải xảy ngay sau khi tội phạm hoàn thành. Nghĩa là mặc dù tội phạm thực hiện trước đó đã hoàn thành nhưng hành vi phạm tội đó chưa kết thúc trên thực tế. Hay nói cách khác tội phạm hoàn thành nhưng chưa kết thúc. Có như vậy việc định tội cướp mới có cơ sở.

Ở đây tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã hoàn thành được 2 ngày chủ sở hữu B mới giành giật lại tài sản và người phạm tội A đã đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc cũng không thể coi là trường hợp chuyển hóa từ lừa đảo thành cướp được.

Theo phân tích ở trên thì việc định tội cho A là tội cướp tài sản hay tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tình tiết định khung là “hành hung để tẩu thoát” hay là tội cướp tài sản thuộc trường hợp chuyển hóa từ lừa đảo thành cướp đều chưa thuyết phục.

40 bài tập hình huống hình sự từ đơn giản đến phức tạp có lời giải chi tiết
Hình minh họa. Tổng hợp 18 Bài tập tình huống Luật Hình sự [có đáp án] – P2

Chị A đi xe máy thăm người quen, dọc đường bị chết máy. Đang loay hoay khời động lại xe thì thấy H đi qua. Chị A nhờ H sửa chữa xe máy. Sau một hồi sửa chữa H ngồi lên yên, khởi động xe và phóng đi mất. Chị A hô mọi người giữ lại nhưng không được. H đem xe máy đến nhà B (là người quen của H) gửi và sau đó đem đi bán được 12.000.000 đồng, H chia cho B 1.500.000 đồng

Hỏi

  1. Hành vi của H cấu thành tội gì? Tại sao?
  2. B có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Tại sao?

Lời giải

1. Hành vi cùa H cấu thành tội cướp giật tài sản theo Điều 136 BLHS 1999.

Cướp giật tài sản là hành vi công khai chiếm đoạt tài sản một cách nhanh chóng để tránh sự phản kháng của chủ tài sản. Cướp giật tài sản là một trong bốn tội phạm của nhóm tội chiếm đoạt có tính chất công khai về hành vi khách quan của chủ thể. Trong đó cướp giật tài sản là hành vi lợi dụng sơ hở của chủ tài sản (sơ hở sẵn có hoặc do chính người cướp giật tạo ra) nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng lẩn tránh. Thủ đoạn nhanh chóng lẩn tránh trong thực tế thường là nhanh chóng tẩu thoát.

H không cưỡng đoạt tài sản hay cướp tài sản vì H không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hay dùng các thủ đoạn uy hiếp tinh thần của chị A…Hành vi của H công khai, không lén lút nên không thể là tội trộm cắp tài sản. Hành vi của H không thuộc các hành vi được quy định tại tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. H không dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của chị A vì nếu sau khi đã có tài sản một cách hợp pháp rồi mới có ý định chiếm đoạt tài sản thì không phải hành vi chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu thủ đoạn gian dối lại có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. H không thể có mục đích lừa dối chị A từ trước được vì việc chị A bất ngờ hỏng xe giữa đường và nhờ H sửa là hoàn toàn ngẫu nhiên. H không phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản vì công nhiên chiếm đoạt tài sản là công khai chiếm đoạt tài sản, lợi dụng hoàn cảnh chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản, ở đây thì chị A vẫn có điều kiện ngăn cản H.

Như vậy, hành vi cùa H chỉ cấu thành tội cướp giật tài sản vì:

Thứ nhất, H đã có hành vi công khai chiếm đoạt tài sản của chị A, cụ thể là hành vi “Sau một hồi sửa chữa H ngồi lên yên, khởi động xe và phóng đi mất”. H lợi dụng sơ hở của chị A là tin tưởng vào người lạ sẽ giúp mình sửa xe nên chị không đề phòng. Lúc H chiếm mất xe do quá bất ngờ nên chị A không giữ lại được chiếc xe mặc dù chị có khả năng giữ lại và chị biết là H đang chiếm đoạt chiếc xe của chị. Chị A hô hào nhờ người dân giúp đỡ nhưng không kịp.

Thứ hai, khi chiếm được chiếc xe của chị A, H đã có hành vi nhanh chóng tẩu thoát và tẩu tán tài sản. Thể hiện ở hành vi H khởi động xe và phóng vọt đi, sau đó H gửi xe tại nhà người quen là B rồi ngay sau đó mang đi tiêu thụ.

Cả hai hành vi công khai chiếm đoạt và nhanh chóng tẩu thoát đều là hành vi về mặt khách quan của tội cướp giật tài sản.

Về mặt chủ quan, lỗi của H là lỗi cố ý trực tiếp.

Về mặt chủ thể, xét theo tình huống H là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đúng quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

2. Việc B có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không cần phải chia ra hai trường hợp như sau:

  • Trường hợp thứ nhất: B không biết chiếc xe máy mà H mang đến là xe mà H chiếm đoạt được. B sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Vì ví dụ H nói rằng đây là chiếc xe mà H trúng thưởng được, H rất vui, nhưng vì không cần xe nên H mang bán và tặng cho B 1.500.000 đồng cho vui vẻ…. Mặc dù tình huống này có vẻ phi lí và hiếm khi xảy ra nhưng không phải là không có.
  • Trường hợp thứ hai: Ta cần chia ra trong trường hợp này 2 trường hợp nhỏ:

Thứ nhất, B không hề tham gia hay biết trước những kế hoạch và hành vi chiếm đoạt tài sản của H nhưng B biết chiếc xe máy mà H mang đến là xe mà H chiếm đoạt. B sẽ bị khép vào tội chiếm giữ trái phép tài sản quy định tại Điều 250 BLHS 1999: “1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”. B không thể là đồng phạm của H vì B không hề tham gia hay biết trước những kế hoạch và hành vi chiếm đoạt tài sản của H.

Thứ hai, B là đồng phạm của H. B và H cùng ý chí là sẽ chiếm đoạt chiếc xe của chị A và cùng nhau mang đi tẩu tán. Tuy nhiên, theo em, việc B và H có dự tính trước là sẽ chiếm đoạt chiếc xe là vô lý. Vì việc chị A đi thăm người quen và xe của chị A hỏng giữa đường nên chị nhờ H sửa là vô tình nên H và B không thể bàn bạc trước việc sẽ cướp xe của chị.

A trộm cắp tài sản của B trị giá 100 triệu đồng. Hành vi của A cấu thành tội trộm cắp tài sản theo điểm e khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự và bị Tòa án tuyên phạt 3 năm tù. Anh (chị) hãy xác định:

a. Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự, loại tội mà A thực hiện thuộc loại tội gì? Tại sao?(4 điểm)

b. Hành vi phạm tội của A thuộc trường hợp cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng hay cấu thành tội phạm giảm nhẹ? Tại sao? (3 điểm)

Lời giải

a. Loại tội mà A đã thực hiện thuộc loại tội nghiêm trọng

Giải thích:

Khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự (BLHS) quy định:

3. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Theo đó, các nhóm tội phạm được phân biệt với nhau bởi dấu hiệu về mặt nội dung chính trị, xã hội (tính nguy hiểm cho xã hội) và dấu hiệu về mặt hậu quả pháp lí (tính phải chịu phạt).

