Đề cương văn bản là gì

(Last Updated On: 13/09/2021)

1.1. Các bước tạo lập văn bản

Tạo lập văn bản (còn gọi là xây dựng văn bản, viết văn bản) cũng giống như xây dựng một công trình, là sự tổng hợp, kết nối nhiều công việc thành một quá trình gồm các bước: định hướng, lập đề cương, viết văn bản và hoàn thiện văn bản. Các bước này gắn bó chặt chẽ với nhau, chế ước lẫn nhau theo hai kiểu quan hệ: quan hệ thứ tự và quan hệ đồng thời. Quan hệ thứ tự là trình tự trước sau của các bước, bước này là tiền đề cho bước tiếp sau; quan hệ đồng thời là nói đến bước hoàn thiện văn bản, có những công việc phải tiến hành đồng thời với bước lập đề cương.

1.2. Xây dựng lập luận

a. Lập luận và vai trò của lập luận

Lập luận là xác lập một hay một số luận cứ nhằm dẫn dắt người đọc/người nghe hướng đến một kết luận nào đấy mà người viết/người nói muốn đạt tới.

Tạo lập văn bản khoa học (và cả văn bản chính luận), người viết nhằm thuyết phục người đọc đồng tình với ý kiến và quan điểm của mình. Do đó, kĩ năng lập luận, trình bày lí lẽ và dẫn chứng là những kĩ năng hàng đầu giúp cho văn bản có sức thuyết phục mạnh mẽ, có giá trị cao. Lập luận thiếu chặt chẽ, phi logic hoặc phiến diện mơ hồ khiến người đọc không hiểu, không tin thì sức thuyết phục của văn bản không cao, không đạt được mục đích đề ra.

b. Cách thức tổ chức lập luận

b1. Cách xây dựng luận cứ

Các loại luận cứ: luận cứ đồng loại và luận cứ khác loại; luận cứ đồng hướng và luận cứ nghịch hướng (với kết luận).

Cách sắp xếp các luận cứ: (trong các lập luận) nếu các luận cứ đồng hướng với kết luận, luận cứ nào có hiệu lực lập luận mạnh hơn được xếp gần kết luận hơn; nếu vừa có luận cứ đồng hướng và nghịch hướng thì xếp luận cứ đồng hướng gần với kết luận hơn.

b2. Cách xây dựng kết luận

Kết luận là đích của lập luận nên phải tương hợp với các luận cứ được nêu ra, và phải phù hợp với đích của lập luận. Vị trí của kết luận, thường đứng sau các luận cứ. Chú ý sử dụng các chỉ dẫn lập luận (tác từ lập luận và kết từ lập luận).

2.  Thực hành tạo lập văn bản thông dụng

2.1. Định hướng

a. Định hướng và vai trò của định hướng

Định hướng là xác định phương hướng, tức là tìm cái đích mà văn bản cần hướng tới. Đây là bước đầu tiên chi phối quá trình tạo lập văn bản: có thực hiện bước này thì mới triển khai được các bước tiếp theo; nó quyết định sự thành bại của văn bản, bởi định hướng đúng thì văn bản mới đạt hiệu quả (sai một li, đi một dặm).

b. Cách thức thực hiện định hướng

Thực chất của định hướng là xác lập và trả lời các câu hỏi: Văn bản viết để làm gì? Văn bản viết cho ai? Văn bản viết về cái gì? Văn bản viết như thế nào? Tổng hợp các vấn đề này lại, người viết xác định nội dung cốt lõi (chủ đề) của văn bản, phạm vi và phương hướng giải quyết.

Ví dụ 1: Với đề tài khóa luận tốt nghiệp: Khảo sát động vật học tiếng Việt, thực hiện bước định hướng là: (khóa luận phải tập trung làm sáng tỏ) tên gọi của động vật được dùng trong dân gian và sự phân nhóm, đánh giá của người Việt đối với động vật. Phạm vi tư liệu nghiên cứu có thể một vùng địa phương, có thể nhiều vùng (do người viết tự xác định).

Ví dụ 2. Với đề tài bài báo: Chất thơ trong truyện Nguyễn Tuân, TS. Đặng Lưu xác định phương hướng cho bài viết là: những biểu hiện của chất thơ trong truyện Nguyễn Tuân, từ đó làm nỗi rõ tính chất xuyên thể loại – một nét độc đáo trong sáng tác Nguyễn Tuân. Tư liệu khảo sát là các tập truyện Chiếc lư đồng mắt cua và Vang bóng một thời.

