Những bài hát thể hiện văn hóa của việt nam

Nhớ lời Bác Hồ từng dặn dò "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta ...". Đây là lời trích dẫn trong trong bài "Báo cáo chính trị" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng Lao động Việt Nam - tháng 2 năm 1951. Sau này, nhà xuất bản Giáo dục Giải phóng - 1973 đã đặt tựa cho đoạn trích bài viết này trong sách Văn Hồ Chủ Tịch là: "Tinh thần yêu nước của nhân dân ta".

Đi kèm với những văn bản lý luận của Bác Hồ cũng như của những các nhà nghiên cứu nhiều thời kì về lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam, thế hệ các nghệ sĩ, nhạc sĩ cũng đóng góp vào kho tàng văn hóa, văn nghệ nhiều tác phẩm có giá trị và ý nghĩa. Trải qua những thăng trầm lịch sử, các sáng tác đậm chất thơ và tinh thần yêu nước đó vẫn mãi ở trong lòng những người con của Tổ quốc Việt Nam.

Không chỉ là những ca khúc tiền chiến cách hiện tại hàng chục năm trời, bước vào thế kỉ 21, thế hệ sau cách mạnh cũng đã có những sáng tác vô cùng mới mẻ để thể hiện lòng yêu nước trong sáng và nồng nàn ấy. Quá khứ hào hùng và hiện tại lạc quan tiếp tục đan xen nhau, tạo thành khối đoàn kết và thương yêu vững chắc trên giải đất hình chữ S.

Ðặc biệt là những bài hát về đề tài cách mạng truyền thống và những bài hát hay về đất nước, quê hương. Kể cả những bài hát về tình yêu nhưng đó là những giai điệu lạc quan và ca ngợi tình yêu cao cả, thủy chung và trọn đời cho người lính đã đổ máu vì Tổ quốc, vì độc lập tự do. Và nhiều thí sinh đã thành công vượt trội qua những bài hát truyền thống ấy và đoạt giải cao.

Giải Sao Mai (THVN) mới đây đã thể hiện sự quyết định thắng lợi ở ý thức và trình độ ca hát cao cấp của các thí sinh khi chọn ca khúc cách mạng và truyền thống.

Các thí sinh chọn những ca khúc cách mạng và truyền thống vì mấy lý do sau. Trước hết đó là những giai điệu hay, lạc quan ẩn chứa cảm xúc sâu sắc của tác giả về cuộc sống, về đất nước. Thứ nữa và không kém phần quan trọng là những bài hát ấy thể hiện một kỹ thuật sáng tác chuẩn mực giúp cho các thí sinh có điều kiện trình bày sắc nét nhất vẻ đẹp của giọng hát vốn có của mình. Ðó là những khoảng vang ở độ cao nồng cháy cảm xúc hoặc ở đó là những quãng trầm hùng dầy dặn gây xúc động lòng người.

Và cuối cùng có thể nói rằng khi trở lại với những giai điệu hào hùng một thuở đã làm cho những cảm xúc của người hát thấy tươi mới và thanh thoát với một bầu trời âm thanh thật sự mãnh liệt. Do vậy nhiều người hát đã mạnh dạn trình diễn ca khúc rất khó như: Tôi là người thợ lò, Người Hà Nội, Xa Khơi, Ðất nước tôi, Mùa xuân, Bài ca Hà Nội, Bài ca không quên, Tiếng đàn bầu, Trường ca Sông Lô...

Người nghe cũng luôn luôn đón nhận từ những ca khúc ấy bằng những cảm xúc dồi dào và thân thương. Những bài hát cách mạng và truyền thống ấy một thời đã đi vào con tim hàng chục triệu đồng bào và chiến sĩ cả nước với những kỷ niệm sâu sắc nhất. Ðó là một thời sôi động nhất của lịch sử cách mạng Việt Nam làm chấn động thế giới khi giành lại được độc lập tự do cho dân tộc.

Chẳng ai có thể quên được những giai điệu chân thành và giàu sức chiến đấu như: Tiểu đoàn 307, Nhớ ơn Hồ Chủ tịch, Làng tôi, Ngày mùa, Du kích Ba Tơ, Hò kéo pháo, Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Tiến về Hà Nội, Thăng Long hành khúc ca, Qua sông, Rặng trâm bầu...

Kho tàng ca khúc cách mạng và truyền thống tưởng như vô tận, vì hiện nay vẫn còn nhiều nhạc sĩ tiếp tục sáng tác theo khuynh hướng tới cái đẹp cao thượng của hình tượng âm nhạc cách mạng. Các nhạc sĩ Hồng Ðăng, Phạm Minh Tuấn, Nguyễn Cường, Trần Tiến... đã tiếp tục có những bài hát để đời cho các thế hệ mai sau.

Vừa qua một số trung tâm ca nhạc thăm dò thị trường bằng các CD ca nhạc với các ca khúc truyền thống cách mạng thì thấy bán rất chạy như Tiểu đoàn 307 và Tình ca màu xanh, gồm các bài hát Tiểu đoàn 307, Tình đất đỏ miền Ðông, Hãy yên lòng mẹ ơi, Chiếc khăn tay, Vàm Cỏ Ðông, các album Nhịp cầu âm nhạc; Những bài ca không quên. Cũng chính với các giọng hát nổi tiếng ở thị trường ca nhạc trẻ, họ đã hát những bài hát truyền thống cách mạng hết sức thành công như Thanh Thúy với Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Cẩm Ly với Con kênh xanh xanh, Ðan Trường với ca khúc Ðất nước và Người mẹ của tôi, Khánh Duy với Chiếc vòng cầu hôn, Phương Thanh với Bài ca không quên hoặc Minh Thuận với Một đời người, một rừng cây...

Trong khi đó ở nhiều trung tâm ca nhạc trẻ hiện nay hình như chỉ tổ chức để chạy theo lợi nhuận, tạo nên một lớp khán giả dễ dãi với thị hiếu tầm thường, yếu đuối trong các đề tài tình yêu tan vỡ, xót xa, bi lụy. Tình hình thị trường âm nhạc ấy nói lên một điều rất rõ rệt là nếu thả lỏng để cho thị trường tự phát ắt dẫn tới một khuynh hướng làm tầm thường hóa trên cả hai lĩnh vực sáng tác của các nhạc sĩ và thưởng thức của người nghe. Hình tượng âm nhạc truyền thống cách mạng vẫn luôn luôn có sức hút, sức gợi mở sáng tạo mạnh mẽ. Những sáng tác mới cần phát huy truyền thống ấy.