Xét về mặt nội dung chính trị, xã hội:

Xét về mặt nội dung chính trị, xã hội là xét về tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Nguy hiểm cho xã hội nghĩa là gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm có tính khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của nhà làm luật.

A trộm cắp tài sản của B trị giá 100 triệu đồng. Hành vi của a cấu thành tội trộm cắp tài sản theo điểm e khoản 2 Điều 138 BLHS và bị Tòa án tuyên phạt 3 năm tù. “Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác”. Khi nói đến trộm cắp tài sản thì không thể không đi kèm với hành vi chiếm đoạt tài sản, nếu lén lút mà không nhằm chiếm đoạt tài sản thì không phải là trộm cắp tài sản. Vì thế trộm cắp tài sản là chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lén lút.

Hành vi của A đã gây nguy hại lớn cho xã hội, có tính chất chiếm đoạt, xâm phạm đến quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ được xác định tại khoản 1 Điều 8 BLHS, mà cụ thể là xâm hại quyền sở hữu tài sản của B trị giá lên tới 100 triệu đồng.

Xét về mặt hậu quả pháp lí:

Điều 138:

….
2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

Tài sản mà A trộm cắp của B có trị giá 100 triệu đồng. Do vậy A phạm vào tội quy định tại điểm e khoản 2 Điều 138, đó là: “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng”. Điều 138 BLHS cũng quy định rõ về hình phạt đối với hành vi phạm tội thuộc các trường hợp được nêu trong khoản 2 đó là “phạt tù từ hai năm đến bảy năm”. Ta có thể thấy được mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản của A là bảy năm tù. Như vậy, căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS thì ta xác định được loại tội mà A thực hiện thuộc loại tội phạm nghiêm trọng.

b. Hành vi phạm tội của A thuộc trường hợp cấu thành tội phạm (CTTP) tăng nặng

Giải thích:

Trước hết, CTTP là tổng hợp các dấu hiệu chung có tính đặc trưng cho một loại tội phạm được quy định trong luật hình sự. Dựa theo tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, luật hình sự phân CTTP thành: CTTP cơ bản ( là CTTP chỉ bao gồm những dấu hiệu định tội); CTTP giảm nhẹ (là CTTP chứa những tình tiết làm tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm giảm đi đáng kể); CTTP tăng nặng (là CTTP ngoài dấu hiệu định tội còn chứa dấu hiệu khác làm tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm tăng lên). Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (TNHS) được quy định trong Điều 48 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Như vậy, dấu hiệu bắt buộc để phân loại CTTP cơ bản, tăng nặng hay giảm nhẹ là các dấu hiệu định khung, vì khi thỏa mãn những dấu hiệu đó sẽ cho phép chuyển khung hình phạt được áp dụng từ khung bình thường lên khung tăng nặng hoặc xuống khung giảm nhẹ.
Xét trường hợp của A: A trộm cắp tài sản của B trị giá 100 triệu đồng. Hành vi của A cấu thành tội trộm cắp theo khoản 2 Điều 138 BLHS và bị Tòa án tuyên phạt ba năm tù.

Khoản 1 Điều 138 là CTTP cơ bản (vì chỉ bao gồm dấu hiệu định tội): “người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Tức là, nếu A trộm cắp tài sản của B trị giá từ hai triệu đến dưới năm mươi triệu thì hành vi của A sẽ thuộc trường hợp CTTP cơ bản. Tuy nhiên, hành vi của A lại cấu thành tội trộm cắp tài sản theo điểm e khoản 2 Điều 138 BLHS, ngoài các tình tiết để định tội là trộm cắp tài sản, A còn có thêm tình tiết tăng nặng là “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đông đến dưới hai trăm triệu đồng” (cụ thể là 100 triệu đồng). Điều này phản ánh mức độ của tính nguy hiểm tăng lên rõ rệt so với các trường hợp trộm cắp tài sản quy định tại khoản 1.

Những dấu hiệu có thêm trong trường hợp CTTP tăng nặng đối với hành vi của A cho phép chuyển khung hình phạt được áp dụng từ khung bình thường (mức cao nhất là ba năm – theo khoản 1 Điều 138 BLHS) lên khung tăng nặng (mức cao nhất là bảy năm – theo khoản 2 Điều 138 BLHS).

Tóm lại, từ những phân tích ở trên, ta có thể khẳng định: loại tội mà A thực hiện thuộc loại tội phạm nghiêm trọng và hành vi phạm tội của A thuộc trường hợp CTTP tăng nặng.

Ngày 23/1/2009 A đã thực hiện hành vi hiếp dâm chị H. Do quá uất ức, chị H đã treo cổ tự sát. Ngày 7/7/2009, Tòa án nhân dân tỉnh H. xét xử A về tội hiếp dâm theo điểm c khoản 3 Điều 111 BLHS.

Hỏi:

  1. Cấu thành tội phạm của tội hiếp dâm ( Điều 111 BLHS) là cấu thành tội phạm hình thức?
  2. Theo phân loại tội phạm tại Điều 8 BLHS, hãy xác định tội hiếp dâm mà A đã thực hiện và bi xét xử thuộc loại tội phạm gì? Giải thích rõ tại sao?

Lời giải

1. Cấu thành tội phạm của tội hiếp dâm là cấu thành tội phạm hình thức.

Trước hết, cần hiểu cấu thành tội phạm hình thức là cấu thành tội phạm có một dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Từ định nghĩa này có thể nhận thấy, tội hiếp dâm thuộc loại cấu thành tội phạm hình thức, vì theo định nghĩa tội hiếp dâm đã được miêu tả trong BLHS tại Điều 111 ở tội này là có 2 hành vi khách quan:

– Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng ko thể chống cự của nạn nhân.

– Hành vi giao cấu.

Tội phạm có cấu thành hình thức sẽ hoàn thành khi người phạm tội đã thực hiện tất cả các hành vi khách quan được mô tả trong CTTP. Như vậy tội hiếp dâm chỉ có thể được xác lập khi có hành vi giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân đã được thực hiện, tức là hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm hại tới quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ đã xảy ra, hậu quả từ hành vi phạm tội đã phát sinh. Hậu quả ở đây có thể là sức khỏe của nạn nhân, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân bị ảnh hưởng, thậm chí có thể là tính mạng của nạn nhân bị đe dọa gây thiệt hại. Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Hậu quả của hành vi hiếp dâm không thể phát sinh khi hành vi giao cấu chưa được thực hiện và ngược lại, khi hành vi giao cấu trái với ý muốn được thực hiện thì hậu quả cũng phát sinh.

Dấu hiệu hành vi và hậu quả trong tội hiếp dâm luôn là các yếu tố đi kèm với nhau, không thể thiếu một trong hai yếu tố đó. Nếu thiếu một trong hai yếu tố đó thì tội hiếp dâm không thể xác lập.

Trong trường hợp trên, A đã có hành vi dùng vũ lực để hiếp dâm chị H, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là chị H uất ức mà tự sát.

2. Xác định tội hiếp dâm mà anh A thực hiện và bị xét xử thuộc loại tội phạm gì?

Tội phạm, hiểu theo nghĩa khái quát nhất là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt.

