Ba mươi hai tướng tốt Tám mươi vẻ đẹp

Đức Phật có tên tục là Siddhārtha, vốn là thái tử của vương quốc Shakya (Thích Ca), một trong hàng trăm tiểu quốc cổ đại trên bán đảo Ấn Độ, thuộc hoàng tộc Gautama (Cồ Đàm).

Theo kinh sách, khi thái tử Siddhārtha mới ra đời, vua cha Suddhodana (Tịnh Phạn) đón Asita, một tu sĩ nổi tiếng có tài tiên tri đến thăm và xem tướng cho thái tử. Vừa được các cung nhân bế ra, thái tử đã giơ 2 chân đặt lên đầu Asita.

Vừa nhìn thấy đôi bàn chân nhỏ, tu sĩ đã kinh ngạc thốt lên: "Dưới 2 lòng bàn chân của thái tử có hình bánh xe ngàn năm và 32 tướng tốt, sau này chắc chắc thái tử sẽ là một nhà tu hành đắc đạo, hoặc là một chuyển luân thánh vương (vua của các vị vua) cai trị toàn Ấn Độ".

Nhiều tài liệu Phật giáo cũng nói Đức Phật có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, những vẻ đẹp này không được bình phẩm theo tiêu chuẩn thẩm mỹ thông thường.

Đức Phật được cho là có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp.

32 tướng tốt của Đức Phật là gì?

  1. 1. Dưới lòng bàn chân bằng thẳng không có lồi lỏm.
  2. Dưới lòng bàn chân có hình bánh xe, với ngàn tăm xe trục xe, vành xe đầy đủ.
  3. Chân tay mềm mại không thô cứng.
  4. Ngón tay nhỏ dài trắng nỏn như tuyết.
  5. Tay chân có màng da lưới.
  6. Gót chân thon tròn đầy không có lồi lõm.
  7. Có mắt cá tròn.
  8. Ống chân tròn đầy như con nai chúa.
  9. Tay dài quá gối, lưng thắng như núi.
  10. Nam căn ẩn tàng bên trong.
  11. Tướng lưỡi rộng dài
  12. Mỗi chân lông chỉ mọc 1 sợi lông có màu xanh và thoảng ra mùi thơm.
  13. Lông mọc xoáy lên và xoáy về hướng mặt.
  14. Thân hình có màu sắc như vàng kim.
  15. Thân có hào quang, phát ra các phía.
  16. Da mịn trơn nhu nhuyến như dầu.
  17. Hai vai bằng thẳng không khuyết.
  18. Hai nách đầy đặn không có lỏm.
  19. Thân cao thẳng, uy nghi đỉnh đạc.
  20. Thân hình đoan chánh không có cong vẹo uốn éo.
  21. Lòng bàn tay chân bằng thẳng.
  22. Có đủ 40 răng.
  23. Răng đều đặn và trắng đẹp.
  24. Răng bằng thẳng không hở khuyết.
  25. Hai má tròn đầy như má sư tử.
  26. Trong cổ họng thường tiết ra nước bọt đầy đủ cam lồ mỹ vị.
  27. Lưỡi rộng ,dài và mềm mại.
  28. Âm thanh như tiếng chim Ca lăng tầng già, ở xa cũng có thể nghe.
  29. Mắt màu tím thẫm, trong như nước biển.
  30. Lông mi đặc thù phi phàm.
  31. Giữa hai lông mày có lông trắng phóng hào quang.
  32. Trên đảnh đầu có nhục kế, và không nhìn thấy đảnh đầu.

Tám mươi vẻ đẹp của Đức Phật là gì?