2.2. Lập đề cương

a. Đề cương và vai trò của đề cương

Đề cương là bản thiết kế, bộ khung nội dung của văn bản; nó bao gồm hệ thống các ý lớn, ý nhỏ được trình bày một cách mạch lạc nhằm thể hiện chủ đề của văn bản.

Đề cương có vai trò sau đây: 1/ Phác thảo nội dung bao quát của văn bản, làm cơ sở cho người viết chủ động trong quá trình viết; 2/ Có thể sửa đổi, bổ sung hay sắp xếp lại các ý một cách dễ dàng; 3/ Trách được các loại lỗi văn bản như thiếu ý, đứt mạch, lộn xộn, v.v..

Đề cương gồm có đề cương sơ lược và đề cương chi tiết. Đề cương sơ lược chỉ trình bày các ý chính, thường là các đề mục (chẳng hạn: mục lục một cuốn sách, một công trình, v.v.). Đề cương chi tiết trình bày hệ thống các ý, bao gồm ý lớn, ý nhỏ, ý chính, ý phụ, lí lẽ, dẫn chứng một cách chi tiết.

b. Yêu cầu của đề cương

  • Đề cương phải phù hợp với nội dung cốt lõi được xác định ở bước định hướng (triển khai nội dung của văn bản thích hợp với định hướng).
  • Các thành tố nội dung trong đề cương (ý lớn, ý nhỏ, lí lẽ, dẫn chứng) phải được xác lập, lựa chọn và sắp xếp chặt chẽ, mạch lạc.
  • Bố cục của đề cương phải cân đối, nhất quán, sinh động và linh hoạt.

c. Các bước xây dựng đề cương

c1. Xác lập các thành tố nội dung

Thông thường, chủ đề văn bản được triển khai thành các thành tố nội dung chi tiết. Các thành tố nội dung cấu thành chủ đề văn bản gồm các chủ đề bộ phận, các ý lớn nhỏ, lí lẽ và dẫn chứng cụ thể. Khi xác lập các thành tố nội dung cần chú ý:

– Chỉ ra các khía cạnh, các mặt khác nhau của vấn đề, sự việc, hiện tượng, v.v. cần triển khai, giải quyết. Công việc này đồng nghĩa với việc chia chủ đề văn bản thành các chủ đề bộ phận, xác lập các chủ đề bộ phận phục vụ cho chủ đề văn bản. Chẳng hạn, với bài báo Chất thơ trong truyện Nguyễn Tuân, tác giả đã triển khai chủ đề thành các chủ đề bộ phận: 1/ Cái nhìn mĩ hóa, thi vị hóa đối tượng; 2/ Khai thác chức năng thơ của ngôn ngữ. Các chủ đề bộ phận này trực tiếp làm nổi rõ những biểu hiện chất thơ trong truyện Nguyễn Tuân, qua đó khẳng định tính chất xuyên thể loại trong các sáng tác của Nguyễn Tuân.

– Chỉ ra các thành tố nội dung chi tiết gồm ý lớn, ý nhỏ, lí lẽ và dẫn chứng cụ thể để lí giải, chứng tỏ từng chủ đề bộ phận.

Chẳng hạn, triển khai chủ đề bộ phận Khai thác chức năng thơ của ngôn ngữ, trong bài báo Chất thơ trong truyện Nguyễn Tuân, tác giả xác lập ba ý lớn: a/ Sử dụng lớp từ thi ca; b/ Vận dụng nguyên lí tương đương của ngôn ngữ; c/ Gia tăng nhạc tính cho lời văn. Mỗi ý lớn lại được tác giả diễn dịch ra các ý nhỏ, dùng các lí lẽ và dẫn chứng để làm sáng tỏ. Chẳng hạn, ý lớn Gia tăng tính nhạc cho lời văn, tác giả triển khai hai ý: Ý 1: Tính nhạc trong thơ, trong văn xuôi và các yếu tố tạo nên tính nhạc; Ý 2: Những biểu hiện tính nhạc trong lời văn Nguyễn Tuân. Với ý 2, tác giả xác lập các ý nhỏ hơn: biểu hiện trong phối ứng thanh điệu; biểu hiện trong sử dụng từ láy; biểu hiện trong ngắt nhịp; biểu hiện trong phép lặp; biểu hiện trong phép sóng đôi. Mỗi khía cạnh như thế đều được lí giải qua các dẫn chứng tiêu biểu.