Tội phạm tuy có chung các dấu hiệu như trên, nhưng những hành vi phạm tội cụ thể có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất khác nhau. Do vậy, tại khoản 2 Điều 8 Bộ luật hình sự, tội phạm đã được phân thành bốn nhóm khác nhau: Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Sự phân thành bốn nhóm tội như vậy vừa là biểu hiện cơ bản, vừa là cơ sở thống nhất nhất cho sự phân hóa trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự. Đồng thời là cơ sở thống nhất cho việc xây dựng các khung hình phạt cụ thể để áp dụng cho từng loại tội phạm xảy ra.

Căn cứ để phân loại tội phạm được thể hiện trong Khoản 3, Điều 8 BLHS năm 1999, là căn cứ phân loại tội phạm dựa vào mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.

Tội hiếp dâm được các nhà làm luật ấn định tại Điều 111 của BLHS, thực tiễn đã thừa nhận tất cả các hành vi hiếp dâm khi xảy ra đều có chung đặc điểm đó là hành vi giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân. Tuy nhiên, để thực hiện được hành vi phạm tội trong thực tế rất đa dạng và phức tạp. Đối với mỗi trường hợp phạm tội khác nhau thì tính chất của hành vi, phương pháp, thủ đoạn, và hậu quả xảy ra cũng rất khác nhau. Do vậy đòi hỏi phải phân loại tội phạm đối với hành vi hiếp dâm để có thể cá thể hóa trách nhiệm hình sự, sự phân biệt và cá thể hóa được chính xác sao cho xét xử đúng người, đúng tội và trách nhiệm hình sự phải phù hợp với hành vi phạm tội mà họ đã gây ra. Để đáp ứng đòi hỏi đó, Điều 111 BLHS đã tiến hành phân loại đối với những hành vi hiếp dâm có tính chất và mức độ khác nhau thường xảy ra trong thực tế và ấn định khung hình phạt cụ thể đối với các hành vi phạm tội có cùng tính chất.

Dựa vào cơ sở đó và khoản 3 Điều 8 BLHS, tội hiếp dâm được phân loại khá cụ thể.

Đối với trường hợp trên, hành vi của A thuộc loại tội phạm nghiêm trọng. Theo khoản 3, điều 111-BLDS: Phạm tội hiếp dâm được quy định tại khoản 3 Điều 111 BLHS thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng vì có tính nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội và có khung hình phạt tương ứng cao nhất trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì, bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

Như vậy, hậu quả chị H tự sát nằm trong mục c, khoản 3, điều 111 quy định, đồng thời đối chiếu với điều 8, Vì vậy có thể kết luận, tội của A thuộc loại tội nghiêm trọng. Từ đó có thể căn cứ để định rõ mức khung và hình phạt cho A theo pháp luật quy định, đó là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, mức cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Một tên A ăn trộm chiếc sh sau đó mang tới gửi nhà B ( bạn thân) . B hỏi A xe ở đâu mà ko mang về nhà. A bảo xe ăn trộm sau đó bảo B giữ hộ mai có người mua rồi sẽ cho B tiền. Nói xong A đi về . tới trưa ngày hôm sau A tới lấy xe sau đó đến chiều mang cho B 5 triệu, .

Vậy trong trường hợp này B phạm tội gì? Đồng phạm tội trộm xe hay tội che dấu tội phạm?

Lời giải

1. Về tội danh:

Tội phạm tại Điều 250 BLHS là một tội ghép, nó quy định hai hành vi khác nhau là “chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có” và “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Hành vi chứa chấp là những hành vi như cất giữ, bảo quản…
Hành vi tiêu thụ là những hành vi như mua để dùng, nhận để bán lại, giới thiệu người khác mua, chuyển tài sản đo cho người khác theo yeu cầu của người phạm tội…

Vì vậy khi xác định tội danh, nếu người phạm tội thực hiện hành vi chứa chấp thì định tội là “Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có”; nếu người phạm tội thực hiện hành vi tiêu thụ thì định tội là “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” chứ không định tội như tên gọi của điều luật là “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Trường hợp người phạm tội thực hiện cả hai hành vi chứa chấp và tiêu thụ thì định tội là “Chứa chấp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Ở trường hợp trên, B chỉ thực hiện hành vi cất giữ mà không thực hiện hành vi tiêu thụ. Vì vậy tội danh của B là “Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có”.

2. Vì sao nó là chứa chấp

Tình tiết “không hứa hẹn trước” chỉ có giá trị để xác định B không đồng phạm với A về tội “Trộm cắp tài sản”. Còn nó cũng là dấu hiệu đặc trưng của cả tội “Che giấu tội phạm”, chứ không chỉ riêng tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ…”. Và hành vi cất giữ tang vật (vật chứng) của tội phạm cũng là một trong những hành vi khách quan của tội “Che giấu tội phạm”.

Việc phân biệt hai tội danh này là dựa vào mục đích của người phạm tội. Nếu mục đích là che giấu tội phạm mà người khác đã thực hiện thì cấu thành tội “Che giấu tội phạm”. Còn nếu mục đích chỉ là trục lợi bất chính thì cấu thành tội “Chứa chấp…”.

B thực hiện hành vi cất giữ xe cho A với mục đích trục lợi, nên tội phạm mà B phải chịu là “Chứa chấp…”.

B, C, D với động cơ chống chính quyền nhân dân đã lên vùng núi tập hợp một số thành phần bất mãn với chế độ XHCN đồng thời mua chuộc một số đối tượng thanh niên nhẹ dạ cả tin với số lượng trên 50 người lập nên tổ chức “Vì Dân Chủ và Nhân Quyền”. B, C, D trong tổ chức này đã có các hoạt động:

– Liên hệ với nước ngoài qua mạng Internet để xin vũ khí, tiền bạc nhưng chưa quan hệ được;

– Đặt mìn phá trụ sở UBND xã để gây niềm tin với nước ngoài;

– Bao vây UBND xã, huyện và bắn chết một số cán bộ công an xã, huyện.

Hỏi:

  1. Hành vi của nhóm B, C, D có dấu hiệu của các tội phạm nào?
  2. Theo quan điểm của anh, chị, hãy xác định tội danh của nhóm B, C, D và phân tích rõ cơ sở để định tội cho nhóm B, C, D.

Lời giải:

1. Hành vi của nhóm B, C, D có dấu hiệu của các tội phạm nào?

Căn cứ vào những chứng cứ đã được cung cấp trong đề bài và những căn cứ khác, có thể chỉ ra hành vi của nhóm B, C, D có các dấu hiệu của các tội phạm sau:

* Một, Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 79 BLHS), bởi những lẽ sau:

– Về khách thể của tội phạm: hành vi của nhóm B, C, D xâm phạm trực tiếp sự tồn tại của chính quyền nhân dân. Đối tượng tác động ở đây là chính quyền nhân dân xã, huyện mà tổ chức của B, C, D đã có những hoạt động đặt mìn phá trụ sở UBND xã, bao vây UBND xã, huyện, bắn chết một số cán bộ công an xã, huyện.

