Đánh giá mô hình trương lớp

Ngân hàng thế giới đã giới thiệu và hỗ trợ Việt Nam tham quan mô hình tại Colombia và đề xuất Tổ chức Quỹ Hỗ trợ giáo dục toàn cầu (quỹ huy động từ nhiều nước phát triển khác nhau) tài trợ cho Việt Nam nghiên cứu, vận dụng.

Khi nghiên cứu, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nước ta thấy điều kiện làm giáo dục của Colombia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, nhất là những khó khăn về chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất nhà trường. Đồng thời, Colombia đã khắc phục những khó khăn đó một cách thành công thông qua mô hình trường học mới. Mô hình được triển khai bắt đầu từ những vùng khó khăn, miền núi thành công rồi mới mở rộng ra vùng thuận lợi trên tinh thần tự nguyện. Mô hình giáo dục này gắn liền với đời sống, làm cho học sinh hiểu biết và yêu mến, muốn đóng góp xây dựng quê hương của chính các em. Ở các địa phương Colombia nhờ áp dụng mô hình này mà họ đã ngăn chặn được làn sóng ai cũng muốn về thành phố rồi không có việc làm. Đặc biệt, mô hình của họ luôn hướng vào hình thành các năng lực và phẩm chất của người công dân đất nước họ và năng lực công dân toàn cầu. Tìm hiểu sâu về mô hình, thấy rằng họ cũng vận dụng các thành tựu chung về giáo dục của nhân loại vào mô hình và đưa ra cách làm thực tiễn hiệu quả, phù hợp với đất nước họ.

Quá trình triển khai VNEN, quan điểm của Bộ GD&ĐT là nghiên cứu lựa chọn cách làm hay để vận dụng vào hoàn cảnh của nước ta, đồng thời kế thừa những gì đã có để xây dựng Mô hình phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Ngoài nghiên cứu mô hình của Colombia, mô hình trường học mới tại Việt Nam cũng dựa vào những thành tựu khoa học giáo dục tiên tiến của thế giới, dựa trên quy luật nhận thức và những thành tựu tiên tiến của khoa học giáo dục, được thiết kế thành các bước chung cho các nội dung học tập và hoạt động giáo dục. Từ năm học 2011-2012, Bộ GD&ĐT đã triển khai mô hình trường học mới (THM) đối với cấp tiểu học. Qua 3 năm triển khai ở cấp này đã khẳng định THM là một kiểu mô hình nhà trường hiện đại, tiên tiến, phù hợp với mục tiêu đổi mới và đặc điểm của giáo dục Việt Nam. Năm học 2014-2015 đã có 1.447 trường tiểu học trên phạm vi toàn quốc có HS học hết lớp 5 theo mô hình này. Đồng thời Bộ GD&ĐT chỉ đạo 6 tỉnh triển khai thực nghiệm thành công mô hình ở 48 lớp 6 của 24 trường THCS. Năm học 2015-2016, có trên 3.700 trường tiểu học triển khai áp dụng mô hình; hơn 1.600 trường THCS đăng ký tham gia triển khai mô hình trường học mới đối với lớp 6.

Trên cơ sở những đặc trưng của mô hình VNEN, hoạt động dạy và học của nhà trường có những thay đổi đáng kể. Theo đó, hoạt động học của học sinh được coi là trung tâm của quá trình dạy học. Tài liệu được thiết kế cho học sinh hoạt động, học nhóm, tự học; dùng chung cho học sinh, giáo viên, và cha mẹ học sinh(CMHS). Môi trường học tập cởi mở, thân thiện, hiệu quả. giáo viên với vai trò là người hướng dẫn học, quan tâm đến sự khác biệt trong việc tiếp thu kiến thức của HS. Nhà trường thiết lập mối liên hệ chặt chẽ với CMHS, cộng đồng. Đánh giá học sinh thường xuyên theo quá trình học tập nhằm kiểm tra và hướng dẫn phương pháp học tập có hiệu quả cho học sinh. giáo viên có vị trí mới, được bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ tác nghiệp, đáp ứng vai trò là người hướng dẫn, tổ chức hoạt động học tập, giáo dục, đánh giá học sinh và phối hợp với cha mẹ học sinh và cộng đồng.