  1. Không thấy đảnh tướng
  2. Mũi cao thẳng, lổ mũi không lộ
  3. Lông mày như trăng non
  4. Trái tay rũ xuống
  5. Thân rắn chắc
  6. Khớp xương chắc như móc khoá
  7. Mỗi lúc trở mình chuyển hình như voi chúa
  8. Đi cách đất và có ấn dấu chân
  9. Móng như màu đồng đỏ
  10. Xương đầu gối tròn đẹp
  11. Thân trong sạch
  12. Da mềm mại
  13. Thân cao đẹp không cong vẹo
  14. Ngón tay tròn thon nhỏ
  15. Vân tay ẩn kín
  16. Mạch sâu chẳng hiện
  17. Mắt cá ẩn
  18. Thân mềm mại mượt mà
  19. Thân hình tròn đầy
  20. Không uốn éo
  21. Dung nghi đầy đủ
  22. Đi đứng khoan thai
  23. Đứng không động
  24. Uy chấn hết thảy
  25. Người thấy được an lạc
  26. Khuôn mặt vừa vặn
  27. Dung mạo đoan chính
  28. Diện mạo viên mãn
  29. Môi màu sắc đỏ
  30. Âm thanh vang trầm trong vắt
  31. Rốn sâu tròn đẹp
  32. Lông xoáy về hướng phải
  33. Tay dài qua gối
  34. Tay chân như ý
  35. Vân tay sáng thẳng
  36. Vân tay dài
  37. Vân tay chẳng đứt
  38. Người thấy hoan hỷ
  39. Mặt rộng và đẹp
  40. Mặt như vầng trăng tròn
  41. Nói năng hoà nhã
  42. Lỗ chân lông xuất ra mùi thơm
  43. Trong miệng thoảng ra hương thơm
  44. Dáng điệu, cử chỉ như sư tử
  45. Đi đứng như voi chúa
  46. Tướng đi như ngỗng chúa
  47. Đầu như trái Ma đà na
  48. Các thành phần đầy đủ
  49. Răng trắng đẹp
  50. Lưỡi dài có màu đỏ
  51. Lưỡi mỏng mà rộng
  52. Lông nhiều và có màu hồng
  53. Lông mềm mà mướt
  54. Mắt dài và rộng
  55. Tướng tử môn đầy đủ
  56. Tay chân trắng hồng như màu hoa sen
  57. Rốn không lộ
  58. Bụng không lồi
  59. Bụng thon đẹp
  60. Thân khuynh động
  61. Thân trì trọng
  62. Thân lớn dài
  63. Tay chân mềm mại sạch bóng
  64. Bốn phía có hào quang dài một trượng
  65. Khi đi có hào quang chiếu sáng khắp thân
  66. Xem chúng sinh bình đẳng như nhau
  67. Không xem thường chúng sinh
  68. Thân tướng hùng vệ
  69. Âm thanh không tăng giảm
  70. Thuyết pháp không chấp trước
  71. Tuỳ duyên thuyết pháp
  72. Thứ đệ thuyết pháp
  73. Pháp âm ứng với âm thanh của chúng sinh
  74. Chúng sinh ngắm thân Phật ngắm mãi không hết
  75. Ngắm mãi không chán
  76. Tóc dài và đẹp
  77. Tóc dài không rối
  78. Tóc xoắn đẹp
  79. Tóc như màu ngọc xanh
  80. Đầy đủ tướng tốt của bậc phước đức

Thực tế, việc nêu ra các tướng tốt, vẻ đẹp của Đức Phật với con số 32 và 80 chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, ngụ ý tán thán ngài mà thôi, không nên hiểu hoàn toàn theo nghĩa đen.

Vi Huyền

32 Tướng Tốt của Đức Phật

Ba mươi hai tướng tốt (theo từ Hán-Việt là Tam thập nhị hảo tướng, 三十二好相; tiếng Phạn: dvatriṃśadvara-lakṣaṇa) được tin là của một Chuyển luân vương (cakravartī-rāja), của một vị Bồ tát, hay là của một vị Phật.

Tuy nhiên, trong 32 tướng, Chuyển Luân Vương lại không có hai tướng là có chữ Vạn ở trước ngực và tướng người phát ra hào quang như Phật. Theo Luận Trí Độ, thì Bồ Tát thì cũng có 32 tướng tốt nhưng có 7 tướng khác hơn so với Chuyển Luân Vương.

Ngoài ba mươi hai tướng tốt đó, người ta còn nói đến Tám mươi vẻ đẹp khác của Phật.

32 tướng tốt được nhắc tới trong nhiều kinh luận quan trọng bao gồm Kinh Đại Bát Nhã, Trường Bộ kinh, Đại Trí Độ Luận, Niết Bàn Kinh, Trung A Hàm Tam Thập Nhị Tướng kinh.

Các tướng tốt là kết quả của tâm từ bi vô lượng.

Các tên Hán Việt ít dùng khác của 32 tướng tốt là Tam thập nhị đại nhơn tướng, Tam thập nhị đại trượng phu tướng, và Đại nhơn tam thập nhị tướng.

Ba mươi hai tướng tốt Tám mươi vẻ đẹp

Bàn chân Phật có hình bánh xe pháp luân (Dharma wheel), có ngàn cánh (hay căm), ứng với tướng tốt thứ nhì, được khắc bên trong bản diêu khắc “dấu chân Phật” vào thế kỷ thứ 1

  1. Lòng bàn chân bằng phẳng
  2. Bàn chân có bánh xe ngàn cánh
  3. Ngón tay thon dài
  4. Gót chân rộng
  5. Ngón tay ngón chân cong lại
  6. Tay chân mềm mại
  7. Sống chân cong lên
  8. Thân người như con sơn dương
  9. Tay dài quá gối
  10. Nam căn ẩn kín
  11. Thân thể mạnh mẽ
  12. Thân toả màu vàng ròng, lông tóc xanh biếc
  13. Lông tóc hình xoáy
  14. Thân thể vàng rực
  15. Thân phát ánh sáng
  16. Da mềm
  17. Tay vai và đầu tròn
  18. Hai nách đầy đặn
  19. Thân người như sư tử
  20. Thân thẳng
  21. Vai mạnh mẽ
  22. Có bốn mươi răng
  23. Răng đều đặn
  24. Răng trắng
  25. Hàm như sư tử
  26. Nước miếng có chất thơm ngon
  27. Lưỡi rộng
  28. Giọng nói như Phạm thiên
  29. Mắt xanh trong
  30. Lông mi như bị rừng
  31. Lông xoáy giữa hai chân mày (bạch hào)
  32. Chóp nổi cao trên đỉnh đầu