– Về mặt khách quan của tội phạm: “hành vi khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”(1). Trong tình huống này, B, C, D đã có những hành động cụ thể như sau để có thể khẳng định hành vi của nhóm B, C, D có dấu hiệu của tội phạm này:

  • Thứ nhất, hoạt động thành lập tổ chức để lật đổ chính quyền nhân dân, thể hiện bằng một số hành vi cụ thể: B, C, D đã lôi kéo, tập hợp người vào tổ chức với động cơ chống chính quyền nhân dân;
  • Thứ hai, đề ra chủ trương, đường lối hoạt động của tổ chức: trước hết B, C, D sẽ liên hệ với nước ngoài để lấy vũ khí, sau đó có vũ khí trong tay tiến hành đặt mìn phá trụ sở UBND xã; bao vây UBND xã, huyện và có hành vi xâm phạm trực tiếp đến tính mạng của một số cán bộ công an xã, huyện mà tổ chức của B, C, D bao vây.

– Về mặt chủ quan của tội phạm: nhóm B, C, D đã cố ý thành lập tổ chức “Vì Dân Chủ và Nhân Quyền” vì đã có động cơ từ trước là chống chính quyền và đã có những hoạt động cụ thể để thực hiện hành vi của mình.

* Hai, Tội bạo loạn (Điều 82 BLHS). Bởi lẽ:

– Về khách thể của tội phạm: hành vi của B, C, D và tổ chức Vì Dân Chủ và Nhân Quyền đã xâm phạm đến sự an toàn(sự vững mạnh) của chính quyền nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân.

– Về mặt khách quan của tội phạm: trong tình huống trên, nhóm B, C, D đã có những hoạt động cụ thể: tiến hành hoạt động vũ trang với việc tập hợp đông người( là những thành phần bất mãn với chế độ và một số đối tượng khác) bao vây trụ sở CQNN, lực lượng vũ trang nhân dân để đốt phá, gây nổ, tấn công các CQNN(ở đây là trụ sở UBND xã, huyện), bắn giết cán bộ(giết một số cán bộ công an xã, huyện).

– Về mặt chủ quan của tội phạm: nhóm B, C, D thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp: nhận thức được hành vi bao vây UBND xã và bắn giết một số cán bộ; đặt mìn phá trụ sở UBND xã của mình có thể gây nguy hại đến sự vững mạnh, đe dọa đến sự tồn tại của chính quyền nhân dân nhưng vẫn thực hiện. Mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc thể hiện ở việc gây khó khăn cho chính quyền trong việc giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, làm suy yếu chính quyền.

* Ba, Tội phá hoại cơ sở vật chất – kĩ thuật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (Điều 83 BLHS). Bởi những biểu hiện sau:

– Về khách thể của tội phạm: hành vi của nhóm B, C, D xâm phạm đến sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, làm hủy hoại cơ sở vật chất kĩ thuật của CNXH: trụ sở cơ quan nhà nước(thông qua việc đặt mìn để phá trụ sở UBND xã, huyện);

– Về mặt khách quan của tội phạm: nhóm B, C, D có hành vi phá hoại cơ sở vật chất kĩ thuật thuộc lĩnh vực chính trị cũng đồng nghĩa với việc đã hủy hoại đi những tài liệu quan trọng thuộc bí mật nhà nước được lưu giữ tại trụ sở UBND xã, huyện thông qua việc đặt mìn phá trụ sở (làm cho các tài sản trong cơ quan nhà nước mất hẳn giá trị sử dụng);

– Về mặt chủ quan: lỗi của nhóm B, C, D là lỗi cố ý trực tiếp nhằm chống chính quyền nhân dân. Khi thực hiện hành vi phá hoại B, C, D nhận thức rõ hành vi đó có thể gây thiệt hại cho cơ sở vật chất, ảnh hưởng đến hoạt động của CQNN nhưng vẫn thực hiện và mong muốn cho thiệt hại đó xảy ra để đặt được mục đích chống chính quyền nhân dân;

– Về chủ thể: là nhóm B, C, D có đủ năng lực chịu TNHS và độ tuổi, do vậy mới có khả năng thực hiện những hành vi đặc thù này.

* Bốn, Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 84 BLHS), bởi vì:

– Về khách thể của tội phạm: hành vi của nhóm B, C, D đã xâm phạm sự vững mạnh của chính quyền nhân dân thông qua việc đã trực tiếp bắn chết một số cán bộ công an xã, huyện(trực tiếp xâm phạm tính mạng của con người).

– Về mặt khách quan của tội phạm: nhóm B, C, D có hành vi xâm phạm đến tính mạng của cán bộ, công chức(giết một số cán bộ, công chức khi bao vây UBND xã, huyện). Đối tượng của hành vi giết cán bộ nhà nước của nhóm B, C, D là những cán bộ công an xã, huyện, là những người tham gia trực tiếp vào các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội, hoạt động này của nhóm B, C, D có mục đích là nhằm chống chính quyền nhân dân, có thể nói đây là những hoạt động để phục vụ cho động cơ trực tiếp và chủ yếu là nhằm chống chính quyền nhân dân, là những hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho việc chống chính quyền được diễn ra mà không có sự cản trở bởi bất cứ yếu tố nào.

– Về mặt chủ quan của tội phạm: hành vi này của B, C, D được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, có nghĩa là B, C, D nhận thức được hành vi giết cán bộ công an xã, huyện của mình có thể làm cho hoạt động của chính quyền lâm vào bế tắc vì cán bộ cán cốt, nhân lực không đủ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, quản lý xã hội nhưng vẫn mong muốn cho hậu quả xảy ra(vẫn tiến hành bao vây trụ sở ủy ban, bắn chết một số cán bộ công an xã, huyện).

2. Theo quan điểm của anh, chị, hãy xác định tội danh của nhóm B, C, D và phân tích rõ cơ sở để định tội cho nhóm B, C, D.

Căn cứ vào những tình tiết mà đề bài đưa ra cũng như đối chiếu với BLHS, thì có thể khẳng định nhóm B, C, D đã phạm Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo quy định tại Điều 79 BLHS. Bởi những lẽ sau đây:

– Về mặt khách quan của tội phạm:

B, C, D đã có hành vi thành lập tổ chức chống chính quyền nhân dân theo quy định của BLHS “người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì…” cụ thể là: B, C, D đã lên vùng núi tập hợp một số thành phần bất mãn với chế độ XHCN đồng thời mua chuộc một số đối tượng thanh niên nhẹ dạ cả tin để lập nên tổ chức Vì Dân Chủ và Nhân Quyền. Ở đây, nhóm B, C, D đã có “những chủ trương, đường lối hoạt động cho tổ chức chống chính quyền nhân dân chuẩn bị được thành lập đó là: có các hành vi tuyên truyền, rủ rê người khác cùng đứng ra thành lập tổ chức”(2) Vì Dân Chủ và Nhân Quyền( là hành vi đã tập hợp được một số thành phần bất mãn với chế độ và mua chuộc được một số đối tượng nhẹ dạ cả tin).

Hoạt động thành lập tổ chức chống chính quyền nhân dân mà B, C, D đã thực hiện là việc do B, C, D cùng thống nhất ý chí, cùng chung mục đích với một số đối tượng khác đứng ra thành lập tổ chức.