Muốn xác lập được đầy đủ các thành tố nội dung, tùy từng loại vấn đề (sự việc, hiện tượng, v.v.), ta có thể sử dụng các thao tác phân tích theo từng khía cạnh, từng thuộc tính của đối tượng, hoặc đặt vấn đề (sự vật, hiện tượng, v.v.) trong các mối quan hệ so sánh.

c2. Sắp xếp các thành tố nội dung

Sau khi đã xác lập đầy đủ nội dung của từng phần, người viết tiến hành sắp xếp các thành tố nội dung theo hệ thống lôgic. Có hai cách sắp xếp chủ yếu sau đây:

– Sắp xếp theo trình tự trong thực tế khách quan, bao gồm:

+ Theo trình tự về thời gian

Theo kiểu này, người viết sử dụng những từ ngữ biểu thị các mốc thời gian theo trình tự trước sau. Kiểu sắp xếp này phù hợp với văn bản chính luận, văn bản hành chính. Chẳng hạn, trong Tuyên ngôn độc lập, khi trình bày những hành động tội ác của thực dân Pháp, người viết sắp xếp:

– Những tội ác của thực dân Pháp trong 80 năm.

– Những tội ác của thực dân Pháp từ năm 1940 đến 1945.

+ Theo trình tự không gian

Về không gian, có thể sắp xếp theo trình tự từ xa đến gần, hoặc ngược lại. Kiểu trình bày này phù hợp với văn bản báo chí, văn bản nghệ thuật.

+ Theo quan hệ nội tại: từ toàn thể đến các bộ phận. Kiểu sắp xếp này rất phù hợp với văn bản khoa học. Chẳng hạn, văn bản Đặc điểm địa hình Việt Nam với hai nội dung chính là: 1/ Đồi núi là bộ phận quan trọng nhất của cấu trúc địa hình Việt Nam; 2/ Địa hình Việt Nam được giai đoạn Tân kiến tạo nâng lên và thành nhiều bậc kế tiếp nhau là hai chủ đề bộ phận của chủ đề chung là địa hình Việt Nam rất đa dạng.

+ Theo quan hệ lôgic khách quan: quan hệ nhân – quả, quan hệ điều kiện – kết quả, v.v.. Chẳng hạn, văn bản Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường là sắp xếp nội dung theo kiểu nguyên nhân – kết quả.

– Sắp xếp theo lôgic chủ quan, bao gồm:

+ Theo sự đánh giá về mức độ quan trọng hay điểm nhìn của người viết

Mỗi người viết có thể sắp xếp nội dung theo một trình tự nào đó, tùy theo cách đánh giá của mình về mức độ quan trọng của chúng. Chẳng hạn, để làm nổi bật chất thơ trong truyện Nguyễn Tuân, TS. Đặng Lưu trình bày hai chủ đề bộ phận theo trình tự: 1/ Cái nhìn mĩ hóa, thi vị hóa đối tượng; 2/ Khai thác chức năng thơ của ngôn ngữ. Trình tự sắp xếp như vậy là do điểm nhìn của người viết; người khác có thể sắp xếp theo một trật tự ngược lại.

+ So sánh tương đồng và tương phản. So sánh tương đồng là nhằm chỉ ra những đặc điểm, những khía cạnh giống nhau giữa các sự việc, vấn đề, đối tượng được đem ra so sánh. Còn so sánh tương phản lại có nhiệm vụ chỉ ra những đặc điểm, những nét dị biệt giữa các sự việc, vấn đề đem ra so sánh. Đây là cách trình bày thường gặp trong các văn bản trong nhà trường như tiểu luận, khóa luận, luận văn của sinh viên, học viên, các văn bản khoa học, v.v.. Có thể nói, bất kì đối tượng nào đều có thể khảo sát trong sự so sánh với các đối tượng khác. Cố nhiên, các đối tượng so sánh phải cùng phạm trù, cùng bản chất tự nhiên nào đó, nếu không, mọi sự so sánh sẽ không có giá trị. Chẳng hạn, khi khảo sát chất thơ trong truyện Nguyễn Tuân, có thể so sánh với truyện Thạch Lam, bởi trong truyện Thạch Lam cũng có chất thơ.

c3. Trình bày các thành tố nội dung

Đây là bước sử dụng các thao tác kĩ thuật sắp xếp các thành tố nội dung thành hệ thống, khiến cho nó trở nên rõ ràng, mạch lạc, dễ theo dõi. Khi trình bày đề cương, cần chú ý ba điểm sau đây:

– Đặt tiêu đề, đề mục, tiểu mục cho các phần, các thành phần nội dung. Các thành tố nội dung ngang hàng phải được biểu đạt bằng các cấu trúc ngôn ngữ đồng loại. Chẳng hạn, một ý nào đó được diễn đạt bằng một cụm từ thì ý khác ngang hàng với nó cũng diễn đạt bằng một cụm từ.

