Giá trị âm văn hóa dân tộc việt nam năm 2024

Theo dõi Hội thảo Văn hóa 2022, Tiến sĩ, Nghệ sĩ đàn bầu Lê Hoài Phương mong muốn, thông qua Hội thảo, Quốc hội, Nhà nước sẽ có sự nghiên cứu kĩ lưỡng, định hướng và đầu tư dài hạn cho nền văn hóa – âm nhạc dân tộc Việt Nam.

“CỨU” VĂN HÓA DÂN GIAN TRƯỚC “CƠN LỐC HIỆN ĐẠI HÓA”

Giá trị âm văn hóa dân tộc việt nam năm 2024

Tiến sĩ, Nghệ sĩ đàn Bầu Lê Hoài Phương

Phóng viên: Đàn Bầu là một trong số loại nhạc cụ truyền thống đặc biệt của Việt Nam, ông có thể cho biết trên thế giới có bao nhiêu loại đàn một dây tương tự như đàn bầu của Việt Nam?

Tiến sĩ, Nghệ sĩ đàn bầu Lê Hoài Phương: Trên thế giới có nhiều loại nhạc cụ một dây, phân bố nhiều nhất là ở châu Á rồi đến châu Phi và một số nước ở miền Nam châu Âu. Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Phạm Phúc Minh thì có đàn Gulse (Serbia), đàn Rababa (Arabic), đàn Ektar(Ấn Độ), đàn Urutu(Kenya), đàn Ichigenkin(Nhật Bản)…

Nhìn chung có thể nhận thấy nhạc cụ một dây trên thế giới có rất nhiều. Tuy nhiên đàn Bầu Việt Nam là nhạc cụ 1 dây có âm sắc, lối diễn tấu độc đáo từ cách sử dụng bồi âm (tay phải), cũng như cách rung-luyến láy- nhấn- nhả những quãng 2,3,4,5 bên cần đàn (tay trái) mà chỉ có đàn Bầu mới có. Bản thân cái tên đàn Bầu đã rất Việt Nam rồi, vì thế có thể nói rằng đàn Bầu là duy nhất và là sản phẩm của người Việt, diễn tấu mang âm sắc và văn hóa truyền thống Việt Nam.

Tôi có dịp được đi diễn nhiều nước trên thế giới thì nhận thấy rằng các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, đặc biệt là khán giả đều rất quan tâm tới đàn Bầu. Ngoài yếu tố hình dáng, cấu tạo một dây độc đáo, âm sắc của đàn Bầu cũng độc đáo và không giống với âm sắc các nhạc cụ nước nào khác. Âm sắc của đàn Bầu làm cho người nghe thấy gần gũi và có sự truyền cảm sâu sắc chạm đến trái tim khán giả quốc tế dù họ được nghe trình diễn một bản nhạc dân ca Việt Nam hay bản nhạc của nước bạn đi chăng nữa.

Phóng viên: Theo ông, đàn bầu chiếm vị trí như thế nào trong nền âm nhạc Việt Nam?

Tiến sĩ, Nghệ sĩ đàn bầu Lê Hoài Phương: Để so sánh bất kì một loại hình âm nhạc nào với nhau đều có sự khập khiễng nhất định bời mỗi loại hình đều có dòng chảy riêng và khán giả riêng. Tuy nhiên cần nhìn nhận thực tế, nghệ thuật đương đại có quá nhiều món ăn, vì thế công chúng cũng bị chia nhỏ ra. Đấy là bài toán người làm âm nhạc dân tộc cần tìm lời giải.

Giá trị âm văn hóa dân tộc việt nam năm 2024

Tiến sĩ, Nghệ sĩ đàn bầu Lê Hoài Phương cho rằng để tiếp cận được công chúng người nghệ sĩ cần chủ động với những sản phẩm âm nhạc có tính đột phá cụ thể

Trước nay, chúng ta luôn hoạt động trong tâm thế giữ gìn bản sắc nhiều hơn là tìm cách tiến tới gần công chúng. Tôi nghĩ để tiếp cận được công chúng người nghệ sĩ cần chủ động tiến tới họ hơn thông qua những sản phẩm âm nhạc có tính đột phá cụ thể.