B, C, D trong tổ chức đã có những hoạt động: liên hệ với nước ngoài qua mạng Internet để xin vũ khí, tiền bạc tuy nhiên chưa quan hệ được; đặt mìn phá trụ sở UBND xã để gây niềm tin với nước ngoài; bao vây UBND xã, huyện và bắn chết một số cán bộ công an xã, huyện, những hành động này tuy có dấu hiệu của một số tội phạm cụ thể khác nhưng khi xem xét mục đích của những hoạt động này thì không cấu thành những tội độc lập khác mà những hoạt động này là nhằm phục vụ cho mục đích lật đổ chính quyền nhân dân. Bởi lẽ ở đây, hoạt động thứ nhất của B, C, D “không phải là hành vi câu kết với nước ngoài như ở Tội phản bội tổ quốc chỉ là hành vi bàn bạc với nhau tìm cách liên hệ, xin nước ngoài giúp đỡ để hoạt động nhưng chưa thực hiện được, chưa có sự câu kết với nước ngoài”(3) do vậy, đã thỏa mãn CTTP của Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Ở hoạt động thứ hai, B, C, D không phạm Tội bạo loạn, Tội phá hoại cơ sở vật chất kĩ thuật của CNXH, Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, bởi vì chính hoạt động này không có mục đích là chống chính quyền nhân dân mà hoạt động cụ thể này là do B, C, D thực hiện nhằm mục đích tạo dựng sự tin tưởng đối với nước ngoài để từ đó có thể được các tổ chức nước ngoài tin tưởng mà đồng ý cung cấp vũ khí, tiền bạc cho nhóm B, C, D sử dụng để tiến hành các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân mà mình đã có động cơ từ trước, cũng là sự phù hợp với ý chí của các đối tượng bất mãn với chế độ XHCN mà B, C, D lôi kéo. Ở hoạt động thứ ba, hành vi của B, C, D trong ý chí của mình không nhằm thông qua đó để chống lại chính quyền mà thông qua đó để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cụ thể làm thay đổi chế độ chính trị, kinh tế xã hội(lật đổ chính quyền nhân dân).

– Về mặt chủ quan của tội phạm:

Lỗi của nhóm B, C, D là lỗi cố ý trực tiếp, B, C, D và những đối tượng khác cố ý cùng tham gia với nhau để thành lập nên tổ chức Vì Dân Chủ và Nhân Quyền với mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thể hiện cụ thể ở chỗ: B, C, D đã có động cơ từ trước, thành lập nên một tổ chức với số lượng thành viên trên 50 người(có tổ chức chặt chẽ) và chính hành vi gây niềm tin với nước ngoài đã chứng minh tổ chức này không chỉ dừng lại ở việc nhằm làm suy yếu chính quyền nhân dân mà cao hơn thế nữa là nhằm lật đổ chính quyền hay nói cách khác nhờ nước ngoài cung cấp cơ sở vật chất để có đủ sức mạnh, tiềm lực làm thay đổi chế độ chính trị, kinh tế xã hội của đất nước. Hơn nữa việc chống lại chính quyền nhân dân chỉ là động cơ còn mục đích rõ ràng ở đây phải là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân hay nói cách khác cái cuối cùng mà tổ chức của B, C, D hướng tới ở đây là lật đổ được chính quyền nhân dân.

– Về khách thể của tội phạm:

Hành vi của nhóm B, C, D đã trực tiếp xâm phạm tới sự tồn tại của chính quyền nhân dân (bao vây UBND và bắn chết một số cán bộ nhằm làm cho BMNN không còn đủ cơ sở để duy trì hoạt động được).

– Về chủ thể của tội phạm:

Trong tình huống trên chủ thể là B, C, D- là những người đã đủ độ tuổi chịu TNHS và không bị mắc các bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi thì mới có thể có khả năng thực hiện các hoạt động: lôi kéo các thành phần bất mãn với chế độ; đặt mìn phá trụ sở; liên hệ qua Internet với nước ngoài; bao vây trụ sở ủy ban và giết một số cán bộ nhà nước./.

V là người buôn bán ma túy chuyên nghiệp đã thuê G với số tiền 500 nghìn đồng để G (15 tuổi) giúp vận chuyển số Heroin  từ chợ về nhà V. Số Heroin được gói trong bọc quà sinh nhật. G đang mang từ chợ về nhà V thì bị công an bắt giữ. Lượng Heroin mà G vận chuyển nếu bị coi là tội phạm có thể được xử lí theo khoản 2 Điều 194 BLHS.

Câu hỏi:

  1. Ông H là Bố của G đến hỏi: hành vi vận chuyển ma túy của G cho V có bị coi là tội phạm hay không? (2 điểm)
  2. Hiện tại con tôi đang bị cơ quan Công an tạm giữ, vậy tôi phải làm gì để giúp con tôi sớm được về nhà? (2 điểm)
  3. Tình huống bổ sung: Giả định V đã bị tạm giam về tội mua bán 2 bánh Heroin nhưng khi giám định thì số heroin đó hoàn toàn giả, ông F là bố của V đến tư vấn với câu hỏi “ V có bị truy tố về các tội liên quan đến ma túy” không? (2 điểm)

Lời giải:

1. Hành vi vận chuyển ma túy của G cho V có bị coi là tội phạm hay không?

Thứ nhất, theo Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2.6 Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.

Thứ hai, theo căn cứ tại Điều 253 BLHS về Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy:

Điều 253. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy

1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam;

c) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 75 mililít đến dưới 300 mililít.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa Cơ quan, tổ chức;

đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 500 gam;

e) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 300 mililít đến dưới 750 mililít;

g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;

h) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

i) Tái phạm nguy hiểm.

Lượng Heroin mà G vận chuyển nếu bị coi là tội phạm có thể được xử lí theo khoản 2 Điều 253 BLHS?

– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy quy định khoản 2 Điều 253 Bộ luật hình sự, vì khoản 2 Điều 253 Bộ luật hình sự là tội phạm rất nghiêm trọng. Theo khoản 2, Điều 12 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự tội phạm rất nghiêm trọng quy định tại điều 253 này.

2. Hiện tại con tôi đang bị cơ quan Công an tạm giữ, vậy tôi phải làm gì để giúp con tôi sớm được về nhà?

Bạn có thể bảo lĩnh cho G để được về nhà. Tuy nhiên, phải thực hiện đúng những quy định về bảo lĩnh tại Điều 121 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về điều kiện và thủ tục bảo lãnh, cụ thể như sau:

– Về thẩm quyền quyết định cho bị can, bị cáo được bảo lĩnh: tùy vào giai đoạn điều tra, truy tố hoặc xét xử mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho bị can, bị cáo được bảo lĩnh.

– Người nhận bảo lĩnh có thể là:

+) Cá nhân:  là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh thì có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ và trong trường hợp này thì ít nhất phải có 02 người đều là người thân thích của bị can, bị cáo. Người thân thích bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; cháu ruột mà họ là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của bị can bị cáo.

+) Tổ chức: tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình.

– Thủ tục bảo lĩnh:

+) Người bảo lĩnh nộp đơn xin bảo lĩnh tới cơ quan có thẩm quyền quyết định cho bị can, bị cáo được bảo lĩnh. Nếu là cá nhân bảo lĩnh thì đơn xin bảo lĩnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Nếu là tổ chức nhạn bảo lĩnh thì đơn xin bảo lĩnh phải có xác nhận của người đứng đầu tổ chức.

+) Cá nhân, tổ chức làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án.

