Đánh giá tác động cho khu vực chợ năm 2024

Mô hình Nhà nước quản lý chợ gồm có: Tổ quản lý hoặc Ban quản lý. Mô hình này là mô hình mà người đại diện của nhà nước (thường là ủy ban nhân dân (UBND) các cấp) là người sở hữu chợ, có thể trực tiếp điều hành hoặc tổ chức cho đấu thầu kinh doanh chợ. Hoạt động quản lý môi trường theo mô hình BQL thực hiện theo phương thức: Nhà nước quản lý – Nhà nước thực hiện

Đây là mô hình truyền thống và mang tính đặc thù của Việt nam hiện nay, trong đó các tổ chức Nhà nước đóng vai trò là người điều hành và thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) chợ theo các quy định của Nhà nước thông qua BQL, TQL . Mô hình này có hạn chế đó là sức ỳ và khả năng thực thi các hoạt động BVMT, phần nhiều thiên về mang tính chất đối phó, thực thi. Hiện nay, mô hình này được tổ chức dưới dạng BQL Chợ trực thuộc UBND Phường; Quận/huyện; Thành phố/thị xã).

- Mô hình HTX quản lý môi trường chợ

Quản lý nhà nước theo mô hình HTX, hiện nay được thực hiện thông qua phòng kinh tế của quận/huyện, thành phố hay UBND xã/phường. Trong đó, quản lý môi trường được thực hiện thông qua Phòng Tài nguyên và môi trường

Mô hình này hoạt động theo hình thức: Nhà nước quản lý - Nhà nước chỉ đạo thực hiện.UBND sẽ là người chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý môi trường tại địa phương và HTX chịu trách nhiệm quản lý môi trường trước pháp luật theo các điều khoản ký với chính quyền. Mô hình quản lý môi trường ở đây được thực hiện theo hình thức hợp đồng giữa Chính quyền với HTX thông qua hình thức đấu thầu.

- Mô hình doanh nghiệp tổ chức quản lý môi trường chợ

Hoạt động quản lý môi trường theo mô hình doanh nghiệp được thực hiện theo phương thức: Nhà nước quản lý – Doanh nghiệp thực hiện.Điểm mạnh của mô hình đó là khả năng hạch toán độc lập và khả năng chủ động trong các khoản thu – chi cho công tác BVMT của Chợ. Doanh nghiệp tự hạch toán các hoạt động BVMT như thu-chi cho các hoạt động BVMT(thu phí rác thải, phí vệ sinh môi trường).

- Mô hình Tổ tự quản môi trường chợ

Mô hình này chiếm chưa đầy 2% trong tổng số chợ cả nước, tập trung vào các chợ dân sinh, chợ đường phố. Là các chợ không nằm trong quy hoạch nhưng lại đáp ứng được các nhu cầu tại chỗ của người dân và khách vãng lai. Mô hình này hiện khó quản lý và do nhóm dân cư hay do các tổ chức đoàn thể của phường/xã quản lý.Tuy nhiên, các hộ kinh doanh chợ đường phố đa số đều không đăng lý kinh doanh và tính ổn định thấp, một số có cửa hàng hay sạp hàng thì có thu thuế kinh doanh và thuế rác thải.

Mô hình quản lý môi trường ở đây được thực hiện theo phương thức: Nhà nước quản lý – Người dân thực hiện. Đó là việc những người có các hoạt động liên quan đến chợ tham gia quản lý, kiểm soát và vận hành việc quản lý môi trường, cùng xây dựng quy chế quản lý môi trường của chợ tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường đối với hoạt động kinh doanh chợ.

- Mô hình một người quản lý môi trường chợ

Người trực tiếp quản lý chợ phải đồng thời quản lý mọi hoạt động trong chợ và giải quyết các vấn đề phát sinh trong chợ .

Quản lý môi trường theo mô hình này thường được tổ chức đơn giản do quy mô nhỏ của chợ, hoạt động theo các quy định về môi trường theo các quy định về BVMT của chính quyền sở tại.Chủ yếu là các quy định về rác thải, nước thải, vệ sinh môi trường... thông qua các cam kết với chính quyền.

- Đánh giá chung

Những mặt được

+ Công tác đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng tại các chợ ngày càng được tăng cường.

+ Công tác vệ sinh môi trường được chú trọng và cải thiện.

+ Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ được chú trọng.

+ Công tác đảm bảo an toàn trong chợ luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành.

+ Quy hoạch môi trường, đã có sự chấp hành khá tốt, các chợ cũ cải tạo cũng đã hướng đến việc đảm bảo các yêu cầu môi trường trong thiết kế các gian hàng, hệ thống thu gom và xử lý rác thải, nước thải, nâng cấp chất lượng các công trình nhằm hạn chế nguy cơ lây lan ô nhiễm.

+ Tổ chức mô hình quản lý môi trường: Nhìn chung, các chợ lớn như chợ loại 1, chợ đầu mối có đầu tư nhiều hơn cho công tác BVMT, tuy nhiên, so với các loại chợ nhỏ thì tác động môi trường của các loại chợ này vẫn đáng báo động hơn.

+ Mô hình tổ chức DN hoạt động quản lý môi trường có hiệu quả hơn so với các loại hình khác. Tuỳ theo quy mô lớn nhỏ khác nhau, các doanh nghiệp chợ hiện có ở nước ta được tổ chức theo nhiều loại hình khác nhau: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân… Trong thời gian qua, quá trình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp chợ này đã chứng tỏ được ưu thế trong kinh doanh khai thác chợ cũng như tổ chức tốt hoạt động BVMT.

