Giải thích vai trở của căn cứ địa cách mạng Việt Bắc

Chiến khu Việt Bắc, còn được gọi là Khu giải phóng Việt Bắc, từng là căn cứ địa lớn nhất của cách mạng Việt Nam thời kỳ cao trào kháng Nhật, cứu nước và chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945.

Cuối tháng 5 năm 1945, theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập trên cơ sở hợp nhất, mở rộng Chiến khu Cao - Bắc - Lạng và Chiến khu Thái - Hà - Tuyên, với trung tâm là Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang); bao gồm vùng giải phóng 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một phần các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Phúc.

Chiến khu Việt Bắc có diện tích khoảng 40.000 km2, dân số hơn 1 triệu người, gồm hơn 20 dân tộc sinh sống, chủ yếu là người Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông… Địa hình nối liền với phía nam Trung Quốc. Rừng núi Việt Bắc chiếm 2/3 diện tích tự nhiên. Địa hình cao về phía bắc, thấp dần về phía nam và tây nam. Hệ thống núi đá xen lẫn núi đất, điển hình là cánh cung Bắc Sơn, cánh cung Ngân Sơn và cánh cung Sông Gâm. Các sông lớn: Sông Thao, Sông Lô, Sông Cầu, Sông Thương, sông Lục Nam; các sông đều có giá trị về giao thông đường thủy. Giao thông đường bộ có Quốc lộ 3 nối Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên với Hà Nội, Quốc lộ 2 nối Hà Giang, Tuyên Quang qua Việt Trì đến Hà Nội; Quốc lộ 1 từ Hà Nội đi Lạng Sơn. Đường biên giới dài trên 300 km có hàng chục cửa khẩu với Trung Quốc. Khí hậu nhiệt đới gió mùa, khá khắc nghiệt, mùa đông giá lạnh, mùa hè ẩm ướt; lượng mưa trung bình trong năm 1.400-1.600 mm; nhiệt độ trung bình khoảng 20-23C ở vùng có độ cao dưới 500 m và dưới 20C ở vùng có độ cao từ 500 m trở lên. Độ ẩm trung bình khoảng 81-83%. Địa hình Việt Bắc hiểm trở, với nhiều nơi xung yếu, hệ thống giao thông thủy, bộ đa dạng liên hệ khá thuận lợi với các vùng khác cũng như việc tổ chức phòng thủ, xây dựng lực lượng kháng chiến, phát triển chiến tranh du kích và xây dựng kinh tế địa phương, phục vụ cách mạng. Các dân tộc ở đây có truyền thống yêu nước, đoàn kết kiên cường chống ngoại xâm, sớm theo cách mạng, theo Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Chiến khu Việt Bắc được xây dựng thành một căn cứ địa vững chắc về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, làm bàn đạp Nam tiến, giải phóng toàn quốc. Về chính trị, Ban chấp hành Việt Minh từ cấp xã đến tỉnh được hoàn thiện. Ủy ban chỉ huy lâm thời Chiến khu Việt Bắc thành lập chính quyền cách mạng tại các địa phương. Chính quyền cách mạng ngày càng lớn mạnh, lấn át chính quyền tay sai của phát xít nhật. Về quân sự, ủy ban quân sự các cấp được thành lập và đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng, có nhiệm vụ chỉ huy các trận chiến đấu chống Nhật, tiễu phỉ, trừ gian, mở rộng căn cứ địa; đồng thời xây dựng và phát triển lực lượng; chuẩn bị mọi mặt về quân sự cho khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa. Sau thắng lợi của trận Tam Đảo (16.7.1945), Chiến khu Việt Bắc không ngừng được mở rộng. Từ đây, các đơn vị giải phóng tiến sang các vùng lân cận. Từ Tân Trào liên lạc với an toàn khu của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở ngoại thành Hà Nội và vùng giáp ranh; liên lạc với Chiến khu Quang Trung, Chiến khu Trần Hưng Đạo. Tại Chiến khu Việt Bắc còn diễn ra một số hoạt động của quân Đồng minh (Mỹ), liên kết với Việt Minh đánh Nhật. Về kinh tế, chính quyền cách mạng vận động nhân dân tích cực sản xuất, thực hành tiết kiệm, ổn định đời sống. Tại các huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang); Chợ Đồn, Chợ Rã (Bắc Kạn); Định Hóa (Thái Nguyên)... tổ chức hợp tác xã mua bán, vận chuyển hàng hóa về xuôi và đưa muối, diêm lên phục vụ đồng bào. Về văn hóa xã hội, thực hiện chủ trương của Ủy ban chỉ huy lâm thời, Trường Cứu quốc sơ cấp và Trường Sư phạm được mở ở huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Các trường, lớp được mở ở xã cho con em các dân tộc đến học tập, xóa nạn mù chữ. Nếp sống mới được tuyên truyền, tổ chức rộng rãi. Toàn khu có các báo: Nước Nam mới, Quân giải phóng; các tỉnh Cao - Bắc - Lạng có tờ Việt Nam độc lập. Đồng thời, Ủy ban chỉ huy lâm thời chỉ đạo các đơn vị Việt Nam giải phóng quân cùng tự vệ, du kích tiến công địch ở nhiều nơi, mở rộng khu giải phóng. Ngày 13-15.8.1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngay đêm 13.8, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập, Tổng bí thư Trường Chinh, trực tiếp phụ trách ra Quân lệnh số 1, phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc. Ngày 16.8, Quốc dân đại hội diễn ra ở Tân Trào, thống nhất chủ trương tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng, thông qua lệnh khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh và 10 chính sách lớn của Việt Minh. Đại hội quy định quốc kỳ, quốc ca và cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa), do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm chủ tịch.