– Dùng ngôn ngữ (từ, cụm từ, câu rút gọn) và các hệ thống kí hiệu khác như chữ số (chữ số La Mã, chữ số Ả Rập), các chữ cái thường (a, b, c, v.v.), các dấu -, +, *, v.v. để trình bày các thành tố nội

– Cần tránh các lỗi: lan man, lộn xộn, không cân đối, không nhất quán.

d. Minh họa cách trình bày một đề cương chi tiết

Ví dụ 1. Đề cương bài báo Chất thơ trong truyện Nguyễn Tuân của TS. Đặng Lưu

1. Dẫn nhập

– Trong văn học, mỗi thể loại có đặc trưng riêng, phản ánh kiểu tư duy nghệ thuật, một kiểu tiếp cận, một kiểu tổ chức ngôn ngữ đặc thù. Dĩ nhiên, các thể loại vẫn có sự giao thoa, xuyên thấm vào nhau, đặc biệt trong văn học hiện đại

– Nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận, các tác phẩm của Nguyễn Tuân như Chiếc lư đồng mắt cua và Vang bóng một thời giàu chất thơ. Bài viết phân tích một số biểu hiện chất thơ trong truyện Nguyễn Tuân.

2. Những biểu hiện chất thơ trong truyện Nguyễn Tuân

2.1. Cái nhìn mĩ hóa, thi vị hóa đối tượng

a. Tạo chất thơ từ cái nhìn

– Khám phá vẻ đẹp trong không gian và nhân ảnh.

– Sự nhất quán trong cái nhìn Nguyễn Tuân

b. Những biểu hiện

– Nhìn ra những vẻ đẹp ẩn tàng trong mỗi con người, mỗi đồ vật.

+ Trong con người: cụ Sáu (Những chiếc ấm đất), cụ Ấm (Chén trà sương), cụ Kép (Hương cuội), v.v..

+ Trong đồ vật: những cái ấm (Những chiếc ấm đất), bộ chén ngọc liệu (Ngôi mả cũ), chiếc lư đồng (Chiếc lư đồng mắt cua), v.v..

– Sự bộc lộ cảm xúc chủ quan

+ Luôn bộc lộ tình cảm

+ Cảm xúc của thi ca trong câu văn

2.2. Khai thác chức năng thơ của ngôn ngữ

a. Khái niệm chức năng thơ

– Dẫn quan niệm của R.Jakobson về chức năng thi ca của ngôn ngữ

– Ý thức khai thác chức năng thơ của Nguyễn Tuân

b. Các bình diện

– Sử dụng lớp từ thi ca

+ Tần số sử dụng lớp từ thi ca cao

+ Hiệu quả: câu văn lấp lánh màu sắc văn chương, rung cảm mạnh mẽ

– Vận dụng nguyên lí tương đương trong ngôn ngữ

+ Sử dụng có hiệu quả điều tối kị trong văn xuôi là lặp lại các chiết đoạn.

+ Phân tích một số dẫn chứng.

– Gia tăng nhạc tính cho lời văn

+ Nhạc tính trong thơ và văn xuôi

+ Sử dụng nhiều biện pháp để gia tăng nhạc tính (phối ứng thanh điệu, sử dụng từ láy, dùng phép lặp, v.v.).

3. Kết luận

– Khẳng định truyện Nguyễn Tuân giàu chất thơ do nhiều tác nhân nhưng ngôn ngữ đóng vai trò quyết định.

– Ngôn ngữ tác giả cũng được hình thành trên nguyên tắc ấy.