– Trách nhiệm của người nhận bảo lĩnh khi vi phạm nghĩa vụ cam đoan: Cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đã cam đoan và trong trường hợp này bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

3. Giả định V đã bị tạm giam về tội mua bán 2 bánh Heroin nhưng khi giám định thì số heroin đó hoàn toàn giả, liệu “ V có bị truy tố về các tội liên quan đến ma túy” không?

Theo hướng dẫn tại tiểu mục 1.4 mục 1 phần I Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999 thì: “Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưmg cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất. Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trải phép chất ma túy nhưng người thực hiện hành vi ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà trưy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy…”

Thật vậy, trong trường hợp này, tuy không biết đó là ma túy giả nhưng V vẫn ý thức đó là ma túy đem đi buôn bán nên V vẫn sẽ bị truy cứu hình sự vì tội “mua bán ma túy trái phép” theo Điều 194 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009).

Lê Thị L, 28 tuổi, lấy chồng là Phạm Văn K (sĩ quan quân đội). Trong những năm đầu họ chung sống với nhau rất hạnh phúc và đã có 2 con. Thế nhưng, kể từ đầu năm 2003 K bị đám bạn xấu lôi kéo vào cuộc sống xa đọa. Lương và tiền làm thêm K không đưa về nuôi gia đình mà mang đi bao một cô tiếp viên nhà hàng tên là Q. Mỗi khi về nhà K còn thường xuyên nhiếc mắng, đánh đập, hắt hủi L. L nhiều lần khuyên nhủ nhưng K vẫn không nghe. L rất ghen tức nên có ý định giết K và Q.

Ngày 24/4/2003, biết đôi tình nhân hẹn gặp nhau ở nhà trọ của Q, L lấy khẩu súng K54 K để ở nhà (khẩu súng này K được giao khi làm nhiệm vụ) đến đó phục. 23 giờ cùng ngày, thấy K đi cùng với Q  và một tiếp viên khác về nhà trọ, L dùng súng bắn K nhưng K chỉ bị thương, L lại dùng súng bắn Q, không ngờ Q lại không việc gì, mà cô tiếp viên đi bên cạnh là H bị trúng đạn chết.

Hỏi: Anh (Chị) hãy xác định tội danh do L thực hiện ?

Lời giải:

1. Tóm tắt và phân tích hành vi của Lê Thị L

Với ý định giết K và Q, 23 giờ ngày 24/4/2003, L lấy khẩu súng K54 của K đến phục trước nhà trọ của Q (nơi K và Q hẹn nhau). Khi thấy K đi cùng với Q và một tiếp viên khác về, L dùng súng bắn K nhưng K chỉ bị thương, L lại dùng súng bắn Q, nhưng Q không việc gì, mà H đi bên cạnh bị trúng đạn chết.

2. Xác định hướng xâm hại và quy phạm pháp luật hình sự cần kiểm tra.

Hành vi bắn K, Q, H xâm phạm vào quyền nhân thân của con người. Quy phạm pháp luật hình sự cần kiểm tra là khoản 1, 2 Điều 93 và Điều 18 Bộ luật hình sự.

3. Kiểm tra quy phạm pháp luật hình sự đã lựa chọn

* Khoản 1 và 2 Điều 93 Bộ luật hình sự

Khoản 2 Điều 93 BLHS quy dịnh cấu thành cơ bản của tội giết người.

Mặc dù điều luật này không có mô tả các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội giết người, nhưng từ thực tiễn xét xử đã được thừa nhận có thể đưa ra định nghĩa: giết người là hành vi cố ý tước đoạt sự sống của rngười khác một cách trái pháp luật.

– Khách thể của tội giết người là quyền sống của con người. Đối tượng tác động của nó là con người đang sống đang tồn tại.

Hành vi của L đã xâm hại tới quyền sống của K, Q, H. Đối tượng tác động của hành vi phạm tội của L chính là K, Q, H.

– Mặt khách quan của tội phạm này thể hiện ở hành vi khách quan tước đoạt quyền sống của người khác, tức là hành vi có khả năng trực tiếp gây ra cái chết của nạn nhân, chấm dứt sự sống của họ. Hành vi tước đoạt tính mạng (quyền sống) của người khác trong mặt khách quan của tội giết người phải là hành vi trái pháp luật.

Hậu quả chết người không phải là dấu hiệu bắt buộc (dấu hiệu định tội) của tội này, mà nó chỉ là dấu hiệu để xác định tội phạm hoàn thành. Nếu hậu quả chết người không xảy ra vì do nguyên nhân chủ quan thì hành vi phạm tội được coi là giết người chưa đạt.

Trong trường hợp hậu quả chết người xảy ra người định tội danh cần phải kiểm tra mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả đó để từ đó xác định mức độ trách nhiệm hình sự của người phạm tội.

Trong thực tiễn xét xử, nhiều trường hợp việc xác định mối quan hệ nhân quả này hết sức phức tạp, nên theo hướng dẫn của Toà án tối cao cần thiết phải có kết luận của Hội đồng giám định pháp y.

Căn cứ vào các tình tiết của vụ án cho thấy hành vi dùng súng K54 bắn vào K và Q là hành vi nguy hiểm cho xã hội trực tiếp xâm hại đến quyền sống của K và Q. Đây là hành vi tước đoạt sự sống của K và Q một cách trái phép, bị pháp luật cấm. Tuy nhiên, nó chưa gây ra cái chết cho nạn nhân nên theo Điều 18 BLHS thì đây là trường hợp giết người chưa đạt. Còn cái chết của chị H được coi là hậu quả của hành vi giết người chưa đạt này gây ra.

– Chủ thể của tội giết người là bất cứ ai có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt từ đủ 14 tuỏi trở lên. Theo sự mô tả trong vụ án, L đã xây dựng gia đình với K được nhiều năm và không có biểu hiện gì của người mất hoặc hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự. Như vậy, L là người đã thoả mãn đầy đủ các điều kiện của chủ thể tội giết người

– Mặt chủ quan của tội giết người thể hiện ở dấu hiệu lỗi cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp. Dấu hiệu mục đích và động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc.

Các tình tiết của vụ án cho thấy L có ý định giết K và Q. Biết hai người này hẹn hò nhau tại nhà trọ của Q nên L đã lấy súng K54 phục trước nhà trọ của Q, sau đó bắn hai người này. Với các tình tiết của sự việc cho thấy L thực hiện hành vi phạm tội  bằng lỗi cố ý trực tiếp, L biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội bị pháp luật cấm nhưng vẫn cứ thực hiện, bởi L mong muốn tước đoạt tính mạng của K và Q nhằm thoả mãn sự ghen tuông của cá nhân.

So sánh, đối chiếu với các dấu hiệu pháp lý của tội giết người theo khoản 2 Điều 93 và Điều 18 Bộ luật hình sự cho thấy L phạm tội giết người chưa đạt.

Tuy nhiên, căn cứ vào các tình tiết của vụ án cho thấy L có ý định giết K và Q. Do vậy, L phạm tội trong trường hợp giết nhiều người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 93 Bộ luật hìhn sự với tư cách là một tình tiết tăng nặng định khung.

Tóm lại: Lê Thị L phạm tội giết người chưa đạt. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 93 và Điều 18 Bộ luật hình sự.