Hạn chế

+ Về cơ sở vật chất kỹ thuật : Mặc dù trong thời gian vừa qua các chợ đã có sự đầu tư, song mức độ đầu tư chưa cao. Trang thiết bị còn nghèo nàn.

+ Về công tác thu gom và vận chuyển rác thải trong các chợ : Nhìn chung rác thải tại các chợ không được phân loại tại nguồn , rác thải được vận chuyển tập trung đến những bãi chứa mà không được xử lý theo một dây chuyền mang tính công nghiệp nào.Quá trình quản lý thu gom và xử lý chất thải, nước thải còn khá thủ công, nước thải chảy vào hệ thống cống hay sông ngòi chung của thành phố,

+ Về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các chợ: Hầu hết các địa phương chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, tập huấn; công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện một cách thường xuyên.

+ Về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đảm bảo an toàn trong các chợ: Mặc dù đa số các chợ, đã được trang bị các phương tiện PCCC,song ở nhiều chợ các phương tiện này chỉ mang tính hình thức, không thực sự có khả năng chữa cháy ngay khi có sự cố xảy ra.

+ Về công tác quản lý môi trường tại các chợ :Trên thực tế, công tác quản lý thị trường chưa có sự phối hợp đồng bộ và chưa có biện pháp kiên quyết để xử lý vi phạm. Mặc dù có sự đầu tư cho công tác BVMT nhưng chất lượng môi trường ở các chợ này phức tạp và đáng báo động hơn.

+ Về ý thức bảo vệ môi trường của các chủ thể tham gia hoạt động tại các chợ. Tình trạng rác thải, nước thải không được đổ đúng nơi quy định vẫn thường xuyên xảy ra.Đây là điều gây khó khăn cho việc đảm bảo một môi trường chợ trong sạch.

Nguyên nhân của những tồn tại

+ Hầu hết các chợ vẫn được tổ chức quản lý theo mô hình BQL chợ, mang nặng tính chất quản lý hành chính.

+ Việc kiểm tra, kiểm soát môi trường chợ chủ yếu tập trung vào phần bề ngoài, chưa kiểm soát các nguy cơ trong toàn bộ dây chuyền cung ứng hàng hoá và hoạt động kinh doanh tại các chợ.

+ Thiếu sự phối hợp và trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm .

+ Sự đầu tư vào việc bảo vệ môi trường chợ còn quá ít , chỉ chiếm chưa đầy 5% nguồn vốn của chợ.

+ Trách nhiệm của các cơ quan kiểm tra xử lý về vi phạm bảo vệ môi trường trong các chợ còn chưa được đề cao.Việc nghiên cứu và dự báo về các nguy cơ ô nhiễm môi trường tại các chợ còn chưa được chú trọng .

+ Nguồn thu còn quá thấp, chưa phản ảnh được nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

- Trình độ chuyên môn và công tác tập huấn nâng cao nhận thức về quản lý môi trường cho cán bộ còn hạn chế.

Nhìn chung có thể nói trong những năm qua, môi trường chợ ở các địa phương đã có những cải thiện đáng kể: cơ sở hạ tầng chợ; công tác thu gom và xử lý rác thải, nước thải; công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn chợ cũng như quản lý môi trường chợ ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, môi trường chợ cũng xuất hiện nhiều vấn đề cần tháo gỡ như : sự đồng bộ trong việc thực hiện những biện pháp xử lý; cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn chợ và quản lý thị trường…

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý môi trường chợ

3.1. Tuyên truyền phổ biến,nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường tại các chợ

- Mở các khóa đào tạo và tuyên truyền về BVMT, phổ biến các quy định và tiêu chuẩn môi trường để các hộ kinh doanh trong chợ thấy được tầm quan trọng của các quy định và tiêu chuẩn này khi tham gia hoạt động tại các chợ.

- Vận động các hộ kinh doanh tự nguyện, cam kết tham gia chương trình hạn chế sử dụng túi ni-lông bao gói, đựng hàng.Khuyến khích việc sử dụng các loại bao bì có khả năng tự tiêu hủy.

- Thực hiện công tác xã hội hoá các hoạt động BVMT tại các chợ .

3.2. Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, tổ chức địa phương trong việc chỉ đạo, giám sát các hoạt động BVMT tại các chợ

- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài nguyên & Môi trường , các doanh nghiệp và BQL chợ phối hợp, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch BVMT, an toàn vệ sinh thực phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt .

- Sở Y tế, Uỷ ban Nhân dân các cấp chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Công Thương tổ chức thanh tra điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm và và giải quyết khiếu nại, tố cáo vi phạm vệ sinh môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các chợ

3.3. Nâng cao năng lực bộ máy quản lý chợ

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công tác quản lý chợ và đào tạo những cán bộ chuyên về công tác quản lý lâu dài cho các địa phương. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng có thể chia làm hai loại với nội dung phù hợp với hai nhóm đối tượng sau:

- Nhóm 1: Các cán bộ quản lý nhà nước về chợ;

- Nhóm 2: Những người trong BQL chợ, doanh nghiệp và HTX, TQL chợ và các nhân viên trực tiếp làm công tác quản lý chợ.

3.4. Chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản lý chợ

- Phương án thứ nhất, chuyển tất cả các chợ trung tâm của các huyện, thị xã và thành phố hiện đang hoạt động theo mô hình BQL quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp ; còn lại đối với các chợ xã, phường đang hoạt động theo mô hình tổ quản lý chuyển đổi sang mô hình HTX.