2.3. Thực hành viết văn bản (hiện thực hóa chương trình)

a. Yêu cầu của bước viết văn bản

Nếu như đề cương là bản thiết kế nội dung của văn bản, nghĩa là, về hình thức chỉ là những mảnh đoạn rời rạc thì đến bước viết văn bản, người viết sử dụng các đơn vị ngôn từ (từ, câu, đoạn văn) và các phương tiện liên kết để chuyển đề cương thành văn bản hoàn chỉnh. Đây là bước khó khăn nhất, phức tạp nhất, bởi nó đòi hỏi các kĩ năng tổ chức văn bản. Các yêu cầu viết văn bản gồm:

a1. Bám sát đề cương

Đề cương là đường hướng chính của văn bản, do đó, nó là chỗ dựa để người viết triển khai viết văn bản. Viết văn bản là thi công từ một bản thiết kế, tức đề cương, dĩ nhiên, phải bám sát đề cương.

a2. Chú ý đặc điểm của các phần

Ba phần trong kết cấu văn bản khác nhau về vị trí, chức năng, do đó, cách viết có những yêu cầu khác nhau: phần mở đầu và phần kết thúc trình bày nội dung khái quát, còn phần triển khai phải trình bày phải hết sức cụ thể, chi tiết.

a3. Huy động kiến thức

Người viết phải huy động các kiến thức trong sách vở và trong đời sống để diễn dịch cụ thể, chi tiết các nội dung trong đề cương.

a4. Đảm bảo tính cân đối, nhất quán

Khi viết văn bản phải đảm bảo cân đối giữa các phần, các chủ đề bộ phận, các ý lớn nhỏ; đồng thời chú ý tính liên kết, tính mạc lạc trong toàn văn bản.

a5. Kiểm tra đề cương

Trong quá trình viết văn bản, một mặt phải bám sát đề cương, nhưng mặt khác, phải xem xét và có thể điều chỉnh đề cương cho phù hợp.

b. Trích dẫn khi viết văn bản

Khi viết văn bản, để khẳng định hay bác bỏ, minh họa hay so sánh đối chiếu, v.v. một nội dung nào đó, người viết có thể trích dẫn nội dung thông tin từ một nguồn nào đó. Các loại trích dẫn thường gặp gồm trích dẫn ý và trích dẫn nguyên văn. Trích dẫn ý là cách tóm tắt hay tổng thuật một nội dung nào đó để sử dụng trong văn bản. Trích dẫn ý chỉ cần mở đầu bằng dấu hai chấm (:), hoặc dùng các từ ngữ báo hiệu (rằng, là, cho rằng, v.v.) nhưng cũng phải nêu rõ nguồn dẫn. Trích dẫn nguyên văn là cách dẫn nguyên vẹn một câu, một đoạn nào đó từ một văn bản nguồn. Dẫn nguyên văn phải để trong ngoặc kép (“…”) và nêu rõ nguồn dẫn (của ai, tên tài liệu, nhà xuất bản, trang). Nguồn dẫn có thể số hóa và cho vào móc vuông.

2.4. Hoàn thiện văn bản

a. Yêu cầu của bước hoàn thiện văn bản

Hoàn thiện văn bản là rà soát lại toàn bộ văn bản để phát hiện những sai sót và những bất hợp lí, từ đó tiến hành sửa chữa, điều chỉnh nhằm hoàn thiện văn bản ở mức độ cao nhất. Khi thực hiện các bước tạo lập văn bản, người viết có thể có những sai sót nào đó. Lỗi văn bản rất đa dạng và có thể liên quan đến nhiều cấp độ như từ, câu, đoạn văn và văn bản. Các cấp độ từ, câu, đoạn văn, chúng tôi sẽ đề cập ở các chương tiếp sau, ở đây, chỉ bàn tới cấp độ văn bản.

b. Các công việc hoàn hiện văn bản

– Xác định các loại lỗi ở cấp độ văn bản. Khi xem xét văn bản một cách tổng thể, cần chú ý những điểm sau đây:

+ Xem tiêu đề văn bản đã tương thích với nội dung văn bản chưa.

+ Các bộ phận cấu thành văn bản đã nằm trong quan hệ cân xứng, hài hòa chưa: dung lượng giữa phần mở đầu và phần kết thúc so với phần triển khai; dung lượng giữa các chủ đề bộ phận ở phần triển khai trong tương quan với chủ đề văn bản.

+ Sự liên kết chặt chẽ giữa các đoạn văn, giữa các phần trong văn bản đã đảm bảo chưa; chú ý các câu chuyển đoạn trong văn bản.

+ Việc tách đoạn đã hợp lí chưa; xem xét đoạn ý và đoạn chuyển tiếp.

– Tiến hành sửa chữa các lỗi (nếu có).

(Nguồn tham khảo: Nguyễn Hoài Nguyên, Giáo trình thực hành tiếng Việt)