Bệnh nhân nghèo được hỗ trợ như thế nào năm 2024

Ông Lê Văn Thanh là giáo viên trường THCS được 12 năm, đang mắc bệnh ung thư vòm họng. Tại nơi ông cư trú, có người công tác tại Ban chỉ huy quân sự huyện (huyện đội), mắc bệnh ung thư được hưởng lương, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp mắc bệnh hiểm nghèo. Ông Thanh muốn biết, trường hợp của ông có được hưởng chế độ trợ cấp bệnh hiểm nghèo không?

Trường hợp bố bà Phan Hồng Lan (nangthuytinh999_tp@...) 50 tuổi, tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được 26 năm, hiện đang mắc bệnh hiểm nghèo. Bà Lan hỏi, bố bà có được trợ cấp mắc bệnh hiểm nghèo không?

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời các thắc mắc này như sau:

Đối với người tham gia bảo hiểm y tế

Theo Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) quy định: Người tham gia BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng như sau:

- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân; Người có công với cách mạng; Trẻ em dưới 6 tuổi;

- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn mức do Chính phủ quy định và khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã;

- 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật; người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn;

- 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng khác.

Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.

Bên cạnh đó, người lao động đang làm việc tham gia BHXH bắt buộc được hưởng chế độ ốm đau. Mức hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 23, Điều 25 Luật BHXH.

Đối với người nghèo

Ngày 1/3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám, chữa bệnh cho người nghèo.

Đối tượng được hưởng chế độ khám, chữa bệnh theo Quyết định này gồm người thuộc diện hộ nghèo theo quy định hiện hành của Chính phủ; đồng bào dân tộc thiểu số, đang sinh sống ở các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn; người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật và người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước; người mắc bệnh ung thư, các bệnh hiểm nghèo khác gặp khó khăn không đủ khả năng chi trả viện phí.

Theo đó, người nghèo theo qui định hiện hành về chuẩn hộ nghèo và nhân dân các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được:

- Hỗ trợ tiền ăn khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên với mức tối thiểu 3% mức lương tối thiểu chung/người bệnh/ngày.

- Hỗ trợ tiền đi lại từ nhà đến bệnh viện, từ bệnh viện về nhà và chuyển bệnh viện khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên, các trường hợp cấp cứu, tử vong hoặc bệnh quá nặng và người nhà có nguyện vọng đưa về nhà nhưng không được BHYT hỗ trợ.

Trường hợp không sử dụng phương tiện vận chuyển của cơ sở y tế Nhà nước: Thanh toán chi phí vận chuyển một chiều đi cho người bệnh theo mức bằng 0,2 lít xăng/km cho một chiều đi tính theo khoảng cách vận chuyển và giá xăng tại thời điểm sử dụng. Cơ sở y tế chỉ định chuyển bệnh nhân thanh toán chi phí vận chuyển cho người bệnh, sau đó thanh toán với Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo.

- Hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế mà các đối tượng phải cùng chi trả theo quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn Luật đối với người bệnh phải cùng chi trả từ 100.000 đồng trở lên.

Người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí được hỗ trợ thanh toán một phần viện phí đối với người bệnh phải chi trả cho cơ sở y tế Nhà nước từ 1 triệu đồng trở lên. Trường hợp người bệnh tự lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh thì thanh toán viện phí theo quy định hiện hành.

Đối với cán bộ quân đội đã nghỉ hưu

Ngày 15/8/2011, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 158/2011/TT-BQP về thực hiện một số chế độ, chính sách góp phần chăm sóc đối với cán bộ quân đội nghỉ hưu.

Tại Điều 6 Thông tư này quy định chế độ chăm sóc cán bộ quân đội nghỉ hưu mắc bệnh hiểm nghèo như sau: Cán bộ quân đội nghỉ hưu nếu mắc một trong các bệnh thuộc danh mục bệnh hiểm nghèo (quy định tại phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này), được Ban chỉ huy quân sự cấp tỉnh ký quyết định công nhận cán bộ bị mắc bệnh hiểm nghèo thì được trợ cấp hàng quý, cán bộ từ trần thì thôi hưởng trợ cấp từ quý tiếp theo.

Chế độ trợ cấp bệnh hiểm nghèo được thực hiện từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định và được hưởng trợ cấp cả quý đó, mức trợ cấp 1 người/quý bằng 1 tháng tiền lương tối thiểu chung theo quy định của Chính phủ tại thời điểm chi trả.

Cán bộ quân đội nghỉ hưu mắc bệnh hiểm nghèo điều trị tại các bệnh viện quân đội được hưởng chênh lệch giữa tiền ăn bệnh lý và tiền ăn cơ bản do bệnh viên thanh toán.

Trường hợp ông Lê Văn Thanh (viên chức) và bố bà Phan Hồng Lan (người lao động) đang làm việc, là đối tượng tham gia BHYT, BHXH bắt buộc, được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 22 Luật BHYT, hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 23, Điều 25 Luật BHXH.

Về thắc mắc của ông Thanh, một cán bộ quân đội ở Ban chỉ huy quân sự huyện, mắc bệnh ung thư được hưởng trợ cấp mắc bệnh hiểm nghèo, có thể đó là cán bộ quân đội nghỉ hưu mắc bệnh hiểm nghèo, được trợ cấp theo quy định tại Điều 6, Thông tư số 158/2011/TT–BQP của Bộ Quốc phòng. Trường hợp ông Thanh không thuộc đối tượng hưởng chế độ theo quy định này.

Trường hợp bố bà Phan Hồng Lan, 50 tuổi, có thời gian tham gia, đóng BHXH 26 năm, đang mắc bệnh hiểm nghèo nếu không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động, bố bà Lan có thể đề nghị được giám định suy giảm khả năng lao động, nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, theo quy định tại Điều 51 Luật BHXH, bố bà Lan sẽ được nghỉ việc hưởng lương hưu hàng tháng, được cấp thẻ BHYT. Khi chết thân nhân được hưởng chế độ tử tuất.

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.