- Phương án thứ hai, áp dụng chuyển đổi các chợ theo hướng hoặc là theo mô hình HTX hoặc là theo mô hình doanh nghiệp chợ.

3.5. Quản lý hàng hoá lưu thông qua hệ thống chợ

Trên thực tế, việc quản lý hàng hoá lưu thông qua hệ thống chợ là việc làm khó khăn, hướng chủ yếu là các tổ chức quản lý chợ phải thực hiện việc tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm trong hoạt động thương mại cho các hộ kinh doanh.Song song là việc kiểm tra một cách thường xuyên cùng với việc áp dụng các chế tài xử phạt công khai , minh bạch, bình đẳng.

3.6. Hoàn thiện các tiêu chuẩn quốc gia về thiết kế và xây dựng cơ sở hạ tầng có ảnh hưởng đến việc bảo vệ môi trường chợ

Trên thực tế, trong bộ tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) đã có một số tiêu chuẩn quy định trực tiếp đến việc bảo vệ môi trường chợ như TCVN 6161: 1996 – Phòng cháy chữa cháy, Chợ và Trung tâm thương mại - Yêu cầu thiết kế ; TCVN 6772 : 2000 - Chất lượng nước - Nước thải sinh hoạt - Giới hạn ô nhiễm cho phép; TCXDVN 361: 2006 - Chợ - Tiêu chuẩn thiết kế …Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các tiêu chuẩn này cũng đã bộc lộ một số điểm cần nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh cho phù hợp với đặc thù của các chợ Việt Nam trong tiến trình hội nhập, bao gồm:

- Về quy hoạch mạng lưới chợ và vị trí khu đất xây dựng chợ

- Việc thiết kế hệ thống cấp thoát nước trong chợ

- Về công tác PCCC ở các chợ

- Khu vệ sinh.

II. Kinh nghiệm quản lý môi trường tại các chợ ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam

1.Thu gom chất thải rắn tại các chợ và khu vực thương mại ở Indonesia

Chợ truyền thống và chợ hiện đại ở Indonesia đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm, các hàng hóa và dịch vụ hàng ngày cho cuộc sống của dân cư sống xung quanh khu vực chợ. Tại Indonesia, có những chợ truyền thống tồn tại khoảng 400 năm. Indonesia đa dạng và phong phú về các loại hình chợ truyền thống. Căn cứ theo đặc trưng vị trí (thành thị hoặc nông thôn), theo thời gian có các loại chợ: cửa hàng, chợ ngoài trời, khu chợ (chợ được xây dựng cơ sở hạ tầng), chợ đường phố, các đại lý. Căn cứ theo loại hàng hóa được bán có chợ hoa quả, chợ rau và hoa, chợ thực phẩm tươi sống, chợ đồ khô, chợ vải vóc quần áo, và chợ hỗn hợp của một vài chợ nói trên,... Chợ truyền thống thường rất đông. Những cá nhân hoặc hộ gia đình kinh doanh trong chợ phải trả một mức phí nhất định, phí trả cho việc thuê địa điểm, vệ sinh và giữ gìn an ninh trật tự. Việc quản lý chợ do chính quyền địa phương, hoặc cộng đồng dân cư hoặc kết hợp chính quyền và cộng đồng dân cư thực hiện. Theo quy định, các đơn vị kinh doanh phải có trách nhiệm làm sạch nơi bán hàng của mình.

Cùng với sự tăng lên của dân số, đặc biệt là các khu đô thị lớn, như Jakarta ở Indonesia, kéo theo nhu cầu của ngươi dân tăng lên, cùng với sự gia tăng các loại hàng hóa và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, theo đó, số lượng các chợ và các khu vực thương mại được tăng lên cả về quy mô và số lượng. Theo đó vấn đề về rác thải tại các chợ và siêu thị, khu thương mại trở thành vấn đề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Theo kết quả nghiên cứu vào năm 1997 tại thủ đô Jakarta của Indonesia, số lượng chất thải rắn từ các chợ chiếm 17%, các khu vực thương mại là 15% trên tổng số khối lượng chất thải rắn. Thành phần chất thải rắn tại các chợ và các khu vực thương mại tương đối đa dạng, trong đó chủ yếu là các chất hữu cơ, chiếm 73.92%, còn lại là giấy, túi nhựa, chai thủy tinh, gỗ, vải, cao su, sắt và các loại khác (nguồn: chính quyền thành phố Jakarta, 1997). Theo nghiên cứu của Aye và Widjaya năm 2006, chất thải từ các chợ truyền thống ở Indonesia là nguồn thải lớn thứ hai sau hộ gia đình.

Một nghiên cứu khác về khối lượng chất thải tại các chợ ở thành phố Bandung cho thấy lượng thải từ các chợ tương đối lớn.

Khối lượng chất thải tại các chợ ở Bandung

Nguồn: Development of Regional Solid Waste Management Strategy in Indonesia: Case Study of Greater Bandung Area, 2003.

Việc quản lý chợ thường do chính quyền địa phương sở hữu một công ty thực hiện (có tên là Perusahaan daerah) hoặc phòng chính quyền địa phương (có tên là Dinas Pasar). Tại các thành phố, việc thu gom chất thải rắn tại chợ và các khu vực thương mại là do cộng đồng địa phương, người đi nhặt rác, chính quyền địa phương và khu vực tư nhân (chiếm khoảng 83%), phần còn lại sẽ được vứt ra sông. Tại các khu vực nông thôn thì tỷ lệ này thấp hơn, khoảng 50%.