Một số tướng tốt nói trên được đặc biệt chú ý trong tranh tượng – nhất là hào quang, một dấu hiệu rõ rệt của thánh nhân theo quan điểm Ấn Độ, không bao giờ thiếu trong các tượng Phật. Có lúc hào quang được vẽ như vòng lửa xuất phát từ đầu đến vai. Tướng lông xoáy giữa hai chân mày tượng trưng cho Trí huệ có khi được trình bày như một chấm vàng, hay được thay thế bằng ngọc quí. Tướng chóp nổi cao ở đỉnh đầu (肉 髻, uṣṇīṣa) được trình bày mỗi nơi mỗi khác, tại Ấn Độ và Trung Quốc hình bán cầu, tại Cam Bốt hình nón và tại Thái Lan hình nhọn đầu hay có dạng một ngọn lửa.

80 vẻ đẹp của Đức Phật

Đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni thường được ca ngợi là có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, chứ không phải 72 vẻ đẹp. Ba mươi hai tướng tốt (và tám mươi vẻ đẹp) là theo quan niệm thẩm mỹ và khoa nhân tướng học lúc bấy giờ của người Ấn. Trong Kinh điển Nikàya cũng như các kinh điển Đại thừa thường đề cập và ca ngợi đến 32 quý tướng và rất ít trình bày 80 vẻ đẹp này. Chính vì vậy mà Phật tử khó tìm thấy trong các Kinh hoặc các bài viết đã được đăng tải trên các diễn đàn dưới dạng internet.

Trong năm bộ Nikàya, phần lớn giới thiệu đến 32 tướng tốt và chính nhờ 32 tướng tốt này mà nhiều nhà ngoại đạo lúc bấy giờ đã bị chiết phục. Vì họ tin rằng, một bậc Đại Giác (Buddha) và một vị Chuyển Luân Thánh Vương (Pali: Cakkavatti; Sanskrit: Cakravatin) tối thiểu phải hội đủ 32 quý tướng, Kinh Ambattha (số 3) thuộc Trường Bộ có trình bày câu chuyện Bà-la-môn Pokkharasàdi, sau khi đếm đủ 32 tướng tốt của Đức Phật rồi mới thật sự cung kính và lắng nghe lời giảng dạy của Đức Thế Tôn, sau này quy y trở thành vị cư sĩ trong chánh pháp.

Cũng trong Trường Bộ, Kinh Đại Bổn (số 14) còn trình bày xa hơn nữa, tất cả chư Phật trong quá khứ như từ Đức Phật Vipassì (Tỳ-bà-thi) đến Đức Phật Kassapa (Ca-diếp) cho đến Đức Phật Thích-ca cũng có đầy đủ 32 tướng tốt và còn nhấn mạnh: “Ai có đầy đủ 32 tướng tốt này sẽ chọn hai con đường thôi, không có con đường nào khác. Nếu sống tại gia đình, vị ấy sẽ trở thành vua Chuyển luân Thánh vương, dùng chánh pháp trị nước, bình định bốn phương, đem lại an toàn cho quốc độ, đầy đủ bốn món báu. Nếu vị nầy từ bỏ gia đình, xuất gia sống không gia đình, vị nầy sẽ thành bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, vén lui màn vô minh cho đời.”

Còn 80 vẻ đẹp, theo Thầy nghĩ chỉ là nhân rộng dựa trên cơ sở 32 quý tướng và thêm một số tướng quý mà trong 32 tướng không thấy đề cập đến. Dựa theo Tự Điển Phật Học Hán Việt do HT. Kim Cương Tử làm chủ biên (Hà Nội, Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học, 1992), tập I, trang 125         và tập II trang 1332 cung cấp thông tin cho ta thấy 80 vẻ đẹp được trình bày trong Pháp Giới Thứ Đệ quyển hạ, Pháp Giới Thứ Đệ lại dựa vào Luận Đại Trí Độ quyển 88         và Đại Thừa Nghĩa Chương, quyển 20, mà các Luận này đều xuất hiện khá muộn, do đó chúng ta có thể suy luận rằng 80 vẻ đẹp có thể được đưa vào văn hệ Sanskrit sau này.         Tám mươi vẻ đẹp trong Hán ngữ được gọi là “Bát thập chủng hảo” hay “Bát thập tuỳ hình hảo” nghĩa là vẻ đẹp kèm theo 32 tướng chính. Tám mươi vẻ đẹp đó nguyên văn như sau:

  1. Không thấy đỉnh tướng: chòm đỉnh đầu của Đức Phật càng nhìn càng cao, nên chẳng thấy đỉnh. 2. Mũi cao, lỗ mũi không lộ 3. Lông mày như trăng non 4. Dái tai rủ xuống 5. Thân rắn chắc như na-la-diên 6. Khớp xương chắc như móc khoá 7. Một khi dở mình, xoay người thì như voi chúa 8. Lúc đi chân cách mặt đất bốn tấc và hiện ấn văn 9. Móng như màu đồng đỏ, mỏng và láng bóng 10. Xương đầu gối rắn chắc tròn và đẹp 11. Thân trong sạch 12. Thân mềm mại 13. Thân chẳng cong vẹo 14. Ngón tay tròn mà thon nhỏ 15. Vân ngón tay ẩn kín 16. Mạch sâu chẳng hiện 17. Mắt cá ẩn 18. Thân bóng bẩy mượt mà 19. Thân chẳng uốn éo 20. Thân đầy đủ 21. Dung nghi đầy đủ 22. Dung nghi hoàn toàn 23. Trụ xứ yên không động 24. Oai chấn hết thảy 25. Mọi chúng sanh thấy đều vui mừng 26. Mặt chẳn dài to 27. Dung mạo ngay chính không lệch lạc 28. Mặt mũi đầy đặn 29. Môi đỏ như quả Tần-bà 30. Tiếng nói vang trầm 31. Rốn sâu tròn đẹp 32. Lông xoăn theo chiều bên phải 33. Tay chân tròn trặn 34. Tay chân như ý 35. Vân tay sáng thẳng 36. Vân tay dài 37. Vân tay chẳng đứt 38. Chúng sanh có ác tâm thấy Người thì đều hoà nhã vui vẻ 39. Mặt rộng và rất đẹp 40. Mặt mũi thanh tịnh và đầy đặn như vầng trăng tròn 41. Nói năng hoà nhã với chúng sanh đúng theo ý thích của họ 42. Lỗ chân lông toả ra mùi thơm 43. Miệng toả mùi thơm tuyệt vời 44. Dáng điệu, cử chỉ, dung mạo như sư tử 45. Đi đứng oai vệ như voi chúa 46. Tướng đi như ngỗng chúa 47. Đầu như quả ma-đà-na 48. Mọi thành phần đều đầy đủ 49. Bốn răng cửa trắng và sắc 50. Lưỡi màu đỏ 51. Lưỡi mỏng 52. Lông màu hồng 53. Lông mềm mại sạch sẽ 54. Mắt rộng dài 55. Tướng tử môn đầy đủ 56. Tay chân trắng đỏ như màu hoa sen 57. Rốn chẳng lồi 58. Bụng chẳng lộ 59. Bụng thon 60. Thân chẳng khuynh động 61. Thân trì trọng 62. Thân lớn 63. Thân dài 64. Tay chân mềm mại, sạch sẽ bóng bẩy 65. Xung quanh có hào quang dài một trượng 66. Khi đi có hào quang chiếu trên thân 67. Coi chúng sanh bình đẳng như nhau 68. Chẳng khinh chúng sanh 69. Âm thanh tuỳ theo chúng sanh, chẳng tăng chẳng giảm 70. Thuyết pháp chẳng chấp trước 71. Tuỳ theo ngôn ngữ của chúng sanh mà thuyết giảng 72. Pháp âm ứng với thanh của chúng sanh 73. Tuần tự ứng với nhân duyên mà thuyết pháp 74. Hết thảy chúng sanh ngắm thân tướng Phật mà chẳng ngắm hết 75. Ngắm mãi không chán 76. Tóc dài và đẹp 77. Tóc chẳng rối 78. Tóc xoăn đẹp 79. Màu tóc như ngọc xanh 80. Tay chân là tướng bậc có đức.

Qua trật tự sắp xếp và các vẻ đẹp như trên đã trình bày, chúng ta thấy các vẻ đẹp phần lớn không ngoài 32 tướng tốt của Đức Phật và có một số vẻ đẹp không hợp lý khi gán vào, ví dụ các vẻ đẹp như 23, 24 hoặc từ 67 đến 75 thuộc oai thần hoặc tính cách của Đức Phật chứ không thuộc vẻ đẹp trên thân tướng.

Do đó, 32 tướng tốt của Đức Phật được xem là tiêu chuẩn cho cả hai truyền thống Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền, còn 80 vẻ đẹp chỉ là cách nhân rộng để tán thán Đức Phật mà thôi.

Cũng nên đề cập ở đây, 32 tướng tốt của Đức Phật là kết quả tu hành vô lượng kiếp vì chúng sanh mà xả bỏ thân mạng, làm lợi ích lớn lao, nên được 32 tướng trang nghiêm này. Do đó, rất nhiều chúng sanh khi chiêm ngưỡng được thân tướng trang nghiêm của Đức Phật liền phát tâm Bồ-đề, dõng mãnh vượt thoát mọi dòng thác lũ của cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc mà chứng được quả vị tối hậu, Niết-bàn ngay trong tại cõi đời này.

8 Tướng Thành Đạo của Đức Phật

Kim dung của Phật tuy là tướng tốt vô luợng nhưng Ngài đản sanh trong nhân gian thì ngài vẫn là con người. Liên quan đến kim dung ứng hoá thân của Phật, giáo hoá ở nhân gian 80 năm, nói rõ trãi qua một đời của Đức Phật, đó là 8 tướng thành đạo, sau đây là lược thuyết 8 tướng.