Chiến khu Việt Bắc là nơi nhận được mệnh lệnh tổng khởi nghĩa sớm nhất trong toàn quốc. Các đơn vị bộ đội chủ lực giải phóng quân và lực lượng du kích, tự vệ địa phương cùng với nhân dân nổi dậy, giải phóng các châu lị, thị trấn, thị xã trên địa bàn Việt Bắc và vùng ven Chiến khu Việt Bắc. Cùng với cả nước, tổng khởi nghĩa ở Chiến khu Việt Bắc đã giành thắng lợi.

Chiến khu Việt Bắc giữ vai trò quan trọng bảo đảm bí mật, an toàn nơi làm việc và chỉ đạo cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Mặt trận Việt Minh. Mặc dù tồn tại trong thời gian ngắn, Chiến khu Việt Bắc cho thấy hình ảnh một nước Việt Nam mới, những hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa thể hiện chức năng xây dựng chế độ xã hội ưu việt. Hiện nay, Chiến khu Việt Bắc vẫn còn các di tích: ATK Định Hóa, đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, lán Nà Lừa, hang Pắc Bó… là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng cho mọi thế hệ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  • Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005.
  • Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  • Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.
  • Hoàng Ngọc La, Căn cứ địa Việt Bắc (1940-1945), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.
  • Việt Bắc - 30 năm chiến tranh cách mạng (1945-1975), tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990.

Việt Bắc trước đây gồm có các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Việt Bắc có địa danh Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) là nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt dấu chân đầu tiên khi trở về Tổ quốc vào mùa xuân năm 1941, sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước. Chính tại đây người đã xây dựng căn cứ cách mạng, tổ chức ra Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ Việt Bắc, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã lãnh đạo cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Giải thích vai trở của căn cứ địa cách mạng Việt Bắc
Giải thích vai trở của căn cứ địa cách mạng Việt Bắc
Giải thích vai trở của căn cứ địa cách mạng Việt Bắc
Giải thích vai trở của căn cứ địa cách mạng Việt Bắc

Giải thích vai trở của căn cứ địa cách mạng Việt Bắc

Chiến sĩ Trung đội 1 thuộc Đại đội 1 (Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Pháo phòng không 210, Quân khu 1) luyện tập quan sát mục tiêu trên không, bảo vệ bầu trời Việt Bắc. Ảnh: XUÂN GIANG.

Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán được âm mưu, hành động của thực dân Pháp sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định, nếu muốn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, thì chúng ta phải kháng chiến lâu dài. Điều kiện cơ bản để kháng chiến lâu dài là phải bảo tồn và phát triển lực lượng kháng chiến, đồng thời phải xây dựng được những khu căn cứ vững chắc, an toàn... Khu căn cứ kháng chiến quan trọng nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn là Việt Bắc, nơi mà lòng yêu nước của đồng bào hòa nhập với hình thế hiểm trở của núi sông thành một lực lượng vô địch để chống lại kẻ thù. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phân công nhiệm vụ tiếp tục ở lại Việt Bắc để củng cố căn cứ địa cách mạng sau khi Chính phủ cách mạng lâm thời về Hà Nội năm 1945. Đến tháng 10-1946, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trưởng ban Tài chính Trung ương Đảng được Bác Hồ giao nhiệm vụ trở lại Việt Bắc để chuẩn bị địa điểm xây đựng căn cứ địa kháng chiến. Một số địa điểm thuộc huyện Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn) được chọn làm nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ trong trường hợp phải rời khỏi Thủ đô.

Tháng 11-1946, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đội công tác đặc biệt do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách, chuyên lo việc nghiên cứu di chuyển và chọn địa điểm an toàn đặt các cơ quan Trung ương trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Giữa tháng 12-1946, một số cán bộ trong Đội công tác đặc biệt lần lượt lên vùng Việt Bắc làm nhiệm vụ.

Sau một thời gian khảo sát thực tế, cân nhắc kỹ lưỡng mọi mặt, Đội quyết định chọn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên) cùng với các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) làm nơi xây dựng ATK của Trung ương. Đó là những nơi có đủ các yếu tố địa lợi và nhân hòa bảo đảm sự an toàn cho các cơ quan đầu não kháng chiến hoạt động.

Đúng như Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh dự đoán, sau khi ký Hiệp định sơ bộ (6-3) và Tạm ước Việt-Pháp (14-9-1946), thực dân Pháp đã ngang nhiên bội ước, liên tiếp gây ra các hoạt động khiêu khích xâm lược ngày càng trắng trợn. Trong hoàn cảnh ấy, nhân dân ta phải cầm vũ khí tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược để bảo vệ những thành quả cách mạng và ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”. Ngay sau đó, cùng với việc giam chân địch tại Hà Nội, các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thường trực Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Quân đội, các đoàn thể chính trị và các nhà máy quan trọng đã được chuyển dần lên Việt Bắc. Việt Bắc, từ “Thủ đô cách mạng” đã trở thành “Thủ đô kháng chiến”. Từ “Thủ đô kháng chiến”, Trung ương Đảng, Bác Hồ, Bộ Tổng tư lệnh ra nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của cả dân tộc.

Việt Bắc không chỉ làm tròn sứ mệnh của “Thủ đô kháng chiến” mà còn là nơi diễn ra các chiến dịch, các trận đánh lớn của ta làm thay đổi cục diện trên chiến trường, trong đó có hai chiến thắng vang dội là Chiến thắng Việt Bắc Thu Đông năm 1947 và Chiến thắng Biên Giới năm 1950.

Trong Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947, quân và dân ta đã đánh bại hơn 12 nghìn quân tinh nhuệ Pháp trong hai cuộc hành binh lên Việt Bắc. Qua 75 ngày đêm chiến đấu, quân dân ta đã phá tan chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” bằng “đòn quyết định”, buộc nhà cầm quyền Pháp theo đuổi một cách bị động cuộc chiến tranh kéo dài ngoài ý muốn.

Đến năm 1950, lực lượng kháng chiến của ta trưởng thành về mọi mặt, Đảng và Chính phủ quyết định mở Chiến dịch Biên Giới (trên địa bàn hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn) nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần vùng biên giới phía Bắc, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, khai thông đường liên lạc quốc tế với các nước xã hội chủ nghĩa.

Không chỉ trực tiếp tham gia chiến đấu, nhân dân Việt Bắc còn là hậu phương cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đóng góp nhiều lương thực, thực phẩm và trực tiếp sản xuất vũ khí chi viện các chiến trường.

Tiếp nối truyền thống cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trong những năm kháng chiến chống Mỹ và từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc thuộc các địa phương trong Chiến khu Việt Bắc trước kia vẫn luôn kề vai sát cánh cùng quân dân cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, Việt Bắc-Quân khu 1 vẫn giữ vị trí rất quan trọng với quốc gia cả về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại. Những bài học kinh nghiệm từ xây dựng căn cứ địa Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã và đang được Quân khu 1 vận dụng để xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, củng cố “thế trận lòng dân”, làm nền tảng vững chắc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trên địa bàn.

Đại tá ĐỖ PHÚ THỌ, Phó chủ nhiệm chính trị Quân khu 1