Trước đây, rác thải tại các chợ được chất đống ở bên ngoài chợ, gần đường đi hoặc ở trong các thùng đựng rác. Nhưng do, rác thải từ chợ chủ yếu là chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học nên tạo ra các vấn đề môi trường: mùi, mất vệ sinh,... Ngoài ra, những đống rác thải khi được đổ tại các miệng cống thoát nước sẽ gây ra lụt lội khi trời mưa.

Ở Jakarta có hai loại chợ: chợ cố định và chợ tạm thời.Đối với các chợ cố định, rác thải được đổ tại thùng chứa rác và sau đó, Ban quản lý chợ sử dụng xe tải và chở đến trạm trung chuyển rác thải hoặc bãi rác. Rác thải từ các chợ tạm thời sẽ được những người công nhân (thuộc cơ quan thu gom rác thải của chính quyền địa phương) thu gom rác thải, sử dụng các xe kéo tay đưa rác đến các điểm trung chuyển gần nhất hoặc công nhân của công ty vệ sinh sử dụng xe tải để đưa đến các điểm trung chuyển rác thải hoặc bãi rác. Hiện ở Jakarta có 1,153 trạm trung chuyển rác và 29 công ty tư nhân vận chuyển rác. Bãi rác ở đây có sức chứa 140,000m3 chất thải rắn/ngày, với tổng diện tích là 108 hecta.

Trong khi các chợ cố định gần đường, nên các xe tải có thể vào được nên sử dụng thùng chứa và sau đó kéo lên xe tải.Còn tại các địa điểm chợ tạm thời hoặc chợ cố định nhỏ, thường ở trong các ngõ nhỏ thì việc thu gom rác vẫn phải sử dụng xe kéo và công nhân.

Tại các khu vực thương mại nhỏ, rác thải sẽ được đựng trong các thùng đựng rác và sau đó được chuyển sang các xe kéo rác bằng tay và được chở đến các điểm chứa rác tạm thời.Còn đối với các trung tâm thương mại lớn và siêu thị rác thải sẽ được chuyển đến xe tải và chở trực tiếp đến bãi rác hoặc các điểm chứa rác tạm thời.

Điểm hạn chế có liên quan đến môi trường tại các chợ ở Indonesia là có hệ thống thoát nước thải không hợp lý do đó dẫn đến tình trạng lụt lội hoặc lầy lội tại các khu chợ, đặc biệt là những khu vực bán hàng có sử dụng nước, vấn đề rác thải cũng khá nghiêm trọng do các dịch vụ thu gom rác thải chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra.Việc vệ sinh khu chợ cũng không có hiệu quả.

Đối mặt với những vấn đề môi trường nghiêm trọng tại các khu chợ, Indonesia đã khởi xướng chương trình “ Danamon Go Green” chương trình này có mục đích là chuyển các chất thải từ các chợ, siêu thị, khu thương mại, chủ yếu là từ các chợ thành các phân bón hữu cơ chất lượng cao. Mục đích của chương trình nhằm giúp các chợ giải quyết được vấn đề chất thải, đồng thời tạo ra một môi trường sạch đẹp cho người tiêu dùng đi mua sắm, qua đó, tăng sự cạnh tranh của chợ với sự phát triển mạnh mẽ của các siêu thị và khu thương mại trong những năm gần đây.Chương trình được Ngân hàng Indonesia Danamon và công ty tài chính Adira Dinamika khởi xướng, Chương trình trách nhiệm xã hội tổ chức thực hiện vào năm 2001. Nếu những chất thải tại các chợ được quản lý thích hợp thì những vấn đề môi trường mà các chợ đang phải đối mặt có thể chuyển thành những lợi thế cho các chợ truyền thống này. Chương trình đã cùng với chính quyền địa phương xây dựng tổ hợp loại bỏ chất thải, với khả năng chuyển từ 1-3 tấn chất thải hữu cơ từ các chợ thành 400kg - 1.2 tấn phân bón hữu cơ chất lượng cao (Andrianto, 2009)

Tạo phân hữu cơ đem lại rất nhiều lợi ích cho môi trường như: (1) Giảm ô nhiễm không khí do quá trình đốt rác; (2) Giảm nhu cầu về không gian cần thiết sử dụng cho việc chứa rác (giảm diện tích các bãi rác); (3) Giảm những nguy cơ tiềm ẩn do các bệnh tật bởi các vi khuẩn, vi trùng có hại; (4) Phân hữu cơ có tác dụng cải thiện đất, tái cơ cấu lại cấu trúc và đặc điểm của đất.

Cho đến nay, tại thành phố Manala của Indonesia có 29 tổ hợp chế biến phân hữu cơ xử lý được 309,11 tấn chất thải và tạo ra 102,371 tấn phân hữu cơ (Andrianto, 2009).

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Aye và Widjaya vào năm 2006, nghiên cứu đánh giá kinh tế và môi trường của các giải pháp hiện tại về việc loại bỏ chất thải tại các chợ truyền thống ở Indonesia. Các giải pháp xử lý chất thải rắn từ các chợ truyền thống gồm: đốt rác; sản xuất phân hữu cơ ở quy mô nhỏ; sản xuất phân hữu cơ ở quy mô lớn (xây dựng nhà máy); sản xuất điện tại các bãi rác; sản xuất khí biogas; không xử lý. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hai phương án sản xuất phân hữu cơ có tác động tới môi trường thấp hơn. Bên cạnh đó, xây dựng một nhà máy sản xuất phân hữu cơ là một phương án khả thi về mặt kinh tế nhất trong điều kiện của Indonesia. Kết quả nghiên cứu cũng là cách gợi ý để áp dụng giải pháp quản lý chất thải rắn cho các nước đang phát triển.