  1. Từ cõi Đâu Suất mà giáng sanh: Đức Phật được phật Nhiên Đăng thọ ký là bổ sanh bồ tát của thế giới Ta bà, trước phải ở nội viện của cõi Đâu suất trãi qua 4000 năm, để quán sát cơ duyên gíao hoá ở cõi Ta bà.
  2. Nhập thai: Sau khi ở nội viện của cõi Đâu Suất tròn 4000 năm, cởi voi trắng sáu ngà từ cõi trời mà giáng thế, nhập thai vào nách phải của thánh mẫu Ma Gia.
  3. Đản sanh:Vào ngày 8 tháng, đản sanh tại vườn Lâm tỳ ni, vừa đản sanh đã có thể đi bảy bước và nói rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.
  4. Xuất gia: Lúc 19 tuổi, nhân vì cảm nhận được cuộc đời vô thường, kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu, cuộc đời nhiều bất công, liền quyết chí vượt thành xuất gia học đạo.
  5. Hàng phục ma quân: Lúc tu đạo, nội tâm có ma phiền não tham sân si, ngoại cảnh có ma thanh sắc danh lợi, chinh phục các tà ác của ma quân và không bị nữ sắc mê hoặc. Đó là tinh thần hàng phục ma tất yếu của bậc vô uý đại hùng đại bi đại trí.
  6. Thành đạo: Sau khi hàng phục ma ,vào ngày 8 tháng 12, trên toà kim cang dưới cội Bồ đề, lúc sao kim mọc chứng thành chánh giác.
  7. Chuyển pháp luân: Sau khi thành đạo suốt 50 năm giảng kinh thuyết pháp, đem chân lý truyền khắp nhân gian, làm cho bánh xe pháp thường chuyển ở đời.
  8. Niết bàn: Ngày 15 tháng 2 năm Ngài đúng 80 tuổi, nhân duyên giáo hoá đã viên mãn, vì động quy tịnh, đem sanh mệnh hoà nhập vào vũ trụ tạo hoá, dưới cội Sala thị hiện niết bàn.

Đức Phật là bậc đại thánh ở thế gian và đã sanh ra ở thế gian này, tướng hảo kim dung của Ngài tuỳ theo mỗi thời như trẻ thơ, nhi đồng, thanh niên, tráng niên, lão niên mà không giống nhau, tôn giả Đại Ca Diếp bảo đại thần Vũ Xá hoạ vẽ 8 tướng thành đạo, thông qua đó nói rõ di tích một đời hoằng hoá của Phật.

Kim Thân bị nạn:Thánh thân kim dung của Đức Phật sao mà trang nghiêm tốt đẹp, chúng ta cứ nghĩ rằng ứng thân của phật sinh hoạt tại thế gian, tuỳ tâm như ý không có gì là trở ngại, đó là cách nghỉ sai lầm.

Giáo Pháp của Phật nói rõ sự vô thường khổ của thế gian, những người đã thành phật rồi, có xa lìa vĩnh viễn và nằm ngoài định luật này không? Tuyệt đối không có đạo lý như vậy.Từ biến hoá thánh thân kim dung một đời của Phật, nói rõ chân lý chư hành vô thường của thế gian. “ Thân giáo phải khớp với ngôn giáo”, Đức Phật giảng về đạo lý khổ- vô thường- vô ngã ở thế gian mà ngược lại thân Ngài thì ngàn năm trẻ mãi, không bệnh, không già như vậy chẳng phải mâu thuẩn đó sao? Đức Phật thị hiện ở thế gian ngài có sắc thân nên kim dung tướng hảo cũng phát sanh không ít những tai nạn.

Bất luận nói thế nào, những công đức tu tập tích tụ nên 32 tướng tốt,80 vẽ đẹp luôn vì có thân tướng hữu vi, không phải là pháp thân vô vi, thánh thân kim dung hữu vi biến hoá của Phật bị các tai nạn cũng là việc bình thường thôi.

Lúc Phật đi đường gặp hai tai nạn, một lần là Ngài đi qua núi Kha địa la bị một cây độc có tên là Khiếp đà la gỗ rớt xuống tua tủa làm mắt cá bị thương; lần thứ hai là lúc Ngài đi ngang dưới chân núi Kỳ xà quật bị Đề Bà Đạt Đa lăn đá xuống làm cho chân phải rướm máu. Đức Phật cũng tuyên bố trong đại chúng hai lần Ngài bị bệnh. Một là lúc danh y Xà Bà điều trị bệnh kiết cho Ngài; lần khác là lưng ngài đau sai tôn giả Anan vào thành xin sữa và bảo tôn giả Đại Ca Diếp trì niệm Thất bồ đề phần thì Ngài mới hết đau. Đức Phật cũng có hai lấn gặp nạn đói, là lúc an cư ở thôn Bà La gặp năm mất mủa đói khát, trong 3 tháng an cư chỉ ăn lúa ngựa, lần khác thì đi khất thực nhưng không có thức ăn mang bình bát không về nhịn đói chờ đến ngày mai.

Đức Phật cũng bị một phụ nữ ngoại đạo vu oan, bị vua Thiện Gíac của thành Câu Lợi phê phán và những người này đều nhận lấy kết quả bất hạnh. Một nhà tôn giáo vĩ đại luôn có tai nạn bức hại thử thách tinh thần.