Chú ý: Khi giải quyết vụ án này có thể có quan điểm cho rằng cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với L thêm tội vô ý làm chết người. Nhưng theo chúng tôi việc can phạm làm chết chị H không phải là kết quả của một hành vi vô ý thông thường, hay nói cách khác nó không phải là hành vi vô ý độc lập mà là kết quả của hành vi cố ý giết người. Nếu định tội là vô ý làm chết người thì sẽ đánh giá sai tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó. Cho nên không cần định thêm tội vô ý làm chết người, chỉ cần định một tội là tội giết người (chưa đạt) và coi việc làm chết chị H là một hậu quả của hành vi giết người (chưa đạt) nói trên. Về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi giết người chưa đạt mà gây ra hậu quả làm chết người khác này có thể coi không khác gì trường hợp giết người đã hoàn thành.

* Khoản 1 và 2 Điều 230 Bộ luật hình sự

Khoản 1 Điều 230 quy định cấu thành cơ bản của tội sử dụng vũ khí quân dụng trái phép. Đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện bằng lỗi cố ý xâm phạm các quy định của Nhà nước về an toàn công cộng liên quan tới vũ khí quân dụng

– Khách thể bị tội phạm xâm hại là các quy định của Nhà nước về an toàn công cộng liên quan tới vũ khí quân dụng.

– Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở hành vi sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Đây là tội có cấu thành hình thức. Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hành vi khách quan sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Hậu quả phạm tội không có ý nghĩa cho việc định tội danh.

– Mặt chủ quan của tội phạm thể hiện bằng dấu hiệu lỗi cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp). Mục đích và động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của tội phạm này.

– Chủ thể của tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng là những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt từ 16 tuổi trở lên nếu phạm tội theo ở khoản 1 và từ đủ 14 tuổi trở lên nếu phạm tội theo khoản 2, 3 và 4 Điều 230 Bộ luật hình sự.

Dựa trên cơ sở phân tích các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng nêu trên và căn cứ vào các tình tiết diễn biến của vụ án cho thấy: Hành vi của L dùng súng K54 để bắn K và Q, H là hành vi sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Nó đã xâm phạm trực tiếp những quy định của Nhà nước về an toàn công cộng liên quan tới vũ khí quân dụng (Điều 3 Quy chế quản lý vũ khí … được ban hành theo Nghị định 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ. Hành vi này được L thực hiện bằng lỗi cố ý trực tiếp. Nó đã gây ra hậu quả nghiêm trọng là làm K bị thương và làm chết H.

Hành vi phạm tội này của L đã thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu của tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng  quy định tại điểm a khoản 2 Điều 230 Bộ luật hình sự.

4. Kết luận

Lê Thị L phạm tội giết người chưa đạt và tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 93 và Điều 18; điểm a khoản 2 Điều 230 Bộ luật hình sự.

Chiều ngày 11/6/2001 Phạm Văn D đi lang thang thấy một người đang sửa xe Cub 70 đời 82-89 ở ven đường nên đứng lại xem. Người chủ xe máy chữa xe mãi không được nên nhờ D chữa giúp. D nhận lời. Sau khi chữa xe xong, D ngồi lên xe khởi động máy, máy nổ. Lợi dụng chủ xe đang lúi húi buộc hành lý vào sau xe D đã cài số phóng xe đi thẳng. Ngày hôm sau D đem xe đến một cửa hàng cầm đồ để bán thì bị Công an hình sự bắt giữ. Chiếc xe máy được Cơ quan công an giao trả cho người chủ xe tên là Trần Quang B.

Qua đấu tranh khai thác, Cơ quan công an còn được biết đêm ngày 14/7/1995, lợi dụng mọi người trong gia đình nhà ông Lê Quốc L (ở làng lân cận) đi vắng, D đã dùng kìm cộng lực cắt khoá cửa vào nhà lấy chiếc xe Dream II ông L mới mua với giá 5 lượng vàng mang lên thành phố Hồ Chí Minh bán tiêu sài. Nhưng trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra không phát hiện ra D là thủ phạm và trong thời gian từ đó cho đến khi bị bắt về vụ án ngày 11/6/2001 D vẫn làm ăn sinh sống bình thường ở nhà.

Hỏi: Hãy xác định trách nhiệm hình sự của D?

Lời giải

1. Tóm tắt và phân tích hành vi phạm tội của D

– Đêm ngày 14/7/1995 lợi dụng gia đình ông L đi vắng D đã dùng kìm cộng lực cắt khoá vào nhà lấy chiếc xe Dream II giá trị 5 cây vàng. Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra không phát hiện ra D là thủ phạm và trong thời gian từ đó cho đến khi bị bắt về vụ án ngày 11/6/2001 D vẫn làm ăn sinh sống bình thường ở nhà.

– 11/6/2001 B nhờ D chữa xe. Sau khi chữa xe xong D ngồi lên xe khởi động máy nổ. Lợi dụng B đang lúi húi buộc hành lý vào sau xe D đã cài số phóng xe đi thẳng. Ngày hôm sau khi D đem xe đến một cửa hàng cầm đồ để bán thì bị Công an hình sự bắt giữ.

2. Hướng xâm hại của hành vi và lựa chọn quy phạm pháp luật cần kiểm tra

– Hành vi D thực hiện đêm ngày 14/7/1995 đã xâm hại tới quan hệ sở hữu tài sản của công dân. Các quy phạm pháp luật hình sự cần kiểm tra: Khoản 1, 2 Điều 155, khoản 2 Điều 8, khoản 1 Điều 45 Bộ luật hình sự 1985 và khoản 1 Điều 138; khoản 3 Điều 7; khoản 2, 3 Điều 23 Bộ luật hình sự năm 1999.

– Hành vi D thực hiện ngày 11/6/2001 đã xâm hại tới quan hệ sở hữu tài sản của công dân. Quy phạm pháp luật hình sự cần kiểm tra: Khoản 1 Điều 136, Bộ luật hình sự năm 1999.

3. Kiểm tra các quy phạm pháp luật hình sự đã lựa chọn

*  Khoản 1, 2 Điều 155 khoản 2 Điều 8, khoản 1 Điều 45 Bộ luật hình sự năm 1985 liên quan tới hành vi chiếm đoạt chiếc xe máy

* Khoản 1, 2  Điều 155 Bộ luật hình sự năm 1985

Khoản 1 Điều 155 quy định cấu thành cơ bản của tội trộm cắp tài sản của công dân.

– Khách thể bị tội phạm xâm hại là quan hệ sở hữu tài sản của công dân. Đối tượng tác động của nó là tài sản của công dân.

Hành vi lấy chiếc xe máy Dream II của D đã trực tiếp xâm hại tới quan hệ sở hữu tài sản của anh L. Ông L đã mất quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt chiếc xe máy của mình

– Mặt khách quan của tội phạm

Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản của công dân gồm có hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lén lút, bí mật; hậu quả nguy hiểm cho xã hội và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi chiếm đoạt tài sản và hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Tội phạm hoàn thành khi hậu quả phạm tội xảy ra.