2. Quản lý môi trường tại các chợ ở Thái Lan

Thái Lan có hai loại,các chợ truyền thống và chợ hiện đại.Chợ truyền thống bao gồm chợ dân sinh, chợ cuối tuần, chợ đi bộ.Chợ dân sinh thường gồm nhiều quầy hoặc gian hàng nhỏ, bán các sản phẩm hàng ngày, tại khu đã có cơ sở hạ tầng. Hầu hết dân cư đều có chợ dân sinh và người dân vẫn phụ thuộc chủ yếu vào chợ dân sinh để mua các thực phẩm hàng ngày. Các thực phẩm bán trong chợ dân sinh thường tươi và có chất lượng tốt, giá cả tại các chợ dân sinh thương đối thấp so với các của hàng thực phẩm hiện đại (Chiwakun, 1982). Chợ cuối tuần thường là các chợ tạm thời, ngoài trời, do các đại lý, cửa hàng nhỏ bày bán sản phẩm trên quầy, hoặc bàn hoặc nền đất như lều hoặc dù. Đối với những chợ cuối tuần có quy mô lớn thường mở định kỳ, tại các khu có xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà có mái che. Những chợ này thường mở vào những ngày đặc biệt như cuối tuần hoặc ngày nghỉ. Các sản phẩm bày bán trên loại hình chợ này đa dạng, từ sản phẩm tươi sống, sản phẩm khô cho đến quần áo và các sản phẩm khác (Lee, 1988). Ngoài ra, Còn loại hình chợ dành cho người đi bộ. Sản phẩm được bán trong lều, quầy hoặc ô vào những giờ cụ thể tại những nơi dành cho người đi bộ.

Các chợ hiện đại ở Thái Lan xuất hiện cùng với sự tồn tại của các hoạt định kinh doanh truyền thống ở phương Tây, thường được đặt ở các địa điểm đông đúc, được xây dựng mở rộng từ các chợ truyền thống. Chợ hiện đại ở Thái Lan bao gồm đại lý (convenience store), siêu thị (supermarket), đại siêu thị (hypermarket). Các siêu thị ở Thái Lan thường nằm trong các trung tâm thương mại mua sắm lớn, là kênh bán hàng sơ cấp dành cho tầng lớp trung lưu. Đại siêu thị xuất hiện vào cuối những năm 1990 trên diện tích khoảng từ 15.000-20.000 m2, cung cấp đa dạng các mặt hàng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng với mức giá cạnh tranh. Không giống như các siêu thị chỉ nhằm vào tầng lớp trung lưu hoặc thượng lưu thì đại siêu thị đáp ứng nhu cầu tất cả các tầng lớp trong xã hội. Sau cuộc đại suy thoái vào cuối năm 1990, đã diễn ra sự thay đổi mạnh mẽ trong chủ sở hữu của các đại siêu thị, chuyển từ sở hữu thuần túy là người Thái Lan sang cả sở hữu nước ngoài dưới hình thức liên doanh, liên kết với tiềm lực tài chính mạnh. Đại lý lần đầu tiên xuất hiện ở Thái Lan vào năm 1989 nhưng lại có sự phát triển nhanh chóng, năm 2003, có khoảng 20,000 đại lý hoạt động tại Thái Lan (Jitpleecheep, 2003).

Theo số liệu thống kê của chính quyền Uthaithani và Khangkhoi năm 2008, các chợ dân sinh tạo ra một khối lượng lớn chất thải rắn với mức tương ứng là 2.1 và 0.5 tấn /ngày, chiếm 13% và 5% trong tổng số lượng chất thải rắn của vùng. Trong đó, chất thải là rau, hoa quả và thực phẩm chiếm từ 40 đến 80% trong tổng số chất thải rắn phát sinh từ chợ. Một khối lượng lớn chất thải có độ ẩm cao từ các chợ dân sinh là nguyên nhân gây ra những vấn đề về môi trường.

Chất thải từ các chợ của Thái Lan như giấy, giấy bìa cứng, nhựa, gỗ, chất thải thực phẩm, thủy tinh, thép, chất thải chuyên biệt và chất thải nguy hại. Việc phân loại chất thải do Phòng kiểm soát ô nhiễm thực hiện. Sau khi được phân loại, chất thải ở chợ được xử lý theo nhiều cách khác nhau: đối với chất thải có thể tái chế, tái sử dụng sẽ được sử dụng lại hoặc tái chế, đối với chất thải hữu cơ được dùng làm phân hữu cơ hoặc khí biogas để sản xuất điện; loại chất thải vô cơ được đốt để sản xuất điện hoặc loại bỏ vào bãi chôn lấp.

3. Quản lý môi trường tại các chợ của Philippnies

3.1.Quy chế về quản lý chợ tại thành phố Bataan, Bang Mariveles, Philippines

Chính quyền thành phố Bataan của Bang Mariveles, Philippines có quy định dành riêng cho chợ công cộng của thành phố. Mục đích của chính sách này là đưa ra công cụ quản lý khuyến khích các chợ hoạt động có hiệu quả và có trách nhiệm cũng như tạo ra sự năng động và linh hoạt cho các doanh nghiệp, qua đó, tăng cường năng lực tài chính của thành phố và đóng góp sự phát triển của đất nước và của địa. Theo đó, chính quyền thành phố xây dựng và phát triển, quy định và tiêu chuẩn hóa hệ thống các chợ và chuyên nghiệp hóa các dịch vụ trong chợ.