Kim dung thánh thân của Phật gặp rất nhiều tai nạn như vậy, chúng sanh nếu không hiểu được ý nghĩa sâu xa của lý nay dể sanh tâm nghi ngờ. Vì thế vua Ba Tư Nặc nước Kiều Tát La đã từng đưa ra vấn đề này thỉnh vấn Đức Phật như sau: “Bạch Thế Tôn! Kim dung tướng hảo của Ngài, phẩm đức oai nghiêm, trên trời và nhân gian không ai có được, nhưng trong sự nghiêp truyền bá chân lý của Ngài, vì sao phải gặp một số tai nạn” ?

Phật dạy: “Đại vương! pháp thân của chư Phật Như Lai là thân vĩnh hằng, nhưng vì độ chúng sanh mới có ứng hiện những tai nạn, những việc như: mắt cá chân bị thương, đau lưng, xin sữa, uống thuốc cho đến niết bàn, phân chia xá lợi xây tháp cúng dường tất cả đều là những phương tiện thiện xảo là vì muốn cho chúng sanh biết được nghiệp báo không mất, làm cho chúng sanh có tâm sợ sệt mà đoạn trừ tội lỗi, tu các hạnh lành mới chứng đắc pháp thân vĩnh hằng, tuổi thọ vô cùng, quốc độ thanh tịnh, không có sắc thân hữu vi lưu luyến thế giới Ta bà.

Vua Ba Tư Nặc nghe xong dứt hết nghi ngờ, vui vẽ reo mừng, Vua không chỉ hiểu thấu đáo được kim dung của Phật mà còn thể hội được tâm từ bi sâu xa của Phật!

Đức Phật bậc thầy vĩ đại, kim dung thánh thân của Ngài tuy chúng ta không thấy nhưng Ngài vẫn sống mãi trong tâm chúng ta. Hình ảnh trăm vạn nhân thiên của Linh sơn hội thượng và Phật trang nghiêm tướng hảo ngồi chính giữa vẫn còn lởn vởn trong đầu chúng ta: “Trên trời dưới đất không ai bằng Phật, mười phương ba đời cũng không ai sánh kịp; Tất cả những người ở thế gian con nhìn thấy, hết thảy không ai như Phật vậy”.

Chân Thân của Đức Phật

Chân thân vô tướng: Thánh tượng của Đức Phật, chúng ta đi đến đâu cũng có thể chiêm ngưỡng; Kim dung của Phật, hơn 2500 năm trước quả là đã xuất hiện ở thế gian, nhưng chân thân của Phật có hình tướng như thế nào?

Chân thân của Phật là pháp thân, pháp thân mới là hình tướng chân chánh của phật, nhưng pháp thân vô tướng hàng Bồ tát củu trụ còn không thể thấy, huống gì chúng ta là những chúng sanh bị vô minh phiền não che mờ? Pháp thân, vô vi vô tác, không hình không tướng, không đến không đi, không đầu không cuối, chúng ta làm sao mới có thể nhìn được Pháp thân của Phật chứ?

Trong kinh có chép: “đoạn một phần vô minh, chứng một phần pháp thân” cho nên có thể thấy Pháp thân không phải ở trên hình tướng mà thấy, mà hình tướng của Pháp thân hoàn toàn là do tu tập.

Trong kinh Hoa Nghiêm có ghi: “Pháp tánh vốn vắng lặng, không thể chấp thủ cũng không thể thấy, tánh không tức là cảnh Phật, không thể suy lường được”. Pháp thân xa lìa cảnh giới ngôn ngữ, văn tự và suy luờng, “nếu có người muốn biết cảnh giới Phật, tâm ý nên thanh tịnh như hư không”. Pháp thân là hư không thân, tuy không hình không tướng, không nói không thấy, nhưng vô hình mà không phải vô hình, vô tướng mà không phải vô tướng. Pháp thân biến khắp mười phương, bao trùm pháp giới.

Có một lần Thượng toạ Thái Nguyên Phù giảng kinh Niết Bàn tại Dương Châu, giảng đến đoạn tam đức của Pháp thân, giảng rộng về đạo lý pháp thân. Lúc đó có vị thiền sư đang ngồi trong hội chúng nghe được liền cười. Thượng toạ Thái Nguyên Phù giảng kinh xong thì y áo chỉnh tề đãnh lễ vị thiền sư đó thưa: “đệ tử vừa giảng về Pháp thân, có chổ nào không đúng”? Thiền sư nói: “nếu ngài muốn giảng Pháp thân, xin ngài ngưng nói ba ngày, nhắm mắt suy nghĩ, pháp thân cuối cùng có hình tứơng như thế nào”?Thượng toạ nghe xong thì tuyên bố trong chúng hội ngưng giảng kinh Niết Bàn ba ngày,tự mình nhắm mắt tham cứu, ba ngày sau hình như đã có sở ngộ về Pháp thân, vui vẻ nói:

Lý của pháp thân giống như hư không,

Bao hết ba đời biến khắp muời phương

Bao trùm bát cực bao quát lưỡng nghi

Tuỳ duyên phú cảm không đâu mà không biến.