Tôi nghĩ đây là lúc cần thay đổi tư duy rằng nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc dân tộc cần cạnh tranh để lấy công chúng cho mình, làm nghề với tâm thế chủ động hướng tới khán giả. Những nghệ sĩ trẻ cần được khuyến khích thành lập nhiều band nhóm, tự sáng tác nhiều tác phẩm mới lấy chất liệu dân tộc nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố hơi thở thời đại thì tôi nghĩ họ là thế hệ có thể tiếp cận rộng rãi hơn với công chúng. Bằng sức trẻ, nhiệt huyết tôi tin họ có thể tiến xa, nếu biết tận dụng hết những điều kiện thuận lợi đang có.

Phóng viên: Là một nghệ sĩ chơi đàn bầu nhiều năm, ông có thể cho biết những yếu tố quan trọng nào để nghệ sĩ chơi đàn Bầu có thể thăng hoa mang đến những sản phẩm âm nhạc hay?

Tiến sĩ, Nghệ sĩ đàn bầu Lê Hoài Phương: Mặc dù đàn Bầu chỉ có một dây đàn, nhưng người Việt đã sáng tác ra nhiều ca khúc các loại khúc nhạc với phong cách khác nhau cho đàn bầu. Là một người giảng dạy đàn bầu ở Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh một cái nôi âm nhạc của miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung. Ngoài vai trò giảng dạy tôi cũng đi biểu diễn nhiều nơi để phục vụ khán giả trong nước cũng như quốc tế nhằm truyền bá văn hóa Việt Nam, xa hơn nữa là truyền bá cây đàn Bầu đến với khán giả năm châu với mong muốn nhiều người được thưởng thức và hiểu biết nhiều hơn về nhạc cụ một dây với lỗi diễn tấu độc đáo của Việt Nam chúng ta.

Mỗi nghệ sĩ đều có một cách riêng và tâm hồn riêng để xử lý ca khúc, tác phẩm một cách hay nhất, cảm xúc nhất mang đến với khán giả của mình. Đối với bản thân tôi thì tôi luôn cố gắng rèn luyện mỗi ngày, trau chuốt từng tiếng đàn, ngón đàn của mình để mỗi ngày được tốt hơn, có bản sắc riêng. Còn khi lên sân khấu tôi cho phép bản thân mình sống thật và cháy hết năng lượng - cảm xúc của mình. Chỉ có như thế khán giả mới cảm nhận được những gì tôi mang lại cho họ.

Phóng viên: Mặc dù đàn Bầu là một nhạc cụ đặc sắc của Việt Nam, có vị trí đặc biệt quan trọng đối với đời sống tinh thần của người Việt. Nhưng đến nay đàn Bầu vẫn chưa được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia? Quan điểm và mong muốn của ông như thế nào?

Tiến sĩ, Nghệ sĩ đàn bầu Lê Hoài Phương: Tôi nghĩ rằng, không chỉ riêng mình tôi mà rất nhiều nghệ sĩ gạo cội, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc đều đã và đang nỗ lực, mong muốn rằng đàn Bầu sớm được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia và xa hơn nữa là di sản của thế giới.

Giá trị âm văn hóa dân tộc việt nam năm 2024

Tiến sĩ, Nghệ sĩ đàn Bầu Lê Hoài Phương diễn tấu đàn Bầu tại Hàn Quốc

Trong số các nhạc cụ dân tộc ở nước ta, đàn Bầu là nhạc cụ nhận được sự chú ý, quan tâm nhiều nhất của các nhạc sĩ sáng tác và những người nghiên cứu, cải tiến nhạc cụ. Điều đó được minh chứng bằng số lượng tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc độc tấu và số lượng cũng như quy mô của các đề tài nghiên cứu, cải tiến nhạc cụ dân tộc thì bao giờ đàn Bầu cũng chiếm nhiều nhất. Trong các chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam phục vụ du khách quốc tế, khách ngoại giao hoặc phục vụ các sự kiện lớn ở trong nước cũng như chương trình của các nhóm, các đoàn đi biểu diễn ở nước ngoài luôn phải có tiết mục đàn Bầu.