Liên quan tới những vấn đề môi trường tại chợ, Đạo luật về chợ quy định rõ, chợ phải đảm bảo sạch sẽ và giữ gìn vệ sinh, đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người bán hàng trong chợ, cho người mua hàng và những người làm việc trong chợ. Các chợ phải có thiết bị vệ sinh và làm sạch. Các chợ phải có bộ phận làm vệ sinh với số lượng người làm việc phù hợp để đảm bảo công việc đạt hiệu quả và duy trì sự sạch sẽ và vệ sinh. Việc làm sạch và vệ sinh chợ phải được thực hiện hàng ngày. Các thiết bị phù hợp để làm giảm ô nhiễm sẽ phải được lắp đặt. Chợ phải có lượng nước cần thiết để làm sạch. Nước uống phải được tách riêng biệt với nước làm sạch và vệ sinh chợ để ngăn ngừa bị ô nhiễm.

Về trách nhiệm đối với người bán hàng trong chợ: giữ gìn và vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo điều kiện vệ sinh nơi bán hàng của mình; làm sạch đường đi, hành lang và không gian đằng trước, đằng sau và hai bên cạnh quầy hàng; phối hợp với với ban điều hành chợ và những nhân viên làm việc trong chợ vệ giữ gìn vệ sinh và làm sạch môi trường chung trong chợ.

Nhà vệ sinh trong chợ phải có khu riêng biệt cho nam và nữ. Các thiết bị lắp đặt trong nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn chặt chẽ của Quy định về vệ sinh và phải được thường xuyên làm sạch và giữ gìn vệ sinh.

Trong chợ sẽ lắp các biển về việc giữ gìn vệ sinh chung để cảnh báo, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, ví dụ biển hiệu “nơi vứt rác” được đặt ở hành lang có thùng rác hoặc nơi thu gom rác, “giữ gìn vệ sinh chung” được đặt ở lỗi vào,... Các chợ đều phải lắp đặt các thùng rác gắn với đế có thể di chuyển để thu gom rác trong chợ hàng ngày. Số lượng thùng rác và vị trí lắp đặt các thùng rác cũng phải hợp lý, đồng thời các gian hàng phải có một thùng rác cá nhân. Tất cả các thùng rác đều phải được đậy cẩn thận để không trở thành nơi trú ẩn của các loài ruồi, muỗi và các sinh vật sinh ra từ rác.

Các hộ bán hàng có quầy bán hàng cố định sẽ chịu trách nhiệm loại bỏ chất thải của mình vào cuối ngày vào nơi chứa rác của chợ. Rác thải từ những người mua hàng và những người bán hàng lưu động trong chợ (những người bán hàng không thường xuyên và không có chỗ bán hàng cố định), những người làm việc trong chợ sẽ được loại bỏ vào thùng rác chung của chợ. Rác tại chợ sẽ do cơ quan quản lý chợ có trách nhiệm thu gom. Nơi chứa rác thải của chợ phải được đặt ở những nơi thuận tiện để xe tải và người thu gom rác dễ dàng thu gom. Việc thu gom rác thải phải được thu gom và loại bỏ theo một lịch trình phù hợp do bộ phận quản lý chợ quy định.

Đạo luật về quản lý chợ có quy định riêng đối với sản phẩm nông sản được bán trong chợ, cụ thể: thịt và các sản phẩm làm từ thịt phải được kiểm duyệt theo Luật và thông tư hiện hành; các sản phẩm thủy, hải sản tươi sống, làm khô, hun khói, muối, lên men,... phải đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng mới được phép bán trong chợ; những thực phẩm từ cá bị nhiễm xạ, nhiễm độc cao như thủy ngân do Phòng sức Khỏe của Cục thực phẩm và dược phẩm phối hợp với Cục tài nguyên hải sản và thủy sản kiểm tra và nếu phát hiện vi phạm sẽ không được phép bán trong chợ. Tất cả các loại thực phẩm dùng trực tiếp, không cần phải chế biến phải được đóng gói, bọc trong những hộp, vỏ đảm bảo độ tươi và ngăn chặn nhiễm bẩn.

Nhân viên quản lý chợ sẽ chịu trách nhiệm thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Đạo luật về vệ sinh thực thẩm. Ngoài ra, nhân viện quản lý chợ chị trách nhiệm thường xuyên giám sát và kiểm tra các thực hiện theo các quy định liên quan đến vệ sinh, an toàn thực phẩm trong chợ liên quan đến cung cấp nước, nơi bán thực phẩm, thu gom và loại bỏ rác thải, nơi đổ nước thải. Tất cả nhân viên làm việc trong chợ đều phải có thẻ làm việc, đều phải trình thẻ trong khi đang làm nhiệm vụ, đồng thời có những trang thiết bị phục vụ cho công việc.