Từ công án này chúng ta có thể thấy Pháp thân không thể từ trên hình tướng mà hiểu cũng không thể dùng ngôn ngữ mà nói rõ được. Kim dung thánh tượng, hoặc nói hoặc nhìn thì có thể biết nhưng chỉ có pháp thân không thể lấy mắt tai để biết, chân thân vô tướng của Phật nên dùng tâm mà hiểu.

Tác dụng của Pháp thân:Thể của pháp thân tuy không có hình để thấy có tướng để xem nhưng Dụng vi diệu đức tướng trang nghiêm của Pháp thân không phải hoàn toàn không thấy được. Đại luận nói: “Thể pháp thân xét tận cùng không ngoài thân tướng hảo này; không lìa khỏi pháp thân tuy hai mà không khác”. Kim dung thánh thân của Phật không phải là pháp thân, nhưng kim dung thánh thân lại từ pháp thân mà hiện các tướng dụng

Mật tích kinh nói: “Thánh thân Phật tuy có phân thành pháp thân, báo thân, ưng thân tuy có ba nhưng cũng không khác bởi vì ứng thân báo thân là từ pháp thân lý thể mà hiển hiện, lìa pháp thân sẽ không có báo thân và ứng thân. Cho nên từ kim dung của ứng thân cũng có thể biết được Pháp thân của Phật. Khi Phật ứng hoá ở thế gian đến khắp nơi thuyết pháp, trong mỗi pháp hội giảng kinh, có khi thấy thân Phật là sắc vàng, có thấy thân Phật sắc bạc thậm chí thấy thân Phật là màu sắc lưu ly sa cừ mã não, có lúc thấy Phật và người khác nhau, có lúc thấy Phật cao 6 thước cùng với chuyển luân vương không đồng, hoặc là ba thước trăm ngàn thước các loại thân không giống. Thậm chí âm thanh thuyết pháp của Phật cũng có các loại không đồng, có lúc âm thanh mềm mại vi diệu, có khi âm thanh vang dội như sư tử hống. Các thời pháp cũng tuỳ theo căn cơ của thính chúng mà nghe có khác có khi nghe bố thí trì giới,có khi nghe thiền định trí tuệ, giải thoát, đại thừa,…như thế sao có thể nói là kim dung hảo tướng bình thường được? Đó không phải là từ bản thể chân thân mà hiển hiện ra thần lực pháp thân bất khả tư nghì đó sao?

Từ trong các kinh điển chúng ta có thể thấy Gíao chủ Thích Ca, thường thường cùng trong một thời gian nhưng ở trong ngàn vạn quốc độ làm Phật sự có các danh hiệu các hình tướng và các cách giáo hoá khác nhau, đó không phải là tướng dụng của tất cả hiển hiện từ pháp thân đó sao? Nếu không có Pháp thân làm sao hiện các tướng dụng mà đến nơi này? Quốc độ của một Phật là tam thiên đại thiên thế giới, thế giới Ta bà chỉ là một thế giới nhỏ trong tam thiên đại thiên đó, Đức Phật ứng hiện ở thế gian, nếu không có pháp thân làm sao hiện tướng dụng đến khắp nơi và thế nào có thể giáo hoá được tam thiên quốc độ?

Khởi Tín luận nói: “Pháp thân tự thể đã có ánh sáng trí huệ rộng lớn, chiếu khắp pháp giới. Do vậy có thể biết, tất cả thế giới Ta bà không có cái gì là không phải tướng dụng của Pháp thân, nên nói “tiếng suối chảy là tướng lưỡi rộngdài, núi xanh biếc cũng là pháp thân thanh tịnh” “hoa vàng rực rỡ là Bát nhã, trúc xanh mơm mởn cũng luôn là pháp thân”. Trong con mắt của bậc thánh giác ngộ không có một cái gì không phải là chân thân của Phật, khắp cả vũ trụ kông nơi nào mà không có chân thân của Phật. Phật Đà vì có thân hữu vi mà có nhập niết bàn, đó là khế hợp pháp tánh của Phật,chân thân của Phật biến vào trong tất cả pháp, không có một pháp nào mà không có chân thân Phật. Đức Phật cho đến ngày nay vẫn còn sống cùng chúng ta,chúng ta sống trong Pháp thân của Phật.Kinh Lăng Nghiêm nói: “mười phương hư không thế giới đều là trong tâm của Như Lai, như mặt trời giữa hư không, đều là chân thân của Phật, vũ trụ vạn tượng đều là tướng dụng của chân thân Phật.

Nơi nơi đều có Pháp thân: Pháp thân là chân thân của Phật, chân than này biến khắp muời phương hư không pháp giới, hào quang chiếu vô lượng quốc độ, chỉ có Bồ tát đầy đủ Thập trụ Mới có thể thường nghe được diễn thuyết diệu pháp của Pháp thân. Pháp thân lá cảnh giới của Phật, Kinh Lăng Nghiêm chép: “Nước trong đại dương co thể uống hết, bụi trong vũ trụ có thể đếm được,gió trong hư không có thể cột lại nhưng cảnh giới của Phật thì không thể nói được”.