2. Dưới góc nhìn xã hội, mô hình trường học mới được đánh giá ở hai hướng khác nhau: tích cực và hạn chế. Theo xu hướng đánh giá tích cực, VNEN được coi là mô hình trường học có những điểm ưu việt nhất định. Mô hình trường học mới VNEN ở tiểu học đã tiếp cận khá tốt các yêu cầu đổi mới giáo dục và bước đầu khắc phục được những hạn chế của mô hình giáo dục truyền thống. Đó là, không dạy học đồng loạt mà dạy học hướng đến sự phù hợp và phát triển năng lực của từng học sinh; có giải pháp kỹ thuật và vật chất để đổi mới phương pháp dạy, phương pháp học. Đặc biệt, mô hình trường học mới đã tiếp cận cách đánh giá học sinh, coi trọng đánh giá thường xuyên, đánh giá quá trình, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giáo dục ở nước ta hiện nay, mô hình VNEN còn tồn tại không ít bất cập, hạn chế khi triển khai. Trước hết, là do những yếu tố cơ bản phục vụ cho việc triển khai mô hình VNEN rộng rãi như cơ sở hạ tầng(trường, lớp, sân chơi, bãi tập…), đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, chương trình và sách giáo khoa, cơ chế chính sách phù hợp cho người dạy - người học… chưa đảm bảo đồng bộ về chất lượng và số lượng. Việc đổi mới chưa đi theo một lộ trình phù hợp, các yếu tố cơ bản đảm bảo cho việc áp dụng mô hình này còn nhiều bất cập, đội ngũ nhà giáo tham gia vào mô hình 100% là những người quen với nếp dạy truyền thống nên dù có được tập huấn phương pháp dạy học của VNEN cũng còn nhiều bỡ ngỡ trong việc bắt nhịp với mô hình mới; trường lớp, bàn ghế, sĩ số... vốn được thiết kế cho mô hình dạy học truyền thống nên khi đưa vào sử dụng để dạy học theo mô hình VNEN sẽ không thể đáp ứng tốt được.

Phân tích dưới góc độ chuyên môn giáo dục học tiểu học sẽ thấy nảy sinh một số vấn đề. Trước hết, trẻ em ở lứa tuổi 7-11 tuổi mới bắt đầu hình thành và hoàn thiện dần dần khả năng tư duy logic. Trường học VNEN đòi hỏi học sinh phải thảo luận nhóm từ lớp 2, nghĩa là khi các em mới 7 tuổi, là độ tuổi bắt đầu phát triển tư duy. Với khả năng còn nhiều hạn chế, câu hỏi đặt ra là liệu có bao nhiêu em đáp ứng được nhu cầu đặt ra và trả lời câu hỏi theo chủ đề của sách? Liệu có nảy sinh tình trạng cô giáo đặt câu hỏi và trả lời hộ các em và yêu cầu học sinh nhắc lại? Thứ hai, trong khoa học giáo dục, có 3 hình thức tổ chức dạy chủ yếu bên trong lớp học gồm: học cả lớp, học theo nhóm và học cá nhân. Với mô hình truyền thống, các giáo viên đã lạm dụng quá nhiều hình thức dạy học cả lớp. Vì thế, trẻ thiếu tự tin, không chủ động trong cuộc sống. Tuy nhiên, theo mô hình VNEN, giáo viên lại hoạt động 100% theo hình thức dạy học theo nhóm và dạy học cá nhân. Như vậy, những lợi ích của dạy học cả lớp sẽ không có trong mô hình này.

Bên cạnh đó, trong các tiết học, một hoạt động luôn có là học sinh đọc kỹ về mục tiêu bài học. Với trình độ tư duy còn hạn chế do độ tuổi, liệu học sinh có đủ sức hiểu rõ ý nghĩa của phần công việc này? Câu hỏi đặt ra là lý do gì mà những đứa trẻ lại phải đọc kỹ mục tiêu bài học? Khả năng đánh giá sự vật hiện tượng của trẻ còn rất kém, liệu đứa trẻ có thể đánh giá được là tiết học đó mình đã đạt mục tiêu hay chưa? Mô hình VNEN có nguồn gốc từ các lớp học ghép của vùng xa Colombia. Vì thế, nó tỏ ra tương thích với điều kiện của một số vùng núi như tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, liệu mô hình này có thực sự phù hợp với các nơi khác khi mà điều kiện sống, nhu cầu học tập cũng như các đặc điểm khác không phù hợp? Lớp học tổ chức theo mô hình này có quá nhiều chức vụ, liệu mục tiêu giảm bệnh thành tích trong giáo dục có thực hiện được. Lớp học trang trí rất nhiều nhưng do cha mẹ học sinh và giáo viênthực hiện, như vậy tính chủ động của học sinh khó được phát huy triệt để.

3. Việc triển khai mô hình trường học mới VNEN cần có một lộ trình phù hợp. Giáo viên phải được đào tạo theo liên môn mới có đủ năng lực và kiến thức để giảng dạy. Học sinh cũng phải được học theo mô hình này từ lớp 1, như vậy mới tránh được sự bỡ ngỡ. Các yếu tố cơ bản phục vụ cho việc áp dụng mô hình này cần được cơ bản đáp ứng. Bên cạnh công tác chuyên môn, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cần được chú trọng để ngành giáo dục và xã hội hiểu rõ về việc áp dụng mô hình trường học mới.

Việc tổng kết cần làm rõ và đầy đủ, chính xác những mặt ưu điểm và hạn chế của mô hình này khi triển khai áp dụng tại Việt Nam để rút ra bài học cần thiết. Việc lắng nghe ý kiến phản hồi của chuyên gia, nhà giáo và toàn xã hội là vô cùng cần thiết để kịp thời chỉnh sửa phương pháp, kế hoạch áp dụng mô hình.