Chợ có Ban quản lý chợ, chịu trách nhiệm giải quyết những hoạt động của chợ như đấu thầu quầy hàng mới được xây dựng, giải quyết các công việc liên quan đến hoạt động của chợ. Thành viên của Ban quản lý chợ bao gồm:

i.Giám đốc chợ - Chủ tịch Ban quản lý chợ

ii.Đại diện của Kho bạc chính quyền địa phương

iii.Đại diện từ Sangguniang Bayan (Cơ quan lập pháp của chính quyền địa phương Philippines)

iv.Đại diện của những người bán hàng trong chợ

v.Chủ tịch phường (đơn vị hành chính nơi đặt chợ)

Giám đốc chợ có quyền thành lập hội đồng tư vấn gồm đại diện từ nhà nước, tư nhân để trợ giúp giám đốc và chính quyền địa phương trong việc ban hành các chính sách nhằm tăng cường tính hiệu quả hoạt động cho chợ.

Hai biện pháp phạt được áp dụng đối với những trường hợp vi phạm các quy định chung của chợ cũng như các quy định liên quan đến việc làm sạch, vệ sinh môi trường chợ: Đối với trường hợp vi phạm lần đầu, sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt tối đa là 200 Pesos, mức phạt do toàn án quy định. Đối với trường hợp vi phạm nhiều lần, mức phạt từ 200 đến 2.500 Pesos và hoặc phạt tù 6 tháng.

3.2. Quy chế hoạt động tại chợ Trinidad, phường Trinidad, Philippines.

Hội đồng chợ bao gồm:

Chủ tịch phường - Chủ tịch

Phó chủ tịch phường - Phó chủ tịch

Giám đốc chợ - Thành viên

Chủ tịch Ủy ban quản lý chợ - thành viên

Chủ tịch hiệp hội những người bán hàng trong chợ (những người bán hàng cố định) - thành viên

Chủ tịch Ủy ban tài chính và thuế vụ - Thành viên

Kho bạc thành phố - Thành viên

Phòng kế hoạch và phát triển thành phố - Thành viên

Kỹ sư thành phố - Thành viên

Trưởng công an phường - thành viên

Chủ tịch phường có trách nhiệm giám sát, quản lý chung hoạt động của chợ, trong đó có việc giữ gìn vệ sinh chợ theo các quy định, nội quy, quy chế của chợ.

Giám đốc chợ có trách nhiệm trực tiếp và gián tiếp giám sát và kiểm soát hoạt động của chợ theo các quy định, nội quy chế hoạt động của chợ, trong đó có việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường chợ. Trong trường hợp Giám đốc chợ vắng mặt, trợ lý của Giám đốc chợ sẽ thực hiện chức năng của Giám đốc Chợ. Trách nhiệm và chức năng của Giám đốc chợ liên quan đến quản lý môi trường chợ:

-Thực hiện và xây dựng các kế hoạch và chính sách liên trong các hoạt động của chợ liên quan đến vệ sinh, làm sạch chợ.

- Giám sát và đánh giá các hoạt động và thực hiện những quy định của chợ. Điều tra những đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động gây ô nhiễm môi trường và đưa ra đề xuất kiến nghị xử lý phù hợp đến Hội đồng chợ.

- Giám sát và đánh giá, quản lý các tài sản trong chợ, liên quan đến vấn đề môi trường là các thiết bị phục vụ cho việc làm sạch, giữ gìn vệ sinh chợ, các thiết bị vệ sinh trong chợ.

- Kiến nghị với Chủ tịch phường những trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc quản lý môi trường chợ một cách có hiệu quả

- Hàng tháng báo cáo với Chủ tịch phường về hoạt động của quản lý môi trường của chợ.

Trách nhiệm và nghĩa vụ của những người bán hàng trong chợ liên quan đến vấn đề môi trường phải thường xuyên giữ quầy hàng đảm bảo vệ sinh, có thùng rác riêng.

Nếu những người bán hàng trong chợ vi phạm các quy định, nội quy, quy chế của chợ sẽ áp dụng các hình phạt như sau:

-Vi phạm lần đầu - phạt 1.000 Pesos

- Vi phạm lần 2: phạt 1.500 Pesos

- Vi phạm lần 3: phạt 2.000 Pesos và thu hồi giấy phép và kết thúc hợp đồng cho thuê

3.3.Xử lý nước thải tại chợ Muntinlupa,thành phố Muntinlupa, Philippines

Các chợ ở Philippines hiện đang đối mặt với xử lý nước thải do lượng lớn và đa dạng nước thải từ các chợ. Chất thải từ các chợ chứa lượng chất hữu cơ và chất rắn cao. Trong khi đó, thiếu những diện tích cho hệ thống xử lý nước thải. Lượng nước thải bị ô nhiễm từ các khu chợ đã được đổ thẳng vào sông, hồ, kênh, mương. Hậu quả nguồn nước bị ô nhiễm đã ảnh hưởng đến sức khỏe, mất mát về kinh tế và đe dọa đến đa dạng sinh học. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới và USAID năm 20007, Philippines đã chi 78 triệu Pesos/năm cho hệ thống xử lý nước thải lạc hậu.

Chợ Muntinlupa ở thành phố Muntinlupa, phía Bắc của thủ đô Manila là một trong những chợ lớn nhất với 1.448 quầy hàng hoạt động 24 giờ trong ngày với khoảng 4.800 người làm việc trong chợ và khoảng 4.500 khách hàng/ngày. Dưới sự tài trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ, thông qua khởi xướng của địa phương, dự án xử lý nước thải đã được xây dựng vào năm 2006. Chất lượng nước sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn được xả thải ở địa phương. Dự án này hiện nay đã được mở rộng ra một số địa phương khác tại Philippines (Local Initiatives for Affordable Wastewater Treatment,2006).