Các tình tiết của vụ án cho thấy D lợi dụng mọi người trong gia đình nhà Ông Lê Quốc L (ở làng lân cận) đi vắng, đã dùng kìm cộng lực cắt khoá cửa vào nhà lấy chiếc xe Dream II. Như vậy, D đã thực hiện hành vi chiếm đoạt chiếc xe Dream II của ông L bằng thủ đoạn lén lút, bí mật che giấu tính chất phạm pháp của hành vi của mình đối với ông L- chủ sở hữu tài sản. Tội phạm hoàn thành kể từ khi D chiếm đoạt được chiếc xe Dream II trị giá 5 lượng vàng.

– Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm lỗi cố ý trực tiếp, động cơ tư lợi.

Các tình tiết của vụ án cho thấy D đã nhận thức được đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, biết được việc thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của ông L là hành vi bị pháp luật cấm. Tuy nhận thức được rất rõ như vậy nhưng D vẫn thực hiện hành vi phạm tội với động cơ tư lợi.

Chủ thể của tội phạm đòi hỏi người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt từ đủ 16 tuổi trở lên ở khoản 1 và từ đủ 14 tuổi trở lên ở khoản 2 và 3 Điều 155 Bộ luật hình sự năm 1985. D đã thoả mãn các điều kiện của chủ thể của tội phạm này.

Tóm lại: Đối chiếu với các dấu hiệu đặc trưng pháp lý của tội trộm cắp tài sản của công dân theo khoản 1 Điều 155 Bộ luật hình sự năm 1985 thì hành vi của D đã thoả mãn các dấu hiệu của tội phạm này. Tuy nhiên, tài sản của ông L là chiếc xe Dream II với giá trị 5 lượng vàng. Theo Nghị quyết số 01/89/HĐTP ngày 19/4/1989 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì “khoảng 5 tấn gạo, 5 tấn xăng dầu, phân đạm, 5 tạ mỳ chính, 2 tấn đường trắng loại 1, hai lượng vàng, đối với tiền hoặc các loại tài sản hàng hoá, vật tư khác quy ra trị giá tương đương với 5 tấn gạo- được coi là số lượng tài sản, hàng hoá, vật tư có giá trị lớn hoặc thu lợi bất chính lớn. Khi trị giá gấp 3 lần các mức nêu trên thì được coi là giá trị rất lớn hoặc có số lượng rất lớn, thu lợi bất chính rất lớn”.

Như vậy, Phạm Văn D đã phạm tội trộm cắp tài sản của công dân trong trường hợp chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn theo điểm c khoản 2 Điều 155 Bộ luật hình sự năm 1985.

* Khoản 1 Điều 45 Bộ luật hình sự năm 1985

Do hành vi trộm cắp tài sản của công dân xảy ra từ ngày 14/7/1995, nhưng cho đến ngày 11/6/2001 Cơ quan công an mới phát hiện ra nên cần phải kiểm tra để xác định hành vi phạm tội này đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự chưa và D có được hưởng thời hiệu không.

Theo khoản 2 Điều 8 Bộ luật hình sự năm 1985, tội trộm cắp tài sản của công dân theo khoản 2 Điều 155 là tội nghiêm trọng (khung hình phạt từ 2 đến 10 năm tù). Điểm c khoản 1 Điều 45 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội này là 15 năm. Kể từ khi D phạm tội trộm cắp tài sản của công dân (14/7/1995) đến ngày phạm tội mới (11/6/2001) chưa đến 6 năm cho nên D vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi trộm cắp tài sản của mình.

Nhưng do hành vi phạm tội này lại được phát hiện và xử lý sau khi Bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực pháp luật, nên cần phải vận dụng những điều luật có lợi cho D theo quy định khoản 3 Điều 7 Bộ luật này.

Hai tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 132 và Điều 155 Bộ luật hình sự năm 1985 được Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999 sáp nhập thành một tội.

Khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 500.000 đồng đến dưới 50 triệu đồng… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Như vậy, so với quy định về tội trộm cắp tài sản trong Bộ luật hình sự năm 1985 cho thấy nhà làm luật không chỉ phi tội phạm hoá mà còn phi hình sự hoá một phần loại tội phạm này.

Đối chiếu với hành vi trộm cắp chiếc xe máy Dream II (giá trị 5 lượng vàng – dưới 50 triệu đồng) của D chúng ta thấy nó chỉ thoả mãn các dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138. Theo khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999 thì khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này được áp dụng với hành vi phạm tội trên của D (áp dụng theo hướng có lợi cho D). Cũng theo khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự năm 1999, tội trộm cắp tài sản do D thực hiện là tội ít nghiêm trọng và căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 23 Bộ luật hình sự năm 1999 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm đối với loại tội này là 5 năm.

Theo các tình tiết của vụ án thì từ khi phạm tội trộm cắp tài sản của công dân (14/7/1995) đến ngày phạm tội mới (11/6/2001) đã qua gần 6 năm. Trong thời gian này D vẫn làm ăn sinh sống bình thường ở nhà, không trốn tránh và cũng không có lệnh truy nã của Cơ quan công an. Căn cứ vào các quy định tại khoản 2 và 3 Điều 23 Bộ luật hình sự năm 1999 thì D không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản nữa.

*  Khoản 1 Điều 136, Bộ luật hình sự năm 1999 liên quan tới hành vi D thực hiện ngày 11/6/2001

Khoản 1 Điều 136 quy định cấu thành tội cướp giật tài sản

Các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội này thể hiện ở chỗ tội phạm xâm phạm tới quan hệ sở hữu tài sản. Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi nhanh chóng chiếm đoạt tài sản của nạn nhân rồi nhanh chóng tẩu thoát. Tội phạm hoàn thành khi chiếm đoạt được tài sản. Tội cướp giật tài sản được người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt đủ tuỏi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện bằng lỗi cố ý trực tiếp với động cơ tư lợi

So sánh, đối chiếu các dấu hiệu cấu thành của tội cướp giật tài sản quy định tại khoản 1 Điều 136 như đã trình bày ở trên với các tình tiết khách quan và chủ quan của vụ án cho thấy hành vi của D đã xâm phạm trực tiếp quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật hình sự bảo vệ. D đã có hành vi lợi dụng chủ xe đang lúi húi buộc hành lý vào sau xe đã nhanh chóng nổ máy cài số phóng xe đi thẳng. Sau đó mang xe đến hiệu cầm đồ để bán. Hành vi này rõ ràng là hành vi cố ý chiếm đoạt tài sản của công dân bằng thủ đoạn nhanh chóng chiếm đoạt rồi tẩu thoát. Đây là dấu hiệu của tội cưopứp giật chứ không phải là dấu hiệu đặc trưng của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 137 Bộ luật hình sự. D có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi của rmình là nguy hiểm cho xã hội nhận thực được hậu quả của hành vi đó những vẫn có ý thức chiếm đoạt bằng được tài sản của nạn nhân để thoả mãn động cơ tư lợi.

Dựa vào những phân tích trên đây cho thấy hành vi của D đã thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu của tội cướp  giật tài sản theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật hình sự.

4. Kết luận:

Phạm Văn D chỉ chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp giật tài sản của công dân. Tội danh và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật hình sự.

Xem thêm: [Tiểu Luận] Kỹ năng của Luật sư trong vụ án hình sự

Xem thêm: Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (Hợp nhất năm 2017) – Phần chung