Ở các nước châu Á phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản thì các hội thảo về âm nhạc Châu Á, âm nhạc dân tộc thế giới được tổ chức khá thường xuyên. Tôi cũng mong rằng các cơ quan ban ngành nhà nước tổ chức được nhiều hội thảo, workshop về âm nhạc dân tộc hơn đặc biệt là các hội thảo chuyên sâu về đàn Bầu, về các lối diễn tấu cổ truyền mà chỉ có Việt Nam mới có. Nếu chúng ta mời thêm các nhà nghiên cứu nước ngoài cùng tham gia trao đổi thì vị thế đàn Bầu của chúng ta cũng sẽ khác đi rất nhiều.

Trước khi chúng ta đạt được những sự công nhận đó thì thay vì chờ đợi, mỗi nghệ sĩ đàn Bầu, những người yêu đàn Bầu cùng nhau cố gắng lan tỏa tiếng đàn Bầu đến càng gần công chúng Việt Nam, công chúng quốc tế càng nhiều càng tốt. Tạo cho đàn Bầu có một sức sống và dòng chảy mạnh mẽ trong đời sống văn hóa hiện nay.

Phóng viên: Tại Hội thảo Văn hóa 2022 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với các cơ quan tổ chức vừa qua, đã có rất nhiều ý kiến chuyên gia đề cập, và góp ý về những giải pháp để phát triển âm nhạc dân tộc cũng như các loại hình nghệ thuật dân gian. Quan điểm của ông như thế nào?

Tiến sĩ, Nghệ sĩ đàn bầu Lê Hoài Phương: Nếu để chọn ra một cây đàn đại diện cho nhạc cụ dân tộc Việt Nam, có khả năng giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam, tôi chắc rằng đàn Bầu sẽ là một ứng cử sáng giá. Trong nhiều năm qua, đã có nhiều bài viết, luận văn, luận án, công trình nhiên cứu, đề tài cải tiến nhạc cụ về đàn bầu. Tuy nhiên, để cho cây đàn bầu được lưu truyền, phát triển lâu dài và bền vững, tôi cho rằng có khá nhiều việc cần phải làm.

Văn hóa dân tộc là cốt lõi và trường tồn đối với một quốc gia. Qua các ý kiến góp ý tại Hội thảo Văn hóa 2022 cho âm nhạc và văn hóa dân tộc, tôi mong Quốc hội, Nhà nước chúng ta sẽ có sự nghiên cứu kĩ lưỡng, định hướng và đầu tư dài hạn cho nền văn hóa – âm nhạc dân tộc Việt Nam. Từ đó đưa văn hóa truyền thống cùng phát triển bền vững bên cạnh các ngành du lịch, kinh tế khác.

Đặc biệt sớm để đàn Bầu được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia trước khi đề nghị UNESCO xem xét, công nhận đàn Bầu là di sản thế giới. Tôi cho rằng, đây là một việc làm vô cùng cần thiết để có thể làm tốt hơn công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của đàn bầu. Đồng thời khẳng định lại một lần nữa, cây đàn bầu là của người Việt Nam, từ đó lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục thực hiện “bảo tồn mở” bằng nghiên cứu, giới thiệu, giảng giải để có nhiều người hiểu, đào tạo người nghe để có người theo học nghề và làm nghề,… Một trong những giải pháp là đưa âm nhạc dân tộc, trong đó có đàn Bầu vào môi trường giáo dục, khi học sinh, sinh viên hiểu được cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân tộc, sẽ không bao giờ có chuyện lãng quên.