Để thực hiện việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại chợ Muntinlupa, đã có nghiên cứu về nguồn và thành phần nước thải sinh ra từ chợ. Nguồn nước thải sinh ra từ chợ bao gồm: các khu bán và làm thịt, gia cầm, cá, khu bán rau và hoa quả, gian hàng thực phẩm làm sẵn, và các khu vệ sinh công cộng. Khi chất thải từ hỗn hợp các nguồn này đổ chung vào hệ thống thoát nước thải của chợ, chất thải này chứa nhiều chất hữu cơ, chất cặn lơ lửng, chất béo, dầu và mỡ. Hàm lượng các chất này thường cao hơn gấp 2-3 lần nước thải từ các khu dân cư. Do đó, nhà máy xử lý nước thải phải được thiết kế và phải có quy mô không chỉ là xử lý khối lượng nước thải/ngày mà còn phải xem xét đến nồng độ của các chất thải có trong nước thải theo thuật ngữ lượng BOD/ngày (BOD - Nhu cầu ôxy sinh hóa). Do đó, cần lắp đặt các thiết bị tiền xử lý để loại bỏ dầu, mỡ, chất béo từ các cửa hàng thực phẩm, chất rắn từ việc chuẩn bị thực phẩm. Chất thải được xử lý sẽ được tái sử dụng cho các toilets công cộng, lau rửa sàn và phun nước chống bụi. Mặc dù xây dựng hệ thống xử lý nước thải là 8,8 triệu Pesos, chi phí hoạt động: chi phí nhân công, điện, sửa chữa,... là 27.000 Pesos/tháng, nhưng trong quá trình hoạt động, hệ thống đã tiết kiệm được 15.000 Pesos/tháng từ tiết kiệm tiện điện để hút nước cho hệ thống toilet, lau rửa sàn và phun nước giảm bụi. Phần chi phí còn lại do sẽ do các đơn vị kinh doanh trong chợ đóng góp với mức phí là 5pesos/ngày (Carlito Santos, David M. Robbins, 2007). Trước khi tiến hành xây dựng nhà máy xử lý nước thải, dự án đã triển khai nghiên cứu sự sẵn lòng chi trả của các đơn vị kinh doanh trong chợ để duy trì hoạt động của nhà máy. Mức đóng góp này là phù hợp và được những hộ kinh doanh trong chợ ủng hộ. Việc xây dựng các nhà máy tương tự ở các chợ có quy mô nhỏ hơn là phù hợp vì mức chi phí xây dựng và hoạt động hoàn toàn hợp lý (chi phí thấp), đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh trong chợ đối với vấn đề vệ sinh và giữ gìn môi trường trong chợ.

4. Kinh nghiệm của Mexico

Mexico có một phiên chợ độc đáo mang tên Mercado de Trueque, nơi người dân có thể đổi rác (tái chế được) để lấy thực phẩm. Nhiều người dân đứng xếp hàng với những túi đựng rác thải có thể tái chế như thùng giấy cứng, chai lọ nhựa, thiết bị điện tử cũ… tại phiên chợ Mercado de Trueque ở ngoại ô thủ đô Mexico City để đổi lấy thực phẩm, theo AFP.

Phiên chợ Mercado de Trueque được tổ chức mỗi tháng một lần, luân phiên tại nhiều thành phố khác nhau ở Mexico.

Đây là một trong những chương trình của chính phủ Mexico nhằm tăng cường ý thức người dân về phân loại rác thải, rác tái chế và rác không thể tái chế. Mục tiêu của chương trình cũng nhằm hạn chế sự quá tải của các bãi rác, bảo vệ môi trường.

Những người tham gia phiên chợ được nhận các phiếu điểm “xanh” (quy đổi tương đương với tiền thật), cho những thứ rác thải (loại có thể tái chế) mà họ mang đến phiên chợ.

Các phiếu điểm xanh này dùng để đổi lấy thực phẩm bày bán tại phiên chợ Mercado de Trueque.Sau một năm hoạt động, dự án phiên chợ Mercado de Trueque thu được 170.000 tấn rác tái chế.

Những người địa phương bán thực phẩm tại các phiên chợ này cũng có lợi vì chính phủ Mexico mua sản phẩm của họ với giá cao hơn thị trường.

5. Những bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam

Các nước có xu hướng xử lý chất thải hữu cơ từ chợ tại các thành phố lớn làm phân bón,hoặc biogas cho sản xuất điện.Xử lý chất thải ở các quốc gia khác nhau sẽ có phương thức khác nhau, nhìn chung phần lớn, chất thải từ chợ sẽ được xử lý cùng với chất thải chung của toàn thành phố hoặc địa phương. Nhưng tại Indonesia, chất thải từ chợ sẽ được xử lý trực tiếp.Việc quản lý môi trường tại các chợ hiện đại được thực hiện theo các quy định áp dụng cho doanh nghiệp hoặc đơn vị kinh doanh thương mại.Việc quản lý chất thải tại các chợ truyền thống được thực hiện thông qua ban quản lý chợ. Việc tận dụng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế tài trợ để xử lý chất thải chợ cũng là điều cần quan tâm.

Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam:

  1. Cần tiến hành nghiên cứu khối lượng và thành phần chất thải để có thể xây dựng phương án quản lý phù hợp.

ii.Tận dụng các rác thải hữu cơ tại các chợ dân sinh làm nguyên liệu chế biến phân hữu cơ chất lượng cao.

iii. Tổ chức các khu hoặc lắp đặt hệ thống thùng đựng rác thuận tiện.

iv. Đề xuất biện pháp khuyến khích sự tham gia của các bên có liên quan trong việc quản lý môi trường chợ