Đức Phật trong các kinh điển luôn luôn chỉ đạo các đệ tử tu tập nên nhận thức về chân thân của Phật rất thân thiết. Đức Phật cũng dạy: “Thấy duyên khởi tức thấy pháp, thấy pháp tức thấy Phật”, pháp thân của Phật tức tự tánh của các pháp, nếu có khả năng từ pháp duyên khởi, hiểu thông tánh không của các pháp và như thế là có thể thấy đựơc chân thân của Phật. Kinh Kim Cang cũng viết: “Chổ nào có kinh điển thì chổ đó có Phật”. Trong pháp có phật, tin pháp là tin Phật, gọi là phật bởi vì Ngài có thể khế hợp pháp tánh, chứng ngộ pháp tánh và cùng pháp tánh hoà thành một thể; không tin pháp, không kính pháp,không hiểu pháp thì không thể nhận thức được chân than của Phật.

Đức Phật ứng hoá thân vì nhân duyên, nhân duyên hết rồi thì nhập niết bàn, hàng đệ tử nhìn cảnh Phật niết bàn rất đổi bi thương, Phật liền dạy: “Các ngươi chớ có bi thương, ứng thân hữu vi tuổi già này cũng như chiếc xe cũ mục, chiếc xe cũ mục lúc hư, nếu đem sữa lại sử dụng đó không là phương pháp tốt nhất, nếu cái sanh mệnh nhục thể hữu vi của ta sống ngàn vạn năm cùng các ngươi nhưng có hợp tất có biệt ly, đó là đạo lý không thay đổi được! Đức phật vào niết bàn ở trong pháp tánh chiếu cố đến các ngươi làm cho sanh mệnh của Phật tương ưng với pháp thân vô vi, sanh mệnh này song hành cùng trời đất, chiếu sáng như mặt trời mặt trăng, các ngươi sau này nên y theo giáo pháp của Ta mà hành, màu lục của dương liễu đó ,màu xanh của tùng bách đó đều là pháp thân của Phật”nếu có thể y theo giáo pháp của Phật mà hành thì thấy được chân thân của Phật.

Do đó, các pháp tam vô lậu học giới định huệ là chân thân của Phật, 37 phẩm trợ đạo, thập lực, tứ vô uý,…là chân thân của Phật. Thậm chí hành một số pháp vì tăng đoàn đều là chân thân của Phật.

Chân thân thường trụ:Chân thân của Phật, pháp thân hụê mệnh của Phật là sáu pháp lục hoà của Tăng đoàn. Đức Phật thường nói: “ nếu cúng dường tăng tức là cúng dường Ta rồi” Phật sao mà xem trọng chúng tăng đến thế, cho nên “tiếp nối long mạch Phật pháp”, “kế tục hụê mệnh của Phật”, đều nương vào tăng đoàn, hy vọng tăng đoàn sau này không nên nghĩ rằng Phật đã vào niết bàn rồi, nên biết sức từ bi của Phật luôn gia trì chúng ta, chúng ta nên đi về mọi nơi để hoằng Pháp lợi sanh, làm cho chân thân Phật biến khắp nơi trên thế giới.

Hoàng đế Thuận Tông đời Đường không biết chân thân Phật cuối cùng sẽ ở đâu, nên đến Phật Quang Như Mãn thiền sư thỉnh vấn như sau:

“Phật từ xứ nào đến

Diệt rồi đi về đâu

Đã nói thường trụ thế

Hiện tại Phật ở đâu”?

Thiền sư đáp:

“Phật từ vô vi đến

Diệt trở về vô vi

Pháp thân đầy hư không

Thường trụ vô tâm xứ

hữu niệm quy vô niệm

Hữu trụ quy vô trụ

Đến vì chúng sanh đến

Đi vì chúng sanh đi

Biển thanh tịnh chân như

Thể thường trụ sâu xa

Trí giả khéo suy nghĩ

Chớ có nên hoài nghi”.

Hoàng đế trả lời thiền sư và vẫn còn hoài nghi

“Phật tại hoàng cung sanh

Diệt tại rừng song thọ

Trụ thế bốn chín năm

Lại nói không thuyết pháp

Sơn hà và đại hải

Trời đất và nhật nguyệt

Đến thời quy về hết

Ai nói không sanh diệt

Nghi tình như ở đây

Trí giả khéo phân biệt”.

Thiền sư lại trả lời:

“Phật thể vốn vô vi

Mê tình vọng phân biệt

Pháp thân khắp hư không

Chưa từng có sanh diệt

Hữu duyên Phật ra đời

Hết duyên Phật nhập diệt

Xứ xứ hoá chúng sanh

Giống như trăng dưới nuớc

Không thường cũng không đoạn

Không sanh cũng không diệt

Sanh cũng chưa từng sanh

Diệt cũng chưa từng diệt

Thấy rõ vô tâm xứ

Tự nhiên không pháp thuyết”.

Tinh Vân đại sư tác, Như Nguyện dịch

Xin chiêm bái Tôn tượng Đức Phật do Cơ sở Phúc Minh tạc:

Ba mươi hai tướng tốt Tám mươi vẻ đẹp

Ba mươi hai tướng tốt Tám mươi vẻ đẹp

Đầu tượng Phật Thích ca và Đầu tượng Phật A di đà cao 21cm

Ba mươi hai tướng tốt Tám mươi vẻ đẹp